Wednesday 3 July 2013

VAI NET VE AN CU KIET HA CUA GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.2013.

VÀI NÉT VỀ AN CƯ KIẾT HẠ TẠI CHÙA BẢO QUANG - 2013


            Hàng năm sau mùa Phật đản chừng một tháng, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 7,  là đến mùa an cư kiết hạ. An cư kiết hạ là truyền thống được truyền  đi từ thời Đức Phật. Ở Ấn Độ,  mùa hạ cũng là mùa mưa, côn trùng ra đường rất nhiều, nên để tránh làm tổn hại sinh vật, cũng như để chư tăng không bị những bất tiện khi ra ngoài trong mùa mưa, Đức Phật đã chế định “an cư” vào mùa mưa trong ba tháng. 



            Những ngày cuối tháng sáu ở miền Nam Cali, khí hậu đang mát mẻ bỗng có một luồng khí nóng bay qua, khiến trở thành mùa hạ trong cơn nóng bỏng. Khóa nghiên tu an cư kiết hạ ở chùa Bảo Quang rơi đúng vào những ngày nắng cháy đó.  Nhưng mặc dù thời tiết nóng bức, những hồ sen trong khuôn viên chùa đang trong mùa hoa nở rộ, những cánh sen mầu hồng, mầu  trắng tinh khiết vươn lên thật tươi thắm trong ánh nắng rực rỡ, làm dịu mát phong cảnh chung quanh.



            Năm nay, trong một tuần kéo dài từ ngày 28/6 đến 5/7/2013, chùa Bảo Quang là địa điểm điều hành khóa an cư kiết hạ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới. Tăng ni các chùa thuộc Giáo Hội từ khắp nơi đã tụ hội về, số người tham dự lên đến khoảng 70 người. Thành phần điều hành khóa an cư như sau:



            - Chứng minh sư: Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, thượng thủ Giáo Hội Việt Nam Trên Thế Giới.

            - Thiền chủ: Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ Giáo Hội Việt Nam Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove Calif.

            - Phó Thiền Chủ: Hòa Thượng Thích Phước Thuận, viện chủ chùa Trí Phước.

            - Tuyên Luật sư: Hòa Thượng Thích Phước Thuận

            .- Hóa chủ: Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới, viện chủ Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo chùa Bảo Quang.

            - Thư Ký trường hạ: Thượng Tọa Thích Chân Tôn.

            - Phó Thư Ký: Đại Đức Thích Nhuận Hùng.

            - Thủ Quỹ: Sư Cô Thích Chân Phụng và Phật tử chùa Bảo Quang.

            - Tri Sự: Đại Đức Thích Phước Hậu.




 

            Thời khóa an cư kiết hạ được định như sau:



* 4:30 sáng: Thức chúng

* 5:00 sáng: Hô Canh, Thiền Quán

* 5:30 sáng: Công phu khuya (Tụng kinh Lăng Nghiêm).

* 7:00 sáng : Dùng sáng.

*9:30 sáng: Tụng kinh

*11:30 sáng: Cúng Quả Đường

* 12:30 trưa: Chỉ Tịnh

* 2:30 chiều: Thức Chúng

* 3:30 chiều: Thảo Luận Phật Pháp

*5:30 chiều: Công Phu Chiều

*6:30 chiều: Dược Thực

* 7:30 tối: Thuyết Pháp (45 phút thuyết pháp, 15 phút thảo luận)

* 9:30 tối: Hô Canh, Thiền Quán

*10:00 tối: Chỉ Tịnh 



            Thời khóa an cư sắp xếp đầy đủ thời giờ tu học, công phu và nghỉ ngơi cho đại chúng.  Đây là dịp cho chư tăng ni chuyên cần tu tập để trau dồi giới đức, trưởng dưỡng nội lực, trao đổi kinh nghiệm hoằng hóa và tâm linh - đồng thời, cũng thể hiện tinh thần lục hòa trong cộng đồng tu sĩ. Đặc biệt các buổi pháp thoại đem lại lợi lạc rất nhiều, qua những kiến thức và kinh nghiệm do các bậc Hòa thượng trưởng thượng truyền lại. 



            Trong buổi pháp thoại của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh buổi chiều ngày 29/6, hòa thượng đã nói về đề tài nghệ thuật cắm hoa và Thiền, bằng cách biểu diễn nghệ thuật cắm hoa với cành hoa sen theo hai cách: cách cổ điển với  ba thành phần Thiên, Nhân, Địa, với những lá non và lá úa làm nền tảng chung quanh. Bình hoa này có thể được diễn dịch như đời sống con người chuyển biến vô thường trong trời đất. Một cách cắm hoa khác, được coi là hoa đạo, với một bông sen hàm tiếu duy nhất trong một khúc gỗ có hình thù như bàn tay Phật. Kiểu cắm hoa này tượng trưng cho ý nghĩa Thiền của giai thoại "Niêm Hoa Vi Tiếu", trong đó  kể lại chuyện Đức Phật dơ một cành hoa lên không nói, đại chúng không ai hiểu được ý của Phật, duy chỉ có Ma Ha Ca Diếp là nhẹ mỉm cười. Sau đó Đức Phật đã truyền thừa lại cho Ca Diếp bằng bài kệ:



            Chánh Pháp nhãn tạng

            Niết Bàn diệu tâm

            Thực tướng, vô tướng

            Bất lập văn tự

            Trực chỉ nhân tâm

            Kiến tánh thành Phật.




            Khóa an cư kiết hạ năm nay tại chùa Bảo Quang có sự chứng minh của Đại Lão Hòa Thương Thích Tâm Châu, thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới, nên có nhiều đại diện từ các chùa trên khắp nước Mỹ và Canada về dự. Đặc biệt có một vị sư ngoại quốc là Thượng Tọa Nanda Thero, gốc người Sri Lanska (Tích Lan), đang tu tập ở một chùa Việt Nam ở Kentucky, Indiana.  Sư  đi tu từ nhỏ  ở Tích Lan từ  lúc mới chín tuổi, tới nay đã được  32 năm.  Sư cho biết đang học tiếng Việt nên có thể niệm Phật bằng tiếng Việt, và muốn học hỏi thêm về pháp môn Tịnh Độ theo truyền thống Việt Nam.  Theo lời sư,  Đức Phật dạy tăng ni và Phật tử đều phải cùng nhau tu tập và làm việc Phật sự, và tham dự khóa an cư kiết hạ là dịp tốt nhất để thăng tiến tâm linh, thanh lọc tâm ý, làm những việc công đức.  Sư rất vui được tu tập chung với chư  tăng ni Việt Nam, và  hi vọng sang năm sẽ trở lại đây để dự khóa an cư lần nữa.

 

            Bước vào khu vực nhà bếp, các thiện nguyện viên trong ban trai soạn đang cười nói vui vẻ trong khi làm việc sửa soạn thức ăn, lau dọn v.v.. Chị Hoàng thị Thương, đại diện ban Trai Soạn cho biết phải đến đây từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày. Tuy làm việc cực nhọc nhưng tất cả đều vui vì đến trong sự tự nguyện và rất hòa hợp với nhau. Đó cũng là một cách tu trong hoạt động hàng ngày, làm những việc vị tha, quên mình vì người, theo như tôn chỉ của chùa Bảo Quang: "Phục vụ chúng sanh là cúng dường Chư Phật." Chị cũng cám ơn Hòa Thượng Thích Quảng Thanh và Đại Đức Thích Nhuận Hùng đã tạo lập một cơ sở để các Phật tử có thể đến làm những việc lợi  ích, có những giây phút an vui với nhau.

 

            Khóa nghiên tu an cư kiết hạ sẽ tiếp tục đến ngày 5/7/2013, sau đó sẽ có buổi họp Đại Hội Thường Niên của Giáo Hội Phật Giáo Trên Thế Giới vào ngày 6 tháng 7, cũng tại khuôn viên chùa Bảo Quang. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

 

No comments:

Post a Comment