Wednesday 3 July 2013

LUOC GIAI KINH DAI BAO TICH 1.

 



Trong pháp hội này, Đức Phật Thích Ca giới thiệu Đức Phật Bất Động ở thế giới Diệu Hỷ. Ngài nói rõ công hạnh của Phật Bất Đong là Phật A Súc để người đời sau nương theo tu hành. Ngày nay, đa số người tu không đắc đạo, vì không đi theo con đường của Phật, nhưng lại đi theo đường của ma. Thiết nghĩ đó là điều chúng ta cần cân nhắc để khỏi tu sai.
Quán sát cuộc đời tu hành của các bậc cao đức, có thể thấy rõ những vị làm Phật, làm Tổ đều có mục tiêu cao cả. Riêng chúng ta phần nhiều tu, nhưng không hướng đến mục tiêu thành Phật, mà lại lạc vào mục tiêu tầm thường. Chẳng hạn như làm mọi cách để mua được đất cất am cốc hay dựng chùa, ráng thu được năm, ba đệ tử xuất gia để sai bảo và tìm cho được vài chục tín đồ để nhờ vả. Một số Tăng Ni ở thời mạt pháp không có chí hướng thượng, thường rớt vô tình trạng tệ hại như vậy.
Chúng ta cần ý thức rằng khi chưa thành đấng Toàn giác, chưa là Hiền Thánh thì 99% việc làm của chúng ta rớt vào ma sự, nên luôn phiền não, nhiễm ô. Tôi quan sát các chùa thường xảy ra tranh chấp vì ô hợp; thực ra đó là ác ma. Nếu quả thật là đệ tử Phật thì phải thanh tịnh, còn chúng ma thì lúc nào cũng nhiễm ô.
Thanh tịnh hay trong sạch là tư chất của hàng xuất gia, đệ tử Phật, không kẹt tiền tài, địa vị, không tham giận, si mê. Khi chúng ta còn tranh chấp hơn thua, còn vướng mắc lợi danh, thì chốn Thiền môn giải thoát biến thành địa ngục. Ở chung một chùa mà hai tu sĩ không thể nhìn nhau là rớt vô ma sự, nói xấu và đánh nhau là đọa A tu la. Thời mạt pháp mới có Sa môn kiểu đó.
Tu hành, chúng ta phải đặt mục tiêu thực hiện cho được, thấp nhất là phải đắc quả Vô sanh, tức A la hán, không còn tham, sân, si. Đức Phật giới thiệu Phật Bất Động để chúng ta học theo Ngài. Giai đoạn một cần tu hạnh Thanh văn xả ly, tu hạnh Đầu đà. Chúng ta xuất gia dứt khoát thực hiện hạnh này cho thành tựu, phải chấm dứt phiền não, tham, giận, từ tham vật chất đến tham sống. Cứ nhắm mục tiêu này mà chúng ta tiến tu.
Riêng tôi, thuở nhỏ xuất gia đã thấm thía con đường tôi đi còn dài, việc còn nhiều, nên không có ý thức tranh chấp với ai; vì tự nghĩ những phiền não trên cuộc đời này cản bước tiến đi lên của mình. Nếu đối phó với họ, thì sẽ không theo kịp bước chân Bồ tát, Thánh hiền. Lúc ấy, còn sót lại mình ta trong đám ác ma ở đời ngũ trược thì thật đáng sợ vô cùng. Ý thức sâu sắc như vậy, khi tu hành, có bị ai đặt điều vu khống hay ám hại, tôi cũng dễ dàng nhịn chịu, bỏ qua, để tiến tới con đường lý tưởng của mình.
Thiển nghĩ bước đầu người xuất gia nhất định đạt cho được tâm giải thoát. Mọi việc trên cuộc đời không có khả năng lôi cuốn, làm phiền chúng ta. Nhìn đời của chúng ta rất đơn giản, nó là Không. Ta không bận tâm, vì còn hiện hữu thì ta coi cuộc sống này là phương tiện độ sanh. Và thế giới này là cõi tạm, ta sẽ rời bỏ nó, nên không bám víu với nó.
Lập cước trên tinh thần xả ly, giải thoát, nên Đức Phật Bất Động khi còn tu hạnh Thanh văn, đã đạt được tâm thanh tịnh, tâm bất động đối với phú quý vinh hoa của cuộc đời, không bị tám gió trần lay động. Và nhờ vậy mà Ngài tạo thành nguồn vui kỳ diệu của tự tâm, gọi là thế giới Diệu Hỷ. Vì chứng đắc tâm thuần thanh tịnh như vậy, nên Ngài có danh xưng là Bất Động Tỳ kheo. Hay nói cách khác, Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy đó chính là nhân địa tu hành của Bất Động Như Lai.
Bất Động Tỳ kheo phát tâm tu với Quảng Mục Như Lai. Quảng mục là mắt to, sáng, hay có thể hiểu hình ảnh này tiêu biểu cho Phật huệ sáng suốt, có tầm nhìn rộng. Trên bước đường tu, sự hiểu biết rộng rất quan trọng đối với chúng ta. Khởi đầu chúng ta nhìn rộng ra xã hội để thấy sinh hoạt Phật giáo trong nước và ở nước ngoài như thế nào, thấy mối tương quan giữa các tôn giáo ra sao. Trái lại, nhìn hẹp chỉ thấy chùa mình, tôn giáo mình và không chấp nhận người khác, sẽ dẫn đến quyết định sai lầm. Có tầm nhìn rộng là phải thấy yêu cầu của từng thời đại, từng đất nước, từng con người. Và rộng hơn nữa, chúng ta thấy thế giới vật chất và tinh thần. Quan sát một người cũng vậy, ta nhìn đủ hai mặt về vật chất và tinh thần của họ, thì thấy tâm và sắc luôn tác động lẫn nhau.
Dưới mắt Quảng Mục Như Lai hiện rõ mọi thứ từ hữu hình đến vô hình, thấy rõ tam thế gian là nguyên tố tạo nên con người và vũ trụ. Thân cận Đức Phật có tầm nhìn rộng như vậy, đương nhiên sự hiểu biết của chúng ta cũng lần mở rộng theo trí tuệ của Phật.
Trên thực tế, trong một tu viện, một quốc gia, một tôn giáo, nếu vị lãnh đạo có tầm nhìn rộng, biết rõ mọi vấn đề, mọi khía cạnh, chắc chắn điều hành công việc dễ dàng và giải quyết mọi việc đều đúng. Riêng chúng ta thường gặp rắc rối, thất bại vì thấy phiến diện, chỉ ức đoán hay tưởng tượng, không phù hợp với thực tế. Trong nước Diệu Hỷ có nhiều Bồ tát, hàng vạn Tỳ kheo và Bát bộ Thiên long; nhưng tại sao chỉ có Tỳ kheo Bất Động được giới thiệu.
Đệ tử là Bất Động tu theo Thầy là Quảng Mục thì tương ưng với nhau, nhất định đắc đạo; vì bất động là Định và quảng mục là Huệ. Rõ ràng tu Định phát sanh Huệ và có huệ thì dễ định tâm. Tỳ kheo mà tâm động loạn, chỉ sống với trần lao khổ lụy; còn khổ, vui buồn đủ thứ là giả danh Tỳkheo.
Tỳ kheo có tâm thanh tịnh, sống được với chơn tánh, không bị hoàn cảnh chi phối, đó mới là thực nghĩa Tỳ kheo. Trên bước đường tu, cùng mang hình thức Tỳ kheo, nhưng hơn nhau ở tâm thanh tịnh hay không. Thanh tịnh thì thành Phật, không thanh tịnh thì chịu luân hồi trong sanh tử. Vì vậy Tỳ kheo Bất Động được thọ ký thành Phật.
Phát xuất từ tâm bất động, nên Tỳ kheo Bất Động thấy được Phật Quảng Mục và mới có lời phát nguyện. Lời nguyện rất quan trọng đối với người tu, vì đó là hướng đi để chúng ta nỗ lực tiến đến. Thực tế, tôi thấy các Hòa thượng tu được là do tâm thanh tịnh, thấy chân lý, nên quyết tâm hành đạo. Những người tu không có ý chí mong muốn tiến thân theo Phật đạo, không hướng tới mục tiêu cao cả, không thể đi trọn đường đạo.
Tỳ kheo Bất Động có nguyện rất lớn, khó làm, nguyện rằng từ đây đến ngày thành Phật, ngoài ba y một bát, ngài không giữ gì cả. Đó là hạnh Đầu đà, khất thực rất quan trọng của Tỳ kheo chân chính. Giữ được hạnh này mới thành Phật, tức hạnh xả ly, không phải kiếm ăn. Ta chưa làm được, nhưng nuôi chí đến ngày nào cũng phát nguyện được như ngài. Biết còn kém dở, ta cũng cảm thấy tự thấy xấu hổ. Riêng tôi thấy mình còn cách xa Tỳ kheo Bất Động, nên ráng giữ được phần nào thì tốt phần đó. Tôi cũng đã phát nguyện chỉ hành Đầu đà một tuần thôi, mà cũng thấy khó. Thực sự tu hạnh xả ly tất cả không phải là việc đơn giản, nhất là từ nay cho đến ngày thành Phật, đâu phải là một vài tháng hay vài năm và thử nghĩ xem chúng ta không bao giờ nằm, chỉ đi, đứng, ngồi thì có kham nổi hay không.
Các vị Tổ tiêu biểu thể hiện hạnh Đầu đà, chúng ta thấy trong lịch sử có ghi Tổ Hiếp Tôn Giả suốt đời không nằm. Tỳ kheo thường phát nguyện một đời, nhưng Tỳ kheo Bất Động phát nguyện đời đời cho đến ngày thành Phật. Điều này cho thấy ngài là Tỳ kheo Bồ tát mặc giáp tinh tấn. Chúng ta là Tỳ kheo tuy chưa được như Bất Động, nhưng nỗ lực tu để được một phần nhỏ giống như ngài cũng tốt; vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Pháp Đầu đà của Phật chúng ta thử thực hành một ngày, một hạ, một năm hay ba năm … Chúng ta tập phát nguyện nhỏ, lần đến phát nguyện lớn.
Nguyện thứ hai của Tỳ kheo Bất Động là từ nay đến ngày thành Phật, ngài không bao giờ giận, không hại người, không trả đũa. Đó là Kim Cang giới để giữ cho tâm bất động, thì bị người đánh, ngài không đánh lại, bị người nói xấu, ngài không nói xấu lại, bị người hại, ngài không hại lại. Ngài nguyện như vậy, vì biết rằng khi sân hận sẽ dễ tìm cách hại người.
Đối với tôi, có thể không phạm lỗi nói xấu hay đánh người; nhưng thề không giận là điều không thể giữ được, khó lắm. Vì nó từ trong lòng chúng ta tự bộc phát lên, không cản được. Hòa thượng Thiện Hòa dạy tôi hễ giận thì đừng nói, vì giận là biết mình sai rồi; nên ráng niệm Phật, nhớ Phật để quên người, đừng giận. Chỉ khi nào thương người, chúng ta mới nói. Học được hạnh này của Hòa thượng, tôi giận thì không nhìn, không nói đến tên họ. Như vậy vẫn tốt hơn, vì thấy sẽ giận thêm, nên tôi cố tránh.
Tổ Huệ Năng cũng nhắc chúng ta nếu là chân tu thì không thấy lỗi người, còn thấy lỗi người phải tự biết mình còn kém dở. Thấy lỗi người, tâm mình bực bội, không an là dở rồi. Trên thực tế, chúng ta muốn xây dựng đoànthể, lo cho xã hội, làm những việc tốt; nhưng không thực hiện được thì thường khởi tâm tức giận. Theo tôi, khi chưa đủ sức, chúng ta không thể làm gì khác hơn là tránh né để giữ tròn hạnh thanh tịnh của Tỳ kheo chân chánh. Vì vậy, trên bước đường tu, trước nhất Tỳ kheo Bất Động phải phát nguyện như vậy.
Kinh nghiệm hành đạo cho tôi thấy một số người thực tu khởi ý thức bảo vệ đạo pháp, nên họ đã nổi sân. Khi bực bội, chắc chắn họ phát ra khẩu nghiệp ác xấu, thân nghiệp tội lỗi. Đến một lúc nào đó, tuy mang hình thức Tỳ kheo nhưng sân hận, buồn phiền, đấu tranh không thua kém gì người đời. Tôi học được với Hòa thượng Trí Tịnh kinh nghiệm quý báu rằng chúng ta cần nỗ lực tu, không làm được việc lớn thì cũng cố gắng làm việc nhỏ là giữ được tư chất của một thanh tịnh Tỳ kheo. Làm như vậy, chúng ta cũng đã giữ được giềng mối của đạo. Còn năng lực chúng ta kém, cội đức nhỏ mà muốn làm việc lớn lao thì phải thất bại, thậm chí có thể mất mạng.
Theo tôi, cần luôn ghi nhớ rằng chúng ta đang sống trong đời ngũ trược ác thế, liệu có đủ phước đức và trí tuệ để thay Phật, làm được như ngài hay không. Tôi nhận thấy rõ người nào giữ được nếp sống của thanh tịnh Tỳ kheo, đều thăng hoa trên đường đạo. Việc tất yếu là Tỳ kheo không được bực tức, giận dữ, sân hại, vì nhận mình là đệ tử Phật thì tâm hồn phải trong sáng, thanh tịnh. Ta còn nhiều ham muốn, còn giận, phải biết xấu hổ, đừng phát triển những tánh xấu này nữa.
Chúng ta ráng giữ được tâm không sân hại là điều căn bản của Thầy tu, có thể đứng vô hàng đệ tử Phật. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn là danh tự Tỳ kheo, vì chưa thực hiện trọn vẹn quy trình tu của Tỳ kheo, chưa tròn hạnh Đầu đà, chưa dứt hẳn sân hận. Có giỏi, cũng mới đoạn được một phần kiến hoặc, chưa dứt sạch tư hoặc.
Một Tỳ kheo thực nghĩa là phải đắc quả A la hán, không còn kiến hoặc, tư hoặc, tâm hồn luôn vắng lặng, sống với ba pháp là Không, vô tác và vô nguyện.
Giai đoạn một, bước theo dấu chân Bất Động Tỳ kheo, phải làm sao rèn luyện cho ta có được tư chất một Tỳ kheo thật nghĩa như Phật dạy. Tỳ kheo thật thì tâm hoàn toàn vắng lặng, phiền não không còn, dứt sạch Thập triền,Thập sử.
Tỳ kheo thực nghĩa tu hành mới đắc quả A la hán và từ quả Vô sanh này mới phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo. Đó là lộ trình tu của Tỳ kheo Bất Động chuyển sang giai đoạn hai trở thành Bất Động Bồ tát. Lúc ấy, vào đời hành đạo với tư chất của một A la hán thì tâm bất động, phú quý vinh hoa không não hại được. Chỉ còn tâm đại bi và phước đức, trí tuệ của Bồ tát mới có thể giáo hóa độ sanh. Chưa đắc La hán mà nhập cuộc với đời, tham giận còn đủ, chắc chắn ta rớt trở lại trần lao.
Chúng ta tự kiểm lại, nếu còn tồn tại trong lòng một số vấn đề, thì theo lời Phật dạy nên giải cấu y. Nghĩa là ví thân này như cái áo dơ cần được giặc sạch, tức tẩy rửa tâm cho trong sáng trở thành A la hán, mới phát tâm độ sanh được.
Bồ tát Bất Động đạt quả vị vô tham, vô sân, vô si, mới bắt đầu phát nguyện xây dựng thế giới Diệu Hỷ, tiếp độ Thanh văn. Điều này gợi nhắc chúng ta suy nghĩ có khả năng độ người mới độ được. Học hành còn kém dở, tu không ra chi, nhưng thích làm Thầy, thu đệ tử là điều không nên. Chúng ta thấy rõ khi Đức Phật xuất gia, ngồi ở cội Bồ đề chẳng tiếp độ ai cả. Riêng tôi, thường cân nhắc xem mình có đủ tư cách làm Thầy độ người xuất gia hay không.
Khi tâm chúng ta chưa thanh tịnh, gặp tâm trần ai, thì thầy trò cãi nhau, hơn thua nhau; như vậy có phải là thầy trò theo Phật hay không. Tâm thanh tịnh có khả năng tác động người thanh tịnh theo, mới nghĩ đến làm cho thế giới thanh tịnh. Nói theo ngày nay, muốn làm việc lớn, phải xây dựng con người giỏi, có thực tài, tức A la hán siêu việt hơn người.
Theo chân Đức Phật Bất Động, muốn làm lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo, nhà truyền giáo phải phát huy ba mặt là thể lực, trí lực và đức hạnh.
Trước nhất, Tỳ kheo phải khỏe mạnh, chịu đựng được nắng mưa, thiếu thốn, khó khăn. Chúng ta rèn luyện cho được sức khỏe như vậy để sau này gánh vác Phật sự không biết mệt mỏi, hơn người, đại chúng mới nể phục, ta mới lãnh đạo được. Xưa kia Trần Hưng Đạo xây dựng binh tướng dưới dạng này; việc khó tướng phải làm, việc dễ thì để cho lính. Qua sông, tướng phải đi đầu, lính mới lội theo, còn ăn thì tướng phải ăn sau lính. Đó là cách dụng binh của nhà Trần theo tinh thần Phật giáo, người lãnh đạo phải chịu đựng, hy sinh quyền lợi cho người khác hưởng trước, phải gánh vác việc khó.
Kế đến, người tu cần phát huy trí lực hay huệ học là trí khôn không có trong sách vở. Đối với việc khó, không ai giải quyết được, nhưng chúng ta nhờ trực giác đưa ra đáp án đúng. Tu hành, tập mở rộng tầm nhìn và tập phán đoán. Chúng ta quan sát xem người lớn xử trí như thế nào và giải pháp của ta có tương ưng với quyết định tốt nhất hay không.
Chúng ta phát triển trí năng khi tu Duyên giác thừa, đọc tụng kinh điển và suy tư, quán sát sự vật để thấy chính xác. Ngoài ra, rèn luyện thể lực trong việc tu hạnh Đầu đà của Thanh văn, ăn ngủ ít, làm việc cực nhọc, vẫn khỏe mạnh. Sau cùng, muốn làm được việc, phải có đức hạnh mới quy tụ được người đức hạnh hợp tác với ta.
Có đầy đủ ba yếu tố là thể lực, trí lực và đức hạnh, bạn bè sẽ tìm đến. Bồ tát Bất Động cũng kết hợp họ trong ba phần này và ngài hình thành thế giới Diệu Hỷ cũng có dạng như vậy, gồm chúng Thanh văn và Bồ tát. Điều này dễ hiểu, vì có đức hạnh, có trí khôn thì những người giỏi tốt tự tìm đến, như người ta thường nói thầy nào trò đó. Trái lại, nếu chất chứa lòng tham, kiếm đệ tử hầu ta, nhưng không nhờ được mà họ còn đòi hỏi ta. Tất nhiên cả hai đều phải bực bội và kết thúc tình thầy trò một cách tệ hại nhất.
Bất Động Bồ tát rèn luyện đức hạnh, nghĩa là vào đời độ sanh vì thương người, muốn giúp người an vui như ngài, thì ai mà không quý trọng. Học theo ngài, tôi có tâm niệm chỉ đến với người cần tôi, dứt bỏ ý nghĩ ta cần người, mới là Tỳ kheo thực nghĩa. Người không cần mà ta đến, chắc chắn bị họ xem thường. Tỳ kheo để cho người khinh dể ta, khinh dể đạo là phạm tội nặng.
Tôi học được với Hòa thượng Trí Tịnh về hạnh tu của Tỳ kheo Bất Động và học được với Hòa thượng Thiện Hoa về đức hạnh của Bồ tát Bất Động; theo đó chúng ta phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo, chúng sanh cần ta tới, đạo pháp cần ta xả thân. Chúng ta không cần cơm ăn, chỗ ở, không cần người yêu thương ta, vì ta đã có tự thọ dụng thân.
Thuở nhỏ, tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa, nghe ngài nói: "Phúc đức thay cho người cô độc”; vì sống ở già lam thanh vắng, nhận ra cuộc sống tu hành không bị phiền não quấy rầy, thật đẹp biết bao. Ta không cần người, nhưng người cần, ta sẵn lòng giúp đỡ; không cần người nhớ ơn, trả ơn. Đó là đức hạnh của Bồ tát: "Xuất một vị tha tác tắc”, giúp xong để lưu lại trong lòng người điều quý báu của đệ tử Phật.
Theo kinh nghiệm hành đạo của tôi, khi ta không nhận trả ơn, thì họ nhớ mãi; nhưng để họ đền ơn xong là hết. Tu Bồ tát đạo, giúp mà không cho họ trả ơn mới tích lũy được công đức; công đức chúng ta lưu giữ trong lòng họ. Thiết nghĩ thầy Tỳ kheo nào được quần chúng yêu kính là đệ tử Phật. Muốn được như vậy, phải hy sinh, làm lợi ích cho đời; người đánh giá ta có đạo đức, có công đức. Không làm gì, chỉ thọ lãnh của đời thì đáng xấu hổ.
Tóm lại, Bồ tát Bất Động sử dụng ba sở đắc là thể lực, trí lực và đức hạnh để xây dựng thế giới phát triển thành nước Diệu Hỷ. Và thế giới Diệu Hỷ có rồi, quần chúng lại tìm đến để cầu học ba điều quý báu ấy. Tất nhiên tâm niệm cầu học của họ gắn liền với thánh tài của Bồ tát Bất Động, thì sẽ không có vấn đề phiền phức cho ngài. Sự tương ưng hòa hợp giữa người cầu học và vị Thầy là Bất Động Bồ tát tạo thành thế giới Diệu Hỷ thanh tịnh, an lạc của Đức Phật Bất Động vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment