Wednesday 3 July 2013

BAT KINH PHAP.


 

Một trong những vai trò phục hưng xã hội và cách mạng văn hóa của Đức Phật, điều mà đôi khi bị các sử gia lãng quên, đó là giải phóng phụ nữ.  Đức Phật phát huy một cuộc cách mạng trong tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn tới Niết bàn. 
Tuyên ngôn này đã gây một biến động lớn lao trong giới tôn giáo thời bấy giờ vì đó là trực tiếp đương đầu với niềm tin đã ăn sâu vững chắc trong dân gian. Sự kiện Đức Phật chấp nhận thành lập giáo hội Tỳ kheo ni (*), nâng vị trí người nữ đến mức quan trọng nhất, là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo cũng như các trường phái tư tưởng được biết trước và ngay thời Đức Phật. 

 

Đây là một sự canh tân mới lạ phi thường vì nó chấp nhận cho hàng phụ nữ đặc quyền tiếp thụ một bản chất cao quý, một sức mạnh kiên cố vững chắc trong nền đạo lý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới. Và hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, mặc dù nhiều hệ thống tôn giáo khác đã phát triển cực thịnh, nhưng vẫn chưa thấy có thêm một tôn giáo nào thành lập một giáo hội cho hàng nữ tu sĩ. 

Cho nên có thể nói rằng hàng phụ nữ trên thế giới vẫn chịu một món nợ trường cửu đối với Đức Phật vì Ngài đã nâng cao họ từ địa vị thấp kém và nhục nhã nhất trong xã hội lên hàng danh dự này. 
Thế nhưng, cũng chính sự việc thành lập giáo hội Tỳ kheo ni mà người nữ xuất gia giữa thời đại tiến bộ hiện nay lại miễn cưỡng trong niềm hạnh phúc lớn lao đó, vì họ ngờ vực Đức Phật chưa thực sự triệt để trong việc nâng cao vị trí của họ ngang hàng danh dự với nam giới, đã chế ra tám điều cần phải cung kính. Tám điều kiện ấy có thực sự quan trọng làm tăng ích cho giáo hội Tỳ kheo ni tồn tại hay chỉ có tính khả thi trong hoàn cảnh xã hội đương thời? 

Tưởng cần nhắc lại sự việc thành lập giáo hội Tỳ kheo ni và nguyên nhân Đức Phật chế ra tám điều kiện cần phải cung kỉnh. Sau khi vua Suddhodana (Tịnh Phạn) băng hà, bà Mahà Pajàpati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề - Kiều Đàm Di) nhàm chán sự giả tạm của kiếp phù du, quyết định trở về nương tựa đời sống xuất gia giải thoát. Một lần, khi Đức Phật về lại kinh thành Kapilavattu (Ca Tỳ La Vệ) để giảng hòa một cuộc tranh chấp dữ dội giữa hai dân tộc Sakyan và Koliyan, đang giành quyền sử dụng nước của dòng sông Rohini. 
Sau khi cuộc cãi vã cay đắng đã được dàn xếp ổn thỏa và hai bên dịu giọng, như thường lệ, Đức Thế Tôn mở lời thuyết giảng giáo pháp, và sau thời pháp đó một số đông người trai trẻ Sakyan xin gia nhập vào giáo hội chư Tỳ kheo. Các bà vợ của những vị ấy, do bà Mahà Pajàpati Gotami hướng dẫn đến chỗ Đức Phật khẩn khoản xin được xuất gia: “Bạch Đức Thế Tôn, thật là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ chúng con được chấp nhận gia nhập vào Tăng đoàn để khép mình trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà Ngài công bố”. Đức Phật  không sẵn sàng khích lệ thỉnh nguyện của bà Gotami và trả lời: “Đủ rồi, này Gotami, Như Lai không thể làm vừa lòng bà và chấp nhận như vậy”. 
Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, bà Gotami lặp lại lời thỉnh cầu, nhưng mỗi lần đều bị từ chối. Sau đó Đức Thế Tôn lần hồi sang thành Vesali (Phệ Xá Ly) và ngự trong một đền thờ trên đỉnh núi. Bà Gotami vẫn không nao núng ngã lòng vì những đợt thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và đương đầu nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến Vesali cùng với một số đông mệnh phụ phu nhân có niềm tin nơi bà (có nơi nói cùng với 500 người nữ giòng họ Xá Di). 
Cắt bỏ chùm tóc đẹp thuở nào, vứt bỏ nữ trang lộng lẫy, tự khoác lên mình tấm y thô thiển, các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài 150 dặm đến Vesali, mình mẩy lấm lem bụi bặm, y phục rách rưới tả tơi, chân cẳng sưng vù đau nhức. Thế mà, ba lần kiên nhẫn nhờ thầy thị giả A Nan tha thiết trình bày nguyện vọng, Đức Phật vẫn một mực chối từ. 
 Song, dưới sự nài nỉ nồng nhiệt của Tôn giả A Nan, sự tinh tế chọn điểm tế nhị là vấn đề biết ơn đối với Di mẫu Gotami và đặc biệt là gợi mở khả năng của người nữ có thể chứng nhập bốn quả Thánh nên Đức Phật đã thuận lòng. 
Tuy nhiên, với trí tuệ nhìn xa và hiểu rộng, Đức Thế Tôn có thể thấy những hiểm họa và những khuyết điểm không thể tránh trong việc điều hành song song hai giáo hội Tăng già cùng một lúc. Do đó, Ngài ban hành tám điều qui định cho giáo hội Tỳ kheo ni nhằm giữ gìn và bảo vệ tương lai cho cả hai giáo hội.  
1  Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ kheo. 
2- Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào. 
3- Tỳ kheo ni không được ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni. 
4- Muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo 
5- Nếu Tỳ kheo ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng. 
6- Nửa tháng phải đến bên Tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo. 
7- Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở. 
8- Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi. 
Tôn giả A Nan trao truyền lại tám điều giới pháp ấy cho bà Mahà Pajàpati Gotami. Bà vui mừng khôn xiết, hoan hỷ lãnh thọ và nguyện kính giữ trọn đời không vi phạm. Sau khi giáo hội Tỳ kheo ni thành lập dưới sự lãnh đạo của bà Gotami - Đại Ái Đạo, từ các nẻo đường cuộc sống, mọi tầng lớp trong xã hội đến gia nhập vào giáo hội và công trình nỗ lực tiến tới mục tiêu giải thoát hoàn toàn của các bà đã để lại trong văn học Phật giáo những trang vẻ vang chói lọi bằng khúc ca khải hoàn, Therigàthà (những Thánh thi của chư Tỳ kheo ni). 
 
Không còn nghi ngờ gì nữa về sự ra đời và tồn tại đến nay của giáo hội Tỳ kheo ni khắp nơi trên thế giới. Chúng ta thấy được tuệ giác gì nơi Đức Phật khi năm lần bảy lượt Ngài mới tán thành việc thành lập giáo hội Tỳ kheo ni và đặt chế tám điều kiện trước khi cho ra đời thêm một giáo hội nữa? Sự kiện Đức Phật thông hiểu tiềm năng sâu ẩn và khả năng hoàn mãn những thành tựu vĩ đại và cao thâm của hàng phụ nữ không làm cho Ngài mù quáng không thấy những khuyết điểm về kết cấu tâm sinh lý của người nữ. 
 Khuynh hướng nhẹ dạ yếu mềm của người nữ dễ dàng rơi vào tội lỗi, dễ bị khuyến dụ đi trên con đường kém đạo Đức. Chính điểm đặc thù ấy là một trở ngại lớn lao cho phẩm hạnh cốt yếu của người sống độc thân, vốn dĩ rất cần thiết cho sự điều hành suôn sẻ của một cộng đồng. Đó là thiên tánh. Đức Phật vạch rõ yếu kém và khuyết điểm của hàng phụ nữ không phải để chế nhạo hay cười khinh, mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý là giúp họ nhận định những khó khăn gây trở ngại cho những nỗ lực thành tựu mục tiêu của mình và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn công của những khát vọng, các cuộc đột kích của những cám dỗ. 
Đức Phật không vì sự trở ngại đó mà không tạo điều kiện cho họ vượt lên ngang hàng với vị trí mà nam giới có thể tới, chứng đắc quả giải thoát. Song, thái độ do dự trước khi chấp nhận người nữ vào giáo pháp là hồi chuông cảnh báo con đường tiến bộ của họ đầy dẫy sự hiểm nguy và ảnh hưởng đến sự tồn vinh Phật pháp.  
Rõ ràng trong thiên tánh người nữ đã không thể so sánh với người nam, mặc dù dù khả năng tiến bộ và thành tựu mục tiêu Niết bàn có ngang nhau. Nhưng làm sao để người nữ luôn khắc ghi sâu vào lòng bài học tự mình uốn nắn tâm tánh, diệt trừ bản ngã mãnh liệt để thành đạt mục tiêu tối hậu là một công trình vĩ đại, là thành trì phải được bảo vệ kiên cố hơn người nam tiến tu gấp nhiều lần. Làm sao để người nữ xuất gia luôn thấy rằng việc thành lập cho giáo hội Tỳ kheo ni sở dĩ thành tựu là từ sự có mặt vững chãi trước đó khoảng 20 năm của giáo hội Tỳ kheo (Căn bản tạp sự - Q.37, Kinh Trường A Hàm) làm điểm tựa. 
Làm thế nào để Tỳ kheo ni hiểu rằng sự thành lập giáo hội của họ từ giai đoạn sơ khai đã mang theo với nó một vài yếu tố hiểm nguy, và nếu không có những phương sách dự phòng, trong tương lai có thể xảy ra những bất trắc khó lường. Vì thế, Đức Phật ban hành ra tám điều giới hay tám điều kiện bảo vệ. Chính tám điều giới này tạo điều kiện để điều hành tốt đẹp hai cơ quan trong tinh thần trang nghiêm và thích đáng với bản tánh tự nhiên. Nó giữ chư Ni trong vị trí thích hợp với tâm tánh người nữ. Cũng chính tám điều giới này đã hỗ trợ trạng thái điều hòa và thuận thảo, đem lại tình giao hảo thích nghi giữa Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.  
Người nữ học giới ngày nay lẽ nào không thấy được giá trị thiết thực tám điều giới làm khuôn phép tiến tu và điều kiện cần thiết cho sự tồn tại giáo hội Tỳ kheo ni mà lại không muốn tuân thủ, cho là lỗi thời? Lẽ nào Tỳ kheo tăng ngày nay không đáng cung kính? Tăng thì luôn luôn thanh tịnh và hòa hợp, vì Tăng là chỉ số gồm có 4 vị Tỳ kheo trở lên. Nếu cho rằng Tăng không đáng cung kính vì thiếu sự thanh tịnh và hòa hợp, giáo giới Ni chúng sẽ không hợp căn cơ, không làm cho Ni chúng vui thích mà không cầu giáo thọ hay không đến Đại Tăng cầu thọ cụ túc giới thì nhất định không tồn tại tánh Tỳ kheo ni. 
Có thể vì một vài cá nhân Tỳ kheo nào đó bê bối không đủ phạm hạnh khiến chư Ni bất nhẫn không muốn cung kính, nhưng đừng vì thế mà quên rằng việc cầu giáo thọ hay cầu thọ đại giới là cầu với Tăng chứ không phải cầu với cá nhân. Song, cho dù cá nhân vị Tỳ kheo đó có như thế nào đi nữa thì đó cũng thuộc phạm vi của giáo hội chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phải luôn nhớ trong tám điều không thể vượt qua đó đã ghi rõ không được khiển trách hay nặng lời đối với Tỳ kheo, không được chê bai nói rằng: Thầy phá giới, phá kiến, phá oai nghi (Luật Tứ Phần, Ngũ Phần, Ma Ha Tăng Kỳ - Q.3). Đủ thấy, tám điều giới pháp là linh hồn của giáo hội Tỳ kheo ni không thể không bảo trọng, như trong Luật Tứ Phần - Tỳ kheo ni ghi : “Như vậy đó A Nan! Ta nay đã nói tám kỉnh pháp suốt đời tôn trọng không được trái phạm, nếu người nữ nào thực hành được thì tức là được thọ giới. Cũng ví như có người muốn qua dòng nước lớn, phải bắc cầu mà đi qua”. 
Chiếc cầu lợi ích qua dòng sông sanh tử đó ai muốn bỏ vì thấy ràng buộc thì tùy. Nhưng hãy nên nhớ một điều nếu không có tám pháp cung kính đó thì chắc chắn không có giáo hội Tỳ kheo ni hình thành và cũng không có ai là thật tánh Tỳ kheo ni. 
Vấn đề sự xuất hiện Tỳ kheo ni đã làm chánh pháp mất đi một nửa có liên quan gì đến Bát kỉnh pháp? Chúng ta có thể lý giải điều này là do sự song hành vận động của hai giáo hội là điều kiện thuận lợi cho hai hệ phái vốn còn mang nhiễm tính “cọ xát”. Sự qua lại thuận tiện gần như “hợp thức hóa” giữa Tăng và Ni, tính yếu mếm cần được chở che của Tỳ kheo ni, sự phô trương đức tính tùng bách hiên ngang nâng đỡ của hàng Tỳ kheo đã là nội dung chính yếu cho ngọn lửa ái nhiễm bốc cháy. Tất nhiên chánh pháp có đổi sang tượng pháp là do người tu chứng ngộ ít dần chứ không thể đổ thừa do sự xuất hiện của Tỳ kheo ni.  
Nhưng xét kỹ nguyên nhân không chứng nhập Niết bàn là hành giả không phát huy được định tuệ. Định tuệ có từ giới. Khả năng hư hại giới pháp của các thầy Tỳ kheo không gì khác hơn là nữ sắc, mà trong đó Tỳ kheo ni là khả năng nhiều nhất. Vì thế, Bát kỉnh pháp đối với Tỳ kheo ni là điều nhất định không thể vượt qua, để duy trì một nửa chánh pháp còn lại, để giữ gìn sự thanh khiết và thánh thiện giữa hai giáo hội hiện tại và tương lai. 
Tóm lại, có thể nói tám giới trọng yếu đó là nền tảng vững chắc làm nền để xây dựng kiến trúc đồ sộ và công trình sinh hoạt chảy trôi suôn sẻ của hai giáo hội. 




BÁT KỈNH PHÁP 
CHƯỚNG NGẠI HAY CĂN BỆNH THỜI ĐẠI
 .
  
Hai truyền thống của Nam và Bắc truyền đều thừa nhận rằng, vào thời hoàng kim Phật giáo, mười ba năm đầu trong Tăng đoàn không có giới luật, nhưng sau đó sự lớn mạnh của Tăng đoàn, sự khác biệt về nhận thức nên đức Phật đã chế ra giới luật để “phòng hộ các căn” nhằm giúp cho mỗi thành viên trong Tăng đoàn được thanh tịnh và giả thoát. Thiết nghĩ, Bát kỉnh pháp cũng không ngoài những thiện ý đó!
Theo Ni sư In Young Chung nhận định: “Mặc dù, hầu hết các học giả và các nhà nghiên cứu Phật giáo đều tán thành Tỳ-kheo-ni dưới quyền Tỳ-kheo Tăng là do có quá nhiều giới thêm vào cho Tỳ-kheo-ni và Bát Kính Pháp buộc họ phải tuân thủ, tôi vẫn không đồng ý với những ý kiến này. Hơn nữa, dựa vào thực tế của đời sống khi các giới hình thành, nếu khảo sát hoặc so sánh các điều luật của cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni một cách tỉ mỉ, chúng ta sẽ thấy rằng các điều luật ấy hết sức thực tiễn và cảm thông cho đời sống tu sĩ cả Tăng lẫn Ni. Điều này phải được nhìn nhận một cách sâu sắc về “đời sống khất sĩ” của chư Ni như đã mô tả trong Luật Tạng. Thật sai  lầm khi chúng ta chỉ dựa vào sự hiện diện của các giới  trội hơn cho Tỳ-kheo-ni mà lại khái quát hóa quan điểm của Phật giáo về phụ nữ nếu không khảo sát nguồn gốc của các giới đó hoặc bối  cảnh xã hội”. Như vậy,  vào thời điểm nào người ta đã đưa Bát kỉnh pháp lên cán cân để xem trọng lượng mà ước tính giá trị và đặt nó vào diện xét lại, xem có đúng  lời Phật dạy hay không?
Những giá trị đạo đức xã hội từ trước đến nay bị  lệch lạc  là do những thành kiến, phong tục tập quán hoặc tôn giáo tạo nên (trong đó không có Phật giáo) những quy định tàn nhẫn đối với phụ nữ, xem phụ nữ như một món đồ giải trí, một cái máy để duy truyền sự sống, khi ra đường phải trùm từ trên đầu đến dưới chân, đôi khi còn phải may một tấm vải thưa để che cả hai mắt…  Từ những quan niệm sai lầm trên, người ta mới vận động cả thế giới hãy đối xử bình đẳng với phụ nữ là để chống lại thế lực tôn giáo và tập quán. Trên lập cước đó, một số học giả: Diana Y. Paul, Susan Murcott…  đã cho Phật giáo là Tôn giáo, và phê bình vài điểm trong kinh Pháp Hoa và Bát kỉnh pháp là bất bình đẳng trong Phật giáo! Tôi cho đây không phải là điều mới lạ, vào thời đức Phật,  sáu phái Triết học và những người khác đạo cũng đã phê bình, chỉ trích lộ trình giải thoát của Ngài! (Kinh Trung Bộ-Hàng Ma) Thậm chí có một số người chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật, họ còn  thốt lên sao đạo Phật giống thần quyền quá vậy? Người nào biết lịch sử các tôn giáo khác thì nói Phật giáo sao mà giống các tôn giáo thời bán khai quá vậy? Các giới luật chi phối con người nhiều quá? …Các học giả có quyền phê bình chỉ trích mọi vấn đề trong Tam Tạng kinh điển, vì Phật giáo giống như một trái núi to, mỗi người có mỗi góc độ nhìn và đánh giá khác nhau, như họ đã nhìn vào Bát Kỉnh Pháp:
1. Dầu cho thọ đại giới 100 năm, một Tỳ kheo Ni đối với một Tỳ Kheo mới thọ giới một ngày cũng phải đảnh lễ, chấp tay, xử sự đúng pháp.
2. Tỳ kheo Ni không thể An cư tại nơi không có Tỳ kheo Tăng.
3. Nửa tháng một lần, Tỳ Kheo Ni cần phải thỉnh chúng Tỳ kheo hỏi ngày đến giáo giới.
4. Sau khi An-cư xong, Tỳ kheo Ni cần phải làm lễ Tự-tứ trước hai bộ chúng về ba vấn đề thấy, nghe và nghi.
5. Tỳ kheo Ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp sám Ma-na-đoạ.
6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ Kheo Ni phải đến xin thọ Cụ túc giới trước hai bộ chúng.
7. Không vì duyên cớ gì, một Tỳ kheo Ni có thể mắng nhiếc hoặc chỉ trích một Tỳ Kheo.
8. Không có sự phê bình của Tỳ Kheo Ni với Tỳ Kheo mà Tỳ Kheo có quyền phê bình Tỳ kheo Ni.
Đó là những điều làm các học giả cảm thấy “chướng tai gay mắt”, vì nó không có sự bình đẳng giữa Tăng và Ni, nên họ đi đến kết luận Bát kỉnh Pháp không phải do Phật nói, vì đức Phật chủ trương bình đẳng! Có thể nói đó một kết luận vững chắc: A+B=C, nhưng hoàn toàn sai, vì Tăng Ni không  như Nam và Nữ bình thường, đồng thời giáo lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra, nên có rất nhiều trường hợp Logic lại sai với thực tế, và chính Albert Enstain đã thừa nhận rằng: “Thành công của tôi có đến 90%  là sai khi đặt ra những giả thuyết!” 
Huống hồ, văn bản Pàli đâu phải là ngôn ngữ của thời đức Phật dùng, vậy mà chỉ dựa vào câu thứ 6 của Bát Kỉnh Pháp “Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ Kheo Ni phải đến xin thọ Cụ túc giới trước hai bộ chúng” rồi  kết luận Bát kỉnh pháp không phải là Phật nói. Tức là chúng ta lấy kiến thức hạn hẹp của chúng ta rồi qui đồng lại với tri kiến siêu việt của Ngài! Tại sao chúng ta không nghĩ là Ngài đã lường trước mọi chuyện sẽ xảy ra nên đắn đo khi quyết định cho phụ nữ thành lập Ni đoàn và phải ngăn ngừa điều gì sau khi Ngài vào Vô Dư Y Niết Bàn! Chúng ta không thấy Quân sư Gia Cát Lượng còn biết đến chuyện sau 200 năm có Tư Mã Hiên đến đào mộ của mình! Thì chúng ta thử so sánh giữa kiến thức của chúng ta, Gia Cát Lượng và Đức Phật là chênh lệch bao nhiêu?  Vậy, tại sao chúng ta không nương theo ý bài kinh của Ngài dạy cho dân Kalama “Đừng tin những gì do kinh sách. Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền. Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại. Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhơn...” (Kàlàma trong Tăng Chi Bộ  (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338) để tránh đi tình trạng “đào xới”, lý luận, phân tích giáo lý thực hành của Ngài đã 2600 năm trôi qua, mà  quên rằng đó chỉ là ngón tay chứ không phải là mặt trăng. Sự cố chấp đó, chẳng có ích lợi gì cho đời sống hòa hợp của Tăng Ni trong hiện tại! mà vô tình những tư tưởng đó lại manh nha cho chuyện chia rẽ và đào tạo thêm những “Vô Thượng Sư” trong tương lai! Đó chính là một trong những trường hợp sai lầm của các học giả đến với giáo lý Phật giáo! Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo dụ đức Phật khẳng định rằng: “Như Lai biết rõ chủng tướng, thể tánh của chúng sinh nhớ việc gì, nghĩ việc gì, tu việc gì? nhớ thế nào, nghĩ thế nào, tu thế nào? dùng pháp gì để nhớ, dùng pháp gì để nghĩ, dùng pháp gì để tu và dùng pháp gì để được pháp gì!” Điều đó, cho chúng ta thấy rằng các thầy thuốc nổi tiếng như Hoa Đà, Hải Thượng Lãng Ông…chỉ trị được những bệnh của thân, còn đức Phật là vị đại Y Vương có khả năng chữa lành cả Tâm: Khi tham lam thì Ngài dạy bố thí cúng dường, nặng về sân hận, si mê thì phải Từ bi, trầm tĩnh và  có lòng yếu đuối, dễ tin, sống thiêng về tình cảm thì phải quán thân Bất tịnh, phải tuân thủ Bát kỉnh pháp…còn chư Tăng thì Ngài dạy khác: “Khi gặp Phụ nữ nhiều tuổi thì phải quán niệm như là mẹ, người nhỏ hơn phải tâm niệm như là dì, là chị, ngang hàng phải tâm niệm như là trong cùng thân tộc và nhỏ hơn thì thì phải quán niệm như là em gái của mình!” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương) Tùy theo căn cơ trình độ và giới tính mà Ngài cho “thuốc” để chữa trị. Đặc biệt hơn nữa, là tạo nên một khoảng cách an toàn tuyệt đối giữa Tăng và Ni! Đồng thời, Bát Kỉnh Pháp còn là một loại áo giáp tuyệt vời cho Ni giới khi chấp nhận cuộc sống, “bình bát cơm nghìn nhà, thân chơi muôn dặm xa”.
 Nói tóm lại, Ngài đã cân nhắc thận trọng khi Ngài dạy học trò, và đưa ra những giới luật giúp cho Tăng Ni được thanh tịnh, chứ giới luật của Ngài không hề có tính trói buộc hay làm cho con người mất tự do! Ngài dạy: “Ànanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ànanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban kinh tám pháp này, cho các Tỳ-kheo-ni cho đến trọn đời không vượt qua.” (Tăng Chi, I-51, (Mahàpajàpatì Gotamì) Tuân thủ giới luật là việc làm ắt có và đủ trong Phật giáo:
1. Vì sự kiện toàn của Tăng đoàn. 
2. Vì sự an lành cho Tăng đoàn. 
3. Để kiềm thúc những người có tâm xấu ác. 
4. Vì sự an lạc cho chư Tăng có giới hạnh. 
5.  Để đoạn trừ các triền phược ở đây và bây giờ. 
6. Đoạn trừ các phiền trược ở vị lai. 
7. Khiến người chưa có tín tâm sanh tín tâm. 
8. Khiến nhiều người có tín tâm tăng trưởng thêm tín tâm. 
9. Để chánh pháp được trường tồn. 
10. Để giới luật được lưu hành. 

Vậy mà, hiện nay có một số ít học giả trong cộng đồng Phật giáo lại đã và đang vận động hủy bỏ Bát kỉnh pháp (Buddhismtoday-Ni giới Đài Loan vận động hủy bỏ Bát kỉnh Pháp), tôi cho đó là những quan niệm sai lầm của các học giả, đã dựa vào quan niệm “Nam Nữ bình đẳng” của xã hội, và một số học giả có cái nhìn phiến diện về Phật giáo mà áp dụng cho Tăng Ni là đi ngược lại lộ trình giải thoát của đức Phật và đưa Phật giáo vào con đường thế tục hóa! Tôi cho đây là một thiệt thòi lớn cho chư Ni thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vì đã đến với “khu rừng giáo lý Phật giáo” mà không biết đi tìm lõi cây, lại nhặc cành và lá!
Không thể biện hộ, Bát Kỉnh Pháp không do Phật nói rồi hủy bỏ nó đi, mà không nhìn thấy được một vai trò quan trọng của nó đã giữ một khoảng cách an toàn cho Tăng Ni, nên Phật giáo mới phát triển và tồn tại cho đến ngày hôm nay! Tại sao các học giả không vận động hủy bỏ các bản kinh 100% là “kinh phát triển” như: Bát nhã tâm kinh, Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Kinh Phạm Võng…phải chăng các bản kinh đó không hề đề cập đến “lợi ích cá nhân, danh dự và đặc biệt là không đụng đến ‘bản ngã’ của một ai”, nên người ta đã để yên các bản kinh đó, còn ngược lại thì người ta tìm cách hủy bỏ nó đi! Tôi cho đây là căn bệnh thời đại, một căn bệnh hướng ngoại tự đánh mất chính mình của một số ít học giả Phật giáo. Mong rằng, chuyện đó sẽ không xảy ra nữa để Phật pháp được mãi mãi trường tồn! 
Tôi mượn lời nhận định của hai Hành giả Ven. Maha Narin Sea Liu và Chatsumarn Kabilsingh: “Theo thiển ý của chúng tôi, Bát Kính Pháp đã hỗ trợ một phần nào ổn định đời sống của cả hai bộ Tăng Ni trong các sinh hoạt. Nhờ khoảng cách khá lớn giữa chư Tăng và chư Ni như theo luật định, chư Tăng và chư Ni hạn chế bớt những tệ đoan có thể phát sinh như trong Luật ghi lại.  Lại nữa, nhờ Bát Kính Pháp mà chư Ni được sự giúp đỡ của chư Tăng về trú xứ, như khi xây dựng, hoặc tổ chức an cư, tự tứ, giáo giới, hướng dẫn  tu học hoặc các lễ lạc khác. Chư Tăng có thể là người cố vấn cho những sinh hoạt về mặt xã hội và tâm linh, vì theo kinh nghiệm cho thấy phần lớn chư Tăng có sở trường về mặt giao tế thuộc xã hội. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay ít có vị Ni chứng được các quả vị giác ngộ như các vị thánh Ni ở thời đức Phật, trí tuệ thiện xảo của chư Ni nhìn chung không bằng chư Tăng, sức khoẻ để độc cư tu tập hay sống trong cộng đồng cũng không bằng chư  Tăng, các tâm sở bất thiện có phần trội hơn so với chư Tăng. Chính vì những lý do này, chư Tỳ-kheo-ni nên tuân thủ Bát Kính Pháp để thiết lập cho đời sống cộng đồng được ổn định hơn!”.(Buddhismtoday-Bát Kỉnh Pháp tầm quan trọng và những vấn đề)
 
Delhi 08/06/2002
Lệ Thọ


BÁT KỈNH PHÁP .
 
1 Vị nam khất sĩ dù hạ lạp lớn, khi thấy một vị nữ khất sĩ chắp tay chào, cũng chắp tay chào trở lại, dù vị nữ khất sĩ này còn nhỏ tuổi. Vị nữ khất sĩ  này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng đại diện cho Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni, một đối tác của Giáo Đoàn Nam Khất Sĩ trong suốt quá trình lịch sử đạo Bụt từ khởi nguyên cho đến tương lai.
 
2 Vị nam khất sĩ không suy nghĩ và phát ngôn rằng các vị nữ khất sĩ vì là giới nữ nên nặng nghiệp hơn bên nam, do đó không thể nào học hỏi, tu chứng và làm Phật sự giỏi bằng bên nam được. Vị nam  khất sĩ ý thức rằng sở dĩ những giới điều bên giới bản nữ khất sĩ nhiều hơn bên giới bản nam khất sĩ, đó không phải là vì bên nữ nặng nghiệp hơn mà là vì giáo đoàn nữ khất sĩ đã tự chế thêm một số giới điều để tự bảo hộ và giúp bảo hộ cho bên nam giới.
3 Một vị nam khất sĩ khi thấy một vị nữ khất sĩ lớn tuổi bằng mẹ mình thì phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi mẹ mình để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi lớn bằng tuổi chị mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi chị mình để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi nhỏ bằng em gái mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi trẻ bằng tuổi em gái mình, để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi nhỏ bằng con gái mình thì nên ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi nhỏ bằng con gái mình để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ. 
4 Vị nam khất sĩ không bao giờ nhục mạ một vị nữ khất sĩ dù là bằng những lời bóng gió hoặc đánh một vị nữ khất sĩ dù là với một cành hoa. Vị nam khất sĩ của thế kỷ 21 có đủ lịch sự nâng một chén trà để mời một vị nữ khất sĩ. Nếu nơi nhân cách của một vị nam khất sĩ chân tu có dáng dấp của bồ tát Phổ Hiền thì nơi nhân cách của một vị nữ khất sĩ chân tu cũng có dáng dấp của đại sĩ Quan Âm. Sự tương kính nầy nuôi lớn cả hai bên đối tác. 
5 Các vị nam khất sĩ khi tổ chức an cư kết hạ hay kết đông nên chọn nơi nào có đoàn thể các vị nữ khất sĩ, để có cơ hội gần gũi, bảo vệ, giáo hóa và được yểm trợ, bởi vì giáo đoàn nữ khất sĩ luôn luôn là đối tác lâu dài của giáo đoàn nam khất sĩ. 
6 Các vị nam khất sĩ khi nghe nói đến một vị nữ khất sĩ có thực học, có tài ba, có đạo đức thì có thể liên lạc với giáo đoàn nữ khất sĩ để thỉnh cầu vị nữ khất sĩ này đến giảng dạy, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tu học của mình. 
7 Khi các vị nữ khất sĩ tình nguyện tới chùa viện các vị nam khất sĩ để giúp đỡ bày biện, nấu cỗ trong những dịp giỗ tổ hay lễ lớn, các vị nam khất sĩ phải biết tìm cách đồng sự và giúp đỡ, nhất là khi có những công tác khiêng vác nặng nhọc. 
8 Khi nghe nói có một vị nữ khất sĩ bị ốm đau, tai nạn, các vị nam khất sĩ cần tỏ lòng ưu ái, phái người đến thăm hỏi và tìm cách yểm trợ. 
* Văn bản Bát Kỉnh Pháp này được Thiền Sư Nhất Hạnh tuyên đọc trong một buổi pháp thoại tại Nội Viện Phương Khê cho giới xuất gia ngày 08.04.08 được loan tải tại www.langmai.org. Muốn nghe trọn bài Pháp Thoại, xin vào mạng Làng Mai www.langmai.org. Văn bản Bát Kỉnh Pháp này được thầy Nhất Hạnh đề tặng cho các thầy Xá Lợi Phất và A Nan Đà, hai vị tôn đức đã có công giúp cho nữ giới được xuất gia, gia nhập vào tăng đoàn của Bụt.


BÁT KÍNH PHÁP:
TẦM QUAN TRỌNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 

Ven. Maha Narin Sea Liu và Chatsumarn Kabilsingh
Thích Nữ Liên Hiếu dịch
 Lời người dịch: Nhân đọc bài viết Ni Giới Đài Loan Vận Động Bỏ Bát Kính Pháp của Đại Đức Thích Giải Hiền được đăng trên mạng Đạo Phật Ngày Nay, chúng tôi cố gắng dịch một vài bài có chủ đề Bát Kính Pháp trong một số tạp chí, nhằm phản ánh hết những quan điểm và những nỗi bức xúc, nguyện vọng, suy tư của một số chư Ni trên thế giới để các độc giả rộng đường trao đổi.
Chúng tôi cũng xin trình bày vài ý nhỏ của mình: Các học giả ngày nay đã minh chứng được Bát Kính Pháp không phải do đức Phật chế định, cụ thể qua bài khảo cứu Quan Điểm Phật Giáo về Nữ Giới: So Sánh Luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Dựa Trên Bản Giới Bổn Tiếng Hoa, của Sư Cô In Young Chung cũng như bài viết ngắn này và nhiều bài viết khác chưa được dịch sang Việt ngữ.
Có nhiều điều luật trong Bát Kính Pháp, ví dụ như điều luật đầu tiên làm cho mọi người cảm thấy tinh thần bình đẳng dựa trên trí tuệ và quả vị giác ngộ của đạo Phật  không được tôn trọng. Nếu bảo rằng vì mục đích hạn chế sự ngã mạn cống cao của chư Tỳ-kheo-ni, thì chính điều luật này làm chỗ dựa cho các tân Tỳ-kheo ỷ lại, ngã mạn cũng không kém. Vẫn biết rằng, mục tiêu tranh đấu của người xuất gia là kẻ thù tham, sân, si và các thuộc tính của các tâm sở bất thiện này chứ không phải vị trí lớn nhỏ trong xã hội hay trong tôn giáo. Chúng tôi cũng tin rằng lời Phật dạy phải đầy minh triết, đầy trí tuệ, không thể có những sơ hở để những người như chúng ta đặt vấn đề được. Tuy nhiên theo thiển ý của chúng tôi vào lúc Kinh Tạng và Luật Tạng được kết tập, vị trí của nữ giới trong bối cảnh xã hội của  Ấn Độ thời đó rất thấp thỏi, và có thể đời sống chư Ni chưa được nâng cao, phần lớn phải nhờ vào chư Tăng, nên các bậc kiết tập kinh điển đã quyền biến ghi là Bát Kính Pháp do đức Phật chế định.
Luật thứ 6 trong Bát Kính Pháp là đầu mối sơ hở để chúng ta có thể kết luận một cách mạnh mẽ rằng Bát Kính Pháp không phải do đức Phật chế định. Quá trình để dẫn đến luật một phụ nữ muốn thọ cụ túc giới phải qua hai năm Thức-xoa-ma-na là một tiến trình lịch sử do phát sinh sau này như trong bài viết này đề cập, nên khi bảo điều luật này do đức Phật chế định cho di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề là điều khó chấp nhận được.
Trong tám điều luật, hầu như 2 điều quá phi lý, các điều còn lại đều bao gồm trong các giới của tụ Ba-dật-đề. Do đó, Bát Kính Pháp rất khó thuyết phục người khác tuân thủ một cách nghiêm cẩn được.
Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, dầu sao Bát Kính Pháp cũng hỗ trợ một phần nào ổn định đời sống của cả hai bộ Tăng Ni trong các sinh hoạt. Nhờ khoảng cách khá lớn giữa chư Tăng và chư Ni như theo luật định, chư Tăng và chư Ni hạn chế bớt những tệ đoan có thể phát sinh như trong Luật ghi lại.  Lại nữa, nhờ Bát Kính Pháp mà chư Ni được sự giúp đỡ của chư Tăng về trú xứ, như khi xây dựng, hoặc tổ chức an cư, tự tứ, giáo giới, hướng dẫn  tu học hoặc các lễ lạc khác. Chư Tăng có thể là người cố vấn cho những sinh hoạt về mặt xã hội và tâm linh, vì theo kinh nghiệm cho thấy phần lớn chư Tăng có sở trường về mặt giao tế thuộc xã hội. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay ít có vị Ni chứng được các quả vị giác ngộ như các vị thánh Ni ở thời đức Phật, trí tuệ thiện xảo của chư Ni nhìn chung không bằng chư Tăng, sức khoẻ để độc cư tu tập hay sống trong cộng đồng cũng không bằng chư  Tăng, các tâm sở bất thiện có phần trội hơn so với chư Tăng. Chính vì những lý do này, chư Tỳ-kheo-ni nên tuân thủ Bát Kính Pháp để thiết lập cho đời sống cộng đồng được ổn định hơn. Xin xem thêm bài viết Bát Kính Pháp rất có sức thuyết phục của TT. Minh Thông.
Sự phân hoá nội bộ Tăng Ni là một thảm hoạ cho Phật giáo. Thảm hoạ bắt nguồn từ sự ngạo mạn, thiếu tương kính và dẫn đến thái độ “mặc kệ”, không hề quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau, điều đó về lâu sẽ tạo nên sự không thông cảm và mất tinh thần “lục hoà”. Nếu chư Tăng và Ni sống tương trợ lẫn nhau trong học và tu cũng như hoằng pháp lợi sinh, không những thể hiện tinh thần lục hoà cộng trú của chư Tăng Ni mà còn giúp cho hai giới thiện nam tín nữ đặt trọn niềm tin đối với  Tăng Bảo (trong đó có cả chư Tăng và chư Ni), nhờ đó việc tu tập của người xuất gia và cư sĩ tại gia được thăng hoa.
Bản dịch dưới đây, nguyên tác tiếng Anh: Garudharma: Its Importance and Problems do Maha Narin Sea Liu và Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh viết, được đăng trong tạp chí Yasodhara (Newsletter on International Buddhist Women’s Activities) Vol. 15, No. 1 (no.57), October December, 1998 do chính Sư Cô biên tập. Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh khi chưa thọ giới Tỳ-kheo-ni đã từng theo khoá học tiến sĩ Phật học ở Canada  và đã dự nhiều hội thảo ở nhiều nơi trên thế giới. Thân mẫu của Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh là vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên của Thái Lan, một đất nước Phật giáo không muốn cho phụ nữ thọ giới Tỳ-kheo-ni. Được sống trong một ngôi chùa dưới sự chăm sóc của một người mẹ đồng thời cũng là một nữ tu, Sư Cô rất hiểu nỗi khó khăn, những trở ngại trong đời sống tu học, và những giới điều mà một vị Ni phải tuân thủ nghiêm cẩn cũng như những lợi ích của việc tuân thủ những giới luật đó như thế nào. Dưới đây xin chuyển ngữ quan điểm và cách tiếp cận của Sư Cô về Bát Kính Pháp.
 

 
Khi Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajàpàtì Gotami) trở thành vị Ni đầu tiên và bà đã chấp nhận Bát Kính Pháp như là  điều kiện tiên quyết để được xuất gia.
Hiện nay, một vấn đề đang gây tranh luận là nội dung Bát Kính Pháp[1] được ghi lại trong Tam Tạng có giống với nội dung Bát Kính Pháp mà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã thọ nhận hay không. Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta có thể xem Bát Kính Pháp như là một cách bảo vệ trực tiếp cho chư Tỳ-kheo-ni, và là sự bảo hộ gián tiếp cho Tăng đoàn trong giai đoạn phôi thai. Chúng ta hãy nghiên cứu lại mỗi điều luật trong Bát Kính Pháp và cố gắng hiểu Bát Kính Pháp được chế định trong bối cảnh lịch sử xã hội như thế nào.
1. Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ cũng phải đảnh lễ một vị Tăng vừa mới thọ giới một ngày.
 Điều luật này nói lên Phật giáo là một hệ thống gia trưởng với bản chất miệt thị phụ nữ. Nhưng trên thực tế, điều luật này đem đến sự lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni, giúp họ làm nhỏ bé dần bản chất chấp ngã (atta) của họ. Lại nữa, Ni đoàn được thành lập sau Tăng đoàn, và đức Phật trông cậy vào chư Tỳ-kheo thông thái để giúp Ngài dạy dỗ các vị Tỳ-kheo-ni mới thọ giới. Theo luật, các vị Tỳ-kheo-ni phải cung kính Tỳ-kheo là điều hết sức hợp lý. Đức Phật không muốn chế định những điều luật mới và Ngài cũng không muốn đi ngược lại với dòng chảy của xã hội khi điều luật này cũng không có gì trái  với tinh thần căn bản của Phật giáo.
Lại nữa, đức Phật không phải là một pháp gia, Ngài luôn mở ra những biệt lệ cho các đệ tử (khai). Có một nhóm Tỳ-kheo ứng xử thiếu tư cách đối với Tỳ-kheo-ni, Ngài cho phép chư Tỳ-kheo-ni không cung kính các vị Tăng này[2].
2. Tỳ-kheo-ni không được an cư ở một trú xứ không có chư Tăng.
Trong xã hội Ấn Độ, nữ giới luôn luôn được nam giới trong gia đình bảo vệ. Cũng vậy trong Tăng đoàn, chư Tỳ-kheo như những người anh  phải bảo vệ cho Tỳ-kheo-ni như những đứa em gái của họ. Điều luật này được chế định là vì lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni.
Tuy nhiên, ở Đài Loan do hoàn cảnh xã hội khác biệt, chư Tỳ-kheo-ni đã sống tách biệt với Tăng đoàn. Chư Tỳ-kheo-ni không có nhu cầu bảo vệ của chư Tỳ-kheo.
Thật ra, Ni đoàn ở Đài Loan được thành lập vững mạnh trước đó rồi chư Tăng từ đại lục Trung Hoa mới đến Đài Loan, sau khi Trung Hoa chuyển sang chế độ Cộng Sản.
3. Chư Tỳ-kheo-ni nên cầu xin ngày nào là ngày Bố-tát và cầu  giáo giới từ chư Tăng trong mỗi  nửa tháng.
Thông thường các nghi thức Phật giáo được tổ chức theo ngày âm lịch. Tăng đoàn thường hội họp  để làm lễ yết-ma (Sanghakamma) vào mỗi nửa tháng. Để hợp lệ cho nhị bộ Tăng yết-ma trong cùng một ngày, chư Tỳ-kheo-ni phải luôn luôn thưa hỏi để biết chắc ngày cử hành lễ cho nhất quán.
Về giáo thọ sư, chỉ có một số vị Tăng nào đó được chọn làm giáo thọ để  đi đến Ni đoàn giáo giới. Chư Ni phải đi đến cầu xin giáo thọ là một việc hợp lý cần phải thực hiện.
4. Sau mùa an cư chư Tỳ-kheo-ni phải đến cầu xin tự tứ (trình 3 việc: thấy, nghe, nghi) với nhị bộ Tăng Ni.
Tự tứ là một phương cách dân chủ trong Tăng đoàn. Chư Tăng và chư Ni có thể nhắc lại những hành vi sai lầm để người làm sai có thể sửa đổi, tiến bộ và để giữ cho Tăng đoàn cộng trú trong sự hoà hợp và  thịnh đạt cho Tăng đoàn. Điều này vô cùng lợi ích cho chư Ni. Một số vấn đề chư Ni đòi hỏi phải đối trước nhị bộ Tăng Ni sám hối hoặc cầu xin thọ giới, trong khi đó chư Tăng thì không đòi hỏi vấn đề này. Điều này cũng có giá trị xuất phát từ bối cảnh xã hội và lịch sử vì chư Tăng phải bảo vệ, khuyến tấn và dạy dỗ chư Ni.  Điều này cũng không thích hợp cho chư Ni tham dự vào việc cử tội chư Tăng trong đó có một số vị thầy giáo thọ của họ.
5. Vị Ni phạm trọng tội phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin hành pháp Ma-na-đoả trong nửa tháng.
Điều luật này đề cập đến cách sám hối để phục hồi sự thanh tịnh của một người phạm tội, cho phép vị ấy trở lại Tăng đoàn. Điều này rất quan trọng, vì các vị giáo thọ trong Tăng đoàn có thể hướng dẫn và truyền trao kiến thức cho Ni đoàn.
6. Thức-xoa-ma-na tuân giữ 6 giới trong 2 năm, muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin.
Giai đoạn 2 năm tu tập là một phương tiện để cho một người nữ chuẩn bị thọ giới ở cấp độ cao hơn, đó là Tỳ-kheo-ni giới. Điều này trở thành điều kiện tiên quyết và cũng là điều chướng ngại cho những người muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni mà trong nhiều nước theo truyền thống Theravāda hiện nay không có Ni đoàn.
Nguyên nhân đầu tiên của giới này được chế định là để biết chắc rằng người nữ được thọ giới Tỳ-kheo-ni là người có đủ tiêu chuẩn được thọ giới. Một trường hợp được ghi lại trong Luật Tạng là một  phụ nữ gia nhập Tăng đoàn mà cô không biết là cô đang bị có thai. Do trường hợp đặc biệt của cô, cô được phép vẫn giữ nếp sống  của một Tỳ-kheo-ni để sinh con. Nhưng thật sự sinh hoạt của một người mẹ rất trở ngại cho cuộc sống của một nữ khất sĩ. Trong trường hợp đặc biệt trên, sau này đứa bé được cho người khác dưỡng nuôi. Do đó, người nữ, chứ không phải là người nam, cần phải tuân giữ một giai đoạn tu tập gọi là Thức-xoa-ma-na.
7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.
Điều này có lợi ích cho đời sống cộng trú hoà hợp giữa nhị bộ Tăng Ni, đặc biệt khi Tăng đoàn thành lập trước Ni đoàn và Ni đoàn phải nhờ chư Tỳ-kheo dạy dỗ.
8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni.
Điều luật này được phát sinh từ điều luật thứ nhất nhấn mạnh đến giá trị xã hội trong một giai đoạn thể hiện sự tôn kính Tăng đoàn là điều cần thiết và đem lại lợi ích cá nhân cho chư Ni.
Bây giờ chúng ta hãy bước vào một số vấn đề gây tranh luận trong Bát Kính Pháp. Người ta tin rằng đức Phật đã chế định Bát Kính Pháp cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề như là những điều luật đặc biệt. Thông thường những điều luật này cũng được Ni đoàn tuân giữ. Nhưng nếu nghiên cứu một cách tỉ mỉ chúng ta thấy rằng Bát Kính Pháp chỉ áp dụng cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề. Vì sau này 500 thể nữ thuộc dòng họ Thích-ca được các vị Tăng trưởng thượng truyền giới còn Di mẫu thì không có thọ giới từ các vị Trưởng Lão này. Chính Di mẫu đặt ra vấn đề, những điều luật Di mẫu thọ nhận có giống với những gì các thể nữ dòng họ Thích-ca hay đã thọ hay không. Di mẫu được trả lời là bà đã được truyền giới rồi qua sự tuân giữ Bát Kính Pháp[3].
Một vấn đề khác, nếu Bát Kính Pháp thật sự được chế định vào lúc đầu tiên Ni đoàn vừa mới thành lập, vì sau này Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề thưa đức Phật rằng  chư Tăng Ni có thể lễ bái tôn kính nhau theo tuổi đạo được hay không, đức Phật không chấp nhận. Sự việc này chắc hẳn xảy ra rất lâu sau khi Bát Kính Pháp đã được chế định. Nhưng Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tuân giữ Bát Kính Pháp trước đó rồi thì yêu sách chư Tăng Ni phải lễ bái và tôn kính theo tuổi đạo không còn là vấn đề nữa (Điều 1 trong Bát Kính Pháp). Sự kiện này có thể chứng minh rằng Bát Kính Pháp được hình thành rất lâu trong một tiến trình lịch sử.
Nghiên cứu nội dung của điều luật 2 trong Bát Kính Pháp, chúng ta thấy điều luật này giống với giới thứ 56 trong tụ Ba-dật-đề nói về trú xứ (Arama Vagga) trong Giới Bổn Ni. Nếu thật sự chư Ni đã tuân giữ Bát Kính Pháp rồi thì tại sao đức Phật lại chế ra một giới trong tụ Ba-dật-đề giống như nội dung của điều luật này trong Bát Kính Pháp. Tại sao điều luật này lại được lập lại như vậy?
Trong một ngữ cảnh khác, việc xuất gia của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề có thể so sánh với việc xuất gia của tôn giả  Đại Ca-diếp (Maha Kassapa). Tôn giả Đại Ca-diếp phát nguyện giữ 3 lời nguyện (Ovada), trong khi đó Di mẫu chấp nhận tuân giữ Bát Kính Pháp. Nhưng người ta có thể đưa ra một vấn đề khác sau khi khảo sát ba điều luật mà tôn giả Đại Ca-diếp tuân thủ, các điều luật này chỉ là nguyên tắc đặc biệt áp dụng dành riêng cho cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp. Ba lời nguyện của Ngài  Đại Ca-diếp được tóm tắt như sau:
1. Tôi nguyện sẽ tôn kính chư Tỳ-kheo dù tuổi đạo lớn hay nhỏ.
2. Tôi nguyện sẽ chú tâm lắng nghe thiện pháp.
3. Tôi nguyện sẽ  không màng đến thân thể.
Ba lời nguyện này được cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp thực hành khi xuất gia và tu tập suốt đời của tôn giả, nhưng Bát Kính Pháp lại được áp dụng cho toàn thể Ni đoàn.  Bát Kính Pháp tự thân nó không có một bằng chứng về quá trình hiện hữu, điều đó cho chúng ta một ý khác có thể có một Bát Kính Pháp khác mà tám điều luật này là những nguyên tắc hướng dẫn cho cách tu tập của Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề.
Điều luật thứ 6 của Bát Kính Pháp thật sự tạo ra một vấn đề liên hệ đến tiến trình lịch sử. Thượng Toạ Khantipalo (cựu trụ trì của Wat Buddharama ở Úc) là người đầu tiên chỉ ra sự khác biệt này. Theo Thượng Toạ, lần đầu tiên người nữ xin xuất gia tất cả họ được thọ giới Tỳ-kheo-ni liền. Không thể nào nói rằng đức Phật lại đặt điều kiện  phải thọ Thức-xoa-ma-na trong khi Ni đoàn chưa được thành lập.
Cấp độ thọ giới Thức-xoa-ma-na được chế định sau này khi có sự kiện một người nữ bị có thai như đã được trình bày ở trên. Đức Phật không phải là một nhà lập pháp, Ngài  chưa từng chế định một giới nào mà không có sự kiện xảy ra, mỗi giới được chế định ra là do các sự cố trong   Tăng đoàn.
Vào giai đoạn mới thành lập Tăng đoàn, tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Phật nên chế định giới luật cho chư Tăng tuân theo. Đức Phật đã từ chối vì trong thời gian ấy chưa cần thiết phải chế định ra bất cứ một giới nào và vì hầu hết chư Tăng đều là các bậc giác ngộ. Một giới được ra đời là khi có chư Tăng phạm, do đó đức Phật mới chế định để giúp chư Tăng tránh những lỗi như vậy.
Lại nữa, mỗi điều luật tự thân của nó không bao giờ hoàn hảo, nó luôn được sửa đổi và điều chỉnh nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của con người. Giới luật phải được hiểu theo tinh thần của nó để chúng ta có thể sống đúng với Luật như đức Phật muốn nhắn nhủ.
[1] Cullavagga (Tiểu Phẩm), chương X; Sacred Book of East, XX, p. 354.
[2] Sự kiện này chúng tôi chưa tìm được trong Luật Tạng hoặc trong Kinh Tạng. Nếu các độc giả tìm được dẫn chứng này trong Kinh, xin chỉ giúp (chú thích của người dịch).
[3] Sự kiện lịch sử này được ghi lại trong chương X của Cullavagga (Tiểu Phẩm) khác hẳn. Theo  sử liệu này, bà cùng năm trăm thể nữ cùng  quyết chí xuất gia đã đi bộ từ Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly  cầu xin đức Phật chấp nhận cho được xuất gia. Đức Phật đã đưa điều kiện là phải tuân thủ Bát Kính Pháp, Bà đại diện cho 500 thể nữ chấp nhận điều kiện của Phật đưa ra, lập tức  Bà và 500 thể nữ được xuất gia (chú thích của người dịch).


TU NỮ, NI ĐOÀN VÀ BÁT KỈNH PHÁP
Thiền Viện Nguyên Thủy
Ni Đoàn trong Phật Giáo luôn là vấn đề tranh cãi. Vào thời Đức Phật tại thế, sau khi đắn đo, cuối cùng thì Đức Phật cũng cho phép thành lập Ni Đoàn cùng với giới luật của Bát Kỉnh Pháp. Trong thời gian Đạo Phật suy vi, chẳng may Ni Đoàn tan rã vào thế kỉ thứ 1o tại Sri Lanka. Đối với Mật Tông (một tông phái lớn của Đại Thừa) và Đạo Phật Nguyên Thủy (Theravada, Nam Tông) Ni Đoàn không còn tồn tại. Hàng ngàn năm nay tại các nước mà Đạo Phật là quốc giáo như Myanmar, Thailand, Cambodia, các tu nữ vẫn tồn tại bên cạnh tăng đoàn như một đoàn thể không chính thức. Gần đây, một số Tu nữ tài giỏi, có tiếng tăm, đã vận động quốc hội để thành lập Ni Đoàn ngay tại Thailand. Hoặc tại Đức năm 2007 cũng có phong trào vận động Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ 14 đẻ tái lập Ni Đoàn vốn không có trong Mật Tông Phật Giáo.
Đối với truyền thống của Đạo Phật Nguyên Thủy, ngay sự tái lập Ni Đoàn sau khi tan rã ( vào thế kỉ thứ 10 tại Sri Lanka) là điều không thể. Thì trái lại Đạo Phật phát triển vốn sẵn có Ni Đoàn, lại đang tiếp tục có phong trào  (Ni giới Đài Loan) vận động để bác bỏ luôn Bát Kính Pháp! Có rất nhiều người đồng ý vì tin rằng Bát Kính Pháp ra đã ra đời và từng thay đổi trong suốt quá trình Đạo Phật phát triển. Cũng có nhiều người không đồng ý với phong trào này vì cho rằng dù được nhà nước thế quyền chấp nhận nhưng thẩm quyền chấp nhận cao nhất vẫn thuộc về giáo quyền của giáo hội.
Sự có mặt của người tu nữ trong Giáo Đoàn tại sao lại làm cho Đức Phật đắn đo. Chắn hẳn một vị toàn giác biết được nhiều điều sâu ẩn hơn cái biết cạn cợt của chúng ta. Dưới áp lực của phong trào bình đẳng nam nữ trong hiện tại, làm thế nào để chứng minh quan điểm của Đức Phật là đúng đắn là một điều cần thiết. Vần đề thật gai góc! Cuối cùng, và dĩ nhiên từng người tu nữ có thể tự quyết định chọn lựa cho mình hoặc đứng trong truyền thống Theravada hoặc tự ly khai thành lập đoàn thể mới như Ni Đoàn một số nước đã làm.
Dưới đây là những tài liệu về sự thành lập Ni Đoàn, Bát Kỉnh Pháp, dự đoán của Đức Phật và các tranh luận gay gắt trong thời hiện tại.
 

Một thời gian sau; lịnh bà Gotamì vào hầu Phật và bạch hỏi rằng: Bạch đức Ðại Giác, người phụ nữ có thể xuất gia theo Phật giáo được chăng?
Ðức Thế Tôn không đáp mà Ngài dạy rằng:
- Di mẫu Gotamì , Bà không nên mộng ước xuất gia, người phụ nữ không nên xuất gia theo Phật giáo.
Bà Gotamì yêu cầu đức Thế Tôn cho bà xuất gia như thế đôi ba lược. Ðức Thế Tôn cũng từ chối không chấp thuận. Lịnh bà lấy làm buồn khổ, than khóc rồi ra về.
Ðức Thế Tôn ngự tại thành Ca Tỳ La Vệ một thời gian vừa phải Ngài lại ra về thành Vesàlì , Ngài ngụ tại Kutagàra .
Vì lòng hâm mộ Phật pháp, nhứt là bà thấy rõ quả báo của sự giải thoát nên bà rất yêu chuộng sự xuất gia, bà cùng với năm trăm bà hoàng có chí hướng xuất gia đồng thí pháp đắp y mang bát đi chân không từ thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Vesalì là nơi đức Thế Tôn đang ngự thuyết pháp độ chúng sanh. Do quí bà là hàng vua chúa không bao giờ đi bộ, phương chi hôm nay quí bà đi bộ mà lại đi chân không và đi một khoảng đường rất xa nên chân của các bà đều phòng và nứt ra, thân người bám đầy bụi đường, trông thật là thảm khổ. Quí bà vào hầu Phật mắt đẩm đầy lệ.
Trước khi quí bà hầu Phật thì gặp Ðại Ðức Ananda. Bà Gotamì bảo rằng: Sở dĩ mà bà thí phát, đắp y cà sa trước Phật cho phép, vì bà muốn xuất gia và cũng đã ba phen thỉnh cầu đức Thế Tôn nhưng Ngài không cho phép.
Ðại Ðức Ananda nói: Xin lịnh bà đình chỉ lại nơi đây. Tôi sẽ vào hầu Phật và xin cho quí bà xuất gia cho bằng được. Ðức Ananda liền vào hầu Phật. (từ đoạn sau đây đi tôi viết theo Tạng Luật, bộ Culavagga).
Sau khi đảnh lễ Phật xong, rồi vào nơi phải lẽ và bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, bà Gotamì , hai chân phồng sưng lên, thân hình bà thật là tiều tụy; mình bám đầy bụi đường, bà rất khổ tâm, nay bà đang đứng khóc bên ngoài vì bà chắc chắn rằng: Ðức Thế Tôn không ưng thuận cho phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Phật. Vậy nên đệ tử xin đức Thế Tôn mở lượng từ bi cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của đức Thế Tôn đã giáo truyền.
- Ananda ơi, ngươi đừng yêu cầu cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Như Lai đã giáo truyền.
Ðại đức Ananda yêu cầu như thế đôi ba lượt, nhưng đức Thế Tôn vẫn đáp như trước.
Ðại Ðức Ananda mới nghĩ: Tại sao đức Thế Tôn không bằng lòng cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp của Ngài đã truyền, mặc dầu vậy, nhưng ta cũng phải cương quyết yêu cầu xin cho kỳ được. Ngài mới bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài, những phụ nữ ấy có thể đắc từ quả Tu đa huờn đến A-la-hán hay không?
- Ananda nầy, nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì cũng có thể đắc đạo quả từ Tu-đà-huờn trở lên A-la-hán.
- Bạch đức Thế Tôn nếu hàng phụ nữ mà xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền có thể đắc từ quả Tu-đà-huờn đến A-la-hán, vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài đã giáo truyền. Hơn nữa lịnh bà Gotamì là người có ơn rất lớn đối với Ngài, bà lại là di mẫu của Ngài, là người đã ra công nuôi dưỡng Ngài, cho Ngài bú từ giọt sữa, đút từ vắt cơm sau khi Phật mẫu thăng hà.
Theo chú giải của bộ Luật nầy có giải và nêu câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại không cho phép hàng phụ nữ xuất gia? Có phải chăng đức Thế Tôn là đấng có lòng từ bi vô lượng vô biên?
Ðáp: Phải; đúng vậy. Nhưng đức Thế Tôn định phải có sự yêu cầu khó khăn nhiều lượt như thế, để hàng phụ nữ nhận thức rằng: Sự xuất gia được của chúng ta đây thật là khó. Nhờ vậy nên hàng phụ nữ mới cố gắng thu thúc giới luật hoàn toàn trong sạch.
Ðức Thế Tôn liền dạy Ðại Ðức Ananda rằng: Ananda nầy, nếu lịnh bà Gotamì bằng lòng thọ TÁM TRỌNG PHÁP. Và vâng giữ Tám Trọng Pháp ấy là sự xuất gia của bà.
TÁM TRỌNG PHÁP ấy là:
1) Mặc dầu bà Tỳ khưu ni xuất gia đã được trăm hạ chăng nữa, cũng phải kính trọng và đảnh lễ thầy Tỳ khưu mới xuất gia trong ngày ấy (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để răn các bà bớt lòng ngã mạn khinh người).
2) Bà Tỳ khưu ni không thể nhập hạ nơi nào mà không có thầy Tỳ khưu (Ðức Phật ra điều học nầy để chư Tỳ khưu Tăng kiểm soát quí bà Tỳ khưu ni).
3) Bà Tỳ khưu ni phải luôn luôn thực hành theo hai điều là: Phải hành lễ Phát lồ. Sau hành lễ xong phải đến nơi chư Tỳ khưu cư ngụ để nghe lời giáo huấn của quí Ngài. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà thường trực gần chư Tăng hầu nghe lời giảng dạy của chư Tăng mỗi tháng hai lần).
4) Mặc dầu quí bà đã làm lễ nhập hạ xong, đến ngày ra hạ cũng phải hành lễ ra hạ, và rồi, cũng phải đến nơi cư ngụ của chư Tỳ khưu Tăng hành lễ ra hạ một lần nữa. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà tự tỏ ra quí bà rất hòa nhau).
5) Nếu bà Tỳ khưu ni đã phạm Tăng tàng và làm lễ phạt cấm phòng mỗi ngày và đã xưng tội bên Tỳ khưu ni xong cũng phải đến xưng tội với chư Tỳ khưu Tăng.
6) Nếu có giới tử muốn xuất gia Tỳ khưu ni, quí bà đã cho xuất gia xong rồi, nhưng phải đưa đến cho xuất gia lại nơi chỗ có kiết giới của chư Tỳ khưu Tăng.
7) Bà Tỳ khưu ni không quyền thóa mạ chư Tỳ khưu.
8) Vị Tỳ khưu luôn luôn có quyền giáo huấn chư Tỳ khưu ni, chư Tỳ khưu ni không bao giờ có quyền giáo huấn vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ni không quyền dễ duôi đối với vị Tỳ khưu, và phải hết lòng cung kính.
- Ananda nầy, nếu bà Gotamì ưng thuận thọ trì Tám Trọng Pháp mà Như Lai đã dạy trên thì Như Lai chấp thuận cho bà xuất gia bằng cách thọ Tám Trọng Pháp.
Ðại đức Ananda học thuộc lòng tám điều ấy xong liền đến nơi của bà Gotamì và bảo bà: Nếu lịnh bà bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp đó là phương pháp xuất gia của lịnh bà. Ðại Ðức Ananda liền đọc lại tám điều mà đức Thế Tôn đã khẩu truyền.
Khi bà Gotamì nghe xong Tám Trọng Pháp liền nói rằng: Bạch Ðại Ðức lẽ thường thanh niên thanh nữ đều ưa thích tắm rửa trang điểm, đầu giắt hoa sen hay hoa ma lị v.v… Cũng ví như tôi ưa thích Tám Trọng Pháp vâng giữ hành theo trọn đ?i.
Ðại Ðức Ananda trở lại hầu Phật đảnh lễ xong bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn Di mẫu Ngài là bà Gotamì rất hài lòng thọ lấy Tám Trọng pháp để xuất gia.
Ðức Phật dạy: Ananda ơi, nếu không có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh còn tồn tại trong thế gian nầy lâu dài hơn, chánh pháp còn tồn tại đến một ngàn năm. Nhưng khi có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh sẽ không còn tồn tại lâu dài. Chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm. Ananda nầy, trong gia đình nào có nhiều phụ nữ không có người nam, gia đình ấy sẽ bị kẻ trộm đánh cắp nồi cơm rất dễ, điều nầy cũng như phụ nữ xuất gia trong giáo pháp nào thì phạm hạnh trong giáo pháp ấy càng không thể tồn tại được lâu dài, cũng như loại cào cào châu chấu đã đáp xuống ruộng lúa nào thì ruộng lúa ấy không thể tồn tại lâu được, hoặc cũng như loại đuông đã sanh trong rẫy mía nào thì rẫy mía ấy cũng chẳng tồn tại lâu được, những điều nầy cũng ví như khi phụ nữ xuất gia theo pháp luật nào giáo lý nào, thì phạm hạnh của pháp luật ấy hay giáo lý của phạm hạnh ấy, không tồn tại được lâu dài. Do đó người thường đắp đê để ngăn không cho nước tràn ra khỏi ao hồ được. Cũng như Như Lai ra Tám Trọng Pháp cấm đoán Tỳ khưu ni không cho các vị Tỳ khưu ni dễ duôi trọn đời.
Ðây là lời Chú giải của bộ Luật CULLAVAGGA .
Lời Phật dạy: Pháp Luật có nghĩa là Giáo lý hay Giáo pháp, hay Tôn giáo.
Lời Phật ngôn: Ví như người đắp đê to ngăn cản không cho nước tràn ra khỏi ao hồ. Câu nầy có nghĩa là: Nếu người muốn giữ nước trong ao hồ không cho tràn ra thì phải đấp đê ngăn nước, nước ấy sẽ tồn tại được. Ðiều nầy cũng ví như đức Thế Tôn đã ra Tám Trọng Pháp trước khi sanh ra những điều chẳng lành, Ngài không để các bà Tỳ khưu ni vi phạm. Tám Trọng Pháp nầy cũng ví như là đê để ngăn nước kia vậy. Khi Ngài ra Tám Trọng Pháp ngăn ngừa mà để cho hàng phụ nữ xuất gia thì chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm thôi. Một khi đã có Tám Trọng Pháp ngăn ngừa trước thì chánh pháp sẽ còn tồn tại đến một ngàn năm, có nghĩa là nhờ có Tám Trọng Pháp ấy nên thêm được năm trăm năm. Cộng là một ngàn năm.
Câu Phật ngôn dạy: Ngàn năm có nghĩa là kể từ ngày đức Thế Tôn Niết bàn đến một ngàn năm sau còn có vị Thánh nhơn đắc đến bực A-LA-HÁN QUẢ. Kế đến là ngàn năm thứ nhì chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả A NA HÀM. Kế đến ngàn năm thứ ba chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả TU ÐÀ HÀM. Kế đến ngàn năm thứ tư chỉ có chư Thánh nhơn đắc quả TU-ÐÀ-HƯỜN mà thôi… Ngàn năm thứ năm chỉ còn các vị Tỳ khưu thọ giới Ba La Ðề Mộc Xa. Tức là thọ Cụ Túc giới.
Ðây là đoạn Chú giải bộ DIGHANIKAYA ( Trường Bộ).
Trong bộ chú giải của Tạng kinh Trường A Hàm có giải khác hơn là:
Ngàn năm đầu còn có bực đắc A-la-hán PATISAMBHIDA , Tàu dịch là TUỆ PHÂN TÍCH.
Ngàn năm thứ nhì còn có vị A-la-hán đắc được CHALA BHINNO , Tàu dịch là LỤC THÔNG.
Ngàn năm thứ ba còn có vị A-la-hán đắc TÊVIJJO , Tàu dịch là TAM MINH.
Ngàn năm thứ tư còn có vị A-la-hán gọi là SUKKHAVIPASSAKA , Tàu dịch là SẮC BIÊN LẠC. (quán xét các bậc thiền Sắc và Vô Sắc).
Ngàn năm thứ năm còn giới Ba La Ðề Mộc Xa tức là Cụ Túc giới.
Riêng về chú giải của Tạng kinh bộ ANGUTTARANIKAYA lại giải khác hơn chút là:
Chư đệ tử có thể đắc được Tuệ phân tích ở ngàn năm thứ nhứt sau khi Phật Niết bàn.
Ðến ngàn năm thứ nhì chư đệ tử chỉ đắc được Lục thông.
Ðến ngàn năm thứ ba chư đệ tử chỉ đắc được Tam minh.
Ðến ngàn năm thứ tư chư đệ tử chỉ đắc được SẮC BIÊN LẠC thôi, (tức là thiền Hữu sắc và Vô Sắc).
Sau đó chỉ còn có chư Thánh nhơn đắc được ba quả dưới là A na hàm, Tư đà hàm và Tu-đà-hườn. Kể ra là đủ năm ngàn năm tuổi của Phật giáo.
Theo bộ chú giải nầy chỉ cho ta thấy trong vòng năm ngàn năm còn có Thánh nhơn. (Lời của soạn giả).
Theo đây tôi (soạn giả) cũng xin nói rõ thêm là: Khi lịnh bà Gotamì xuất gia theo Phật pháp, tất cả những điều học là hai trăm hai mươi bảy điều răn cấm của chư Tăng chưa có, vì lúc ấy Phật giáo mới truyền bá, hầu hết chư Tăng điều là bực Thánh nhơn; nếu vị nào chưa đắc Thánh quả cũng đều là hạng có giới đức thật trong sạch như bực Thánh nhơn, vì các vị ấy có duyên lành rất dầy nên không vị nào phạm một lỗi lầm mặc dầu thật nhỏ. Ðến hạ thứ sáu trở đi mới bắt đầu có điều răn cấm những điều răn cấm gọi là Ðiều học hay cũng gọi là Luật.
Sau khi Ðại Ðức Ananda bạch Phật là bà Gotamì bằng lòng nhận Tám Trọng Pháp để hành theo trọn đời, Ðức Thế Tôn cho bà Gotamì xuất gia với năm trăm bà hoàng bằng cách thọ Tám Trọng Pháp. Kể từ ngày ấy có Tỳ khưu ni và có đủ hàng Tứ chúng.
- Trích: Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm-Maha Thongkham Medhivongs
BÁT KỈNH PHÁP: MỘT VẤN NẠN THỜI ĐẠI
Gần đây ở bên nhà có cuộc tranh luận về bài giảng  "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ.  Tôi nghĩ, có thêm một tiếng nói của cư sĩ Phật Giáo có lẽ cũng không phải là vô ích.   Để tìm hiểu vấn đề, tôi vào đọc trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, một trong vài trang nhà Phật Giáo tôi thường vào đọc, nhưng không còn thấy mấy bài của Thầy Phước Huệ, vào phapthoai.net, và đây là lần đầu tiên,  thì thấy có nhiều quan điểm khác nhau, vào Quảng Đức thì có bài của Thích Lệ Thọ. Riêng trong phapthoai.net, dưới “chủ đề sôi nổi”: "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” có tới hơn 140 bài góp ý của một số người tham gia.  Do đó tôi cũng nắm được phần nào về những phản ứng xung quanh bài giảng của Thầy Nhật Từ.  Thật ra, trước đây tôi cũng đã đọc kha khá về vai trò phụ nữ trong đạo Phật và tôi cảm thấy có điều bức xức trong lòng.  Cách đây vài năm, nhân dịp nói chuyện với một Sư cô đang theo học tại đại học Wisconsin ở Madison, tôi có đề nghị một đề tài nghiên cứu đại cương là về nâng cao vị thế, xác định rõ vai trò của Tỳ Kheo Ni trong Phật Giáo trong thời đại ngày nay.  Sư cô nói rằng: “Khó lắm bác ơi!  Vì truyền thống Ni phụ thuộc Tăng đã ăn sâu trong những xã hội Á Châu, rất khó mà thay đổi.”.  Nay, có lẽ đây là dịp để tôi bày tỏ vài ý kiến nhân cuộc tranh luận gần đây về vấn đề nên bỏ hay không bỏ Bát Kỉnh Pháp.
Tuy đã có nhiều nghiên cứu, bình luận về Bát Kỉnh Pháp trong môi trường trí thức Âu Mỹ từ nhiều năm nay rồi, nhưng có lẽ  bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Thích Nhật Từ đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam nội địa mà nhiều khi không phải là tranh luận trí thức như Thầy Phước Huệ đã vạch rõ.  Thật là đáng tiếc vì điều này đáng lẽ không nên xẩy ra.
Một cuộc tranh luận trí thức có những tiêu chuẩn của nó.  Giá trị của một cuốn sách hay một bài viết là ở nội dung cuốn sách hay bài viết chứ không nằm ở tiểu sử, bằng cấp, hay chức tước, địa vị của tác giả.  Thời buổi này, người ta không thể mang bằng cấp, chức tước, địa vị v..v.., hoặc có trước đây, hoặc có bây giờ, ra để mà thuyết phục độc giả về giá trị của một cuốn sách hay của một bài viết.  Cũng vì vậy, trong giới trí thức, nhất là trong môi trường đại học, khi phê bình một cuốn sách hay một bài khảo luận của một tác giả nào đó, không bao giờ người ta nói đến đời tư của tác giả rồi dựa vào đó mà suy diễn lệch lạc theo thiên kiến của mình, đưa ra những khẳng định vô trách nhiệm về tác giả đó, những điều không liên quan gì đến nội dung tác phẩm của tác giả.  Khổ thay, có vẻ như một số những người tham gia cuộc tranh luận về Bát Kỉnh Pháp trong phe chống đối chưa biết  đến những tiêu chuẩn căn bản này, cho nên khi góp ý về bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Thích Nhật Từ đã không đi vào từng luận điểm trong bài giảng của Thầy Nhật Từ mà lại đưa ra những nhận xét về cá nhân Thầy Nhật Từ, lôi cả bằng cấp của Thầy ra chê bai, rồi chọn trong cái kho nón cối của mình, để chụp lên đầu Thầy một lúc vài cái nón hoàn toàn có tính cách chụp mũ vô trách nhiệm, vô căn cứ. Những người này tưởng rằng dùng những thủ đoạn như vậy là có thể giảm được uy tín của đối phương, không ngờ lại có nhiều phản tác dụng trong giới trí thức, tự chứng tỏ là mình thiếu kiến thức, thiếu khả năng đối thoại nghiêm chỉnh, và nhất là, thiếu tư cách. 
Đọc những bài chống đối lúc đầu trên trang nhà phapthoai.net, tôi có cảm tưởng là sự chống đối bắt nguồn từ tình cảm phe phái chứ chẳng phải là một cuộc tranh luận trí thức.  Điều này khá rõ rệt vì chúng ta thấy “người ta” đã đưa cả chính trị vào trong vòng tranh luận, chụp mũ Cộng Sản lên đầu Thầy Nhật Từ, và dùng những từ thiếu nghiêm túc đối với những bậc trưởng thượng trong Phật Giáo như các quý Thầy Minh Châu, Trí Quảng, Trí Siêu và cả Thầy Thanh Từ, Nhất Hạnh nữa, những vị này chẳng liên quan gì đến bài giảng của Thầy Nhật Từ.  Có thể đây không phải là chủ trương của phapthoai.net, nhưng sự xuất hiện của những ý kiến lạc đề và nặng tính phe phái chính trị này khiến cho người đọc không thể không đặt nghi vấn trước mục đích, chủ trương, và thực chất của phapthoai.net.  Do đó, ngay từ đầu, phapthoai.net đã tự làm giảm đi danh vị của mình rất nhiều trên diễn đàn truyền thông, nếu thực sự đã có một danh vị nào đó.
Nhận xét trên của tôi không phải là vô căn cứ, xin quý vị đọc lại nội dung một số bài thuộc phe chống đối.  Chẳng vậy mà có một Phật tử, dưới tên Chinh Phap, cũng đã đưa ra những nhận định như sau:
Là một Phật tử, con rất buồn và xấu hổ khi theo dõi cuộc tranh luận. Con thường nghe các Thầy giảng pháp với những lời lẽ rất hay, những nội dung rất lợi lạc như không tham sân si, không khẩu nghiệp, không gian dối, không nói xấu, phải lo tu thân...
Thế nhưng theo dõi cuộc tranh luận với những lời lẽ hết sức nặng nề, bôi nhọ, chụp mũ, phương pháp tranh luận phản khoa học trong chủ đề này, con không khỏi giật mình với những trưởng tử của Như Lai như các Thầy. Con không hề cảm nhận được cái tâm trong sáng của những người tranh luận, con không cảm nhận được trí tuệ mà đạo Phật luôn luôn đề cao, con không cảm nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật, con không cảm nhận được "lục hòa", không cảm nhận được bao nhiêu điều tốt đẹp và đức Phật đã truyền lại.
Con chỉ cảm nhận được sự ganh ghét của người đời, cảm nhận được dã tâm bôi nhọ và chụp mũ người khác, cảm nhận được lối tranh luận nặng chỉ trích cá nhân mà không đi vào nội dung? Hay con cũng chỉ là phàm phu tục tử nên không thể thấy những cái cao siêu vi diệu trong lời lẽ tranh luận của các Thầy?
và: Tranh luận tài giỏi thì phải dùng lập luận, dùng lý lẽ, dùng kinh điển, dùng lịch sử để bác bỏ lập luận của người khác. Đáng tiếc là bạn và một số "thầy cô" trong (phapthoai.net) chưa đủ phương pháp nghiên cứu để trao đổi, tranh luận với thầy Nhật Từ nên dùng lời nói nặng tính chỉ trích cá nhân, chụp mũ, ngậm máu phun người, thậm chí là phi nhân tính (khi lôi chuyện bệnh tật của người khác ra để chế giễu)….
…Nếu tôi đoán không nhầm thì chắc bạn thuộc về một tổ đình thất thế, ít lo đến giáo dục đệ tử mà chỉ mải tranh đấu, múa may, quay cuồng, diễn trò cười cho thiên hạ.Chừng đó cũng đủ để chúng ta thấy rõ cuộc “tranh luận” về Bát Kỉnh Pháp là như thế nào.  Là Phật tử, chúng ta ai mà không cảm thấy đau lòng khi thấy cảnh chia rẽ phe phái trong đại khối Phật Giáo Việt Nam.  Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các bài góp ý kiến đều thuộc loại trên, tuy nhiên, xin quý vị trong phapthoai.net hãy nghĩ xem Phật tử Chinh Phap nhận xét có đúng không và hãy kiểm điểm thái độ chống đối của một số thành viên của mình có phù hợp với những danh từ thường chỉ có trên mặt văn tự như “tu chứng”, “thể nghiệm” v..v..  Nhắc lại vài nhận xét của Chinh Phap như trên không có nghĩa là coi thường quý Thầy, mà chỉ có mục đích xin quý Thầy nhận thức được Đạo Phật là đạo “Y Pháp Bất Y Nhân”.  Nếu quý Thầy là hiện thân của Pháp thì chắc chắn giới cư sĩ chúng tôi sẽ y vào quý Thầy.  Nếu quý Thầy đi ra ngoài Pháp thì chúng tôi xin được coi quý Thầy như Người thường.   Rất may là Phật Giáo không có tổ chức theo “hệ thống quân giai”, cấp dưới phải hoàn toàn tuân phục “bề trên” như ngoại đạo.

Ngoài mặc cảm phe phái, sự chống đối có thể bắt nguồn từ sự khó hòa hợp giữa hai quan niệm: sử dụng học thuật đứng đắn để đi tới cách tân, tiến bộ hợp với thời đại; và bảo thủ truyền thống muốn duy trì một “status quo” trong đó không ít thì nhiều có liên hệ đến địa vị và quyền lực.  Sự xung đột giữa hai quan điểm mới và cũ chúng ta có thể thấy trong mọi tôn giáo, không chỉ riêng trong Phật Giáo.  Nhưng với thời gian, khó ai mà có thể ngăn cản được sự tiến hóa trí thức của con người.  Vì vậy, nhiều sự thay đổi đã xảy ra trong những tôn giáo thờ thần có tiếng là bảo thủ nhất như Ca-Tô Giáo Rô-ma, Do Thái Giáo, và cả Hồi Giáo, những tôn giáo của đức tin.  Phật Giáo được biết là tôn giáo của lý trí, của trí tuệ, nên tôi tin rằng, hơn bất cứ tôn giáo nào khác, Phật Giáo sẽ không ngần ngại mà thay đổi khi cần, lẽ dĩ nhiên là chỉ thay đổi sau khi đã sử dụng lý trí, trí tuệ để suy nghiệm tìm ra lẽ thật trong những vấn đề cần phải tranh luận.   Một trong những vấn đề trong vòng tranh luận ngày nay giữa một số Trưởng Tử Như Lai là về Bát Kỉnh Pháp.
Trước khi đi vào phần phân tích để bày tỏ ý kiến, tôi nghĩ cũng nên ôn lại sơ lược nguyên nhân đưa đến việc Đức Phật đưa ra Bát Kỉnh Pháp.  Diễn tiến quen thuộc có thể thu ngắn như sau, quý độc giả nào muốn biết các chi tiết có thể vào tìm đọc trong bất cứ trang nhà Phật Giáo nào.
Bà Maha Prajapati Gotami, kế mẫu của Đức Phật, xin Đức Phật cho Bà được xuất gia.  Ba lần, Đức Phật đều từ chối với lý do, tùy theo bản truyền, hoặc sự gia nhập của ni giới ở trong Tăng đoàn có thể  ảnh hưởng đến tính cách phạm hạnh thanh tịnh của tăng chúng, hoặc để phụ nữ xuất gia sẽ làm xáo trộn nền tảng và sự an sinh của gia đình.   Sau khi Tịnh Phạn Vương qua đời, Bà Maha Prajapati đã tự xuống tóc, cùng với 500 phụ nữ trong hoàng phái đến Vesali, nơi Phật đang cư ngụ, xin Phật cho phép được xuất gia.  Bị từ chối, Bà Maha Prajapati ra đứng khóc ngoài cổng.  Ngài Anan thấy vậy bèn xin với Đức Phật cho Bà Maha Prajapati xuất gia.  Sau một cuộc đối thoại hào hứng giữa Đức Phật và ngài Anan, cuối cùng Đức Phật chấp thuận với điều kiện:  Giới Tỳ Kheo Ni phải chấp hành Bát Kỉnh Pháp, suốt đời không thay đổi, nếu không thì Chánh Pháp của Đức Phật sẽ bị giảm thọ 500 năm thay vì tồn tại trong 1000 năm.  [Như được ghi trong nhiều tài liệu, điều này có nghĩa là cho phép nữ giới xuất gia thì Chánh Pháp của Đức Phật bị giảm thọ 500 năm và Bát Kỉnh Pháp là phương thuốc để cứu vãn sự giảm thọ 500 năm của Chánh Pháp].  Sau đây là nội dung 8 điều trong Bát Kỉnh Pháp:
1- Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày.
2- Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở.
3- Mỗi nửa tháng, Tỳ Kheo ni phải đến cầu xin thọ giáo cùng Tỳ kheo.
4- Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo cầu ba sự tự tứ: đã thấy gì, nghe gì, và nghĩ gì.
5- Nếu Tỳ kheo ni phạm trọng tội thì phải chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng trong thời gian nửa tháng.
6- Tỳ Kheo ni phải tu tập 6 giới trong 2 năm rồi mới được xin thọ giới Cụ Túc trước hai bộ Tăng.
7- Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.
8- Tỳ kheo ni không được nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni.
 Đọc đi đọc lại bản Bát Kỉnh Pháp, với đầu óc hạn chế và trình độ tu tập càng hạn chế hơn nữa, tôi thực tình không thể nào hiểu nổi Bát Kỉnh Pháp có công năng như thế nào mà có thể cứu vãn sự suy thoái và giảm thọ của Chánh Pháp.  Vậy Chánh Pháp tồn tại là vì Tỳ Kheo Ni chấp hành Bát Kỉnh Pháp chứ không phải Chánh Pháp là Chánh Pháp?  Vậy là Chánh Pháp nằm trong rừng Kinh điển của Phật Giáo mà Đức Phật dùng suốt 45 năm để giảng dạy sau khi giác ngộ, thọ hay bị giảm thọ là tùy thuộc vào việc Tỳ Kheo Ni có tuân hành hay không Bát Kỉnh Pháp?  Tôi thấy thật khó mà có thể tin được điều này. 
Điều hiển nhiên là đã từ lâu, Tỳ Kheo Ni không còn ở trong thời đại của Đức Phật, và thực tế xã hội đã không còn ở trong  những hoàn cảnh để có thể tạo ra những cơ hội để Tỳ Kheo Ni có dịp thực hành Bát Kỉnh Pháp.  Nhưng Chánh Pháp của Đức Phật đã không hề suy giảm mà sau hơn 2500 năm càng ngày càng sáng ngời, và ngày nay, Tây Phương càng ngày càng nhận ra chân giá trị của Chánh Pháp.  Tại sao vậy?  Đơn giản thôi.   Vì Bát Kỉnh Pháp không hề có công năng cứu vãn sự giảm thọ của Chánh Pháp theo như một luận cứ giải thích nguyên nhân Đức Phật đặt ra Bát Kỉnh Pháp.  Điều này cũng chứng tỏ là Đức Phật không có đặt ra Bát Kỉnh Pháp vì trong đó, qua sự phân tích trong lãnh vực học thuật, có những điều mâu thuẫn về thời gian tính, tính nhất quán về giáo lý căn bản bất phân biệt giai cấp, tuổi tác, và giới tính của Đức Phật mà chúng ta có thể thấy rõ trong ba Tạng Kinh, Luật, Luận của Phật Giáo.
Trong cuộc tạm gọi là “tranh luận” về Bát Kỉnh Pháp, tôi đã đọc kỹ bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ, cũng như những bài “Bát Kỉnh Pháp Chướng Ngại Hay Căn Bệnh Thời Đại?” , “Ai Đủ Tuệ Giác Để Bỏ Bát Kỉnh Pháp”,  “Không Nên Bỏ Bát Kỉnh Pháp”, “Bát Kỉnh Pháp” lần lượt của các quý Thầy Thích Lệ Thọ, Thích Nhựt Chấn, Thích Minh Hành, Thích Minh Thông, một loạt bài của các quý Thầy Thích Chơn Như, Thích Phước Huệ, phần bình luận dài lê thê của Thầy Thích Đồng Trí do Thai Binh Duong đưa lên, bài này sau đó cũng xuất hiện đầy đủ hơn trên diễn đàn Giao Điểm, cùng một số bài khác của những tác giả không muốn đề tên Thích, đặc biệt là bài của một Sư cô không thích dùng tên Thích mà lại thích làm Mẹ Thiên Chúa.
Một số người chống đối Thầy Nhật Từ, cho rằng Thầy chạy theo phong trào Nam Nữ bình quyền, hay bình đẳng của Tây phương.  Cách nhìn này khá thiển cận.  Đọc kỹ bài giảng "Giáo đoàn Tỳ-kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ, tôi cảm nhận được không phải Thầy chỉ nhắm vào Bát Kỉnh Pháp, mà dùng Bát Kỉnh Pháp để đi vào nhiều vấn nạn khác trong Phật Giáo và gài vào trong đó những thông điệp thời đại nhằm mục đích thức tỉnh con người.  Thức tỉnh như thế nào?  Thức tỉnh để thấy rằng: “Những giá trị vương quyền của thế gian cũng chỉ là tạm bợ trong một giai đoạn nào đó thôi, mà vấn đề còn lại là mình phải tìm kiếm những giá trị tâm linh cao hơn”  Thức tỉnh để thấy rằng, trong thời đại ngày nay, Phật Học không thể thiếu Thế Học.   Thức tỉnh để thấy rằng,  trong bối cảnh của một thế giới đa tôn giáo mà ngoại đạo thường xuyên tìm những kẽ hở để đánh phá Phật Giáo, chúng ta không thể chỉ ngồi hít vào thở ra.  Thức tỉnh để thấy rằng, Phật Giáo không cần phải e ngại những sự phân tích, nghiên cứu trong lãnh vực học thuật về ngay cả những văn phẩm mà chúng ta được biết là Kinh Phật.  Thức tỉnh để thấy rằng những lý do nào làm cho Chánh Pháp suy vi, nhưng tuyệt đối không phải là do Đức Phật chấp nhận thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni, hay là Tỳ Kheo Ni không chịu thực hành Bát Kỉnh Pháp.  Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu cũng đã từng nói rõ là Đạo Pháp suy vi vì, nguyên văn: “Bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ Tăng bị phân hóa và  thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết Đạo lý một cách cục bộ, phiến diện”.
Phương pháp giảng luận của Thầy Nhật Từ rất nghiêm túc, dù trong bài giảng, đôi khi Thầy dùng những từ hoặc ý có tính chất khôi hài thời đại mà một vài người khắt khe trong Đạo có thể thấy không thích hợp nếu chỉ xét trên mặt văn tự.  Thầy luôn luôn đưa ra chính đề rồi dùng lý luận đi vào phản đề, đây là phương pháp nghiêm chỉnh nhất trong lãnh vực học thuật, không thể chỉ nói lên ý kiến một chiều của mình.  Về Bát Kỉnh Pháp, Thầy đã nêu lên những luận cứ giải thích truyền thống trên từng điều một để bảo vệ giá trị thiết thực của Bát Kỉnh Pháp, rồi mới đưa ra lý luận phản biện, chứng minh những luận cứ trên không có cơ sở, chứa nhiều mâu thuẫn, để đi đến kết luận là điều đó khó mà có thể cho là của chính Đức Phật ban ra.  Điều hiển nhiên là trong lãnh vực học thuật, những luận cứ của Thầy Nhật Từ không phải là tuyệt đối mà là một sự mời gọi để đối thoại nghiêm chỉnh, cùng nhau tìm ra lẽ thật.  Thật quả tôi cũng biết chút ít về lịch sử Phật Giáo, về Giáo lý của Đức Phật, nhưng tôi thấy khó mà tìm ra chỗ nào trong phần phản biện của Thầy Nhật Từ để mà phản bác dựa trên lý luận. Bước sang lãnh vực cảm tính và tín ngưỡng thì lại khác.  Trong một phần sau, tôi sẽ đi vào vài ý kiến phản biện luận cứ phản biện của Thầy Nhật Từ để chúng ta thấy rõ vấn đề.
Theo ý kiến riêng của tôi, xét theo bối cảnh lịch sử và xã hội Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế,  chúng ta có thể miễn cưỡng chấp nhận một số lý luận để biện hộ cho 3 điều trong Bát Kỉnh Pháp:   Điều thứ 2: Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở (gần) [vì sự an toàn của Tỳ Kheo Ni trong xã hội Ấn Độ thời đó]; Điều thứ 3: Mỗi nửa tháng, Tỳ Kheo ni phải đến cầu xin thọ giáo cùng Tỳ kheo. [Vì Tỳ Kheo Ni là những người hậu học cả 5, 6 năm, nên cần sự dìu dắt của giới Tỳ Kheo để thấm nhuần cùng học phương thức tu tập giáo lý của Đức Phật.  Hiển nhiên Đức Phật không thể tự mình quán xuyến việc dạy giáo lý cho một số đông Tỳ Kheo Ni mới gia nhập Tăng đoàn như vậy, và cũng không thể mất thì giờ để nhắc lại những điều Đức Phật đã dạy trong 5 năm qua, cho nên chỉ có cách nhờ giới Tỳ Kheo truyền đạt lại giáo lý của Đức Phật cho giới Tỳ Kheo Ni]; và Điều thứ 5: Nếu Tỳ kheo ni phạm trọng tội thì phải chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng trong thời gian nửa tháng.  Đây là những điều rất cần thiết để bảo đảm sự tu học của giới Tỳ Kheo Ni trong thời đó.   5 điều còn lại là được thêm thắt vào sau, do ai, bao giờ, và với ý định gì, tôi không rõ. 
Tuy nhiên, khi đọc kỹ những điều luật trong Bát Kỉnh Pháp và đối chiếu với chuyện Đức Phật chấp thuận cho  Bà Kế Mẫu Maha Prajapati Gotami và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái xuất gia, tôi thấy Bát Kỉnh Pháp có vẻ như được chế ra  về sau để cho Tỳ Kheo Ni áp dụng dưới sự ngự trị của Tăng đoàn chứ không phải là thuộc thời Đức Phật cho phép thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni.  Lý do tôi nghĩ như vậy là vì khi chấp thuận cho Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái xuất gia thì tất cả đều thành Tỳ Kheo Ni ngay, nghĩa là không phải thi hành điều thứ 6 tu thử 2 năm, và chưa thể có 2 bộ Tăng, Ni đúng với nghĩa “bộ”.  Một bộ tăng thường gồm những người tu trước tu sau, tuổi đạo phân biệt rõ ràng, và có một hội đồng coi việc thi hành luật.  Khi đó bộ Tăng đã gồm nhiều ngàn người.  501 người xuất gia cùng một lúc thì về phương diện tu đạo, vai vế đồng đều, vậy nếu một Tỳ Kheo Ni chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng, Ni thì bộ Tăng  và bộ Ni gồm những ai, hay là phải chấp hành sám luật trước cả mấy ngàn Tỳ Kheo và trước 500 Tỳ Kheo Ni khác.  Thực tế là, dù chúng ta có giải thích Bát Kỉnh Pháp thế nào đi chăng nữa, thì ngày nay những điều đó đã không còn được áp dụng.  Đây là điều quá hiển nhiên, chúng ta không cần phải bàn thêm gì nữa.
Trong câu chuyện Bà Maha Prajapati Gotami xin Phật cho xuất gia, có một chi tiết mà tôi cho rằng có tính cách thuyết phục nhất, cộng với lòng từ bi, đại trí của chính Đức Phật để Đức Phật chấp thuận.  Từ chi tiết này tôi tự hỏi có thật là có cuộc can thiệp của Ngài Anan để cho Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái được xuất gia hay không?  Lý luận phản biện trong bài giảng của Thầy Nhật Từ hình như cũng có nghi vấn này, nhưng đặt theo một lối suy nghĩ khác. Đó là sự kiện, theo Thầy Thích Minh Thông: “Bà Gotami vẫn không nao núng ngã lòng vì những đợt thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và đương đầu nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến Vesali cùng với một số đông mệnh phụ phu nhân có niềm tin nơi bà (có nơi nói cùng với 500 người nữ giòng họ Xá Di). Cắt bỏ chùm tóc đẹp thuở nào, vứt bỏ nữ trang lộng lẫy, tự khoác lên mình tấm y thô thiển, các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài 150 dặm đến Vesali, mình mẩy lấm lem bụi bặm, y phục rách rưới tả tơi, chân cẳng sưng vù đau nhức.” để nài nỉ xin cho được xuất gia.  Điều này chứng tỏ Bà Maha Prajapati đã quyết chí tu theo Chánh Pháp, dù Đức Phật có không cho phép thì cũng không ngăn cản được quyết tâm của Bà.  Bà thừa biết rằng khi Thái Tử Tất Đạt Đa bỏ nhà đi tìm Đạo, Ngài có xin phép ai đâu? Trước cảnh tượng này, Đức Phật, được biết là Bậc Đại Trí với lòng từ bi không bờ bến, có thể nhẫn tâm trước một đòi hỏi không trái với những điều Người thường dạy về sự bình đẳng giữa Nam và Nữ trên con đường tu tập, và từ chối đến 6 lần.  Rất có thể lúc đầu Đức Phật cũng còn ngần ngại, vì Đức Phật và các đệ tử dù sao cũng sinh ra trong xã hội Bà La Môn, một xã hội kỳ thị, coi rẻ phụ nữ một cách cực đoan.  Đức Phật luôn luôn sống trong Chân Đế nhưng Người cũng không thể phủ nhận Tục Đế, ở đây nên hiểu là những quy ước trong xã hội.  Nhưng rồi Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng:  đặt chân lý mà Người ngộ được lên trên những quy ước xã hội, và quyết định chấp thuận cho lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni.  Để hiểu rõ quyết định dũng lược vượt thời gian, không ai hơn, không ai bằng này của Đức Phật, chúng ta cần phải đi vào một chút lịch sử nhân loại, và nhất là lịch sử Ấn Độ thời bấy giờ.
Vấn đề kỳ thị Nữ giới, coi Nữ giới thấp kém hơn Nam giới là một vấn đề có thể nói là phổ quát trên khắp thế giới, và còn kéo dài cho tới tận ngày nay ở nhiều nơi, nhất là trong các tôn giáo thờ thần như Hồi Giáo, Công Giáo, Do Thái Giáo và cả trong những xã hội văn minh tân tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn v..v.. mà chúng ta thường rất ngưỡng mộ những giá trị vật chất của họ.  Trong Công Giáo, Nữ giới không được làm Linh Mục, chỉ có thể làm “sơ” và từ giáo lý “Cha cũng như Chúa”, phải hoàn toàn làm thuộc hạ của các Cha, tuyệt đối phải nghe lời “bề trên”.  Ở nhà thờ nào có Cha là ở đó có các “sơ” phục vụ.  Cha muốn là Chúa muốn, Ý Cha là ý Chúa, Cha có thể thay Chúa rửa tội và tha tội cho con chiên, gọi Thánh Linh về ngự trong người con chiên v..v…  Nhưng cũng vì vậy mà đã xảy ra vụ các “Cha cũng như Chúa” đã hiếp dâm các “sơ” trong 23 quốc gia trên thế giới, có lẽ dưới hình thức để ban ân sủng của Chúa cho “sơ”.  Do Thái Giáo không có Rabbi đàn bà.  Còn Hồi Giáo thì khỏi nói.  Con gái còn không được phép đi học ở nhiều nơi.  Trong các quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông cũng vậy, Thái Lan không cả cho phép Tỳ Kheo Ni, nếu có, được đi nhiễu quanh Tháp Phật.
Riêng ở Ấn Độ thời Đức Phật tại thế, sự kỳ thị Nữ giới còn được viết trong Luật Manu (Manu-smirthi): Là người con gái, là người đàn bà trẻ, hay ngay cả là người đàn bà già, không được tự tiện làm điều gì, ngay cả trong nhà mình.  Khi còn trẻ một người Nữ phải nghe lời cha, khi lấy chồng phải nghe lời chồng, khi chồng chết phải nghe lời con; một người nữ không bao giờ được quyền độc lập ("By a girl, by a young woman, or even by an aged one, nothing must be done independently, even in her own house. In childhood a female must be subject to her father, in youth to her husband, when her lord is dead to her sons; a woman must never be independent". (Laws of Manu, V, 147-8)).
Ngoài ra, Nữ giới không được quyền tham dự các lễ tiết tôn giáo, không được đọc Kinh Vệ-Đà.  Nói tóm lại, trong thời Đức Phật tại thế, dựa vào Kinh Vệ-Đà-Áo Nghĩa Thư, phụ nữ Ấn Độ bị loại ra ngoài mọi hoạt động xã hội và tôn giáo (Swarna de Silva in The Place of Women In Buddhism, 1994: The primordial principle in the Vedic-Upanishadic philosophy which was dominant in the Buddha's time, was the male-principle (purusha), and this provided justification for the exclusion of women generally from social and spiritual activity.)
Từ những sự kiện trên, chúng ta mới có thể thấy Đức Phật đã vĩ đại như thế nào khi Người chấp thuận thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni cho Nữ giới.  Đây là một thông điệp phổ quát, dành cho toàn thể nhân loại, không hề có bất cứ một sự phân biệt nào về chủng tộc, giai cấp xã hội, hay giới tính.   Một trong 10 danh hiệu của Đức Phật là “Thiên nhân sư” (Satta devamanussanam), nghĩa là Thầy dạy của các Thiên Chúa và Người (Teacher of gods and humans).  Người đây bao gồm cả Nam và Nữ chứ không dành riêng cho Nam như Kinh Vệ-Đà- Áo Nghĩa Thư.  Giáo lý căn bản của Đức Phật là chỉ đường cho mọi chúng sinh đến giải thoát, bất kể họ ở trong cảnh giới nào mà họ đang sống hay mang thân Nam hay Nữ.  Đức Phật đã đi trước thời gian 25 thế kỷ, đã giải phóng người phụ nữ trong tinh thần bình đẳng tuyệt đối.  Người Nam và người Nữ thể chất khác nhau, công năng sinh lý, sinh học khác nhau, nhưng về mặt trí tuệ và trên con đường tâm linh,  giữa hai giới có sự bình đẳng tuyệt đối. Nhớ lại chuyện có một vị Vua nào đó buồn phiền vì sinh con gái, Đức Phật đã khuyên giải: sinh con gái nhiều khi còn tốt hơn là sinh con trai.
Sau đây chúng ta hãy đi vào vài điều trong Bát Kỉnh Pháp. 
Trước hết là Điều 1: Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày. (A nun who has been ordained even for a century must greet respectfully, rise up from her seat, salute with joined palms, do proper homage to a monk ordained but that day.)
Câu này có nghĩa là một Tỳ Kheo Ni, dù đã đi tu được 100 năm rồi, khi thấy một Tiểu Tăng mới tu được một ngày, cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ ông Sư trẻ này.  Cái lôgíc trong câu này là như thế nào, hay cho rằng muốn hiểu Kinh Phật không cần dùng đến lôgíc?  Sau đây chúng ta hãy điểm qua vài lôgíc của những vị phát dị ứng với lôgíc, kèm theo vài lời bàn của Phúc Lâm:
Thích Lệ Thọ: Tăng Ni không  như Nam và Nữ bình thường, đồng thời giáo lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra, nên có rất nhiều trường hợp Logic lại sai với thực tế, và chính Albert Enstain [sic] đã thừa nhận rằng: “Thành công của tôi có đến 90%   là sai khi đặt ra những giả thuyết!” [Phúc Lâm:  Lôgíc không thể sai với thực tế vì lôgíc chính là phương pháp luận để đi đến thực tế.  Một trong những định nghĩa của lôgíc là: lý luận có giá trị, đặc biệt là để phân biệt với những luận điệu vô giá trị hay phi lý (Valid reasoning, esp. as distinguished from invalid or irrational argumentation), thí dụ như câu dẫn chứng Albert Enstain [sic] đã thừa nhận rằng: “Thành công của tôi có đến 90%  là sai khi đặt ra những giả thuyết! Kinh Phật không phải là những giả thuyết mà là những chân lý Đức Phật đã ngộ được.   Tôi cũng chưa đọc được câu trên của Albert Einstein ở đâu.  Thành công mà đến 90% là sai mà có thể gọi là thành công được hay sao?  “Giáo lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra”?  Có thật như vậy không?  Trong Tăng đoàn của Đức Phật có đủ mọi hạng người, không hề phân biệt giai cấp, đó không phải là “bình đẳng hình thức” để phá cái “bất bình đẳng hình thức” trong xã hội hay sao?  Nhưng mà Thầy Lệ Thọ lôi Einstein vào đây làm gì?  Để chứng minh Phật Giáo không cần đến lôgíc?]
TieuTang:  Bát kỉnh pháp chính là thuốc để đối trị với nghiệp mang thân nữ của họ. [Phúc Lâm: Cũng vì “nghiệp mang thân Nữ” mà Việt Nam ta có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Ni Sư Trí Hải, Diệu Không, Đàm Lựu v.. v..  Cũng vì “nghiệp mang thân Nam” mà Việt Nam có Trần Ích Tắc, Trần Bá Lộc, Trần Lục, Hoàng Quỳnh, Ngô Đình Diệm v..v.. Vậy lấy cái gì để đo “nghiệp mang thân nữ” với “nghiệp mang thân Nam”?  Xin đừng tổng quát hóa vấn đề, tôi chỉ muốn nói rằng, nam hay nữ có người thế này thế nọ, chứ không thể lấy thiên kiến hẹp hòi của mình về “nghiệp mang thân nữ” gán cho Đức Phật, bắt Người phải “đối trị” theo ý mình.  Quan niệm về “nghiệp mang thân nữ” là một quan niệm kỳ thị cổ hủ đã lỗi thời, vô căn cứ, hàm ý nữ giới thấp kém “có những khuyết điểm về kết cấu tâm sinh lý, có khuynh hướng nhẹ dạ yếu mềm, dễ dàng rơi vào tội lỗi, dễ bị khuyến dụ đi trên con đường kém đạo Đức v..v..” (Thích Minh Thông trong bài Bát Kỉnh Pháp) có nhiều tính xấu hơn nam giới, nên cần phải “đối trị”.  Nam nữ khác nhau về thể chất, về phương diện sinh lý và cấu trúc sinh học chứ không phải về nghiệp.  Nên nhớ, theo thuyết luân hồi của Phật Giáo, rất có thể kiếp sau TieuTang cũng như bất cứ người Nam nào, đều có thể sẽ sinh ra là người nữ.]
Chúng ta nên để ý là trong những luận điệu chống đối bài giảng về Bát Kỉnh Pháp, hầu hết chỉ là viết theo cảm tính và không đưa ra một lý luận nào để phản bác lập luận của Thầy Nhật Từ.  Tôi xin lấy một vài thí dụ điển hình:
VuithoiBài giảng này nếu nhìn dưới một công trình nghiên cứu thì rất hay nhưng nếu nói đủ để đề nghị bỏ Bát Kỉnh Pháp thì còn xa lắm. Vì thầy Thích Nhật Từ chỉ theo suy luận và dựa vào phương pháp luận của khoa học thực nghiệm chứ chưa thể nghiệm, chưa quán thấy được căn cơ chúng sanh và cũng chưa thực thấy việc này thật sự có lợi ích cho việc tu học của chư Tăng chư Ni mà để đi đến kết luận. [Phúc Lâm: Viết như trên, tác giả chứng tỏ là mình đã thể nghiệm, quán thấy, thực thấy v..v.. nhưng lại không hề nói rõ ra là mình đã thể nghiệm Bát Kỉnh Pháp [dành cho Tỳ Kheo Ni] như thế nào, và mình đã quán thấy căn cơ chúng sanh như thế nào, và cũng không hề chứng minh là Bát Kỉnh Pháp có ích lợi cho việc tu học của chư Tăng chư Ni như thế nào.  Cho nên những lời viết như trên thực sự là trống rỗng, chỉ có trên mặt văn tự]
Thích Như Tấn: Thử hỏi vị TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Và như thế nào là bình đẳng? TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Nếu chưa hiểu thì hãy nên thành tâm sám hối những lời nói ngông cuồng của mình, rồi quán chiếu tu tập để được có trí tuệ mà thấu triệt những lời dạy của Phật. Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại, nói như vậy, vì xét theo lịch sử truyền thừa hơn 2500 năm chưa có vị Tổ sư nào dám sửa đổi luật do Đức Phật nói ra, bây giờ TS Nhật Từ là thứ nhất, phải nói vị này chưa có một lòng tin nào về Phật, chưa hiểu được danh từ “Phật bảo” là như thế nào? [Phúc Lâm: Cũng như Vuithoi, tác giả hàm ý mình đã hiểu những điều Thầy Nhật Từ chưa hiểu, nhưng cũng không hề trình bày là mình đã hiểu thế nào là bình đẳng và đã thấu triệt những lời dạy của Phật như thế nào.  Người Hà Nội đã phê bình như sau: Tại sao Dieu Ho Que Huong (alias Thich Như Tấn) chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ.  Có phải là vì cho rằng mình đã thấu hiểu đúng mà Tỳ Kheo Thích Nhật Từ hiểu sai.  Vì vậy mới chống đối chứ, có phải không.  Nhưng “Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại”  Vậy là Dieu Ho Que Huong (alias Thích Như Tấn) đã tự mình xếp hạng mình rồi đó. (Kể ra Người Hà Nội phê bình cũng được đấy chứ? )].
Có lẽ chỉ có Thầy Thích Đồng Trí là đi thẳng vào việc bình luận điều thứ 1 trong Bát Kỉnh Pháp để phản biện Thầy Nhật Từ.  Thầy biện giải dài lê thê trên mấy trang giấy nhưng tiếc thay lại không đi vào chính chủ đề.   Tôi xin trích dẫn một vài đoạn trong phần này để chứng minh.
Thích Đồng Trí: “Một khi hình thành hai bộ chúng : Tăng đoàn và Ni đoàn, vấn đề đầu tiên đặt ra là nghi thức chào hỏi nhau giữa Tăng và Ni. Gặp nhau không thể không chào hỏi vì chào hỏi sẽ bày tỏ được sự cảm thông, hòa hợp, kính trọng nhau giữa những người cùng chí hướng xuất trần…
…Khi đi ngoài đường, Tu sĩ Phật Giáo luôn chánh niệm tỉnh giác, ý thức từng bước đi, thiền hành quán sát, tâm trí không rảnh rang cho việc chăm chú các đối tượng, cảnh sắc bên ngoài. Hơn nữa các vị thường cúi đầu xuống, không phóng tầm mắt quá xa…  Do đó, khi gặp nhau ngoài đường, chuyện giới tính ( Tăng hay Ni) thì rất dễ nhận biết qua màu sắc, y phục và dáng đi nhưng tuổi tác rất khó nhận biết vì lo việc niệm tưởng, kinh hành quán sát và không cố ý nhìn thẳng vào mặt để xem vị Tăng đó, Ni đó là ai. Khi gặp giữa đường thì dù vị Tăng đó là ai, vị Ni đó là ai thì chuyện đó cũng không cần phân biệt và không quan trọng vì đâu có hỏi nói hay học hỏi gì nhiều lúc đang đi? Trong tâm thì Tăng Ni kính trọng nhau sẵn rồi, kính trọng về lý tưởng giải thoát và cứu độ chúng sanh, đó là chính yếu và thuộc về tánh. Còn về mặt hình tướng và biểu hiện thì câu hỏi đặt ra là : giữa Tăng và Ni ai sẽ chào hỏi ai trước khi gặp nhau?”
[Phúc Lâm:  Có lẽ Thầy Thích Đồng Trí không đọc kỹ điều thứ nhất trong Bát Kỉnh Pháp.  Đây là một luật về “đảnh lễ” và về số hạ lạp chứ không phải là chuyện chào hỏi nhau thông thường khi Tăng Ni gặp nhau.  Hơn nữa, nếu một vị Tăng đang đi Thiền hành quán sát, hay đang ngồi Thiền thì không ai nên quấy rối bằng một cuộc chào hỏi thông thường.  Cư sĩ chúng tôi đều biết như vậy, một Tỳ Kheo Ni không thể không biết đến điều sơ đẳng này.  Vậy lý luận phản biện của Thầy có vẻ hơi lạc đề.  Điều 1 trong Bát Kỉnh Pháp không có đặt vấn đề giữa Tăng và Ni ai sẽ chào hỏi ai trước khi gặp nhau?  mà là Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày. (A nun who has been ordained even for a century must greet respectfully, rise up from her seat, salute with joined palms, do proper homage to a monk ordained but that day.)  Trong bài “Ai Đủ Tuệ Giác Để Bỏ Bát Kỉnh Pháp”,   Tỳ Kheo Thích Nhựt Chấn có trích một điều trong Giới Bổn Tỳ Kheo Ni như sau: Điều 175: “Tỳ-kheo-ni nào, dù 100 tuổi hạ, thấy tỳ-kheo mới thọ giới mà không đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, ba-dật-đề.”  Như vậy, văn tự đã rất rõ ràng, có nghĩa là một bà già trên trăm tuổi đang ngồi, thấy một Tiểu Tăng mới tu được một ngày đi tới, cũng phải đứng giậy (nếu còn đủ sức) cúi đầu chắp tay “đảnh lễ”.  Thực tình tôi không tin ở con số 100 đâu, mà cho rằng điều luật trên qui định là Tỳ Kheo Ni, bất kể là đã tu tập được bao lâu, cũng phải làm đủ lễ nghi trước một Tăng nhân mới xuất gia được một ngày, và lẽ dĩ nhiên Đức Phật chẳng bao giờ đưa ra một điều luật quá phi lý như vậy, bất kể chúng ta giải thích luật đó như thế nào.  Phật Giáo là tôn giáo rất tôn trọng kinh nghiệm tu tập, nghĩa là tuổi đạo chứ không phải là tuổi đời.  Do đó nhưng người vào Đạo sau, bất kể tuổi tác như thế nào, đều phải kính trọng, đảnh lễ, và học hỏi những người đi trước]
Thầy Đồng Trí còn giải thích việc đảnh lễ của Tỳ Kheo Ni như sau:
Vì cần có sự tướng, cần có sự nhắc nhở cho việc tu tập và cùng lo Phật sự, cần có nghi thức khi liên hệ chào hỏi nhau và đặc biệt có tác dụng lớn cho những vị Ni mới xuất gia sơ cơ hậu học, chưa tỏ ngộ Phật Pháp và thể tánh thì cần phải nương, quy y, đảnh lễ, cung kính và vâng hành nên Phật chế ra việc đảnh lễ này.  [Phúc Lâm:  Thầy Đồng Trí lại vẫn lẫn lộn giữa một luật cho Tỳ Kheo Ni, một điều kiện để được gia nhập Tăng đoàn, với nghi thức liên hệ chào hỏi nhau.   Phải chăng nghi thức này, “Tỳ-kheo-ni nào, dù 100 tuổi hạ, thấy tỳ-kheo mới thọ giới mà không đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, ba-dật-đề.”, đặc biệt có tác dụng lớn cho những vị Ni mới xuất gia sơ cơ hậu học, chưa tỏ ngộ Phật Pháp…?  Nhưng một Tỳ Kheo Ni đã có 100 tuổi hạ  thì có phải là bậc mới xuất gia sơ cơ hậu học so với một Tỳ Kheo mới xuất gia được một ngày không?  Cho nên lý luận phản biện của Thầy Đồng Trí không phải là phản biện vì nó không đi vào đúng chủ đề mà lái sang vấn đề khác]
Cuối cùng Thầy Đồng Trí còn đề nghị với Thầy Nhật Từ là:
Nếu Thầy Nhật Từ thấy điều này bất công phi lý thì Thầy hãy thử thực hành điều ngược lại : Trước khi Thầy dạy lớp Ni Thầy đảnh lễ Ni chúng tam bái [Phúc Lâm:  Đề nghị này vô lý, thấy bất công thì xóa bỏ bất công chứ làm ngược lại để thực hiện một bất công khác hay sao?  Đề nghị này có tính cách “chọc quê” Thầy Nhật Từ chứ chẳng phải là phản biện với lý luận, nhưng Thầy Đồng Trí chắc không thể ngờ được là nó lại có phản tác dụng, chọc lại chính mình.]
Bây giờ chúng ta sang điểm thứ 6 trong Bát Kỉnh Pháp: Tỳ Kheo ni phải tu tập 6 giới trong 2 năm rồi mới được xin thọ giới Cụ Túc trước hai bộ Tăng.  
Nhưng khi Đức Phật chấp thuận cho Bà Maha Prajapati cùng 500 phụ nữ trong hoàng phái được gia nhập Tăng đoàn (theo nghĩa rộng) thì làm gì có điều kiện này.  Họ được kết nạp ngay, đâu có phải qua một thời gian thử thách là 2 năm?  Đây là một điểm rất khó giải thích nếu cho rằng Bát Kỉnh Pháp là do chính Đức Phật đặt ra.  Nếu thực sự Đức Phật đã đặt ra Bát Kỉnh Pháp là điều kiện “sine qua non” mà Tỳ Kheo Ni phải chấp hành nếu muốn gia nhập Tăng đoàn, thì Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ đi theo Bà là những người đầu tiên phải chấp hành điều luật này, nhưng không có một văn kiện nào để lại nói rằng Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ kia đã phải trải qua 2 năm tu tập 6 giới trước khi được chính thức làm Tỳ Kheo Ni.  Có  tài liệu ghi rằng, Bà Maha Prajapati đã xin với Đức Phật bỏ đi điều thứ nhất nhưng không được chấp thuận.  Đây là một vấn đề còn trong vòng nghi vấn.  Thật ra, điều thứ 6 này nên áp dụng cho Tăng và Ni ngày nay hơn là trong thời Đức Phật còn tại thế.  Hình như đây cũng là một đề nghị của Thầy Nhất Hạnh trước đây :  Hãy tu thử đã, và sau một thời gian vài năm,  nếu hội đủ các yếu tố đạo đức và ý chí tu hành  rồi hãy chính thức xuất gia tu thực.
Trở lại điều thứ hai trong Bát Kỉnh Pháp:
Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở.
Đến đây thì chúng ta phải kể đến một luận cứ rất khoa học của Thầy Nhật Từ để chứng minh là Đức Phật không thể nói câu này.  Thầy Nhật Từ giảng:
Chúng ta phải xét một sự kiện rất là quan trọng, lịch sử ra đời của truyền thống an cư (56p:11s). Chúng ta biết là Bát kỉnh pháp được thành lập vào năm thứ 5 hoặc năm thứ 6 sau khi thành lập đạo. Trong khi đó hệ thống của an cư kiết hạ, những điều khoản về định tội, trị phạt, tự tứ, bố tát được thành lập theo đại đa số các bộ luật đó là năm thứ 20 sau khi đức Phật thành đạo. Rõ ràng chúng ta thấy có một cái mâu thuẫn về tính thời gian, không có logic với nhau
… Giới luật được thiết lập sau 20 năm. Hệ thống an cư, bố tát, định tội, trị phạt cũng nằm trong năm 21 trở đi. Trong khi đó ở năm thứ 6 này, chúng ta đã nghe cái câu điều lệ thứ hai: Ni không được tổ chức an cư ở những nơi không có Tăng. Chúng ta thấy nó vô lý không? Thời điểm đó làm gì có cơ chế an cư mà có nội dung đó?
… Từ đó chúng ta có thể khẳng định được rằng câu nói này, nó được ra đời từ thời Phật nhập niết bàn. Còn nó nằm ở trong lần biên tập thứ nhất thứ hai, thứ 3 thừ 4 thì không ai đám xác quyết. Bởi vì với lòng tin tưởng và tuệ giác của các bậc A la hán thì các ngài không thể có những cái nhìn giới hạn về giới tính như vậy được. Mà lần biên tập đầu tiên toàn là nhưng bậc A la hán không. Cho nên chúng ta pải có niềm tin tuyệt đối vào đại A la hán là tuệ giác, giống như các vị đại Bồ tát không thua không kém. Cho nên tình trạng đó có thể được đưa vào sau thời kỳ biên tập kinh điển lần thứ nhất. Bằng không chúng ta thấy nó vô lý, làm gì có giới luật mà nói có an cư và nó kéo theo các điều khoản 3, 4 và 5 cùng chung cấu trúc này.
Trên đây là phần lý luận dựa vào sự bất phù hợp giữa thời gian mà chúng ta cho là Đức Phật dạy  Bát Kỉnh Pháp và thời gian định cơ chế an cư, tự tứ, bố tát v..v..   Nhưng theo tôi, vấn đề chủ yếu mà Thầy Nhật Từ muốn nêu lên là:
 Liệu là cái nhu cầu bảo vệ đó có cần thiết trong thời đại ngày hôm nay hay không? Khi mà chư Ni đã có những cái chùa riêng và chùa của họ lớn hơn chùa của Tăng và họ cũng đâu hề có lời thỉnh cầu bảo hộ nào đâu, mà mình cũng chưa hề bảo hộ họ lần nào, ngày nào cả.
Tôi không thấy luận cứ phản bác nào đi vào điểm này mà chỉ tìm cách diễn giải những lợi ích của điều luật này … trong thời Phật còn tại thế.  Sau đây là một vài “lý luận” về điều thứ hai trong bát Kỉnh Pháp:

Thích Như Chấn: Xét về tính an toàn trong đời sống thời đại xưa, đoàn thể Ni chúng là những người từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong một xã hội mạnh được yếu thua, nhiều trộm cướp; nếu không có sự bảo hộ của Tăng thì điều gì sẽ xảy ra?
Thầy Thích Đồng Trí đồng ý với Thầy Nhật Từ ở điểm là có vấn đề bất phù hợp về thời gian nêu trên, nhưng Thầy cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi chủ yếu của Thầy Nhật Từ mà chỉ nói về những lợi ích của điều thứ hai trong Bát Kỉnh Pháp, nhưng tất cả chỉ nói về thời gian khi Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni mới được thành lập trong những điều kiện xã hội thời bấy giờ.  Riêng về vấn đề an cư, Thầy Đồng Trí phản bác như sau:
Đúng là hệ thống giới luật được thiết lập và ban hành đầy đủ về giai đoạn sau này ( theo nhiều tài liệu thì Giới Bốn Ba La Đề Mộc Xoa được hình thành vào năm thứ mười ba sau ngày Phật thành Đạo).  Tuy nhiên việc an cư thì mùa hạ nào Phật và Giáo Đoàn cũng an cư. Chúng ta có thể đọc trong sách Đức Phật và Phật Pháp để biết vị trí và những gì xảy ra trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật.
Trong bài, Thầy Đồng Trí đã nhiều lần trích dẫn từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Phạm Kim Khánh dịch cuốn The Buddha and His Teachings của Đại Đức [Chưa phải là Hòa Thượng] Narada Maha Thera để làm hậu thuẫn cho phần lý luận của mình.  Cuốn sách này được xuất bản năm 1964 tại Kỳ Viên Tự, Saigon, dựa trên một bản thảo đã xuất bản từ năm 1942 đã được duyệt sửa và thêm bớt nhiều.  Như được viết trên đầu cuốn sách : Cuốn sách này có thể xem là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật Giáo Nguyên Thủy.  Đại Đức Maha Thera là người Tích Lan, theo Phật Giáo Nguyên Thủy.   Đọc cuốn Đức Phật và Phật Pháp chúng ta thấy nội dung không ngoài những điều mà tác giả học được và tin trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.  Đây không phải là một cuốn sách trong lãnh vực học thuật mà là thuộc lãnh vực tín ngưỡng.
Thầy Đồng Trí viết:  Chúng ta có thể đọc trong sách Đức Phật và Phật Pháp để biết vị trí và những gì xảy ra trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật.  Nhưng nếu đọc kỹ những chuyện trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật thì chúng ta thấy nhiều chuyện thuộc về truyền thuyết (Legends) mà chính Đại Đức Narada Thera lấy từ cuốn “Buddhist Legends” ra, cùng với những câu trong Kinh Pháp Cú và Giới Bổn.  Đại Đức Narada Thera cũng không ghi xuất xứ tài liệu về Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật từ đâu mà ra.  Tôi xin trích dẫn vài đoạn trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật và xin thỉnh ý kiến của Thầy Đồng Trí.
Trang 190: Hạ thứ sáu – tại đồi Mankula, trong Kosambi, gần Aliahabad:   Cũng như trước kia Ngài dùng phép Yamaka Patihariya, làm cho lửa và nước đồng thời từ lỗ chân lông phun ra, để chế ngự tính ngã mạn của thân bằng quyến thuộc tại quê nhà, nơi đây Ngài dùng lại phép ấy lần thứ nhì để thâu phục những người khác đạo.  [Phúc Lâm: Đức Phật không dùng Chánh Pháp mà lại dùng trò quỷ thuật để thâu phục những người khác đạo?  Còn có gì có thể hạ thấp Đức Phật hơn nữa không?]
Hạ thứ bảy – tại cung Trời Đạo-Lợi (Tavatimsa):   Trong hạ thứ bảy Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp (Abhidamma) cho chư Thiên ở cung Trời Đạo-Lợi và vị Trời trước kia là hoàng hậu Ma-Da (nghĩa là Mẹ Đức Phật đã chết sau khi sanh Đức Phật) từ Đấu-Xuất đến Đạo Lợi nghe Pháp.  Mỗi ngày Đức Phật trở về quả địa cầu để tóm tắt bài Pháp cho Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Xa-Lợi-Phất giảng rộng giáo lý ấy cho hàng đệ tử.
Nếu chúng ta có thể tin những điều trên thì không có gì cần phải bàn cãi thêm.  Nếu không thì nêu 20 hạ đầu tiên của Đức Phật trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp ra để phản bác luận cứ của Thầy Nhật Từ thì tôi cho là không có tính cách thuyết phục.  Nhưng có vẻ như Thầy Đồng Trí rất tin những chuyện này, vì trong một đoạn sau Thầy đã nhắc lại Hạ Thứ Bảy mà Thầy đã tin rằng Đức Phật đã lên cung trời ba mươi ba để thuyết Pháp cho mẹ [đã chết] để “chứng minh” về sự hiện hữu của ảnh tượng Phật trong thời Phật tại thế.
Tôi nghĩ phần góp ý kiến của tôi ở trên về Bát Kỉnh Pháp cũng đã đủ để nói lên những điều tôi muốn nói.  Về vấn nạn Bát Kỉnh Pháp nói riêng, vai trò phụ nữ trong Phật Giáo nói chung, Thầy Chân Như đã đưa lên hai bài: Tám Điều Luật Khắt Khe Dành Cho Chư Ni của Tiến sĩ Amasiri Weeraratne; Bát Kỉnh Pháp: Tầm Quan Trọng Và Những Vấn Đề của Ven. Maha Narin Sea Liu  do Thích Nữ Liên Hiếu dịch, và bài Ni Giới Đài Loan Vận Động Hủy Bỏ Bát Kỉnh Pháp do Thầy Thích Giải Hiền, Du Học Tăng tại Đài Loan  tường trình.   Ngoài ra, muốn đi sâu thêm vào vấn đề, chúng ta có thể đọc phần trả lời của Tỳ Kheo Ni Chatsumarn Kabilsingh trước 36 câu hỏi về Tỳ Kheo Ni , và những bài The Place of Women in Buddism của Swarna de Silva; Women in Buddhism của Ven. Patti Nakai; The revival and survival of Buddhist nuns, Ven. Bhikkhuni Gotami (Dr Prem Suksawat), Bangkok Post, 18 February 2001; A path less travelled, Atiya Achakulwisut, Bangkok Post, 17 April 2001; Her holiness, Atiya Achakulwisutu, Bangkok Post, 30 May 2001; A nun's life has limited appeal, Sanitsuda Ekachai, Bangkok Post, 05 July 2001; The Dhammananda controversy, Sanitsuda Ekachai, Bangkok Post, 22 September 2001; Women in Buddhism: Planting the Seed of Peace, Aree Chaisatien, Nation Multimedia, October 5, 2001;  A New Dawn for Women’s Rights, After a Millennium, World Buddhists Affirm Equality for Women In Unprecedented Internal Ordination Ceremony Under the Tree of Enlightenment.
February 15-23, 1998 -  Bodhgaya, India, Hsi Lai Temple's Web Site, California,
http://english.hsilai.org/english2/newdawn.htm;  Revival of the Bhikkhuni Order in Sri Lanka, D. Amarasiri Weeraratne; Women's Ordination, Bhikkhu Punnadhammo, Arrow River Community Center, Canada v..v..

Trước khi kết luận, tôi xin có vài ý kiến về  một câu của Toi Đi Tim ToiTS. Nhật Từ là một con người có tài "tranh luận". Từ những năm còn theo học tại học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh khóa III (khi đó là Trường cao cấp Phật học), TS. Nhật Từ đã được biết đến là người thích "tranh luận".  [Thế “Toi di tim toi” xông vào phapthoai.net để làm gì?  Để moi móc đời tư của Thầy Nhật Từ?]
Phúc Lâm:  Khi xưa chính Đức Phật cũng đã từng tranh luận với ngoại đạo để giải hoặc và chuyển hóa họ.  Trong Mật Tông, tranh luận là một môn học mà Tăng sinh phải thực tập hàng ngày.  Vậy vấn đề không phải là thích hay không thích tranh luận, mà là tranh luận trong tinh thần như thế nào, có cần thiết không?
Phật Giáo nhà ta có hai cụm từ: “Nói năng như Chánh Pháp”“Im lặng như Chánh Pháp”.  Năm 1991, trong khi các quý Thầy khác “Im lặng như Chánh Pháp” thì Thầy Nhật Từ đã lên tiếng “Nói năng như Chánh Pháp”, gây chấn động dư luận quốc nội qua một bài thuyết trình Phê Bình “Thần Học Ki Tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu” của Mục sư Tống Tuyền Thịnh, chủ đề của cuộc hội thảo do Ủy Ban Đoàn Kết (sic) Công Giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.  Nội dung Tuyển Tập “Thần Học Ki Tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu” của Mục sư Tống Tuyền Thịnh là xuyên tạc Phật Pháp để hạ thấp Phật Giáo, và Thầy Nhật Từ đã vạch ra những sai lầm trong tuyển tập trên cùng lúc khai ngộ cho thính chúng Chánh Pháp của Đức Phật.  Toi Di Tim Toi cho rằng Thiên Chúa Giáo cũng có lý lẽ của họ, có thắng được họ đâu?  “Tranh luận” là để tìm ra lẽ thật, không phải để thắng.  Bài Phê Bình của Thầy Nhật Từ đã vạch ra bộ mặt thật của Mục Sư Tống Tuyền Thịnh và cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo tổ chức hội thảo để xuyên tạc chống phá Phật Giáo.
Năm 1999, một tín đồ “trí thức” Công Giáo, Phan Thiết, cho xuất bản cuốn Hành Hương Đất Phật với cùng mục đích như Mục sư Tống Tuyền Thịnh, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Phật Giáo.  Năm 2000, trong khi quý Thầy vẫn giữ thái độ cao quý “Im lặng như Chánh Pháp” thì Thầy Nhật Từ đã cùng với Giáo sư Trần Chung Ngọc “Nói năng như Chánh Pháp”cho xuất bản cuốn Vạch Trần Âm Mưu Phá Ngầm Phật Giáo để phản bác mưu đồ của Phan Thiết.  Bài của Thầy Nhật Từ trong cuốn Vạch Trần Âm Mưu Phá Ngầm Phật Giáo đã được đánh giá như sau:
 “Tự thân bài phê bình của Thích Nhật Từ có giá trị như một cuốn sách giáo khoa về Phật Giáo.  Để vạch ra những sai lầm căn bản của Phan Thiết viết về Phật Giáo, có thể điều này không mấy quan trọng đối với một tu sĩ Phật Giáo, tác giả đã soi sáng cho độc giả thấy đâu là kiến thức chân chánh về Phật Giáo, qua một bố cục trình bày chi tiết và chính xác về cách dùng thuật ngữ Phật Giáo, sự hiểu biết đúng về Kinh điển Phật Giáo và Giáo Lý Phật Giáo..Giá trị bài phê bình của Thích Nhật Từ thực ra không ở chỗ phê bình Phan Thiết, mà là ở chỗ vị tu sĩ Phật Giáo này đã cống hiến cho các độc giả, nhất là cho các Phật tử một kiến thức sâu sắc, vững chắc về Phật Giáo.  Tỳ Kheo Thích Nhật Từ đã làm tròn nhiệm vụ truyền bá Đạo Pháp của một Trưởng Tử Như Lai.”

Vậy thực chất tính “thích tranh luận” của Thầy Nhật Từ là như thế nào.  Hay là “nếu người ta tát má này thì nên đưa má kia cho người ta tát tiếp”,  một câu của Giê-su mà Thầy Đồng Trí khen là hay trong phần “Thay Lời Kết” của Thầy [Thầy không đọc những câu khác của Giê-su]. Nhưng ngày nay, trước một bài giảng về Bát Kỉnh Pháp của Thầy Nhật Từ thuộc loại phân tích nghiên cứu trong lãnh vực học thuật thì quý Thầy lại không thể “Im lặng như Chánh Pháp” được nữa mà một số đã cùng nhau thay vì giữ thái độ “im lặng sấm sét” của Bồ Tát Duy Ma Cật thì lại “Nói năng như Chánh Pháp”,  nhưng nghe cứ như là “nói năng như sấm sét” để “tố khổ” Thầy Nhật Từ.  Tôi chắc quý Thầy này không muốn tôi nhắc lại những đoạn đó ở đây.  Có thể quý Thầy này có dị ứng với “tranh luận”.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment