Wednesday 29 February 2012

Kinh Di Giáo
KINH PHẬT DI-GIÁO
Hán-dịch: Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập đời Diêu-Tần.
Việt-dịch: Thích-Tâm-Châu.
1-KINH-TỰ
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la. Những người nên độ, Ngài đã độ xong. Ngài nghỉ ở giữa hai cây Sa-la và sắp nhập niết-bàn. Khi ấy, vào khoảng nửa đêm, vẳng lặng không có tiếng động Ngài vì cácđệ-tử, nói qua về các giáo-pháp quan-yếu.
2-TRÌ GIỚI
Các vị Tỳ-Khưu, sau khi Tôi nhập-diệt, các vị nên tôn-trọng và trân-kính Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Các vị nên biết giới ấy là bậc Đại-Sưcủa các vị và, không khác gì Tôi còn ở đời vậy.
Người giữ giới thanh-tịnh, không được làm những việc như: buôn bán, đổi chác, tạo dựng ruộng nhà, nuôi dưỡng người dân, tôi tớ, súc sinh. Hết thảy sự trồng trọt, các của cải châu báu, đều nên tránh xa, như tránh hầm lửa. Không được chặt phát cây cỏ, đào sới đất đai, điều-hòa thuốc thang, xem tướng tốt, xấu quan sát tinh-tú, suy-đoán đủ, thiếu, lịch-số kế-toán, đều không nên làm.
Giữthân tiết-độ, ăn uống đúng thời, sinh hoạt nơi mình một cách thanh-tịnh. Không được tham-dự việc đời, sứ-mệnh liên-lạc, chú-thuật thuốc tiên, kết thân với người sang, thân cận đậm-đà với những người nhàm-nhỡ, kiêu-mạn, đều không nên làm.
Các vị nên tự giữ tâm ngay thẳng, suy-niệm chân-chính, để cầu độ thoát.
Các vị không được che dấu vết nhơ, bày trò khác lạ, để mê-hoặc quần-chúng.
Đối với bốn sự cúng-dường, lượng biết tri túc. Được đồ cúng-dường, không nên cất chứa.
Đó là nói qua về tướng trì giới.
Giới là căn-bản chân-chính thuận theo đường giải-thoát, nên gọi là “ba-la-đề-mộc-xoa”.Nhân y vào giới này được sinh ra các thiền-định và trí-tuệ diệt khổ.
Thếnên, các vị Tỳ-Khưu nên giữ giới thanh-tịnh, đừng để thiếu, hủy. Nếu ai giữ được giới thanh-tịnh, sẽ có các thiện-pháp. Nếu không giữ giới thanh-tịnh, các công-đức thiện đều không sinh được. Do đó, nên biết giới là trụ-xứ công-đức an-ổn thứnhất vậy.
3-CHẾ TÂM
Các vị Tỳ-Khưu, các vị đã an-trụ trong giới-luật, nên phải kiềm-chế năm căn, đừng đểnó buông thả vào năm dục. Ví như người chăn trâu, cầm roi dòm ngó nó, không đểcho nó tha hồ xâm-phạm vào lúa mạ người ta. Nếu buông thả năm căn, chẳng phải nó chỉ lan vào năm dục, mà nó, hầu như xông tới không bờ bến nào và không thểchế-phục được! Cũng như con ngựa dữ, không thể dùng giây cương mà kiềm-chế được và nó sẽ kéo người ta sa xuống hố. Như bị cướp hại, chỉ khổ một đời, nhưng tai-họa của giặc năm căn kéo đến nhiều đời, làm hại rất nặng, không thể không cẩn-thận!
Thếnên, bậc trí-giả kiềm-chế năm căn mà chẳng dựa theo, gìn giữ nó như giặc, khôngđể cho nó buông lung. Giả như, để cho nó buông lung, chẳng bao lâu, sẽ thấy sựtan diệt vì nó. Đối với năm căn ấy, tâm làm chủ chúng. Do đó, các vị nên khéo chế-phục tâm! Tâm rất đáng sợ, sợ hơn rắn độc, ác-thú, oán-tặc. Và ngay như lửa cháy bừng bừng cũng chưa đủ làm ví-dụ về chúng! Ví như có người tay cầm bát mật, di-động hấp-tấp, chỉ ngó bát mật, không thấy hố sâu. Ví như voi cuồng không có móc câu, con khỉ, con vượn, kiếm được rừng cây, leo, trèo, nhẩy nhót, khó ngăn-cấm, chế-phục được chúng! Nên gấp bẻ gẫy tâm-niệm ấy, đừng để cho chúng buông lung. Buông lung tâm ấy, làm mất những việc tốt của người. Chế phục nó vào một chỗ, không việc gì là không xong. Vì vậy, các vị Tỳ-Khưu, nên siêng năng tinh-tiến triết-phục tâm các vị!
4-TIẾT-ĐỘ SỰ ĂN UỐNG
Các vị Tỳ-Khưu, các vị nhận các món ăn uống, nên tưởng như uống thuốc. Đối với các đồngon hay dở, các vị đừng sinh tâm tăng giảm. Cốt giúp cho thân khỏi đói, khát là được! Như ong hái hoa, chỉ hút vị của hoa mà không làm tổn-hại đến sắc và hương! Các vị Tỳ-Khưu cũng vậy, nhận sự cúng-dường của người, cốt khỏi phiền-não, chứkhông được cầu nhiều, làm băng-hoại thiện-tâm của người. Ví như bậc trí-giả,biết lượng sức trâu, có thể làm việc được nhiều hay ít, đừng để nó làm quá phần, kiệt sức!
5-RĂN VIỆC NGỦ NGHỈ
Các vịTỳ-Khưu, ban ngày nên siêng năng tu-tập các thiện-pháp, không để phí thời giờ. Đầuđêm, cuối đêm cũng đừng bỏ phí công-phu. Nửa đêm tụng kinh, để tự quán sát lý sinh-diệt (tiêu-tức). Không bởi nhân-duyên ngủ nghỉ, khiến cho một đời luống qua không ngộ được gì! Nên niệm ngọn lửa vô thường, đốt mọi thế-gian, vì vậy, nên sớm cầu tự-độ, đừng nên ngủ nghỉ. Các giặc phiền-não, thường rình giết người. Nó tệ hơn oán-gia, sao có thể ngủ nghỉ được mà không tự răn tỉnh? Rắn độc phiền-não nằm ở tâm người. Ví như con rắn độc màu đen, ngủ trong nhà ngươi, ngươi nên lấy cái móc câu “trì giới”, sớm gạt trừ đi. Con rắn ngủ trong nhà đã ra ngoài rồi, mới có thể ngủ yên được. Nếu nó không ra ngoài mà cứ nằm ngủ, đó là người không biết thẹn. Bộ áo thẹn hổ, đối với các đồ trang-nghiêm, nó là bậc nhất. Thẹn như móc câu bằng sắt, hay chế-phục những người làm điều phi-pháp. Thế nên, các vị Tỳ-Khưu, thường thường phải biết thẹn-hổ, không được thay đổi trong tạm thời. Nếu xa lìa sự thẹn-hổ thời mất các công-đức. Người có tâm biết thẹn-hổ thời có thiện-pháp. Người không có tâm biết thẹn-hổ thời cùng như các loài cầm-thú không khác.
6-RĂN VỀ OÁN-GIẬN
Các vị Tỳ-Khưu, nếu có người lại cắt xẻo từng chi-tiết nơi thân-thể, nên tự-nhiếp-tâmđừng để cho nó phát sinh sân-hận. Và, cũng nên giữ miệng, đừng thốt ra lời nói ác. Nếu buông thả tâm oán giận thời tự mình làm phương-ngại cho sự tiến đạo, mất sự lợi-ích về công-đức. Đức nhẫn-nhục, trì giới, khổ hạnh cũng không thể bì kịp. Người làm hạnh nhẫn-nhục, mới được gọi là bậc đại-nhân có lực. Nếu ai không có thể vui vẻ nhận chịu được lời độc-hại của sự ác-mạ, như uống thuốc cam-lộ, thời không được gọi là người trí tuệ vào đạo. Sở dĩ thế là sao? Cái hại của sự oán giận là nó phá hoại các thiện-pháp, hư-hoại các tiếng tốt, đời nay, đời sau, người ta không muốn nhìn thấy bằng một cách vui vẻ. Nên biết, tâm oán-giận, nó mạnh hơn lửa dữ, vậy, luôn luôn phải gìn giữ, không để nó xâm-nhậpđược. Giặc cướp công-đức, không gì tệ hơn oán giận, Người bạch-y hưởng thụ các dục-lạc, chẳng phải là người hành-đạo, họ không có pháp gì để tự kiềm-chế, họkhởi ra oán-giận, còn có thể tha-thứ được; người xuất gia hành đạo, không có sựham-muốn, mà còn ôm ấp tâm oán-giận, rất không nên vậy! Ví như trong đám mây trong lạnh, khởi ra tia lửa sấm sét, thời không nên vậy!
7-RĂN VỀ KIÊU-MẠN
Các vị Tỳ-Khưu, nên xoa lên đầu mình, tự thấy, mình đã bỏ thứ trang-sức tốt đẹp, mặc áo hoại-sắc, mang giữ đồ ứng-khí, lấy việc đi xin ăn để sống như thế, mà nếu, còn khởi ra tâm kiêu-mạn, thời nên sớm diệt nó đi. Tăng trưởng tính kiêu-mạn, còn chẳng phải là người bạch-y thế-tục nên làm, huống là người xuất-gia nhập đạo, đã vì sự giải-thoát, tự hạ thân mình xuống, mà làm hạnh khất-thực ư?
8-RĂN VỀ SIỂM-KHÚC
Các vị Tỳ-Khưu, tâm nịnh-hót, cong queo, là trái với đạo, thế nên, cần phải giữ tâm chất trực. Nên biết, nịnh-hót, cong queo, chỉ là dối trá. Người đã vào đạo, thời không có lẽ ấy. Do đó, các vị phải nên giữ tâm ngay-thẳng, lấy “chất-trực”làm gốc.
9-THIỂU-DỤC (ÍT MUỐN)
Các vịTỳ-Khưu, các vị nên biết: người ham muốn nhiều, vì cầu lợi nhiều, nên khổ-não cũng nhiều. Người ham muốn ít, không cầu không muốn, thời không có tai-hoạn ấy. Thẳng thắn mà nói, không có gì, sự ít ham muốn còn nên tu-tập, huống là sự ít ham muốn còn sinh ra các công-đức? Người ít ham muốn thời không có tâm siểm-khúc để cầu vừa ý người ta, và cũng lại không bị các căn lôi-kéo. Người làm hạnh “thiểu dục” (ít ham-muốn) thời tâm thản-nhiên, không lo sợ gì, chạm tới sự gì đều có thừa, và thường không có gì là không đầy-đủ. Người có đức-tính ít ham muốn thời có Niết-Bàn. Thế gọi là “thiểu dục”.
10-TRI-TÚC (BIẾT ĐỦ)
Các vị Tỳ-Khưu, nếu muốn thoát khỏi các khổ-não, nên quán “tri-túc” (biết đủ). Biết pháp tri-túc, tức là chỗ giàu sang, vui vẻ và an-ổn. Người tri-túc, tuy nằm trên đất vẫn cho là vui vẻ. Người không tri-túc, tuy ở thiên-đường cũng chẳng vừa ý. Người không tri-túc, tuy giàu mà nghèo, người tri-túc tuy nghèo mà giàu. Người không tri-túc thường bị năm dục lôi kéo, bị người tri-túc thương-xót. Thếgọi là “tri-túc”.
11-VIỄN LY
Các vị Tỳ-Khưu, muốn cầu sự an-lạc, vô vi tịch-tĩnh, nên rời khỏi chốn ồn-ào, ở nơi an nhàn một mình. Người ở chốn an-tĩnh, vua Đế-Thích cũng như chư Thiên đều cùng kính-trọng. Thế nên, nên bỏ đồ-chúng của mình và cả đồ-chúng người khác, ởnơi trống vắng, an-nhàn một mình, suy nghĩ về sự diệt-trừ gốc khổ. Nếu ưa chỗnhiều người, thì chịu nhiều phiền-não. Ví như cây lớn, mọi loài chim tụ-tập trên đó, thì sẽ có tai-hoạn khô gẫy. Sự ràng buộc của thế-gian, đắm chìm trong mọi khổ. Ví như con voi già bị lún vào bùn, không thể tự rút ra được. Thế gọi là “viễn ly” (xa lìa).
12-TINH-TIẾN
Các vị Tỳ-Khưu, nếu siêng năng tinh-tiến thì việc gì cũng không nhớ. Thế nên, các vị nên siêng năng tinh-tiến. Ví như giọt nước nhỏ chảy mãi, thời có thể làm thủng đá. Nếu tâm của hành-giả, thường thường lười-biếng bỏ phế, như người dùi cây lấy lửa, cây chưa bốc nóng đã thôi, vì vậy, tuy muốn được lửa, nhưng lửa khó thể bùng lên được. Thế gọi là “tinh-tiến”.
13-BẤT VONG NIỆM
Các vịTỳ-Khưu, cầu bậc thiện-tri-thức, cầu bậc thiện-hộ-trợ, không bằng cầu được tâm“bất vong niệm” (không quên chính-niệm). Nếu người đã có tâm “bất vong niệm”,thời các giặc phiền-não không thể xâm-nhập được. Thế nên, các vị thường nên nhiếp-niệm tại tâm. Nếu mất chính-niệm thời mất các công đức. Nếu năng-lực của chính-niệm kiên-cường, tuy vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị hãm hại. Ví như mặc áo giáp vào trận thời không sợ gì. Thế gọi là “bất vong niệm”.
14-THIỀN-ĐỊNH
Các vị Tỳ-Khưu, nếu nhiếp tâm được, thời tâm an tại định. Tâm an tại định nên cơthể biết được pháp-tướng sinh-diệt của thế-gian. Thế nên các vị, thường nên tinh-tiến tu-tập các định. Nếu được định, tâm không tán-loạn. Ví như các nhà trông coi về việc nước, khéo sửa trị đê, đường. Hành-giả cũng vậy, vì nước trí-tuệ, phải khéo tu thiền-định, khiến cho không dò rỉ. Thế gọi là “thiền-định”.
15-TRÍ-TUỆ
Các vịTỳ-Khưu, nếu có trí-tuệ thì không tham-đắm. Thường tự xem xét, không để cho mình có chỗ sai-lạc. Như thế, ở trong giáo-pháp của Ta sẽ được giải-thoát. Nếu không được như thế, đã không phải là đạo-nhân, cũng khôngphải là bạch-y và, không gọi là tên gì được vậy! Người có trí-tuệ như-thực, như là có con thuyền bền-chắc vượt qua biển lão, bệnh, tử, cũng là ngọn đèn rất sáng soi chỗ vô minh tăm-tối, là lương-dược chữa trị mọi bệnh, là búa sắc đẵn cây phiền-não. Thế nên các vị, nên lấy văn, tư, tu-tuệ, tăng thêm sự ích lợi cho mình. Nếu người nào có sự soi sáng bởi trí-tuệ, tuy là nhục-nhãn, nhưng là người “minh-kiến” (thấy rõ) vậy. Thế gọi là “trí-tuệ”.
16-KHÔNG HÝ-LUẬN
Các vị Tỳ-Khưu, mọi thứ hý-luận, nó làm tâm loạn. Còn vương vào hý-luận, tuy là xuất gia, nhưng chưa được thoát. Thế nên, các vị Tỳ-Khưu, nên gấp lìa bỏhý-luận loạn tâm. Nếu các vị muốn được sự an vui tịch diệt, chỉ nên khéo diệt cải tai-hoạn hý-luận. Thế gọi là “không hý-luận”.
17-TỰ GẮNG SỨC
Các vị Tỳ-Khưu, đối với các công đức, thường nên nhất tâm, bỏ mọi sự phóng-dật, nhưlà bỏ oán-tặc. Đại-bi Thế-Tôn nói ra những điều lợi-ích, đều đã trọn vẹn, các vị nên siêng-năng thực-hành. Khi ở trong núi non, khi ở bên đầm trống, khi ở dưới gốc cây, hay khi ở chốn an-nhàn, trong ngôi nhà vắng vẻ, cần niệm những giáo-pháp đã lĩnh-thụ, đừng để cho quên mất. Thường nên tự gắng sức, tinh tiến tu theo những pháp ấy. Không làm gì, chết rỗng không, sau này sẽ đưa lại sự hối tiếc. Ta như Thầy thuốc hay, biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống, lỗi không phải nơi Thầy thuốc. Lại như người khéo chỉ đường, chỉ cho người ta con đường thiện, nghe mà không đi, không phải lỗi ở người chỉ đường vậy.
18-QUYẾT NGHI
Các vị,nếu trong pháp Tứ-Đế như Khổ v.v.. còn có chỗ nào nghi ngờ, các vị nên hỏi mau lên, không được mang lòng ngờ vực, mà không cầu sự giải quyết. Khi ấy đức Thế-Tôn xướng lên ba lần như thế, không có vị nào hỏi nữa. Sở dĩ thế là sao? Vì chúng không còn nghi-ngờ nữa. Bấy giờ Tôn-giả A-nâu-lâu-đà quán-sát tâm đại-chúng, bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, chư Phật nói pháp Tứ-Đế, không thể có sự sai khác được. Phật nói Khổ-Đế thực là khổ, không thể vui được; Tập-Đế thực là “nhân”, không có nhân khác; Khổ, nếu diệt trừ, tức là nhân diệt. Nhân diệt nên quả diệt; đạo “diệt khổ”, thực là chân-đạo, không còn đạo nào khác nữa. Bạch Đức Thế-Tôn các vị Tỳ-Khưu, đối với pháp “Tứ-Đế”,quyết định không còn sự ngờ vực gì nữa.
19-CHÚNG-SINH ĐẮC ĐỘ
Trong chúng này, những vị chưa làm xong công việc tu-chứng, thấy Phật diệt-độ, nên có sự bi-cảm. Vì mới nhập-pháp, nghe lời Phật nói, liền đắc độ. Ví như ban đêm thấy ánh chớp, liền được thấy đạo. Nếu vị nào đã làm xong việc tu-chứng, đã vượt qua biển khổ liền khởi niệm rằng: “Thế-Tôn diệt độ, nhất thời, sao chóng vậy! Tôn-giả A-nâu-lâu-đà nói ra lời trên rồi, trong chúng đều tỏ suốt nghĩa Tứ-Thánh-Đế. Đức Thế-Tôn muốn cho đại-chúng này được kiên-cố, Ngài đem tâm đại-bi lại vì chúng nói: “Các vị Tỳ-Khưu, đừng mang lòng bi-não, nếu Ta ở đời một kiếp, hội-hợp rồi cũng tan-diệt. Hội-hợp mà không tan lìa, hoàn toàn không thểcó được. Việc tự-lợi lợi-tha, các pháp đều đã đầy-đủ. Nếu Ta ở đời lâu nữa cũng không ích gì. Nếu những người ở trên cõi trời hay cõi người, nên độ, đều đã độ,những người chưa được độ, đều cũng đã gây nhân-duyên đắc độ”.
20-PHÁP-THÂN THƯỜNG-TẠI
“Từnay về sau, các đệ-tử của Ta, triển-chuyển thực-hành các giáo-pháp ấy, thời nhưpháp-thân Như-Lai thường-trụ không tan-diệt. Vì vậy, nên biết: “Đời là vô thường, hợp tất có tan. Đừng mang lòng ưu-não. Thế-tướng như thế. Nên siêng năng tinh-tiến, sớm cầu giải-thoát. Dùng ánh sáng trí-tuệ, diệt các si-ám. Thế-gian thực nguy-ngập, không bền-chắc. Ta nay được diệt-độ, như trừ được ác-bệnh. Thân này là tấm thân nên xả. Thân này là vật tội-ác, mượn danh là thân mà thôi. Ai là người có trí-tuệ, trừ-diệt được nó đi, như giết oán-tặc, mà lại không hoan-hỷ?
21-KẾT-LUẬN
Các vịTỳ-Khưu, thường nên nhất tâm siêng cầu đạo xuất-thế. Hết thảy pháp động hay bấtđộng ở thế-gian, đều là tướng-trạng bại-hoại bất an. Các vị hãy ngưng, đừng nên hỏi nữa! Thời-gian sắp qua, Ta muốn diệt-độ. Đây là lời giáo-hối tối-hậu của Ta!”HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).1/3/2012.
SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC THƯỢNG HẠ Đệ-Tử, Bồ-Tát-giới, chùa Vân-Thê Sa-Môn Châu-Hoằng biên-tập. Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt

Nay bộ sách yếu-lược này, do Vân-Thê Đại-Sư rút ra từ trong kinh Sa-Di Thập-Giới và các kinh khác. Bộ này, nghĩa rất thiết-yếu mà văn giản-lược, rất tiện cho Sa-Di sơ-cơ tập-học và dễ như xem quả trong bàn tay. Xét thấy Sa-Di có ba bực:
1. Từ bảy tuổi đến mười ba tuổi, gọi là Khu-Ô Sa-Di (Sa-Di đuổi quạ). Nghĩa là tuổi còn nhỏ chưa biết làm việc gì khác, chỉ sai Sa-Di này vì chúng-tăng giữ gìn thóc lúa và, làm việc nơi nhà nấu ăn, nơi ngồi thiền ... cũng như xua đuổi chim quạ, thay thế chút nhọc mệt cho chúng-tăng, sinh thêm phước lành và, không để ngồi không, tiêu-dùng của tín-thí và uổng-phí thời-gian vậy.
2. Từ mười ba tuổi đến mười chín tuổi gọi là Ứng-Pháp Sa-Di. Nghĩa là tuổi này thích-ứng được với hai pháp:
- Một là, có thể làm được việc thờ Thày và có thể làm các việc khó nhọc.
- Hai là hay tu-tập ngồi thiền, tụng kinh.
3. Từ hai mươi tuổi đến bảy mươi tuổi gọi là Danh-Tự Sa-Di. Nghĩa là, tuổi đủ hai mươi đáng lẽ được thụ giới Cụ-Túc, nhưng vì căn-tính ám-độn, hoặc lớn tuổi mới xuất-gia không thể gìn-giữ nổi các giới, tuy rằng, tuổi đáng được lên giới Tỳ-Khưu, nhưng, địa-vị chỉ là Sa-Di, cho nên gọi là Danh-Tự Sa-Di.
Phẩm số của Sa-Di tuy có ba bực, nhưng bực nào cũng vâng giữ mười giới, nên gọi chung là Sa-Di Nhất Pháp Đồng (cùng một pháp Sa-Di). Nếu ai cạo bỏ râu tóc mà chưa thụ mười giới thì gọi là Hình-Đồng Sa-Di. Nghĩa là, hình-tướng tuy đồng, nhưng không giữ giới, cho nên không được dự vào số năm chúng xuất-gia. Nay không kể vị Hình-Đồng Sa-Di mà chỉ kể đến vị Sa-Di Pháp-Đồng thôi.
Tiếng Phạm gọi là Sa-Di (Sràmanera), Trung-Hoa dịch nghĩa là Tức-Từ. Nghĩa là, dứt ác, làm lành, dứt sự nhiễm-trược của đời, đem lòng lành mà cứu giúp chúng-sinh. Có chỗ dịch là Cần-Sách (siêng-năng răn giục) và, cũng có chỗ dịch là Cầu-Tịch (tìm cầu sự vắng-lặng).
Luật-Nghi là mười giới-luật và các uy-nghi.



THIÊN TRÊN: CỬA GIỚI-LUẬT

Phật dạy người xuất-gia, năm Hạ trở về trước chuyên-tinh về giới-luật, năm Hạ trở về sau, mới cho nghe giảng về giáo-lý và tham thiền.
Thế nên, vị Sa-Di cạo tóc rồi, trước phải thụ mười giới, sau mới đến giới-đàn thụ giới Cụ-Túc. Nay được tên Sa-Di, chính do ở chỗ thụ giới. Thế mà, người ngu mờ vậy không biết, người dại khinh mà chẳng học, lại toan vượt bực, ý muốn cao xa, cũng đáng thương xót!
Nhân đem mười giới, lược-giải vài lời, để cho người mới học, biết phương-hướng tới. Người hảo tâm xuất-gia, dốc chí vâng làm, cẩn-thận, chớ có trái phạm.
Như thế, sau này, gần thì làm thềm bực cho giới Tỳ-Khưu, mà xa thì làm cội gốc cho giới Bồ-Tát.
Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, ngỏ hầu thành-tựu Thánh-đạo, chẳng uổng chí người xuất-gia vậy!
Nếu ai muốn xem rộng hơn, tự mình nên xem trọn bộ Luật-tạng.
Mười giới sau đây, rút trong kinh Sa-Di Thập-Giới. Đức Phật sai Tôn-Giả Xá-Lỵ-Phất truyền-trao cho ông La-Hầu-La.

GIỚI THỨ NHẤT: KHÔNG SÁT SINH
Trên từ chư Phật, Thánh-nhân, sư, tăng, cha mẹ và dưới cho đến các loài: bò, bay, cựa-quậy... côn-trùng nhỏ-nhặt, phàm các loài có tính-mạng không nên cố ý giết. Hoặc mình giết, hoặc xúi người giết, hoặc thấy người khác giết tùy-hỷ, trong kinh nói rằng: “Ai phạm giới này chẳng phải là Sa-Di vậy.” (Trong kinh, luật nói rộng-rãi vì văn nhiều, nên không chép ra đây).
Trong kinh chép: “Tháng mùa Đông hay sinh ra loài rận, nếu áo có rận, bắt bỏ vào ống và lấy bông gòn cho vào cho nó ấm, rồi cạo những cấu nhơ trong mình, bò vào cho nó ăn. Với tâm từ, còn sợ chúng đói, lạnh mà chết, huống là còn dám giết chúng!
Cho đến, những việc như lọc nước, che đèn, không nuôi các loài mèo, chồn v.v.. đều là đạo từ-bi của đức Phật. Loài nhỏ còn không nuôi, loài lớn chúng ta hẳn biết rõ ý vậy!
Hạnh từ-bi như thế, mà người đời nay không làm được, còn thêm sự giết hại, nên chăng?
Trong kinh Sa-Di Thập-Giới có nói: “Thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an” nghĩa là, ra ân cứu giúp lúc người bị thiếu ngặt, khiến cho họ được yên vậy, nếu thấy kẻ khác giết-hại, nên khởi tâm từ.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ HAI: KHÔNG TRỘM CẮP
Giải rằng: Những vật quý trọng như vàng, bạc cho đến vật nhỏ như cây kim, ngọn cỏ, người ta không cho thì không được lấy.
Hoặc của thường-trụ, hoặc của tín-thí, hoặc của chúng-tăng, hoặc của nhà nước, hoặc của dân, hoặc của tất cả; hoặc cướp ngang mà lấy, hoặc ăn cắp, hoặc dối gạt mà lấy..., cho đến việc trốn thuế, dối đò v.v.., đều là thái-độ gian-trộm!
Trong kinh chép: “Một Sa-Di trộm của thường-trụ bảy trái cây, một Sa-Di thứ hai trộm của chúng-tăng vài cái bánh, một Sa-Di thứ ba trộm của chúng-tăng một chút đường phèn, cả ba Sa-Di này, khi chết phải đọa vào địa-ngục.”
Vì vậy, trong kinh có nói: “Thà chịu chặt tay chứ không lấy của phi-tài.”
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ BA: KHÔNG DÂM DỤC
Giải rằng: người tại-gia giữ năm giới, chỉ cấm tà-dâm. Người xuất-gia thụ mười giới, đoạn hẳn dâm-dục.
Hễ can-phạm tất cả nam, nữ trong thế-gian, đều là phá giới.
Kinh Lăng-Nghiêm chép: “Tỳ-Khưu-Ni Bảo-Liên-Hương, riêng làm việc dâm-dục và tự nói rằng: dâm-dục không phải như sát-sinh, như ăn trộm, không có tội báo, liền cảm thấy trong thân sức nóng phát ra mãnh-liệt và sinh-thân ấy phải đọa vào địa-ngục.”
Người đời vì dâm-dục, thân mất, nhà tan. Người xuất-gia, ra khỏi nhà thế-tục làm vị Tăng, há lại vi-phạm!
“Căn-bản sinh-tử, dâm-dục là thứ nhất.”
Trong kinh nói: “Dâm-dật mà sống, chẳng bằng trinh-khiết mà chết.”
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ TƯ: KHÔNG NÓI DỐI
Giải rằng: Nói dối có bốn loại:
Một là, Vọng-Ngôn: Nghĩa là, lấy phải làm trái, lấy trái làm phải; thấy nói là chẳng thấy, chẳng thấy nói là thấy, nói những lời dối-trá chẳng thực v.v ...
Hai là, Ỷ-Ngữ: Nghĩa là, những lời nói thêu-dệt trau-chuốt, khúc hát hay, lời tình-tứ, khơi lòng dục, thêm sự bi-cảm, làm xiêu tâm-chí người ta.
Ba là, Ác-Khẩu: Nghĩa là lời nói thô-ác, mắng nhiếc người ta v.v..
Bốn là, Lưỡng-Thiệt: Nghĩa là nói lưỡi đôi chiều, hướng người này nói người kia, tới người kia nói người này, ly-gián ân-nghĩa, xúi giục đấu-tranh v.v... Cho đến, trước khen, sau chê, trước mặt phải, sau lưng trái. Chứng ghép tội cho người và vạch bày cái xấu của người.
Như trên, đều thuộc loại vọng-ngữ.
Nếu kẻ phàm-phu tự nói mình đã chứng được quả Thánh, như nói: “Mình được quả Tu-Đà-Hoàn, quả Tư-Đà-Hàm v.v...” gọi là đại-vọng-ngữ, tội ấy rất nặng.
Còn vọng-ngữ vì cứu người cấp-nạn, phương-tiện quyền biến khéo-léo, từ-bi giúp ích cho người, thì không phạm.
Cổ-nhân nói: “Điều cốt-yếu để lập công-hạnh cho mình, trước tiên là không được vọng-ngữ”. Người đời còn thế, huống là người học đạo xuất-thế!
Trong kinh chép: “Một Sa-Di khinh cười một vị Tỳ-Khưu già đọc kinh, tiếng như chó sủa mà vị Tỳ-Khưu già ấy đã là bực A-La-Hán. Nhân ấy vị Tỳ-Khưu già dạy cho vị Sa-Di kia biết, nên gấp sám-hối, hầu khỏi đọa vào địa-ngục, nhưng vẫn phải làm thân chó.” Một lời nói ác, bị hại đến thế! Vì vậy trong kinh nói: “Ôi, người ta ở đời, búa ở trong miệng. Sở dĩ, thân mình bị chém, là do lời nói ác” .
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ NĂM: KHÔNG UỐNG RƯỢU
Giải rằng: Uống rượu là uống những thứ gì có chất rượu, có thể làm say người ta. Nước Tây-Vực xưa có nhiều loại rượu. Có những loại, lấy cây mía, trái nho, các thứ hoa mà làm ra rượu. Và, Trung-Hoa lấy gạo làm ra rượu, cũng đều không nên uống.
Trừ khi có bịnh nặng, nếu không có rượu, không sao chữa khỏi được, nên bạch cho chúng biết, rồi sau mới uống. Vô cố, một giọt cũng không được thấm vào môi.
Cho đến, không được ngửi rượu, không được dừng ở nhà làm rượu và, không được lấy rượu cho người uống.
Ông Nghi-Địch làm rượu rất ngon, vua Vũ-Đế nhà Hạ uống biết, nhưng nhân đó liền cấm dứt.
Vua Trụ nhà Ân, làm ao đổ rượu, nước phải diệt vong!
Làm vị Tăng mà uống rượu, đáng hổ-thẹn lắm!
Xưa kia có một ông Ưu-Bà-Tắc-giới, nhân vì phá giới rượu mà các giới liền bị phá. Trong 36 lỗi, chỉ một lần uống rượu liền phạm hết. Như vậy, lỗi chẳng phải nhỏ!
Những người ham uống rượu, chết phải đọa vào trong địa-ngục Phí-Thỉ (phân sôi), đời đời ngu-si, mất giống trí-tuệ.
Rượu là thứ thuốc dại mê-hồn, tệ hơn vị tỳ-chậm. Cho nên trong kinh Thập-Giới nói rằng: “Thà uống nước đồng sôi, đừng nên phạm vào rượu”.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ SÁU:
KHÔNG ĐEO TRÀNG HOA HƯƠNG,
KHÔNG THOA HƯƠNG VÀO MÌNH.
Giải rằng: Tràng hoa là một vật phẩm, người Tây-Vực (Ấn-Độ) lấy hoa xâu làm tràng, để trang sức trên đầu. Như người Trung-Hoa, lấy các loại nhung, lụa, vàng, ngọc, châu báu chế làm khăn, mũ v.v... vậy.
Thoa hương vào mình, như những người sang bên Tây-Vực lấy các thứ danh-hương nghiền làm bột và bảo kẻ thanh-y thoa vào mình. Tại Trung-Hoa có những thứ như đeo hương, xông hương và các thứ son phấn v.v...
Người xuất-gia há nên dùng những thứ ấy!
Đức Phật chế ra ba y, toàn dùng bằng vải gai, to, thưa. Những thứ bằng lông thú, miệng con tằm hại vật, tổn lòng từ, chẳng phải các thứ người xuất-gia nên dùng.
Trừ khi người nào tuổi đến bảy mươi, già yếu quá, không có vải lụa thì không ấm, nên có thể mặc được. Những người khác thì không được.
Vua Vũ nhà Hạ mặc áo xấu, ông Công-Tôn nhà Hán đắp mền vải. Vua, quan là hàng sang-trọng, đáng sắm mà còn không sắm, há là người tu mong đắc đạo lại trở lại tham đồ mặc hoa-mỹ ư? Y-phục hoại sắc, áo phấn-tảo che thân-hình, mới hợp với người xuất-gia vậy.
Xưa kia có vị Cao-Tăng( tức là Huệ-Hưu Pháp-Sư, đời Đường) ba mươi năm mang một đôi giầy, há là kẻ phàm vậy ư?
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ BẢY:
KHÔNG CA, VŨ, XƯỚNG KỸ, KHÔNG ĐI XEM, NGHE
Giải rằng: “Ca” là miệng hát ra những bài hát. “Vũ” là thân làm trò múa giởn. “Xướng kỹ” là những loại đàn cầm, đàn sắt, ống tiêu, ống quản v.v...
Không được tự mình làm, không được khi người khác làm, cố ý đến xem, nghe.
Xưa kia có ông Tiên, nhân nghe các cô gái hát giọng tiếng vi-diệu, liền mất thần-túc-thông. Xem, nghe còn hại như thế, huống là mình tự làm ư?
Người ngu-mê đời nay nghe trong kinh Pháp-Hoa có câu: “Tỳ-bà nạo-bạt” liền tha-hồ đi học âm-nhạc. Song, trong khinh Pháp-Hoa nói về âm-nhạc, là để cúng-dường chư Phật, không phải là để vui cho mình!
Những tự-viện ứng-hợp với việc làm đạo-tràng pháp-sự cho nhân-gian, còn có thể làm được. Nay vì đường sinh-tử, bỏ tục, xuất-gia, há lại không tu việc chính, mà lại đi cầu học nghề âm-nhạc cho giỏi sao?
Cho đến đánh cờ vây (vi-cơ), cờ lục-bác, ném xúc-xắc (đầu-trịch), đánh bạc (su-bồ) các việc, đều loạn đạo-tâm tăng thêm lỗi xấu.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ TÁM:
KHÔNG NGỒI GIƯỜNG CAO, RỘNG, LỚN
Giải rằng: Đức Phật chế giường cây, cao không quá tám ngón tay đức Như-Lai. Quá kích-thước đó thời phạm.
Cho đến các thứ giường sơn vẽ, chạm trổ và các thứ màn nệm bằng tơ lụa cũng không nên dùng.
Người xưa dùng cỏ làm tòa ngồi, đêm thì nằm ngủ dưới gốc cây. Nay ta có giường chõng cũng đã hơn xưa rồi, sao còn muốn giường cao, rộng chỉ làm buông-lung cho tấm thân giả-dối!
Ngài Hiếp-Tôn-Giả, suốt đời, lưng chẳng đặt xuống chiếu. Ngài Cao-Phong-Diệu Thiền-Sư lập nguyện đứng ba năm, không bén tới giường chõng. Ngài Ngộ-Đạt Quốc-Sư đời Đường, nhân ngồi lên tòa trầm-hương giảng pháp, còn bị tổn phước mà mắc quả báo.
Than ôi, có thể mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ CHÍN: KHÔNG ĂN PHI THỜI
Giải rằng: Phi thời là quá giờ Ngọ, không phải thời-phận của chư Tăng ăn. Chư Thiên ăn sớm mai. Chư Phật ăn giờ Ngọ. Loài quỷ ăn tối. Chúng-Tăng nên học Phật, không ăn quá giờ Ngọ.
Loài Ngã-Quỷ nghe tiếng chén bát thời trong cổ họng bốc lửa. Vì vậy, ăn đúng giờ Ngọ, còn nên im-lặng, huống là ăn quá giờ Ngọ ư?
Xưa kia có vị Cao-Tăng (Pháp-Huệ Thiền-Sư) nghe vị Tăng ở căn phòng bên, sau giờ Ngọ, nổi lửa nấu ăn, bất giác, ngài sa nước mắt khóc, thương Phật-Pháp suy-tàn vậy!
Người đời nay, thân-thể suy-yếu, nhiều bịnh muốn ăn hoài hoài, hoặc không thể giữ được giới này, nên người xưa có nói bữa ăn chiều vì muốn chữa bịnh, cũng ví như “Dược-Thạch”. Tuy thế, phải biết, đó là trái lời Phật dạy sinh tâm rất thẹn-hổ và, phải nghĩ đến nỗi khổ của loài Ngã-Quỷ, thường làm việc thương xót cứu giúp, không ăn nhiều, không ăn ngon, ăn mà tâm-ý không yên, họa may mới có thể được! Và, nếu chẳng được như thế, mắc tội rất nặng!
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

GIỚI THỨ MƯỜI:
KHÔNG CẦM GIỮ ĐỒ SINH, TƯỢNG, VÀNG, BẠC, CỦA BÁU
Giải rằng: “Sinh” là vàng thực. “Tượng” là tương-tự (gần giống như); tương-tự vàng là bạc. Nghĩa là: Vàng, bổn-chất của nó vàng, nay đem bạc nhuộm màu vàng, màu nó giống như vàng mà thôi!
Của Báu, đây là chỉ cho bảy thứ châu báu vậy.
Vì các thứ vàng, bạc, của báu trên đều thêm lớn lòng tham, hư hại đạo-nghiệp, nên đức Phật khi còn tại thế, chư Tăng đều đi khất-thực, không lập lò bếp; y-phục, phòng-thất, đều nhờ thí-chủ ủng-hộ. Đã nhờ ngoại duyên ủng-hộ, dù có cầm giữ vàng bạc, cũng thành vô-dụng. Cầm giữ còn cấm, thì biết được sự thanh-bạch như thế nào!
Ông Quản-Ninh và ông Hoa-Hâm đời nhà Hán cuốc đất được vàng, chẳng thèm lấy. Người thế-nho còn thế, người Thích-Tử xưng là nghèo, còn chứa của làm chi?
Người đời nay, đều chẳng hay làm hạnh khất-thực. Hoặc vào chốn tùng-lâm, hoặc ở nơi am-viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi phải chi-phí đến tiền bạc. Tất nhiên vậy, nhưng nên biết đó là trái lời Phật dạy, sinh tâm rất hổ thẹn và, nên nghĩ đến sự nghèo thiếu của kẻ khác, mà thường làm việc bố-thí, Không lo tìm, không cất chứa, không buôn bán và, không dùng bảy báu, trang-nghiêm y-phục, khí cụ, các vật.. họa may còn có thể được!
Như hoặc chẳng được như vậy, mắc tội rất nặng!
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!

CHÚ-THÍCH
1.Cụ-Túc: Tức là giới Tỳ-Khưu.
2.Năm Chúng Xuất-Gia: Tức là Sa-Di, Sa-Di-Ni, Thức-Xoa-Ma-Na, Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni.
3.Hạ: Người xuất-gia không lấy năm của đời làm tuổi. Mỗi năm có 3 tháng an-cư kết Hạ, các vị Tỳ-Khưu tinh-tiến tu-hành được viên-mãn cho tới ngày tự-tứ, được thêm một tuổi, gọi là tuổi Hạ (Hạ-lạp).
4.Ba mươi sáu lỗi: Nhân uống rượu mà phạm 36 lỗi. Kinh Thiện Ác Sở Khởi nói: 1/ Của cải hao mất. 2/ Hiện-tại nhiều tật-bịnh. 3/ Khi say đánh lộn với người. 4/ Thêm nhiều sự sát hại. 5/ Tăng thêm lòng giận-dữ. 6/ Nhiều việc không toại-ý. 7/ Trí-tuệ dần kém. 8/ Phúc-đức không thêm. 9/ Phúc-đức càng giảm. 10/ Tiết-lộ chuyện kín. 11/ Sự-nghiệp không thành. 12/ Thêm việc ưu-khổ. 13/ Các căn mê-muội. 14/ Nhơ-nhuốc cho cha mẹ. 15/ Không kính bậc Sa-Môn. 16/ Không tin người tu phạm-hạnh. 17/ Không kính Phật. 18/ Không kính Pháp và Tăng. 19/ Gần bạn ác. 20/ Xa bạn lành. 21/ Bỏ việc ăn uống. 22/ Thân-thể trần-truồng. 23/ Việc dâm-dục lẫy-lừng. 24/ Nhiều người không ưa. 25/ Nói cười lả-lướt. 26/ Cha mẹ không mừng. 27/ Bà con ghét bỏ. 28/ Hay làm việc phi-pháp. 29/ Xa-lìa chính-pháp. 30/ Không kính bậc hiền-thiện. 31/ Trái phạm nhiều tội-lỗi. 32/ Xa-lìa đạo Niết-Bàn. 33/ Điên-cuồng khất-khưởng. 34/ Tán-loạn thân tâm. 35/ Buông-lung tâm ác. 36/ Thân hoại, mệnh mất đọa vào địa-ngục lớn, chịu khổ khôn cùng.
5.Bảy thứ châu báu: Tức là vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê, xà-cừ, san-hô, hổ-phách.


SA-DI LUẬT-NGHI
QUYỂN HẠ THIÊN DƯỚI NÓI VỀ MÔN UY-NGHI

Uy-Nghi có nghĩa là, vị xuất-gia, có uy khiến cho người ta đáng sợ và, có nghi làm cho người ta đáng kính. Bởi vì, vị ấy giữ giới-luật thanh-tịnh, phạm-hạnh đầy đủ, đường-đường Tăng-tướng, mọi đức uy-nghiêm làm cho người ta nể sợ. Vị ấy, khi hoạt-động, khi an-tĩnh, đều hợp với pháp-tắc, hình-tướng nghiêm-chỉnh, dung-nghi đoan-chính đáng quan-chiêm, làm cho người ta cung-kính. Những tư-cách ấy, thành đạo-phẩm của người xuất-gia và là bậc sư-phạm của cõi Người và cõi Trời. Do đó, trong kinh luật có chỗ nói: “Tịnh-hạnh thành ra đạo-nghi, trong sạch trọn nên giới-phẩm. Chí-khí cao như các vòm sao trên bầu trời, uy-nghiêm như gió, như mây. Trong tâm, ôm-ấp đức-tính con sư-tử và, ngoài tướng biểu-hiện cái uy con tượng-vương. Cõi Người cõi Trời khen ngợi vâng theo và các bộ Long-thần đều khâm-phục.”
Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Giữ-gìn đầy đủ uy-nghi, giáo-pháp, khiến cho ngôi Tam-Bảo không bị đoạn-diệt.”
Nay thiên dưới này gồm có 24 chương, cùng ra một môn uy-nghi, nó là, dấu xe của Sa-Di và cửa ngõ ra khỏi thế-gian vậy.
Đức Phật chế ra luật Sa-Di, vị Sa-Di đủ hai mươi tuổi, khi muốn thụ giới Cụ-Túc, cần phải hỏi vị ấy về những công việc của Sa-Di và, nếu hỏi mà không trả lời được đầy đủ được, thì không cho thụ giới Cụ-Túc. Khi ấy nên nói rằng: “Ông làm Sa-Di mà không biết chỗ cần thi-hành của Sa-Di, thì công việc của bậc Sa-Môn lớn lao, khó làm, ông hành-trì sao được. Ông hãy đi học cho kỹ, khi nào nghe, biết hết tất cả rồi, lúc ấy hãy nên thụ giới Cụ-Túc. Nếu nay trao giới Cụ-Túc cho ông, người đời họ sẽ cho rằng: “Phật-Pháp dễ làm và làm vị Sa-Môn cùng không khó”, không tốt cho danh-nghĩa Phật-Giáo. Vì vậy nên cần phải hỏi trước khi cho thụ giới Cụ-Túc.”
Những điều-tắc được biên-tập sau đây đều rút tỉa trong các kinh luật: Sa-Di Uy-Nghi, Cổ-Thanh-Quy, Sa-Di Thành-Phạm. Và, bộ Hành-Hộ Luật-Nghi của ngài Tuyên-Luật-Sư, tuy bộ này hướng về dạy các vị Tỳ-Khưu tân-học, nhưng trong bộ ấy cũng có những chỗ khá thông-dụng, nên nơi đây, cũng rút tỉa ra.
Vì nhân-tình đời mạt-pháp hay lười biếng, nghe nhiều sinh chán, nên cắt bỏ những chỗ rườm-rà và lấy những chỗ quan-yếu mà thôi. Song, nơi đây, chia ra từng loại, để tiện cho người đọc và học. Thảng hoặc, trong đó có những chỗ chưa đủ, liền theo nghĩa thêm vào một, hai ý cho đầy đủ. Còn vị nào muốn xem rộng thì nên tự mình nghiên-cứu trong Luật-tạng toàn-thư.

1. KÍNH BẬC ĐẠI SA-MÔN
Không được gọi tên tự của bậc Đại Sa-Môn.
Không nghe trộm bậc Đại Sa-Môn thuyết giới.
Không được chuyển lời, nói lỗi bậc Đại Sa-Môn.
Không được đang ngồi, thấy bậc Đại Sa-Môn đi qua
Không đứng dậy. Trừ khi đọc kinh, khi bị bịnh,
Khi cạo tóc, khi ăn cơm, khi làm việc chúng.
Bộ Hành-Hộ nói rằng: “5 Hạ trở lên là ngôi vị Xà-Lê, 10 Hạ trở lên là ngôi vị Hòa-Thượng. Tuy việc này là việc của các vị Tỳ-Khưu, nhưng Sa-Di cũng nên dự biết.”

2. THỜ THÀY
Nên dậy sớm.
Khi muốn vào trong cửa phòng Thày, trước tiên nên khảy ngón tay ba tiếng.
Nếu có lỗi, Hòa-Thượng, A-Xà-Lê dạy răn, không được nói nghịch lại. Nên coi vị Hòa-Thượng, A-Xà-Lê như Phật.
Nếu Thày có sai đổ những đồ bất-tịnh, không được khạc-nhổ, không được giận-bực.
Nếu đỉnh lễ Thày, Thày tọa-thiền, không nên làm lễ, Thày đi kinh-hành, không nên làm lễ, Thày dùng cơm, Thày thuyết kinh, Thày xỉa răng, Thày tắm giặt, Thày ngủ-nghỉ v.v.., đều không nên làm lễ. Khi Thày đóng cửa phòng, không nên làm lễ ngoài cửa. Khi muốn vào trong cửa phòng làm lễ, nên khảy ngón tay ba lượt Thày không ưng thì nên lui.
Dâng đồ ăn uống cho Thày, nên bưng hai tay. Khi Thày dùng xong, nên từ-từ thu dọn đồ-vật.
Hầu Thày, không được đứng đối-diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa, đứng làm sao, để khi Thày nói nhỏ có thể nghe được, không làm tổn sức-lực Thày.
Nếu thỉnh-vấn Thày về nhân-duyên Phật-pháp, nên đắp y tề-chỉnh, lễ-bái, chắp tay, quỳ thẳng, tác bạch. Thày nói điều gì nên lắng lòng, nghe kỹ, suy nghĩ và, in sâu vào tạng-thức.
Nếu khi thỉnh-vấn các việc thông-thường trong nhà không cần phải đỉnh lễ, hồ-quỳ, mà chỉ đứng ngay bên Thày, cứ thực mà trình bạch.
Nếu khi Thày thân-tâm mỏi-mệt, dạy lui nên lui, không được tâm-tình sinh ra sự không vui, hiện ra sắc mặt.
Nếu có phạm giới v.v... không được che dấu và nên cấp tốc đến nơi Thày, cầu xin sám-hối. Thày cho phép sám-hối thì nên tận-tình bày tỏ, tinh-thành hối-cải, lại được thanh-tịnh.
Thày nói chưa xong, chưa được nói.
Không được đùa ngồi trên tòa ngồi của Thày, nằm trên giường nằm của Thày, đội mũ mặc áo của Thày v.v...
Thày sai cầm thư của Thày đem đi đâu, không được tự bóc coi, cũng không được cho ai coi. Đến nơi đưa thư, họ có hỏi điều gì, nên đáp thì cứ thực mà trả lời, hoặc không nên trả lời thì nên từ-khước một cách khéo-léo. Họ lưu lại, không nên ở lại và, nên nhất tâm nhớ Thày, mong về.
Thày tiếp khách, hoặc đứng chỗ thường, hoặc đứng bên Thày, hoặc đứng sau Thày, nhưng phải làm sao, tai mắt của Thày, trò giao-tiếp được với nhau, để khi Thày cần dạy bảo việc gì.
Thày đau yếu, mỗi việc mỗi việc phải dụng-tâm điều-trị, xếp-đặt như phòng-thất, mền-nệm, thuốc-men, cơm-cháo v.v...
Còn các việc: cầm y, trao giầy, giặt tẩy, hong phơi v.v.., các việc ấy có đầy đủ trong Luật, nơi đây không nghi chép nhiều.

PHỤ:
Khi hầu Thày, Thày không bảo ngồi thì không nên ngồi. Thày không hỏi thì không đáp, trừ khi tự mình có việc muốn hỏi.
Khi đứng hầu, không được dựa vách, dựa ghế, nên đứng bên Thày với tư-thế, thân-thể đoan-chính, đôi chân tề-chỉnh.
Muốn lễ Thày, Thày bảo thôi, nên thuận theo mệnh-lệnh của Thày.
Khi Thày cùng tân-khách đàm-luận, nếu chuyện nào hợp với chuyện đạo, có ích cho thân-tâm, đều nên ghi lấy.
Khi Thày sai bảo làm việc gì, nên kíp thời làm xong, không được trái nghịch và khinh-thường.
Ngủ nghỉ, không nên đi ngủ nghỉ trước Thày.
Ai có hỏi tên húy của Thày, nên nói: trên chữ ấy, dưới chữ ấy...
Là đệ-tử nên chọn bậc minh-sư. Chọn được rồi phải thân-cận lâu dài, không được xa Thày quá sớm. Như Thày thực bất-minh, nên tìm bậc lương-đạo.
Trong trường-hợp phải xa Thày, nên nhớ những lời Thày dạy răn, không được mặc tình tự-ý theo những người thế-tục, làm những việc bất-chính. Cũng không được ở những chỗ huyên-náo như chỗ chợ, giếng nước. Không được ở nơi miếu thờ Thần. Không được ở trong phòng nhà dân-chúng. Không được ở gần chùa Ni. Không được ở chung nơi Thày mà làm các việc ác trong thế-gian.

3. THEO THÀY XUẤT-HÀNH
Đi cùng Thày, không được đi qua nhà người khác.
Không được ngưng lại bên đường nói chuyện cùng người khác. Không được ngoái trông bên tả bên hữu, nên cúi đầu theo sau Thày.
Tới nhà đàn-việt, nên đứng một bên Thày, Thày dạy ngồi mới ngồi.
Tới tự-viện người ta, Thày lễ Phật, hoặc mình lễ không được tự-tiện đánh chuông khánh.
Nếu Thày đi lên núi, nên mang tọa-cụ theo.
Nếu đi xa, không được cách Thày quá xa.
Nếu lội nước, nên cầm gậy dò thử xem nông hay sâu.
Còn các việc mang bình-bát, cầm gậy tích-trượng v.v.., đầy đủ trong Luật-tạng, nơi đây, văn nhiều không chép.

PHỤ:
Nếu tình cờ, chia ra, mỗi người đi mỗi ngả, nhưng hẹn gặp ở chỗ nào, thì không được tới sau.
Thày thụ-trai nên đứng hầu xuất-sinh. Thụ-trai xong nên đứng hầu thu cất các đồ cúng-dường.

4. NHẬP CHÚNG
Không được tranh chỗ ngồi, không được ở trên tòa xa xa gọi nhau nói chuyện, cười-đùa.
Trong chúng, ai có điều gì trái với uy-nghi, nên dấu điều xấu, bày điều tốt.
Không nên khoe sự nhọc-mệt để tỏ bày công-lao của mình.
Phàm ở đâu, ngủ không nên ngủ trước người và dậy không nên dậy sau người. Rửa mặt, không nên dùng nhiều nước. Xỉa răng nhổ nước, nên cúi đầu đưa nước xuống, không nên phun nước bắn vào người.
Không được hỷ mũi và khạc nhổ lớn tiếng.
Không được ở trong điện, tháp, tịnh-thất, nơi đất sạch, nước sạch hỷ mũi, khạc-nhổ, mà nên tìm những chỗ khuất vắng.
Không được xỉa răng trước tháp, trước các vị Hòa-Thượng, A-Xà-Lê v.v...
Phàm nghe tiếng chuông nên chắp tay mặc-niệm rằng: “Nghe tiếng chuông, phiền-não nhẹ, trí-tuệ lớn, bồ-đề sinh, lìa hầm lửa, mong thành Phật, độ chúng-sinh”. Úm, già ra đế da sa-bà-ha.
Không được cười nhiều. Nếu cười lớn hay ợ ngáp, nên lấy tay áo che miệng.
Không được đi vội. Không được đem đèn thờ Phật để dùng riêng cho mình. Nếu thắp đèn, nên lấy lồng đèn che kín, đừng để cho loài trùng bay sa vào.
Hoa cúng Phật, nên lựa bông nở tròn đủ. Không được ngửi trước. Bỏ hoa héo, cúng hoa tươi. Hoa héo không nên bỏ dưới đất, giậm lên, mà phải để chỗ vắng vẻ.
Không được nghe Thày gọi mà không đáp. Nghe gọi, nên lấy câu niệm Phật mà đáp.
Khi nhặt được của rơi, nên bạch vị Tri-Sự ngay.

PHỤ:
Không được kết bạn với Sa-Di tuổi trẻ.
Không được dùng ba tấm y của các vị Tỳ-Khưu một cách lẫn-lộn. Không được may nhiều y-phục. Nếu thừa nên xả. Không được sắm dây lưng tốt đẹp và đồ chơi v.v.., trang-điểm giang-hồ, làm trò cười cho người thức-giả. Không được mặc đồ có màu sắc và giống y-phục trang-sức của người thế-tục v.v... Không được tay chẳng sạch mà đắp y.
Khi lên chánh-điện nên mặc khố-miệt (quần lót) cho chắc, không được buông ý tự-tiện.
Không được rong chơi. Không được nói nhiều. Không được ngồi ngó đại-chúng làm việc nhọc-mệt, lười biếng trốn tránh cho yên. Không nên lấy của Chiêu-Đề (Caturdesa, tức là của Tứ-phương-tăng, hay là của tự-viện) như: tre, gỗ, hoa, quả, rau... cùng hết thảy đồ ăn uống, đồ-đạc v.v...
Không được bàn bạc về những việc chính-trị được, mất trong triều-đình, công-phủ, cùng những việc hay, dở, tốt, xấu của nhà bạch-y (thế-tục).
Phàm tự-xưng, nên xưng hai chữ pháp-danh, không được xưng là Ta hay là Tiểu-Tăng.
Không được, nhân việc nhỏ, sinh ra sự tranh-chấp. Nếu việc lớn lao, khó nhẫn, cũng nên giữ tâm bình, khí hòa, dùng lý-luận biện-giải và, nếu không được, cáo-từ rút lui. Nổi giận, thốt ra lời thô-tục, tức không phải là vị hảo-tăng vậy.

5. THEO CHÚNG DÙNG CƠM
Nghe tiếng kiền-trùy (Ghantà: gọi chung những thứ đánh ra tiếng như: chuông, khánh, gỗ v.v...), nên chỉnh y-phục ngay.
Tới khi ăn, chú-nguyện, đều phải cung-kính.
Xuất-sinh, cơm không quá bảy hạt, miến không quá một tấc, bánh bột man-đầu độ chừng móng tay. Không nên nhiều cũng không nên ít. Nhiều là tham. Ít là sẻn. Còn các món khác như rau, đậu-hủ, không nên xuất-sinh.
Khi xuất-sinh, để trong lòng bàn tay trái, tưởng niệm bài kệ: “Nhữ đẳng quỷ-thần chúng, ngã kim thí nhữ cúng; thử thực biến thập phương, nhất thiết quỷ-thần cộng”: Quỷ-thần chúng các vị, nay tôi cho đồ cúng; cơm này khắp mười phương, cho chung mọi quỷ-thần.
Trước khi muốn ăn, phải niệm 5 phép quán-tưởng: “Nhất, kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nhị, thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng-cúng. Tam, phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Tứ, chính sự lương-dược, vị liệu hình khô. Ngũ, vị thành đạo cố, phương thụ thử thực”: Một là, tính xem công-phu của các món ăn ấy nhiều hay ít và, suy lường xem chúng từ nơi nào đem lại. Hai là, suy nghĩ xem đức-hạnh mình được trọn vẹn hay còn thiếu, mà nhận đồ cúng này. Ba là, ngăn ngừa tâm, khỏi lỗi lầm, vì tham v.v... là cội gốc. Bốn là, món ăn chính là vị thuốc hay, vì nó chữa được bịnh khô héo. Năm là, vì thành đạo-nghiệp, nên nhận món ăn này.
Không chê đồ ăn ngon, dở. Không được lấy đồ ăn chung cho riêng, hoặc ném cho chó ăn. Đưa thêm đồ ăn, không nên nói là không dùng. Nếu ăn no rồi, nên lấy tay khiêm-nhường mà khước-từ. Không được gãi đầu, làm bay bụi vào trong bát người bên cạnh. Không được ngậm cơm, nói chuyện. Không được cười nói chuyện tạp. Không được nhai cơm có tiếng. Như muốn xỉa răng, nên lấy tay áo che miệng. Trong cơm, hoặc có sâu, kiến, nên che dấu kín, đừng để người ngồi gần trông thấy, sinh tâm nghi sợ.
Nên ngồi ăn một chỗ, không được ăn xong, lại rời đến chỗ khác ăn nữa. Không được ăn xong, lấy ngón tay vét chén bát mà ăn. Khi ăn, không được nhanh quá và cũng không được chậm quá. Đưa đồ ăn chưa tới, không được sinh phiền-não. Hoặc cần dùng gì, yên lặng chỉ trao, không được cao tiếng gọi lớn. Không được khua chén bát thành tiếng. Không được ăn xong, dậy trước.
Nếu trái với Tăng-chế, nghe tiếng bạch-trùy không được kình-chống không chịu.
Trong cơm có thóc, bóc vỏ mà ăn.
Không được thấy đồ ăn ngon sinh tâm tham, mặc cho miệng ăn. Không được ăn món ăn khác với chúng.

6. LỄ BÁI
Lễ bái, không được chiếm giữa chính-điện, vì nơi ấy dành riêng cho ngôi vị Trụ-Trì.
Có người đang lễ Phật, không được đứng gần và đi ngang qua đầu người ấy.
Chắp tay, không được mười ngón so-le. Không được rỗng giữa. Không được nhét ngón tay vào trong mũi. Phải để ngay trước ngực, cao, thấp đúng chỗ. Không được lễ bái không đúng thời. Như muốn lễ phi-thời, phải đợi khi người ta an-tĩnh.
Khi Thày lễ Phật, không được cùng Thày cùng lễ. Nên theo sau, xa Thày mà lạy.
Thày xá người ta, không được, cùng Thày mà xá.
Ở trước Thày, không được cùng bạn đồng bực lạy nhau. Ở trước Thày không được nhận sự lễ lạy của người.
Tay mình đanh cầm kinh, tượng, không được làm lễ người ta.

PHỤ:
Phàm lễ bái, phải tinh-thành quán-tưởng. Trong kinh liệt-kê bảy phép lễ, cần phải biết:
Một là, ngã-mạn lễ,
Hai là, cầu danh lễ,
Ba là, thân tâm cung-kính lễ,
Bốn là, phát trí thanh-tịnh lễ,
Năm là, thông-nhập pháp-giới lễ,
Sáu là, chính-quán tu thành lễ,
Bảy là, thực-tướng bình-đẳng lễ.

7. NGHE PHÁP
Khi có bảng treo trên giảng-đường, nên sớm lên giảng-đường, đừng đợi khi trống pháp đánh lớn mới tới. Sửa-sang y-phục rồi nên trông ngay tiến thẳng.
Ngồi phải đoan-nghiêm. Không được nói chuyện loạn lên. Không được ho khạc lớn tiếng.

PHỤ:
Khi nghe pháp phải nghe mà nhớ, nhớ mà tu.
Không được chuyên ghi những danh-ngôn, để giúp thêm vào việc bàn cãi. Không được chưa hiểu nói là đã hiểu, mà chỉ là vào tai ra miệng.
Sa-Di tuổi trẻ, giới-lực chưa bền chắc, cần phải học luật, không nên tới trường giảng kinh, luận sớm.

8. TẬP HỌC KINH-ĐIỂN
Nên học luật trước, sau mới học kinh, không nên vượt bực.
Phàm học một bộ kinh nào, trước tiên phải bạch Thày. Khi học kinh ấy xong, lại bạch xin học kinh khác.
Không được lấy miệng thổi bụi trên kinh. Trên án kinh, không được cất những thứ trà, bột và tạp-vật.
Người xem kinh, không được đi ngang qua gần án kinh của người ấy.
Khi kinh sách hư rách, nên tu bổ sớm.
Bổn-nghiệp của Sa-Di chưa thành, không nên tập học các sách bên ngoài, các sách sử của nhiều nhà và những sách vở về việc cai-trị của thế-gian.

PHỤ:
Không được lựa chọn học tập những kinh ứng-phó đạo-tràng. Không được tập học những kinh-điển ngụy-tạo. Không được tập học các sách coi số-mạng. Không được tập học các sách coi tướng. Không được tập học các sách làm thuốc. Không được tập học các sách binh-trận. Không được tập học các sách coi bói, coi quẻ. Không được tập học các sách thiên-văn, địa-lý, sấm-ký. Cho đến không được tập học những sách nói về phép thần-tiên, luyện linh-đơn, luyên đơn-sa thành bạc thành vàng, mà đời trước (Trung-Hoa) thường gọi là “lô-hỏa, hoàng-bạch”. Không được tập học những sách thần-kỳ, quỷ-quái, phù-thủy v.v.. Không được tập học theo lối một người đọc, mấy người rập theo, gọi là “tuyên quyển đả kệ”. Không được tập học các sách vở ngoại-đạo, trừ những vị trí-lực có thừa muốn biết giáo-điển cao thấp của nội, ngoại-giáo, nên mới trải qua cho biết, song, cũng không nên sinh ra tâm tưởng tập học. Không được tập học thơ và từ. Không được để tâm học viết chữ cho tốt. Song, chỉ cần viết nét ngay thẳng là đủ. Không được tay nhơ cầm giữ kinh.
Đối với kinh sách, như đối với Phật, không được giởn cười.
Không được trên án để kinh sách lộn-xộn. Không được đọc lớn tiếng động chúng. Không được mượn kinh sách của người coi rồi không trả, và không để tâm ưa thích, quý trọng, để đến nỗi hư rách.

9. NHẬP TỰ-VIỆN
Khi vào cửa chùa không được đi chính giữa. Phải theo hai bên mà đi. Đi bên trái, chân trái bước trước. Đi bên mặt, chân mặt bước trước.
Không được vô cớ lên đại-điện giởn chơi. Không được vô cớ lên tháp. Vào điện, tháp nên quanh bên hữu không được quanh bên tả. Không được hỉ nhổ trong điện tháp. Nhiễu tháp hoặc ba vòng, bảy vòng, cho đến trăm vòng. Nên biết tượng-trưng của các số này.
Không được để nón, gậy và các đồ-vật khác dựa vào vách chính-điện.

10. VÀO THIỀN-ĐƯỜNG, TÙY CHÚNG
Trên đơn, không được giũ áo, mền thành tiếng, và bay bụi, làm cho người ở đơn bên bị động-niệm.
Khi từ giường bước xuống niệm bài kệ rằng: “Từ sớm, giờ Dần thẳng đến chiều, hết thảy chúng-sinh quanh-quẩn cần giữ mình. Không may, dưới chân thân-mệnh mất, nguyện ngươi tức thời sinh cõi Tịnh.”
Không được cao tiếng, nói to.
Nhẹ tay cuốn bức mành mành, phải đỡ tay sau.
Không được kéo giày ra tiếng. Không được ho khạc có tiếng lớn. Không được cùng với người ở đơn bên, chụm đầu, kề tai, nói chuyện đời.
Hoặc có bạn đạo thân-tình thăm nhau, trong nhà Thiền không được nói chuyện lâu, nên đem nhau tới dưới rừng, bên suối, mới có thể dốc hết tâm-can đàm-luận.
Nếu coi kinh, thân cần ngồi ngay thẳng, lắng lòng xem một cách thầm lặng, không nên đọc ra tiếng.
Mộc-bản đánh đến hồi thứ hai, liền phải lên giảng-đường sớm.
Về tới vị-trí của mình, thầm niệm bài kệ rằng: “Thân thẳng ngồi ngay. Nguyện cho chúng-sinh. Ngồi tòa bồ-đề. Tâm không chấp-trước.”

PHỤ:
Không được đi xuyên qua Thiền-đường.
Lên đơn, xuống đơn, đều nên giữ tế-hạnh, đừng để động niệm tới vị ở đơn bên. Không được ngồi trên đơn mà viết chép văn-tự, trừ khi đại-chúng xem kinh-giáo.
Không được ở trên đơn xúm nhau bày tiệc trà hay đêm ngồi nói chuyện tạp. Không được ngồi trên đơn may vá quần áo. Không được nằm ngủ, cùng người gần đơn nói chuyện động chúng.

11. CHẤP-TÁC
Nên tiếc của chúng-tăng. Nên theo sự dạy bảo của vị Tri-Sự, không nên ngang trái.
Khi rửa rau phải thay nước ba lần. Phàm múc nước trước tiên phải rửa tay cho sạch. Khi dùng nước phải xem kỹ, có trùng hay không có trùng. Nếu có trùng nên lấy lụa dầy lọc qua mới dùng. Nếu thuộc mùa nghiêm-đông, trời lạnh, đừng nên lọc nước sớm và phải đợi mặt trời mọc hãy lọc.
Phàm nhúm bếp, không được đốt củi mục. Phàm làm đồ ăn, đừng nên để móng tay nhơ. Phàm đổ nước nhơ không được đổ giữa đường. Cũng không được giơ cao tay hắt đổ. Phải cách mặt đất chừng bốn, năm tấc, từ từ mà đổ.
Phàm quét đất, không được quét ngược gió. Không được gom bụi đất để sau cánh cửa.
Giặt áo trong, nên lượm bỏ các con rận rồi sau mới giặt. Tháng mùa Hạ, dùng nước, dùng rồi phải úp chậu xuống, nếu để ngửa, tức thì loài trùng sẽ sinh ra.
Nước nóng không được đổ trên đất.
Hết thảy gạo, miến, rau, trái v.v... không được vứt bỏ lang-tạ, phải sinh lòng mến tiếc.

12. VÀO NHÀ TẮM
Trước tiên lấy nước nóng rửa mặt và từ từ rửa từ trên xuống dưới. Không được thô-tháo, dùng nước nóng làm bắn vào người bên cạnh. Không được tiểu trong nhà tắm. Không được cùng người nói, cười. Bộ Nhân-Thiên Bảo-Giám nói: “Một Sa-Di vào nhà tắm cười đùa, liền bị quả-báo địa-ngục Nước Sôi.” Không nên tắm chỗ vắng.
Khi có bệnh ghẻ-lác, nên lựa tắm về sau. Hoặc có những mụn nhọt đáng sợ, càng nên quanh tránh, khỏi lọt vào mắt người ta.
Không được mặc ý tắm lâu, làm phương-ngại cho người tắm sau.

PHỤ:
Khi cổi áo, mặc áo, phải thong thả, bình-tĩnh.
Trước khi tắm phải tẩy tịnh, phải giữ những hạnh vi-tế. Không được đem nước tẩy tịnh đổ chung vào bồn tắm.
Nước lạnh hay nóng, y theo lệ đánh tiếng “keng”, chứ không được kêu to.

13. VÀO NHÀ XÍ
Muốn đi đại, tiểu-tiện, nên đi ngay, đừng để cho trong bụng thôi-thúc vội-vàng.
Trên sào tre, vắt áo trực-thuyết, phải xếp cho tề-chỉnh, lấy khăn tay hoặc dây lưng buộc chặt lại. Buộc như vậy, một là, để ghi nhận, và hai là, sợ rớt xuống đất.
Nên thay đổi giày dép, không nên đi giày sạch vào nhà xí. Đến nơi, nên khảy ngón tay ba lần, để cho người bên trong biết. Không được hối-thúc người bên trong phải ra mau. Khi ngồi trên cầu xí rồi, lại phải khảy ngón tay ba lần, thầm niệm bài kệ rằng: “Khi đại-tiểu-tiện, nguyện cho chúng-sinh, bỏ tham, sân, si trừ sạch tội pháp.” Khi ngồi trên cầu, không được cúi đầu ngó xuống. Không được cầm cỏ vẽ đất. Không được rặn hơi thành tiếng. Không được cách vách, cùng người nói chuyện. Không được nhổ nước bọt vào vách.
Gặp người không nên làm lễ, nên nghiêng mình tránh đi. Không được đi dọc đường buộc đai áo. Đại-tiện xong, phải rửa tay cho sạch. Nếu tay chưa sạch, không được cầm vật gì.
Rửa tay, thầm niệm bài kệ rằng: “Lấy nước rửa tay, nguyện cho chúng-sinh, được tay trong sạch, thụ trì Phật-pháp. Úm chủ ca ra gia sa-ha.”

PHỤ:
Nếu khi đi tiểu, cũng cần phải sắn tay áo lên, và không nên mặc áo thiên-sam (áo lễ), đi tiểu.

14. NẰM NGỦ
Nằm, phải nằm nghiêng hông bên hữu, gọi là ngủ Cát-Tường. Không được nằm ngửa, nằm sấp, cùng nằm nghiêng hông bên tả.
Không được cùng Thày đồng thất, đồng giường, hoặc được đồng thất, nhưng không được cùng giường. Cũng không được cùng với Sa-Di đồng-sự nằm chung một giường. Để dày giép, treo tiểu y v.v.., không được quá đầu mặt người.

PHỤ:
Không được cổi áo trong mà nằm. Không được ngủ trên giường cười, nói lớn tiếng. Không được trước Thánh-tượng và chốn pháp-đường, mang các đồ nhơ đi qua.

15. QUANH LÒ SƯỞI
Không được chụm đầu kề tai nói chuyện. Không được khảy mồ hôi nhơ trong lửa.
Không được hong phơi giày, áo miệt. Không được hơ lửa lâu quá, sợ trở ngại cho người tới sau. Hơi ấm nên trở về vị-trí của mình.

16. Ở TRONG PHÒNG
Khi hỏi thăm nhau điều gì, phải biết giới-phẩm lớn, nhỏ.
Muốn đem đèn vào trong phòng, phải thưa trước cho các vị đồng phòng cùng biết rằng sẽ đem đèn vào. Khi muốn tắt đèn, trước tiên phải hỏi những vị cùng ở trong phòng còn dùng đèn nữa không, rồi sau mới tắt.
Tắt đèn, không nên lấy miệng thổi. Niệm tụng không nên cao tiếng.
Nếu có người đau yếu, phải sinh lòng thương, săn sóc thủy chung.
Có người ngủ, không đuợc khua đồ-vật vang-động, và lớn tiếng nói, cười.
Không được vô cớ, xông vào phòng viện của người khác.

17. ĐẾN CHÙA NI
Có chỗ ngồi riêng mới ngồi, không có chỗ ngồi riêng không được ngồi.
Không được vì Ni thuyết pháp phi thời.
Khi trở về chùa, không được nói sự tốt, xấu của chùa ấy.
Không được thư-từ qua lại, và cậy mượn cắt may giặt nhuộm quần áo v.v.. Không được cạo tóc. Không được cùng ngồi ở chỗ vắng nói chuyện.

PHỤ
Không có hai người, một mình không nên tới, cũng không nên đưa tặng-vật qua lại. Không được mượn các vị Ni đi hóa-duyên nơi các nhà hào-quý và cầu-niệm kinh-sám v.v.. Không được cùng các vị Ni kết-nguyện làm cha mẹ, chị em, đạo-hữu.

18. ĐẾN NHÀ NGƯỜI
Có tòa riêng hãy nên ngồi, không nên ngồi bừa.
Người hỏi về kinh phải biết thời mà nói, cẩn-thận đừng nên nói phi-thời.
Không được cười nhiều.
Chủ-nhân đãi cơm, tuy không phải là nơi pháp-hội, nhưng cũng đừng trái phép tắc.
Không nên đi đêm. Không được ở trong nhà trống, hoặc chỗ khuất, cùng nữ-nhân ngồi chung nói chuyện.
Không được thư-từ qua lại v.v... như chương trước đã nói.
Nếu về nhà thăm cha mẹ, trước tiên phải vào trong nhà lễ Phật, hoặc Thánh-tượng trong gia-đường, đoan-trang lễ-nguyện. Thứ đến hỏi thăm cha mẹ, quyến-thuộc v.v...
Không được nói với cha mẹ về việc phép-tắc nơi Thày nghiêm-nghị, việc xuất-gia khó-khăn, ở chùa đạm-bạc, quạnh-hiu, gian-tân khổ-cực v.v.. Và, chỉ nên vì tất cả thuyết pháp, làm cho sinh tín-tâm, thêm phước-đức.
Không được cùng thân-quyến thế-tục cũng như các trẻ em, ngồi lâu, đứng lâu, cười đùa, chuyện tạp. Cũng không được hỏi những sự phải, trái, tốt, xấu trong họ.
Nếu trời tối, ngủ lại, nên ở riêng một giường, và nên ngồi nhiều, nằm ít, nhất tâm niệm Phật. Việc xong nên về ngay, không được giằng giai việc này qua việc khác.

PHỤ:
Không được liếc ngó bên tả bên hữu. Không được nói chuyện tạp. Nếu nói chuyện cùng nữ-nhân, không được nói thì-thầm và không được nói nhiều.
Không được dối hiện uy-nghi, giả mạo tướng thiền, cầu người cung-kính.
Không được nói bừa về Phật-pháp, đáp loạn những câu hỏi của người, tự khoe là nghe nhiều, cầu người cung-kính.
Không được đưa tặng hộp lễ vật qua lại, bắt chước người thế-tục bạch-y.
Không được cai-quản việc nhà người.
Không được ngồi lẫn trong tiệc rượu.
Không được kết-duyên với người thế-tục bạch-y làm cha mẹ, chị em.
Không được nói những lỗi lầm trong Tăng-chúng.

19. KHẤT-THỰC
Nên cùng đi khất-thực với bậc lão-thành. Nếu không có người cùng đi, nên biết những chỗ đáng đi.
Đến cửa nhà người ta, phải xét kỹ những cử-chỉ, xếp đặt, không được mất uy-nghi.
Nhà không có con trai, không được vào cửa.
Nếu muốn ngồi, trước tiên phải coi xem chỗ ngồi,
có đồ đao-binh không nên ngồi, có vật báu không nên ngồi, có áo mền, đồ trang-nghiêm của đàn bà, không nên ngồi.
Khi muốn nói về Kinh, nên biết thời đáng nói và thời không đáng nói.
Không được nói, cho ta đồ ăn, khiến người được phước.

PHỤ:
Phàm khất-thực, không được năn-nỉ và xin hoài.
Không được bàn rộng về lý nhân-quả, mong người ta cúng nhiều.
Được nhiều đừng sinh tham-đắm, được ít đừng sinh tâm lo buồn.
Không được chuyên tới những thí-chủ có tình quen, cũng như những am-viện có tình quen, xin ăn.

20. VÀO NƠI TỤ-LẠC
Không có duyên-sự cần-thiết, không được vào nơi tụ-lạc (làng xóm, đông người ở).
Không được đi mau. Không được đi, tay đưa vắt-vẻo. Không được thường thường liếc ngó những nhân-vật đi đường. Không được vừa đi vừa nói cười với Sa-Di và em nhỏ. Không được đi theo trước sau nữ-nhân, cũng không được đi theo trước sau các vị Ni. Không được đi theo trước hay sau người say, người điên. Nên đi tránh.
Không được ngoái về đằng sau nhìn nữ-nhân. Không được ngước mắt nhìn nữ-nhân đi bên.
Khi gặp bậc Tôn-Túc, hay người thân quen biết, đều phải dừng lại một bên đường, trước tiên tỏ ý hỏi thăm.
Hoặc gặp những trò kỳ-quái hý-huyễn v.v.. đều không nên xem, cứ ngay mình thẳng theo đường chính mà đi.
Phàm gặp chỗ có hầm nước sâu, bờ nước lở, không được nhảy qua, có đường nên đi quanh, không có đường mà người ta đều nhảy qua, ta cũng nhảy qua, thì được.
Không có bịnh và việc gấp, không được cưỡi ngựa cho đến không được khởi tâm đùa cợt, cầm roi quất ngựa chạy nhanh hoặc chạy chậm.

PHỤ:
Phàm gặp quan-phủ (cơ-quan công-quyền), không cứ lớn, nhỏ, đều nên quanh tránh. Gặp người đánh lộn cũng nên tránh xa, không nên đứng coi.
Về chùa, không được khoe khoang thấy những việc hoa-mỹ trong thành.

21. ĐI CHỢ MUA ĐỒ
Không nên tranh cãi mắc với rẻ. Không nên ngồi nơi hàng nữ-nhân. Nếu bị người ta mua tranh, nên dùng phương-tiện lánh đi, đừng nên cố theo trả giá.
Đã hứa mua vật của người trước, vật của người sau tuy rẻ hơn, cũng không nên bỏ vật của người kia mà lấy vật của người này, làm cho người chủ cũ có sự buồn hận.
Cẩn-thận, không nên đứng bảo-lãnh, đến nỗi mắc nợ người ta.

22. LÀM VIỆC, KHÔNG ĐƯỢC TỰ-DỤNG
Khi ra, vào, đi, lại, trước tiên phải bạch Thày.
May pháp-y mới, trước phải bạch Thày. Thế đầu, trước phải bạch Thày. Yếu đau uống thuốc, trước phải bạch Thày. Làm việc chúng-tăng, trước phải bạch Thày. Muốn có các đồ riêng như bút, giấy v.v.., trước phải bạch Thày. Nếu muốn tụng kinh sách, trước phải bạch Thày. Nếu ai muốn đem cho đồ vật gì, trước phải bạch Thày, Thày ưng-thuận rồi sau mới nhận. Muốn đem vật kỷ-niệm cho người khác, trước phải bạch Thày, Thày thuận rồi mới được cho.
Người ta đến mình cậy mượn vật chi, trước phải bạch Thày, Thày chấp-thuận rồi, sau mới cho. Mình muốn tới chỗ người nào đó mượn vật gì, trước phải bạch Thày, Thày thuận thì được đi.
Bạch, Thày thuận hay không thuận đều phải làm lễ. Thày không chấp-thuận cũng không được có ý buồn hận.

PHỤ:
Cho đến những việc lớn, hoặc đi du-phương, hoặc đi nghe giảng, hoặc đi nhập-chúng, hoặc đi quản-thu chốn sơn-môn, hoặc có những sự-duyên xây-dựng chùa-cảnh v.v.., đều phải bạch Thày, không được tự-dụng.

23. THAM HỌC PHƯƠNG XA
Đi xa, cần nương vào bạn lành.
Bậc cổ-nhân, tâm-địa chưa thông, không ngại đường xa nghìn dậm để cầu Thày học đạo.

PHỤ:
Tuổi nhỏ, giới luật còn ít-ỏi, Thày chưa cho đi xa. Như có việc phải đi, không được cùng đi với bọn bất-lương.
Phải tìm Thày hỏi đạo, để quyết trọn trong việc sinh-tử, thì không nên đi xem non, ngắm biển, chỉ với mục-đích du-lịch xa rộng, để khoe-khoang với người.
Đến chỗ nào, để hành-lý bên ngoài, không được mang ngay vào trong chùa. Một người đứng coi hành-lý một người vào trước thăm hỏi, nắm vững phép-tắc lui tới của thường-trụ, mới có thể đem hành-lý xếp đặt vào trong.

24. DANH-TƯỚNG Y VÀ BÁT
Y 5 điều, tiếng Phạm gọi là An-Đà-Hội (Antarvàsaka), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Trung-Túc-Y”. Cũng có chỗ gọi là: “Hạ-Y”. Cũng có chỗ gọi là: “Tạp-Tác-Y”.
Phàm, làm việc vất vả trong chùa, đi đường, ra vào, lui tới, nên đắp y này. Khi đắp y này, đọc bài kệ rằng:
Thiện-tai giải-thoát phục,
Vô-thượng phúc-điền-y.
Ngã kim đỉnh đái thụ,
Thế thế bất xả ly.
Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Đời đời không lìa bỏ.
ÚM TẤT ĐÀ DA SA-BÀ-HA. (3 lần)
Y 7 điều, tiếng Phạm gọi là: “Uất-Đa-La-Tăng” (Uttaràsangta), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Thượng-Trước-Y”. Cũng gọi là “Nhập-Chúng-Y”.
Phàm, lễ Phật, sám-hối, tụng kinh, tọa thiền, phó trai, nghe giảng, Bố-Tát, tự-tứ, nên đắp y này. Khi đắp y này đọc bài kệ rằng:
Thiện-tai giải-thoát phục,
Vô-thượng phúc-điền-y.
Ngã kim đỉnh đái thụ,
Thế thế thường đắc phi.
Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Đời đời thường được mặc.
ÚM ĐỘ BA ĐỘ BA SA-BÀ-HA. (3 lần)
Y 25 điều, tiếng Phạm gọi là “Tăng-Già-Lê” (Sanghàti), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Hiệp-Y”. Cũng dịch là “Trùng-Y”. Cũng dịch là “Tạp-Toái-Y”. Vì điều-số của nó nhiều vậy.
Phàm, khi vào cung nhà vua, lên tòa thuyết pháp, đi vào nơi tụ-lạc, đi khất-thực, nên đắp y này.
Y này có 9 phẩm:
Hạ-phẩm có 3: 9 điều, 11 điều và 13 điều. Trong mỗi một điều có 2 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.
Trung-phẩm có 3: 15 điều, 17 điều và 19 điều. Trong mỗi một điều có 3 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.
Thượng-phẩm có 3: 21 điều, 23 điều và 25 điều. Trong mỗi một điều có 4 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.
Khi đắp y này, đọc bài kệ rằng:
Thiện-tai giải-thoát-phục,
Vô-thượng phúc-điền-y.
Ngã kim đỉnh đái thụ,
Quảng-độ chư quần mê.
Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Rộng độ các loài mê.
Úm, ma ha ca bà ba, tra tất đế, sa-bà-ha. (3 lần)
BÁT, tiếng Phạm gọi là Bát-đa-la(Pàtra), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Ứng-lượng-khí”. Nghĩa là, Thể, Sắc, Lượng, ba thứ ấy đều đúng như pháp.
Thể của nó làm bắng hai vật sành và sắt.
Sắc của nó, lấy các thứ thuốc, đốt lửa, có khói, xông vào thành hoại-sắc.
Bát sắt, dùng hạt hạnh-nhân, hạt mè với cám nếp v.v..., đốt lửa có khói, xông thành sắc đen xám, sắc chim bồ-câu, hoặc như sắc lông cổ con chim sẻ.
Lượng của bát thì chia làm thượng, trung, hạ: Bát bậc thượng đựng khoảng một đấu. Bát bậc hạ đựng khoảng năm thăng. Khoảng giữa của hai bậc trên gọi là bát bậc trung.
TỌA-CỤ, tiếng Phạm gọi là “Ni-Sư-Đàn” (Nisidana), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Tọa-Cụ”. Cũng gọi là “Tùy-Túc-Y”.
Khi trải tọa-cụ, đọc bài kệ rằng:
Tọa-Cụ Ni-Sư-Đàn,
Trưởng-dưỡng tâm-miêu-tính.
Triển-khai đăng Thánh-địa,
Phụng-trì Như-Lai mệnh.
(Đồ ngồi: Ni-Sư-Đàn,
Nuôi lớn mầm tâm-tính.
Khơi mở lên cõi Thánh,
Vâng giữ mệnh Như-Lai.)
ÚM, ĐÀN BA, ĐÀN BA, SA-BÀ-HA. (3 lần) .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).29/2/2012.