Thursday 3 May 2012

YẾT-MA YẾU CHỈ KARMAVACANĀBINDUSĀRA

HT. Thích Tri Thủ Giảng thuật

Tỳ-kheoThích Đỗng Minh & Thích Nguyên Chứng Biên tập



CHƯƠNG BỐN
TRUYỀN GIỚI THỌ GIỚI (II)


TIẾT 1. NI XUẤT GIA


1. NI XIN NUÔI CHÚNG


Cũng như tỳ-kheo Tăng, khi muốn độ người xuất gia cho đến truyền giới cụ túc, phải hội đủ các đức tính của Hòa thượng, và phải được Tăng tác pháp yết-ma cho phép. Các nguyên tắc này cũng áp dụng đồng nhất cho tỳ-kheo-ni. Chỉ có điều khác biệt là, trong khi tỳ-kheo Tăng phải đủ mười tuổi hạ mới được phép nuôi chúng và truyền giới cụ túc, thì tỳ-kheo-ni phải đầy đủ mười hai hạ. Nếu không được ni chúng tác pháp yết-ma cho nuôi chúng, mà tỳ-kheo-ni nào tự ý thâu nhận đồ đệ cho thọ sa-di cho đến cụ túc thảy đều phạm ba-dật-đề.[1] Dù tỳ-kheo-ni đã đủ mười hai hạ, nhưng không được hằng năm độ người cho thọ cụ túc, mà phải cách năm. Như vậy, cứ mỗi năm chỉ được cho một đệ tử thọ thức-xoa-ma-na, và hai năm cho một đệ tử thọ cụ túc.[2] Tỳ-kheo-ni nào sau khi ni Tăng đã yết-ma cho nuôi chúng, nhưng sau đó ni Tăng nhận thấy vị ấy thiếu sót bổn phận dạy dỗ, bèn tác pháp yết-ma không cho nuôi chúng nữa, mà nếu vẫn cứ tiếp tục nuôi chúng thì phạm ba-dật-đề.

Văn yết-ma cho tỳ-kheo-ni nuôi chúng:

Tỳ-kheo-ni đã đủ các đức tính được phép thâu nhận đệ tử, phải đến trước ni Tăng xin yết-ma cho nuôi chúng. Sau khi đảnh lễ ni Tăng:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe; con tỳ-kheo-ni… cầu xin ni Tăng cho phép độ người xuất gia thọ cụ túc. Ngưỡng mong Tăng cho phép con, là tỳ-kheo-ni… được độ người thọ cụ túc. (ba lần)

2. SA-DI-NI VÀ NGOẠI ĐẠO CỘNG TRÚ


Ý nghĩa của việc thọ sa-di-ni và ngoại đạo cộng trú cũng giống như những điều đã được nói trong phần thuộc Tăng ở trên. Các nghi thức tác pháp yết-ma cũng giống nhau, duy thêm chữ "ni" vào những từ xưng hô cần thiết để phân biệt.

3. THỌ THỨC-XOA-MA-NA


a. Sáu học pháp


Tiếng Phạn nói śikṣamānā,[3] Hán âm là thức-xoa-ma-na hay thức-xoa-ma-na ni, và dịch là chánh học, nghĩa là người nữ đang học tập các học xứ của tỳ-kheo-ni.

Nguyên tắc cơ bản là sa-di-ni trước khi thọ cụ túc để thành tỳ-kheo-ni phải có hai năm học giới. Học giới ở đây là học tập tất cả các học xứ của tỳ-kheo-ni, từ tám pháp ba-la-di cho đến các pháp chúng học.[4] Chỉ được phép học tập các giới tướng và các hình thái phạm hay không phạm, chứ không được nghe tỳ-kheo-ni thuyết giới. Trong các học xứ này, có sáu điều được trích là sáu học pháp đặc biệt. Sáu học pháp này gồm:

Không sát sinh;

Không trộm cắp;

Không dâm dục;

Không nói dối;

Không uống rượu;

Không ăn phi thời.[5]

Bốn học pháp đầu được phân biệt thành hai trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất, trường hợp nghiêm trọng, tương đương với bốn ba-la-di đầu của tỳ-kheo-ni, nếu phạm phải bị diệt tẫn. Ngoài ra, nếu giết hại súc vật, ăn cắp dưới mức tội ba-la-di, bốn ba-la-di cuối của tỳ-kheo-ni, nói dối dưới mức tội ba-la- di, uống rượu và ăn phi thời; nếu phạm các điều này mà bị phát hiện, hay tự mình phát lồ trong ngày nào, thì ngay ngày đó phải thọ lại từ đầu, và lấy đây làm mốc cho hai năm học giới, còn thời gian trước khi phạm hòan toàn xóa bỏ.

Ngoài sáu học pháp chính trên, còn có các học pháp phụ khác gọi là mười tám tùy pháp.[6] Chi tiết các điều này, hãy xem trong ni luật, ở đây không cần thiết phải nêu rõ.

Nói vắn tắt, về sáu học pháp, trừ những trường hợp thuộc vào bốn ba-la-di đầu của luật ni thì bị diệt tẫn, còn lại nếu phạm thì bị coi là khuyết giới và phải thọ học giới lại từ đầu. Ngoài ra, các học xứ của ni, từ Tăng tàn trở xuống, nếu vi phạm, thảy đều được phép sám hối.

b. Thập tuế tằng giá


Về hạn tuổi để thọ thức-xoa-ma-na, theo luật Tứ phần[7] mà văn Hán dịch có thể nói như sau: «Thập tuế tằng giá, thập bát đồng nữ, các nhị tuế học giới.»[8] Về câu văn: «Thập bát đồng nữ» thì ý nghĩa đã rõ ràng. Đó là đồng nữ mười tám tuổi, tức con gái chưa chồng, đến tuổi mười tám.[9] Nhưng câu văn: «Thập tuế tằng giá»[10] gây nên một số khó khăn. Không phải vì câu văn tối. Vì theo nghĩa đen, rõ ràng nói: «mười tuồi đã có chồng.» Nhưng một số các luật sư ở nước ta,[11] căn cứ theo phong tục hôn nhân, cho rằng không thể có trường hợp con gái mười tuổi đã có chồng. Cho nên câu văn dịch của Tứ phần được hiểu là người nữ đã có chồng, nhưng đã thôi chồng mười năm, sau khi đủ mười năm như vậy mới được phép thọ hai năm học giới.[12]

Căn cứ theo các văn dịch trong các Quảng luật, Ngũ phần nói: «Thập nhị tuế dĩ giá nữ»[13] và nói thêm: «nhi nữ ngu ám, vô tri, bất kham học giới.»[14] Theo nội dung từng đoạn cần phải hiểu câu văn này nói rằng: «con gái mười hai tuổi đã có chồng, nhưng ngu si, không hiểu biết, không kham học giới.»

Luật Ma ha Tăng kỳ nói: «thích tha phụ giảm thập nhị vũ,»[15] nghĩa đen là: đã làm vợ người khác, chưa đầy 20 tuổi. Nói là (mùa mưa) thay vì nói là niên (năm) hay tuế (tuổi), vì theo lịch pháp Ấn độ tính năm và tuổi theo mùa mưa. Trong đoạn nói về học giới nữ này, luật Ma ha Tăng kỳ có giải thích đại cương rằng:[16] Phật trú ở Xá-vệ, lúc bấy giờ có những người nữ thuộc dòng họ Thích, dòng họ Câu-lê, dòng họ Ma-la, trước đó đã có chồng, đã từng kham nhẫn các sự khổ nhọc. Đại Ái Đạo Cù-đàm Di bạch Phật: «Người nữ đã có chồng mà chưa đủ hai mượi tuổi,[17] có thể thọ cụ túc được không?» Phật cho phép được. Nhưng người nữ tám hay chín tuổi, dù đã có chồng[18] thì không được. Và giải thích sau đây cần nhấn mạnh: với số tuổi này, còn quá nhỏ, quá yếu đuối, không kham nổi sự khổ.[19] Theo giải thích như vậy, rõ ràng câu văn: «thích tha phụ giảm thập nhị vũ,» chính xác phải hiểu là: chưa đầy mười hai tuổi nhưng đã từng làm vợ người khác.

Về vấn đề này, luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bí sô ni tỳ nại gia nói:[20] sau khi dòng họ Thích bị vua Tỳ-lưu-ly tàn sát, một số Thích nữ không nơi nương tựa, bèn được cho xuất gia. Những người này cầu thọ cụ túc. Nhưng các trưởng lão ni nói, Phật chế, chưa đủ hai mươi tuổi, không được phép thọ cụ túc, vì chưa đủ khả năng để phụng sự Hòa thượng, A-xà-lê-ni. Các người nữ này nói: «Chúng con khi tại gia đã từng thờ chồng. Các doanh nghiệp còn có thể đảm đương được, huống gì nay là sự hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê-ni, mà không làm nổi.» Các trưởng lão ni bạch Phật. Phật cho phép, người nữ đã có chồng đủ 12 tuổi[21] cho hai năm học giới rồi cho thọ cụ túc.

Theo các Quảng luật được dẫn trên, Tứ phần nói là «thập tuế tằng giá,» đây ấn dịnh tuổi nhỏ nhất có thể thọ thức-xoa-ma-na. Như vây, tuổi nhỏ nhất có thể thọ tỳ kheo ni là 12.[22] Trong các luật khác, nói là «thập nhị tuế tằng giá,» đây chỉ tuổi nhỏ nhất có thể thọ tỳ kheo ni. Số 10 hay số 12, là theo phong tục mỗi địa phương quan niệm về số tuổi thấp nhất cho con gái trưởng thành. Tuy vậy, về nội dung giải thích tại sao có con số tuổi này, các luật đại khái nói như nhau: dưới số tuổi đó quá nhỏ, yếu đuối, còn ngu dại. Đây là số tuổi thấp nhất qui định sự trưởng thành về thể chất cũng như tinh thần của người nữ. Đương nhiên, sự qui định như vậy bị hạn chế theo phong tục địa phương. Ở nước ta, con gái ít nhất 17 tuổi mới được coi là thành niên.

Như vậy, nếu giải thích rằng, «thập tuế tằng giá» trong văn Tứ phần chỉ cho người nữ này không thể được coi là quá nhỏ, yếu đuối, còn ngu dại như đã thấy từ các dẫn chứng trong các Quảng luật trên.

Tuy nhiên, ở nước ta từ xưa dù có tục tảo hôn, nhưng không với số tuổi quá nhỏ như vậy. Ngày nay thì điều đó hòan toàn không xảy ra nữa. Vả lại, tuổi trưởng thành được qui định theo luật pháp từ xưa là 17 tuổi. Nói tóm lại, nếu là con gái chưa chồng thì tối thiểu phải 18 tuổi mới được phép thọ hai năm học giới. Nếu đã có chồng, không hạn chế số tuổi, trừ khi tuổi quá nhỏ, và nhỏ như thế nào thì tùy theo phong tục địa phương.

Về hai năm học giới, duy nhất chỉ có luật Thập tụng mới nói rằng sở dĩ như vậy để tránh trường hợp có thai mà không biết.[23] Nếu theo tinh thần các luật khác, như đã dẫn thì hai năm như vậy là cần thiết để học tập đầy đủ các học xứ của tỳ-kheo-ni, và là thời gian cần thiết để kiểm nghiệm sự hộ trì sáu học pháp đặc biệt. Sáu học pháp này, theo danh nghĩa, vốn là trong mười giới của sa-di-ni. Nhưng đây không phải trích ra sáu. Bởi vì sự thọ trì không giống như trường hợp sa-di-ni, ở chỗ, nếu vi phạm thì phải thọ lại hai năm học giới khác, cho đến khi nào liên tục trong hai năm không vi phạm điều nào trong sáu điều mới được thọ cụ túc. Đương nhiên trừ các trường hợp nghiêm trọng tương đương ba-la-di.

c. Văn thọ thức-xoa-ma-na


Trước khi thọ thức xoa, phải cho thọ sa-di-ni. Sa-di-ni đến trước tỳ-kheo-ni Tăng, đảnh lễ và bạch:

«Đại đức Tăng rũ lòng thương tưởng. Con sa-di-ni… nay thỉnh cầu Tăng cho hai năm học giới theo Hòa thượng ni là… ngưỡng mong Tăng cho con hai năm học giới. Cúi xin thương tưởng.» (nói ba lần)

Sau đó, lui ra khỏi giới trường, đứng ở chỗ có thể thấy nhưng không thể nghe. Bấy giờ Tăng tác pháp yết-ma cho học giới. Vị tỳ-kheo-ni yết-ma bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di-ni… kia nay thỉnh cầu Tăng cho hai năm học giới theo Hòa thượng ni là… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận cho sa-di-ni… hai năm học giới theo Hòa thượng ni… Đây là lời tác bạch.

«Đại đức ni Tăng, xin lắng nghe. Sa-di-ni… kia thỉnh cầu Tăng cho hai năm học giới theo Hòa thượng ni là…Tăng nay cho sa-di-ni… hai năm học giới theo Hòa thượng ni là… Đại đức nào chấp thuận Tăng cho sa-di-ni… hai năm học giới với Hòa thượng ni là… thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

«Đại đức ni Tăng, xin lắng nghe… (cho đến)… Đây là yết-ma lần thứ hai.

(…như trên, cho đến….) Đây là yết-ma lần thứ ba.

«Tăng đã chấp thuận cho sa-di-ni… hai năm học giới theo Hòa thượng ni là… vì đã im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»

Bạch tứ yết-ma xong, cho gọi giới tử vào giới trường để truyền sáu học pháp. Giới sư nói: (gọi pháp danh giới tử)

«Hãy lắng nghe. Đức Như lai, bậc Chí chân, Đẳng chính giác, đã thiết lập, sáu học pháp.

Thứ nhất. không được phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Nếu thức-xoa-ma-na hành pháp dâm dục, không còn là thức-xoa-ma-na, không phải là Thích nữ nữa. Nếu đụng chạm đến thân thể một người nam có tâm nhiễm ô, giới bị khuyết, phải thọ lại. Trong điều này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm

«Thứ hai, không được cố ý lấy của không cho, nhẫn đến một cọng cỏ. Nếu thức-xoa-ma-na lấy trộm năm tiền, hay vật tương đương năm tiền trở lên, tự mình lấy hay khiến người lấy, tự mình phá hoặc khiến người phá, tự mình chặt hoặc khiến người chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc hủy mất màu sắc, thì không còn là thức-xoa-ma-na, không phải là thích nữ nữa. Nếu lấy trộm dưới năm tiền hoặc vật tương đương dưới năm tiền, giới bị khuyết phải thọ lại, trong điều học này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm.

«Thứ ba, không được cố ý giết hại mạng sống nhẫn đến con kiến. nếu thức-xoa-ma-na cố ý giết người, tự tay mình cầm dao giết, hay cầm dao đưa cho người khác giết, hoặc xúi dục người tự sát, ca ngợi để người tự sát, đưa thuốc độc cho người, làm trụy thai, hoặc bằng chú thuật mà giết hoặc tự mình đặt phương tiện giết hay khiến người khác làm; như thế không còn là thức-xoa-ma-na, không phải là Thích nữ nữa. Nếu cố ý giết hại mạng sống của loài vật, loài không biết biến hóa, thì giới bị khuyết, phải thọ lại. trong điều này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm.

«Thứ tư, không được cố ý nói dối, nhẫn đến nói dối mà chơi. Nếu thức-xoa-ma-na tự mình không thật sự chứng đắc mà nói rằng: "Tôi đã chứng đắc pháp thượng nhơn, đắc thiền, đắc giải thoát, đắc định, đắc bốn không định, đắc quả Tu đà hòan, Tư đà hàm, A na hàm, A-la-hán, trời, rồng, qủy, thần đến cúng dường tôi". Nói vậy, không còn là thức-xoa-ma-na, không phải là Thích nữ nữa. Nếu ở trong chúng mà cố ý nói dối, giới bị khuyết, phải thọ lại. Trong điều học này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm.

«Thứ năm, không được ăn phi thời, nếu thức-xoa-ma-na ăn phi thời, giới bị khuyết, phải thọ lại. Trong điều học này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm.

«Thứ sáu, không được uống rượu. Nếu thức-xoa-ma-na uống rượu, giới bị khuyết, phải thọ lại. Trong điều học này, ngươi phải trọn đời thọ trì, không được trái phạm.»

TIẾT 2. THỌ TỲ KHEO NI GIỚI


Sa-di-ni đã thọ học giới đủ hai năm, thanh tịnh, được phép thọ giới cụ túc. Trước khi truyền giới cụ túc, Hòa thượng ni phải được Tăng tác pháp yết-ma cho nuôi chúng như đã nói. Ni thọ cụ túc trước hai bộ Tăng gồm hai mươi vị (mười tỳ-kheo và mười tỳ-kheo-ni); nếu là ở biên địa, trước hai bộ Tăng gồm mười vị (năm tỳ-kheo và năm tỳ-kheo-ni). Việc truyền thọ như vậy được chia làm hai giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất, tác pháp yết-ma giữa ni bộ, gọi là bản pháp yết-ma và sau đó đến giữa đại Tăng tác pháp yết-ma lần nữa, gọi là chính pháp yết-ma.

1. BẢN BỘ YẾT MA


Trong quá trình tác pháp yết-ma giữa ni bộ, tức bản bộ yết-ma (hoặc bản pháp yết-ma) gồm tám tiết mục sau đây:

1. Thỉnh hòa thượng ni.

2. Yết-ma sai giáo ni.

3. Giáo thọ ni hướng dẫn giới tử về các già nạn.

4. Đơn bạch gọi giới tử đến trước Tăng.

5. Giới tử bạch Tăng xin giới.

6. Đơn bạch chính thức hỏi các già nạn trước Tăng.

7. Chính thức hỏi các già nạn.

8. Bạch yết-ma trao giới cụ túc.

Văn bạch yết-ma cũng giống như trường hợp thọ giới tỳ kheo, xem chi tiết ở các đoạn của chương trước, duy chỉ thêm tiếng "ni" sau các từ xưng hô cần thiết.

Riêng các già nạn trên đại thể tuy tương đồng,[24] nhưng có một vài chi tiết khác biệt cần lưu ý như sau:[25]

Phạm biên tội,[26] như trong phần thọ tỳ kheo. Già nạn thứ nhất của tỳ-kheo-ni theo Tạp yết-ma của Đàm-vô-đức, được nói là: «Ngươi đã từng thọ tỳ-kheo-ni chưa?» Già nạn này khác với già nạn về phạm biên tội của tỳ-kheo. Vì rằng, nếu người trước đó đã từng thọ tỳ-kheo mà chưa phạm các trọng cấm và hòan giới như pháp thì được phép xuất gia thọ cụ túc lại. Nhưng nếu người nữ đã từng thọ tỳ-kheo-ni, rồi hòan tục, dù không phạm các trọng cấm và đã hòan giới như pháp, theo luật chế, không cho phép thọ cụ túc lại.[27]

Phạm tịnh hạnh của tỳ kheo. Tức trong khi còn là bạch y mà đã từng hành dục với người đã thọ giới cụ túc.

Tặc trú hay tặc tâm thọ giới, cũng giống như già nạn của tỳ-kheo.

Phá nội ngoại đạo: Trong Tạp yết-ma, ni không có già nạn này, vì nó đã được gồm trong già nạn thứ nhất.

Không phải là hòang môn hay nhị hình (hai căn). Trong trường hợp già nạn của tỳ-kheo, là năm loại đàn ông bất lực. Ni không có trường hợp này, do đó không có già nạn này.

Năm tội nghịch giống như các già nạn của tỳ-kheo. Trong đó, phá hòa hiệp Tăng, một phần giống già nạn của tỳ-kheo. Nhưng ni không có trường hợp phá pháp luân Tăng, vì người nữ không thể tự xưng là Phật.

11 – 13. Phi nhân , súc sinh và nhị hình: giống như các già nạn của tỳ-kheo.

Các già nạn nhỏ tiếp theo cũng giống như của tỳ-kheo. Nhưng cuối cùng có thêm các trường hợp: hai đường (đại và tiều tiện) hợp một, đường đại tiểu tiện thường són.

Tổng kết, các già nạn của tỳ-kheo-ni được hỏi như sau:


Ngươi đã từng là tỳ-kheo-ni chưa?

Có phải tặc tâm xuất gia không?

Có giết cha không?

Có giết mẹ không?

Có giết A-la-hán không?

Có gây thương tích Phật không?

Có phải là phi nhân không?

Có phải là súc sinh không?

Có phải là hai căn không?

Pháp danh ngươi là gì?

Hòa thượng ni của ngươi hiệu là ai?

Tuổi đã đủ chưa?

Y bát có đủ không?

Cha mẹ phu chủ đã cho phép chưa?

Có mắc nợ không?

Có phải nô tỳ không?

Có phải là quan viên tại chức không?

Có thật là người nữ không?

Người nữ có những bệnh sau đây: cùi hủi, ung thư, ghẻ lở, lao phổi, điên cuồng, hai căn, đường đại tiểu tiện hợp một, đường đại và tiểu tiện thường són, và huyết kinh thường xuyên chảy. Ngươi có các bệnh ấy không?

2. CHÍNH PHÁP YẾT MA


Sau khi ni Tăng tác pháp bản bộ yết-ma, ngay ngày hôm đó, cả mười giới sư ni hướng dẫn giới tử sang bên tỳ-kheo Tăng xin tác chánh pháp yết-ma.

Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi bạch tứ yết-ma là dứt phần bản bộ yết-ma của tỳ-kheo-ni Tăng. Các tiết mục khác như nói tám ba la di, các pháp sở y,[28] và tám pháp tôn kinh, phải do Tăng trong phần chánh pháp yết-ma này.

Và thêm nữa, túc số của tỳ-kheo Tăng ở đây là mười vị, trong đó duy chỉ có một vị tỳ-kheo làm vị yết-ma, chứ không có Hòa thượng truyền giới. Các vị còn lại đều là tôn chứng cả.

Chính pháp yết-ma được tiến hành như sau:

a. Thỉnh yết-ma a-xà-lê[29]


«Đại đức rũ lòng thương tưởng. Con thức-xoa-ma-na pháp danh… nay thỉnh cầu Đại đức vì con làm yết-ma a xà lê. Ngưỡng mong Đại đức vì con làm yết-ma a-xà-lê. Con nương nhờ đại đức mà được thọ giới cụ túc. Cúi xin thương tưởng con.» (nói ba lần)

Vị tỳ-kheo-ni làm giáo thọ sư hướng dẫn giới tử bạch thỉnh.

b. Giới tử ni tác bạch xin giới


«Đại đức Tăng rũ lòng thương tưởng. Con thức-xoa-ma-na pháp danh… theo Hòa thượng ni hiệu… cầu thọ cụ túc. Con thức-xoa-ma-na… nay thỉnh cầu Tăng cho thọ cụ túc với Hòa thương ni hiệu… Ngưỡng mong Đại đức Tăng đưa con lên bậc cao.[30]» Cúi xin thương tưởng con.» (nói ba lần).

c. Bạch yết-ma hỏi già nạn


Vị tỳ-kheo yết-ma bạch Tăng để hỏi các già nạn.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe; thức-xoa-ma-na pháp danh… nay theo Hòa thượng ni hiệu… cầu thọ cụ túc. Thức-xoa-ma-na… này, nay thỉnh cầu Tăng cho thọ cụ túc với Hòa thượng ni… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, tôi sẽ hỏi các già nạn. Bạch như vậy.»

d. Hỏi các già nạn


Thầy tỳ-kheo yết-ma hỏi giới tử ni các già nạn, như đã được hỏi giữa Tăng. Hỏi xong các già nạn này, thầy tỳ-kheo yết-ma lại hỏi giới tử ni tiếp:

«Ngươi đã học giới chưa?»

«Con đã học giới

«Học giới có thanh tịnh không?»

«Thanh tịnh

Tiếp theo thầy tỳ-kheo yết-ma lại hỏi các giới sư ni:

«Giới tử ni này đã học giới chưa?»

Các giới sư ni đồng thanh đáp:

«Đã học giới

Thầy yết-ma hỏi:

«Học giới có thanh tịnh không

Các giới sư ni đáp:

«Thanh tịnh

e. Tăng bạch tứ yết-ma truyền giới cụ túc


Tỳ-kheo yết-ma bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Thức-xoa-ma-na này theo Hòa thượng ni… cầu thọ cụ túc. Thức-xoa-ma-na… này nay thỉnh cầu Tăng thọ giới cụ túc theo Hòa thượng ni… Thức-xoa-ma-na này… tự nói thanh tịnh, không có các già nạn, tuổi đã đủ, y bát có đủ, đã học giới thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho thức-xoa-ma-na… này thọ cụ túc, theo Hòa thương ni là… Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Thức-xoa-ma-na… này theo Hòa thương ni… cầu thọ cụ túc. Thức-xoa-ma-na… này nay thỉnh cầu Tăng thọ cụ túc theo Hòa thượng ni là…Thức-xoa-ma-na… này tự nói thanh tịnh không có các già nạn, tuổi đã đủ, y bát có đủ, đã học giới thanh tịnh. Tăng nay cho thức-xoa-ma-na… này thọ giới cụ túc theo Hòa thượng ni… Các Trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng cho thức-xoa-ma-na… này thọ giới cụ túc theo Hòa thượng ni… thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe. (như trên, đến: ) Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ hai. (như trên)

«...Đây là yết-ma lần thứ ba.

«Tăng đã chấp thuận cho thức-xoa-ma-na… thọ cụ túc giới theo Hòa thượng ni… vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy

Bạch tứ yết-ma xong, từ đây giới tử ni được gọi là tân tỳ-kheo-ni. Tiếp theo, Tăng truyền thọ giới tướng, tức là truyền tám pháp ba la di, ba y pháp và tám kỉnh pháp.

f. Thọ giới tướng


Ni có tám pháp ba-la-di. Bốn ba la di đều giống như của tỳ-kheo. Trong đó, khi truyền đổi các từ xưng hô, như tỳ-kheo thì nói là tỳ-kheo-ni; Sa môn Thích tử thì chỉ nói là Thích nữ. Dưới đây chỉ nhắc bốn ba-la-di cuối.

«5. Không được đụng chạm thân thể người nam, cho đến kể cả loài súc sinh. Nếu tỳ-kheo-ni, với tâm nhiễm ô, đụng chạm đến thân thể người nam cũng có tâm nhiễm ô từ nách trở xuống và từ đầu gối trở lên; hoặc bóp, hoặc xoa, hoặc kéo hoặc đẩy, hoặc xoa ngược, hoặc xoa xuôi hoặc nâng lên để xuống, hoặc nắm hoặc cọ. Như vậy không còn là tỳ-kheo-ni nữa, không phải là Thích nữ nữa.

«6. Không được phạm tám sự, cả đến với súc sinh, nếu tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, chịu cho người nam có tâm nhiễm ô nắm tay, nắm áo vào chỗ khuất, cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng đi, thân thể kề sát nhau, cùng ước hẹn nhau; phạm tám sự này, không còn là tỳ-kheo-ni, không phải là Thích nữ nữa.

«7. Không được che dấu tội người khác, dù là tội đột-kiết-la hay tội ác thuyết. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni khác phạm tội ba-la-di mà không nêu ra, không bạch Tăng hay không nói cho số đông người biết, về sau, khi tỳ-kheo-ni kia hoặc bãi đạo, hoặc bị diệt tàn; bấy giờ mới nói rằng: ‹Trước đây tôi đã biết có sự kiện như vậy như thế.› Do trọng tội phú tàng này, không còn là tỳ-kheo-ni, không phải là Thích nữ nữa.

«8. Không được theo tỳ-kheo bị xả trí[31] , theo sa-di cho đến người giữa chùa bị xả trí. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo kia đã bị Tăng xả trí như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà không phục tùng, không chịu sám hối; nếu Tăng chưa tác pháp cho người ấy sống chung mà tùy thuận theo tỳ-kheo ấy; các tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni này rằng: ‹Này cô, có biết không, nay tỳ-kheo ấy bị Tăng xả trí. Như pháp, như luật, như lời Phật dạy. Nhưng tỳ-kheo ấy không phục tùng, không chịu sám hối; Tăng chưa tác pháp xả cho tỳ-kheo ấy sống chung. Vậy cô đừng tùy thuận.› Được tỳ kheo ni kia can gián như vậy mà tỳ-kheo-ni này cố chấp không bỏ. Các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Sau ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, không còn là tỳ-kheo-ni, không phải là Thích nữ nữa.[32]

«Này tân tỳ-kheo-ni, đức Như lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chính giác, đã nói tám pháp ba la di, lại nói bốn thí dụ. Nếu ai phạm tám điều trọng cấm này, như người đã bị cắt đầu không còn có thể cứu sống được nữa; như cây ta la bị chặt đứt lõi không còn sinh trưởng được nữa; như cây kim sút lỗ không còn dùng được nữa; lại như tảng đá lớn bị vỡ hai không còn dính lại được. Nếu tỳ-kheo-ni phạm tám trọng cấm này rồi thì phẩm hạnh tỳ-kheo-ni không thể phục hồi được nữa Trong tám điều này ngươi phải trọn đời hộ trì không được trái phạm

g. Truyền thọ các y pháp


Nội dung cơ bản của các y pháp giống như của tỳ-kheo, đã được nói trong chương trước. Tuy vậy ở đây có sự bất đồng giữa các bộ. Theo Tứ phần tỳ-kheo-ni yết-ma pháp,[33] bốn sở y của tỳ-kheo-ni hòan toàn đồng nhất với của tỳ-kheo. Nhưng, Di sa tác yết-ma bản,[34] thay điều sở y thứ ba của tỳ-kheo, «y thọ hạ» (sống nương dưới gốc cây) bằng «y thô tệ ngọa cụ»[35] (sống y trên các ngọa cụ thô xấu). Trái lại, Thập tụng yết-ma tỳ-kheo yếu dụng [36] bỏ hẳn sở y về thọ hạ này, nên tỳ-kheo-ni chỉ có ba sở y, bởi vì, theo ni luật: «ni bất trụ lan nhã,»[37] tỳ-kheo-ni không được phép sống tại a-lan-nhã.

h. Truyền tám kỉnh pháp


Yết ma của các bộ đều không nói đến việc truyền tám kỉnh pháp.[38] Do đó văn truyền tám kính pháp dưới đây chỉ có tính cách tham khảo.

«Này tân tỳ-kheo, hãy lắng nghe. Đức Phật đã lập tám pháp tôn kỉnh. Người nữ y nơi đó mà được xuất gia, thọ cụ túc. Tám pháp ấy là gì?

1. Tỳ-kheo-ni dù trăm tuổi hạ, khi thấy tỳ-kheo dù mới thọ giới, phải đứng dậy đón chào, hỏi han, lễ bái, thỉnh ngồi.

2. Không được mắng tỳ-kheo.

3. Không được nêu tội tỳ-kheo, không được tác pháp ức niệm, tự ngôn trị đối với tỳ-kheo, không được ngăn tỳ-kheo xét tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ, và nói lỗi lầm của tỳ-kheo Tăng. Nhưng tỳ-kheo Tăng được nói lỗi của tỳ-kheo-ni.

4. Phải thỉnh cầu tỳ-kheo Tăng mà thọ cụ túc.

5. Nếu phạm Tăng tàn, phải ở giữa hai bộ Tăng, nửa tháng hành pháp ý hỷ.

6. Nửa tháng phải đến tỳ-kheo Tăng cầu thỉnh giáo thọ.

7. Không được kiết hạ an cư ở chỗ không có tỳ-kheo Tăng.

8. Sau khi an cư phải đến giữa tỳ-kheo Tăng cầu ba sự tự tứ là thấy, nghe và nghi.

Tám pháp tôn kính như vậy, tỳ kheo ni phải trọn đời phụng trì.»

i .Giáo giới


«Ngươi đã thọ giới xong. Bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu; đắc xứ sở. Hòa thượng như pháp. A-xà-lê như pháp. Hai bộ Tăng đều hội đủ. Hãy khéo thọ lãnh giáo pháp. Hãy siêng năng cúng dường Phật, Pháp Tăng. Hòa thượng A-xà-lê nhất thiết có điều chỉ dạy như pháp, không được vi nghịch. Hãy học hỏi, đọc tụng kinh điển, siêng năng tìm cầu phương tiện, ở trong Phật pháp chứng đắc Tu-đà-hòan, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Sơ tâm xuất gia của ngươi như vậy mới không vô ích, quả báo không đoạn tuyệt. Còn những điều chưa biết, hãy hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.»[39]



[1] Tứ phần 28 (Đại 22, tr. 761b-c) Ni luật, ba dật đề điều 131: tỳ-kheo-ni chưa đủ mười hai hạ truyền giới cụ túc cho người phạm ba dật đề; điều thứ 132: tỳ-kheo-ni đủ mười hai hạ chưa được Tăng yết-ma cho phép mà súc chúng, phạm ba-dật-đề. Căn bản ni 18 (Đại23, tr.1004a), Ni luật, ba-dật-đề 106; ba-dật-đề 107. Ngũ phần 13, tr.90c: Ni luật, ba-dật-đề 102, 103. Tăng kỳ 38, tr. 523att, Ni luật, ba-dật đề 92, 93. Thập tụng 45, Ni luật, ba-dật-đề 106, 107. Pali, Bhikkunivibhaṅga, Vin. iv.329, Pācittiya 74: yā pana bhikkhunī ūnadvādasavassā vuṭṭheyya, pācittiyam, Tỳ kheo ni chưa đủ 12 hạ mà độ người xuất gia, ba-dật-đê; ibid. Pā 75: yā pana bhikkunī paripuṇṇadvādasa-vassā saṅghena asammatā vuṭṭheyya, pācittiyam, Tỳ kheo ni đã đủ 12 hạ nhưng chưa được Tăng chấp thuân mà độ người xuất gia, ba-dật-đề.
[2] Tứ phần 28 (Đại 22, tr. 764a), ni luật, ba dật đề điều 138. Ngũ phần, ni ba-dật-đề 118. Pali, Bhikkhunivibhaṅga, Vin.iv.336, Pā 92: yā pana bhikkhnī anuvassaṃ vuṭṭheyya, pācittiyam, Tỳ kheo ni độ người xuất gia năm một, ba-dật-đề. ibid., Pā 93: yā pana bhikkhunī ekaṃ vassaṃ dve vuṭṭheyya, pācittiyam, tỳ kheo ni một năm độ hai người xuất gia, ba-dật-đề.
[3] Pali: sikkhamānā; Hán: thức-xoa-ma-na 式叉摩那, chánh học 正學.
[4] Hành sự sao 12, tr. 155a, chia làm ba phần học: 1. Học căn bản, gồm bốn ba-la-di; 2. Học sáu pháp; 3. Học hành pháp, gồm tất cả giới của đại ni.
[5] Sáu học pháp của thức-xoa-ma-na, các luật bộ đại để tương đồng. Riêng Căn bản thuyết hữu bộ, có nội dung khác hẳn: 1. Không được đi đường một mình; 2. Không được lội sông một mình; 3. Không được đụng chạm thân thể đàn ông; 4. Không được ngủ chung nhà với đàn ông; 5. Không được làm mai dong; 6. Không được che dấu trọng tội của ni và thêm sáu tùy pháp: 1. Không được cất giữ vàng bạc làm của riêng; 2. Không được cạo lông chỗ kín; 3. Không được đào xới đất nơi mà cây cối có thể mọc; 4. Không được cố ý nhỗ cây cỏ còn sống; 5. Không được ăn đồ ăn mà người không mời; 6. Không được ăn đồ ăn đã được người khác đụng đến. Căn bản ni 18 (Đại 23, tr. 1005a2). Cf. Pali, Bhikkhunivibhaṅga, Pā. 63, Vin.iv. 319.
[6] Tăng kỳ 39, Đại 22, tr. 535att.
[7] Tứ phần 28 (Đại 22, tr. 759a), ni luật, ba-dật-đề điều 125, nguyên văn Hán dịch: Nhược tỳ-kheo-ni độ tằng giá nữ niên thập tuế, dữ nhị tuế học giới, niên mãn thập nhị thính dữ thọ cụ túc giới; nhược giảm thập nhị dữ thọ cụ túc giới giả ba dật đề 若比丘尼度曾嫁女年十歲 與二歲學戒 年滿十二聽與受 具足戒若減十二 與受具足戒者 波逸提. Pali, Bhikkhuni-vibhaṅga, Pā. 65, Vin. iv. 322: yā pana bhikkhunī ūnadvādasa-vassaṃ gihigataṃ vuṭṭhāpeyya pācittiyaṃ, tỳ kheo ni độ người nữ đã có chồng dưới 12 tuổi, ba-dật-đề.
[8] Thập tuế tằng giá, thập bát đồng nữ, các nhị tuế học giới 十歲曾嫁 十八童女各二歲學戒
[9] Đồng nữ 童女; Pali: kumārī, thiếu nữ chưa chồng. Bhikkhunivibhaṅga, Pā 72, Vin. 328: yā pana bhikkhunī pari-puṇṇavīsativassaṃ kumāribhūtaṃ ve vassāni chasu dhammesu asikkhitasikkhaṃ vuṭṭhāpeyya pācittiyam, tỳ kheo ni độ xuất gia thiếu nữ đã 20 tuổi nhưng không cho 2 năm học giới, ba-dật-đề.
[10] Pali: ūnadvādasavassaṃ gihigataṃ, đã làm vợ gia chủ, dưới 12 tuổi.
[11] Khoảng 1930, tại Huế, một bà chồng chết, xin xuất gia. Sơn môn nghị luận, chỉ được phép thọ thọ cụ túc 12 năm sau ngày chồng chết.
[12] Yết-ma chỉ nam 3 chống đối thuyết tảo hôn, cho rằng thập tuế tằng giá 十歲曾嫁 không chỉ cho năm sanh mà chỉ cho mười năm đã lấy chồng, và giải thích: vị sơ kinh phối hợp, khủng bỉ dâm tâm nan đoạn cố 謂初經配合恐彼淫心難斷故, «vì rằng mới trải qua sự phối hợp sợ dâm tâm của người đó khó đoạn trừ.» Tham chiếu các bộ luật Ngũ phần 13 (Đại 22, tr. 91a) Tăng kỳ 39 (Đại 22, tr. 525). Căn bản ni 18 (Đại 23. Tr. 1004c).
[13] 十二歲已嫁女, Ngũ phần 13, tr. 91a.
[14] 而女愚闇無知不堪學戒, Ngũ phần 13, ibid.
[15] 適他婦減十二雨, Tăng kỳ 39, tr. 535c.
[16] Tăng kỳ 39. ibid.
[17] Giảm nhị thập vũ 減二十雨, phụ nữ đã có chồng, tuy chưa đầy 20 tuổi, vẫn có thể được thọ tỳ kheo ni; trong khi thiếu nữ chưa chồng phải đủ 20 tuổi. Tăng kỳ 39, ibid.
[18] Tằng giá bát tuế cửu tuế nữ 曾嫁八歲九歲女, Tăng kỳ 39, ibid.
[19] Hán: thái tiểu, nhuyển nhược bất kham khổ sự 太小軟弱不堪苦事, Tăng kỳ 39, ibid.
[20] Căn bản ni 18, Đại 23, tr. 1004c.
[21] Hán: tằng giá nữ, niên mãn thập nhị 增嫁女年滿十二. Căn bản ni 18, ibid.
[22] Tứ phần 48, Đại 22, tr. 924a.
[23] Thập tụng 45, Đại 23. tr. 326b.
[24] Vấn đáp già nạn, theo Tùy cơ yết-ma (Đại 40, tr. 499c), Tăng yết-ma (Đại 40, tr. 5516a), Ni yết-ma (Đại 40, tro.542b), đại thể tương đồng với thọ tỳ kheo, chỉ đổi khác các từ liên hệ tính phái.
[25] Tham chiếu các luật bộ: (1) Di sa tác yết-ma bản (Đại 22, tr. 219b), các già nạn: 1-5 tội ngũ nghịch; 6- phạm tịnh hạnh với tỳ-kheo; 7- phi nhơn; 8- súc sinh; 9- nhị hình; 9- tự xuống tóc và tự xưng là tỳ-kheo-ni; 10- xả nội; ngoại đạo; 11- đã từng xuất gia mà trì giới không trọn, cả các chứng bệnh khác v.v…..(2) Tứ phần tỳ-kheo-ni yết-ma pháp (Đại 22, tr. 1066c) 1- phạm biên tội, 2-phạm tịnh hạnh với tỳ-kheo; 3-tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo; 4-Hoàng môn; 5-9 tội ngũ nghịch; 10-phi nhân; 11-súc sinh; 12- nhị hình. (3) Thập tụng yết-ma tỳ-kheo yếu dụng (Đại 23, tr. 498) các già nạn phần lớn qui tụ các chứng bệnh riêng của người nữ, ở đây không cần thiết nêu lên. (4) Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma (Đại 24, tr. 461c): 1-còn cha hay mẹ nhưng cha mẹ không cho phép; 2- còn chồng nhưng chồng không cho phép; 3-nô tỳ không được chủ cho phép; 4-cung nhân không được quốc chủ cho phép; 4-người độc hại của vương giả; 5-đạo tặc; 6-ưu sầu tổn tâm (tức điên cuồng hay quẩn trí) 7-âm đạo nhỏ, không có âm đạo, có cả 2 đạo hay hai đạo hiệp một; 8-thường lưu huyết hay không có huyết (kinh nguyệt); 9-hoàng môn; 10-ô tỳ-kheo, tức phạm tịnh hạnh với tỳ-kheo; 11-15 tội ngũ nghịch; 16- hiện là ngoại đạo; 17-đã từng làm ngoại đạo, tặc trú; 19-biệt trú; 20-bất cộng trú; 21- mắc nợ người mà không thể trả; 22- đã từng xuất gia. (5) Đàm-vô-đức bộ Tạp yết-ma (Đại5 22, tr. 1049): các già nạn của nữ, theo luật :1. Đã từng là tỳ kheo ni; 2. Tặc tâm thọ giới; 3.Giết cha; 4. Giết mẹ; 5. Giết A-la-hán; 6.Phi nhân; 7. Súc sinh; 8. Hai căn. Luật Pali, Cullavagga x, Vin.ii. tr.271, hỏi 24 già nạn (catuvīsati antarāyike dhamme pucchi), 11 trường hợp dị dạng, 5 bịnh truyền nhiễm; còn lại tương tự các nạn vấn như đối với thọ tỳ kheo (xem cht. 86, Ch.3).
[26] Tùy cơ yết ma, Đại 40, tr. 499c: đã từng thọ 5 giới, 8 giới, 10 giới ma phạm 4 trọng cấm; đã thọ đại giới mà phạm 8 ba-la-di, đã hòan tục.
[27] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự 30, Đại 24, tr. 352b16. Cf. Pali. Cullavagga x, Vin.2.tr.279: yadeva sā vibbhantā tadeva sā abhikkhunī ti, nữ đã hoàn tục, không thể trở thành tỳ kheo ni nữa.
[28] Bốn, hay ba pháp sở y, có sự sai biệt giữa các bộ.
[29] Tùy cơ yết-ma, Đại 40, tr. 500b: Về thỉnh Yết-ma sư, Luật không có chính văn. Chuẩn theo phần trước mà bổ túc.
[30] Nguyên văn Hán trong Tùy cơ yết-ma, ibid.,: nguyện tăng tế bạt ngã 願僧濟拔我, «Cúi mong Tăng cứu vớt con.»
[31] Xả Trí 捨置 (Pali: ukkhittaṃ bhikkhuṃ, Bhikkhunivibhaṅga, Vin.iv.219): Bị gạt sang một bên. Cũng gọi là bị cử 被舉. Chỉ tỳ-kheo ngoan cố, do đó Tăng tác yết-ma ha gián nhưng vẫn không phục tùng. Tăng tác yết-ma xả trí. Tỳ-kheo nào thuận theo người bị Tăng xả trí, phạm ba dật đề, điều 69 Tứ phần. Nhưng nếu tỳ-kheo-ni theo người xả trí phạm ba la di.
[32] Văn Hán, tham chiếu Tứ phần tỳ kheo ni yết-ma pháp, Đại 22, tr. 1068a.
[33] Đại 22, tr. 1680a. Cf. Tứ phần 48, Đại 22, tr. 926a.
[34] Đại 22, tr. 220c.
[35] 依麤弊臥具.
[36] Đại 23, tr. 499b-c.
[37] Cf. Tứ phần 49, Đại 22, tr. 928a 14. Pali, Cullavagga x, Vin.2. tr. 278: na bhikkhave bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ. yā vaseyya āpatti dukkaṭassā ti, Tỳ kheo ni không được phép sống tại a-lan-nhã. Ai sống ở đó, phạm đột-kiết-la.
[38] Tứ phần 48, tr. 923a 26: bát bất khả quá pháp 八不可過法; Ngũ phần 29, tr. 185c19: bát bất khả việt pháp 八不可越法; Tăng kỳ 30, tr. 471b1, Thâp tụng 47, tr. 345c8: bát kính pháp 八敬法. Pali, Cullavagga x, Vin.2. 255: aṭṭhagarudhamma. Về truyền thọ, Tạp yết-ma, Đại 22, tr. 1050a, Tứ phần tỳ kheo ni yết-ma, tr. 106c-8a, Di-sa-tắc yết-ma bản, tr. 221a-c: chỉ có văn truyền 8 ba-la-di và 4 y, không có văn truyền 8 kỉnh pháp. Thập tụng yết-ma tỳ kheo yếu dụng, Đại 23, tr. 499c-500b: truyền 3 y pháp, 8 đọa pháp; cũng không có văn truyên 8 kỉnh pháp. Tùy cơ yết-maNi yết-ma (Hòai Tố) cũng không có văn truyền. Nói tóm, khởi thủy, trong sự truyền thọ cụ túc cho ni, không có truyền 8 kỉnh pháp.
[39] Tứ phần Ni yết-ma, Đại 22, tr. 1068b. Xem thêm, Thập tụng yết-ma tỳ kheo yếu dụng, Đại 23, tr. 500c.HET=NAM MO QUAN THE AM BO TAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).4/5/2012.

No comments:

Post a Comment