Saturday 5 May 2012

CHƯƠNG BA
TRUYỀN GIỚI, THỌ GIỚI (I)


TIẾT 1. BƯỚC ĐẦU XUẤT GIA


1. DẪN KHỞI


Theo ý nghĩa thông thường nhất, thọ giới là một hình thức chấp nhận nội qui để một người có thể trở thành thành viên của một cộng đồng, cùng sinh hoạt và cùng hỗ trợ để đạt tới mục đích lý tưởng. Trên danh nghĩa, cộng đồng đệ tử của đức Thích Tôn được phân thành bốn nhóm, nhưng trong thực tế sinh hoạt thì chỉ có hai nhóm là xuất gia và tại gia. Do hình thức sinh hoạt thường nhật, cũng như do những quan hệ xã hội khác nhau, mà những người tại gia và những người xuất gia có những qui ước sinh hoạt không giống nhau. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của đệ tử Phật, bất kể tại gia hay xuất gia, đều chỉ có một, đó là giải thoát và giác ngộ. Cho nên tất cả những chế định của đức Thích Tôn về các qui ước sinh hoạt cho các chúng đệ tử đều có ý hướng nhằm phát triển tâm linh, nâng cao phẩm chất đạo đức của mỗi người để làm chất liệu bồi dưỡng trí tuệ. Bản chất của những qui ước này là khả năng phòng hộ, là bờ đê[1] ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài theo các ngõ thân và ngữ chảy tràn vào tâm tư, làm vẩn đục nó đi. Cho nên, sự thọ giới không chỉ đơn giản là một hình thức tuyên thệ để được chấp nhận vào một đoàn thể như thông thường ờ thế gian.

Luận tạng của các học phái Phật giáo, mặc dù xu hướng nhiều về những phân tích tâm lý và khảo sát các nguyên tố cấu tạo vũ trụ và tác thành con người, nhưng không bao giở bỏ sót không nhấn mạnh đến tính quan trọng của sự thọ giới và trì giới. Sự trì giới, chấp hành nghiêm chỉnh những chế định của đức Thích Tôn để bồi dưỡng tâm tư và trí huệ đương nhiên là quan trọng, nhưng sự thọ giới lại càng quan trọng không kém. Mặc dù, xét theo thời gian tính, trì giới là phận sự mà đệ tử Phật phải chấp hành cho đến trọn đời, còn việc thọ giới chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nó là khởi điểm của quá trình tu dưỡng. Bước chân đầu tiên bao giờ cũng quan trọng. Nó phải có hiệu lực tác động ngay vào tâm tư, làm thay đổi bản chất tâm tư cố cựu để dẫn người thọ giới vào một cuộc đời mới, với những sinh hoạt theo các qui ước mới. Nói theo thuật ngữ của những nhà Hữu bộ,[2] nếu sự truyền giới và thọ giới mà không đủ sức mạnh làm phát sinh giới thể vô biểu trong thân tâm của người thọ giới, thì những lời tuyên thệ trong lúc thọ giới không có hiệu lực để chi phối và hướng dẫn người trì giới chấp hành đúng đắn nghiêm chỉnh. Giới thể vô biểu cũng gọi là giới thể vô tác, do đó được coi như là bản chất tồn tại của giới. Một người, sau khi đã thọ giới, nếu rủi gặp trường hợp đưa đến phá giới mà có thể cưỡng chế được, đó là do khả năng phòng hộ của giới thể vố tác ấy. Cũng như bờ đê nếu không kiên cố, gặp cơn nước lũ sẽ bị vỡ. Cũng vậy, giới thể vô tác nếu không đủ mạnh, sẽ bị hủy trước những cám dỗ của tội lỗi.

Chính do quan niệm rất cụ thể về bản chất của giới như vậy, mà sự thọ giới phải được thực hiện theo một số nguyên tắc tất yếu, tùy theo đặc tính của giới. Những nguyên tắc này không phải được thiết định một cách tự nhiên. Chúng được thiết định theo các tính cách hỗ tương tác dụng và ảnh hưởng giữa các hoạt động tâm lý và vật lý của con người. Cho nên, nếu chúng không được tuân hành một cách nghiêm chỉnh, giới thể vô biểu không đủ điều kiện để phát sinh, và như vậy, khả năng phòng hộ của giới sẽ rất yếu hoặc không có gì cả.

Tuy giữa các học phái đã xảy ra nhiều thảo luận khác nhau về bản chất và sự tồn tại của giới thể vô tác hay vô biểu, nhưng trên đại thể, họ đều nhất trí với nhau về tính thực tại của khả năng phòng hộ của giới. Cho nên, trong vấn đề truyền và thọ giới, không phải chỉ cần chú trọng nội dung là đủ, mà hình thức truyền thọ cũng là khía cạnh cần phải được coi trọng không kém.

Bản chất của giới tại gia là sự toàn thiện về đạo đức cá nhân nên sự truyền thọ có thể được thực hiện giữa một nhóm người với một người. Nhưng giới xuất gia bao gồm cả đạo đức cá nhân và tập thể, do sự truyền thọ cần phải thông qua tập thể theo thủ tục yết-ma, tức thủ tục hành sự của Tăng. Do ảnh hưởng bởi sự phát triển suy lý của Luận tạng, các luật sư của từng bộ phái thỉnh thoảng cũng dẫn chứng quan điểm của tông phái mình để nhấn mạnh tác dụng tâm lý trong khi thọ và ảnh hưởng của nó đối với vấn đề chấp hành giới luật sau này. Sự dẫn chứng của họ đôi khi đi xa đến chủ nghĩa hình thức, nếu so với những trường hợp được ghi chép trong Kinh tạng. Theo tinh thần của Kinh tạng, nếu nói riêng về giới xuất gia, thì hình thức truyền thọ sở dĩ cần được chú trọng là vì để tránh những sự chia rẽ trong Tăng. Một người mới xuất gia, được chấp nhận là một thành viên của cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật, không phải đơn giản là vấn đề cá nhân mà trách nhiệm nhiều lắm chỉ là mối quan hệ thầy trò. Ở đây, nó là trách nhiệm liên đới. Sự tiến bộ hay sa đọa của một người xuất gia không phải chỉ mang lại hậu quả cá biệt cho một người, mà có quan hệ đến cả sự hưng thịnh và suy đồi của Phật Pháp. Cho nên, trong vấn đề truyền thọ giới xuất gia, kể từ sa-di cho đến tỳ-kheo, tư cách của người thọ cũng như phẩm chất của người truyền là những vấn đề mà Tăng có trách nhiệm chung phải kiểm nghiệm, không để cho truyền thọ bừa bãi khiến cho cộng đồng xuất gia trở thành một tập thể hỗn tạp. Chính do ý nghĩa này mà các pháp yết-ma áp dụng cho các việc truyền thọ giới xuất gia cần phải được Tăng chấp hành một cách nghiêm chỉnh.

Cho nên, dù nói theo Kinh, hay Luật tạng hay theo Luận tạng, không bao giờ có vấn đề cho phép một người tự thọ giới. Giới xuất gia không được phép đã đành, mà giới tại gia cũng không hề được phép.[3] Trừ trường hợp các vị đã đạt đến địa vị vô học của một thánh giả A-la-hán. Còn ngay cả đến các Thánh giả hữu học cũng chưa thấy kinh điển nào đề cập đến trường hợp tự thọ.[4] Bởi vì, trong một ý nghĩa nào đó, tự thọ có nghĩa là không biết đến sự tồn tại của cộng đồng đệ tử Phật, và đấy là nguyên nhân chủ yếu sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ giữa các đệ tử Phật.

Nói một cách tổng quát, việc truyền thọ giới xuất gia phải tuân theo những qui định như sau:

- Tư cách làm thầy phải được Tăng nghiệm xét và chấp nhận. Nếu Tăng chưa chấp thuận cho phép thâu nhận đệ tử, mà cứ tự ý thâu nhận thì đó là việc làm phi pháp.

- Sự thâu nhận đệ tử phải được cáo tri cho Tăng biết. Nếu Tăng không chấp thuận, phải chấp hành nghiêm túc phán quyết ấy.

- Tăng phải kiểm nghiệm cẩn thận tư cách của người thọ giới, không được truyền thọ bừa bãi.

Đó là những điểm tổng quát. Sự áp dụng vào các trường hợp khác nhau đối với sa-di, sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni sẽ được nói riêng trong các phần sau.

2. TƯ CÁCH LÀM THẦY


Trừ những người vì mục đích lợi dưỡng mà ngụy trang xuất gia thì không kể, tất cả những người xuất gia đều phải hướng đến mục đích cao thượng, đó là giải thoát và giác ngộ. Không phải tất cả đều có thể thành đạt mục đích ấy ngay trong đời này, nhưng cuộc sống thanh tu là nền tảng nâng cao phẩm giá của người xuất gia. Bởi vì đó là đời sống học tập theo Thánh giả A-la-hán, mặc dù tâm tư vẫn còn nhiều ô nhiễm. Cho nên, sự giáo dục phẩm cách đạo đức của người xuất gia trở thành trách nhiệm trọng đại của những bậc thầy trong Tăng chúng. Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội. Vả lại, một người phát tâm xuất gia, nương theo thầy mà học đạo, là gởi trọn cả cuộc đời của mình cho thầy. Nên hay hư đều đặt tất cả niềm tin của mình vào thầy.

Trách nhiệm giáo dục, tài bồi phẩm cách đạo đức cho đệ tử đã quan trọng như vậy, tư cách làm thầy phải như thế nào mới được coi là xứng đáng? Luật tạng ghi chép rất nhiều đức tính mà một vị thầy cần phải có.[5] Trong số nhiều đức tính này, ở đây có thể tổng quát bao gồm hai khía cạnh, khía cạnh vật chất và khía cạnh tinh thần. Về khía cạnh vật chất, người làm thầy phải có khả năng cung cấp các phương tiện sống cho đệ tử theo tiêu chuẩn thiểu dục tri túc của người xuất gia. Nhưng quan trọng hơn cả là những đức tính thuộc khía cạnh tinh thần. Theo đó, người thầy phải đủ khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì giới luật và học kinh điển, tu tập thiền định, có đủ kinh nghiệm để giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử. Nói chung, trách nhiệm làm thầy cũng như trách nhiệm làm cha.Nhưng bổn phận làm cha phần lớn tập trung vào việc nuôi dưỡng lớn sắc thân, còn bổn phận làm thầy là phải nuôi lớn pháp thân của đệ tử, cho nên bổn phận đó còn trọng đại hơn cả người cha nữa.

Nói một cách cụ thể, tổng hợp những đức tính mà các Luật bộ[6] quy định về tư cách làm thầy, có năm điều chính yếu như sau:

1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.

2. Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.

3. Kiến thức phải rộng rãi.

4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.

5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.

Nói tóm lại, làm thầy phải biết giáo dục đệ tử về các mặt giới, định và tuệ, đó là ba khoa mục học hỏi mà người học đạo cần phải theo đuổi trong quá trình tấn tu đạo nghiệp. Nếu tự nhận thấy quá yếu kém trong các khoa mục đó, thì khoan làm thầy vội, mà bản thân cần phải tự cố gắng để đạt đến trình độ khả quan, chứ không nên thâu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng, vô trách nhiệm.

3. YẾT MA SÚC CHÚNG


Yết-ma súc chúng[7] là thủ tục hành sự của Tăng chấp thuận một tỳ-kheo được phép thâu nhận đệ tử thế phát xuất gia, truyền giới sa-di và cụ túc, sau khi đã kiểm nghiệm xét cẩn thận tư cách của vị tỳ-kheo ấy. Ý nghĩa của nó cũng giống như một người đã học xong ngành y, tự xét hội đủ khả năng và điều kiện để trị bệnh cho người, thì phải thông qua sự chấp thuận của hội đồng bác sĩ, mới được phép hành nghề. Thật vậy, việc chấp thuận của Tăng, ngoài mục đích kiểm nghiệm tư cách làm thầy để bảo đảm tương lai cho những người sẽ xuất gia và tu tập dưới sự hướng dẫn và giáo dục của thầy tỳ-kheo ấy, nó còn có mục đích duy trì sự hòa hiệp của Tăng. Nếu một người tự ý xác nhận tư cách của mình, rồi tự ý thâu nhận đệ tử, thì trong nhiều trường hợp có thể tạo thành nhóm sư môn biệt lập không cần biết đến sự hiện diện của Tăng, bất chấp thẩm quyền của Tăng trong các vấn đề xử trị. Đấy là nguyên nhân có thể đưa đến sự chia rẽ trong Tăng. Gây chia rẽ trong Tăng là một trong năm tội đại nghịch không bao giờ được tha thứ trong Phật pháp.

Trong khoảng thời gian đầu của cuộc đời hóa đạo, thì chính đức Thích Tôn thường trực tiếp truyền giới cho các tỳ-kheo. Về sau, do sự phát triển rộng rãi trong nhiều địa phương, sự việc đưa một người đến trực tiếp với Ngài thật là khó khăn phiền phức, nên Ngài cho phép các tỳ-kheo được truyền giới cụ túc.[8] Nhưng rồi, có người chỉ mới được một hai hạ đã thâu nhận đệ tử và truyền giới cụ túc.[9] Với số tuổi đạo còn ít, công phu tu dưỡng chưa bao nhiêu, nên các tỳ-kheo này thiếu sót bổn phận làm thầy. Do đó, đức Phật chế định rằng tỳ-kheo phải đủ mười hạ mới được phép thâu nhận đệ tử. Có người vừa đủ mười tuổi hạ nhưng sự học tập của họ về giới luật chưa thông suốt, nên sau khi thâu nhận đệ tử rồi thì cũng không đủ khả năng để dạy dỗ. Đức Phật lại chế định, dù đủ mười tuổi hạ, nhưng phải đủ các đức tính làm thầy. Một số tỳ-kheo tự thấy mình đã hội đủ tất cả các điều kiện như thế, bèn tự tiện thâu nhận đệ tử. Do đó, Ngài chế định thêm rằng, sau khi đủ mười tuổi hạ, có trí tuệ và khả năng dạy dỗ rồi, nếu tỳ-kheo nào muốn thâu nhận đệ tử xuất gia truyền giới sa-di hay cụ túc, phải trình cho Tăng biết, để Tăng nghiệm xét.[10] Sau khi nghiệm xét tư cách làm thầy của tỳ-kheo đó, nhận thấy không có điều nào thiếu sót, mới bạch nhị yết-ma cho phép. Tỳ-kheo nào chưa được Tăng yết-ma cho phép thì không bao giờ được thâu nhận đệ tử. Việc bạch Tăng xin phép này chỉ cần thực hiện một lần. Từ đó về sau, nếu muốn độ người xuất gia, tỳ-kheo ấy khỏi phải bạch Tăng xin lại.[11]

Tỳ-kheo muốn bạch Tăng xin phép yết-ma súc chúng, trước hết lễ thỉnh các tỳ-kheo tập họp. Sau khi Tăng họp tỳ-kheo xin yết-ma súc chúng bước ra lễ Tăng ba lễ, rồi quì xuống, chấp tay bạch rằng:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, tôi tỳ-kheo…. Yêu cầu xin được độ người, truyền giới cụ túc. Kính mong Tăng chấp thuận, tôi tỳ-kheo…. Được phép độ người, tuyền giới cụ túc, tứ mẫn cố.

Bạch như vậy ba lần. Sau khi Tăng nghiệm xét, nếu nhận thấy tỳ-kheo này chưa đủ điều kiện và khả năng, có thể bác bỏ thỉnh cầu bằng cách tuyên bố rằng:

Này đại đức, thôi đi, hãy khoan độ người.

Trái lại, nếu nhận thấy đủ tư cách, thì Tăng tiến hành yết-ma súc chúng. Thầy yết-ma bạch:

Đại đức Tăng,xin lắng nghe. tỳ-kheo… này nay thỉnh cầu Tăng cho phép độ người, Truyền thọ giới cục túc, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận. Tăng nay cho phép tỳ-kheo… được độ người, truyền thọ giới cụ túc. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, tỳ-kheo…. Này, thỉnh cầu Tăng cho phép độ người, Truyền thọ giới cụ túc Tăng. Nay cho phép tỳ-kheo…. Này được độ người, truyền thọ giới cụ túc. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho phép tỳ-kheo… được độ người, truyền thọ giới cụ túc, thì im lặng. Ai không chấp thuận, hãy nói.

Tăng đã chấp thuận cho tỳ-kheo… được độ người truyền thọ giới cụ túc, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

4. THẾ PHÁT XUẤT GIA – THỌ GIỚI SA-DI


Theo những điều được ghi chép trong Kinh tạng cũng như Luật tạng, vào thời kỳ đầu của giáo đoàn Tăng lữ, những người thâm tín Phật pháp, cầu xuất gia, liền được xuống tóc và truyền thọ cụ túc để trở thành tỳ-kheo ngay. Bấy giờ đức Phật cũng chưa qui định số tuổi thấp nhất để thọ tỳ-kheo. Nhưng về sau, khi nhóm thiếu niên gồm mười bảy người, tuổi chưa đủ hai mươi, thọ cụ túc rồi mà không kham nổi phận sự của tỳ-kheo, không chịu đựng nổi việc không ăn phi thời, nên ban đêm kêu khóc. Đức Phật khiển trách các tỳ-kheo truyền giới mà không biết nhận định. Người chưa đủ hai mươi, không kham nổi đời sống khổ hạnh, không chịu đựng nổi các thứ muỗi mòng, nóng lạnh đói khát, nhẫn nhịn những lời thô bạo của người dời, thì làm sao có thể chấp hành được học xứ của tỳ-kheo. Do đó, đức Phật chế định rằng, nếu tỳ-kheo độ người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc, phạm ba-dật-đề.[12]

Sa-di[13] là cấp bực đầu tiên của giới xuất gia. Trẻ nhỏ ít nhất là bảy tuổi, có thể đuổi quạ được, có thể làm sa-di.[14] Tuổi từ bảy đến mười ba được thọ giới làm sa-di, thì được gọi là khu ô sa-di, nghĩa là sa-di chỉ có một phận sự là đuổi quạ. Từ mười bốn đến mười chín được gọi là ứng pháp sa-di, tức sa-di thực thụ học tập đầy đủ các phận sự của người xuất gia. Từ hai mươi đến bảy mươi gọi là danh tự sa-di, tức sa-di trên danh nghĩa.[15]

Theo nguyên tắc, nếu người được phép cạo tóc xuất gia thì phải được truyền giới sa-di ngay.[16] Nếu dù đã xuống tóc mà chưa thọ sa-di thì chưa thể gọi là người xuất gia được. Tuy nhiên, theo thông lệ phổ biến ở nước ta, cũng như của Trung quốc từ xưa, bất kể tuổi đời lớn nhỏ bao nhiêu, sau khi được thầy cho cạo tóc xuất gia, phải trải qua một thời gian tối thiểu ba tháng, thọ trì tam qui và ngũ giới, làm tịnh nhân để tập sự. Trong thời gian đó, ông thầy phải theo dõi quan sát tư cách và chí hướng, nếu nhận thấy chí hướng đã vững vàng thì mới cho thọ giới sa-di. Mặc dù điều này không được qui định trong Luật tạng, nhưng sự thực hành không phải là vô ích. Vì có như thế mới tránh được nhiều trường hợp xuất gia vì lợi dưởng, hay vì mục đích nào khác chứ không phải để cầu đạo giải thoát. Vì đây không phải là điều mà Luật tạng bắt buộc, trong khi thực hành cũng cần phải linh động. Nếu nhận thấy người đã có tín tâm vững chắc nơi Phật Pháp, chí nguyện đã kiên cường, và tuổi đã đủ hai mươi thì có thể cho xuất gia thọ sa-di và cụ túc ngay, không nên diên trì thời gian làm trở ngại sự nghiệp tiến tu của người cầu đạo.

i. Bạch Tăng thế phát


Về nghi thức làm lễ xuất gia, sẽ được nói trong tập sách khác với đầy đủ chi tiết. Ở đây, trong phạm vi các pháp yết-ma chỉ đề cập những đòi hỏi phải thực hiện giữa Tăng.

Tỳ-kheo đã được Tăng làm yết-ma cho súc chúng rồi thì có thể độ người xuất gia bất cứ lúc nào nhưng một năm không được nuôi hai sa-di và truyền giới cụ túc cho hai người.[17] Nếu việc độ người thế phát được thực hiện ngoài phạm vi đại giới của Tăng, thì không cần phải cáo tri cho Tăng biết. Nhưng nếu ở trong phạm vi đại giới của Tăng, tỳ-kheo làm thế độ bổn sư có bổn phận phải bạch cho tất cả Tăng trong già lam được biết. Tăng cùng tập họp cả vào một chỗ thì tốt, bằng không thể tập họp thì phải dẩn người xin xuất gia đi đến từng phòng mà giới thiệu.[18]

Sau khi Tăng đã tập họp, thầy yết-ma hướng dẫn giới tử tác bạch:[19]

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Thiện nam tứ…. Kia muốn cầu tỳ-kheo….cho xuống tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận, cho thiện nam tử… xuống tóc. Đây là lời tác bạch.

Phép này chỉ một lần đơn bạch mà không có yết-ma.

ii. Truyền giới sa-di


Mặc dù chưa chính thức là một thành phần của Tăng, nhưng người đã thọ giới sa-di là đã chính thức bước vào đời sống xuất gia học tập và đời sống của một thánh giả vô học A-la-hán. Do thế, địa vị của sa-di được tôn trọng trên địa vị một người tại gia dù đó là một thánh giả Tu đà hòan (tức Dự lưu) hay Tư đà hàm (tức Nhứt lai).[20] Giới của sa-di gồm 10 điều khoản. Đó là một phần quan trọng trong toàn bộ đời sống siêu xuất thế gian của thánh giả A-la-hán. Là những điều khoản mà một người tại gia dù trên mặt tu chứng đã đạt đến địa vị Thánh giả nhưng do những ràng buộc thế gian mà không thể chấp hành được.

Để xứng đáng với địa vị được tương đối tôn trọng trong hàng đệ tử của Phật gồm cả tại gia và xuất gia, sự hành trì cố nhiên phải nghiêm cẩn đã đành mà sự truyền trao và lãnh thọ cũng không thể làm một cách chiếu lệ được. Nội dung của sự truyền thọ là đòi hỏi sự thanh tịnh của Tăng và tâm niệm chí thành khẩn thiết của người thọ. Hai điều kiện chủ yếu này là cơ sở để nâng tâm tư của người thọ lên hàng xứng đáng được kính trọng. còn về mặt hình thức thì điểm chính là Tăng phải thực hiện đúng pháp yết-ma. Những hình thức tổ chức khác chỉ là phụ thuộc có mục đích làm hiển lộ tính chất thanh tịnh của Tăng một cách cụ thể và kích phát tâm niệm chí thành của người thọ giới đến mức độ cao nhất.

Về nghi thức thọ sa-di các Quảng luật của các bộ phái đều quy định đại cương giống nhau gồm có việc thọ tam quy và tiếp theo là thọ 10 giới. Tứ phần, có thêm phần bạch Tăng trước khi thọ tam quy và 10 giới.[21] Trong Tăng yết-ma của Hòai Tố còn có thêm phần thỉnh Hòa thượng và A-xà-lê[22] trước khi bạch Tăng thọ tam quy và 10 giới. Hướng dẫn bảo:

Nay các người lễ thỉnh sư

Văn bạch trong các bộ yết-ma này[23] như sau:

(1) Thỉnh Hòa Thượng:

Đại đức nhất tâm niệm, con (nói tên hay pháp danh) nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng truyền 10 giới. Nguyện Đại đức vì con làm Hòa thượng truyền 10 giới. Con nương nơi Đại đức mà được thọ giới sa-di. Từ mẫn cố (nói ba lần).

(2) Thỉnh A-xà-lê:

Đại đức nhất tâm niệm, con… nay thỉnh Đại đức làm A-xà-lê truyền 10 giới. Nguyện đại đức vì con làm A-xà-lê truyền 10 giới. Con nương nơi Đại đức mà được thọ giới sa-di. Từ mẫn cố. (nói ba lần)

iii. Thọ sa-di pháp


a. Yết ma bạch tăng[24]

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. (nói tên hay pháp danh giới tử) này cầu xin xuất gia theo tỳ-kheo (pháp hiệu). Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho… xuất gia. Đây là lời tác bạch.

b. Thọ Tam quy:

(Lời chú của Tùy cơ yết-ma có ghi thêm ở phần này là phải hỏi các già nạn trước khi truyền thọ tam quy).[25]

Con… quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng. Con nay theo Phật xuất gia, Hòa thượng của con là… đức Như lai bậc chí chân, đẳng chánh giác là Thế Tôn của con. (nói ba lần)

c. Thọ mười giới:

Hòa thượng hỏi:[26]

(1) Trọn đời không được sát sanh. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?[27]

Đáp: Được.

(2) Trọn đời được không trộm cắp.[28] Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(3) Trọn đời không được dâm dục.[29] Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(4)Trọn đời không được nói lời hư dối. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(5)Trọn đời không được uống rượu.[30] Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(6)Trọn đời không được đeo tràng hoa, và thoa xức dầu, hương thơm. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(7)Trọn đời không được ca, múa, diễn kịch và đi nghe xem. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(8)Trọn đời không được ngồi trên giường ghế cao rộng. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(9)Trọn đời không được ăn phi thời. Đây là giới của sa-di, ngươi

Đáp: Được.có thể thọ trì được không?

Đáp: Được.

(10)Trọn đời không được cầm nắm và cất giữ các thứ vàng, bạc,[31] bảo vật trang sức. Đây là giới của sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Đây là giới của sa-di, suốt đời không được vi phạm.


Ở đây cần thảo luận một số điểm trong nghi thức được giới thiệu trên.

Về việc thỉnh Hòa-Thượng và A-xà-lê, đây là khoản được thêm vào sau này. Tuy trong các Quảng luật không đề cập việc này, nhưng trong Bách nhất yết-ma của căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ có quy định.[32]

Điểm đáng lưu ý việc hỏi các già nạn như được ghi trong Tùy cơ yết-ma của Đạo Tuyên. Trong Quảng luật của các bộ phái, chúng không được đặt ra trong trường hợp thọ sa-di một cách minh nhiên. Nhưng trong Bách nhất yết-ma của căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ có quy định thành một tiết mục sau phần thỉnh Hòa thượng A-xà-lê.[33]

Nhận xét tổng quát mà nói, thì khởi thủy nghi thức thọ sa-di vốn đơn giản, nhưng về sau quá trình phát triển của Luật tạng trong các bộ phái khác nhau bao gồm cả hai mặt thực tế hành trì và cơ sở thực tế. Chính do thực tế của hành trì mà một số tiết mục cần thiết được thêm vào để tăng gia tầm vóc quan trọng của giới sa-di. Đây là điểm cần lưu ý trong áp dụng để được linh động tùy theo hòan cảnh. Mặt khác, dưới tầng sâu của từng tiết mục còn chứa đựng những cơ sở tư tưởng được giải thích tùy theo lập trường của mỗi bộ phái. Đó cũng là điều không thể không biết đến.

Những sai biệt trong các trường hợp thọ giới sa-di chủ yếu là do trình độ trí năng có nhiều biến chuyển khác nhau trong khoảng từ bảy đến hai mươi tuổi. Như trẻ nhỏ bảy cho đến mười ba tuổi, thực tế chưa đủ trình độ ý thức rõ rệt về việc xuất gia của mình, và các già nạn nếu được đặt ra cho chúng thì quả là không thích hợp vì dù cố gắng đến đâu cũng khó mà giải thích cho chúng hiểu. Ngoại trừ những trẻ nhỏ phi thường. Mà trường hợp phi thường như chú bé Tô- đà-di, không những chỉ được xuất gia làm sa-di mà đức Phật tự thân chấp nhận cho xuất gia làm tỳ-kheo ngay, dù chỉ mới bảy tuổi.[34] Nhưng trừ Phật ra thì có lẽ không ai đủ khả năng để quyết định trường hợp phi thường như vậy.

Trường hợp các già nạn thực sự có ý nghĩa là các hình đồng, tức những người xuất gia thọ sa-di khoảng từ hai mươi đến bảy mươi. Hình đồng sa-di, cũng gọi là danh tự sa-di. Những vị này tuy hình tướng là sa-di, nhưng với tuổi tác trưởng thành thì cung cách xử sự không khác tỳ-kheo, và tất nhiên đã từng tham gia nhiều thế sự. Cho nên các già nạn được đặt ra cũng cần thiết.

Mặc dù, trong các nghi tiết hành sự không nên có sự chấp nhất một cách máy móc theo một truyền thống nào nhưng nếu có sự thêm bớt cần thiết nào cho phù hợp với thực tế của hòan cảnh thì những thêm bớt ấy cần phải được qui định bởi Tăng, chứ không thể tự tiện theo quan điểm cá nhân để khiến có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ bất nhất trong toàn thể Tăng-già của một xứ.

iv. ngoại đạo xuất gia [35]


a. Tổng luận

Ngoại đạo là chỉ chung tất cả những đạo giáo ngoài đạo Phật. Trong thời đức Phật, và cả trong lịch sử phát triển của đạo Phật tại Ấn độ, vấn đề quan hệ với ngoại đạo là một vấn đề rất trọng yếu. Nó không đơn giản chỉ là vấn đề dị biệt tư tưởng, mà còn là vấn đề trong những sinh hoạt thực tế của Tăng đoàn. Lịch sử Ấn độ nổi bật với những vấn đề giai cấp và tôn giáo. Tất cả bốn giai cấp của xã hội Ấn trong thời đức Phật, trừ Chiên-đà-la không được kể là một giai cấp và bị liệt xuống ngang hàng súc vật, đều có người xuất gia hành đạo và tổ chức thành giáo đoàn riêng biệt theo xu hướng tư tưởng đặc thù của giai cấp mình. Cho nên sự xung đột tư tưởng bấy giờ cũng được coi là sự xung đột về giai cấp. Bản chất giai cấp và bản chất tư tưởng tôn giáo khó mà tách thành hai phần khác nhau trong xã hội Ấn thời cổ. Đức Phật bằng nhiều phương tiện đã đưa giáo đoàn của Ngài vượt ngoài sự chi phối của bản chất giai cấp. Điều này không phải là đơn giản. Trong một tập thể sống chung như Tăng đoàn, trong đó trộn lẫn đủ mọi thành phần giai cấp, kể cả những người Chiên-đà-la thuộc giai cấp hạ tiện, thì sự bình đẳng và hòa hợp là cả vô số vấn đề.

Trong các kinh điển, sự việc những người dị giáo sau quay sang đạo Phật được ghi nhận rất nhiều và những điều phiền toái xảy ra cho chính bản thân người cải giáo cũng không phải là ít. Như trường hợp Ưu-ba-ly[36] (không phải trưởng lão Ưu-ba-ly của Luật tạng). Một đệ tử tại gia có uy tín bậc nhất của Ni-kiền Thân Tử, sau khi tìm đến đức Phật để tranh luận, và được Phật thuyết phục, ông ngõ lời qui y Phật. Nhưng Phật không chấp thuận ngay mà khuyên ông nên thận trọng suy nghĩ trong sự cải giáo, vì một người có uy tín và có địa vị trong đạo giáo cũng như trong xã hội mà cải giáo không phải sự việc đơn giản.[37] Quả thật, một số sự việc rắc rối đã xảy ra cho Ưu-ba-ly sau khi nguồn tin ông bỏ Ni-kiền Thân Tử để theo Phật được lan truyền. Đương nhiên, trong địa vị và uy tín có sẵn, ông giải quyết vấn đề rất ổn. Và trường hợp khác, hai người Bà- la-môn thuộc dòng họ Phả-la-đọa[38] muốn xuất gia theo Phật. Ngài chấp nhận nhưng phải trải qua bốn tháng sống chung[39] với Tăng trước khi chính thức xuất gia thọ cụ túc làm tỳ-kheo. Trong thời gian bốn tháng đó, có lần đức Phật đã hỏi hai ông là có sự chống đối nào xảy ra trong gia đình và dòng họ không. Hai người trình bày những chống đối gay gắt từ mọi phía về quyết định xuất gia làm tỳ-kheo của mình.[40]

Như vậy, chấp nhận một người khác đạo giáo vào trong Tăng đoàn thực sự luôn có hai khía cạnh của vấn đề. Đó là tư tưởng và xã hội. Hai khía cạnh này không được đặt ra ngay từ đầu, sau này sẽ có thể dẫn đến những trường hợp chia rẽ của Tăng. Trong lịch sử đao Phật chỉ sau Phật Niết-bàn hơn 100 năm, giáo đoàn Tăng lữ đã bị phân hóa. Các bộ phái Phật giáo khi nói về sự phân hóa này đại bộ phận đều qui kết vào nguyên nhân là do sự trà trộn của ngoại đạo. Những người này khi vào đạo Phật, có thể do tín tâm, nhưng tín tâm chưa đủ sâu và mang theo cả tập quán suy tư về tôn giáo của mình nữa, và đồng thời chưa thanh lọc hết bản chất giai cấp trong tác phong đời sống, cho nên khi họ có địa vị ảnh hưởng trong Tăng, thì ảnh hưởng ấy dẫn đến sự phá kiến và phá giới, tức tạo nên sự chia rẽ tư tưởng và phân hóa tổ chức.

Trong lịch sử nước ta, sự việc ấy chưa từng xảy ra. Nguyên do bối cảnh tôn giáo và xã hội của nước ta không phức tạp như của Ấn độ. Vả lại, với nỗ lực hòa đồng tôn giáo dưới khẩu hiệu tam giáo đồng nguyên, nên không hề xảy ra cuộc phân hóa trầm trọng nào trong giáo hội Tăng già.

Kể từ khi nước ta bị đặt dưới sự đô hộ của người Pháp, tư tưởng phương Tây bắt đầu tràn ngập. Dù vậy, vẫn chưa hề có sự nứt rạn nào đáng kể trong tư tưởng và tổ chức của Tăng. Do thế, vấn đề những người khác đạo xuất gia theo đạo Phật thực sự chưa được đặt thành vấn đề trong Tăng. Nhưng Luật tạng, do phát sinh từ bối cảnh Ấn độ, đã tự liệu điều ấy, và các tổ sư truyền luật vẫn phải nhắc nhở đến. Tuy vậy, do bối cảnh xã hội nước ta trước đây, nên vấn đề chỉ được đặt ra một cách chiếu lệ chứ không được triển khai, vì không có sự va chạm của thực tế. Sau này nếu thực tế ấy xuất hiện, thì nhiệm vụ của Tăng là phải nghiên cứu và phân loại bản chất của tôn giáo để qui định các nguyên tắc cần chấp hành. Khi chấp nhận một người khác tôn giáo vào trong cộng đồng Tăng lữ, nếu không rõ được bản chất tôn giáo của người muốn cải đạo thì nhất thiết phải thận trọng, trừ khi đã có sự xác định của Tăng.

Về vấn đề ngoại đạo xuất gia, văn bản các luật tạng qui định như sau (cụ thể, theo luật Tứ phần).

b. Truyền tam quy và giới sa-di

Trước hết, cho cạo tóc, khoác ca-sa,[41] đến trước Tăng quỳ xuống và tự tác bạch:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con nay cầu xin xuất gia theo đức Thế tôn. «Đức Thế tôn là Như lai chí chân, đẳng chính giác, là thầy của con. (nói ba lần)

Con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng, cầu xin xuất gia học đạo theo đức Thế tôn. Đức Như lai chí chân, đẳng chính gíac, là thầy của con.», (nói ba lần)

Tiếp đến, hướng dẫn thọ 10 giới. Văn thọ, như sa-di.

c. Cho bốn tháng cộng trú

Sau phần quy y và thọ giới, người ấy lại đến giữa Tăng tự tác bạch xin bốn tháng sống chung:

Đại đức, xin lắng nghe. Con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, thỉnh cầu Tăng cho bốn tháng sống chung mong Tăng chấp thuận, từ mẫn cho con bốn tháng sống chung. (tác bạch ba lần)

Tác bạch xong, lui ra khỏi chỗ Tăng đang họp, cách khoảng đủ để mắt nhìn thấy Tăng chứ không nghe rõ Tăng đang nói. Bấy giờ thầy yết-ma bạch Tăng:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe (nói tên) kia nguyên là ngoại đạo, nay thỉnh cầu Tăng bốn tháng sống chung. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận cho vị ngoại đạo kia (nói tên) bốn tháng sống chung. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, vị (nói tên) kia nguyên là ngoại đạo, thỉnh cầu Tăng bốn tháng sống chung, Tăng nay cho người ấy bốn tháng sống chung. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng cho người ấy bốn tháng sống chung, thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận cho người ấy bốn tháng sống chung, vì đã im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Sau phần bạch nhị yết-ma, vị ngoại đạo kia được phép sống chung giữa Tăng, và chấp hành các phận sự như sa-di. Luật Ma-ha Tăng-kỳ còn qui định thêm rằng, địa vị của người ấy ở dưới sa-di, nhưng không nói rõ có cho thọ sa-di hay không.[42]

Qua bốn tháng sống chung giữa Tăng, nếu Tăng nghiệm xét thấy người ấy đã thuần thục niềm tin trong pháp luật của Phật hay chưa. Trong bốn tháng ấy nếu nghe có người nói xấu đạo cũ của mình mà không sinh tâm thù hận; nghe ca ngợi đạo Phật thì hoan hỷ, và thường nhật không lân la lui tới những chỗ quen biết trước kia.[43] Nói gọn lại, người ấy đã xóa bỏ hẳn các tập quán tư tưởng và nếp sống cũ trước kia. Đây có thể coi là quá trình phi giai cấp hóa. Điều quan trọng trong bốn tháng sống chung giữa Tăng này là để người ngoại đạo ấy quen với cung cách sống không giai cấp của cộng đồng Tăng lữ; một cộng đồng tập hợp đủ mọi thành phần xã hội và tôn giáo. Qua bốn tháng mà Tăng chưa hài lòng về cung cách sống chung không giai cấp và không cuồng tín tôn giáo cũ của người ấy, thì phải bạch nhị yết-ma gia hạn thêm bốn tháng sống chung nữa.

Việc truyền 10 giới sau khi thọ tam qui ở trên là theo Tứ phần. Còn Ngũ phần, Ma ha Tăng-kỳ, Thập tụngThiện kiến, đều không thấy ghi. Riêng Thập tụng qui định là bạch tứ thay vì bạch nhị yết-ma như các bộ khác.

Sau bốn tháng, nếu Tăng hài lòng, sẽ bạch tứ yết-ma cho người ấy thọ cụ túc.

TIẾT 2: GIỚI CỤ TÚC


1. TỔNG LUẬN VỀ GIỚI CỤ TÚC


i. Tính chất của giới cụ túc


Giới cụ túc, tiếng Phạn gọi là upasampāda. Hán cũng dịch là cận viên.[44] Ở Trung quốc, xưa người ta thường giải thích cận viên có nghĩa là «sự gần gũi với Niết-bàn viên tịch,»[45] và cho rằng sở dĩ được gọi như vậy vì loại giới này có khả năng tiến gần đến Niết-bàn viên tịch. Giải thích như thế là do suy diễn từ chữ Hán. Trong tiếng Phạn, nó không có nghĩa gì là viên tịch cả. Chữ viên trong tiếng Hán có nghĩa là viên mãn, do dịch chữ sampāda của tiếng Phạn. Theo nghĩa đen, sampāda có nghĩa là «cùng đến nơi» tức chỉ cho sự thành công, hay thành tựu. Chữ cận trong tiếng Hán là do dịch chữ upa, có nghĩa là gần gũi, hay ở trên. Do thế, upasampāda; theo nghĩa thường dùng nhất, được hiểu là sự thành tựu trọn vẹn, cũng có khi được hiểu là bước lên chỗ cao.

Giới tỳ-kheo sở dĩ được nói là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một thánh giả A-la-hán. Trong khi tất cả các loại khác của Thanh văn không được gọi là cụ túc, vì chúng chỉ mô phỏng một phần nhỏ đời sống cao thượng của A-la-hán.[46]

Đời sống cao thượng của A-la-hán gồm có bốn sự thanh tịnh. Đó là sự thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi, sự thanh tịnh về phòng hộ căn môn hay căn luật nghi, sự thanh tịnh về phương tiện sinh sống hay mạng thanh tịnh, và sự thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác. Giới tỳ-kheo được gọi là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn tất cả bốn sự thanh tịnh ấy.[47] Trong bốn sự thanh tịnh kể trên, biệt giải thoát luật nghi chỉ cho sự hộ trì nghiêm chỉnh tất cả các học xứ hay điều khoản được quy định bởi giới bổn, thấy nguy hiểm trong những tội lỗi nhỏ nhặt nhất. Ở đây, luật nghi có nghĩa là sự phòng hộ.[48] Đó là khả năng đề kháng những dòng nước lũ ô nhiễm từ bên ngoài ngang qua các hành vi hay nghiệp đạo tràn ngập vào tâm làm cho tâm dơ bẩn.[49] Nó là một danh từ thường dùng để thay thế cho chữ giới.[50] Biệt giải thoát luật nghi như vậy có nghĩa là sự kiểm soát và phòng hộ các hành vi thuộc thân và ngữ bằng biệt giải thoát. Gọi là biệt giải thoát nghĩa đen là giải thoát theo từng đối tượng cá biệt của hành vi; vì khi thọ trì một học xứ do đức Phật chế định, thì học xứ ấy có khả năng loại bỏ một hành vi bất thiện không cho nó len lỏi vào trong tâm

Về căn luật nghi,[51] hay sự phòng hộ căn môn, đó là sự kiểm soát các giác quan, những cánh cửa mà ô nhiễm có thể đi xuyên vào trong tâm. Tức là, khi con mắt tiếp thu đối tượng là sắc, tỳ-kheo luôn kiểm soát sự sinh khởi và hoại diệt của các cảm thọ; phòng hộ cẩn thận không để cho tham ái các thứ thừa cơ xâm nhập. Cho đến ý khi tiếp thu đối tượng của nó là pháp cũng vậy.

Mạng thanh tịnh,[52] hay trong sạch trong sự sống, trong các phương tiện nuôi sống sinh mạng. Tức là sinh sống theo bốn truyền thống của chư Phật, gọi là bốn thánh chủng.[53] Thánh chủng nghĩa là dòng họ hay dòng dõi cao quý. Dòng họ Bà la môn sinh sống bằng cách tế tự; dòng họ Sát-đế-lỵ sinh sống bằng cách chiến đấu với vũ khí; dòng họ Phệ-xá sinh sống bằng các nghề tự do buốn bán, làm thợ, hay gieo trồng; dòng họ Thủ-đà-la sinh sống bằng cách làm thuê, làm nô lệ; nhưng dòng họ của chư Phật thì không sinh sống theo các hình thức mang tính chất cạnh tranh và áp bức người khác hay bị người khác áp bức. Cho nên, trong dòng họ chư Phật có bốn sự truyền thừa. Đó là, che thân bằng ba y phấn tảo. Nuôi lớn nhục thân bằng một cái bình bát. Ngủ nghỉ thì nương dưới gốc cây, rừng vắng hay trong các hang động. Sống cuộc đời chuyên cần tu tập để đoạn trừ.[54] Nói cách khác, đó là truyền thống sống không gia đình, hòan toàn không một tư hữu, ngoài ca-sa và bình bát cần thiết như hai cánh chim bay đến và đi bất cứ nơi nào.

Thành tựu chánh niệm chánh tri,[55] hay đời sống thanh tịnh do chánh niệm và tỉnh giác trong bốn cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi. Khi bước tới, biết rõ mình bước tới, bước lui, biết mình đang bước lui… luôn luôn thấy rõ và biết rõ mình đang làm gì. Niệm thanh tịnh cũng được thay thế bằng thọ dụng thanh tịnh; sự thọ dụng trong sạch và như pháp đối với các vật dụng nhu yếu và ẩm thực.

Do học tập bốn sự trong sạch ấy cho đến học tập 3.000 oai nghi, tám vạn tế hạnh nên giới của tỳ-kheo được gọi là cụ túc.

ii. Vấn đề đắc giới


Nói theo hình thức, thì sự đắc giới có nghĩa là người thọ đã hội đủ tư cách để làm tỳ-kheo và hành sự của Tăng hòan toàn hợp pháp. Nhưng nói theo khía cạnh triết lý của vấn đề thì đắc giới là sự phát khởi của giới thể vô tác hay vô biểu trong thân tâm người thọ. Giới thể vô tác hay vô biểu, cần được hiểu rằng giới thể hay bản chất tồn tại của giới chính là vô biểu. Vô tác hay vô biểu là những thế lực điều động các hoạt động của thân, ngữ và không biểu lộ ra bên ngoài cho người khác có thể thấy.[56] Thế lực đó là khả năng phòng hộ của giới. Nó giống như sự phản xạ có điều kiện của một người học võ do tập luyện lâu ngày, có khả năng phòng vệ sinh mạng của mình trong bất cứ lúc nào và dưới bất cứ trường hợp nào. Luật nghi biệt giải thoát là khả năng phòng hộ thân và ngữ không cho đi vào các hoạt động bất thiện, do đó thế lực của giới thể vô tác có ảnh hưởng trực tiếp ngay trên những phản xạ của thân và ngữ.

Giới của tỳ-kheo, tức giới cụ túc, không phải chỉ bao gồm các điều khoản với 227 điều theo truyền thống Pàli hay 250 điều theo tuyền thống của Đàm-vô-đức (tức luật Tứ Phần) mà bao gồm cả bốn sự thanh tịnh như đã nói. Các điều khoản sở dĩ được nêu lên một cách cụ thể với những con số có hạn định như vậy chính là để có một cơ sở hiện thực cho sự hộ trì, và cho có sự hòa hiệp nhất trí giữa đời sống một tỳ-kheo trong cộng đồng Tăng lữ. Cho nên sự đắc giới ở đây không có nghĩa là thành tựu từng điều khoản một trong 227 điều hay 250 điều khi thọ. Do ý nghĩa này, các sớ giải về Luật tạng cũng như của Luận tạng đều có đề ra nhiều trường hợp đắc giới khác nhau.

Theo các nhà giải thích luật của phái Tỳ-bà-sa (Nhất thiết hữu bộ), có 10 trường hợp đắc giới cụ túc.[57]

a. Tự nhiên đắc giới:[58]

chỉ trường hợp đặc biệt của phật Chánh giác và Độc giác, do tự mình chứng ngộ mà không có sư truyền.

b. Kiến đế đắc giới:[59]

Hay nhập chánh tánh đắc giới, chỉ cho vị chứng bốn Thánh đế, bước vào thánh đạo. Theo ý nghĩa thì một vị đã chứng nghiệm bốn Thánh đế và bắt đầu bước vào thánh đạo là một vị Tu đà-hòan hay quả Dự lưu. Nhưng một người tại gia cũng có thể chứng đắc quả vị Tu-đà-hòan mà không bao giờ trở thành tỳ-kheo, nếu vị ấy không xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu vị Thánh giả Tu-đà-hòan là một người tại gia, thì luật nghi của vị ấy là luật nghi cận sự, chỉ thành tựu năm giới, không đương nhiên thành tựu giới cụ túc vốn là sự viên mãn về đời sống cao thượng của A-la-hán. Do đó, trong thực tế, trường hợp thấy Thánh đế mà đắc giới cụ túc chỉ duy nhất xảy ra cho năm vị đệ tử đầu tiên của đức Thích Tôn, tức nhóm tôn giả Kiều Trần Như.[60]

c. Thiện lai tỳ-kheo:[61]

Đắc giới cụ túc do đức Phật gọi: «Đến đây, này tỳ-kheo.»[62] Đây là trường hợp đắc giới trực tiếp do chính đức Phật truyền cho. Nếu không phải do chính Phật trực tiếp truyền thọ thì không thể gọi là đắc giới theo trường hợp thiện lai này được. Người đầu tiên được đức Phật truyền thọ như vậy là tôn giả Da-xá. Tuy nhiên, theo các giải thích khác thì chính nhóm tôn giả Kiều-trần-như mới là những người đầu tiên đắc giới theo cách Phật gọi: «Đến đây, này tỳ-kheo.»[63]

d. Do xác nhận Phật là Đại sư:[64]

Đây chỉ cho trường hợp tôn giả Đại Ca-diếp,[65] khi gặp đức Phật Thích Tôn, liền tuyên bố rằng: «Đây là Đạo sư của tôi,»[66] bấy giờ liền tự nhiên trở thành tỳ-kheo không qua cách thức truyền thọ nào cả. Đây là trường hợp độc nhất trong các đệ tử của đức Thích Tôn.

e. Do khéo trả lời:[67]

Cũng là một trường hợp đặc biệt độc nhất chỉ xảy ra một lần cho Tô-đà-di, khi vừa mới 7 tuổi nhưng đã trả lời câu hỏi của đức Phật một cách khéo léo. Phật hỏi: «Nhà con ở đâu.» Tô-đà-di đáp: «Ba cõi không đâu là nhà.» Do thế, Phật khiến Tăng bạch yết-ma cho thọ cụ túc liền.

f. Do thọ 8 kỉnh pháp:[68]

Chỉ trường hợp bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, di mẫu của đức Thích Tôn, chấp thuận 8 phép tôn trọng đối với Tăng mà được xuất gia làm tỳ-kheo-ni.

g. Do gởi đại diện:[69]

Trường hợp đặc biệt cho ni Pháp Thọ (cũng dịch là Pháp Dữ). Nàng đẹp nổi tiếng trong xứ. Khi hay tin nàng sẽ xuất gia thọ giới làm tỳ-kheo-ni, nhiều thanh niên tổ chức đón đường bắt cóc, do đó Phật cho phép nàng gởi người đại diện đến giữa Tăng mà thọ, sau đó về truyền lại.

h. Do người thứ năm là người trì luật:[70]

Người trí luật ở đây được giải thích là người thông thạo các nghi thức yết-ma. Đây là trường hợp dành cho những vùng biên cương, nơi không thể tập họp đủ số Tăng gồm 10 người, cho nên chỉ cần 5 tỳ kheo trong đó ít nhất có một vị thông suốt luật.

i. Thọ với Tăng gồm 10 tỳ-kheo:[71]

Dành cho mọi trường hợp, và bắt buộc đối với những vùng đô thị nơi có khả năng tập họp Tăng đủ số 10 người.

j. Tam ngữ đắc giới:[72]

Thọ cụ túc bằng cách chỉ đọc ba lần qui y Phật, Pháp và Tăng. Đây là trường hợp xảy ra thường xuyên trước khi Phật qui định sự thọ giới cụ túc với pháp bạch tứ yết-ma. Tức là khi giáo đoàn phát triển rộng, các Thánh đệ tử đi giáo hóa mọi nơi, gặp người muốn xuất gia, không thể dẫn về để Phật trực tiếp truyền thọ cụ túc, thì họ được phép chỉ đọc ba lần những lời qui y Tam bảo là đắc giới. Nhưng từ khi Phật qui định pháp bạch tứ yết-ma để truyền giới thì cách thọ này không còn được áp dụng cho giới cụ túc nữa.

Trong trường hợp đắc giới dẫn chứng bởi các Luật gia của Hữu bộ trên đây, bảy trường hợp đầu là những trường hợp hy hữu. Tất cả các bộ phái đều chính thức truyền thừa theo ba trường hợp sau, và riêng giới cụ túc thì bắt buộc chỉ áp dụng các trường hợp thứ tám và thứ chín, gọi chung là trường hợp bạch tứ yết-ma.[73] Như vậy, bạch tứ yết-ma là qui tắc tổng quát và cơ bản để thọ cụ túc. Nó được thực hành dưới ba trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất, và thứ hai được áp dụng bởi Tăng số năm và mười đã nói.

Trường hợp thứ ba, nó được áp dụng giữa hai bộ Tăng, tức sự tập họp Tăng gồm 10 tỳ kheo và 10 tỳ kheo ni để truyền giới cụ túc cho tỳ-kheo-ni. Trường hợp này sẽ nói chi tiết trong mục truyền thọ cụ túc cho tỳ-kheo-ni đoạn sau, chương IV.

iii. Tư cách người thọ giới


Theo sự ghi chép trong Kinh tạng và Luật tạng, thì nguyên thủy những vị xuất gia liền thọ cụ túc ngay. Vị sa-di đầu tiên của Giáo hội là tôn giả La-hầu-la.[74] Lúc bấy giờ số tỳ-kheo Tăng đệ tử đức Thích Tôn được ghi nhận là trên một nghìn người. Trong tất cả những vị này không một ai đã từng thọ giới sa-di cả. cho nên, việc thọ sa-di trước khi thọ cụ túc không phải là điều bắt buộc. Tuy vậy, trong sự thực hành của cả hai truyền thống Bắc và Nam tông, cho đến nay, trước khi thọ cụ túc phải thọ sa-di, chứ không có trường hợp từ cư sĩ với năm giới đi thẳng lên cụ túc.[75] Mục đích của sự thực hành này nhắm giải trừ tối đa những trường hợp mà chí nguyện xuất gia không bền vững. Nhưng trong nhiều trường hợp nếu nhận thấy tư cách giới tử đã trọn vẹn và thời gian học tập làm sa-di không cần thiết, thì cho thọ cụ túc ngay. Trong trường hợp này, sự truyền thọ sa-di và cụ túc cho một giới tử tiến hành liên tục trong một lúc.

Về sự nghiệm xét tư cách của người thọ giới, trong nguyên thủy chỉ đặt trọng tâm vào sự tin tưởng Phật pháp và đời sống phạm hạnh. Nhưng sự nghiệm xét này tỏ ra chưa đủ khi mà giáo hội Tăng-già được mở rộng cho mọi thành phần xã hội khác nhau, do đó về sau cần có thêm những nhận xét về hình thức của giới tử nữa. Sự nghiệm xét này được gọi là hỏi về các già nạn, cũng gọi là các pháp chướng ngại.[76] Công việc này được thực hiện bởi Tăng; nó thuộc về giai đoạn chính thức tiến hành tác pháp.

Khi giáo hội càng được mở rộng, thì công việc nghiệm xét tư cách giới tử càng trở nên phức tạp. Do đó, trưóc khi Tăng chính thức thẩm vấn người thọ. Lại còn đặt thêm một giai đoạn nghiệm xét dự bị nữa. Công việc này do vị Hòa thượng chịu trách nhiệm. Trọng tâm của sự thẩm tra này là nhằm vào nghi biểu của giới tử. Một số trường hợp điển hình được kể trong các Luật bộ, theo dó những người mà sáu căn không đầy đủ, tức mù, què, điếc, câm, ngọng v..v.. đều không được chấp nhận.[77] Các điều này vốn được triển khai chi tiết từ một trong các già nạn, sẽ được đề cập trong đoạn sau, phần chính thức tiến hành tác pháp. Nói một cách vắn tắt, nguyên tắc mà Phật qui định từ nguyên thủy rằng những người sáu căn không đầy đủ, hòang môn, lại cái, không được chấp nhận là với lý do rằng những người này không thể có tiến bộ trong Thánh pháp luật, tức sự tàn khuyết của hình hài khiến người ấy không đủ khả năng sống đời sống phạm hạnh cho đến đạt mục đích cuối cùng, tức Niết-bàn ngay trong hiện tại.[78] Thế nhưng khi qui định loại trừ tất cả những người xấu xí, các bộ phái này muốn rằng Tăng chỉ gồm những thành viên có tướng mạo khả quan. Có lẽ trong quá trình phát triển, một số bộ phái đã bị áp lực của thành kiến giai cấp và chủng tộc trong truyền thống Ấn. Trong xã hội của ta, từ xưa đến nay vấn đề giai cấp và nguồn gốc chủng tộc không trở nên thành kiến trầm trọng, nên các qui định chi tiết trong một số luật của các bộ phái hầu như không có thực tế để trắc nghiệm giá trị hiện thực của chúng.

Theo thông lệ được duy trì cho đến nay ở nước ta, trong giai đoạn nghiệm xét dự bị này còn có cuộc thi. Nguồn gốc của thể lệ này có từ thời nhà Đường bên Trung Hoa. Vì muốn hạn chế bớt người xuất gia, các vua chúa Đường đặt ta cuộc thi tuyển Tăng, phỏng theo tổ chức Thi tuyển nhân tài của triều đình. Những người trúng cách, sẽ được thọ cụ túc, được cấp phát giới đao và độ điệp.[79]

Sự tổ chức như thế là bên ngoài các qui định nguyên thủy của Phật, cũng như của các bộ phái về sau, như vậy đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện chính trị và xã hội. Tuy vậy, ngày nay, để loại bớt số tỳ-kheo thất học, việc khảo hạch để thọ giới vẫn thường xuyên tổ chức, nhưng với sự áp dụng linh động hơn.

Dù qui định và tổ chức theo hình thức nào đi nữa, thì sự tuyển Tăng xứng đáng về phẩm chất, đạo đức cũng như về trình độ hiểu biết Phật pháp vẫn là vấn đề quan trọng. Tổ chức và định chế xã hội càng phức tạp, việc tuyển Tăng càng cần được tiến hành nghiêm túc, để tránh cho Tăng không bị coi là một tập thể ô hợp.

iv. Tư cách của Hòa thượng truyền giới


Hòa-thượng[80] là một thổ âm của các xứ thuộc miền Tây vực Trung quốc, do phát âm trại đi từ upādhyāya mà Hán có phiên âm chính xác là Ô-ba-đà-da hay Ưu- ba-đà-da và thường dịch là thân giáo sư nhưng thường gọi là bổn sư. Theo nghĩa đen upādhyāya được hiểu là vị giám hộ, là vị thầy trực tiếp dạy dỗ việc học đạo cũng như hành đạo cho đệ tử. Hòa thượng cho cạo tóc xuất gia và truyền giới sa-di gọi là Hòa thượng thế độ. Hòa thượng truyền giới cụ túc thì gọi là Hòa thượng truyền giới, và Hòa thượng truyền dạy kinh luật gọi là Hòa thượng y chỉ.[81] Thông thường, Hòa thượng thế độ, truyền giới và y chỉ là một, vì có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn học tập các bổn phận của người xuất gia. Trừ trường hợp đặc biệt, như Hòa thượng thế độ hòan tục hay đã qua đời thì mới được phép thỉnh cầu vị khác làm Hòa thượng truyền giới cụ túc. Hoặc cần học hỏi thêm nhiều Thánh pháp luật mà Hòa thượng thế độ không đủ khả năng hướng dẫn mới thỉnh cầu vị khác làm Hòa thượng y chỉ.

Những đức tính cần thiết phải có để làm Hòa thượng như đã nói trong đoạn trên, phần nói về tư cách làm Thầy.[82] Theo đó, phải đủ 10 hạ, có phẩm chất đạo đức cao và có trí tuệ, cũng như có khả năng giải quyết những tâm tình khúc mắc cho đệ tử. Và điều quan trọng nữa là phải được Tăng tác pháp yết-ma cho thâu nhận đệ tử và truyền giới sa-di và cụ túc.

Theo qui định của Phật được ghi trong các Luật tạng một vị Hòa thượng không được đồng thời nuôi dạy hai sa-di và trong một năm không được truyền giới cụ túc cho hai người.[83] Bởi vì Hòa thượng truyền giới đồng thời cũng là vị giám hộ, có trách nhiệm thay Tăng giáo dục người mới thọ học tập các bổn phận của một tỳ-kheo và thông suốt tất cả giới luật của tỳ-kheo, tối thiểu trong thời gian 5 năm kể từ ngày thọ giới. Nếu cùng lúc truyền giới cho hai người, thì sẽ không chu toàn trách nhiệm giáo dục ấy.

Đó là nói theo các nguyên tắc mà Luật tạng qui định. Còn trên thực tế thì nưóc ta từ xưa các nguyên tắc này không được áp dụng hòan toàn. Bởi vì, lúc bấy giờ việc thọ giới thường được tổ chức theo qui mô rộng rãi cho nhiều người y như một cuộc sát hạch để tuyển chọn nhân tài của thế gian. Do đó việc tổ chức giới đàn không thể thường xuyên, hay bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng vài ba năm hoặc một năm mới có một giới đàn. Một lần tổ chức như vậy là phải thỉnh các cao Tăng từ nhiều địa phương về một chỗ để làm giới sư, và các giới tử nhiều địa phương khác cũng qui tụ về một chỗ được chọn làm địa điểm tổ chức giới đàn. Sự qui tụ như vậy trong điều kiện giao thông thời trước không phải là đơn giản. Cho nên một giới đàn thường truyền luôn cả giới sa-di, giới cụ túc và Bồ tát, và số giới tử ít khi dưới một trăm người. Trong trường hợp như vậy mà áp dụng đúng theo nguyên tắc luật tạng qui định, một Hòa thượng chỉ được phép truyền cụ túc cho một người (hoặc tối đa là hai người) thì việc tổ chức thành ra phiền phức. Vì lý do đó, tại mỗi giới đàn truyền giới, chỉ thỉnh một vị Hòa thượng truyền giới, gọi là hòa thượng Đường đầu, cùng với hai vị A xà lê và bảy vị tôn chứng.

Kể từ thời trung hưng hiện đại của đạo Phật Việt nam, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi quan trọng trong các sinh hoạt của Tăng, nhưng thể lệ tổ chức giới đàn này vẫn còn được duy trì. Hầu như rất ít có trường hợp mà một giới đàn chỉ truyền thọ giới cụ túc cho một người. Đại đa số những người từ các địa phương qui tụ về một chỗ để thọ giới, sau đó ai trở về trú xứ ấy, còn vị Hòa thượng truyền giới sau khi đã truyền giới xong hầu như không biết rõ số giới tử mà mình đã truyền, và không có trách nhiệm giáo dục gì đối với họ cả. Rồi trong những người đã thọ giới trở về địa phương mình, y chỉ theo bổn sư mình thì phần lớn ít ai được học tập tương đối đầy đủ bổn phận của tỳ-kheo, bởi vì ngay cả vị bổn sư ấy có người không thông hiểu luật gì cả, làm sao dạy dỗ? Khiến cho các người thọ giới đã trên mấy chục năm, nếu kể về hạ lạp thì đã được dự vào hàng Thượng tọa, nhưng không hiểu biết gì về ba-la-đề-mộc-xoa, không hiểu biết gì các yết-ma thông thường như kết giới, truyền giới, an cư, tự tứ v.v… Thảng hoặc những người này tập họp tại một trú xứ, đủ túc số để trở thành Tăng, mà từ Thượng tọa xuống đến hạ tọa không ai biết rõ các phận sự của Tăng cả. Tăng như vậy thì làm sao mà chánh pháp không suy đồi? Đây là sự kiện nghiêm trọng, quan hệ đến toàn bộ sinh mạng của chánh pháp, cho nên những vị trì luật không thể không lưu tâm để chỉnh đốn.

Nói tóm lại, nguyên tắc qui định rằng một Hòa thượng trong một năm chỉ được phép truyền giới cụ túc cho một ngưòi, đó là ngăn ngừa sự thiếu sót trong trách nhiệm giáo dục. Ngày nay, như tại các Phật học viện, có ban giám viện, ban giám học, ban giám luật, ban lãnh chúng v.v… thì sự giáo dục tập thể có khả năng chu toàn được. Do đó nguyên tắc nói trên cần được áp dụng một cách linh động.

v. Các điều kiện để yết-ma thành tựu


Tác pháp chính yếu để đắc giới cụ túc là bạch tứ yết-ma. Nhưng trước khi chính thúc bạch yết-ma còn có một số thủ tục cần phải được tiến hành một cách hợp pháp thì yết-ma mới thành tựu. Có bốn điều kiện để yết-ma được thành tựu.[84] Đó là, giới thành tựu tức điều kiện giới trường; sự thành tựu, giới tử không có các trường hợp trở ngại; Tăng thành tựu, Tăng phải đủ túc số; và yết-ma thành tựu tức bạch yết-ma đúng pháp.

a. Giới thành tựu:

Tất cả mọi hành sự của Tăng đều phải thực hiện trong cương giới đã ấn định, để cho khỏi có sự chia rẽ trong Tăng.[85] Trong việc truyền giới cụ túc, túc số Tăng chỉ cần 10 tỳ-kheo; không phải tập họp tất cả Tăng trong một trú xứ, cho nên tác pháp yết-ma không được tiến hành trong đại giới tức cương giới sống chung của số đông tỳ-kheo. Nơi trú xứ già lam nào đã có giới trường thì Tăng tập họp tại giới trường để tác pháp. Trong trường hợp gặp các trở ngại, hay có thể bị cản trở nếu tác pháp trong giới trường, thì số tỳ-kheo liên hệ truyền giới nên tập họp tại một địa điểm ngoài đại giới. Tại đó, Tăng phải tác pháp kết tiểu giới trước, sau đó mới tiến hành yết-ma truyền giới. Các điều kiện và thủ tục kết cũng như xả tiểu giới thọ giới như đã được nói trong chương II.

Thông thường, tại mỗi trú xứ của Tăng đều có giới trường trong phạm vi đại giới. Giới trường này thường là chánh điện của già-lam. Nhưng việc truyền giới là công việc của Tăng do Tăng chủ trì, nên cần có sự phân biệt Phật và Tăng ở đây. Tức chỗ ngồi của các giới sư được bố trí như thế nào để có sự cách biệt Phật và Tăng thì Tăng pháp mới thành tựu.

b. Sự thành tựu:

Sự ở đây chỉ các già nạn hay các trở ngại đối với các giới tử. Các già nạn này thường phải được Hòa thượng bổn sư xét nghiệm kỹ trước. Nhưng sự xét nghiệm này chỉ có tính cách dự bị. Nay trong khi tiến hành tác pháp chính thức này, Tăng cần phải hỏi lại đầy đủ để chính thức xác nhận tư cách của người thọ giới. Nếu các già nạn không được hỏi và trả lời minh bạch trước Tăng, thì dù yết-ma có đúng pháp vẫn không thành tựu, và như vậy giới tử không đắc giới, mà giới sư đắc tội.[86]

Luật Tứ phần qui định, trước khi bạch yết-ma cho thọ cụ túc, Tăng phải hỏi 13 già nạn. Tiếng Phạn nói antārayikadharma, dịch là già nạn, cũng dịch là Chướng pháp hay chướng Thánh quả. Vì những điều này trở ngại cho việc chứng đắc các Thánh quả. Một người xuất gia mà thân và tâm không đủ điều kiện để đạt thành mục đích phạm hạnh tức chứng các Thánh quả ngay trong đời này, thì không được phép thọ cụ túc. Nếu do không nghiệm xét kỹ mà cho thọ, nhưng sau đó các chướng pháp này được khám phá, thì người đã thọ cụ túc ấy dù yết-ma có hợp pháp vẫn phải bị tẫn xuất. Bởi vì sự hưng thịnh của Tăng là do sự chứng đắc Thánh quả của các tỳ-kheo chứ không do con số đông.

Mười ba[87] già nạn hay chướng pháp được kể chi tiết như sau:

1. Phạm biên tội: tức người đã xuất gia, nhưng phạm một trong bốn trọng cấm.

2. Phá tịnh hạnh của tỳ-kheo-ni: chỉ người trước khi xuất gia đã có lần phá trinh của một tỳ-kheo-ni dù cưỡng hiếp hay được thỏa thuận. Nhưng nếu tỳ-kheo-ni đã chứng quả A-la-hán, dù mất trinh, nghĩa là đã có chồng trước khi xuất gia, mà cưỡng hiếp, thì nhất định phải kể là một chướng pháp.

3. Tặc trú:[88] nghĩa đen là hạng người ăn cắp chánh pháp. Đây chỉ cho những người vì lợi dưỡng, tự mình cạo tóc, núp lén trong chúng xuất gia để thụ hưởng. Nếu họ chưa hề tham dự các yết-ma thuyết giới cụ túc, tự tứ v.v… thì không kể, nhưng trái lại thì bị liệt vào hạng chướng pháp. Cho đến những người dù đã xuất gia hợp pháp đã thọ giới sa-di mà lén nghe Tăng yết-ma thuyết giới cụ túc, nếu nghe mà không nhớ và không hiểu, thì không kể, trái lại hiểu rõ nội dung và ghi nhớ đầy đủ, thì bị gọi là phạm chướng pháp.

4. Phá nội ngoại đạo: Người ngoại đạo xuất gia thọ cụ túc một thời gian lại chán, tự động trở về đạo cũ, sau đó lại đến xuất gia nữa. Người như vậy, vừa phá hủy đạo cũ của mình mà cũng phá hủy đạo Phật, tâm tình bất định, lui tới không chừng như vậy, được liệt vào hạng phạm chướng pháp.

5. Giết cha.

6. Giết mẹ.

7. Giết A-la-hán.

8. Phá hòa hợp Tăng: Có hai trường hợp. Thứ nhất, phá pháp luân Tăng: tự xưng mình là Phật, đặt ra những luật lệ khác với Phật đã chế định, lôi cuốn một số tỳ-kheo đi theo lập thành Tăng đoàn riêng biệt. Thứ hai, phá yết-ma Tăng: Tăng trong cùng một trú xứ, mà xúi dục, kích động, với bất cứ phương tiện nào, khiến cho chia rẽ thành hai nhóm trở lên, không chịu thuyết giới chung, và tự tứ chung. Trong hai trường hợp trên, Tổ Đạo Tuyên cho rằng chỉ tội phá pháp luân Tăng mới thành chướng pháp.

9. Với ác ý gây thương tích thân Phật: nay là thời không có Phật tại thế nên trường hợp này không xảy ra.

Trên đây, các điều 5, 6, 7, 8, và 9 được gọi là năm tội đại nghịch.

10. Bất năng nam: Tức đàn ông bất lực, cũng gọi là một hòang môn.[89] Có 5 loại: (1) Sanh hòang môn, tức là sanh ra không có cả nam căn và nữ căn; (2). Kiền hòang môn: bị thiến như thái giám hay hoạn quan các thứ; (3). Đổ hòang môn: thấy kẻ khác hành dâm nổi máu ghen, nam căn bị biến đổi; (4). Biến hòang môn: với dâm tâm thúc đẩy muốn hành dâm nhưng khi giao hợp thì nam căn biến đổi; (5). Bán nguyệt hòang môn: trong một tháng có 15 ngày nam căn bị biến đổi, trở thành bất lực.

11. Phi nhân: nghĩa đen là không phải là người. Mặc dù nghĩa đen như vậy, nhưng từ nay áp dụng cho các loài ma quỉ như a-tu-la, và một số thần linh như dạ-xoa, càn-thát-bà, các loại này về năng lực trí tuệ có thể bằng được loài người nhưng hiện thân không thể chứng đắc Niết-bàn nếu không tái sinh làm người.

12. Súc sinh: Theo tín ngưỡng phổ thông của Ấn thời xưa, một số loài súc sinh, như loài rồng hay rắn thần có thể hóa hiện ra hình người nhưng chúng không thể chứng đắc Niết-bàn trong hiện tại trừ khi tái sinh làm người. Ở những nơi không có tín ngưỡng như vậy, mà giới tử bỗng nhiên được hỏi: «Ngươi có phải súc sanh không?» thì không thể không ngạc nhiên. Do đó cần giải thích cho rõ trước khi hỏi. Vả lại, hai câu hỏi 11, 12 này cũng có ích về một mặt tức nó xác nhận tư cách giới tử với vinh dự là đã được sinh làm người.

13. Nhị hình: Tức một thứ lại cái hay bán nam bán nữ, vừa có nam căn vừa có nữ căn.

Ngoài ra còn có thêm 10 câu hỏi nữa mà giới tử phải trả lời. Chúng không phải là những chướng pháp vĩnh viễn chướng ngại sự chứng đắc Niết-bàn trong hiện tại. Nhưng đó là những ràng buộc từ bản thân, từ gia đình và xã hội, mà giới tử cần phải giải quyết cho xong trước khi thọ cụ túc để có thể gọi là «rũ sạch nợ đời» mà học đạo. Nội dung những câu hỏi này rất rõ ràng nên không cần giải thích chi tiết ở đây, mà sẽ được kể ra trong phần chính thức tiến hành tac pháp.

c. Tăng thành tựu:

Túc số Tăng để tác pháp yết-ma truyền giới cụ túc là 10 tỳ-kheo thanh tịnh, còn đủ tư cách, không phạm các điều khỏan trong giới bổn, hoặc có phạm nhưng đã sám hối, trừ tội ba-la-di. Ở biên địa thì số Tăng là 5 tỳ-kheo thanh tịnh, trong đó có 1 tỳ-kheo biết tác pháp yết-ma. Các tỳ-kheo được kể túc số này phải tập hợp lại một chỗ trong cương giới được ấn định. Luật Ma-ha Tăng-kỳ còn nói rõ các tỳ-kheo nếu ngồi cách xa nhau mà vói tay không đến nhau thì yết-ma không thành.[90] Nói cụ thể, khi tập họp, các tỳ-kheo không được cách nhau quá xa, và cũng không được khuất mặt nhau. Thậm chí, giả sử có người có thần thông cũng không được bay khỏi mặt đất.

Trong túc số Tăng, chỉ có một Hòa thượng cũng như một vị yết-ma. Có nhiều hơn thì yết-ma cũng bất thành.

d. Yết-ma thành tựu:

Những qui định về yết-ma hợp pháp đã được nói trong chương I, ở đây không nhắc lại nữa. Điều cần nói thêm là, khi tác pháp yết-ma mà có một tỳ-kheo nào trong túc số Tăng phủ quyết, tức nói lên sự không đồng ý của mình, thì yết-ma bất thành. Hoặc giới tử cũng có quyền phủ quyết yết-ma, mặc dù không được kể trong túc số Tăng. Thí dụ, giới tử trong lúc Tăng đang tiến hành tác pháp yết-ma, đột nhiên hối hận, tuyên bố mình không muốn thọ giới nữa, thì yết-ma đương nhiên bất thành phải hủy bỏ.

Đối tượng của yết-ma là giới tử. Mỗi lần tác pháp chỉ được phép với một giới tử mà thôi. Trong trường hợp đặc biệt có thể hai hoặc ba giới tử. Nhưng 4 giới tử trở lên đã thành số Tăng nên không thể là đối tượng của tác pháp, yết-ma bất thành.

vi. Tiến hành tác pháp


Trong các nghi truyền thọ giới ở nước ta, ngoài phần tác pháp căn bản theo sự truyền thừa của luật tạng, chủ yếu là luật Tứ phần, các tổ xưa còn kết hợp thêm vào nghi thức tế tự của người Trung quốc nữa. Do đó trong giới đàn, ngoài 10 giới sư ra, còn một số tỳ-kheo trợ lễ. Thông thường, ít nhất là thêm một vị điển lễ, cũng gọi là vị dẫn thỉnh, phụ trách xướng hiệu các tiết mục, để Tăng và giới tử hành sự, tiến thối, có qui củ nhịp nhàng, trang nghiêm và nghi vệ. Nếu là giới đàn lớn thì có bốn tỳ-kheo khác làm giám đàn, cầm nghi trượng ngồi hai bên trước Tăng. Đây là những nghi tiết phỏng theo tập tục cổ truyền của nước ta và Trung Quốc. Xét ra không phải là những điều bắt buộc phải có, cho nên ở đây không đề cập.

Các tỳ-kheo trợ lễ này không thuộc túc số Tăng, nhưng thảy đều ở trong phạm vi giới trường cả. Theo luật chế, khi các tỳ-kheo cùng hiện diện trong một cương giới mà làm yết-ma, thì tất cả hòa hợp. Nay trong trường hợp thọ giới, túc số Tăng để yết-ma chỉ gồm 10 tỳ-kheo, nhưng số tỳ-kheo hiện diện trong giới trường lại nhiều hơn, khiến cho trong cùng một cương giới mà có hai nhóm Tăng, và tác pháp yết-ma thành ra biệt chúng là phi pháp. Vì vậy điều này cần lưu ý để cho tác pháp được thành tựu và Tăng không mắc tội đột-kiết- la.

Thông lệ giới đàn ở nước ta từ xưa không thể thiếu các vị dẫn thỉnh và giám đàn, do đó sự sắp đặt vị trí của họ cần phải được hợp lý. Hoặc họ ngồi ngoài phạm vi giới trường, để khi Tăng tác pháp yết-ma khỏi mắc tội biệt chúng. Nhưng nói túc số Tăng mười vị tỳ-kheo là tối thiểu, mà số tỳ-kheo nhiều hơn cũng vẫn không trái luật. Như vậy vị trí của họ có thể ở trong giới trường, và khi Tăng yết-ma các vị này phải ngồi yên một chỗ, phát tâm tùy hỉ, không được đứng hay qua lại.

Trên đây là xét theo lý mà áp dụng linh động để cho nghi thức truyền thọ được long trọng thêm. Chứ theo đúng luật chế thì những việc dẫn giới tử tiến hay thối đều do vị giáo thọ mà Tăng đã cử ra.

Dưới đây chỉ nói đến các tiết mục tiến hành tác pháp theo luật chế, áp dụng cho tất cả mọi trường hợp truyền thọ giới cụ túc. Những chi tiết thêm thắt khác cho trang nghiêm hơn sẽ được nói đầy đủ trong một tập sách khác.

a. Thỉnh giới sư

Nếu có điển lễ, thì giới tử nói theo sự hướng dẫn của thầy điển lễ. Nếu không có, giới tử phải học thuộc các thỉnh để tự mình nói lấy.

1) Thỉnh Hòa thượng

Thầy điển lễ xướng:

- Các giới tử hướng về hòa thượng lạy một lạy.

Giới tử lạy xong, xướng tiếp:

- Hồ quì hiệp chưởng.

Giới tử quì xuống, điển lễ xướng:

- Các giới tử, tôi nay hướng dẫn các vị thỉnh giới sư. Theo phép thỉnh giới sư cá vị phải tự nói, nhưng vì các vị chưa biết rõ cách nói, nay tôi hướng dẫn các vị nói theo.

Đại đức nhất tâm niệm, con pháp danh là…. Nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng, cúi xin đại đức vì con làm Hòa thượng. Con nương theo đại đức mà được thọ giới cụ túc. Từ mẫn cố. (nói ba lần)

Hòa thượng đáp:

Lành thay, vậy các ngươi hãy chí thành thanh tịnh, chớ có buông lung.

Giới tử nói:

Y giáo phụng hành.

2) Thỉnh yết-ma a-xà-lê

Giới tử nói theo thầy điển lễ, hoặc tự nói. Văn thỉnh trên chỉ đổi các tiếng «Hòa thượng« thành ra «Yết-ma a-xà-lê.»

Thỉnh Giáo thọ a-xà-lê

Cũng như trên, nhưng đổi các tiếng Hòa thượng v.v… thành ra là Giáo thọ a-xà- lê.

Về việc thỉnh các tôn chứng, trong luật không có ghi. Nhưng sự thỉnh cầu này nếu có càng tốt. Văn thỉnh, với một ít thay đổi, cũng như các trường hợp trên.

Sau phần thỉnh giới sư, các giới tử lui ra khỏi giới trường.

b. Yết-ma truyền giới cụ túc

Thầy tỳ-kheo yết-ma xướng, và một trong các vị tôn chứng đáp. Về điều này, có sách ghi là thầy yết-ma xướng hỏi, thầy điển lễ đáp. Nhưng nếu thầy điển lễ không được kể trong túc số Tăng, thì khi Tăng yết-ma sai giáo thọ, vị ấy phải ra ngoài giới trường. Chỉ trừ khi được kể trong túc số Tăng, thầy điển lễ mới có đủ tư cách để trả lời. Đây là điểm tế nhị cần lưu ý để tác pháp được thành tựu.

Thầy yết-ma xướng:

-Tăng đã họp chưa?

- Tăng đã họp.

- Hòa hiệp không?

- Hòa hiệp.

- Người chưa thọ cụ túc đã ra chưa?

- Đã ra.

- Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

- Yết-ma truyền giới cụ túc.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Có các sa-di (pháp danh) xin cầu thọ cụ túc với Hòa thượng (pháp hiệu) nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận tỳ-kheo…. Làm giáo thọ. Đây là lời tác bạch.

c. Giáo thọ giới tử

Thầy giáo thọ dẫn giới tử đến chỗ khuất giới trường mà Tăng đang tập họp. Việc làm này không thuộc phận sự của Tăng. Thầy giáo thọ cần dạy trước giới tử những điều phải trả lời trước Tăng cho thông thuộc, để khi đến trước Tăng, giới tử không bối rối hay sợ sệt mà nói năng không thông suốt, không rõ ràng, khiến Tắng không nghe đầy đủ, và như thế, yết-ma sẽ không trọn vẹn. Vì là việc làm không thuộc Tăng, nên không được hỏi trước Tăng, tức trong phạm vi của giới trường.

Thầy giáo thọ ngồi; giới tử đảnh lễ 1 lạy, quì xuống nghe giáo thọ nói.

Giới tử dâng ba y, bình bát và tọa cụ cho giáo thọ. Giáo thọ đưa ra từng cái và hỏi:

- Đây là an-đà-hội, đây là uất-đa-la-tăng, đây là tăng-già lê, đây là bình bát, đây là tọa cụ, ba y, bình bát và tọa cụ này có phải là của ngươi không?

Giới tử đáp:

-Bạch, phải.

Giáo thọ nói:

- Này (nói pháp danh giới tử), hãy lắng nghe. Lát nữa ta sẽ dẫn ngươi lên bậc cao tột. Đây là thời gian chí thành. Đây là thời gian nói sự thật. Những điều ta sắp hỏi ngươi ở đây, lát nữa ngươi cũng phải trả lời trước Tăng như vậy. Điều gì có thật, hãy trả lời là có thật. Điếu gì không có thật, hãy trả lời là không có thật. Đừng khiếp sợ. Đừng bối rối. Lát nữa Tăng sẽ hỏi ngươi như sau:

-Ngươi có phạm biên tội không?

Giới tử đáp:

-Bạch, không.

Giáo thọ hỏi tiếp:

-Ngươi có phá tịnh hạnh của tỳ-kheo-ni không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là tặc trú không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là kẻ phá nội ngoại đạo không?

-Bạch, không.

-Ngươi có giết cha không?

-Bạch, không.

-Ngươi có giết mẹ không?

-Bạch, không.

-Ngươi có giết A-la-hán không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phá hòa hiệp Tăng không?

-Bạch. Không.

-Ngươi có gây thương tích Phật với ác ý không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là bất năng nam không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là phi nhân không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là súc sinh không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là nhị hình không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là quan viên tại chức không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là người trốn nợ không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là đầy tớ trốn chủ không?

-Bạch, không.

-Ngươi có phải là đàn ông không?

-Bạch, phải.

-Là đàn ông mà có bệnh sau đây, cùi, hủi, ung thư, ghẻ mủ, động kinh, lao phổi, ngươi có các bệnh ấy không?

-Bạch, không.

-Tuổi đủ hai mươi chưa?

-Bạch, dạ đủ.

-Y bát có đủ không?

-Bạch, có đủ.

-Cha mẹ đã cho phép chưa?

-Bạch, đã cho.

-Pháp danh ngươi là gì?

-Con pháp danh là…

-Hòa thượng của ngươi hiệu thượng… hạ…

Hỏi và đáp đầy đủ. Những điều cần giải thích, giáo thọ nên giải thích. Rồi giáo thọ nói tiếp với giới tử:

- Những điều ta vừa hỏi ngươi, lát nữa Tăng cũng sẽ hỏi như vậy, và ngươi cũng phải như vậy mà trả lời.

d. Bạch Tăng dẫn giới tử vào

Sau đó, giáo thọ dẫn giới tử trở lại giới trường đứng chờ bên ngoài. Giáo thọ đến trước Tăng và bạch:

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di… cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… tôi đã giáo thọ xong. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi sẽ gọi sa-di… vào.

Thầy yết-ma nói:

- Nếu thanh tịnh hãy cho vào.

Giáo thọ dẫn giới tử vào.

e. Giới tử bạch Tăng xin giới

Giới tử vào trước Tăng, lạy ba lạy, y bát để trước mặt, hoặc giáo thọ giữ hộ. Giáo thọ hướng dẫn giới tử bạch Tăng, hoặc giới tử tự nói lấy nếu biết cách.

- Bạch Đại đức Tăng, con sa-di… cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… con nay cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… cúi mong Tăng rũ lòng thương tưởng đưa con lên bực cao. (nói ba lần)

f. Yết-ma hỏi các chướng pháp

Thầy yết-ma xướng:

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di…. này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng…. Sa-di này nay cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi hỏi các chướng pháp.

Giới tử dâng y bát của mình lên cho thầy yết-ma xem. Thầy yết-ma xem xong, hỏi:

- Đây là an-đà-hội, đây là uất-đa-la-tăng, đây là tăng-già lê, đây là bình bát, đây là tọa cũ, ba y, bình bát và tọa cụ này có phải là của ngươi không?

Giới tử đáp:

- Bạch, phải.

Thầy yết-ma nói:

- Này (pháp danh giới tử), hãy lắng nghe đây. Đây là thời gian chí thành. Đây là thời gian nói sự thật. Những điều ta sắp hỏi ngươi sau đây, điều nào có thật, hãy trả lời là có thật; điều nào không có thật, hãy trả lời là không có thật.

- Ngươi có phạm biên tội không?

Giới tử đáp:

- Bạch, không.

Hỏi và đáp đủ như trong phần giáo thọ trên, cho đến:

- Hòa thượng của ngươi hiệu là gì?

- Hòa thượng của con hiệu là…

g. Bạch tứ yết-ma truyền cụ túc

Sau phần Tăng chính thức hỏi các chướng pháp, hòa thượng nói lời khai đạo, khích lệ giới tử về sự thọ giới và trì giới để hướng tâm lên bực cao thượng; nói về uy lực của bạch tứ yết-ma để giới thể vô tác được thành tựu. Tiếp theo, thầy yết-ma bạch Tăng:

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa-di này nay cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa-di này đã tự nói là thanh tịnh, không có các chướng pháp, tuổi đủ hai mươi, ba y và bình bát, tọa cụ đã đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận cho thọ cụ túc với Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng…Sa-di này cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa-di này đã tự nói là thanh tịnh, không có các chướng pháp, tuổi đủ hai mươi,ba y và bình bát tọa cụ đầy đủ. Tăng nay chấp thuận cho sa-di… thọ cụ túc với Hòa thượng… Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho sa-di… thọ cụ túc với Hòa thượng… thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… (như trên, cho đến) Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ hai.

- Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Sa-di này… (như trên) Đây là yết-ma lần Thứ ba.

Tăng đã chấp thuận cho Sa-di… thọ cụ túc với Hòa thượng… vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Đến đây, sau khi tất cả tiết mục đều được tiến hành đúng pháp, yết-ma thành tựu, giới tử từ giờ phút này được kể là tỳ-kheo. Giới sư nói ít lời nhắc nhở vị tân tỳ-kheo về cách tính ngày tháng, và tuổi theo hạ lạp. Lịch pháp xưa ở Ấn độ không được phổ biến quần chúng, cho nên tân tỳ-kheo được chỉ dạy chi tiết để có thể biết ngày nào Tăng thuyết giới, ngày nào kết hạ an cư, ngày nào tự tứ, theo tháng thiếu và tháng đủ, năm bình thường và năm nhuận như thế nào. Ngày nay lịch pháp được phổ biến rộng rãi, do đó việc chỉ cách tính tháng, tính mùa và tính năm không cần thiết. Giới sư chỉ cần nhắc tân tỳ-kheo rằng ngày này, tháng này, năm này, giờ này mình đắc giới cụ túc, như người đời ghi nhớ kỹ ngày tháng và năm sinh vậy. Nhưng giới sư phải chỉ cho tân tỳ-kheo biết cách tính tuổi hạ lạp. Kể từ giờ phút đắc giới cụ túc này cho đến trước ngày tự tứ lần đầu tiên, nếu có ai hỏi tuổi thì phải trả lời mình chưa được tuổi nào. Sau đó, cứ theo ngày tự tứ mỗi năm mà tính thôi.

Giới tử thọ cụ túc đã thành tựu, nghi thức thọ giới đã hòan tất. Tuy nhiên, Hòa thượng hay giớí sư lại cần giảng cho tân tỳ-kheo biết về tứ y và tứ khí, để biết mà chấp hành và học tập. Theo các truyền thống khác, pháp tứ y được nói trước, kế đó mới nói pháp tứ khí. Nhưng theo truyền thống luật Tứ phần thì tứ khí được nói trước. Nước ta hành trì theo luật Tứ phần do đó dưới đây cũng sẽ nói về tứ khí trước.

h. Truyền pháp tứ khí

Tiếng Phạn nói Pārajika. Hán âm là ba-la-di hoặc ba-la-thị-ca, dịch là đọa, khí, hoặc tha thắng. Tứ khí tức bốn ba-la-di hay bốn trọng cấm. Nếu tý kheo phạm một trong bốn trọng cấm này, không còn tư cách là tỳ-kheo nữa, không được sống chung với các tý kheo khác, nghĩa là bị khai trừ ra khỏi giáo đoàn Tăng lữ.

Hòa thượng hay giới sư nói:

- Này tân tỳ-kheo, đức Như Lai, bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, đã nói bốn pháp ba-la-di. Nếu tỳ kheo phạm một trong bốn pháp này, người đó không còn là sa môn, không còn là Thích tử nữa.

Thứ nhất, tỳ-kheo đã đắc giới cụ túc, không được hành pháp dâm dục, bất tịnh hạnh, cho đến cùng với loài vật. Tỳ-kheo nào hành pháp dâm dục, bất tịnh hạnh, người đó không còn là sa môn, không phải là Thích Tử nữa. Đức Thế tôn đã nói thí dụ rằng: Cũng như một người bị chặt đầu thì không thể sống được nữa. Cũng vậy, tỳ-kheo nếu phạm pháp ba-la-di này, phẩm chất tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thứ hai, tỳ-kheo đã đắc giới cụ túc, không được cố ý lấy vật không cho, nhẫn đến một cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo lấy trộm năm tiền hay vật tương đương năm tiền trở lên, tự mình lấy hoặc bảo người khác lấy, tự mình phá hoặc bảo người khác phá, tự mình chặt hoặc bảo người khác chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc hủy hoại mất màu sắc, người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. Cũng như cây đa la bị cắt đứt lõi, không thể sinh trưởng được nữa. Cũng vậy, tỳ-kheo phạm pháp ba-la-di này, phẩm chất tỳ kheo không thể phục hồi được nữa.

Thứ ba, tỳ-kheo đã đắc giới cụ túc không được cố ý giết hại mạng sống, nhẫn đến con kiến. Tỳ-kheo nào cố ý giết người, tự tay mình cầm dao giết, hay đưa người khác giết, hoặc xúi dục người tự sát, ca ngợi để người tự sát, đưa thuốc độc cho người, làm trụy thai, hoặc bằng chú thuật mà giết, hoặc tự mình đặt phương tiện giết hay bảo người khác giết; người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. Như cây kim đã sút lỗ không còn dùng được nữa. Cũng vậy, tỳ-kheo đã phạm pháp ba-la-di này rồi, phẩm chất tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thứ tư, tỳ-kheo đã đắc giới cụ túc không được cố ý nói dối, nhẫn đến nói dối mà chơi. Nếu tỳ-kheo tự mình không thật sự chứng đắc mà nói rằng: «Tôi đã chứng đắc pháp thượng nhơn, đắc thiền, đắc giải thoát, đắc định, đắc bốn không định, đắc quả Tu-đà-hòan, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. A-la-hán, trời, rồng, quỷ, thần đến cúng dường tôi; như vậy người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. như tảng đá lớn bị vỡ làm hai không còn dính lại được nữa. cũng vậy, tỳ-kheo phạm ba-la-di này rồi, phẩm chất tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

i. Truyền pháp tứ y

Tứ y tức bốn chỗ nương tựa, là bốn căn bản cho đời sống của tỳ-kheo; như đã đề cập đoạn trên.

Hòa thượng hay giới sư nói:

- Này tân tỳ-kheo, đức Như Lai, bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, đã nói bốn pháp sở y. Tỳ-kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới cụ túc, thành phẩm chất tỳ-kheo.

- Thứ nhất, tỳ-kheo sống y trên y phấn tảo; y trên đây mà xuất gia, mà thọ cụ túc, thành phẩm chất tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được phép thọ dụng y do đàn việt cúng dường, y đã được cắt rọc hay hủy hoại (màu sắc).

- Thứ hai, tỳ-kheo sống y trên sự khất thực; y trên đây mà xuất gia, mà thọ giới cụ túc, thành phẩm chất tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng, là Tăng sai thọ thực, hay đàn-việt cung cấp các bữa ăn định kỳ mỗi tháng các ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm, hoặc các bữa ăn thường của Tăng, hay được đàn-việt mời.

- Thứ ba, tỳ-kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ, y theo đây mà xuất gia, mà thọ giới cụ túc, thành phẩm chất tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một ngôi nhà nóc nhọn, một căn phòng nhỏ, một hang đá,hay hai căn phòng có chung một cửa.

- Thứ tư, tỳ-kheo sống y nơi các loại thuốc hủ lạn,[91] y trên đây mà được xuất gia, mà thọ giới cụ túc. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. trường hợp đặc biệt được thọ dụng là tô, sanh tô, dầu, đường phèn và mật.

k .Giáo giới

- Này tân tỳ-kheo, việc thọ giới của ngươi đã xong. Bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu, xứ sở thành tựu, Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, chúng Tăng đầy đủ túc số. Vậy ngươi phải khéo thọ trì giới pháp, cần phải khuyến hóa mọi ngừời làm việc phước, xây tháp, cúng dường Phật Pháp Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê; tất cả những gì các ngài dạy như pháp không được trái nghịch. Ngươi phải học hỏi, tụng đọc kinh điển, siêng năng nỗ lực để ở trong Phật pháp mà chứng đắc các quả vị Tu-đà-hòan, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la- hán, thì sơ tâm xuất gia của ngươi mới không luống uổng, quả báo không dứt. Còn những điều nào mà ngươi chưa biết, thì hãy thưa hỏi Hòa thượng A-xà-lê.[92]

Những tiết mục căn bản trong nghi đến đây hòan tất. Việc xả y cũ, thọ y, bát mới, và việc xin y chỉ, là phận sự đầu tiên mà vị tân tỳ-kheo phải biết. Những điều này sẽ được nói tiếp trong các phần dưới đây.

TIẾT 3: XẢ VÀ THỌ Y BÁT


Việc xả y bát cũ, thọ y bát mới là một tiết mục trong sự hành trì nghi thức thọ giới.[93] Nó có thể được nói trong mục thọ giới ở trên. Nhưng ở đây được nói thành mục riêng vì tầm mức quan trọng của nó.

Y và bát là vật dụng tùy thân của một tỳ kheo, là phương tiện để sinh sống đúng theo bốn thánh chủng, cho đến, đây cũng là tín hiệu truyền thừa trong thánh chủng.[94] Vị tân tỳ-kheo, sau khi đã đắc giới cụ túc, phận sự đầu tiên phải biết các cách thức xả và thọ. Phận sự này không phải chỉ được thực hiện một lần sau khi mới đắc giới, mà là phận sự phải thực hiện trọn đời. Do đó, ngay sau khi thọ giới, thì giới sư hoặc Hòa thượng, hay vị có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn tân tỳ-kheo trên đường tu tập, phải chỉ bảo tường tận.

1. BA Y


Theo Phật chế, một tỳ-kheo phải có đủ ba y và một bình bát.[95] Chỉ ba y và một bình bát chứ không được có nhiều hơn.[96] Nhưng vấn đề y phục có những quan hệ chặt chẽ với phong tục tập quán của mỗi nước. Do vậy, trên thực tế, trong sinh hoạt thường nhật của người xuất gia, vấn đề y phục đã có một số đổi khác ở Trung quốc, so với truyền thừa từ Ấn độ, và ngay trong những nước chịu ảnh hưởng văn minh Trung quốc, như nước ta và nước Nhật bản, cũng đã có thêm những điều khác biệt so với Trung quốc. Do vậy, trên nguyên tắc luật định, một tỳ-kheo chỉ có được ba y, nhưng trên thực tế nước ta, ngoài ba y theo luật ấn định ấy còn có y phục thường nhật khác nữa và ba y theo luật định trở thành lễ phục.

Ba y mà Phật chế[97] gồm có: 1. An-đà-hội, tiếng Phạn là antarvāsa, nghĩa là y trong hay y dưới; 2. Uất-đà-la-tăng, tiếng Phạn là uttarasaṅgha, y khoác vai. Hán dịch là thượng y; 3. Tăng-già-lê, tiếng Phạn, saṅghātī, nghĩa là y có hai lớp, loại y trùm kín thân thể.

Về kích thước mẫu y an-đà-hội được qui định là chiều cao hai khuỷu tay, khoảng một mét; chiều ngang 4 khuỷu tay, khoảng 2 mét. Về mẫu y uất-đa-la-tăng, cao ba khuỷu tay khoảng 1,5 mét, và rộng 5 khuỷu tay, khoảng 2,5 mét. Mẫu tăng-già-lê cũng vậy.Tuy nhiên, luật cũng nói rằng dài hay rộng tùy theo tầm thước của mổi người.[98] Hoặc theo chuẩn khác, mẫu trung bình là ba và năm khủyu. Mẫu y lớn nhất, cao 3 khuỷu rưỡi, dài 6 khuỷu.[99]

Nếu là y mới thì an-đà-hội và uất-đa-la-tăng may một lớp; tăng-già lê có hai lớp. Nếu là y cũ, thì an-đà-hội và uất-đa-la-tăng có hai lớp, tăng-già lê có 4 lớp.[100]

Về cách may, vải may y phải được rọc thành miếng[101] rồi ráp lại như thửa ruộng, để tiêu biểu cho ruộng phước.[102] Người khoác y như vậy là người gìn giữ ruộng phước cho trời và người có thể gieo trồng hạt giống phước thiện vào đó. Về hình thức thửa ruộng, chiều ngang nếu có 5 khoảng thì gọi là y năm điều, 7 khoảng thì gọi là y bảy điều, cho đến 25 khoảng. Ít nhất là 5 khoảng, và nhiều nhất là 25 điều. Chỉ chia khoảng theo số lẻ chứ không bao giờ chia theo số chẵn.[103] Còn theo chiều đứng, nếu y năm điều, thì gồm một khoảng dài và một khoảng ngắn. Từ 7 đến 13 điều gồm 2 dài 1 ngắn. Từ 15 đến 19 gồm 3 dài 1 ngắn. Tù 21 đến 25 gồm 4 dài 1 ngắn. Cách chia khoảng không ảnh hưởng đến tên gọi của y, nghĩa là gọi uất-đà-la-tăng hay tăng-già-lê tùy theo chiều kích, lớp vải, và công dụng chứ không tùy theo các điều. Tuy nhiên, theo thông dụng, y an-đà-hội có 5 điều và do đó cũng thường gọi là y ngũ; uất-đà-la-tăng gồm 7 điều và thường gọi là y thất.[104] Tăng-già lê có ba bậc, từ 9 đến 13 điều là bậc hạ, từ 15 đến 19 là bậc trung, và từ 21 đến 25 là bậc thượng.[105]

Theo phép, nếu y đã cũ không muốn dùng nữa thì phải làm phép xả,[106] và y mới phải làm phép thọ trước khi dùng. Thọ là xác nhận nó thuộc sở hữu riêng của mình, và xả là tuyên bố nó không còn thuộc sở hữu của mình nữa.

Trước khi thọ y mới phải làm phép điểm tịnh, tức ghi một hay ba dấu chấm lên trên một góc y.[107] Dấu chấm lớn nhất bằng con mắt của đuôi con công; nhỏ nhất có thể bằng đầu chiếc đũa. Khi điểm tịnh, tự tay mình cầm cây viết ghi một hay ba dấu chấm lên trên y, vừa nói thānh tiếng hay tâm niệm rằng: «Tôi điểm tịnh.»

2. XẢ MAN Y


Sau khi đắc giới cụ túc, vị tân tỳ-kheo phải xả man y đã thọ lúc sa-di. Văn xả như sau. Vị tân tỳ-kheo hướng về thầy yết-ma hay giới sư, lễ một lễ, quì xuống, hai tay bưng y bạch rằng:[108]

«Đại đức Tăng rũ lòng thương tưởng, con…, man y này trước con đã thọ, nay xin xả.»

Nói một lần, giới sư đáp:

-Thiện.

Tân tỳ-kheo nói:

-Mô Phật.

3. XẢ CÁC Y CŨ


Trong ba y, y nào không dùng nữa, phải xả, khi xả, hoặc đối trước bàn Tổ, làm phép tâm niệm xả. Hoặc đối trước một tỳ-kheo khác, làm phép đối thủ xả. Văn xả như sau:

«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo…, tăng-già-lê (hoặc uất-đa-la-tăng v.v…) là một trong ba y của con, trước đã thọ trì, nay xin xả

4. ThỌ BA Y


Như đã nói ở trên, theo luật chế nguyên thủy thì tên gọi các y an-đà-hội, uất-đa-la-tăng hay tăng-già-lê không theo số điều. Do đó, như uất-đà-la-tăng chẳng hạn, có thể từ 5 đến 25 điều. Nhưng thông dụng thường có sự phân biệt như sau: chiều kích cả ba y giống nhau và khóac như nhau, nhưng an-đà-hội chỉ có 5 điều, uất-đa-la-tăng 7 điều, và tăng-già-lê từ 9 điều trở lên.

Văn thọ ba y trong Tùy cơ yết-ma của Đạo Tuyên (22) có hai mẫu thọ điển hình về an-đà-hội: mẫu 5 điều và mẫu 25 điều.

Nay theo thông dụng ở nước ta, sự phân biệt các loại y tùy theo số điều chứ không tùy kích thước và lớp vải.

Cách thọ cả ba y đại khái giống nhau: hoặc tâm niệm thọ, tức đối trước bàn Tổ mà đọc văn thọ. Hoặc đối trước một tỳ-kheo khác làm chứng minh cho mà thọ.

Văn thọ ba y như sau:

a.An-đà-hội


Người thọ y đảnh lễ vị chứng minh một lễ, qùy xuống hai tay bưng y dâng lên, tác bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo…; đây là an-đà-hội 5 điều, mỗi điều gồm một khoảng dài và một khoảng ngắn, là y được cắt rọc, nay con xin thọ trì.» (nói ba lần)

Vị chứng minh nói:

-Thiện.

Người thọ đáp:

-Mô Phật.

Khi đắp đọc bài kệ:

Lành thay y giải thoát,

Y vô thượng phước điền.

Con nay cúi đàu thọ,

Nguyện kiếp kiếp không rời.

Án tất đà da ta bà ha (ba lần).

b. Uất-đa-la-tăng


Tác lễ như thọ an-đà-hội, Văn bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm. Con tỳ-kheo…. Đây là uất-đa-la-tăng 7 điều, mỗi điều gồm hai khoảng dài và một khoảng ngắn, là y cắt rọc, nay con xin thọ trì .» (ba lần)

Kệ đắp y:

Lành thay y giải thoát,

Y vô thượng phước điền.

Con nay cúi đầu thọ,

Nguyện đời đời thường khóac.

Án độ ba độ ba ta bà ha (ba lần)

c. Tăng-già lê


Tác lễ như trên. Văn bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm. Con tỳ-kheo…; đây là tăng-già-lê chín điều, gồm ba khoảng dài, một khoảng ngắn, là y được cắt rọc và gấp lớp (tiếp điệp), nay con xin thọ trì.» (ba lần)

Kệ đắp y:


Lành thay giải thoát

Y vô thượng phước điền.

Vâng lãnh mạng Như Lai,

Nguyện độ khắp quần sanh.

Án ma ha ca bà ba tra tất đế ta bà ha (ba lần).

5. BÌNH BÁT


Bình bát, tiếng Phạn nói pātra, Hán âm là bát-đa-la, chỉ chung các thứ chén bát, tất cả những thứ dùng để đựng các thức ăn và uống. Hán dịch là ứng lượng khí, nghĩa là vật dụng để lường mức thích hợp. Bình bát là một trong sáu vật dụng tùy thân cần thiết của một tỳ-kheo, là phương tiện thực hành thánh chủng, là tín hiệu truyền thừa của Thánh chủng. Đời sống của người xuất gia phải dựa trên sự khất thực, do đó, bình bát trở thành vật dụng cũng quan trọng như ba y. Ba y và bình bát dối với tỳ-kheo được ví như hai cái cánh của con chim. Chất liệu làm bình bát có thể bằng sắt hay là bằng đất nung.[109] Theo qui định, bình bát cỡ nhỏ nhất phải chứa được một đấu rưỡi, và cỡ lớn nhất không được quá ba đấu.

a. Thọ bát


Tác lễ như thọ y. tay trái bưng bát. Tay mặt úp lên bát. Văn bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo…, đây là bát-đa-la, đúng cỡ để thường dùng, nay con xin thọ

Kệ thọ bát:

Lành thay Bát đa la,

Như Lai ứng lượng khí.

Vâng giữ để nuôi thân,

Nuôi lớn trí tuệ mạng.

Án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra (ba lần).

b. Xả bát


Tác lễ như trên, văn bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… đây là Bát đa la, trước đã thọ trì, nay xin xả .»(ba lần).

6. TỌA CỤ


Tiếng Phạn nói nisīdana, Hán âm là ni-sư-đàn và dịch là tọa cụ, là vật dụng để lót ngồi. Đây cũng là vật dụng tùy thân cần thiết của một tỳ-kheo. Về kích thước, được qui định phần giữa lòng chiều dài bằng hai gang tay của phật, khoảng 1,6 mét, và chiều ngang 1,5 gang tay của Phật, khoảng 1,2 mét, kế đó phần rìa chung quanh bốn bên, mỗi bên thêm 1,5 gang tay Phật nữa, khoảng 0,3 mét. Lớn quá cỡ này là phạm tội ba-dật-đề. Tọa cụ mới có thể may làm hai lớp, tọa cụ có thể bốn lớp.[110]

a. Thọ ni sư đàn


Tác lễ như thọ y và bát. Văn bạch:

«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo…; đây là Ni sư đàn được may đúng lượng, nay con xin thọ trì.» (nói 3 lần).

Kệ thọ ni sư đàn:

Tọa cụ Ni sư đàn,

Nuôi lớn chồi tâm tánh.

Trải bày lên đất thánh,

Vâng giữ mạng Như Lai.

Án đàn ba đàn ba ta bà ha (ba lần).

b. Xả ni sư đàn


Phỏng theo các cách xả trên.

7. ĐÃY LỌC NƯỚC


Vật dụng tùy thân thứ tư của tỳ-kheo là đãy lọc nước. Không có văn tác bạch thọ và xả, chỉ có bài kệ như sau:

Lành thay đãy lọc nước,

Biểu hiệu đức từ tâm.

Tùy thân tùy thời dụng,

Mới họp đạo thánh hiền.

Án phạ tất ba ra ma ni ta bà ha (ba lần)

TIẾT 4. THỈNH THẦY Y CHỈ


Người mới thọ giới tỳ-kheo, công việc trước hết là phải học tập đầy đủ các bổn phận của một tỳ-kheo. Phật chế, tỳ-kheo chưa đủ 5 tuổi hạ không được phép rời thầy y chỉ mà sống riêng biệt một mình.[111] Nếu đủ 5 tuổi hạ, nhưng chưa học hết giới bổn, chưa rõ những điều nào nên là hay không nên làm, trường hợp nào phạm tội hay không phạm tội, trường hợp nào phạm tội nặng, trường hợp nào phạm nhẹ, không biết làm các pháp yết-ma, không rõ các phận sự thuyết giới, an cư, tự tứ; tỳ kheo đó vẫn chưa được phép rời thầy y chỉ. Dù tuổi hạ 60, và tuổi đời 80 mà không thông các phận sự ấy thì cũng chưa được phép rời y chỉ.[112]

Một tỳ-kheo mà không thông suốt các phận sự của tỳ-kheo, nếu sống tự lập không y chỉ, thảng hoặc đến một trú xứ nào mà tại nơi đó tình cờ cũng tập hợp các tỳ-kheo đủ túc số tối thiểu để thành Tăng, nhưng trong đó lại không một ai biết yết-ma, biết thuyết giới hay tự tứ, thì làm sao họ có thể thực hiện các phận sự thông thường của Tăng.[113] Hạng tỳ kheo ấy, đức Phật ví như một đàn dê, ngu si, chỉ biết ăn và ngủ.[114]

Thông thường, vị y chỉ sư chính là bổn sư thế độ cho xuất gia, và cũng là Hòa thượng truyền giới cụ túc. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, hoặc Hòa thượng tịch hoặc bãi đạo, thì phải tìm đến một vị Thượng tọa đủ các đức tính, như đã nói mục tư cách của vị Hòa thượng ở trên, thỉnh cầu làm y chỉ sư, sống nương tựa theo vị này mà học đạo.[115] Trong khi đang nương tựa theo y chỉ sư mà sống, nếu có duyên sự cần đi xa, phải trình bày rõ, để thầy trù lượng có nên đi hay không, và nơi đến là nơi nào, đi bao nhiêu ngày. Nơi cần đến mà không có vị nào đủ tư cách làm y chỉ sư, không được phép dừng lại đó cho đến đêm thứ sáu mà vẫn không có người làm y chỉ.[116] Nếu tại đó có Thượng tọa có thể làm y chỉ, Thượng tọa cần hỏi han cẩn thận về bổn sư của người xin y chỉ, về gốc trú xứ, về sự học hỏi kinh điển như thế nào. Nếu trả lời đúng pháp thì mới chấp nhận; còn trả lời mơ hồ, không đúng pháp, thì Thượng tọa nên nói: «Tôi không quen biết ông. Vậy ông nên đi nơi khác mà cầu y chỉ.» Hoặc Thượng tọa có một vài điểm nghi ngờ nào đó, có thể tạm thời cho lưu lại ít ngày để dò xét, cho đến đêm thứ sáu phải cho y chỉ, nếu thấy hiệp ý.

Luật cũng nói rằng, khi vị tân tỳ-kheo tìm đến một Thượng tọa xin y chỉ, nếu Thượng tọa không đủ khả năng cung cấp cho Phật pháp cũng như vật thực, thì tân tỳ-kheo ấy có thể tự động bỏ đi khỏi cần thưa hỏi. Nếu Thượng tọa chỉ có khả năng cung cấp vật thực nhưng không thể dạy cho Phật pháp, thì nên thưa hỏi rồi mới đi. Trường hợp vì Thượng tọa có khả năng dạy bảo Phật pháp, nhưng không có đủ vật thực, thì cho dù kham khổ cũng cần phải suốt đời nương tựa theo mà học đạo. Nếu Thượng tọa có đủ cả thực lẫn pháp, thì cho dù có bị xua đuổi cũng không được bỏ đi.[117]

Trong lúc đang tiền an cư, nếu thầy y chỉ tịch, phải đi tìm vị khác mà tác pháp hậu an cư. Nếu trong lúc hậu an cư thầy y chỉ tịch, có thể lưu lại chỗ cũ trong một thời gian hai kỳ bố-tát, sau đó phải đi đến nơi khác tìm thầy y chỉ, không được để quá ngày bố-tát thứ hai. Hoặc tại trú xứ có nhiều tân tỳ-kheo cùng y chỉ một Thượng tọa, mà vị Thượng tọa ấy nửa chừng viên tịch, thì nên thỉnh cầu một Thượng tọa đủ đức khác về đây làm y chỉ. Trong khoảng hai kỳ bố-tát nếu không tìm được thầy y chỉ, các tân tỳ-kheo ở đây phải tự động lên đường đi tìm y chỉ, không được quá ngày bố-tát thứ hai.

Thượng tọa y chỉ sư và các tỳ-kheo y chỉ đối đãi nhau như tình cha con. Tân tỳ-kheo có bổn phận hầu hạ, chấp tác những công việc nặng nhọc thay thầy y chỉ. Bổn phận thờ thầy không khác như sa-di thờ thầy, được nói trong luật sa-di, ở đây không cần thiết phải nhắc lại.

Trong trường hợp tân tỳ-kheo y chỉ ngoan cố, khó dạy bảo, Thượng tọa tự thấy không đủ khả năng tiếp tục dạy bảo, dù với bất cứ phương tiện nào, nhẫn đến trách mắng hay trừng phạt, thì Thượng tọa hoặc đuổi đi, hoặc tuyên bố dứt y chỉ. Nhưng nếu tân tỳ-kheo đó lại là người có thế lực, không thể tuyên bố dứt y chỉ theo cách thông thường, thì Thượng tọa có thể đi ra khỏi đại giới một đêm, hoặc vào ngủ trong giới trường một đêm, cho đến ánh sáng ban mai xuất hiện mới trở lại đại giới trú xứ. Đây là phép dứt y chỉ. Bởi, theo luật quy định, tân tỳ-kheo sống khác phạm vi cương giới với thầy y chỉ cách một đêm, thì sự y chỉ bị dứt. Phép dứt y chỉ này áp dụng cho cả Thượng tọa và tân tỳ-kheo. Như trường hợp ngược lại, khi Thượng tọa có những hành vi mà mình không kham chịu đựng; và cũng không thể can gián; và đã có can gián mà Thượng tọa đó cũng không nghe; và bản thân không thể rời trú xứ ấy được, vị tân tỳ-kheo có thể làm pháp dứt y chỉ như đã nói.

Những sự việc liên hệ vấn đề y chỉ là những phận sự đầu tiên và căn bản của tân tỳ-kheo, do đó, không thể không biết, hoặc biết sơ sài. Cách ngôn Ấn độ có câu: «Con sâu, cái kiến dù là thân phận thấp hèn nhưng nếu bám lên được cánh hoa thì có thể ở trên đầu của hàng vương giả.» Người mới xuất gia cũng vậy, phải nương theo những bậc đạo cao đức trọng để được cất nhấc lên cao, hướng dẫn tới đời sống cao thượng hơn, như thế mới không phụ sơ tâm của mình.

Phép thỉnh y chỉ[118]


Y áo chỉnh tề, đến trước Thượng tọa, lễ ba lễ, quì xuống, chấp tay bạch:

«Đại đức rũ lòng thương tưởng. Con tỳ-kheo…, nay cầu xin đại đức làm thầy y chỉ. Ngưỡng mong đại đức làm nơi nương tựa cho con. Con nương tựa đại đức mà sống và học đạo

Thượng tọa nói:

«Được vậy. Ta làm y chỉ cho ngươi. Hãy cẩn thận chớ buông lung

Tỳ kheo cầu y chỉ đáp:

«Y giáo phụng hành



[1] Câu-xá 13, Đại 29, tr.69a16: Kinh nói, giới như bờ đê, có khả năng ngăn chận sự phạm giới. Kośa, 197: setuś ca sūtre viratir uktā. dauḥśīlyavibandhatvāt.
[2] Tát-bà-đa: «Thọ giới với tâm ân trọng thì có vô giáo (=vô biểu). Nếu thọ với tâm coi nhẹ, chi có giáo (=biểu) mà không có vô giáo»; dẫn bởi Hành sự sao I3, tr. 25a 8; Cf. Câu-xá 13, Đại 29, tr. 69a23: Hữu bộ nói, nếu không tồn tại vô biểu, thì không có biệt giải thóat luật nghi. Kinh bộ (Sautrāntika) bác bỏ quan điểm này. Sdd. tr. 69a26, Hữu bộ dẫn kinh chứng, giới là bờ đê; chính giới thể vô biểu là bờ đê ngăn chận sự phạm giới. Kinh bộ (Sdd., tr. 70a12) bác bỏ. Cf. Thành thật luận 7 (Đại 32n1646, tr.0290a24): «Nếu không tồn tại vô tác (= vô biểu) thì không có các pháp như tránh xa sự sát sinh v.v.»
[3] Câu-xá 14, Đại 29, tr.74b21, biệt giải thóat luật nghi, đắc giới do sự chỉ giáo của người khác (Skt. paravijñāpana)... Hoặc đắc giới từ Tăng như giới của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni và chánh học; hoặc đắc giới theo cá nhân như loại giới còn lại.
[4] Trừ Đại thừa bồ tát giới, lấy bồ đề tâm làm gốc, gọi là tâm địa giới, thì có thể tự thọ.
[5] Tư cách lý tưởng, Tứ phần 34 (tr. 806b), nếu chưa thành tựu 5 pháp thì chưa thể truyền cụ túc cho người: 1. giới chưa thành tựu; 2. định chưa thành tựu; 3. tuệ chưa thành tựu; 4. giải thóat chưa thành tựu; 5. giải thóat tri kiến chưa thành tựu. Thập tụng 21 (tr.149b), thành tựu 5 pháp: tín, giới, đa văn, xả, tuệ. Tư cách chung, Tăng kỳ 28 (tr.457c), phải thành tựu 10 pháp mới được độ người xuất gia, thọ cụ túc: 1. trì giới; 2. học rộng A-tì-đàm; 3. học rộng Tì-ni; 4. học giới; 5. học định; 6. học tuệ; 7. biết rõ pháp xuất tội; 8. đủ khả năng chăm sóc người bịnh; 9.có khả năng giải quyết những khó khăn cho đệ tử; 10. tuổi đủ 10 hạ. Xem thêm, Ngũ phần 17 (Đại 22, tr. 114c8); Căn bản xuất gia sự 3 (Đại 23, tr. 1031b4).
[6] Ngũ phần 17 (Đại 22, tr. 114c); Tăng kỳ 28 (Đại 22, tr.457c); Tứ phần 34 (Đại 22, tr. 806b); Thập tụng 21 (Đại 23, tr. 149b); Căn bản xuất gia sự 3 (Đại 23, tr. 1031b); Pali, Mahāvagga I, Vin.i. 62.
[7] Tùy cơ yết-ma I (Đại40, tr.496b3): «Khất cầu độ nhân pháp 乞求度人法» Với phụ chú: «Bấy giờ các tỳ-kheo bèn độ người, nhưng không biết dạy dỗ, vì ngu si. Đệ tử không được dạy dỗ đầy đủ, nên không có oai nghi, đắp y không tề chỉnh, khất thực không đúng pháp ... Phật dạy: ‹Nay quy định Tăng tác bạch nhị yết ma cho phép truyền thọ cụ túc..› »
[8] Ngũ phần 16 (tr.110c): Phật trú tại Vương xá, sau khi hóa độ anh em Uất-bệ-la Ca-diếp cùng một nghìn đệ tử; Xá-lị-phất và Mục-kiền-liên với 250 đệ tử. Cho đến bây giờ, Thế Tôn chưa quy định pháp Hòa-thượng a-xà-lê. Vì không người hướng dẫn nên nhiều tân tỳ-kheo thiếu oai nghi lễ tiết, và nhiều sự phiền hà khác. Do đó, Phật quy đinh, người xuất gia phải có Hòa thượng. Tăng kỳ 23 (tr.412c), duyên khởi gần như Ngũ phần; thêm chi itết: sau ngày thành đạo 5 năm.
[9] Trường hợp điển hình, tôn giả Bà-tiên (Pàli: Upasena Vaṅgantaputta) em trai ngài Xá-lị-phất, mới được hai hạ đã nhận đệ tử và truyền giới cụ túc, bị Phật khiển trách. Tứ phần 33 (Đại 22, tr. 800a). Cf. Pali, Mahāvagga I, Vn.i.59.
[10] Theo Tùy cơ yết-ma (Chư giới thọ xả thiên), Tăng yết-ma (Hòai Tố, Thọ giới thiên). Chưa tìm thấy minh văn trong các Luật bộ,
[11] Di-sa-tắc yết-ma bản (Đại 22, tr. 216c), phụ chú mục «Súc chúng pháp».
[12] Tứ phần luật 17 (Đại 22, tr 679a), ba-dật-đề điều 65. Cf. Tứ phần 34, Đại 22, tr. 807c29; Ngũ phần 17, tr. 115b25; Thập tụng 21, tr.150b9.
[13] Tứ phần 34, tr. 809c3, Phật giao cho Xá-lợi-phất độ La-hầu-la làm sa-di đầu tiên. Ngũ phần 17, tr. 116c6, Xá-lợi-phất độ Chu-na làm sa-di trước, kế đến La-hầu-la là người thứ hai. Cf. Mahāvagga I, tr. 82.
[14] Tứ phần 34, tr. 810c24: Có một thí chủ, cả nhà chết hết, chỉ còn bé trai chưa đày 20 tuổi. A-nan dẫn đến lễ Phật. Phật hỏi: Sao không cho nó xuất gia? A-nan bạch: Phật chưa cho phép trẻ nhỏ dưới 12 xuất gia. Phật hỏi: biết đuổi quạ không? ăn một ngày một bữa được không. Phật cho phép A-nan nhận bé trai này làm sa-di đuổi quạ (khu ô sa-di 驅烏沙彌). Pali: kākuṭṭepaka.
[15] Theo Hành sự sao III4, tr. 150a3. Tứ phần 34 (đại 22, tr. 810c), dưới 12 tuổi là sa-di đuổi quạ (xem cht. 14 trên)..Pali, Mahāvagga I, tr.79: quy định dưới 15 tuổi.
[16] Mahāvagga I,tr.82: Thoạt tiên, Phật giao La-hầu-la cho Xá-lợi-phất làm lễ xuất gia chỉ với phàp tam quy (anujānāmi bhikkhave imehi tīhi saraṇagamanehi sāmanerapabbajjan’ti). Về sau mới quy định 10 giới (dasa sikkhāpadāni) cho sa-di (ibid. 83).
[17] Tứ phần 34, tr.811a4: Bạt-nan-đà nuôi 2 sa-di một lần, không dạy nỗi, để họ phạm giói. Phật chế: không được nuôi hai sa-di. Nhưng nếu tỳ kheo có khả năng dạy giới, định, tuệ, thì cho phép nuôi. Cf. Mahāvagga I, tr. 79, 83.
[18] Về nguyên nhân, Tứ phần 34, tr. 810a22: Một bé trai trốn cha mẹ xuất gia. Các tỳ kheo cho thọ sa-di. Cha mẹ vào tinh xá hỏi. Có tỳ kheo trả lời là không hay biết có bé trai nào như vậy. Sau đó, bố mẹ nhận ra con trai mình, bèn chỉ trích tỳ kheo nói dối. Do đó, Phật chế như vậy.
[19] Tứ phần 34, tr. 810b5: bạch tăng xin thế phát, sau đó bạch tăng cho xuất gia.
[20] Những vị này chỉ thọ năm giới. Hoăc theo nhật kỳ thọ 8 giới.
[21] Ngũ phần 17 , tr.116c: Xá-lợi-phất truyền giới sa-di cho La-hầu-la, không có bạch tăng thế phất và xuất gia. Thập tụng 21, tr. 149c, và Mahāvagga I, tr. 103 cũng không nói đến hai việc này.
[22] Xuất xứ, theo Bách nhất yết-ma.
[23] Hòai Tố, Tăng yết-ma, tr. 514a1.
[24] Văn yết-ma bạch tăng, xem Tứ phần 34, tr. 810c9. Các luật khác, Ngũ phần 17, Mahāvagga I, không có văn yết-ma bạch tăng này. Thập tụng 21, không nói đến, nhưng Thập tụng Yết-ma tỳ kheo yếu dụng, Đại 23, tr. 496c, có văn yết-ma cho thế phát và xuất gia thọ thập giới.
[25] Tùy cơ yết-ma I, tr. 496c2. Các Luật bộ không thấy nói việc hỏi già nạn để thọ sa-di.
[26] Văn mười giới, theo Đàm-vô-đức bộ Tạp yết-ma, Đại 22, tr. 1042a.
[27] Bách nhất yết-ma (T24n1453_p0456b25): không hỏi đáp, mà giới sư nói văn thập giới, giới tử nói theo: «Như các Thánh A-la-hán trọn đời không sát sinh... Con từ nay cho đến trọn đời không...»
[28] Bất đắc đạo 不得盜. Pali: adinnadānā veramaṇī, bất dữ thủ, tránh xa sự lấy vậy không được cho.
[29] Bất đắc dâm 不得淫. Pali: abrahmacariyā, phi phạm hạnh.
[30] Pali: surāmerayamajjapamādaṭṭhānā, các trạng thái say sưa do bởi rượu nếp, rượu trái cây các thứ.
[31] Hán: tróc trì sinh tượng nghiêm sức bảo vật 捉持 生 像 嚴 飭 寶 物. Pali: jātarūpajata-paṭiggahaṇā.
[32] Bách nhất yết-ma 1 (đại 24, tr. 456a).
[33] Đại 24, T24n1453, tr.456a24.
[34] Tô-đà-di 蘇陀彌; Skt. Sodāyin .Xem Câu xá 14 (Đại 29, tr. 74c1).
[35] Tứ phần 34, tr. 807a 3; Mahāvagga I, tr. 69.
[36] Pali: Upāli.
[37] Trung A hàm 32: «Ưu-ba-li kinh» (Đại 1, tr. 628a); cf. Pali, M.56. Upāli.
[38] Pali: Vāseṭṭha, và Bhāradvāja.
[39] Tứ nguyệt cọng trú四月共住. Thập tụng 21, tr.150b27: bốn tháng ba-lị-bà-sa波利婆沙. Pali: cattāro māse parivāso.Quy định này được Phật di chúc không nên áp dụng sau khi Ngài nhập Niêt-bàn; xem Trường A-hàm 4, «Kinh Du-hành,» (Đại 1, tr. 26a 15). Bản Pali không thấy đề cập sự bãi bỏ này. Ngoại đạo cuối cùng hành 4 tháng cộng trú là Subbhadda; D. ii. tr.151 (Mahāparinibbānasutta).
[40] Trường A hàm 6: «Tiểu duyên kinh» (Đại 1, tr. 36b). Pali, D. 24. Aggañña.
[41] Tứ phần 34, tr. 807a: cho cạo tóc và thọ giới sa-di trước khi xin pháp bốn tháng cộng trú. Ngũ phần 17 ( tr. 115a), Thập tụng 21 (tr. 15b26): không thấy nói truyền sa-di trước khi cho bốn tháng cộng trú.
[42] Tăng kỳ 24 (Đại 22, tr. 421a).
[43] Tứ phần 34 , tr.807a 29.
[44] Các dịch nghĩa khác: viên cụ 圓具, cụ túc 具足, thọ cụ túc hay thọ cụ.
[45] Nam hải ký quy, Đại 54, T54n2125,tr.219c7 : «Ô-ba tam-bát –na 鄔波三缽那 ; ô-ba nghĩa là cận ; tam-bát-na, là viên , tức là Niết-bàn.»
[46] Theo Câu xá 15 (Đại 29, tr. 78a) luật nghi của tỳ-kheo được gọi là cụ túc vì nó bao gồm cả 7 chi: thân có 3, và ngữ có 4; trong khi các luật nghi khác không gồm đủ.
[47] Bốn thanh tịnh giới theo Thượng tọa bộ: biệt giải thóat luật nghi, căn luật nghi, mạng thanh tịnh và thực thanh tịnh.
[48] Có ba loại luật nghi: biệt giải thóat luật nghi (Skt. prātimokṣasaṃvara), thuộc dục giới, do thọ mà thành tựu; tĩnh lự luật nghi (dhyānasaṃvara), thuộc sắc giới, cũng gọi là định cọng giới, phát sanh từ thiền định (vô sắc giới không có luật nghi). Và vô lậu luật nghi (anāsravasaṃvara) phát sanh do thấy rõ Thánh đế. Trong ba loại này, biệt giải thóat luật nghi có 8: tỳ-kheo (bhikṣu), tỳ-kheo-ni (bhikṣuni), thức-xoa-ma-na (śikṣmāṇā), sa-di (śrāmaṇera), sa-di-ni (śrāmaṇerikā), cận trụ (upavāsatha), cận sự nam (upāsaka) và cận sự nữ (upāsikā). Xem Câu xá 14 (Đại 29, tr. 72b).
[49] Câu-xá 14, tr. 72b: «Vì nó ngăn chặn, tiêu diệt dòng chảy của ác giới, nên được gọi là luật nghi.» (dauḥśalyaprasarasya saṃvaraṇaṃ saṃrodhaḥ saṃvaraḥ)
[50] Câu-xá 14, tr.73a, các tên gọi khác của luật nghi: thi-la 尸羅 (Skt. śīla: giới), diệu hành 妙行 (sucarita), nghiệp (karman), luật nghi 律儀 (saṃvara).
[51] Căn luật nghi 根律儀 (Skt.= Pali: indriya-saṃvara), Câu-xá 14, tr. 73c.
[52] Mạng thanh tịnh 命清淨; Pali: ājīva-parisuddhi.
[53] Tứ thánh chủng 四聖種 (Skt. catvāra āryavaṃśāḥ; Pali: cattāro ariyavaṃsā, D.iii.224)
[54] Tập dị môn luận 7 (Đại 26, tr.392b29tt): 1. Y phục hỷ túc 衣服喜足 (Pali: itarītara-cīvara-santuṭṭhiyā) ; 2. Ẩm thực hỷ túc 飲食喜足 (itarītara-piṇḍa-pāta-santuṭṭhiyā); 3. Ngọa cụ hỷ túc 臥具喜足 (itarītara-sensana--santuṭṭhiyā); 4. Lạc đoạn lạc tu 樂斷樂修 (bhāvanārāmo...pahānārāmo). Cf. D.iii. 224. Trong giới cụ túc, 4 Thánh chủng được thay bằng 4 y 四依 (Pali: cattaro nissayā); xem đoạn sau.
[55] Pali: sati-sampajaññena samannāgato.
[56] Quan điểm của Hữu bộ về vô biểu (Skt. avijñapti; Câu-xá 1, tr.3a): thể tính là sắc pháp, tồn tại như dòng lưu chuyển trong thân, nhưng vì không biểu lộ cho người khác thấy, nên nói là vô biểu. Thành thật luận 7 (Đại 32, tr.290b10): vô tác (=vô biểu) thuộc hành uẩn. Luận (ibid. tr. 290a20) định nghĩa: «Pháp gì được gọi là vô tác? Nhân tâm thường sinh tội phước. Nó liên tục phát sinh ngay cả trường hợp bất tỉnh. Vì vậy, gọi nó là vô tác.»
[57] Xem Câu xá luận 14 (Đại 29, tr. 74b) so sánh Tát-bà-đa tỳ-ni tỳ-bà-sa 2 (Đại 23, tr. 510b): 7 trường hợp đắc giới: 1. Kiến đế; 2. Thiện lai; 3. Tam ngữ; 4. Tam quy; 5. Tự thệ; 6. Bát pháp; 7. Bạch tứ yết-ma. Tăng kỳ 23, tr. 412b26, chỉ đề cập bốn pháp cụ túc: tự thọ, thiện lai, Tăng 10 người, Tăng 5 người.
[58] Kośabhāṣya, tr.212: svayaṃbhūtvena buddhānāṃ pratyeka-buddhānāṃ.
[59] ibid., niyāmāvakrāntyāpañcakānāṃ, nhóm năm (tỳ kheo) do nhập chánh tánh.
[60] Theo Thượng toạ bộ Pali (Mahāvagga I, tr.11), Kiều-trần-như (Aññāta-Koṇḍañña) đắc giới bởi thiện lai tỳ kheo.
[61] Kośa., ibid., ehibhikṣukayā yaśaḥprabhṛtīnām
[62] Thiện lai, Tỳ-kheo 善來毘丘; Pali: ehi bhikkhu.
[63] Xem cht. 56 trên. Mahāvagga I, tr.17, Yasa cũng thọ cụ túc với Phật theo thiện lai tỳ-kheo.
[64] Kośa., ibid., śāstur abhyupagamān mahākaśyapasyeti.
[65] Tát-bà-đa , ibid., Ca-diếp đắc giới theo tự thệ.
[66] Skt.: ayaṃ me śāstā.
[67] Kośa., ibid., praśnārādhanena sodāyinaḥ, do sự hài lòng (của Phật) về câu trả lời. Câu-xá luận ký 14, Đại 41, tr. 222b25; Câu-xá luận sớ 14, tr. 643c22.
[68] ibid., gurudharmābyupagamena mahāprajāpatyā, Cullavagga x., Aṅguttara, iv.76; Trung A-hàm 28, Đại 1, tr. 605c. Xem Chương iv.
[69] ibid., dūtena dharmadinnāyā. Câu-xá luận ký, ibid.. Tài liệu Pali nói, bà nỗi tiếng về sự thuyết pháp bậc nhất trong hàng tỳ kheo ni. Nguyên là vợ của nhà phú hộ Visākha ở Rājāgaha (Vương xá). Cf. M. 299ff; Hán:Trung A-hàm 58, tr. 788a (Hán dịch ở đay là Pháp Lạc tỳ kheo ni).
[70] Kośa., ibid., vinayadharapañcamena.
[71] ibid., daśavargena.
[72] ibid., traivācikena.
[73] Tát bà đa tỳ ni tỳ bà sa 2 (Đại 23, tr. 510b) đưa ra hai thuyết về thời gian Phật chế bạch tứ yết-ma thọ cụ túc sau ngày thành đạo bốn năm, hoặc 8 năm, và cho rằng thuyết sau có lý hơn.
[74] Ngũ phần 17, tr. 116c; Tứ phần 34, tr. 809c. Cac Luật đều không nói tuổi. Tài liệu Hán tạng, Phật bản hành 55, xuất gia lúc 15 tuổi. Mahāvagga I, tr. 82, cũng không xác định tuổi. Nhưng theo suy đoán, lúc 7 tuổi. Xuất gia khi Phật về quê lần đầu sau ngày thành đạo một năm.
[75] Tứ phần 35, tr. 814c5: «Bấy giờ, có trường hợp không cho giới sa-di mà cho thọ cụ túc ngay; Phật nói: Được thọ cụ túc giới; nhưng Tăng phạm luật.» Ngũ phần 17, tr.119b12: có tỳ kheo chưa cho thọ sa-di trước mà cho thọ cụ túc ngay ... Phật nói, không nên như vậy
[76] Tứ phần 35, tr. 814c11: Phật quy định phải xét nghiệm 13 nạn sự 難事 trước khi cho thọ cụ túc.. Cf. Ngũ phần 18, tr. 120a 2. Thập tụng 21, tr. 165a 26: già đạo pháp遮道法. Pali, Mahāvagga I. tr.93: hỏi 13 già nạn trước khi cho thọ cụ túc (upasampādentena terasa antarāyike dhamme pucchituṃ). Bản dịch Anh đọc là tassa antarāyike dhamme, do đó không quy định cụ thể con số già nạn là 13. Xem thêm cht. 86.
[77] Ngũ phần 17, tr. 119a 29: Tỳ kheo truyền cụ túc cho người bị chặt tay, chặt chân, đui, què, câm, điếc, gù, mắt lé,...nên chúng tăng bị người đời hủy nhục. Phật nói, không nên độ những người như vậy. Nhưng trong Di-sa-tắc yết-ma bản, phần hỏi các nạn sự (Đại 22, tr.217b), không kể đó là những nạn sự để loại trừ tư cách tho giới. Cf. Tăng kỳ 23, Đại 22, tr.418b15; Tứ phần 35, tr. 814a 18; Thập tụng 21, Đại 23, tr. 155b1: Nhưng người tóc vàng, tóc xanh, tóc đỏ...chột mắt..quá trăng, quá đen... mắt lé... thảy đều không chấp nhận thọ cụ túc. Cf. Mahāvagga I, tr.91.
[78] Tứ phần 35, tr. 812c: «hoàng môn ở trong Pháp của Ta không thể phát triển lợi ích.»
[79] Phật tổ thống kỷ 52 (T49n2035,tr.452c5): Đường Trung tông, niên hiệu Cảnh long thứ nhất (707 ) xuống chiếu, thiên hạ thí kinh độ tăng....Đường Đại tông (793-780), lệnh cho thi ba khoa Kinh, Luật, Luận, rồi mới cấp điệp cho làm tăng.
[80] Hòa thượng 和尚, các dịch âm khác:ô-ba-đà-da 烏波陀耶, úc-ba-đệ-da 郁波第耶, ưu-ba-đệ-da 優波第耶; dịch: cận tụng 近誦, cận đọc 近讀, thân giáo sư.親教師. Skt. upādhyāya; Pali: upajjhāya.
[81] Tân tỳ kheo, khi Hòa thượng viên tịch, không ai dạy dỗ, Phật quy đinh y chỉ A-xà-lê; Pali: ācariya, Mahāvagga I, tr. 60. Ngũ phần 16, tr. 113a7, Phật quy dịnh có năm hạng A-xà-lê: 1.Xuất gia A-xà-lê, tức Hòa thượng cho xuất gia và truyền giới sa-di; 2. Giáo thọ A-xà-lê, tức vị hướng dẫn oai nghi khi thọ cụ túc; 3. Yết-ma A-xà-lê, vị tác yết-ma khi truyền giới tỳ kheo; 4. Thọ kinh A-xà-lê, thầy truyền dạy kinh điển; 5. Y chỉ A-xà-lê, vị thay Hòa thượng để dạy dỗ khi Hòa thượng viên tịch hay xả đạo.
[82] Trang 52, cht.6.
[83] Ngũ phần 16, tr. 114a 13; 17, tr.115c17.
[84] Thập tụng 21, tr. 155b19, Có ba sự hiện tiền để thọ cụ túc: túc số tăng, tư cách người thọ giới, hiện tiền yết-ma như pháp. Tì-ni-mẫu 2 2 (T24n1463_p0807a20), 5 điều kiện để yết-ma thọ giới thành tựu: 1. Hòa thưọng như pháp; 2. A-xà-lê như pháp, 3. tăng thanh tịnh, 4. yết-ma thành tựu, 5. chúng tăng hòa hiệp.
[85] Ngũ phần 16, tr.111c: Tỳ kheo tác yết-ma truyền giới trong phạm vi đại giới, phạm tội biệt chúng; tr.112a, Phật cho phép lập đàn thọ giới trong phạm vi Tăng phường.
[86] Hành sự sao I.3. tr.26c: «Chuẩn theo Luật, nếu không hỏi 13 già nạn, không đắc giới.»
[87] Có hai nhóm già nạn. Nhóm I, 13 già nạn gồm những ác sự. Nhóm II, 10 già nạn, liên hệ bản thân, gia đình và xã hội của người thọ giới. Ngũ phần 17, tr.119c, chỉ liệt kê nhóm II. Nhưng Di-sa-tắc Yết-ma bản, tr.317b, hỏi đủ cả hai nhóm. Luật Pali (Mahāvagga I, tr.93) cũng chỉ liêt kê nhóm II gồm 11 điều: 1. Các chứng bịnh nan y (ābādhā), 2. Loài người (manusa), 3. Đàn ông (purisa), 4. Không phải nô lệ (bhujissa), 5. Không mắc nợ (anaṇa), 6. Cấm quân (rājabhaṭa), 7. Cha mẹ cho phép (anuññāta-mātāpitūhi), 8. Tuổi đủ 20 (paripuṇṇa-vīsati-vassa), 9.Y bát đủ (paripuṇṇa-patta-cīvara), 10.Tên của người thọ (nāma), 11. Tên của Hòa thượng (nāma-upajjhāyassa). Nhóm I của Pali (Mahāvagga I, tr. 88-9) cũng gần với Tứ phần.
[88] Tặc trú 賊住. Pali: theyyasaṃvāsaka (Mahāvagga I, tr. 86)
[89] Tứ phần 35, tr.812c3: «Phật nói, hoàng môn ở trong pháp của Ta không phát triển được ích lợi gì, nên không cho xuất gia thọ cụ túc. Nếu đã cho thộ, cần phải diệt tẫn.» Cf. Pali, paṇḍaka, Mahāvagga I tr.85.
[90] Tăng kỳ 23 (Đại 22, tr. 416b): bán phu bán lộ địa, thân thủ bất tương cập 半覆半路地伸手不相及.
[91] Hủ lạn dược 腐爛藥, được hiểu theo nghĩa đen là «thuốc mục nát» truyền thống Pàli hiểu nó là «nước đái qủy.» xem Trung bộ kinh I, 315b – tức Pàli gọi là pūti-mutta (định nghĩa của PTS Pali-English Dictionary: nước tiểu có mùi rất hôi; thường là nước tiểu của trâu bò được dùng làm thuốc cho tỳ kheo.) Trong đó, mutta, nếu hiểu tương đương với mukta thì có nghĩa là «cái được trích ra.» Còn pūti, tiếng Phạn cũng vậy; có ba gốc động từ khác nhau. Hoặc từ pūy: bốc thổi, hoặc từ : tinh lọc; hoặc từ : uống. Nếu hiểu từ kép Pàli pūti-mutta gồm có pūti do động từ căn pūymutta tức là mūtra, như vậy sẽ có nghĩa nước đái độc thối, hoặc nước đái qủi hoặc hủ lạn dược như Hán dịch, có lẽ không chính xác, và điều này phản lại nguyên lý y học thường được thấy trong các kinh điển, theo đó, tùy bịnh cho thuốc. Có lẽ nên hiểu từ kép này do động từ căn mukta, nó sẽ có nghĩa loại thuốc được rút ra từ tinh dầu hoặc tinh cốt của các loại thảo mộc. Điều này phù hợp với điểm được qui định trong luật: tỳ-kheo không được dùng các loại cây, rau cỏ đang sống và tuơi làm thức ăn, trừ trường hợp đã tác tịnh. Về dịch ngữ khác tương đương hủ lạn dược do Nghĩa Tịnh là trần khí dược 陳棄藥 có thể gần sát ý nghĩa vừa nói.
[92] Nguyên văn Hán, Tứ phần 35, Đại 22, tr. 816a 3.
[93] Tứ phần 34, tr. 811c:15: Phật quy đinh, người không có y bát, không cho phép thọ cụ túc
[94] Tăng kỳ 38, Đại 22, tr.528a 26: «Y của Sa-môn, là tiêu chí (=tín hiệu) của Hiền Thánh.»
[95] Tát-bà-đa 4, Đại 23, tr. 527b15: «Sở dĩ y có ba tên gọi khác nhau, là để thể hiện pháp vị tằng hữu.»
[96] Tứ phần 6, tr. 601c, Ngũ phần 4, tr. 23a14, Pali, Vin.iii.195: Ni-tát-kỳ 1, Phật quy định tỳ kheo chỉ có ba y, không được nhiều hơn.- Tứ phần 9, tr. 622a, ni-tát-kỳ 20: tỳ-kheo chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Cf. Ngũ phần 5, tr. 34c, Pali, Vin.iii.243
[97] Tứ phần 40, tr. 856: Thế Tôn suy nghĩ, tỳ kheo cất chứa bao nhiêu y được cho là đủ? Vào buổi đầu hôm, Phật ngồi tại khoảng đất trống, với một y. Nửa đêm, có cảm giác lạnh, bèn khoác thêm y thứ hai. Cho đến khuya, lại có cảm giác lạnh, bèn khoác thêm y thứ ba. Theo đó, Thế Tôn quy định ba y để tỳ kheo đủ chống lạnh. Cf. Mahāvagga viii. Vin.i.288.
[98] Theo Tứ phần 41, tr. 863a13.
[99] Tát-bà-đa 4. tr. 527b26. Cf. Hành sự sao 9, tr. 105c23.
[100] Cf. Mahāvagga viii. Vin.i.290.
[101] Tứ phần 40, tr. 855b4: «... dùng dao cắt rọc, thành y của sa-môn, sẽ không bị giặc cướp trấn lột.» Cf. Mahāvagga viii. Vin.i.287: chinnakaṃ bhavissati, satthalūkhaṃ samaṇa-sāruppaṃ paccatthikānañ ca anabhicchitaṃ. (vải) cắt rọc được ráp lại, thích hợp cho sa-môn, sẽ không bị kẻ địch tham cầu.
[102] Tứ phần 40, tr. 855a 19: Phật ra ngoài thành Vương xá, đi về phía nam. Nhìn những thửa ruộng, Phật chỉ cho A-nan và bảo hãy hướng dẫn tỳ kheo may y như vậy. Cf. Mahāvagga viii. Vin. i. tr. 287.
[103] Tứ phần 40, tr. 855b.
[104] Hành sự sao 9, tr. 105a 29: «Trong Luật không có các tên ngũ, thất, cửu; mà chỉ gọi là an-đà-hội cho đến tăng-già-lê.»
[105] Tát-bà-đa 4, tr. 527b17: hạ tăng-già-lê, 2 dài 1 ngắn; trung tăng-già-lê, 3 dài 1 ngắn; thượng tăng-già-lê, 4 dài 1 ngắn. Nếu khác đi, phạm đột-kiết-la.
[106] Ngũ phần 21, tr. 143b25: Tỳ kheo không xả 3 y cũ mà thọ y mớ, đột-kiết-la.
[107] Tứ phần 70, tr. 676b, ba-dật-đề 60, tác tịnh 作淨, Tỳ-kheo dùng y mới không làm cho hoại sắc, phạm ba-dật-đề. Ngũ phần 9, tr. 68a, ba-dật-đề 77: tác xí 作幟, tỳ khèo thọ y mói phải làm dấu bằng 1 trong 3 màu: xanh, đen, mộc lan, để xác nhận sở hữu. Pali: pācittiya 58: dubbaṇṇakaraṇaṃ, làm cho có màu xấu. P.E.D giải thích: kappabindu, điểm tịnh, hợp thức hóa bằng chấm điểm.
[108] Tùy cơ yết-ma ii. tr.502a, có văn thọ man y nhưng không có văn xả. Hòai Tố, Tăng yết-ma i.tr.519, thọ 3 y và xả 3 y, không đề cập man y.
[109] Tứ phần 9, tr.622, ba-dật-đề 21, bát có 6 loại: bát sắt, bát của nước Tô-ma chế, bát nước Ô-già-la, bát nước Ưu-già-xa, bát đen, bát đỏ. Pali, Pācittiya 21, bát có 2 loại: bằng sắt và bằng đất sét.
[110] Tứ phần 19, tr. 694a, ba-dật-đề 87, Phật quy định ni-sư-đàn. Cf. Ngũ phần, ba-dật-đề 86; Tăng kỳ, ba-dật-đề 86; Thập tụng, ba-dật-đề 89; Pali, Pācittiya 89.
[111] Tứ phần 34, tr.806a: tỳ kheo 5 tuổi hạ, có trí tuệ, cũng cần y chỉ nơi tỳ kheo 10 hạ có tri. Thập tụng 21, tr. 151a 24, Tỳ kheo đủ 5 tuổi hạ, thành tựu 5 điều để không cần y chỉ: 1. biết phạm; 2. biết không phạm; 3. biết nặng; 4. biết nhẹ; 5. đọc tụng thông suốt ba-la-đề-mộc-xoa. Pali, Vin.i.80: vyattena bhikkhunā paṭibalena pañcavassāni nissāya vatthuṃ, avyattena yāvajīvaṃ, tỳ kheo thông minh sống 5 năm y chỉ. Tỳ kheo kém trí, phải y chỉ suốt đời.
[112] Tứ phần 34, tr. 806a 17: nếu là người ngu si, vô trí, suốt đời phải có y chỉ. Cf. Thập tụng 21, tr. 151a 28.
[113] Tứ phần 34, tr. 805a, Phật quy định: từ nay trở đi, tỳ kheo 5 hạ phải biết tụng bạch yết-ma. Nếu không làm được, như pháp trị.
[114] Thập tụng 30, tr. 220a 3, Phật nói vơi Ưu-ba-li, có 5 hạng Tăng: 1. Tăng không biết hỗ thẹn; 2. Tăng như đàn cừu; 3. Tăng biệt chúng; 5. Tăng thanh tịnh.
[115] Tứ phần 34, tr. 804a.
[116] Thập tụng: tại nơi không có thầy giỏi, được phép 6 đêm sống không y chỉ. Có thày giỏi mà một ngày không y chỉ, đắc tội. Cf. Hành sự sao 3, tr. 32b1.
[117] Hành sự sao 4, tr. 34a 1.
[118] Văn thỉnh y chỉ, Tứ phần 34, tr. 803b. Cf. Pali, Mahāvagga I, Vin. i. tr.45.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).5/5/2012.

No comments:

Post a Comment