Saturday 5 May 2012

Tuyển Phật Trường
09-10-2011
Kích thước chữ : Decrease fontDecrease font
Tuyển Phật trường là Trường thi tuyển chọn người làm Phật trong tương lai, còn gọi là Đại giới đàn, là Đàn truyền Đại giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni (hay Cụ túc giới) có từ thời Phật còn tại thế, và tùy theo thời gian, phong tục sinh hoạt của Phật giáo các nước, Phật giáo đang hiện hành và tại Việt Nam cũng thế, càng ngày càng được hoàn bị và phong phú trang nghiêm, thù thắng đặc biệt.
Muốn triển khai đề tài này trước tiên phải xác định rõ ý nghĩa: tuyển là lựa, chọn lọc; Phật trường là trường huấn luyện hay đào tạo người làm Phật. Thường các trường tuyển chọn học sinh khá và giỏi để đào tạo thành nhân tài cho đất nước trong tương lai; cũng vậy, Phật giáo muốn chọn người có khả năng đãm đang vai trò hoằng pháp phải qua cuộc tuyển lựa mà Đại giới đàn mới đủ yếu tố giữ vài trò quan trọng này.
Vấn đề có liên quan tới các điểm chính sau đây:
I- Giới tử: Bất cứ ở địa phương hay cơ chế nào của Phật Giáo muốn tổ chức một đại giới đàn, trước hết phải nghĩ đến thành phần giới tử, tức là người thọ giới. Người thọ giới gồm hai chúng: xuất gia và tại gia.
1) Xuất gia gồm có: a) Sa di tức là người nam xuất gia xin thọ 10 giới, sau khi đã thực tập sống đời phạm hạnh ở chùa một thời gian. Vị bổn sư xét thấy tánh tình và ý chí của đệ tử thích hợp nên giới thiệu đến một đại giới đàn cho thọ giới Sa di. Đây cũng chỉ mới bước thứ hai trên đường tiến tu đạo nghiệp của đương sự mà bây giờ được gọi là Chú hoặc Sư Chú. b) Sa di ni là người nữ xuất gia cũng thọ 10 giới như nam giới. Tuy nhiên 10 giới Sa Di ni có khác đôi chút, thay vì giới thứ nhất của Sa Di: Không được sát sanh - lại là giới không dâm dục của Sa di ni. Mười giới của Sa di hay Sa di ni là không được sát sanh, không gian tham trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không đeo tràng hoa thơm – không xoa ướp dầu thơm, không ca múa hát xướng và cố đi xem nghe, không ngồi giường cao tốt rộng lớn, không ăn phi thời và không chứa vàng bạc của báu. c) Thức Xoa Ma Na (Ni): Giới này chỉ riêng cho người nữ xuất gia phải thọ 2 năm trước khi thọ giới tỳ kheo ni. d) Tỳ kheo hay Cụ túc giới là giới đầy đủ cho tăng gồm 250 giới e) Tỳ kheo ni thọ 348 giới. f) Bồ Tát dành cho tăng ni gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh (muốn rõ chi tiết cần tham khảo Tỳ kheo giới kinh hay giới Bồ Tát). Bồ Tát tại gia thọ 6 giới trọng và 28 giới khinh.
2) Tại gia: Phật tử tại gia nếu đủ duyên được thọ giới tại đại giới đàn với hội đồng giới sư 10 vị là một phước báu lớn nhờ đó sách tấn sự tu học về sau, gồm các thành phần:
a) Ưu bà tắc: (Upasaka) người nam phát tâm quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới, có nghĩa người nam gần gũi, phụng sự ngôi Tam Bảo. b) Ưu bà di: tiếng Phạn là Upasika là người nữ gần gũi, phụng sự ngôi Tam Bảo.
(Theo nguyên tắc, người từ 10 tuổi trở xuống chỉ cho thọ Tam Quy nhưng chưa đưọc thọ 5 giới. Chỉ các cháu từ 11 tuổi trở lên mới cho thọ 5 giới. Các vị Thầy truyền giới nên lưu ý điểm này và dặn các cháu ngồi im lặng giữ cho đạo tràng thanh tịnh. c) Thập Thiện: người Phật tử sau một thời gian tu tập rành rẽ công phu kinh kệ, chuông mõ, muốn tiến thêm nên xin thọ 10 giới để tu sửa ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh. Thân có 3: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; miệng có 4: Không đặt điều thêm bớt xảo ngôn, không nói lời đường mật mánh mung, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời độc ác, rủa chửi mắng nhiếc; ý có 3: Không tham, không sân, không si. d). Bồ Tát giới: Bồ Tát giới tại gia gồm có 6 giới trọng và 28 giới khinh (Xem tại gia Bồ Tát giới) để cho những Phật tử đã thọ thập thiện lâu năm, có cơ hội thực tập hạnh Bồ Tát và pháp Tu lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Ngày nay tại Âu Châu, Úc Châu, Đài Loan ... có nhiều Phật tử người Việt, người Hoa và người ngoại quốc xin thọ giới Bồ Tát và rất tinh tấn trong sự tu tập.
II- Giới sư (Hội đồng giới sư): Một đại giới đàn phải đủ 10 vị tôn túc gọi là Hội đồng giới sư. Thật ra, có đến 13 vị chứ không phải 10 vị, Hội đồng này được phân định như sau:
1) Tam sư: 3 vị Thầy giới đức hay chánh yếu của đại giới đàn, mỗi vị có vai trò khác nhau:
a- Đàn đầu Hòa Thượng: bậc đạo cao đức trọng được ban Kiến Đàn cung thỉnh trong ngôi vị quan trọng này để làm tăng trưởng pháp thân huệ mạng cho giới tử. Vị Hòa Thượng Đàn Đầu phải từ 30 hạ trở lên và đầy đủ uy tín, giới đức xứng đáng làm chỗ nương tựa tinh thần cho 7 chúng đệ tử của Phật.
b) Yết ma A Xà Lê là tác pháp biện sự. Vị thầy bạch Yết Ma 3 lần để vấn hòa trong Hội Đồng giới sư. Phải thông qua thủ tục này việc truyền giới và thọ giới mới thành tựu tốt đẹp. Thầy Yết Ma phải từ 25 tuổi hạ trở lên. Nếu tiểu giới đàn, vị này từ 10 hạ trở lên cũng đủ ngồi vào vai trò này.
c) Giáo Thọ A Xà Lê dịch là thân giáo sư. Vị thầy gần gủi, nhắc nhở, an ủi những người thọ giới để sách tấn họ cố gắng hơn đừng có sợ sệt, nhất là nên giữ bình tĩnh không hốt hoảng mà quên mất chú tâm chánh niệm. Thầy Giáo thọ cũng đủ oai phong đạo hạnh như thầy Yết Ma không khác.
2) Thất chứng là 7 vị tôn chứng trong đàn giới:
a) Vị thứ nhất: đệ nhất tôn chứng
b) Vị thứ hai: đệ nhị tôn chứng
c) Vị thứ ba: đệ tam tôn chứng
d) Vị thứ tư: đệ tứ tôn chứng
e) Vị thứ năm: đệ ngũ tôn chứng
f) Vị thứ sáu: đệ lục tôn chứng
g) Vị thứ bảy: đệ thất tôn chứng.
Tôn chứng sư chỉ có một việc duy nhất là trả lời “thành” qua thủ tục pháp Yết Ma để cho đàn giới được thành tựu, và tụng kinh hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sanh đều nhuần ân lợi lạc.
3) Tuyên luật sư: vị thầy khảo hạch giới tử về Kinh, luật luận trước khi cho thọ giới. Vị này rất nghiêm minh rõ ràng để quyết định giới tử nào đủ tiêu chuẩn thọ giới, còn người nào yếu kém phải về học lại một thời gian nữa.
4) Dẫn thỉnh sư: 2 Thầy hướng dẫn lễ, thỉnh sư đăng lâm Tổ đường lễ Tổ và thỉnh lên bảo điện để truyền trao giới pháp. Hai vị cũng sắp xếp, xướng lễ... để cho giới sư lễ Tổ, lễ Phật trước khi khai đàn truyền giới.
III- Điều kiện thọ giới: Đàn giới chú trọng tới người xuất gia hơn, nên điều kiện thọ giới đối với họ có khắc khe, hơn người Phật tử tại gia chỉ cần tín tâm với Tam Bảo là đủ. Thật ra, ngay từ lúc xuất gia, các giới tử đã được thầy bổn sư chọn kỹ một lần rồi. Như về ngoại hình, người phải đầy đủ sáu căn mới nhận cho nhập chúng. Người nào bị khuyết tật do tai nạn hoặc bẩm sinh, nhất là vừa sanh ra người không trọn vẹn dáng hình là không thể chấp nhận tu được.
1) Sa di, sa di ni: Quan trọng nhất là trước giờ thọ giới Sa di hoặc Sa di ni, Thầy giáo thọ hỏi giới tử về 12 chướng nạn mà trong số 12 câu hỏi đó từ câu 6 đến câu 10 thuộc về tội ngũ nghịch, 5 tội nghịch này chung cả cho giới Tỳ kheo sau này (Xem thêm 12 già nạn trong Giới Đàn Tăng).
Hỏi 1: các vị có phạm biên tội không? Như trước đây đã thọ giới rồi mà phạm sát sanh, trộm cắp, nói dối, tức là người ở ngoài Phật Pháp có tín tâm mới phạm.
-Đáp: Mô Phật, Không.
Hỏi 2: Các vị có làm hạnh nhơ với Tỳ Kheo ni không?
(Khi còn cư sĩ có phạm giới với Tỳ kheo ni)
-Đáp: Mô Phật, Không.
Hỏi 3: Các vị có phải tặc tâm xuất gia không?
(Khi còn cư sĩ, trộm nghe tăng thuyết giới Yết Ma, đối xưng Tỳ kheo)
-Đáp: Mô Phật, Không.
Hỏi 4: Các vị có phá nội, ngoại đạo không?
Nguyên trước là ngoại đạo, sau theo Phật pháp thọ cụ túc giới rồi trở về đạo mình. Nay muốn trở lại thọ giới nữa, ấy là nội ngoại đều thông phá hoại mà chí tánh không nhứt định.
-Đáp : Mô Phật, Không.
Hỏi 5: Các vị có phải hoàng môn không?
Theo giải thích, hoàng môn: phi nam, phi nữ, không thành hoàn toàn tánh người nam. Có 5 hạng người: 1) Sanh bất nam: Khi sanh ra nam căn không phát dục 2) Kiền bất nam: lấy dao cắt bỏ nam căn 3) Đố bất nam: nhân thấy kia hành dâm mới có tâm ghen, mà căn dục khởi lên 4) Biến bất nam: căn có thể biến hiện, khi gặp nam thì nữ căn khởi lên, gặp nữ thời nam căn nổi dậy 5) Bán bất nam: nửa tháng thì dùng nam căn, nửa tháng lại không có.
-Đáp: Mô Phật, không.
Câu 6: Các vị có giết cha không?
-Đáp: Mô Phật, không.
Câu 7: Các vị có giết me không?
-Đáp: Mô Phật, không
Câu 8: Các vị có giết A La Hán không?
-Đáp: Mô Phật, không.
Câu 9: Các vị có phá Yết ma tăng không?
-Đáp: Mô Phật, không
Câu 10: Các vị có ác tâm làm cho thân Phật ra máu không?
-Đáp: Mô Phật, Không
Câu 11: Các vị có phải phi nhơn không?
-Đáp: Mô Phật, Không
Câu 12: Các vị có phải nhị hình không?
(Có đủ hai căn nam và nữ)
-Đáp: Mô Phật, Không
Thầy giáo thọ bảo: Giới tử! Các vị không có chướng nạn, nhứt định được thọ giới; nên chí thành chắp tay lắng nghe giới sư truyền thọ...
2) Tỳ kheo, Tỳ kheo ni:
Các vị thọ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đều được hỏi 12 chướng nạn như trên, và thêm 10 câu hỏi nữa.
Hỏi: Pháp danh các vị là gì?
-Đáp: Con pháp danh là ...
Hỏi: Hòa Thượng của các vị là gì? (Tức hỏi Hòa Thượng Đàn Đầu truyền giới chứ không phải thầy bổn sư).
-Đáp: Hòa Thượng của chúng con tự là thượng A ... hạ B...
Hỏi: Tuổi đã đử hai mươi chưa?
-Đáp: Mô Phật, đã đủ
Hỏi: Y bát đã có đủ chưa? Phải sắm đủ 3 y: Y thượng, y trung, y hạ, một bình bát, một toạ cụ ngồi thiền và một đãy lọc nước. Đó là phương tiện tu tập, hành đạo của người xuất gia.
-Đáp: Mô Phật, đã đủ
Hỏi: Cha Mẹ các vị có cho phép xuất gia không?
-Đáp: Mô Phật, có cho phép
Hỏi: Các vị có mắc nợ người không?
-Đáp: Mô Phật, Không
Hỏi: Các vị có phải là người làm quan bỏ đi tu không?
-Đáp: Mô Phật, Không
Hỏi: Các vị phải là trượng phu không?
-Đáp: Mô Phật, phải
Hỏi: Trượng phu có bệnh ghẻ lỡ, bệnh hủi, bệnh ung thư, bệnh loang lỗ, bệnh khô gầy, bệnh điên cuồng. Các vị nay có các bệnh như thế không?
-Đáp: Mô Phật, Không
Hòa Thượng bảo: Các giới tử lóng nghe, lục đạo chúng sanh phần nhiều bị chướng giới, không thể thọ được, chỉ có loài người mới thọ được, nhưng còn chướng nạn chưa chắc được thọ hết.
“Các vị không có chướng nạn chắc được thọ giới, song cần phải phát tâm khởi tâm cao thượng rộng lớn. Nghĩa là phát khởi tâm cứu độ tất cả chúng sanh, lấy pháp độ người; khiến cho ra khỏi ba cõi, đồng chứng quả Bồ Đề. Nay giới pháp này làm gốc cho căn lành, có thể làm chánh nhân cho Tam Thừa, lại có thể hộ trì chánh pháp của Phật, khiến được lâu dài”.
“Sở nhân giới này là của quí báu trong Phật pháp, còn ngoài ra đạo khác thời không có, nên cần phải sanh lòng tưởng tôn trọng rằng khó được gặp”. (Giới ĐànTăng...)
IV- Trắc nghiệm:
1) Hỏi: kinh, luật, luận:
Tùy theo trường hợp mà hỏi cũng như tùy người đặt câu hỏi thích hợp để các giới tử trả lời cho trôi chảy, thông suốt. Chẳng hạn, Sa Di thì hỏi:
Con có thuộc chú Lăng Nghiêm không?
-Đáp: Dạ, mô Phật con thuộc
Hỏi: Hãy đọc câu chú chót của đệ ngũ kinh Lăng Nghiêm?
-Đáp: Án a na lệ Tỳ Xá đệ ...
Hỏi: Đứng hầu thầy phải làm sao?
-Đáp: Hầu thầy không nên đứng quá xa và cũng chẳng đứng quá gần; chú ý nghe Thầy có dạy bảo gì không?
Hỏi: Kinh, luật nào dạy chọn bạn lành như đi trong sương móc?
Thử đọc đoạn đó xem con có thuộc không?
-Đáp: Thân cận bạn lành như đi trong sương sớm, tuy không ướt áo nhưng từ từ cũng đượm thấm; quen giao tiếp với người xấu ác, tánh ác dần tăng trưởng. Sau khi chết bị đọa lạc, một khi mất thân người muôn kiếp khó được. Đó là lời Tổ Qui Sơn dạy trong Qui Sơn Cảnh Sách.
Thầy Giáo Thọ có thể hỏi tối thiểu 3 câu và tối đa 10 câu như lý do tại sao đi tu?
2) Gia thế, nghĩa vụ (nếu thời chiến).
- Con đã tới tuổi thi hành nghĩa vụ công dân chưa?
Ni được miển hỏi câu này. Vì luật pháp miển động viên phái nữ, hầu như ở mọi quốc gia chưa có ra luật này. Có thể hỏi thêm gia thế, tình trạng hôn nhân v.v... Phần nhiều chú trọng phần Kinh, luật, luận hơn.
Trường hợp giới Tỳ kheo, hỏi về đường hướng tu tập, hoằng pháp trong tương lai như thế nào, để biết được khả năng và chí hướng họ trong thời gian tới. Sau khi hỏi xong, thầy Yết Ma tác bạch giữa Hội Đồng giới sư rằng:
“Đại Đức Tăng nghe, Sa Di A, B, C... này theo Hòa Thượng Tỳ Kheo thượng A hạ B cầu thọ giới Cụ túc. Sa Di A, B, C này, nay theo chúng tăng xin thọ giới Cụ túc, Tỳ kheo thượng A hạ B làm Hòa Thượng. Sa Di A, B, C tự nói là thanh tịnh, không có các chướng nạn, tuổi đủ 20, ba y bát pháp đều đủ. Tăng nay trao cho các Sa Di A, B, C giới cụ túc, ngài thượng A hạ B làm Hòa Thượng. Các trưởng lão nào bằng lòng Tăng cho các Sa Di A, B, C thọ giới Cụ túc, ngài thượng A hạ B làm Hòa Thượng thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. Đây là Yết Ma thứ nhất có thành không?” Các thầy tôn chứng đồng chấp tay đáp: thành.
Hòa Thượng Yết Ma lại hỏi như thế 3 lần và cả ba đều được các giới sư đồng thuận chấp tay đáp: Thành mới hợp cách đắc giới. Cuối cùng thầy nói:
Tăng đã bằng lòng cho các Sa Di A, B, C thọ giới cụ túc Ngài thượng A hạ B làm Hòa Thượng xong, Tăng bằng lòng thì im lặng, việc ấy như thế mà suốt biết. Pháp Yết Ma tăng này rất dân chủ trong các đại giới đàn, các kỳ Bố Tát, họp phân xử Tỳ kheo phạm giới v.v... đều y cứ theo đó.
3) Bốn chỗ nương tựa của Tỳ kheo:
a) 3 y (y ngũ, y thất, y cửu điều) hay cũng còn gọi là y hạ phẩm, trung phẩm và thượng phẩm. Y phẩm hạ cũng gọi là y tác vụ, tức y mặc thường để làm việc chùa trong chúng, y trung mặc khi giảng pháp và y thượng mặc khi hành lễ. Y pháp bất ly thân nên thầy Tỳ kheo phải mang y theo lúc rời chùa để khi cần được tiện dụng:
b) Bình bát: gọi là ứng lượng khí là vật dùng lường thức ăn vừa với người thọ dụng không dư thừa hay thiếu hụt. Thầy Tỳ Kheo dùng bình bát để đi khất thực, đựng thức ăn của người thí chủ cúng dường, và thọ trai cũng chỉ chiếc bình bát đó. Có câu kệ.
Nhứt bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu.
Nghĩa:
Một mình dạo khắp Ta Bà
Ôm bình bát pháp mọi nhà xin ăn
Chỉ vì sanh tử đảo điên
Xuân thu giáo hóa gieo duyên độ đời.
(T Bảo Lạc dịch).
c) Tự Viện – Tinh Xá (Gốc cây):
Thời Phật còn tại thế, chư Tăng hầu hết nương tựa dưới gốc cây ngủ qua đêm, rồi hôm sau lại tiếp tục lên đường, không ở lâu một chỗ hay một trú xứ. Vì Phật không muốn cho đệ tử bám chấp nơi chốn mà sinh tâm tham đắm, nhiễm trước khó khăn trở ngại việc hành đạo.
d) Tăng đoàn: sống chung lục hòa với đại chúng nơi tăng viện là điều vô cùng lợi lạc cho việc hoằng pháp tương lai mà bất cứ một Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào không thể thiếu được, từ ngày thọ giới Cụ túc trở đi.
Nếu vì Phật sự bận rộn không ở cùng tập thể được, song ít nhất mỗi năm một lần vào mùa an cư 3 tháng hạ, thầy Tỳ kheo phải nhập chúng tu học để đạo tâm tăng trưởng. Do vậy trong bài kệ khai chung bảng trường hạ đọc rằng: nhứt cá viên hề nhứt cá phương, cửu châu sa giới tuyệt tư lương, liêu liêu lượng lượng hồng âm chấn, Vạn cổ sum nhiên tuyển Phật trường, nghĩa là:
Một tiếng bảng hề một tiếng chuông
Muôn nơi các cõi dứt nghĩ lường
Hồng âm đồng vọng lan đi khắp
Trống điểm khua hồi tuyển Phật trường.
4) Bốn pháp xử sự: Khi truyền giới cụ túc xong, thầy Giáo thọ còn ân cần nhắc nhở các vị tân tỳ kheo bốn pháp xử sự để ứng xử trong đời sống hằng ngày.
a) Bị người mắng không nên mắng lại: đã là Tỳ kheo đạo hạnh phải có, ít nhất cần tập nhẫn nhục, là đức tính căn bản người tu không thể thiếu được. Cho dù bị người khác chửi rủa suồng sã cũng phải giữ từ tốn không nên phản ứng thiếu tế nhị.
b) Có ai giận không nên giận lại: Bình tâm suy nghĩ: tại sao người ta giận mình? Có phải do mình châm ngòi trước? Tìm được câu trả lời, ta không cần giận ghét người nữa mà tỏ ra thông cảm hơn.
c) Kẻ khác đùa giễu không nên đùa giễu lại: Đùa vui có nhiều cách như chọc phá, nhại tiếng nói, giả bộ cách đi đứng... là những việc làm ta dễ phản ứng lại liền bằng cách trả đũa. Thầy Tỳ kheo không nên tỏ thái độ như thế.
d) Dù bị đánh, không nên đánh trả lại: nếu có ai đụng chạm đến ta như đánh đập, hành hung bất cứ lý do gì cũng đều nên né tránh. Không nên thách thức, khiêu khích chọc giận trong trường hợp này mà nên lấy hòa làm quí, hẳn làm hạ cơn xung thiên của kẻ đối phương xuống.
Kinh nghiệm cho ta thấy rằng, giữa hai người đang có vấn đề xung đột, bất hòa sanh ra tranh cải, ai cũng muốn nhận phần đúng về mình, ta nên rút lui có trật tự là hơn. Chờ cho người kia hạ cơn hỏa và vào lúc thuận tiện, nên mời ngồi lại nói chuyện đàng hoàng. Lúc đó, ta vạch chỉ điểm sai của người ấy, chắc chắn đương sự nhận ra ngay; và biết đâu y lại thầm cám ơn ta nữa là đằng khác.
Các Đại Đức trẻ cần phải học những cách hành xử cao đẹp như thế để đủ uy lực hoằng dương Phật pháp sâu rộng.
V- Hội đủ nhân duyên:
Muốn tổ chức một đại giới đàn truyền trao giới pháp phải nhắm tới hoàn cảnh, điều kiện, thời gian có thuận tiện hay không để mới có thể tiến hành. Có hai điểm quan trọng phải nghĩ tới trước tiên là giới tử và giới sư, nhất là số người thọ giới quá ít thì không thể tổ chức được.
1) Nhân dịp đại lễ quan trọng: như chùa tổ chức đại lễ khánh thành có mời các bậc tôn đức tăng già khắp nơi câu hội. Tiện dịp tổ chức đại giới đàn, gởi thư thông báo rộng rãi để các giới tử ghi danh cầu thọ giới. Đây là cách mà xưa nay các chùa lớn vẫn làm thế, nhất là ở hải ngoại số lượng chư Tăng ít và ở xa.
2) Chùa có chúng đông: số chúng xuất gia tại bổn tự có từ 10 vị trở lên và đủ điều kiện thọ giới, thầy Trụ trì sắp xếp mở đại giới đàn, cũng như kêu gọi các chùa địa phương gởi giới tử tới thọ giới để đại giới đàn thành tụu viên mãn.
3) Do yêu cầu: có trường hợp giới tử tự lo sắp đặt và trình bày với một vị tôn túc ý hướng muốn thọ giới, và nhờ thầy thỉnh giới sư truyền giới. Nếu thầy xét thấy thuận hợp sẽ đóng vai trò chính trong việc tổ chức giới đàn truyền giới.
4) Giới đàn phương trượng: có những chùa ở xa thành phố, ít chư tăng, vị trụ trì thu nhận đệ tử một vài vị mà điều kiện đủ để thọ giới. Thầy vẫn tổ chức được giới đàn truyền giới như thường. Trong trường hợp một giới đàn như thế không đầy đủ tam sư thất chứng, cũng không có vị tuyên luật sư. Giới sư chỉ cần 3 vị là đủ.
Những giới đàn tổ chức qui mô, có đông giới tử, hội đồng giới sư 10 vị mới gọi là đại giới đàn, còn ngoài ra chỉ gọi giới đàn mà thôi.
VI- Giới luật, Phật Pháp tồn tại song hành:
Giới luật quyết định mạng mạch của Phật pháp nên người xuất gia lấy giới luật làm đầu, học giới luật và hành tri giới luật là điều tiên quyết. Từ khi tập sự xuất gia quý chú cô phải học luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai nghi và Qui Sơn Cảnh Sách gọi là 4 cuốn luật tiểu.
Đây là điều bắt buộc không thể thiếu đối với người tu có căn bản, làm nền tảng cho việc hành đạo sau này được thuận duyên hơn.
1) Giới luật như hải đăng mà thủy thủ nhắm hướng cho thuyền tàu nhổ neo hoặc cập bến được dễ dàng khỏi lạc mất hướng.
2) Trạm không lưu để phi công hạ cánh hay cất cánh máy bay được an toàn. Tại những phi trường bận rộn như New York, London, Hong Kong, Narita, Amsterdam, Mosow... nhờ vào hệ thống kiểm soát không lưu mà các chuyến bay đi đến nơi về đến chốn một cách nhẹ nhàng thoải mái.
3) Người tài xế có bản đồ, mặc dù tới một thành phố hay một nơi xa lạ, vẫn cứ yên tâm là lái xe tới đúng đích không bị lạc đường nhờ có bản đồ nắm sẵn trong tay.
4) Phá giới như người què chân không thể đi được. Vì thế, người phá giới theo luật phải bị khiển trách quở phạt hay tẩn xuất khỏi viện, tùy theo nặng nhẹ mà xử sự thích ứng.
5) Cụ túc giới là giới đủ, như người đầy đủ hai chân mới có thể đi được. Chư Tăng ni giới đức là đoàn thể tăng già hùng mạnh làm cho Phật pháp phát triển sâu rộng, ngôi nhà Phật giáo được bảo vệ không bị ai khuấy phá, chỉ trích.
Trong giới kinh ghi rằng giới luật là thọ mạng của Phật pháp, vì chức năng của giới luật là phòng hộ các căn. Như cánh cửa ngăn các giác quan. Phòng hộ cũng dịch là luật nghi, có 3 loại luật nghi:
- Căn luật nghi: phòng hộ các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không để tiếp xúc với trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Do vậy, các vị chuyên tu thích sống một mình trong hang động hoặc nơi núi non rừng vắng để có một đời sống cao khiết an tịnh.
- Biệt giải thoát luật nghi: phòng hộ bằng các điều học giới đã phát nguyện thọ, như giới của thành phần tại gia tuân giữ 5 giới, 8 giới, 10 giới hay giới Bồ Tát. Giới của chúng xuất gia giữ 10 giới, Bồ Tát giới, 250 giới, 348 giới. Nếu giữ trọn giới liền được giải thoát.
- Vô lậu luật nghi: phòng hộ do người tu chứng pháp vô lậu như các bậc A La Hán, Đẳng Giác... đã đoạn diệt phiền não hữu lậu của thế gian và chứng pháp giải thoát xuất thế.
Hành giả đi suốt lộ trình từ phàm đến chứng Thánh quả là nhờ trang bị giới luật mà có được. Việc chọn lọc thành phần giới tử cũng như lựa hạt lúa giống vậy. Người ta chỉ chọn lấy hột chắc còn những hột lép bị loại ra hết, nhờ vậy ruộng lúa mới lên đều đơm bông kết hột sum sê được mùa. Người Tăng Sĩ giữ giới như giữ tròng con mắt mới tránh được bụi dơ và vật nhọn đâm nhằm, là cách an toàn trên lộ trình giác ngộ.
Tài liệu tham khảo
- Giới Đàn Tăng của Hòa Thượng Thiện Hòa do một số vị hảo tâm ấn tống, in ấn tại Ấn Độ năm 2004
- Kinh Thắng Man giảng luận của Ngài Bồ Đề Lưu Chi do TT Tuệ Sỹ dịch và giải, nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm 2007
- Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới HT Trí Tịnh dịch, Phật học Viện Quốc Tế - Hoa Kỳ ấn hành năm 1985.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).5/5/2012.

No comments:

Post a Comment