Tuesday 15 May 2012

OAI NGHI SADI

--- o0o ---



Oai là trang nghiêm khiến người nể vì kính trọng. Nghi là đi đứng đúng pháp, ăn nói phải thời. Sadi chí khí thanh cao như mây gió, tư tưởng quang minh như trăng sao. Trong tâm chứa đức từ bi, ngoài thân hiện tướng đoan chánh. Đầy đủ thọ trì luật nghi khiến ngôi Tam-bảo hưng long.

1- Kính bậc đại Samôn

Không được đột ngột kêu pháp danh, phải thưa Đại đức AB, Sư cô XY.

Không được nghe lén tụng đại giới. Không được tò mò vô lễ nghe chuyện. Không được tự do xem thơ từ kinh sách. Không được truyền nói lỗi lầm. Các ngài đi qua, phải đứng dậy, trừ đang : 1/- Tụng kinh. 2/- Nằm bệnh. 3/- Cạo tóc. 4/- Ăn cơm. 5/- Làm việc trong chúng.

2- Thờ Thầy

Phải dậy sớm hầu Thầy các thứ cần dùng khi Thầy ngủ dậy. Muốn vào liêu Thầy phải ở ngoài cửa niệm Phật, Thầy cho phép mới vào. Thầy không đáp nên lui. Có lỗi, Thầy dạy răn, chẳng đặng cãi. Thầy sai đổ đồ bất tịnh chẳng đặng khạc nhổ, tỏ vẻ giận hờn. Không được làm lễ khi Thầy ngồi thiền, kinh hành, ăn cơm, giảng kinh, xỉa răng, tắm rửa, ngủ nghỉ v.v… Thầy đóng cửa không được ở ngoài làm lễ. Thầy dạy lui phải lui.

Đứng hầu Thầy, thân phải nghiêm chỉnh, vững mình bằng chân. Không được dựa cột, gác chân lên ngạch cửa. Không được đứng đối mặt Thầy. Không được đứng chỗ cao hơn Thầy. Không được giỡn đùa trước mặt Thầy. Thầy dạy mới ngồi. Thầy hỏi mới nói. Có việc cần mới thưa hỏi. Hỏi Phật Pháp phải sửa y áo, quỳ gối chắp tay. Thưa hỏi việc thường thì đứng thẳng, cúi đầu chắp tay. Cầu xin việc gì, Thầy không cho, chẳng được hiện tướng không hài lòng.

Phạm giới luật phải phát lồ ngay và sám hối. Không được ngồi nằm chỗ Thầy, mặc áo đội mũ của Thầy để giỡn chơi. Thầy nói chưa hết lời chẳng được vội nói. Thầy sai đem thơ tín chẳng được mở coi hay cho người khác coi. Có ai hỏi về Thầy, xét có lợi ích thì cứ thật trình thưa. Nếu lý đáng giấu, việc đáng lánh, lời hiềm nghi có hại, phải khéo phương tiện mà lui.

Thầy có khách phải kính trọng tiếp đãi. Thầy bệnh tật phải hết lòng nuôi dưỡng săn sóc.

Nếu Thầy không hiểu Phật Pháp, phải xin đi học. Xa Thầy không được ở nơi giếng chợ ồn náo. Không được ở các miếu thần đền thánh. Không được ở lẫn lộn với người thế tục. Sadini phải ở xa chùa Tăng. Không được làm những việc thế gian như kinh doanh buôn bán, trồng tỉa cầu lợi.

3- Theo Thầy ra đi

Không được lang thang hết nhà này sang nhà kia. Dù nhà cha mẹ, Thầy không cho phép cũng không đặng vào. Chẳng được đứng lại bên đường cùng người nói chuyện. Chẳng đi cách xa Thầy lắm. Đến nhà đàn việt phải đứng bên Thầy. Thầy dạy ngồi mới ngồi. Thầy chứng trai, phải đứng hầu xuất sanh, trai xong phải cất đồ cúng.

Lượng trước các thứ Thầy cần dùng, phải đem theo. Mang bình cầm tích và nhiều việc khác phải để ý. Thầy cần lội nước, phải trước cầm gậy dò thử sâu nông.

Đến chùa am khác, Thầy lễ hoặc mình lễ, không được tự do đánh khánh đánh chuông. Hoặc chia ra đi, Thầy hẹn chỗ nào nhóm, chẳng được đến sau.

4- Nhập chúng

Không được tranh chỗ ngồi. Không được từ xa kêu gọi nói cười. Không được xoi mói bới lỗi. Phải thành thật cùng nhau xây dựng. Không được khoe nhọc cậy công. Thức ngủ đúng nội quy. Nước nóng tốn công người nấu, nước lạnh tốn công người gánh, phải tiết kiệm. Xỉa răng hỷ mũi khạc nhổ ợ ngáp phải kín đáo đừng nhọc người nhờm gớm. Uống nước ăn cơm mà tiếp khách là phi thời, một tay xá người là phi lễ.

Nghe tiếng chuông thầm tưởng bài kệ :

Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ,

Trí tuệ lớn Bồ-đề sanh.

Lìa địa ngục, thoát hầm lửa,

Nguyện thành Phật độ chúng sanh.

Ám già ra đế da sa bà ha (3 lần).

Không được vừa đi vừa chạy. Chọn bạn hiền mới thân nhưng phải lịch sự và hòa nhã với tất cả mọi người. Không được tranh cãi. Gặp việc khó nhẫn vẫn phải tâm bình khí hòa mà trình bày lẽ phải.

Đèn bàn Phật không được lấy xuống dùng. Bông trái cúng Phật không được ngửi. Bông thay ra phải để chỗ khuất, không người dẫm chân đến. Sadi nên sắm sẵn 3 y Tỳ-kheo để tưởng nhớ tướng phước điền. Có nhiều y phục phải bá thí. Không được dùng ngũ sắc và kiểu may theo thế tục. Tay sạch mới đắp pháp y.

Đại chúng làm việc không được trốn lánh trộm an. Không được lấy của thường trụ như tre, bông, trái, củi, muối riêng dùng. Chẳng được luận bàn chánh trị được thua, các nhà thế gian tốt xấu. Trên đây là tư cách một vị hảo Tăng.

5- Theo chúng ăn

Nghe tiếng kiền chùy phải sửa soạn tới trai đường. Cúng dường chú nguyện phải nhất tâm cung kính. Cơm xuất sanh chẳng kém 7 hột, bún chừng 1 tấc, bánh chừng 1 móng tay. Các thứ rau cải đậu mè không xuất sanh vì quỷ thần không dùng. Mỗi bữa ăn lưu phạn một thìa cơm để bá thí cho các loài.

Khi ăn phải tưởng 5 phép quán :

1) Quán xét biết bao công lao khó nhọc và hy sinh mới có miếng cơm này.

2) Xét đức hạnh mình có xứng đáng thọ lãnh không.

3) Giải thoát ba độc cốt yếu khi gặp món ăn ngon không mừng, gặp miếng ăn dở không giận, gặp miếng ăn bình thường không si.

4) Thân là cơ quan tiến đạo. Nếu không ăn sẽ hình khô sắc tụy. Nhưng nếu tham đắm thì miếng ăn trở thành thuốc độc.

5) Ta vì cầu đạo mới tới đây thọ ăn. Người vì mong ta đắc đạo mới cúng dường. Vậy ta đâu có thể chỉ nghĩ đến ăn mà quên tu hành.

Không được lấy thức ăn của chúng đem cho riêng ai. Đang ăn không được quăng cho chó mèo. Đang ăn không nói chuyện. Lỡ có ai chợt hỏi, phải nuốt xong mới trả lời. Không húp canh cháo um sùm. Nhai cơm mím miệng không để ra tiếng. Không được gãi đầu e bụi bay vào bát người bên cạnh. Có sâu phải dấu kín đừng để người ngại mà mất ăn. Xỉa răng phải che miệng. Không nên chốc chốc đứng lên ngồi xuống. Ăn phải từ từ, quá nhanh sinh bệnh, quá chậm phiền người. Không được lấy tay vét bát, le lưỡi liếm ăn. Không được đổ vãi. Lỡ có đánh rơi, nhặt để vào bát, đừng vừa nhặt vừa ăn. Không được sịt mũi phải có khăn lau. Cần dùng điều chi, im lặng ra dấu cho người biết đem đến, chớ lớn tiếng kêu gọi. Không được khua đũa chén ra tiếng. Cơm có thóc lột bỏ vỏ mà ăn. Nước tráng bát phải uống chớ hắt đổ. Ăn xong, đợi đồng chúng cùng đứng dậy.

Vật của chúng Tăng, ăn một mình thành tội ăn trộm. Vật của mình nên chia bạn đồng liêu cùng ăn.

6- Lễ bái

Không được đứng giữa chùa nên khiêm tốn đứng một bên. Người lễ Phật không được đi ngang qua. Chắp tay đừng bọng giữa, 10 ngón so le, cao thấp vừa chừng. Lễ bái phi thời phải đợi lúc vắng người. Tay đang cầm kinh tượng không được xá người. Không được cùng Thầy đồng lạy, đồng xá. Trước Thầy không nên chịu người lạy mình.

7- Nghe pháp

Tới đúng giờ, y phục tề chỉnh, ngồi đứng trang nghiêm. Ho khạc phải ra ngoài. Nghe rồi suy nghĩ, như pháp thực hành.

8- Học kinh

Cây không cành gọi là cây cùi. Người không học cũng như người mù. Sadi trước học luật rồi sau mới học kinh và luận. Sadi có 2 pháp học : 1) Tụng kinh hiểu nghĩa để rộng trí. 2) Tham thiền tu quán để khai trí.

Không được lấy miệng thổi bụi trên kinh. Không được để các vật tạp loạn trong tủ kinh. Kinh sách hư phải bồi sửa. Không được học kinh ứng phó đạo tràng, sách vở ngoại đạo, tướng số bói khoa, binh trận, thiên văn, địa lý, phù thủy. Sách thuốc trị bệnh, Sadi cũng không được học vì e một phen sai lầm, hại người không nhỏ. Không được học làm thơ phú, bận bịu văn chương. Viết chữ chỉ cần ngay nét rõ dấu, không cầu khéo đẹp. Mượn kinh của người, xem xong phải trả. Dù của người cũng phải yêu tiếc chớ để hư nát.

9- Vào chùa am

Đi ngang chính giữa là thái độ xông pha thiếu tôn kính. Không được vô cớ vào chánh điện chơi. Nhiễu Phật theo bên phải. Không được hỷ khạc trong điện tháp, dựng gậy bên vách chùa.

10- Vào thiền đường

Trên đơn không được thô tháo giũ áo mền, tiếng động chướng sự an tĩnh, bụi bay nhơ đến người, phải thấp mình khiêm tốn như chiếc khăn lau. Bước xuống đơn thầm tưởng bài kệ :

Từ sớm giờ Dần thẳng đến tối,

Hết thảy chúng sanh tự giữ mình.

Nếu lỡ dưới chân mất thân hình,

Nguyện ngươi tức thời sanh Tịnh-độ.

Lời nói dè dặt cung kính hòa dịu, cử động nhẹ nhàng. Không chụm đầu nói chuyện, xúm nhau ăn uống. Coi kinh phải nghiêm thân, im lặng. Mỗi khi ngồi, thầm đọc kệ :

Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh

Ngồi tòa Bồ-đề,

Tâm không đắm nhiễm.

Khi kết già thầm đọc kệ :

Kết già phu tọa,

Đương nguyện chúng sanh

Bồ-đề kiên cố,

Tâm không động loạn.

Không được đi ngang qua nhà thiền. Phải duyên theo một bên. Giờ ngủ không được nói chuyện.

11- Chấp tác

Vâng lời tri sự không được trái cãi. Rửa rau thay nước 3 lần. Tay sạch mới được múc nước. Nước có trùng phải lọc kỹ. Mùa đông ở xứ lạnh, phải đợi mặt trời mọc mới lọc nước. Không được đun củi mục, củi ướt, củi tươi. Tay dơ làm đồ ăn cúng chúng mắc quả báo làm quỷ trong nhà xí. Không được cao tay hắt, đổ nước phải se sẽ. Đừng ngược gió quét nhà, không nhóm rác sau cánh cửa. Áo có rận phải lượm sạch mới giặt. Dùng nước xong phải úp chậu xuống, không để ngửa sanh trùng. Chậu giặt tịnh y không được giặt hạ y. Không được ngậm nước phun pháp y. Không được đổ nước nóng trên đất. Gạo rau các vật không được phí bỏ bậy bạ, phải tiếc của thường trụ.

12- Vào nhà tắm

Không được đi tiểu ở chỗ tắm. Không tắm trong nhà cầu. Tẩy tịnh rồi mới tắm. Kinh Nhân Quả : Một Sadi giỡn cười trong nhà tắm sau đọa địa ngục nước sôi. Có ghẻ lác nên múc nước tắm sau, chớ để người ghê sợ. Không được tắm lâu khiến người sau chờ đợi. Trước khi tắm phải xếp đủ đồ dùng, không được lên tiếng kêu gọi. Không được giặt áo trong nhà tắm.

13- Vào nhà xí

Muốn đại tiểu tiện phải đi liền chớ để bức xúc lật đật. Tới nơi cởi áo dài treo tề chỉnh, cẩn thận đừng để rơi. Mặc áo vạt khách đi vào. Đổi dép guốc. Gõ cửa nhè nhẹ. Biết trong đã có người, chớ hối thúc ra mau. Ngồi trên cầu phải đờn chỉ 3 tiếng. Thầm tưởng bài kệ :

Khi đại tiểu tiện,

Nguyện cho chúng sanh

Bỏ tham sân si,

Dứt sạch tội nghiệp.

Ám ngận lỗ đà da sa ha (3 lần).

Không được nhổ khạc bừa bãi trên đất. Không được viết nhảm trên vách. Kinh Thí Dụ : Samôn đại tiểu tiện không đờn chỉ, xối nhằm con quỷ đang ăn phân. Nó nổi giận muốn giết ông Thầy.

Không được cách vách cùng người nói chuyện. Đại tiện xong lấy giấy chùi sau rửa nước. Ngón áp út và vô danh chà rửa sạch. Nắm tay ra chỗ rửa tay. Ra ngoài gặp người phải lánh, không xá. Rửa ngón tay trái trước thật sạch rồi hợp hai tay lại rửa nữa. Nếu không có xà bông, dùng tro hay đất, cọ sát kỹ rồi xối nước, đọc kệ :

Dùng nước rửa tay,

Cầu cho chúng sanh

Được tay trong sạch,

Lãnh giữ Phật Pháp.

Ám chủ ca ra da sa ha (7 lần).

Súc miệng đọc kệ :

Tâm sen tịnh, súc miệng,

Ngậm nước thơm trăm hoa,

Ba nghiệp hằng thanh khiết,

Đồng Phật vãng Tây phương.

Ám hãm ám hãm sa ha (7 lần).

Rửa mặt đọc kệ :

Nước sạch rửa mặt,

Cầu cho chúng sanh

Được tịnh pháp môn,

Hằng không cấu nhiễm.

Ám lam sa ha (7 lần).

14- Nằm ngủ

Nghiêng mình bên phải, 2 chân chồng lên nhau, bàn tay phải để dưới má, tay trái duỗi theo hông. Thế gọi là nằm cát tường. Phải ngủ một mình một giường.

Vật dưới thân chớ vắt cao ngang đầu người.

15- Quanh lò sưởi

Tóc, móng tay, mũi, đờm, máu, thuốc độc bỏ vào lửa có tội. Bới lửa, cẩn thận đừng để tro bụi bay sang người khác. Không được hong phơi giày dép khăn vớ v.v… Phải kính nhường chỗ tốt cho người. Nếu luân phiên thì vừa đủ ấm phải về chỗ, ngồi lâu phiền người sau. Không được kề tai chụm đầu buông lung trò chuyện.

16- Ở chung phòng

Thăm hỏi tuổi đời, giới lạp, học vấn v.v… Đừng để mất lòng. Nếu lỡ, phải xin hoan hỷ, chớ để cách đêm. Sau lưng chớ chê bai nhau. Mang đèn tới hay tắt đèn phải hỏi. Tụng niệm chớ lớn tiếng, động niệm huynh đệ. Phải săn sóc người bệnh. Vô cớ không vào liêu khác.

17- Đến chùa Tăng

Nam nữ cách biệt, chỗ ngồi phải phân chia. Không nói chuyện chỗ khuất. Không thuyết pháp phi thời. Không thơ từ qua lại. Không cậy mượn cắt may nhuộm giặt. Không sắm lễ kia đây thù đáp. Không vì cạo tóc hoặc xuống bếp làm thức ăn. Ni không cùng ông Tăng kết duyên cha mẹ anh em.

Thầy không sai đi, dù có việc đi qua chùa Tăng, cũng không được ghé. Nếu bắt buộc phải đến chùa Tăng, cần đi 2 người trở lên. Trở về chùa Ni, không được phê bình quý ngài đẹp xấu hay dở.

18- Đến tại gia

Có chỗ riêng mới ngồi, oai nghi nghiêm chỉnh, nói lời đạo đức. Người hỏi Phật Pháp, xét nếu thật tình mới giảng dạy. Giữ gìn 6 căn, thọ thực như pháp, không nói đùa cười giỡn. Không đi đêm. Không thơ từ qua lại, không tặng vật trao đổi. Nam nữ cách biệt. Tăng tục phân chia.

Về nhà cha mẹ, trước lễ Phật sau thăm hỏi từng người. Nếu cha mẹ thờ thần thì chắp tay cung kính xá bái. Không kể lể phép Thầy nghiêm khắc, xuất gia khó khăn, đạm bạc cực khổ. Nói Phật Pháp cho gia đình nghe, tăng trưởng lòng tin, thêm phước tuệ.

Không được cùng bà con ngồi lâu nói chuyện, người này phải quấy, kẻ kia tốt xấu. Đêm ngủ riêng một mình một giường. Không kết làm cha mẹ chị em với bạch y. Không lấy trái cây của chùa cho bà con, không được nói lỗi chúng Tăng.

19- Khất thực

Phải có bậc lão thành đồng đi. Nếu không thì phải xét chỗ đáng đi mới tới. Nghiêm chỉnh oai nghi, tránh mọi cơ hiềm. Thuyết pháp phải thời. Chớ nói cho tôi ăn được phước. Năn nỉ mất thanh cao, xin hoài người chán mỏi. Được ít chớ lo rầu, được nhiều chớ mừng tham.

20- Vào xóm phố

Cần lắm mới vào. Cổ đức dạy :

Tăng ở xóm phố Phật Tổ la,

Thánh Hiền thường ẩn núi non mà.

Nước trong vui chảy bên sườn đá,

Về đến thị thành hóa trược ba.

Không vừa đi vừa ngó hai bên phố xá. Bình thân thẳng đầu, mắt nhìn xuống đất cách 7 bước, chớ đạp trùng kiến, không giỡn cười. Không nắm tay nhau cùng đi. Gặp bậc tôn túc, đứng lại bên đường kính chào. Gặp bà con, hỏi thăm và chúc nguyện bình an. Không được nam nữ chung đi. Gặp trò hề, không dừng lại coi. Gặp đám cãi lộn, phải tránh xa. Gặp vũng nước nên đi quanh, chớ nhảy qua.

Về chùa không khoe khoang những hoa mỹ thị thành. Thường suy nghĩ thân ta vô thường.

21- Đi chợ

Trả giá vừa phải, mua rẻ thiệt người, mua đắt lãng phí, phải quý tiếc tiền của Tam-bảo. Có người tranh mua nên nhường. Đã hứa mua vật của người trước, người sau tuy giá vật rẻ hơn cũng không bỏ kia mua đây. Không được vì người bảo lãnh nợ nần.

22- Làm việc gì cũng phải thưa Thầy

Ra vào qua lại, sắm pháp y, may đồ mới, cạo đầu, tật bệnh, làm việc chúng, thọ vật hay thí vật, cậy mượn người hay ai cậy mượn mình, mỗi mỗi phải thưa Thầy, chỉ trừ 5 việc : 1) Xỉa răng. 2) Uống nước. 3) Đại tiện. 4) Tiểu tiện. 5) Lễ Phật lễ tháp trong đất chùa.

23- Đi học xa

Phải chọn bạn lành. Cầu thoát sanh tử. Chớ mất thời giờ dạo chơi xem phong cảnh. Không cầu biết rộng để khoe khoang. Tới chùa nào phải vào thưa trước. Được phép mới đem hành lý vào sau.

24- Y bát Tỳ-kheo

Ba y Tỳ-kheo có tên là y nhẫn nhục, y liên hoa, y cứu long, y phước điền.

Sadi đắp mạn y (mạn : không văn vẻ, không hình tướng phước điền). Khi đắp y, thầm đọc kệ :

Thiện tai giải thoát phục,

Vô tướng phước điền y.

Đắp y trì giới hạnh,

Rộng độ khắp quần sanh.

Nam mô Ca Sa Tràng Bồ-tát (3 lần).

Sadi cầm đãy lọc nước, thầm đọc kệ :

Lành thay đãy lọc nước,

Từ bi cứu chúng sanh.

Ra vào phải thường dùng,

Mới hợp đạo Bồ-tát.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần).

Sadi mắc hầu Thầy không thọ trì bình bát và tọa cụ. Phật dạy Tăng Ni nếu không giữ đủ giới luật oai nghi sẽ đọa 3 đường ác. Còn không được làm người hạ tiện huống là thành Phật.

Muốn có nhất thiết trí

Giáo hóa tất cả chúng sanh,

Đồng thành Vô-thượng Bồ-đề,

Phải đủ oai nghi giới hạnh.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.MHDT.16/5/2012..

No comments:

Post a Comment