Monday 19 May 2014

Tìm Hiểu Ý Nghĩa Từ Bhikkhu (Tỳ Kheo)
TKN. Như Liên
Từ Bhikkhu (tiếng Sankrit bhikṣu), xuất phát từ bhikṣ, nghĩa là “người khất thực” (khất sĩ 乞士, khất sĩ nam 乞士男), người sống bằng của bố thí tìm cầu chân lý giải thoát. Một thành viên của Tăng đoàn; người từ bỏ cuộc sống thế tục, thọ lãnh giới luật; một vị tu sĩ Phật giáo được thọ giới tỳ kheo, giữ 227 giới, cạo đầu mặc  y vàng sống nhờ vào thực phẩm khất thực mà vị đó ít nhất 20 tuổi, thì mới được gọi là bhikkhu. “Tu sĩ” hay “khất sĩ” có thể được gọi như là từ tương đương gần nhất cho “bhikkhu”. Theo từ điển Wikiphatgiao[1] bhikkhu được phiên âm tiếng Hán là 比丘, tỳ kheo, tỳ khưu hay tỷ kheo, cách phiên âm Hán-Việt khác là Bật-sô (zh. 苾芻, 苾蒭), Bị-sô (zh. 備芻, 備芻), Tỉ-hô (zh. 比呼), và cách dịch ý Hán-Việt khác là Trừ sĩ (zh. 除士), Huân sĩ (zh. 薰士), Phá phiền não (zh. 破煩惱), Trừ cận (zh. 除饉), Bố ma (怖魔).
Luận giải kinh Kim cương của Đại sư Tông Mật định nghĩa về thuật ngữ tỳ kheo: 1) Bố ma (zh. 怖魔): “mối lo sợ của ma quỷ”; 2) Khất sĩ (zh. 乞士); “sống bằng hạnh khất thực”; 3) Tịnh giới (zh. 淨戒): “giới luật thanh tịnh”.
Bhikkhu còn có nghĩa là những người cố gắng tu trì giới, định, huệ để giải thoát. Nghĩa đen của nó có nghĩa là “người đi xin” hay là người sống vào nhờ khất thực, nhưng các tỳ kheo thì không đi xin mà họ đứng tại cửa (nhà của thí chủ) một cách im lặng để nhận của bố thí. Họ sống bằng vật dụng mà những thí chủ cung cấp cho họ một cách tự nhiên hay xuất phát từ niềm tin.Vị ấy không có lời nguyện nào cho cuộc đời, nhưng  bị ràng buộc bởi giới luật đã tự ý mình thọ và tự mình chấp nhận cuộc sống nghèo nàn và độc thân. Nếu vị ấy không thể sống cuộc đời phạm hạnh thì có thể xả y bất cứ lúc nào. 
Có một vài ngữ nguyên có tính trượng trưng của từ bhikkhu[2], mà chúng ta có thể bắt gặp trong Chú giải như  sau:
(a) bhikkhu = bhinnakilesa “người đã phá những tỳ vết hay phiền não)[3] (b) Một sự giải  thích khác rõ ràng hơn là[4]  “sự phá hủy hay hủy diệt của 7 phiền não dẫn đến tái sinh, bao gồm tà kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa), tham ái (rāga), sân hận (dosa), si mê (moha), ngã mạn (māna)”.[5] (c) Trong cách giải thích  a & b thì âm đầu tiên  bhi(–kkhu) liên quan đến bhid, trong định nghĩa c này thì bhi được chỉ cho gốc bhī (sợ hãi), hay xa hơn nữa nó liên quan đến động từ īkṣ (to see – thấy), vì vậy trong Thanh Tịnh Đạo (chươngI,7) Ngài Buddhaghosa định nghĩa bhikkhu, Tỳ kheo là “kẻ thấy sự khủng khiếp trong vòng luân hồi sinh tử” (Bhayaṃ ikkhatīti: bhikkhu) (saṃsāre bhayaṃ ikkhaṇatāya vā bhinna–paṭa–dharaditāya vā)[6] . Vì vậy vị ấy tìm đến sự thọ giới để thoát ra khỏi vòng sinh tử đó, điều này được chứng minh trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada):
Chỉ khất thực nhờ người,
Ðâu phải là tỷ kheo!
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ
Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo.[7]
Như vậy từ “bhikkhu” liên quan đến những nguy hiểm của sự tái sanh. Đối với một cư sĩ thật không dễ dàng mà tuân giữ đầy đủ những giới luật, dấn thân vào việc tu học hay phát triển thiền định. Còn đối với một vị tỳ kheo, sau khi cạo tóc đắp y cà sa, không có nhu cầu cho sự thẩm mỹ  nữa, nhờ vậy, vị ấy được nhẹ nhàng thảnh thơi trong tâm. Khi đi khất thực từ nhà này đến nhà khác vị ấy nhận lấy của bố thí chỉ vừa đủ cho buổi ăn sáng để giúp vị ấy có thể thực hiện việc tham thiền.
Hiển nhiên, một muỗng cơm không phải là một gánh nặng cho thí chủ, vị ấy bằng lòng với bất cứ thức ăn gì mà vị ấy nhận, dù tốt hay xấu, như vậy vị ấy cảm thấy không có sự tham đối với thức ăn. Khất thực xong vị ấy ngồi dưới bóng cây để dùng vật thực. Vật thực, y áo, chỗ ở, là những nhu cầu căn bản nhất của con người thì lại không thật quan trọng trong cuộc đời của một tỳ kheo. Một vị tỳ kheo không có chăm lo nhiều cho lạc thú thân thể. Vị ấy cố gắng thoát khỏi sự nô lệ vào thân thể mình, vì mục đích tối hậu của vị ấy là để giảm bớt và thoát khỏi tái sanh trong vòng luân hồi. Hiển nhiên, cuộc đời ẩn sĩ của một vị tỳ kheo là câu trả lời cho câu hỏi, “ý nghĩa của sự thanh bình và hạnh phúc là gì?”
Một định nghĩa có tính tổng hợp của thuật ngữ “bhikkhu” được tìm thấy trong Bộ  Phân Tích trong đó tình trạng của một tỳ kheo được thiết lập trên nền tảng của 18 đức tính[8]. Có thể tạm tóm tắt “bhikkhu” có các ý nghĩa như sau: tỳ kheo do ấn định, tỳ kheo do tự nhận, hạnh khất thực gọi là tỳ kheo, người khất thực gọi là tỳ kheo, người chấp nhận hạnh khất thực gọi là tỳ kheo, người mang vải cắt manh gọi là tỳ kheo, người đang cắt trừ các ác bất thiện pháp gọi là tỳ kheo, do từ bỏ phiền não từng phần gọi là tỳ kheo, do từ bỏ phiền não không riêng phần gọi là tỳ kheo, có tỳ kheo bậc hữu học, bậc vô học, có tỳ kheo phi hữu học phi vô học, có tỳ kheo hạng thượng thủ, có tỳ kheo hạng hiền thiện, có tỳ kheo hạng tinh khiết, có tỳ kheo hạng pháp lõi, có hạng đắc giới do đúng điều kiện nhất định bằng hành sự tứ tác tuyên ngôn có chúng tăng hòa hợp, gọi là tỳ kheo.”
Hai loại tỳ kheo (bhikkhu) được phân biệt trong kinh điển, là kalyāṇa[ka]puthujjana (một phàm phu có đức tính tốt)  và sekkha (bậc thánh hữu học (người đang được huấn luyện), tức là ba bực Thánh đầu: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm).[9]
Theo hạ lạp, có ba loại tỳ kheo[10]: (a)  Therabhikkhu, bậc trưởng lão, là bhikkhu đã trải qua 10 năm hay hơn trong Tăng chúng (tuổi hạ). Vị tỳ kheo này có thể trở thành một vị thầy truyền giới hay cho thọ giới tỳ kheo (Upajjaya hay ācariya); (b) Majjhimabhikkhu là những vị bậc trung có tuổi hạ từ năm năm đến chín năm. (c) Navabhikkhu là những vị vừa mới được chấp nhận trong Tăng chúng (upasampadā) hay được gọi một vị tỳ kheo mới tức là ít hơn năm năm.
Bhikkhunī (Pāli)  xuất phát từ “bhikkhu” và tiếp vĩ ngữ “” chỉ cho nữ tính, hay bhikṣuṇī (Sanskrit), nghĩa là một vị nữ đi bát, một khất sĩ nữ, một ni cô Phật giáo, một thành viên của Ni đoàn, vị tỳ kheo ni. Bhikkhuni Sangha (Ni đoàn) được thành lập từ khi Bà di mẫu Kiều Đàm Di, Mahāpajāpati Gotamī, dì và kế mẫu của Đức Phật được Đức Phật cho phép xuất gia. Bhikkhunī phải tuân giữ 311 điều luật, nhiều hơn những điều luật của tỳ kheo. Tỳ kheo ni cũng có được những quyền mà các tỳ kheo có. Họ cũng có thể vui hưởng sự an lạc của Đạo và Quả. 
Theo kinh điển cả hai bhikkhu (tỳ kheo) và bhikkhuni (tỳ kheo ni) đều sống và thực hành theo giới  luật của Đức Phật đã chế định, những giới luật này được gọi là Pātimokkha hay giới bổn, (mokkheti, vì nó giải thoát; pàti, người hộ trì nó) vì nó làm cho vị ấy thoát khỏi các khổ của đoạ xứ tức là bằng cách chế ngự  thân, khẩu, ý và chánh niệm trong bốn oai nghi (Thanh Tịnh Đạo chương I, 43). Vị ấy phải nhiệt tâm bằng nghị lực kiên trì và thận trọng  bằng hành vi đầy giác tỉnh với tuệ quán. Cuộc đời của họ sống đơn giản chuyên cần an trú trong giới, tu tập phát triển thiền Chỉ (Ðịnh) và thiền Quán (Tuệ). Hành thiền là đạo lộ đưa vị  ấy đến thanh tịnh và chứng ngộ Niết Bàn. Thực hiện điều đó mới xứng đáng sự cúng dường tối thượng của thế gian và chư thiên.
Tỳ kheo có trí tuệ,
Thường phòng hộ các căn,
Tri túc, giữ giới bổn,
Thân cận các bạn lành,
Sống nổ lực tinh tấn,
Hợp chánh mạng cao thành. [11].HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.20/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment