Thursday 19 September 2013

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Giang Ký

Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi.

Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

Adobe Flash Player not installed or older than 9.0.115!Get Adobe Flash Player here



 
6. Thanh Văn đích giới điều dữ Bồ Tát đích giới điều (Giới điều của Thanh Văn và giới điều của Bồ Tát)

Giới điều của thất chúng Phật tử Thanh Văn thừa đều khác biệt, không giống nhau như:

- Ngũ Giới của hàng Phật tử nam, nữ tại gia.

- Thập Giới của Phật tử xuất gia: sa-di, sa-di-ni.

- Và những giới điều tối cực nghiêm cẩn, chu mật của hàng tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.

Thông thường giới tỳ-kheo gồm 250 giới, nhưng trong Luật Tăng Kỳ thì chỉ có 218 giới, luật của Nhứt Thiết Hữu Bộ xưa truyền lại cho là 260 giới. Về số mục, điều văn của hai bộ Luật nói trên có nhiều điểm bất đồng, nhưng phần đại thể vẫn giống nhau.

Có đoạn thuyết minh rõ như vầy: Giới tỳ-kheo phần đại lược thì có hai trăm năm mươi giới, phần trung bình thì ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Giới tỳ-kheo-ni phần đại lược gồm ba trăm bốn mươi tám giới, phần trung bình gồm tám vạn oai nghi, mười hai vạn tế hạnh.

Nếu nói rộng ra thì giới của tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni đều là vô lượng vô biên vì tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni lúc thọ giới đều được pháp giới vô lượng vô biên, số lượng đồng với cảnh hư không khắp pháp giới, không một pháp nào không trọn vẹn, đầy đủ, nên mệnh danh là giới Cụ Túc.

Còn như giới Bồ Tát thì:

- Kinh Phạm Võng quy định là mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.

- Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói là sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh.

- Kinh Du Già Bồ Tát Giới nói là bốn giới trọng, năm mươi mốt giới khinh.

Lại có nhiều kinh khác như kinh Bồ Tát Thiện Giới, kinh Bồ Tát Ðịa Trì v.v... giảng nói các giới nhiều ít rất khác nhau, nhưng về phần căn bản trọng giới vẫn giống nhau.

Vì sự kiện ấy, Ấn Thuận Luật Sư nhấn mạnh: “Thông thường thọ giới là bẩm thọ mỗi một giới điều như trong kinh văn đã dạy. Nhưng kỳ thật, thọ giới là phát khởi công năng “phòng phi chỉ ác” trong nội tâm, quyết không chỉ thu hẹp trong giới hạn của điều văn. Vì thế, hàng Phật tử bất luận xuất gia hay tại gia, xin đừng ngộ nhận những gì trong Giới Luật không đề cập đến thì quý Phật tử đều hành động được”.

Tại sao vậy? Ðơn cử giới uống rượu, tất cả hàng Phật tử từ cư sĩ đến tỳ-kheo đều phải thọ trì nghiêm cẩn. Nhưng trong Luật không quy định việc cấm hút thuốc, cũng không cấm chỉ các loại độc phẩm như nha phiến, hải lạc nhơn (một loại thuộc ma túy) v.v... Do đó, có người cho rằng Ðức Phật không có chế giới cấm hút thuốc thì cứ việc hút không tổn hại gì. Thật là sai lầm! Họ không biết rằng, khi Ðức Phật còn tại thế, không có những ác tập (tập quán xấu) về độc phẩm như hút thuốc, nghiện nha phiến v.v... cho nên đức Phật không chế giới này.

Căn cứ vào việc Ðức Phật cấm uống rượu vì rất có hại cho thân tâm mà nói thì những thức độc phẩm kia đương nhiên cũng phải cấm chỉ, không được hút. Việc chế định bằng văn tự rõ ràng của Giới Luật chẳng qua chỉ thích ứng theo thời cơ mà chọn lấy những thứ trọng yếu để nêu lên làm quy lệ mà thôi.

Ðến như Bồ Tát giới trong các kinh giải nói nhiều ít không đồng, cũng là do nơi ý nghĩa ấy. Do vậy, chúng ta đối với Giới Luật của Ðức Như Lai đã chế định, cần phải vận dụng một cách linh động, hoạt bát, không nên chấp nhặt một khía cạnh, rồi cho rằng: “Những gì Ðức Phật không cấm ngăn thì bây giờ cũng không cần ngăn cấm, những gì Ðức Phật đã chế chỉ cũng không cần canh cải”. Cần phải có sự thích nghi với thời gian, địa phương. Nên nhận chân những gì không nên làm thì không nên cố ý làm, để tránh những ảnh hưởng xấu trong mọi cảm quan xã hội đối với Phật giáo.

Quan niệm của các hạng nhân sĩ trong xã hội đặc biệt chú trọng là: “Phật giáo đồ phải có đức hạnh”; cho nên hàng Phật tử, nhất là chúng xuất gia, cần phải tuân thủ giới hạnh thật nghiêm cẩn.



7. Thanh Văn đãi duyên chế dữ Bồ Tát Giới bất đãi duyên chế (Giới Thanh Văn đợi đúng thời duyên Ðức Phật mới chế lập, còn giới Bồ Tát không cần đợi thời duyên):

Về phương diện ngôn từ giáo hóa chúng sanh, chẳng những duy có Ðức Phật là người có thể tuyên thuyết, mà còn có năm hạng người có thể tuyên thuyết. Về vấn đề chế giới (chế định Giới Luật khinh, trọng), duy chỉ có Ðức Phật chế lập, ngoài ra không ai có thể chế lập được. Cho nên giới Thanh Văn và giới Bồ Tát đều do Ðức Phật đích thân chế định.

Tuy rằng tất cả đều từ Ðức Phật chế định, nhưng pháp thức chế lập có điểm bất đồng. Như trường hợp giới Thanh Văn cần đợi đủ nhân duyên mới chế lập, nghĩa là: nhân vì có những sự phạm giới của tín đồ, Phật mới tùy theo hình thức và mức độ tội trạng mà chế giới, để răn dạy đệ tử về sau không được tái phạm. Nếu vi phạm ở mức độ không thể dung thứ, cần phải trị phạt nghiêm khắc.

Trái lại, Bồ Tát Giới không như vậy! Nghĩa là, không cần phải đợi có thật phạm giới mới chế định Giới Luật mà Ðức Như Lai nhứt thời đốn chế (nghĩa là: Khi Ðức Như Lai thành Ðạo, liền chế định giới Bồ Tát ngay lúc đó).

Văn trường hàng nối tiếp sau phần văn kệ tụng mở đầu kinh này thuyết minh: “Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật sơ tọa Bồ Ðề thọ hạ, thành Vô Thượng Chánh Giác, dĩ sơ kiết Bồ Tát Ba-la-đề mộc-xoa” (Lúc bấy giờ, Thích Ca Mâu Ni Phật mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, Ngài ngồi dưới gốc Bồ Ðề, bắt đầu kiết giới Bồ Tát ba-la-đề mộc-xoa).

Kinh văn nói rõ Ðức Phật vừa thành Vô Thượng Chánh Giác thì bắt đầu kiết giới Bồ Tát. Ðó chẳng phải là một chứng minh rất rõ về việc đốn chế hay sao?

Tại sao giới Bồ Tát nhứt thời đốn chế, mà không đợi nhân duyên phạm giới?

Theo lý mà giải, việc ấy có quan hệ với cơ nghi chúng sanh. Vì Bồ Tát là đại căn cơ, không cần những vấn đề nhỏ nhặt thế nọ, thế kia; cho nên Ðức Phật dụng pháp đốn chế. Còn Thanh Văn là tiểu căn cơ, nếu không đợi nhân duyên riêng biệt mà chế lập, thì họ sẽ khó tiếp thọ, nên Ðức Phật phải dụng pháp biệt chế.

Về phương diện sự tướng mà nói, chư Cổ Ðức nêu ra ba lý do:

- Bồ Tát đủ tín tâm sâu nhiệm: Vừa nghe đức Như Lai chế Ðại Thừa giới liền tiếp thọ, không trái nghịch và cũng không cảm thấy có bất cứ sự kinh lạ nào. Trái lại, tín tâm của Thanh Văn còn nông cạn. Nếu Ðức Như Lai đồng một lúc vì họ đốn chế, họ sẽ không thể nào thừa nhận được. Lại còn cảm thấy rất khó khăn trong việc tu học Phật pháp, thậm chí thối thất dũng khí hành đạo!

- Bồ Tát phải đi khắp nơi hóa độ chúng sanh nên không thể từng giây phút theo hầu bên Phật. Khi gặp những sự tình không đúng giới pháp, không thể tức khắc bẩm bạch lên Ðức Phật để cầu Ðức Phật giải quyết, hay phán đoán điều ấy có hợp giới pháp hay không. Cho nên giới Bồ Tát phải nhất thời đốn chế. Trong khi Thanh Văn là chúng thường tùy của Phật, luôn hầu cận bên Phật. Mỗi khi có những sự kiện trái với đức hạnh, lập tức chư vị có thể bạch Phật để Ngài quyết đoán. Cho nên giới Thanh Văn cần phải đợi có trường hợp phạm giới mới chế lập.

- Giới Bồ Tát đã chế lập trong kinh này thật sự phát khởi từ nơi Ðức Phật Lô Xá Na. Ðức Lô Xá Na vì Diệu Hải Vương Tử muốn thọ Bồ Tát Giới, và chư Ðại Sĩ đương thời hiện diện ở pháp tòa, nên đã tuyên thuyết, chế lập 10 giới trọng, 48 giới khinh này.

Ðó là những nguyên do giới Bồ Tát nhất thời đốn chế; giới Thanh Văn thì căn cứ vào từng trường hợp phạm giới của đệ tử mà Ðức Phật tùy chế, nói rõ hơn là đợi có nhân duyên mới chế giới.

Tóm lại:

- Giới Bồ Tát căn cứ vào Lý Thiện mà chế lập, gọi là giới “Phật tánh thường trụ”.

- Giới Thanh Văn căn cứ vào Sự Thiện mà chế lập, gọi là “hộ thế cơ hiềm giới” (hỗ trợ tâm niệm, chấn chỉnh nhân cách người tu hành để tránh sự sanh tâm báng bổ của người thế gian).

- Giới BồTát chủ đích là trở về Bản Tánh.

- Giới Thanh Văn cốt yếu tránh xa sự chê bai, dị nghị của thế nhân.

Ðây là sự bất đồng về y chỉ trong sự chế lập giới pháp của Ðại Thừa và Tiểu Thừa vậy.



8. Thanh Văn dữ Bồ Tát thọ giới ưng hữu đích tư chất (giảng về tư chất thọ giới cần thiết của Thanh Văn và Bồ Tát)

Thọ Luật Nghi Giới của Thanh Văn thừa chẳng những có những quy luật nghiêm mật và không phải bất cứ người nào cũng đều được thọ giới. Nhất là việc thọ giới của hàng đệ tử xuất gia thì vấn đề tư chất của những vị ấy càng được chú trọng một cách nghiêm cẩn đặc biệt.

- Chẳng hạn những người bản thân có những thứ bệnh bạch lại (hủi, cùi, lác trắng), ung thư, điên loạn v.v...

- Hoặc là sáu căn không toàn vẹn (như người một mắt, sứt môi...), tàn tật, xấu xí.

- Hoặc là người hoàng môn nhị hình (2).

- Hoặc là người làm nô bộc cho người (trừ trường hợp được chủ nhân ưng thuận thì không thuộc phạm vi hạn chế).

- Hoặc là phi nhơn và súc sanh v.v...

Những hạng người kể trên, chẳng những không đủ tư cách thọ giới Tỳ-kheo mà luôn cả tư cách để thọ giới Sa-di cũng không được. Trái lại, giới Bồ Tát không có những hạn chế nghiêm khắc như vậy.

Trong kinh Anh Lạc giảng dạy: “Lục đạo chúng sanh thọ đắc giới, đản giải ngữ đắc giới bất thất” (Tất cả chúng sanh trong lục đạo đều được thọ giới, chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp Sư thì đắc giới không mất).

Trong phần văn tụng của kinh này cũng thuyết minh:

Nhứt thiết hữu tâm dã,

Giai ưng nhiếp Phật giới.

Dịch:

Tất cả những người có tâm thức,

Ðều nên nhiếp thọ Giới Luật.

Cũng trong kinh này, văn trường hàng lại nói rõ hơn: “Nếu người thọ giới Bồ Tát này, không luận là quốc vương, thái tử, các quan chức hay tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, không luận là chư thiên cõi Sắc, cõi Dục, không luận là hàng thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ hay hàng nô tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ thần, thần Kim Cương hay loài súc sanh, nhẫn đến kẻ biến hóa, hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp Sư thời đều được thọ giới và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất”.

Y chiếu theo Ðại Thừa Giới Kinh thuyết minh thì bất cứ loại chúng sanh nào trong lục đạo, bất luận tư chất thế nào, chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp Sư thuyết giới, đều có tư cách để thọ giới của Phật, không giảm biệt những căn cơ nào.

Trường hợp này so với những quy định thọ giới Tỳ Kheo bên Thanh Văn thừa, đích thực là khoan dung hơn nhiều. Thọ luật nghi giới bên Thanh Văn, chẳng những kẻ hoàng môn, nhị hình ở trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu không thể thành tựu luật nghi, mà chính những người chánh thường (sáu căn đầy đủ), thân tướng đoan nghiêm ở Bắc Câu Lô Châu cũng không thể thọ Biệt Giải Thoát Giới, vì đời sống của những người ở châu ấy quá sung mãn, nên không thể thọ Biệt Giải Thoát Giới (giới Thanh Văn).

Tư cách thọ giới Bồ Tát dù nói là rất phóng khoáng, chỉ cần những loại chúng sanh hiểu được lời của Pháp Sư truyền giới thì đều được thọ giới. Nhưng cần phải có chủng tánh Bồ Tát, phát tâm Bồ Ðề, có tâm hạnh thù thắng, mới có thể cảm được tịnh giới Bồ Tát.



C. Phạm Võng Giới Kinh đích truyền lai ngã quốc (kinh Phạm Võng chính thức truyền đến nước của tác giả)

Trong phạm vi những khu vực Ðại Thừa Phật giáo lưu hành, tất cả Phật tử đều phải thọ Luật Nghi giới. Riêng hai chúng xuất gia tỳ kheo và tỳ kheo ni tuyệt đối phải thọ giới Bồ Tát. Những hành giả khác trong ngũ chúng, nếu ai phát Bồ Ðề tâm thọ giới Bồ Tát, đều có thể thọ Tâm Ðịa đại giới này. Hơn nữa, từ trước đến nay, các Phật tử đều y theo kinh Phạm Võng này để thọ giới Bồ Tát. Cho đến gần đây, Thái Hư đại sư đề xướng giảng giải kinh Ưu Bà Tắc Giới, mới có sự phân biệt trong việc truyền trao giới Bồ Tát:

- Hàng Phật tử tại gia thọ giới Bồ Tát thì y theo kinh Ưu Bà Tắc, thọ sáu giới trọng, hai mươi giới khinh.

- Chúng Phật tử xuất gia, thọ giới Bồ Tát thì y theo kinh Phạm Võng thọ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh.

Phạm Võng Giới Kinh nhờ đó lưu hành rất rộng ở Trung Quốc, và được chư đại đức nhiều thời đại rất mực tôn trọng. Nhưng vì vấn đề văn tự truyền dịch cũng như lịch sử truyền dịch thiếu sự minh bạch, kỹ lưỡng nên về sau không ít học giả nghi kinh Phạm Võng là ngụy tạo. Do đó sự hoằng thông kinh Phạm Võng bị ảnh hưởng rất lớn. Vì lý do ấy, bây giờ nên giải thích thế nào về vấn đề truyền nhập kinh Phạm Võng sang Trung Quốc?

Trước khi nói về vấn đề truyền dịch kinh này, tôi thiết nghĩ trước tiên, nên thuyết minh về:



* Sự truyền dịch Bồ Tát Luật tạng

Theo tương truyền của chư thượng đức cổ đại: Vào triều nhà Lương, ngài Chơn Ðế tam tạng Pháp Sư lúc sắp đến Trung Hoa hoằng truyền Phật pháp, ngài từng suy nghĩ phải mang Bồ Tát Luật Tạng theo.

Nhưng lúc ngài vừa đem bộ Luật Tạng lên thuyền thì thuyền sắp bị đắm xuống biển. Mọi người trong thuyền lúc bấy giờ đều kinh sợ, cho rằng vì đồ vật quá nhiều, nên vội vã lấy bớt ra. Nhưng dù bớt ra bao nhiêu, thuyền vẫn cứ như sắp đắm.

Ðến cuối cùng khi lấy Bồ Tát Luật tạng đem ra thì thuyền nhẹ tênh lướt sóng, không còn hiện tượng sắp chìm đắm nữa. Chơn Ðế tam tạng mục kích sự kiện này, lòng ngài buồn vô hạn, không thể dằn được, Ngài than rằng: “Giới Luật Bồ Tát vô duyên với đất Hán như thế ư!”

Nếu như truyền thuyết trên là sự thật, thì chẳng những Chơn Ðế tam tạng có cảm tưởng đáng buồn, mà chính chúng ta hiện tại cũng có cảm giác bi thống vô hạn. Do đó nên biết sự lưu truyền Bồ Tát Giới không phải là dễ!

Lại có một truyền thuyết nữa như sau:

Ngài Ðàm Vô Sấm tam tạng Pháp Sư đến Trung Hoa. Lúc ngài ở tại châu Tây Lương, hoằng truyền Phật pháp, có quý sa môn Pháp Tấn v.v... từng hết lòng thỉnh cầu Ðàm Vô Sấm tam tạng truyền trao giới pháp Bồ Tát và khao khát được ngài phiên dịch Bồ Tát Giới Bổn để nương theo đó mà trì tụng, phụng hành. Nhưng Ðàm Vô Sấm tam tạng chẳng những không tiếp nhận lời thỉnh cầu của chư sa môn Pháp Tấn, lại còn thốt ra những lời hàm chứa nhiều ý khinh miệt: “Thử quốc nhơn đẳng tánh đa giảo hoạt, hựu vô cương tiết, khởi hữu kham vi Bồ Tát lợi khí” (Nghĩa là: Những người trong nước này đa số là hạng người tâm tánh giả dối, quỷ quyệt, không có tánh cương trực khí tiết, làm sao có thể kham nhẫn thực hành pháp khí của Bồ Tát đạo!)

Thế nên mặc cho quý sa môn Pháp Tấn khổ lụy cầu khẩn thế nào, trước sau Ðàm Vô Sấm tam tạng vẫn quyết không bằng lòng truyền trao Bồ Tát giới cho các vị này. Chư sa môn Pháp Tấn không còn cách nào hơn, chỉ đem tâm tối cực thành kính, khẩn thiết ở trước tượng Phật ai khẩn, lập thệ thỉnh cầu pháp giới.

Do nơi tinh thần thành khẩn của quý ngài đã đến mức cùng tột, nên vừa đúng một tuần, các Ngài mộng thấy đức Di Lặc Bồ Tát đích thân vì các ngài truyền trao giới pháp. Sau khi truyền giới Bồ Tát xong, đức Di Lặc lại đem bộ Bồ Tát Giới Bổn trao cho quý sa-môn. Các ngài ghi nhớ đọc tụng rất rõ ràng.

Sau khi tỉnh mộng, các ngài đặc biệt đến ra mắt Ðàm Vô Sấm tam tạng. Khi Ðàm Vô Sấm vừa trông thấy tướng mạo khác hẳn với trước đây của các ngài, Pháp Sư biết đó là những bậc pháp khí Ðại Thừa nên vô cùng hân hoan bảo rằng: “Hán độ diệc hữu nhơn hĩ!” (Ðất Hán cũng có người đủ pháp khí Ðại Thừa). Ngài không đợi sự cầu thỉnh của quý sa môn, tự động dịch quyển giới bổn ra Hán tự.

Thật là một sự trùng hợp không thể nghĩ bàn, vì quyển giới bổn của Ngài Ðàm Vô Sấm phiên dịch so với văn nghĩa của quyển Giới Bổn mà đức Di Lặc trao cho quý sa môn trong giấc mộng rốt ráo giống hệt nhau.

Bộ Ðịa Trì Giới Bổn hiện đang lưu hành trong kinh tạng gọi là Bồ Tát Ðịa Trì Kinh. Thật ra, Bồ Tát Ðịa Trì Kinh là tên phiên dịch khác của Du Già Luận Bồ Tát Tâm Ðịa. Nhưng chỉ có điều là giới bổn của Huyền Trang Pháp Sư phiên dịch, sự tường lược có chút sai khác mà thôi.

Trên đây là nói về sự liên quan giữa các Ðại Thừa Giới Bổn. Ở Ấn Ðộ vẫn sẵn có Bồ Tát Quảng Luật, nhưng vì chưa truyền đến Trung Quốc, nên Ðại Thừa Bồ Tát Luật Nghi ở Trung Quốc không hoàn bị bằng luật nghi của Thanh Văn thừa.

Năm bộ luật của Thanh Văn Thừa:

- Ðàm Vô Ðức.

- Tất Bà Ðạ.

- Ca Diếp Di.

- Sa Di Tắc.

- Bà Ta Phú Ða.

Muốn biết rõ phải tham khảo trong Ðại Luật Tỳ Kheo sớm đã truyền đến Trung Quốc từ trước. Những mối quan hệ này, thiết tưởng không cần nói nhiều. Phần chủ yếu cần đề cập chi tiết và rõ ràng là sự phiên dịch của kinh Phạm Võng khi được truyền đến Ðông Ðộ.

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn từ trước đến nay đều nói Huyền Trang Pháp Sư phiên dịch. Sự việc này được các nhà chép kinh đồng ghi nhận, dường như không có điều gì nghi hoặc, nếu không muốn nói là rất thâm tín.

Nhưng căn cứ vào Pháp Kinh Sở Biên Soạn Chi Chúng Kinh Mục Lục (bộ sách ghi chép mục lục các kinh), thì vào triều đại nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng thứ 14 (Tây lịch 594), kinh Phạm Võng bị liệt vào hạng các luật đáng nghi hoặc, lại có nơi cho: “Chư gia cụ lục, đa nhập nghi phẩm”, nghĩa là: Các nhà ký lục ngày xưa phần nhiều liệt kinh Phạm Võng vào loại kinh luật đáng nghi ngờ.

Chính vì lẽ đó nên về sau, một số học giả nghi kinh Phạm Võng không phải do đức La Thập Pháp Sư chính tay phiên dịch. Từ mối nghi ngờ về dịch giả, tiến đến sự nghi kinh Phạm Võng là ngụy tạo. Những vấn đề quan hệ đến quyển kinh, thiết tưởng không nên nói nhiều để tránh cho vấn đề càng thêm phức tạp. Vì sự việc ấy rốt ráo như thế nào, xin đợi hàng học giả khảo chứng.

Căn cứ vào chư thượng đức trong nhiều thời đại đã y cứ theo kinh Phạm Võng truyền giới Bồ Tát, cho nên chúng tôi hiện nay cũng công nhận kinh Phạm Võng này chính từ đức La Thập Pháp Sư phiên dịch.

* Việc La Thập Pháp Sư phiên dịch kinh Phạm Võng như sau:

Tương truyền kinh Phạm Võng ở Ấn Ðộ có mười vạn bài tụng, nếu y theo kinh văn dịch hết ra thì có tất cả một trăm hai mươi quyển, sáu mươi mốt phẩm. Khi đức La Thập Pháp Sư dịch kinh này, chỉ dịch một phẩm thứ mười, thuyết minh về Bồ Tát Tâm Ðịa Giới Phẩm.

Phiên dịch xong, Ngài lại cho chép ra tám mươi mốt bộ để lưu thông nơi đời. Việc này trong bài tựa kinh Phạm Võng lại ghi: “Triều Hậu Tần tại Trường An, Thích Tăng Triệu thuật”. Nhưng sự thật không phải Thích Tăng Triệu thuật, mà chỉ nói rằng:

“Cho nên niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ ba, gió thuần hòa thổi đến Ðông Ðộ” (Câu này ám chỉ chánh pháp Như Lai truyền đến Ðông Ðộ).

Bấy giờ, Thiên Tử hạ chiếu, kính thỉnh Pháp Sư Cưu Ma La Thập nước Thiên Trúc, đến ở chùa Thảo Ðường, nơi Trường An, để cùng các sa môn Nghĩa Học, hơn ba ngàn vị Pháp Sư, tay cầm bản Phạn văn, miệng thì phiên dịch, giải thích tất cả hơn năm mươi bộ. Trong đó, có kinh Phạm Võng gồm một trăm hai mươi quyển, sáu mươi mốt phẩm, và Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm, là phẩm thứ mười trong kinh này, chuyên thuyết minh những công hạnh của Bồ Tát.

Lúc bấy giờ, quý sa môn Ðạo Dung, Ðạo Ảnh v.v... tất cả gồm ba trăm vị, đều thọ giới Bồ Tát. Mỗi người đều có tụng phẩm Tâm Ðịa này để làm chỗ thù hướng cho tâm mình. Cho nên thầy trò tâm ý khế hợp, đồng nhau kính cẩn, tả phẩm Tâm Ðịa này, tất cả tám mươi mốt bộ để lưu truyền trong nhân gian”.

Căn cứ vào đoạn văn tự thuật trong kinh Phạm Võng vừa dẫn trên thì thấy đó là một bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ chính Pháp Sư La Thập phiên dịch bộ kinh này, không một luận thuyết nào có thể bác bỏ được. Có thể nói đó là một bằng chứng vững vàng như núi, không một thế lực nào có thể xô ngã được. Thế mà hàng học giả không xem kỹ lời tựa trong kinh đã nói, lại cho rằng do ngài Tăng Triệu thuật, đến nỗi khiến cho mọi người hoài nghi, cho rằng kinh Phạm Võng không phải chính tay đức La Thập dịch.

Kinh Phạm Võng hiện nay có hai quyển: Thượng và Hạ.

Có người cho rằng: “Quyển thượng không phải do La Thập Pháp Sư dịch, việc ấy miễn tranh luận. Quyển Hạ mới chính là Pháp Sư La Thập dịch và cần phải hết lòng tin chắc”. Ðây chẳng qua là một cách nói dung hòa, cũng là một dụng tâm duy trì giới pháp. Nhưng nếu khảo sát thật sự trên lịch sử thì thuyết dung hòa này đúng hay không? Chúng ta nên có thái độ dè dặt, và hãy đợi khi nào có tài liệu khả dĩ tin tưởng được, sẽ xét lại sau.

Lại còn có sự tương truyền rằng kinh Phạm Võng là do đức La Thập phiên dịch từ trước đến nay gọi: “Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Ðịa Giới Phẩm”, cũng có nơi bỏ bớt chữ Giới mà gọi: “Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Ðịa phẩm”.

Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm này lại chia làm hai phẩm: Thượng và Hạ.

- Theo kinh văn, phẩm Thượng do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ở cung trời Ðệ Tứ Thiền kình tiếp (4) tất cả đại chúng, đồng đi về cung Tử Kim Cương Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Tạng. Nơi đó, đức Phật Lô Xá Na ở trên đài Liên Hoa, đối trước ngàn trăm ức Phật, Phật Thích Ca và Hoa Quang Vương Ðại Trí Minh Bồ Tát, rộng giảng ba mươi tâm, pháp Thập Trụ v.v... cùng với pháp môn Thập Ðịa. Do nơi thuyết giả và thọ giả đều là Thánh Nhơn, nên đối với căn cơ của phàm phu, đương nhiên là khó khế hợp được phần giảng pháp này.

- Phẩm Hạ là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, sau khi thọ trì pháp môn Tâm Ðịa do đức Lô Xá Na giảng (đã nói ở bên trên), từ thế giới Liên Hoa Tạng ẩn thân, rồi ở nơi 10 chỗ khác thị hiện thành Phật thuyết pháp. Ðức Phật ngồi ở dưới cội Bồ Ðề nơi cõi Diêm Phù Ðề, tại thế giới Ta Bà này, tụng lại giới pháp Bồ Tát, gồm mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, mà đức Phật Lô Xá Na đã kiết giới và giảng giới. Hiện nay, chúng tôi đang giảng kinh văn phẩm Hạ. Xưa gọi là “Phạm Võng Kinh Lô Xá Na Phật Sở Thuyết Thập Trọng, Tứ Thập Bát Khinh Giới”; ý ấy cũng chính là do sự tích này.

Kinh này do chính đức La Thập Pháp Sư phiên dịch, từ trước đến nay đã lưu truyền như vậy. Phần lịch sử của dịch giả, thiết tưởng cũng nên giới thiệu sơ lược nơi đây.

Căn cứ theo bộ Trung Quốc Phật Giáo Sử, đức La Thập Pháp Sư đến Trung Quốc nhằm lúc mùa Ðông, triều Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ ba (Tây lịch 401). Ngài ở tại Trường An đến niên hiệu Hoằng Thỉ thứ mười lăm (Tây lịch 413), tháng Tư năm ấy, Pháp Sư viên tịch. Pháp sư đã ở tại Trung Quốc hoằng truyền chánh pháp, giáo hóa chúng sanh chỉ trong thời gian hơn 10 năm. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, công trình phu dương (5) thánh giáo và phiên dịch rộng rãi các diệu điển của Pháp Sư thực là một ảnh hưởng hết sức vĩ đại đối với Phật giáo Trung Quốc.

Công đức này được thể hiện rõ trong hai câu điếu văn của Tăng Triệu Pháp Sư, khi đến phúng điếu đức La Thập, như sau:

Pháp cổ trùng chấn ư Diêm Phù,

Phạm luân tái chuyển ư Thiên Bắc.

Dịch:

Trống chánh pháp rung chuyển cõi Diêm Phù,

Xe phạm hạnh trở lại vận chuyển miền trời Bắc.

Sự hưng thạnh pháp duyên của đức La Thập đương thời có thể nói rằng xưa nay ít có pháp tịch nào có thể sánh kịp. Vì thế, khi đức La Thập vừa đến Quan Trung, tất cả tăng tài tuấn tú của Phật giáo quốc nội đương thời, đều vân tập đến dưới pháp tòa của Ngài để học hỏi và tùng sự phiên dịch kinh luận, đồng thời cộng tác việc hoằng hóa chánh pháp.

Kinh luận của La Thập Pháp Sư phiên dịch lấy “tánh không, Bát Nhã học” làm chủ yếu:

- Các kinh phiên dịch gồm có Ðại Phẩm Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã, Pháp Hoa, Duy Ma, Tư Ích...

- Các luận phiên dịch gồm có Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, Ðại Trí Ðộ Luận...

Ðức Pháp Sư La Thập cùng tất cả môn nhân của ngài, những vị đã thấm nhuần giáo lý và được huân đào từ lâu, đều lấy Ðề Bà Luận của Long Thọ Bồ Tát để xiển dương Trung Ðạo Diệu Nghĩa, Bát Nhã Tánh Không. Chân nghĩa của Ðại Thừa Phật pháp nhờ đó mới được tỏ rạng ở Trung Quốc.

Nên trong bộ Trung Quán Luận Giảng Ký giải rõ: “Sự dịch thuật của đức La Thập ảnh hưởng cho Ðại Thừa Phật giáo ở Trung Quốc vô cùng sâu rộng, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều được thọ nhận ảnh hưởng của Ngài, nếu không có sự truyền dịch của đức La Thập thì Phật Giáo Trung Quốc hiện tại, quyết không được như thế...”

Chúng ta đối với thành tích dịch thuật của Ngài, cần phải từng giờ, từng phút tri ân không quên! Phụ thân của La Thập Pháp Sư tên Cưu Ma La Viêm, người nước Thiên Trúc. Mẫu thân ngài là Kỳ Bà công chúa, em gái quốc vương nước Quy Tư. Khi phụ thân của Pháp Sư đến Quy Tư, quốc vương nước này đem em gái gả cho. Sau khi kết hôn, bà đản sanh ra Pháp Sư. Ngài xuất gia lúc bảy tuổi, sau đó du học các địa phương ở Ấn Ðộ, việc này các kinh thường nói, ở đây miễn thuật lại.



D. Bổn kinh kinh đề - phẩm đề đích lược thích (lược giải thích đề mục kinh và đề mục phẩm Tâm Ðịa)

Kinh này gọi là “Phật thuyết Phạm Võng kinh”, chủ đích lấy Tâm Ðịa Giới Pháp làm phép tắc thân tâm cho hành giả. Cho nên cả đến các bậc chư thiên, chư tiên, biến hóa nhơn và Bồ Tát, cũng không thể tuyên thuyết. Duy chỉ có mỗi một mình đức Phật, là bậc đại giác thánh giả, mới có thể tự thân phu dương. Vì thế mà trên đề mục để là “Phật thuyết”.

Bồ Tát giới kinh ở đây chẳng những Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hiện thuyết, mà chư Phật quá khứ cũng đã tuyên thuyết.

Chẳng hạn giới kinh của:

- Ðức Câu Lưu Tôn Phật tuyên thuyết gọi là Cam Lộ Cổ.

- Ðức Câu Na Hàm Mâu Ni Phật tuyên thuyết gọi là Pháp Cảnh.

- Ðức Ca Diếp Phật tuyên thuyết gọi là Phân Biệt Không.

- Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết gọi là Phạm Võng.

Nói như thế để thấy rõ giới Bồ Tát này, chính bảy Ðức Phật đồng phụng hành và dùng làm Nghi Quỹ (nghi thức phép tắc). Chúng ta là phàm phu không nên có tâm niệm xem thường.

Nếu nói kinh này do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết là nói một cách đơn giản nhất. Vì bảy đức Phật đều trở lại truyền trì giới này, cho nên có nơi cho là đức Bổn Sư Thích Ca không phải là vị Phật bổn nguyên của Giới Kinh. Chẳng qua, Ngài vì chúng ta mà tụng giới.

Có nơi nói quyển Thượng của bộ kinh này là do đức Phật Lô Xá Na tuyên thuyết, quyển Hạ là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết. Có nơi nói kinh này do ba thân Phật đồng tuyên thuyết. Ba thân Phật thuyết pháp nghĩa là: Ðầu tiên, y nơi Căn Bổn Trí của Pháp Thân mà khởi Hậu Ðắc Trí. Từ Hậu Ðắc Trí hiện Báo Thân để làm vị chủ thuyết pháp. Kế đó, Báo Thân hiện ra ngàn hóa thân Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca làm thính chúng.

Sau cùng, đức Phật Lô Xá Na lại bảo ngàn Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca ở các thế giới làm vị chủ thuyết pháp. Hàng nhân, thiên, phàm thánh v.v... là thính chúng.

Ba thân Phật như thế bất luận ở thời gian nào, địa phương nào, đều có thể tùy thuận căn cơ bất đồng của các loại chúng sanh mà tuyên thuyết Phạm Võng Giới Pháp, năm mươi tám giới – trong trăm nghìn pháp môn. Vì thế, ba thân Phật về mặt ứng cơ, dù rằng có chỗ sai khác, nhưng về mặt bản thể vẫn tương đồng.

Y chiếu theo Tam Thân Phật giảng nói Tâm Ðịa Giới Pháp, chúng ta thấy có ba tầng lớp rõ ràng:

- Ðức Lô Xá Na truyền pháp cho ngàn Phật Thích Ca thừa thọ.

- Ngàn Phật Thích Ca truyền pháp cho trăm ngàn ức Phật Thích Ca thừa thọ.

- Ngàn trăm ức Phật Thích Ca truyền pháp, tất cả chúng sanh đồng thừa thọ.

Cứ như thế mà suy diễn, triển chuyển xuống mãi, thì chúng sanh hiện tại truyền pháp, chúng sanh tương lai thứ lớp thừa thọ, miên viễn không cùng tận... nên gọi là Vô Tận Pháp Giới.

Về sự lưu truyền kinh Phạm Võng trên thế giới hiện thực của chúng ta đang cư trú, không ai còn có thể nghi ngờ. Vì chính thực là do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại mới có. Cho nên đề mục của kinh là “Phật thuyết”.

Như thế, chúng tôi quyết định thừa nhận kinh này đích xác chỉ do đức Bổn Sư Thích Ca tuyên thuyết. Nếu như không phải là do đức Thế Tôn thuật lại, thì trên thế gian này, không bao giờ có kinh Phạm Võng lưu truyền. Và ngày hôm nay, chúng ta chẳng những không được nghe Tâm Ðịa giới pháp này là bổn nguyên của chư Phật, lại không có nhơn duyên gì để được nương theo tâm địa giới pháp này mà bẩm thọ Bồ Tát đại giới!

- Hai chữ “Phật thuyết” là chỉ cho người năng thuyết.

- Hai chữ “Phạm Võng” chỉ rõ nghĩa “sở thuyên” (thuyên giải), tức là nêu thí dụ để thuyết minh giới pháp.

Tâm địa giới pháp của chư Phật đồng tuyên dương, ngàn Thánh đồng thực hiện, cũng là huệ mạng của chư Phật, là bổn nguyên của tất cả chúng sanh.

Bổn nguyên tự tánh thanh tịnh nên gọi là Phạm.

Huệ mạng khắp truyền nơi trần sát nên gọi là Võng.

Trên đây là giải thích hai chữ Phạm Võng một cách đơn giản. Nhưng trên thực tế, lúc đương thời, đức Phật lấy mành lưới bảo tràng dùng để trang nghiêm bảo điện của Ðại Phạm Thiên Vương ẩn dụ cho giới kinh Tâm Ðịa Pháp Môn này. Nói một cách đơn giản là dùng mành lưới của Ðại Phạm Thiên Vương để dụ cho nghĩa Sở Thuyên.

Ðức Phật sở dĩ nêu lên thí dụ này vì trong kinh văn thuyết minh: “Lúc đó, nhân khi xem mành lưới bảo tràng của Ðại Phạm ThiênVương, Ðức Phật vì đại chúng mà giảng kinh Phạm Võng, ngài dạy rằng: Vô lượng thế giới dường như là lỗ lưới. Mỗi thế giới đều khác nhau, khác nhau đến số vô lượng, giáo pháp của Phật cũng như vậy”. Chính nơi thí dụ Phạm Võng này hàm nhiếp nhiều ý nghĩa bên trong cho nên từ nơi thí dụ mà lập đề mục kinh.

Y cứ theo kinh Phạm Võng quyển thượng, Phạm Võng thì lúc đức Phật nói kinh Phạm Võng không phải ở cảnh giới nhân gian hiện thực này, mà Ngài ngự ở nội đình trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương. Vì đức Phận nhận thấy Tâm Ðịa giới pháp sắp giảng là pháp thậm thâm, bí mật, thanh tịnh, tối thắng, độc tôn, vô thượng, không thể ở trong cõi nhân gian này tuyên nói được nên đặc biệt, Ngài ngự ở nơi nội đình, trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương mà tuyên thuyết.

Chính vì vậy Ngài mới lấy từ Phạm Võng làm thí dụ. Mành lưới bửu tràng trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương mệnh danh là Nhơn Ðà La Võng. Trung Hoa dịch là Thiên Xích Châu. Mành lưới xích châu của Ðại Phạm Thiên Vương này có từng lớp. Cứ mỗi lớp mà tính, lại có đến nghìn lớp bên trong. Mỗi lớp đều có mười đường hồng quang. Những đường hồng quang ấy ưởng xạ lẫn nhau, màu sắc của các bảo châu chói sáng lẫn nhau, lớp lớp vô tận, không chướng ngại nhau.

Tại sao được như vậy? Lẽ đương nhiên đây là mối quan hệ Nhơn Quả. Vì đức Ðại Phạm Thiên Vương ở trong nhân địa tu tập các công đức, nên phước báo được chiêu cảm, có phạm võng trang nghiêm. Ðức Phật thấy trên mành lưới bảo tràng này màu sắc các tia trùng trùng chói suốt lẫn nhau. Hình tượng của nó giống như pháp môn sự lý kết chặt lẫn nhau. Vì thế, Ngài đặc biệt dùng vô lượng lỗ lưới của mành bảo tràng ấy để thí dụ:

- Cho sự an lập vô lượng thế giới trong mười phương cũng giống như vậy.

- Cho sự thi thiết vô lượng pháp môn trong mười phương cũng giống như vậy.

- Cho chư Bồ Tát trong mười phương y theo giới pháp tu chứng có vô lượng giai cấp khác nhau, cũng giống như vậy

- Cho chư Phật trong mười phương thọ dụng vô lượng cảnh giới, cũng giống như vậy

- Cho tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới có vô lượng tâm hạnh, cũng giống như vậy.

...Dù có nhiều thí dụ như trên, nhưng thực ra đó chỉ là biểu thị cho tự tâm của tất cả chúng sanh. Vì thế giới có vô lượng sai khác đều do nơi tâm hạnh của chúng sanh cấu thành.

Pháp môn của Ðức Phật nói có vô lượng sai khác, thi thiết giai cấp của Thánh Hiền có vô lượng sai khác, không pháp nào chẳng phải là tùy theo sự cấu nhiễm trong tâm của chúng sanh có khinh, có trọng mà phương tiện an lập. Nếu như không có tất cả Tâm, nhọc chi Phật nói tất cả Pháp?

Dù Phật nói pháp môn có nhiều, nhưng đều là vốn ở trong tâm của chúng sanh, và cũng không ra ngoài thí dụ Phạm Võng.

Chúng ta nghe được Phật nói thí dụ này, nếu có thể vâng giữ Kim Cang Quang Minh Bửu Giới thì nước Thiền Ðịnh đứng lặng, gươm trí huệ sắc bén, xé rách các thứ lưới kiến chấp. Giới quang minh liền nơi đó có thể riêng hiển lộ, đấy là diệu dụng của việc trì giới.

Như trên đã giải thích, Phạm Võng có nhiều ý nghĩa. Nhưng lại còn có một thuyết nữa:

- Phạm Võng là tóm tắt về ngôn giáo của đức Như Lai.

Chữ Phạm ý nghĩa là thanh tịnh, để biểu thị ngôn giáo của đức Như Lai từ trong bể Ðại Giác thanh tịnh mà lưu lộ ra, đều là có công năng chỉ đạo cho mọi người hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, thân tâm được thanh tịnh, là ngôn giáo tối cực thanh tịnh trên thế gian. Nên bất luận loài hữu tình nào được tiếp thọ ngôn giáo ấy, đều có thể xa lìa tất cả cấu uế.

Chữ Võng là ý nghĩa gạn lọc, mò bắt, để biểu thị giáo pháp thanh tịnh của Ðức Như Lai giống như cái lưới bắt cá người thế gian dùng bắt cá. Giáo pháp của Phật có công năng lựa lọc, mò bắt tất cả chúng sanh đang lặn ngụp trong bể khổ sanh tử, đem về cảnh giới Niết Bàn an ổn, không còn bị nổi chìm trong bể khổ sanh tử nữa.

Thí dụ này trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh như sau:

Trương đại giáo võng,

Cắng sanh tử hải

Lộc thiên, nhơn, long,

Chí Niết Bàn ngạn.

Dịch:

Bủa giăng màng lưới pháp Ðại Thừa,

Trùm suốt khắp cả bể sanh tử,

Gạn bắt tất cả người, trời, rồng,

Ðem về để trên bờ Niết Bàn.

Bài kệ này chứng minh rõ ràng giáo pháp của Phật như Phạm Võng rất quý báu vậy.

Cuối cùng, căn cứ vào giới pháp để thuyết minh hai chữ Phạm Võng. Phật pháp xưa nay thường nói “nghiêm trì giới cấm là phạm hạnh”, nên giới pháp chính là Phạm. Vì giới có công năng “phòng phạm chỉ ác” nên cùng một ý nghĩa thanh tịnh với chữ Phạm, nhưng đó là phân biệt mà nói.

Năm giới của chúng Phật tử tại gia đang giữ gìn, không được gọi là Phạm hạnh, tại sao vậy?

Vì quý Phật tử tại gia vẫn chưa tuyệt đối ly khai vấn đề nam nữ (theo việc kết hôn, vợ chồng chính thức thông thường là không ở trong phạm vi cấm chỉ). Còn giới điều của ngũ chúng Phật tử xuất gia riêng giữ gìn thì được công nhận là Phạm hạnh. Vì quý Phật tử xuất gia vâng giữ mười giới Sa Di và giới Cụ Túc của tỳ kheo, tỳ kheo ni; sự quan hệ giữa nam nữ hoàn toàn không cho phép có sự tiêm nhiễm. Tuyệt đối cấm chỉ vấn đề dâm dục, bởi lẽ dâm dục chính là cội gốc của sanh tử. Hành giả nếu có thể nghiêm trì tịnh giới tức là tu Phạm hạnh.

Kinh Tăng Nhất A Hàm thuyết minh: “Nhược hữu giới luật cụ túc nhi vô sở phạm, thử danh thanh tịnh, đắc tu phạm hạnh” (nghĩa là: “Nếu có người giữ giới luật đầy đủ, không vi phạm, thì người ấy được gọi là tu Phạm hạnh rất thanh tịnh”).

Căn cứ vào đấy, chúng ta có thể thấy nghiêm trì giới pháp thanh tịnh gọi là tu Phạm Hạnh.

Trên đây là căn cứ vào việc trì giới của hai chúng Phật tử tại gia và xuất gia để phân biệt. Bây giờ, hãy tiến lên một bước nữa, thuyết minh về sự trì giới của Thanh Văn và Bồ Tát.

Luật nghi giới Thanh Văn của hành giả thọ trì xem trọng hai nghiệp thân và khẩu, tuyệt đối không được vi phạm. Hễ khi nào hai nghiệp thân, khẩu thực hành đúng pháp, đúng luật thì được cho là giữ giới hạnh thanh tịnh. Trường hợp tâm ý khởi những vọng niệm không chính đáng thế nào chăng nữa thì cũng không thuộc vào trong hạn lệ của phạm vi ngăn cấm. Nếu khi nào bản thân thực sự giết người, miệng thực sự nói lời không thật, dối gạt người, đương nhiên là đã phạm giới.

Nhưng nếu nội tâm khởi một niệm giết người, tư tưởng muốn nói một câu dối gạt người, nhưng vì chưa thực sự giết người, chưa dối gạt người, như thế không thể gọi là phạm giới. Vì hành giả Thanh Văn thừa không phòng chỉ ác niệm của tâm ý, cũng không phá trừ các kiến giải, cho nên dù giữ gìn tịnh giới một cách nghiêm cẩn, nhưng xét một cách thâm sâu vào bên trong, vẫn không được gọi là Phạm hạnh.

Còn như Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát tuân giữ, chẳng những hai nghiệp thân khẩu tuyệt đối không được vi phạm, mà đến ý nghiệp của tự tâm phát khởi cũng không được trái phạm.

Nói một cách khác, trong lúc khởi tâm động niệm, cũng quyết không được vi phạm cấm giới của Như Lai. Như việc sát sanh, nếu chính thân mình giết hại sanh mạng của chúng sanh, tất nhiên phạm giới căn bổn sát sanh. Nếu nội tâm chỉ khởi một niệm muốn sát hại sanh mạng chúng sanh là đã vi phạm giới sát căn bổn.

Có người cho rằng Giới Bồ Tát chỉ căn cứ vào đại thể, không câu chấp tiểu tiết. Ý nghĩa này thực sự sai lầm vô cùng! Họ hẳn không biết rằng giới Bồ Tát nghiêm cẩn đến mức ngăn cấm ngay trong lúc khởi tâm động niệm những tư tưởng phi pháp. Nếu đem so sánh Luật Nghi Giới của Thanh Văn thừa, lại càng khó giữ gìn cho được thanh tịnh.

Kinh Ðại Bảo Tích, Ưu Ba Ly tôn giả từng nói: “Phật vì Bồ Tát thừa giảng nói thâm tâm giới, vì Thanh Văn thừa giảng nói thứ đệ giới”.

Căn cứ vào đó đủ chứng minh Ðại Thừa Bồ Tát giới rất xem trọng nội tâm thanh tịnh. Vì Bồ Tát giới căn cứ nơi tâm mà luận việc phạm tội. Cho nên hành giả Ðại Thừa cần phải phòng hộ trong lúc khởi tâm động niệm.

Nếu có thể phòng hộ trọn vẹn ba nghiệp, phá trừ các kiến chấp, chứng nhập chân lý, thế mới được gọi là “chân phạm hạnh”. Ðó là phân biệt rõ về nghĩa thế nào là Phạm Hạnh và không phải Phạm Hạnh.

Về ý nghĩa chữ Võng, căn cứ vào Giới để giải rõ, thì có thể phân biệt như sau:

- Căn cứ vào giáo pháp thì Võng là lựa lọc, mò bắt.

- Căn cứ về mặt Giới Luật thì Võng cũng đồng công năng lựa lọc, mò bắt.

Như Nhiếp Thiện Pháp Giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới của Bồ Tát vẫn có công năng lựa lọc, mò bắt chính mình và tha nhân ra khỏi bể khổ sanh tử.

Nhiêu Ích Hữu Tình Giới lấy sự cứu tế chúng sanh làm cội gốc, vì Bồ Tát sở dĩ trở thành một vị Bồ Tát, danh phù hợp với thật, chính ở chỗ phải làm thế nào lợi tế hữu tình và lựa lọc, mò bắt tất cả chúng sanh trong bể khổ sanh tử đem ra. Một vị Bồ Tát đã phát Bồ Ðề tâm, nếu như không tuân thủ giới điều này thật nghiêm cẩn, buông bỏ việc làm lựa lọc, mò bắt chúng sanh trong bể khổ sanh tử, chẳng những vi phạm tịnh giới của Bồ Tát, mà còn mất hẳn tư cách của Bồ Tát. Sở dĩ gọi là Bồ Tát là do ý nghĩa như vậy. Cho nên Nhiêu Ích Hữu Tình Giới có công năng lựa lọc, mò bắt chúng sanh giống như màng lưới.

Nhiếp Thiện Pháp Giới lấy sự rộng tu vô lượng thiện pháp làm chủ đích, tức là từ trong vệc tu tập vô lượng thiện pháp, hành giả có thể tự lựa lọc, mò bắt chính mình ra khỏi bể sanh tử. Ðó là mục đích duy nhất. Nếu hành giả Bồ Tát không thể rộng tu vô lượng thiện pháp thì muôn đời vẫn nổi chìm trong bể khổ sanh tử, đâu còn khả năng lợi tế tất cả chúng sanh? Cho nên Nhiếp Thiện Pháp Giới có khả năng lựa lọc, mò bắt chính mình ra khỏi biển khổ sanh tử giống như màng lưới.

Riêng về Nhiếp Luật Nghi Giới đặc biệt ngăn cấm chúng sanh không cho tạo ác, khác nào dùng cái lồng để nhốt chim, không cho chúng mặc ý hoạt động. Chúng ta sở dĩ thường hành động trái phạm giới luật là do không dùng mành lưới Luật Nghi Giới để nhốt tâm chúng ta cho chắc chắn, để nhờ đó, chúng ta có thể hành động trong một phạm vi thích đáng, không vi phạm Giới Luật.

Lại còn một thuyết nữa, cho rằng “giới tướng Bồ Tát giới quá nhiều như trần sa, vi tế khác biệt, xen lộn, xuất nhập, khuất khúc, thật khó nhận thức được, nên dụ như mành lưới”. Mành lưới giới pháp này sẽ thúc đẩy hành giả đi trên con đường giải thoát, chứ không phải thúc phược (6) mình và người.

Bốn chữ “Phật thuyết Phạm Võng” là thuộc về Biệt Ðề của kinh này. Nhưng phần Biệt Ðề chỉ có hai chữ Phạm Võng, còn hai chữ “Phật thuyết” là Thông Ðề, vì rất nhiều kinh, trong phần tựa đều mang hai chữ “Phật thuyết” ở phía trước như Phật thuyết A Di Ðà Kinh, Phật thuyết Bát Ðại Nhơn Giác kinh...

Phần cần giảng tiếp theo là chữ Kinh, thường được đặt ở phần rốt sau của tựa đề. Kinh là chữ thuộc về Thông Ðề, vì nó mang tính chất phổ biến với tất cả kinh điển Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa, Hiển Giáo và Mật giáo. Tất cả đại tạng giáo của đức Thế Tôn tuyên thuyết đều gọi là Kinh. Chữ Kinh ở Ấn Ðộ gọi là Tu-đa-la, Tu-đố-lộ, hay Tố-đát-lãm, Trung Hoa dịch là Khế Kinh.

Khế kinh theo nghĩa thông thường giải thích:

Thượng khế chư Phật chi diệu lý,

Hạ khế chúng sanh chi cơ nghi.

Nghĩa là: trên khế hợp với giáo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với cơ nghi của chúng sanh, nên gọi là Khế Kinh. Nhưng thông thường gọi vắn tắt là Kinh, ấy là bỏ bớt chữ Khế.

Thật ra, chữ Kinh mang ý nghĩa chữ Tuyến (sợi chỉ), có tác dụng xỏ xâu lại những vật rời rạc nhau. Chẳng hạn, những đóa hoa trên bàn đang rời nhau, không thể đeo vào cổ tay hay vòng lên đầu được, nếu dùng sợi chỉ xâu tất cả đóa hoa ấy lại, sẽ thành một vòng hoa, dùng làm đồ trang sức.

Ngôn giáo của Phật cũng như thế. Vốn là từ trong bể Ðại Giác lưu lộ ra. Giảng xong là hết chuyện, nhưng nhờ sự biên tập và ghi chép lại của các đệ tử Phật, tập trung tất cả lời dạy của đức Phật đã tuyên thuyết, tổ chức lại cho có hệ thống, điều lý, quy củ hẳn hòi, thành ra một đại tạng kinh.

Các tạng kinh này được sắp xếp theo từng bộ, loại, khiến cho mọi người nói chung, giới Phật tử nói riêng, đều có thể thọ trì đọc tụng một cách tiện lợi, đặc biệt đối với ngôn giáo của Phật đã giảng, nhờ việc này mà không đến nỗi “người hành pháp không còn”, nên gọi là Kinh.

Căn cứ vào kinh Phạm Võng thì Tâm Ðịa giới pháp bao gồm mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, vốn khác biệt vì tính chất khinh và trọng. Nếu đem mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của đức Phật đã nói, quán xuyến và nhiếp trì lại thành một bộ Bồ Tát Giới Kinh duy nhất, cũng như những hạt ngọc trong mành lưới của Ðại Phạm Vương, vốn là những hạt ngọc rời rạc. Sở dĩ chúng trở thành mành lưới báu là do dùng chỉ xâu lại mới thành.

Trên đây, chữ Kinh đã được giải thích là Tuyến. Ngoài ra, có những danh từ để định nghĩa chữ Kinh như Dũng Tuyến, Thằng Mặc v.v... ở đây giảm bớt không đề cập nhiều, vì xét thấy không quan hệ lắm.

Về phần Ðề Mục của phẩm, cần phải hiểu tại sao là gọi là Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm?

Theo kinh tạng từ trước đến nay, phẩm này là phẩm thứ 10, trong số 61 bộ Quảng Luật Bồ Tát. Ðức La Thập khi dịch phẩm này đã chia ra thành hai quyển thượng và hạ:

- Quyển thượng giảng về giai cấp tu chứng, lý trí quán hạnh của Bồ Tát, nghĩa là gồm 30 tâm và Thập Ðịa.

- Quyển hạ giảng về Tâm Ðịa Giới pháp của Bồ Tát. Chính là mười giới trọng và 48 giới khinh.

Trước tiên, xin giải thích sơ lược danh từ Bồ Tát. Bồ Tát là chữ gọi tắt của tiếng Ấn Ðộ, nói đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, Trung văn gọi là Giác Hữu Tình hoặc Ðại Ðạo Tâm Chúng Sanh, cũng gọi là Khai Sĩ, hoặc Ðại Dũng Tâm.

Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã thuyết minh: “Người này có Ðại Ðạo Tâm không thể nào làm hư hoại, cũng như kim cương (rất cứng chắc). Ðầu tiên từ khi mới phát tâm đến cuối cùng thành bậc Ðẳng Giác, đều gọi là Bồ Tát”.

Vì thế, quá trình của một vị Bồ Tát thật lâu dài. Trong quá trình dài xa ấy, trình độ tu chứng của một vị Bồ Tát được phân ra làm hai cấp cao, hạ khác nhau. Trong kinh cũng như vậy, Bồ Tát được phân chia thành nhiều giai cấp, địa vị sai khác như 30 tâm và Thập Thánh v.v...

Vì vậy, phàm người đã phát tâm Bồ Ðề, tu hạnh Bồ Tát lợi mình, lợi người, lấy việc cầu thành Phật đạo làm mục đích, đều gọi là Bồ Tát. Ðối với tất cả hành giả trong Phật pháp, Bồ Tát là bậc quý nhất, hành giả bên Nhị Thừa không thể bì kịp, nên trong kinh có câu: “Sơ phát dĩ vi nhơn thiên sư; thắng xuất Thanh Văn, Duyên Giác”. Nghĩa là: Người mới phát tâm Bồ Ðề, đã là bậc thầy của nhân, thiên, vượt lên trên bậc Nhị Thừa Thanh Văn, Duyên Giác, chính là ý nghĩa này vậy.

Tiếp theo xin giải thích hai chữ Tâm Ðịa:

- Tâm Ðịa chính là chỉ thẳng vào vùng đất bổn nguyên của tâm tất cả chúng sanh.

- Cảnh giới chứng đắc của chư Phật là chứng ngay Tâm Ðịa này.

- Chỗ mê muội của chúng sanh cũng chính là sự mê muội ngay trong Tâm Ðịa này.

Cho nên đức Như Lai đã qua lại trong tam giới hơn tám nghìn lần, không lần nào lại không vì mục đích duy nhất: Phát minh bổn nguyên Tâm Ðịa cho tất cả chúng sanh. Vì vậy, Phật khuyên bảo tất cả chúng sanh nên y theo Tâm Ðịa này bẩm thọ bảo giới Phật Tánh, làm chỗ tu nhơn căn bản, hướng về Phật Quả tối cao mà thẳng tiến, cho nên mệnh danh là Tâm Ðịa.

Bổn nguyên Tâm Ðịa này là tâm của chúng sanh, nhưng không thể dùng tai nghe, mắt thấy được; cũng không thể dùng tâm thức mà suy tư được. Nếu nói lớn thì nó rất lớn, không có gì ra ngoài nó được. Nhược bằng cho là nhỏ thì nó rất nhỏ không thể chứa vật gì bên trong, rỗng rang, sáng suốt, vắng lặng, thường hằng, tuyệt danh, tuyệt tướng, vô cùng linh minh.

Tất cả pháp giới, tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đồng nương nơi Tâm này. Tâm tánh thanh tịnh này của chúng sanh, xưa nay vẫn thanh tịnh, nhưng vì bị phiền não làm nhiễm ô, nên biến thành cảnh tượng tạp nhiễm. Những tạp nhiễm này chẳng qua là khách trần.

Hiện tại chúng ta chỉ cần nương nơi Tâm Ðịa giới pháp này, từ lúc sơ phát tâm chho đến bực Ðẳng Giác đại sĩ, mà tu tập theo từng giai cấp, địa vị. Cứ lên mỗi giai cấp, địa vị, những ô nhiễm khách trần sẽ dần dần được tước bỏ khiến cho Tâm Ðịa giới được thành tựu kiên cố. Một ngày kia, chứng nhập quả vị Diệu Giác, giới thể được viên tịch, tất cả ác pháp được vĩnh viễn tịch trừ, muôn pháp lành được hoàn thành mỹ mãn, ấy chính gọi là Lô Xá Na Phật (7).

Như trong quyển thượng của kinh này thuyết minh: “Ngã dĩ bá kiếp tu hành thị Tâm Ðịa, hiệu ngô vi Xá Na” (Ta trải qua trăm ngàn a tăng kỳ kiếp tu tập tâm địa này, ta được hiệu là Lô Xá Na).

Ðức Lô Xá Na sở dĩ được gọi như vậy, không phải ngẫu nhiên mà được, mà là do tu tập tâm địa này và được chứng đắc. Chư Bồ Tát trong nhân vị tâm địa này, muôn đức đều tu, chính là dùng bổn nguyên tâm địa giới làm diệu dụng duy nhất. Quả vị thù thắng nhờ đó phát sinh. Cũng như quả đại địa có công năng trưởng dưỡng tất cả vạn vật nên gọi là Tâm Ðịa.

Nếu phân chia mà nói, có người dùng 30 tâm để giải thích chữ Tâm; dùng Thập Ðịa để giải thích chữ Ðịa. Họ không biết rằng ba mươi tâm đều là chỗ đi quả của chư Bồ Tát. Không có 30 tâm thì không thể nào xuất sanh diệu quả thù thắng. Cho nên mỗi tâm đều có thể gọi là Ðịa.

Ðến như thể tánh của Thập Ðịa, mỗi mỗi địa đều thống nhiếp vạn pháp, không địa nào chẳng phải là diệu tâm của Bồ Tát. Cho nên mỗi địa đều có thể gọi là Tâm.

Tóm lại:

Nếu muốn tu tập các pháp lành, tăng trưởng Bồ Ðề tâm, chỉ có thể nương theo Kim Cương Quang Minh Bảo Giới sẵn có đủ trong Tâm Ðịa này, tu tập mới chứng đắc diệu quả thù thắng.

Cuối cùng, xin lược giải về ý nghĩa chữ Phẩm:

Chữ Phẩm nghĩa là thể loại, nghĩa là đem từng loại, từng thứ để tập hợp lại một chỗ mà giải thích rõ ràng, nên gọi là Phẩm.



Chú thích:

(1) Hạng mục: Hạng là phần phía sau của cổ, tục gọi là gáy hoặc ót; Mục là đôi mắt. Hai thứ trọng yếu của cơ thể con người, ám chỉ sự trọng yếu của tịnh giới.

(2) Hoàng môn nhị hình: Người bán nam bán nữ, làm thái giám trong cung vua nên gọi là hoàng môn.

(3) Kình tiếp: Kình là vác đồ vật đưa lên cao, ở đây dùng hai chữ “kình tiếp” để hình dung đức Bổn Sư lúc ấy dùng thần thông tiếp dắt đại chúng, chư Thiên, chư Bồ Tát v.v... Cũng như trong kinh Duy Ma Cật thuyết minh đức Bồ Tát Duy Ma Cật tiếp lấy toàn thế giới Hương Chúng của đức Bất Ðộng Như Lai, luôn cả đức Phật và chư Ðại Bồ Tát đem đến cõi Ta Bà này. Ngài cầm trên tay cả đại chúng mà xem giống như chỉ cầm một cái tràng hoa nhẹ nhàng.

(4) Phu dương: phu là bày ra, giăng ra; dương là làm dấy lên, cất lên, khen ngợi. Phơi bày, đăng ra làm cho mọi người đều thấy biết được để tán tụng, khen ngợi.

(5) Thúc phược: Thúc: buộc lại thành bó; phược: lấy dây mà buộc.

(6) Từ Lô Xá Na: Kinh Văn quyển Thượng có chép 2 đoạn:

Ðoạn 1:

Ðức Lô Xá Na tự thuật: “Ngã dĩ bá a tăng kỳ kiếp, tu hành tâm địa, dĩ chỉ vi nhơn. Sơ xả phàm phu, thành Ðẳng Chánh Giác, hiệu vi Lô Xá Na” (Ta đã tu tập tâm địa, trải qua trăm a tăng kỳ kiếp, lấy tâm địa làm nhơn, ban sơ bỏ hẳn tâm phàm, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do đó, ta được danh hiệu Lô Xá Na).

Ðoạn 2:

Cũng chính đức Lô Xá Na tự thuật: “Ngã dĩ bá kiếp tu hành thị tâm địa, hiệu ngô vi Lô Xá Na” (ta đã trải qua thời gian trăm kiếp tu tâm địa này, hiện thời gọi ta là Lô Xá Na).

Trong Giới Bổn Việt văn dịch hai câu trên là: “Ta đã từng trăm a tăng kỳ kiếp tu tập tâm địa này, do đó ta được hiệu là Lô Xá Na”.

Dù là không phù hợp với kinh văn, vì đoạn này chỉ nói là “bá kiếp” chứ không nói “bá a tăng kỳ kiếp”, nhưng thật sự không phải sai, vì Hòa Thượng Vạn Ðức căn cứ vào đoạn kinh văn bên trên. Sau đó, Hòa Thượng có chú thích ở số 11, trong phần chú thích.



1. Lô Xá Na: phiên âm từ tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Quang Minh Biến Chiếu, có hai nghĩa:

- Bên trong dùng trí quang chiếu nơi Chơn Pháp Giới. Ðây là chỉ về sự tự thọ dụng thân để giải rõ.

- Bên ngoài dùng thân quang chiếu ứng đại cơ. Ðại Cơ chỉ cho Ðại Thừa Bồ Tát. Ðiều này chỉ về sự tha thọ dụng thân để thuyết minh.

Ngoài ra, còn một từ dịch chữ Lô Xá Na là Tịnh Mãn:

- Tịnh: tẩy trừ tất cả các ác pháp. Ứng theo nghĩa Quả Báo là ngăn chặn việc ác để thuyết minh.

- Mãn: Tất cả các công đức đều được thực hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ. Ở đây căn cứ vào Quả Báo hiện hành mà thuyết minh.

Tịnh Mãn nghĩa là căn cứ phần lớn vào sự Tự Thọ Dụng mà mệnh danh. Quang Minh Biến Chiếu nghĩa là căn cứ vào nơi sự Tha Thọ Dụng để đặt hiệu.

2. Phân tích về sự sai biệt của hai từ “a tăng kỳ kiếp” và “bá kiếp” trong hai đoạn kinh văn nêu trên:

Ðức Lô Xá Na tự thuật Ngài đã tu hành trải qua trăm a tăng kỳ kiếp. Cũng chính đức Lô Xá Na tự thuật là Ngài đã tu hành trải qua trăm kiếp.

Theo trong bộ “Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Tâm Ðịa”, phẩm hạ, phần sơ lược của Tổ Hoằng Tán vào triều nhà Minh, thì Tổ giải thích rằng:

- Ý thứ nhứt: theo kinh văn phần trước, đức Lô Xá Na tự thuật rằng Ngài đã trải qua trăm a tăng kỳ kiếp để tu tập pháp môn Tâm Ðịa.

Ðoạn kinh văn phần sau cũng chính nơi Kim Khẩu của Ngài tự thuật, chỉ nói có trăm kiếp.

Tổ Hoằng Tán cho đây là có lẽ đức Lô Xá Na nói vắn tắt, nghĩa là muốn nói cho đủ phải là trăm a tăng kỳ kiếp.

- Ý thứ hai: Tổ Hoằng Tán cho rằng đức Lô Xá Na sau khi trải qua trăm a tăng kỳ kiếp tu hành viên mãn. Sau đó, lại phải trải qua trăm kiếp để tu nhân tướng hảo.

Nam mô A Di Ðà Phật!

Dịch giả y theo các kinh, kính thuật những dòng chú thích vừa nêu trên, là có ý thành khẩn, muốn cho tất cả quý đại sĩ khi đọc bộ Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký này nếu là người trí thì nên tự suy tư với việc tu hành. Ðối với pháp môn của Phật dạy, dù có 84.000 pháp môn, nhưng tóm tắt lại, không ngoài hai môn Tự Lực và Tha Lực.

- Về pháp môn Tự Lực, như đức Lô Xá Na tự thuật, Ngài đã tu hành trải qua trăm a tăng kỳ kiếp.

- Về pháp môn Tha Lực, tức là chỉ cho pháp môn Tịnh Ðộ, dùng Tín, Hạnh, Nguyện làm ba món tư lương. Nếu y theo kinh pháp đức Phật đã dạy mà thực hành, thì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, sau khi xả báo thân, sẽ được vãng sanh về Cực Lạc thế giới. Khi đã được vãng sanh, liền vào ngôi Bất Thối Chuyển.

Chính trong kinh Phật thuyết A Di Ðà, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thân tuyên: “Nhược hữu chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (đối với quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác không còn thối chuyển nữa).

Tu theo pháp môn Tịnh Ðộ này:

- Bực thượng căn, thượng trí thì được nhất tâm bất loạn.

- Bực hạ căn, hạ trí dù là nghiệp chướng sâu dày, nhưng nếu dùng tâm chí thành khẩn thiết, thâm tín phát nguyện mà niệm Phật thì cũng nhất định được vãng sanh.

- Cho đến người suốt đời tạo nghiệp, lúc lâm chung, được gặp thiện tri thức nhắc nhở, dạy bảo, chỉ xưng danh hiệu Từ Phụ A Di Ðà Phật trong mười niệm cũng được vãng sanh. Khi đã vãng sanh rồi, đều vào ngôi Bất Thối Chuyển.

Nên trong kinh dạy: “Y theo pháp môn Niệm Phật mà tu trì thì rất dễ dàng như người đi thuyền, đã gặp nước xuôi, gió thuận, mà lại trương buồm lên thì lo gì đi không tới bến. Y theo pháp môn khác mà tu trì thì khác nào con kiến trèo lên ngọn núi cao nghìn trượng. Thật hoàn toàn vô hy vọng!”

Thưa quý đại sĩ!

Là người có trí, phải tự suy tư trong hai con đường: một rất dễ, hai rất khó, nên lựa chọn mà đi. Trong kinh Bổn Nghiệp Anh Lạc bên trên đã thuyết minh về thuật ngữ “a tăng kỳ kiếp” là để nhấn mạnh ở trong vô số kiếp như thế, nếu người nào phát tâm Bồ Ðề, thực hành Bồ Tát đạo, được gặp chư Phật thì mới có hy vọng đi trên đường giải thoát và thành Phật. Còn những người nào chưa ở trong số ấy thì hoàn toàn vô phận.



3. Thuật ngữ A Tăng Kỳ kiếp:

Chữ Kiếp là gọi tắt của tiếng Phạn, gọi đầy đủ là “kiếp-bà bát-đà”, Trung Hoa dịch là Ðại Thời Phần. Do vì thời gian quá lâu, không thể dùng năm tháng thông thường để tính được.

Như trong kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp thuyết minh:

“Thí như dùng một tảng đá vuông vức, cạnh dài một dặm, hai dặm, cho đến bốn mươi dặm. Dùng một chiếc thiên y, nặng chỉ ba thù (đơn vị đo lường của Trung Hoa, tương đương với năm lượng). Lấy đơn vị thời gian của thế gian, cứ ba năm một lần, dùng chiếc thiên y ấy phất qua một cái. Bao giờ tảng đá này mòn hết thì chính là một tiểu kiếp.

Nếu đem tảng đá vuông vức, mỗi cạnh dài 80 dặm, dùng chiếc thiên y của trời Phạm Thiên nặng ba thù. Lấy đơn vị ở cõi trời Phạm thiên mà tính, cứ đúng ba năm một lần, dùng chiếc thiên y ấy phất qua một cái. Bao giờ tảng đá này mòn hết thì tính là một trung kiếp.

Nếu đem tảng đá vuông vức, mỗi cạnh dài 800 dặm, dùng chiếc thiên y ở cõi trời Tịnh Cư, nặng ba thù. Lấy đơn vị thời gian ở cõi trời Tịnh Cư mà tính, ba năm một lần, dùng chiếc thiên y ấy phất qua một cái. Bao giờ tảng đá này mòn hết thì tính là một đại ta tăng kỳ kiếp”.

Lưu ý:

Tiểu, trung, đại a tăng kỳ kiếp khác với tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp trong các kinh thường nói. Vì tiểu, trung và đại kiếp trong các kinh thường nói có thể tính đếm được.

Cứ 20 tiểu kiếp hợp lại thành một trung kiếp, 4 trung kiếp hợp lại thành một đại kiếp. Như vậy, cứ 80 tiểu kiếp là một đại kiếp. Niên số tính như sau:

1 tiểu kiếp = 1.680 vạn năm = 1.680 x 10.000 năm.

1 trung kiếp = 1.680 x 10.000 x 20 = 336.000.000 năm.

1 đại kiếp = 336.000.000 x 4 = 1.344.000.000 năm.

Luận về đơn vị thời gian tính bằng niên số thì hoàn toàn khác nhau giữa các cõi nhân gian, trờiPhạm thiên và trời Tịnh Cư.

Niên số ở nhân gian không cần đề cập vì mọi người đều biết.

Niên số ở cõi trời Phạm Thiên, tức là trời Sơ Thiền, thuộc về cõi Sắc, gồm có 3 tầng:

1) Tầng trời Phạm Chúng

2) Tầng trời Phạm Phụ

3) Tầng trời Ðại Phạm.

Trong kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp chỉ nói Phạm Thiên tức là một trong ba tầng trời cõi Sơ Thiền. Muốn biết niên số ở cõi trời Phạm Thiên phải y cứ theo sáu cõi trời ở Dục Giới mà tính. Thọ mạng của chư Thiên nơi cõi trời Tứ Thiên Vương là năm trăm năm. Một ngày một đêm ở cõi trời Tứ Thiên Vương bằng nửa thế kỷ chốn nhân gian. Thọ mạng của chư Thiên nơi cõi Trời Ðao Lợi đúng một ngàn năm. Một ngày đêm ở cõi trời Ðao Lợi bằng một trăm năm ở thế gian. Cứ lấy các số tương ứng này nhân lên thì tính được thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tứ Thiên Vương và Ðao Lợi.

Thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tha Hóa Tự Tại thứ sáu là ba vạn hai ngàn năm. Một ngày đêm ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại tính theo niên số ở thế gian dài đến một ngàn sáu trăm năm. Niên số này tăng gấp đôi ở mỗi tầng trời Phạm Chúng, Phạm Phụ và Ðại Phạm thuộc cõi Sơ Thiền, nghĩa là:

Một ngày đêm ở cõi trời Phạm Chúng = 1.600 x 2 = 3.200 năm của thế gian.

Một ngày đêm ở cõi trời Phạm Phụ = 3.200 x 2 = 6.400 năm của thế gian.

Một ngày đêm ở cõi trời Ðại Phạm = 6.400 x 2 = 12.800 năm của thế gian.

Cứ như vậy nhơn lên mãi sẽ suy ra được thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tịnh Cư.

Trời Tịnh Cư gồm có năm cõi:

- Vô Phiền Thiên.

- Vô Nhiệt Thiên.

- Thiện Kiến Thiên.

- Thiện Hiện Thiên.

- Sắc Cứu Cánh Thiên.

Năm cõi trời này trong kinh gọi là Ngũ Tịnh Cư thiên, là nơi của Ðệ Tam Quả A Na Hàm thánh nhân cư trú.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment