Sunday 10 June 2012

Giới Sa-di: Giới Pháp Sa-di

Bài 2. GIỚI PHÁP SA-DI
Giảng viên ĐĐ. Thích Thiện Chơn
Trong giai đoạn đầu, đức Phật chưa quy định rõ số tuổi tối thiểu để thọ giới Tỳ-kheo, nhưng về sau, vì nhóm thiếu niên 17 người, đệ tử của Tôn giả Mục-kiền-liên chưa đủ 20 tuổi, thọ giới Cụ túc rồi mà không đủ sức kham nhẫn nếp sống Tỳ-kheo, không chịu đựng nổi việc không ăn phi thời, nên ban đêm kêu khóc.

Phật chế định tuổi tối thiểu để thọ giới Cụ túc là 20 tuổi và cao nhất là 70 tuổi với điều kiện còn đủ sức khỏe. Do vậy, người chưa đủ 20 tuổi, hoặc trên 70 tuổi được xếp vào chúng Sa-di. Người xuất gia trước khi được thọ giới Cụ túc cần phải trải qua một giai đoạn chuẩn bị, đó là thực hành nếp sống Sa-di.

Người thọ giới pháp Sa-di đầu tiên là La-hầu-la. Đức Phật dạy tôn giả Xá-lợi-phất là làm Hòa-thượng và tôn giả Mục-kiền-liên làm A-xà-lê truyền mười giới.

Quyển Sa Di Luật Nghi Yếu Lược được tổ Châu Hoằng (1532 - 1612) ở Chùa Vân Thê rút ra từ trong bộ Sa Di Thập Giới và biên tập thành quyển luật cho dành cho hàng Sa-di thọ trì với văn tự yếu lược. Tổ Hoằng Tán (1611 - 1685) ở núi Đảnh Hồ chú giải để người học dễ nhận rõ nghĩa lý.
Người xuất gia trong Phật giáo chia làm 5 chúng: Tỳ-kheo, Ty-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni. Giới của Sa-di và Sa-di-ni có 10 điều giống nhau. Còn điểm khác nhau của Sa-di và Sa-di-ni giới là oai nghi tuỳ đại chúng học.

I. Khái Quát về giới Pháp Sa-di:
1. Khái niệm Sa-di:
Sa-di là dịch âm chữ Phạn Sràmanera.
Cựu dịch là Tức-từ, nghĩa là dứt các điều ác mà thực hành tâm từ, dứt sự đắm nhiễm các pháp thế gian mà từ bi cứu giúp chúng sanh.
Tân dịch là “cần sách”, nghĩa là tiếp thọ sự khuyến khích siêng gắng của đại Tỳ-kheo Tăng.
Lại còn có nghĩa là cầu tịch, nghĩa là cầu lấy đạo Niết-bàn và quả viên tịch.
Sa-di đệ tử nhỏ trong chúng xuất gia của đức Phật, thọ trì mười điều giới Sa-di và các oai nghi hàng ngày tập sống theo hạnh của Tỳ-kheo, đời sống của một vị Thánh giả.

2. Các cấp bậc Sa-di:
Tăng đoàn của Phật giáo tương tợ như đại gia đình. Trong đó có nam, có nữ, có già, có trẻ, có lớn, có nhỏ dung hợp đối xử với nhau hòa thuận vui vẻ. Sự tiếp nhận Tăng đoàn của Sa-di là nhân tài của Phật giáo, tăng thêm sự nối tiếp lực lượng mới sinh. Vì thế, Sa-di lấy tuổi nhỏ làm chủ yếu.
Sa-di trong Phật giáo chia làm 3 cấp bậc:

- Khu Ô Sa-di (Sa-di đuổi quạ): Chỉ cho những vị tuổi đời còn nhỏ từ 7 tuổi – 13 tuổi chưa thể tu tập như các vị lớn tuổi. Chỉ có thể sai đi đuổi chim quạ để hàng Tỳ-kheo tu tập thiền định.
- Ứng pháp Sa-di (Sa-di hợp pháp): Chỉ cho những vị tuổi đời từ 14 – 19 tuổi, những vị này có hai nhiệm vụ chính: Một là làm các việc nặng nhọc để hầu hạ Thầy và thứ hai là học tập kinh điển, tu tập thiền định và thực hành nghi thức thọ trì kinh kệ.

- Danh tự Sa-di (Sa-di danh tự): Là chỉ cho những người từ 20 tuổi – 70 tuổi, ở tuổi này đúng ra được thọ giới cụ túc nhưng vì xuất gia trễ chưa đủ ngày để thọ giới Tỳ-kheo, hoặc những vị này bản chất tối tâm, căn tánh chậm lụt không thể lãnh thọ giới pháp của Tỳ-kheo được.

Thời đức Phật còn tại thế, người xuất gia là được thọ giới làm sa di ngay, nhưng theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay khi được cạo tóc xuất gia chỉ giữ gìn 5 điều giới và được gọi là Tịnh nhơn. Sau đó khi học thuộc kinh kệ, gìn giữ oai nghi đã thuần thục mới cho đến đàn thọ giới pháp Sa-di.

Hình đồng Sa di: Hình thái tuy đồng Sa-di nhưng vẫn chưa đủ tư cách của Sa-di, vẫn còn bản chất của người tục, vì thế gọi là Hình đồng Sa-di.
Người thọ Sa-di thập giới gọi là Pháp đồng Sa-di.


II. Nội dung giới Pháp Sa-di và Sa-di-ni:
1. Giới pháp Sa-di, Sa-di-ni gồm mười điều:
1. Không sát sinh.
2. Không trộm cướp.
3. Không dâm dục.
4. Không vọng ngữ.
5. Không uống rượu.
6. Không đeo tràng hoa thơm, không dùng dầu thơm xoa thân.
7. Không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố ý đến xem nghe.
8. Không ngồi nằm giường lớn cao rộng.
9. Không ăn phi thời.
10. Không cần giữ sanh tượng vàng bạc vật báu.
2. Oai nghi của Sa-di, Sa-di-ni:
Đây không phải là giới điều, nhưng Sa-di, Sa-di-ni thuộc chúng đệ tử xuất gia của đức Phật nên cần gìn giữ một số oai nghi và phép tắc. Gồm 24 điều:
1. Kính các bậc Thầy lớn
2. Thờ Thầy
3. Theo Thầy đi ra ngoài
4. Vào ở trong chúng
5. Theo chúng đi ăn
6. Lễ lạy
7. Nghe pháp
8. Học tập kinh điển
9. Đi vào chùa viện
10. Theo chúng vào thiền
11. Làm công việc
12. Vào nhà tắm
13. Vào nhà vệ sinh
14. Nằm ngủ
15. Quanh lò sưởi
16. Sống ở trong phòng
17. Đến chùa Ni
18. Đến nhà người
19. Đi xin thức ăn
20. Đi vào xóm làng
21. Đi chợ mua đồ
22. Khi làm các việc
23. Đi tham học các nơi
24. Tên gọi và hình dạng của y
3. Thực hành Tỳ-ni:
Sa-di là hàng sơ cơ vào đạo nên cần lấy sự phát tâm làm gốc. Thế nên, từ sáng đến tối đọc các bài kệ, các câu chú gắn với từng cử chỉ, từng hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày của mình để điều phục ba nghiệp, khiến khắp cả chúng sanh, đều đượm pháp lợi, đồng nên đạo giác.

4. Ghi khắc cảnh sách: Phải luôn ghi nhớ những lời nhắc nhở của chư Tổ.
III. Tư cách Bổn Sư:
a. Các điều kiện cần có của Bậc Thầy:
Trách nhiệm giáo dục, tài bồi phẩm cách đạo đức cho đệ tử rất quan trọng. Tư cách làm thầy phải xét ở có khả năng cung cấp các phương tiện sống cho đệ tử theo tiêu chuẩn thiểu dục tri túc của người xuất gia và khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì giới luật và học kinh điển, tu tập thiền định, có đủ kinh nghiệm để giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
- Kinh Đại Tỳ-kheo Tam Thiên Oai Nghi nói: “Tỳ-kheo giới đủ 10 năm mới được độ người, nếu chẳng biết ngũ pháp thì suốt đời chẳng được độ người”.
Ngũ pháp là:
1. Thông hiểu sự lợi ích rộng của hai bộ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.
2. Giải quyết được nghi vấn và tội khinh trọng đáng phạm của đệ tử.
3. Đệ tử ở phương xa đủ sức khiến đệ tử quay về.
4. Phá được kiến chấp tà ác của đệ tử và răn dạy đừng làm điều ác.
5. Nếu đệ tử bệnh, chăm sóc được như cha nuôi con.
Nếu người chẳng biết năm việc ấy thì suốt đời không được độ người. Nếu độ người đắc tội Đột-kiết-la”.
Thiện Kiến Luật nói: “Nếu chẳng biết Luật, chỉ biết Tu đa la (Kinh), A tỳ đàm (Luận) thì chẳng được độ Sa-di”
Nói một cách cụ thể, tổng hợp những đức tính mà các Luật bộ quy định về tư cách làm thầy, có năm điều chính yếu như sau:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
Nói tóm lại, làm thầy phải biết giáo dục đệ tử về các mặt giới, định và tuệ, đó là ba khoa mục học hỏi mà người học đạo cần phải theo đuổi trong quá trình tấn tu đạo nghiệp. Nếu tự nhận thấy quá yếu kém trong các khoa mục đó, thì khoan làm thầy vội, mà bản thân cần phải tự cố gắng để đạt đến trình độ khả quan, chứ không nên thâu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng, vô trách nhiệm.
b. Số người được độ xuất gia:
Trong Kinh Tỳ Ni Mẫu quyển 8 có quy định như vầy: “Đệ tử thọ Tỳ-kheo Cụ túc giới rồi, trong 12 tháng phải dạy cho người đệ tử ấy tất cả pháp của một Tỳ-kheo, rồi sau đó mới được cho một đệ tử khác thọ Cụ túc giới, nếu chưa đủ 12 tháng chẳng được cho thọ giới. Sa-di thọ đại giới rồi, sau đó mới được nhận một Sa-di khác”.

Đây là nói khi đệ tử thứ nhất thọ Tỳ-kheo giới, trong 12 tháng không được độ Sa-di xuất gia, phải sau 12 tháng của người Sa-di thứ nhất thọ Tỳ-kheo giới, mới được độ người Sa-di thứ hai.
Trong Hành Sự Sao 4, quyển hạ, của Luật sư Đạo Tuyên nói: “Tứ Phần Luật không cho đồng thời nuôi hai Sa-di”.
Trong Luật Tăng-kỳ: Không cho nuôi nhiều Sa-di, chỉ cho nuôi từ một đến ba người là nhiều nhất.
Quy định không cho đồng thời thế độ hai người Sa-di xuất gia, có hai lý do:
1. Đã từng có một Tỳ-kheo đồng thời nuôi hai Sa-di, hai Sa-di ấy do không hiểu biết, lại sinh tham dục đến đỗi hai người hành dâm với nhau. Vì phòng ngừa sự kiện tương tự như thế phát sinh, nên chỉ cho có một Sa-di.

2. Đệ tử Sa-di nhiều, sức dạy dỗ và cung cấp của thầy thế độ thường thường không thể lo tròn. Các đệ tử Sa-di không được giáo dục và cung cấp đầy đủ chỉ làm lụy đến con em người và làm hại Phật giáo, vì thế chẳng được đồng thời nuôi nhiều Sa-di. Song trong luật cũng có khai lệ: Nếu như vị thầy trí huệ cao sâu, phước lực thù thắng có đủ khả năng dạy dỗ dưỡng nuôi thì không ngại gì nuôi hai Sa-di trở lên.

Trong luật có nói: “Bậc thầy phân làm 4 hạng:
1. Có pháp lại có cơm áo.
2. Có pháp mà không có cơm áo.
3. Có cơm áo mà không có pháp.
4. Không có pháp cũng không có cơm áo.
Người thâu nhiều đồ chúng xuất gia mà không thể dạy dỗ đệ tử xuất gia đúng như pháp, ấy là có tội. Như trong Kinh Bồ tát Thiện Giới quyển 4 nói: “Chiên đà la (người hạ tiện làm nghiệp ác) và kẻ đồ tể tuy làm nghiệp ác nhưng không phá hoại chánh pháp Như Lai thì không nhất định phải đọa trong ba ác đạo. Làm thầy mà không dạy răn đệ tử là phá hoại Phật pháp, nhất định sẽ bị đọa trong địa ngục. Vì danh dự mà chứa nuôi đồ chúng gọi là tà kiến, là đệ tử ma”.
c. Tăng giám sát:
- Tư cách làm thầy phải được Tăng nghiệm xét và chấp nhận. Nếu Tăng chưa chấp thuận cho phép thâu nhận đệ tử, mà cứ tự ý thâu nhận thì đó là việc làm phi pháp.

- Sự thâu nhận đệ tử phải được thông báo cho Tăng biết. Nếu Tăng không chấp thuận, phải chấp hành nghiêm túc phán quyết ấy.

- Tăng phải kiểm nghiệm cẩn thận tư cách của người thọ giới, không được truyền thọ bừa bãi.

Có 2 lý do Tăng giám sát vị Thầy:
1. Đã từng có Tỳ-kheo tự mình không đủ tư cách làm thầy độ người mà làm thầy độ người, sau khi độ người chẳng thể răn dạy đúng như pháp, không đủ sức cung cấp nhu cầu cơm áo đúng như pháp, khiến cho người ngoài chê bai, vì thế cần phải được sự đồng ý của đại chúng và do đại chúng đánh giá tư cách của ông thầy độ người.
2. Đã từng có Tỳ-kheo độ một đứa bé xuất gia mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ đứa bé, cũng chưa được sự chấp nhận của đại chúng trong Tăng đoàn, cha mẹ của đứa bé vào tự viện hỏi, các Tỳ-kheo khác đều không biết sự việc nên nói chưa thấy đứa bé này. Vì thế Đức Phật quy định muốn độ người xuất gia, trước tiên cần phải được Tăng đoàn chấp nhận.
Tỳ-kheo cũng chỉ có thể thế độ Sa-di, không được thế độ Sa-di-ni, chẳng được làm Hòa thượng của Tỳ-kheo-ni, chỉ có thể làm Yết-ma A-xà-lê, Giáo-thọ A-xà-lê của Ni chúng. Sa-di-ni phải do Tỳ-kheo-ni thế độ.
Tư cách của Tỳ-kheo-ni cũng đồng như Tỳ-kheo độ Sa-di nhưng phải đủ 12 năm giới lạp trở lên.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).11/6/2012.

No comments:

Post a Comment