Thursday 27 June 2013

BÀI HỌC SA DI.
 
 
III. 37 CÂU CHÚ NGUYỆN MẪU
1. Tìm hiểu khái quát
Những câu chú nguyện có xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tịnh Hạnh thứ 11. Nội dung phẩm kinh đó trình bày sự vấn đáp của Bồ-tát Trí Thủ và Bồ-tát n-thù-sư-lợi là làm cách nào để các Bồ-tát thành tựu được mọi công đức thắng diệu? Để đáp lại câu hỏi rất dài của Bồ-tát Trí Thủ, Bồ-tát Văn-thù đã ứng khẩu đọc ra 141 bài kệ. Hầu hết các câu chú nguyện đều được trích dẫn từ đây.
 bantayvaluanxa2.jpg
Hòa thượng Kiến Nguyệt ở Trung Quốc (1601 – 1679, còn gọi là luật sư  Độc Thể, hoằng pháp tại núi Bảo Hoa tỉnh Giang Tô) đã trích dẫn một số trong 141 bài kệ của Bồ-tát Văn-thù, kết hợp thêm những câu chú Mật tông và các bài kệ khác, làm thành một tập có tên gọi là Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Hòa thượng muốn phổ biến các tác phẩm này cho các Tăng, Ni sử dụng hằng ngày, dụng ý xem như luật, nên đã đặt tên sách như thế. Tác  phẩm này có 54 bài kệ. Các bài kệ trong Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu thường được gắn thêm một câu mật ngữ, phiên âm Hán-Phạn. Sau đó, mọi người đã xếp nó vào 4 bộ Luật nhỏ của Sa-di. Thế nhưng, các câu chú đâu phải là luật. Nếu dựa vào công năng điều tâm của các câu chú mà cho nó là luật, thì tất cả các kinh pháp đức Phật dạy đều là luật hết. Luật nghi của Sa-di là những phần được rút ra từ luật nghi của Tỳ-kheo gồm 10 giới và Môn oai nghi Sa-di. Luật nghi của Sa-di Ni được rút ra từ luật nghi của Tỳ-kheo Ni, cũng gồm 10 giới và Môn oai nghi Sa-di Ni. Nhưng các Sa-di Ni sẽ theo sự hướng dẫn các Tỳ-kheo Ni khi học oai nghi của Ni cô, học việc của người phụ nữ xuất gia.
 
Qua 54 câu chú nguyện của Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu, Tổ sư Minh Đăng Quang đã trích dịch 35 câu cho các Sa-di tập sự học, phân thành 37 câu, đặt tên cho những bài kệ không có tên, gọi tên là Những câu chú nguyện mẫu. Ngài đã không dịch riêng những câu chú nguyện thành một tập sách, diễn giải tỉ mỉ, cho đến cũng không viết riêng thành một bài. Khi vừa hết phần oai nghi, Tổ sư đã tiếp luôn: “Và Sa-di cần phải học thuộc lòng những bài kệ, để chú nguyện trong tâm mỗi lúc khi có gặp việc ấy. Xem như những câu chú nguyện chỉ là một phần của Bài Học Sa-di. Theo gương Tổ sư, ở đây chỉ chú giải thêm những điều cần thiết cho mọi người hiểu rõ hơn.
 
Từ 37 câu chú nguyện mẫu, các tập sự Sa-di sẽ phát nguyện tương tự trong mỗi hoàn cảnh. Do phát nguyện đúng đạo lý, các tập sự Sa-di sẽ kềm giữ được tâm bất thiện, phát triển đạo tâm, kiên trì đạo hạnh, tăng cường đạo lực và thành tựu đạo quả. Khi cầu cho chúng sanh tức là các Sa-di mở lòng rộng lớn, vượt ra khỏi sự ích kỷ hẹp hòi của bản ngã. Do nơi việc đang xảy ra mà liên tưởng đến các đạo lý, tức là thường niệm giác, niệm chánh, niệm tịnh, cũng là thường niệm Phật, Pháp và Tăng vậy.
Câu “Đương nguyện chúng sanh” có nghĩa là “Nên nguyện cho chúng sanh”, nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang đã dịch thành câu “Cầu cho chúng sanh” để cho chủ động hơn. Quả thật chú nguyện là việc của mỗi Sa-di, tự giác, chủ động, tinh tấn vượt lên, không do ai ép phải tu như thế cả!
 
Trở lại hình thức ban đầu của những câu chú nguyện, Tổ sư Minh Đăng Quang đã cắt bỏ tất cả các mật ngữ. Bởi nghĩa của chú nguyện là chú tâm cầu nguyện. Do nơi sự chú tâm và sự cầu nguyện chân thành, hàng Sa-di sẽ phát huy được tâm lực, vận dụng được trí tuệ tự nhiên và sống tốt đẹp. Nguyên lý của pháp môn tu này là như vậy. Những tính chất bí mật, thần diệu mà có là ở nơi tâm người thực hành, chứ không phải ở nơi văn tự. Như với người Ấn Độ, các câu tiếng Phạn đều rõ nghĩa, vì đây là tiếng mẹ đẻ của họ.
 
Đưa pháp tu này về lại đúng vị trí của nó, Tổ sư khẳng định: “Đây là những câu chú nguyện mẫu, chớ đúng thật, mỗi người phải tự đặt ra câu chú nguyện cho thuận hạp theo duyên, mỗi việc. Có như thế mới kềm giữ tâm đạo của Sa-di và phát tâm chánh đẳng chánh giác, thực hành tinh tấn được vậy”. Theo tinh thần này, bên Ni giới Khất Sĩ cũng có thêm những bài kệ chú nguyện như:
Rửa Miệng
Nước trong rửa miệng
Cầu cho chúng sanh
Tâm trần tẩy sạch
Chẳng nhiễm lợi danh.
 
Uống Nước
Tay bưng nước uống
Cầu cho chúng sanh
Đạo mầu được nếm
Mát mẻ tâm lành.
 
37 câu chú nguyện mẫu đều bắt đầu bằng một chữ Như. Chữ Như không phải là mật ngữ. Như vốn là một từ dùng để so sánh. Nhà Phật dùng từ Như để gợi ý cái đó, thường trụ, vô sanh, bất diệt. Như là gì? Như là Như, chẳng là gì cả, xưa nay thường vậy, tự nhiên là vậy. Hãy dùng tâm Như mà cầu nguyện cho chúng sanh muôn loại thường được những lợi ích cao thượng nhất. Phải làm như thế mới thật sự phát tâm chánh đẳng chánh giác. Cho nên một chữ Như Tổ sư đặt vô đầu mỗi bài kệ đã nâng giá trị bài kệ lên mức liễu nghĩa hoàn hảo, hợp với Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
Như, hỏi như là gì
Cầu cho chúng sanh
Đừng vọng tâm chi
Như là vậy đó
 
Như, viết bài vừa xong
Cầu cho chúng sanh
Siêng năng học hành
Suốt thông giáo pháp.
 
2. Tham khảo
- Bài Chơn Ngôn Lạy Khắp là bài  Quán Tưởng:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
 
- Bài Lễ Phật là bài kệ của vị tiên nhân tiền thân Phật Thích-ca tán thán đức Phật Phất-sa. Do công đức nhất tâm chiêm ngưỡng suốt 7 ngày 7 đêm và tán thán Phật Phất-Sa, đức Thích-ca đã được thành Phật sớm 9 kiếp. Về sau, ngài Xá-lợi-phất cũng dùng bài kệ này để tán dương đức Phật Thích-ca:
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thập phương thế giới diệc vô tỷ
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.
 
- Bài Khen Phật là bài Tán Phật:
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhân chi đạo sư
Tứ sanh chi từ phụ
Ư nhất niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhược tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
 
Ba bài này và một số bài khác không có xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tịnh Hạnh thứ 11. Ngoài ra có một số từ ngữ cần giải thích như:
Trí tất cả là Nhất thiết trí hay Nhất thiết chủng trí, là trí biết tất cả mọi sự vật mà không nhọc công nghiên cứu tỉ mỉ như các nhà khoa học.
Ni-sư-đàn là loại tấm lót nằm của các vị khất sĩ, cũng dùng làm tấm tọa cụ để lót ngồi.
 
Như Lai là bậc chơn như đến, là đức Phật.
Thấy tất cả Phật: muốn thấy được vậy thì phải làm theo bài kệ này của Kinh Hoa Nghiêm:
Nếu người muốn biết rõ (Nhược nhân dục liễu tri)
Tất cả Phật ba đời (Tam thế nhứt thiết Phật)
Nên quán tánh pháp giới (Ưng quán pháp giới tánh)
Hết thảy do tâm tạo. (Nhứt thiết duy tâm tạo).
 
Bốn loại chúng sanh: các loại sanh từ thai, từ trứng, từ chỗ ẩm thấp và loại do biến hóa sanh ra.
Cha lành của bốn loại: đức Phật là bậc Từ phụ của tất cả chúng sanh.
Nghiệp ba kỳ (tam kỳ nghiệp): A-tăng kỳ nghĩa là vô số, là từ chỉ con số gồm số 1 và 47 số 0 ở sau. Ba A-tăng-kỳ gồm kiếp A-tăng-kỳ, sinh A-tăng-kỳ và diệu hạnh A-tăng-kỳ, gọi tắt là 3 kỳ, là thời gian cần thiết để một người tu thành Phật! Người nào thường quy y Phật sẽ mau diệt được vô lượng nghiệp chướng.
 
Ba vòng trống vắng (tam luân không tịch) là người cúng dường, người nhận và phẩm vật hỷ cúng đều Không; người cúng không cầu, người nhận không nguyện, cũng không có tâm lượng so đo vật cúng thì phước báu vô lượng sanh ra. Điều này, Kinh Kim Cương dạy là: “Bố thí bất trụ tướng, kỳ phước đức bất khả tư lường!” Đây cũng chính là sự thí rốt ráo trong bài Chịu Của.
Năng là kẻ chủ động, năng lễ là người lạy. Sở là đối tượng, sở lễ là đức Phật.
Đế châu là chỉ ngọc như ý của vua Chuyển luân, có khả năng chữa bệnh, chiếu sáng, trị lửa, dứt đói khát, hóa mọi vật chủ muốn… Ngọc như ý tuy vô cùng quý nhưng cũng là báo ứng của vua Chuyển luân, có rồi phải mất. “Ta đến đạo tràng như ngọc tốt, Mười phương chư Phật bóng bày trong, Thân ta bóng bày trước chư Phật, Đầu mặt nối chân tin trở lại. Là nói đến sự nhận ra được viên bảo châu chân thật, nhập vào pháp giới bất tư nghì của chư Phật, bởi do giác ngộ tánh lạy.
Cam lộ là sương ngọt. Cam lộ cõi trời là loại thức ăn quý của chư thiên, dùng rồi sẽ được khỏe khoắn và sống lâu.
 
Tòa Bồ-đề là tòa giác ngộ, chỉ cho các quả vị của Phật giáo.
 
Biển trí Phật là trí tuệ Phật rộng sâu vô cùng vô tận. Chữ biển ở đây có nghĩa là rất lớn.
Pháp vô tướng là thật tướng của các pháp. Có câu: “Thật tướng vô tướng, vô tướng bất tướng, cố danh thật tướng”. Đạo lý siêu tuyệt của câu kinh này là: Tướng thật của vạn pháp là tướng Vô, tướng Vô chẳng có tướng trạng gì nên mới gọi là thật tướng. Phàm cái gì có tướng trạng đều là giả dối. Chơn như ở ngoài chỗ nhận biết đối đãi của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chơn như không thể mong cầu, không cần tu sửa thêm gì hết, chỉ do giác ngộ mà được.
 
Quanh mé hữu là đi theo chiều kim đồng hồ quay. Đây là chiều thuận theo hướng quay của các hành tinh.
 
- Bài Súc Miệng cần sửa chữ cúng thành cùng, bởi nó được dịch từ chữ đồng:
Như, súc miệng sạch luôn lòng
Ngậm nước thơm trăm bông
Ba nghiệp hằng trong sạch (Tam nghiệp hằng thanh tịnh. Cùng Phật qua Tây phương. Đồng Phật vãng Tây phương)
 
- Bài Uống Nước có một đạo lý cần làm sáng tỏ. Đó là nếu không niệm chú thì như ăn thịt chúng sanh, còn khi niệm chú rồi thì tám muôn bốn ngàn trùng uống hết vô bụng sẽ được siêu thoát hết chăng? Bài kệ này có đạo lý gì?
Như, Phật xem một bát nước
Tám muôn bốn ngàn trùng,
Nếu không niệm chú này
Như ăn thịt chúng sanh.
 
Không ăn thịt làm hại mạng chúng sanh là điều rất đúng theo tinh thần Phật giáo và điều này các Phật tử có thể làm được. Nhưng nếu bảo Phật tử phải kỹ đến mức nước giếng, nước suối… cũng không uống thì làm sao sống được? Trong cuộc sống hằng ngày, khi uống một ly nước sạch để giải khát thường không ai nghĩ rằng mình đang ăn một sinh mạng nào cả. Do không có tâm và hành động giết hại  thì đâu có tội tạo ra. Đạo lý của bài kệ Uống Nước có lẽ là: một bát nước có vô số trùng, cũng như thân thể con người vậy, có gì riêng đâu. Thân là giả, thân này không phải là Ta, đang uống nước đó không phải là Ta, chỉ là các pháp vận hành theo duyên của chúng… Bài kệ trên đưa ra một nhận xét “Không niệm chú thì như ăn thịt chúng sanh” là gợi ý chúng ta phải xem lại “chú này” là gì trong hai câu đơn giản ở đầu bài kệ, từ đó ý thức về chúng sanh giới, thật vô cùng vô tận, không sai biệt với tâm và Phật! (Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt).
 
IV. VÀI LỜI KẾT
Sau đây là vài lời tóm tắt về những phần đã tìm hiểu:
Sa-di là lớp mầm non của Phật giáo, là những thế hệ kế thừa sự nghiệp của Phật giáo. Nên công tác đào tạo Sa-di là một Phật sự quan trọng và thường xuyên của Giáo hội Phật giáo. Để nung đúc, rèn luyện giới hạnh cho Sa-di, bộ Luật Nghi Khất Sĩ đã có trình bày những phần mà hàng Sa-di cần phải học. Trong đó, Bài Học Sa-di là một chương. Bài Học Sa-di gồm 14 bài oai nghi Sa-di và 37 câu chú nguyện mẫu cần phải học của các Sa-di tập sự. Trong Bài Học Sa-di, Môn oai nghi Sa-di đã lược nêu những cách hành xử phải đạo cho những người tập xuất gia tu Phật. Người xuất gia ai cũng đều có những hạnh xuất gia giải thoát và những hạnh đối nhân xử thế cần phải học. Đây là hai phần ý nghĩa của Môn oai nghi Sa-di. Khi học môn này, ta cần nắm vững những nội dung chính và những ý thức căn bản, lại cần phải hiểu đạo lý của oai nghi, từ đó linh hoạt áp dụng môn học này vào những hoàn cảnh sống khác nhau. Còn 37 câu chú nguyện mẫu là những gợi ý cho Sa-di tập phát tâm Bồ-đề trong mọi lúc. Quả Niết-bàn vốn được hình thành từ chính những tâm Bồ-đề này vậy.
 
Khi đi xuất gia, người ta chưa cần làm Bồ-tát hay làm thiền sư gì, mà trước hết chỉ cần làm một Sa-di như pháp. Oai nghi Sa-di là học theo khuôn mẫu thân tướng của chư Phật, chư Thánh, xuất phát từ những nhu cầu thật tế của cuộc sống. Oai nghi Sa-di hiển hiện nơi lục căn thanh tịnh, phân tích ra là bảy nghiệp của thân khẩu và theo nguyên lý “Hữu ư trung tắc hình ư ngoại”; bởi có ở trong tâm nên thành hình tướng ở bên ngoài. Như có người cho rằng tư tưởng Đại thừa là không chấp nên không cần học oai nghi Sa-di, thì quan niệm này thật sai lầm. Đã không chấp mà lại chấp cái không chấp thì kẹt lắm, có khác gì ông ngoại đạo Phạm chí Trường Trảo ngày xưa! Thực ra, không chấp phải nói cho đầy đủ là tu mà không chấp, chớ chẳng phải không có tu. Hàng Bồ-tát thường hành lục độ vạn hạnh nhưng tâm thường không trụ bốn tướng, nên lục độ của các ngài đạt đến mức Ba-la-mật, vạn hạnh của các ngài đạt đến mức viên mãn, thể hiện tâm đức vô ngã hoàn toàn. Nếu ai nói rằng hàng Bồ-tát không trì giới thì người này mang tội phỉ báng Phật pháp, chắc rằng phải đọa địa ngục. Tự cuộc sống sẽ cho ta biết cần phải giữ giới hay không, nào phải tranh luận gì?
 
Ngày nay, cũng có một số Tăng, Ni không giữ được các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Có những vị xuất gia đã bất cần, xem thường những cảm nhận của hàng Phật tử. Lại có những vị đi quá trớn trong mối quan hệ thầy trò, khiến cho nhiều Phật tử không thấy được hình ảnh xuất gia cao đẹp nơi vị ấy nữa. Cả hai trường hợp đều không phải cách của người xuất gia tu Phật. Đồng thời, cũng có những người tu hành vì quá xem trọng hình thức mà trở nên lề mề, y như ông cụ non. Người như thế này ở ngoài đời cũng khó mà sống được với mọi người. Lại cũng có những tu sĩ trẻ đi, đứng, nằm, ngồi phóng túng, hành xử trái oai nghi, mang lại những hậu qua rất đáng tiếc cho cuộc đời tu hành của những vị ấy. Nói chung là thời nào cũng có những chuyện thái quá bất cập tương tự, chính vì vậy mà mới có chuyện tu sửa, rèn luyện.
 
Trong sự tu hành, người đã thành tựu thì đâu cần ai lo, người chưa thành tựu thì lại gia nhập Giáo hội làm Tăng tu tiếp. Dòng đời cứ biến chuyển, có nhiều việc cứ phát sinh. Ví như ngày nay khi đi xe đò, không nên ngã lưng ghế bằng hoặc thấp hơn ghế kế bên, nhất là khi người ngồi kế bên là phụ nữ. Hay khi lái xe hai bánh không nên lạng lách. Không nên dắt xe ra, leo lên ngồi rồi gật đầu chào thầy và xin phép đi đâu. Khi nghe điện thoại, câu “A-lô” đầu tiên nên thay bằng một câu niệm Phật, vì như thế sẽ ngầm nhắc nhở người đang đối thoại với nhà sư nên giữ ý tứ. Khi tập quyền dưỡng sinh không nên mặc quần áo ngắn như người đời. Khi đi xe buýt có ai nhường ghế cho thì nên nhã nhặn cám ơn, đừng nên quên cám ơn, cũng đừng nói “Chứng minh công đức…” gì hết. Những việc thế này đều do nắm vững đạo lý của Môn oai nghi mà tùy nghi hành xử vậy.
Bài viết này được hình thành trong quá trình tác giả hướng dẫn cho các Sa-di tại tịnh xá Ngọc Thiền - Đà Lạt dưới sự chúng minh của đức thầy Giác Ngộ. Nhưng với một mục đích lớn và lâu dài hơn, thì chính những bài viết thế này sẽ góp phần nâng cấp bộ Luật Nghi Khất Sĩ, khiến nó trở thành một bộ quảng luật, đồng đẳng với 6 bộ quảng luật Phật giáo khác trên thế giới; giúp kiện toàn Giáo pháp Khất Sĩ, mang lại thọ mạng trường cửu cho dòng đạo này. Rất mong thay chư khất sĩ sẽ quan tâm tham gia đóng góp cho Phật sự cao cả này!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.28/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment