Friday 16 November 2012

Phân tích giới tướng Tỳ-kheo ni.  
       
 
Chỉ mục bài viết
Phân tích giới tướng Tỳ-kheo ni
Phần 2- Tăng tàn
Tất cả các trang
PHÂN TÍCH GIỚI TƯỚNG TỲ KHEO NI.
Chương 1
BA-LA-DI (PÀRÀJIKÀ)
Ba-la-di: Pali là Pàràjikà Trung Hoa dịch là ba-la-thị-ca, có 8 nghĩa:
1. Khí: Tỳ-kheo-ni phạm giới này rồi bỏ ngoài biển Phật pháp, đuổi ra khỏi hàng tăng thanh tịnh, không cho chung thuyết giới, yết-ma, mất hết tư cách của tỳ-kheo-ni.
2. Tha-thắng: Bị ma quân phiền não thắng.
3. Vô-dư: Không còn phương pháp nào để cứu vãn được.
4. Cực-ác: Không còn ác nào hơn đây.
5. Đọan-đầu: Như người bị chặt đầu.
6. Đọa-phụ-xứ: Rơi vào chỗ không vừa ý, tức tam đồ.
7. Bất-cộng-trụ: Không được sống chung với tăng thanh tịnh.
8. Thối-một: Mất hết phần đạo quả của niết-bàn, như lá vàng rời cành rơi xuống đất.
Pháp này thuộc tánh tội, lại nữa ba-la-di với nhiều ý nghĩa như trên nên tỳ-kheo-ni phạm ba-la-di không có pháp sám hối. Tỳ-kheo-ni phạm phải những điều giới này thật tâm ăn năn, phải sám hối suốt đời nhưng không thể phục hồi phẩm chất tỳ-kheo-ni như cũ, không thể đạt được thánh quả trong đời này, nhưng có thể chuyển được khổ báo nơi địa ngục thành quả báo nhẹ trong hiện tại. Nếu như không sám hối sẽ chịu cảnh đọa nơi địa ngục Diễm-nhiệt, gồm tám điều giới.
I. PHÂN TÍCH ĐIỀU GIỚI
ĐIỀU GIỚI 1: Dâm dục
Nếu tỳ-kheo-ni làm việc dâm dục, phạm hạnh bất tịnh cho đến cùng với loài súc sanh, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Vào năm thứ mười hai sau khi đức Phật thành đạo, sau ba tháng an cư tại thôn Tỳ-lan-nhã, đức Thế Tôn cùng với các tỳ-kheo du hóa đến thôn Ca-lan-đà. Đây chính là quê hương của tỳ-kheo Tu-đề-na, ngài là con của trưởng thôn Ca-lan-đà vì lòng tín kính Tam bảo nên xuất gia làm tỳ-kheo. Nhân lúc mất mùa, việc khất thực của các tỳ-kheo gặp khó khăn nên Tu-đề-na nghĩ mình nên hướng dẫn các tỳ-kheo về quê hương để các tỳ-kheo được đầy đủ vật thực mà tịnh tu phạm hạnh và nhân dịp này để dòng họ mình cúng dường tạo phước. Nghĩ thế rồi Tu-đề-na hướng dẫn các tỳ-kheo về thôn mình khất thực.
Biết được con mình về làng, mẹ của Tu-đề-na liền đến khuyên bảo đủ điều, khuyến dụ hoàn tục, nhưng Tu-đề-na một lòng từ chối. Bà trở về nói với nàng dâu khi nào đến thời kỳ kinh nguyệt con hãy cho mẹ biết. Đến ngày nguyệt kỳ vợ Tu-đề-na đến báo cho mẹ chồng, bà dặn cô dâu trang điểm những gì trước đây chồng con thích nhất rồi dẫn đến chỗ Tu-đề-na. Đến nơi bà bảo Tu-đề-na: “Nay đã đến lúc con nên bỏ đạo về đời, vợ con như vầy không thể để sống cô đơn và cha con đã chết rồi gia sản sẽ bị thu vào cửa quan vì không có người thừa kế”. Tu-đề-na một mực từ chối. Sau ba lần khuyên dụ không được bà bảo: “Hôm nay hoa thuỷ của vợ con đã xuất, nếu con không trở về thì nên lưu lại đứa con để nối dõi dòng họ tổ tông”. Tu-đề-na thưa: “Nếu như vậy thì con làm được”. Thế rồi Tu-đề-na cùng với người vợ dẫn vào chỗ khuất ba lần làm việc bất tịnh.
Từ khi làm việc bất tịnh rồi, Tu-đề-na thường ưu sầu, lo nghĩ, bất an. Các tỳ-kheo đồng phạm hạnh thăm hỏi, Tu-đề-na trình bày sự việc. Các tỳ-kheo phạm hạnh chê trách và bạch lên Phật. Đức Phật cho mời tất cả các tỳ-kheo lại và hỏi Tu-đề-na có làm việc bất tịnh như thế hay không? Tu-đề-na trình bày sự việc, đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách Tu-đề-na và chế ra điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Sau đó có tỳ-kheo Bạt-xà-tử ưu sầu chán đời sống phạm hạnh, một hôm trở về nhà cùng với người vợ cũ làm việc bất tịnh. Sau đó lo lắng không biết việc đó có phạm giới hay không nên đến thưa cùng các tỳ-kheo phạm hạnh. Chư tỳ-kheo trình việc này lên đức Phật. Đức Phật bổ túc thêm: “Chưa xả giới, giới sút kém nhưng không phát lồ”.
Có một tỳ-kheo sống trong rừng, thường ngày khất thực về thọ trai xong, còn thức ăn thừa tỳ-kheo cho con vượn cái ăn, dần dần tỳ-kheo hành dâm với con vượn cái đó. Chư tỳ-kheo biết được việc này bạch lên Phật, nhân đây Phật bổ túc thêm: “Cho đến cùng với súc sanh”.
Nếu tìm hiểu chi tiết, thì ngoài 3 nhân duyên trên, còn có mười bốn duyên khác Phật chế giới:
1- Na-Đề bị thiên ma phá, hành dâm với tử thi ngựa cái.
2- Tỳ-kheo khất thực vì yêu cầu của nữ nhơn để vào phi đạo.
3- Tỳ-kheo khất thực hành dâm cùng một nam tử.
4- Tỳ-kheo cùng một hoàng môn.
5- Tỳ-kheo khỏa hình, nữ nhơn lộ hình.
6- Tỳ-kheo lộ hình, nữ nhơn khỏa hình.
7- Tỳ-kheo trường căn tự để nam căn vào đại tiện.
8- Tỳ-kheo nhược yêu, tự đưa nam căn vào miệng.
9- Tỳ-kheo cùng dâm nữ hành dâm lưu xuất vật bất tịnh ra bên ngoài.
10-Tỳ-kheo hành dâm với một nữ căn bị vua cắt vất bỏ bên đường.
11-Đồng tử Ưu-đà-di con vua A-xà-thế nơi dương vật sanh trùng ngứa dùng miệng ngậm.
12-Tỳ-kheo với một nữ nhơn tà dâm bị vua chặt tay chân vất bỏ nơi gò mã.
13-Tỳ-kheo với một nữ nhơn điên cuồng trong rừng Khai-nhãn.
14-Tỳ-kheo với thây chết của vợ một cư sĩ bỏ trong rừng đêm mưa.
Ngoài ra, còn các trường hợp liên quan đến giới dâm nhưng đức Phật không kết tội:
- Tỳ-kheo ngủ không đóng cửa, nam căn khởi lên, bị dâm nữ cưỡng bức.
- Tỳ-kheo bệnh ghẻ, nam căn khởi lên, bị người chăn bò cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Liên-hoa-sắc ngủ ban ngày không đóng cửa, bị một nam tử cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Nan-đà ngủ dưới gốc cây bị một nam tử cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Kim-sắc-nữ chứng quả A-la-hán bị vương tử cưỡng bức.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ 5 dữ kiện:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Cố ý, nghĩa là có ý hành dâm.
+ Đối tượng là người, phi nhân hoặc súc sanh.
+ Vào một trong ba đường là đại tiện, tiểu tiện và miệng.
+ Xúc cảm, thọ lạc một trong ba giai đoạn là nhập, trụ và xuất.
Thâu-lan-giá, không hội đủ yếu tố ba-la-di
+ Sử dụng các dụng cụ khác để làm việc dâm.
+ Dạy người khác làm, họ làm theo.
Đột-kiết-la
Bảo người khác làm mà họ không làm theo.
KHÔNG PHẠM
+ Trước khi Phật chế giới.
+ Bị cưỡng bức nhưng tâm không thọ lạc.
+ Người cuồng si, mất trí, ngủ say.
ĐIỀU GIỚI 2: Trộm cướp
Nếu tỳ-kheo-ni ở chỗ đông đảo, hoặc chỗ vắng vẻ, của người không cho mà cố lòng trộm lấy, theo pháp luật định, hoặc là vua, quan bắt được hoặc giết, hoặc giam, hoặc đuổi ra khỏi nước, hay mắng là trộm cướp, là ngu si không biết chi, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật du hoá tại thành La-duyệt, thời gian này tỳ-kheo Đàn-ni-ca dối gạt người giữ cây của vua Bình-sa, lấy gỗ cất thất. đại thần tấu trình sự việc lên vua, vua vì tôn kính các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni nên không nỡ giết, bèn quở trách rồi thả về. Các tỳ-kheo bạch lên Phật, Phật hỏi tỳ-kheo Ca-lâu phép nhà vua trộm bao nhiêu tiền thì bị xử tử. Tỳ-kheo Ca-lâu thưa: “Lấy năm tiền hoặc trị giá vật đủ năm tiền thì bị xử tử”. Đức Phật liền y theo pháp vua mà chế giới cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni. Trộm đủ năm tiền phạm tội ba-la-di.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có tâm trộm cắp.
+ Vật có chủ.
+ Vật trị giá năm tiền trở lên.
+ Tự mình lấy hoặc sai bảo người lấy về mình
+ Vật dời khỏi chỗ cũ.
Thâu-lan-giá
Chưa hội đủ sáu điều kiện của ba-la-di
Đột-kiết-la
+ Muốn trộm vật năm tiền, nhưng chưa chạm đến.
+ Muốn trộm vật dưới năm tiền, tay đã sờ nhưng chưa dời chỗ.
KHÔNG PHẠM
+ Tưởng vật người cho.
+ Tưởng là của mình.
+ Tưởng là vật người vất bỏ.
+ Với ý định lấy tạm dùng.
+ Với ý tưởng là của người thân.
+ Lấy vật trước khi Phật chế giới.
+ Người điên cuồng tâm loạn.
ĐIỀU GIỚI 3: Giới giết người
Nếu tỳ-kheo-ni tự tay mình cố giết mạng người, hoặc cầm dao trao cho người, khen ngợi chết, khuyên nhủ chết, mà nói rằng: “Này em xấu hổ như vậy, sống làm chi, thà chết còn hơn”. Khởi tâm nghĩ nhiều chước khéo, khen ngợi chết, khuyên nhủ chết như vậy, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn du hoá trong nước Tỳ-xá-ly, tại giảng đường bên sông Di-hầu, Ngài nói pháp bất tịnh cho chúng tỳ-kheo. Sau đó, các tỳ-kheo tu tập theo pháp quán bất tịnh và thấy rõ thân xác đáng ghê tởm, lòng ưu sầu bi quan, cầm dao tự sát, khen ngợi cổ vũ sự chết. Trong khi ấy có tỳ-kheo Vật-lực-già-nan-đề tay cầm dao bén vào trong vườn Bà-cầu. Một tỳ-kheo nói với Vật-lực rằng: “Đây y bát tôi cho ông, ông hãy cắt đứt mạng sống của tôi đi”. Nan-đề giết vị đó. Giết xong ông ta đến bờ sông rửa dao lòng đầy hối hận. Bấy giờ thiên ma xuất hiện khen ngợi sự giết của Nan-đề: “Tốt lắm, ông đã độ được cho người không thể tự độ”. Với lời ca tụng của thiên ma, Nan-đề vào lại trong vườn tiếp tục giết. A-nan đem việc này bạch Phật, nhân đây Phật chế điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có tâm sát.
+ Đối tượng là người và thai người.
+ Giết đúng đối tượng không nhầm lẫn.
+ Tiến hành giết bằng phương tiện, thân và khẩu.
+ Khiến cho đoạn mạng.
Thâu-lan-giá, không hội đủ các đều kiện ba-la-di.
+ Đối tượng không phải người, loài biến hóa người.
+ Thật loài người, nhưng tưởng không phải là người.
+ Giết không đúng đối tượng muốn giết.
+ Gây thương tích trên đối tượng mà không chết.
Đột-kết-la
+ Giết tám bộ quỷ thần, súc sanh biến hóa nhưng không chết.
+ Tự chặt một ngón tay.
KHÔNG PHẠM
+ Trước Phật chế giới.
+ Ngọ sát, không có tâm sát hại.
+ Cuồng si tâm loạn.
ĐIỀU GIỚI 4: Nói dối nghiêm trọng
Nếu tỳ-kheo-ni thiệt không biết chi mà xưng rằng: “Tôi đặng phép hơn người, tôi đã chứng nhập pháp cao của bậc thánh trí, tôi biết việc ấy, tôi thấy việc ấy”. Vị này đến khi khác hoặc có người hỏi, hoặc không ai hỏi, vì muốn cho mình thanh tịnh nên nói như vầy: “Tôi thật sự không biết, không thấy mà nói là biết, nói thấy”. Đó là lời dối gạt, không thiệt như thế tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung. Trừ bậc tăng thượng mạn.
DUYÊN KHỞI
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đi hoá độ chúng sanh ở nước Tỳ-xá-ly, nơi giảng đường bên bờ sông Di-hầu. Gặp lúc mất mùa việc khất thực khó được, các tỳ-kheo bên bờ sông Bà-cầu đến nhà cư sĩ cùng tán thán nhau rằng: “Các tỳ-kheo đều chứng đắc pháp thượng nhân”. Hàng cư sĩ đem vật thực cúng dường đầy đủ lên các tỳ-kheo. Phật biết được liền quở trách và chế điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Lại có một tỳ-kheo tu tập chỉ quán, hàng phục được các phiền não rồi nói với mọi người rằng: “Tôi đắc đạo”. Sau đó du hành trong nhân gian, không chế ngự được các căn, phiền não khởi lên tự biết xấu hổ mà tinh tấn tu tập chứng đắc quả a-la-hán. Nghĩ lại lời nói trước, sợ phạm giới nên bạch Phật. Phật nói không phạm và chế thêm trừ “tăng thượng mạn”.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ bảy yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là loài người.
+ Nội dung là nói pháp thượng nhân.
+ Biết rõ đó là pháp thượng nhân.
+ Cố ý nói dối với tâm tham cầu lợi dưỡng.
+ Đã nói thành lời, đối tượng hiểu được nội dung.
Thâu-lan-giá, các yếu tố ba-la-di không trọn vẹn
+ Đối tượng là tám bộ quỷ thần, súc sanh biến hình, chúng có nghe và hiểu được lời nói.
+ Đối tượng là người tưởng chẳng phải người.
+ Chỗ có người tưởng là không người.
+ Người khác nghe nhưng chẳng hiểu lời nói.
+ Nói tôi không còn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
+ Vì lợi dưỡng, trước mọi người giả trang thiền tướng chứng tỏ mình chứng ngộ.
Đột-kiết-la
+ Đối tượng không phải là người, có nghe nhưng chẳng hiểu.
+ Đối tượng nghi ngờ là người, có nghe nhưng chẳng hiểu.
+ Tỳ-kheo-ni được pháp thượng nhân mà nói với tỳ-kheo-ni không đồng chí hướng.
KHÔNG PHẠM
Bậc tăng thượng mạn, nói giỡn chơi, cuồng si, mất trí, nói chỗ khuất, nói một mình, nói trong chiêm bao, Phật chưa chế giới.
ĐIỀU GIỚI 5: Xúc chạm
Nếu tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cùng với người nam có tâm nhiễm ô, kề cọ trên từ nách xuống, dưới từ đầu gối trở lên hoặc nhận, hoặc rờ, hoặc lôi, hoặc kéo, hoặc rờ trên, rờ dưới, hoặc nâng lên, để xuống, hoặc nắm, hoặc bóp chặt, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Khi Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, có vị trưởng giả tên Đại-thiện Lộc-lạc dáng vẻ đẹp người và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nhan sắc mỹ lệ, hai bên có tình cảm luyến ái với nhau. Một hôm, trưởng giả sắm sửa thực phẩm thết đãi ni chúng, người thức suốt đêm sắm sửa các thức ăn uống, sáng sớm đến chùa mời chư ni về nhà thọ trai. Thâu-la-nan-đà biết trưởng giả vì mình mà cúng dường nên giả bệnh ở lại chùa. Trưởng giả biết Thâu-la-nan-đà không đến bèn vội sang chùa, từ xa trông thấy, Thâu-la-nan-đà liền lên giường nằm. Trưởng giả đến thăm hỏi rồi lên giường ôm ấp, vuốt ve…
Bấy giờ, có sa-di-ni nhỏ ở chùa trông thấy việc ấy nên chư ni thọ trai về sa-di-ni kể lại sự việc. Các tỳ-kheo-ni biết được việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà. Sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ bảy yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là người nam.
+ Tưởng là người nam.
+ Cả hai bên đều có tâm nhớp bẩn.
+ Từ nách trở xuống, từ đầu gối trở lên.
+ Hai thân ôm ấp, tiếp xúc nhau.
+ Cảm nhận sự vui sướng
Thâu-lan-giá
+ Nhiễm tâm xúc chạm thân người nữ, huỳnh môn, hoặc người nam tưởng là nữ, loài quỷ nam, súc sanh đực.
+ Bị người xúc chạm, khởi tâm nhiễm ô.
+ Xúc chạm vào thân cha, con, anh em có tâm cảm thọ khoái lạc.
Đột-kiết-la
+ Xúc chạm thân người nam, không có nhiễm tâm.
+ Xúc chạm thân người nam đã chết có nhiễm tâm.
+ Với nhiễm tâm xúc chạm vào y bát, y phục người nam đang mặc.
KHÔNG PHẠM
+ Khi nhận hoặc trao đồ vật mà chạm nhau.
+ Cứu vớt, giúp đỡ người khi cần thiết mà không có nhiễm tâm.
+ Khi đi xe, hoặc nơi công cộng xúc chạm nhau mà không có nhiễm tâm.
ĐIỀU GIỚI 6: Đủ tám việc phạm tội nặng
Nếu tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, chịu cho phép nắm tay, nắm áo, vào chỗ vắng, cùng đi, đứng, nói chuyện, hoặc dựa kề, hoặc hẹn hò, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Khi Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, có vị trưởng giả tên Sa-lâu Lộc-lạc dáng vẻ đẹp trai và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nhan sắc tuyệt mỹ hai bên có tình cảm luyến ái với nhau. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có tâm dục để cho trưởng giả nắm tay, nắm y, cùng nhau vào chỗ khuất đứng chung nói chuyện, cùng đi chung, hai thân dựa kề, cùng nhau hẹn hò. Các tỳ-kheo-ni biết được việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là người nam.
+ Tưởng là người nam.
+ Cả hai bên đều có tâm nhớp bẩn.
+ Đã làm bảy việc chưa sám hối.
+ Làm đến việc thứ tám liền phạm.
Thâu-lan-giá
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nắm tay.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nắm y.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô cùng vào chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô đứng chung ở chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nói chuyện với nhau ở chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô đi chung ở chỗ khuất lấy đó làm vui.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô hai thân dựa kề với nhau.
Đột-kiết-la
+ Đối với trời, rồng, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sanh, loài biến hình mà làm bảy việc như trên thì mỗi việc phạm một đột-kiết-la.
+ Đối với súc sanh không biến hình được mà làm việc thứ tám thì phạm đột-kiết-la.
+ Đối với người nữ có tâm nhớp bẩn mà làm việc thứ tám thì phạm đột-kiết-la.
KHÔNG PHẠM
+ Khi nhận hoặc trao đồ vật mà chạm nhau.
+ Cứu vớt, giúp đỡ người khi cần thiết mà không có nhiễm tâm.
+ Khi bị người đánh, hoặc khi lễ bái, sám hối, thọ pháp.
+ Hẹn gặp ở những nơi không thể làm việc bậy được thì không phạm.
ĐIỀU GIỚI 7: Che dấu tội nặng của tỳ-kheo-ni khác
Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni kia phạm tội ba-la-di mà không tự phát lồ không nói với ai, không bạch với đại chúng. Thời gian khác, tỳ-kheo-ni kia hoặc chết, hoặc trong chúng cử tội, hoặc thôi tu, hoặc theo ngoại đạo lại nói rằng: “Trước tôi biết cô đó có tội như vậy”. Vì che giấu tội nặng cho bạn, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc. Lúc bấy giờ tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có người em gái xuất gia làm tỳ-kheo-ni Để-xá-nan-đà phạm pháp ba-la-di. Sau thời gian sống đời phạm hạnh Để-xá-nan-đà hoàn tục, các tỳ-kheo-ni hỏi Thâu-la-nan-đà có biết việc đó hay không? Thâu-la-nan-đà nói: “Em tôi làm việc đó cũng phải, vì trước đây nó phạm pháp ba-la-di như thế”. Các tỳ-kheo-ni nói nếu biết sao không nói cho các tỳ-kheo-ni biết. Thâu-la-nan-đà nói: “Tôi cũng định nói cho mọi người biết, nhưng nó là em tôi phạm pháp ba-la-di, tôi sợ mình cũng bị mang tiếng xấu theo nên không nói”. Các tỳ-kheo-ni nghe việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có người phạm trọng tội.
+ Biết người kia phạm trọng tội.
+ Có tâm che dấu.
+ Không phát lồ.
+ Để qua đêm.
Thâu-lan-giá
Can ngăn không cho các tỳ-kheo-ni nói tội ba-la-di lên đại chúng.
Đột-kiết-la
+ Che dấu tội tăng-tàn, hoặc ba-đạt-đề.
KHÔNG PHẠM
+ Trường hợp không biết.
+ Biết mà không có người để nói.
+ Biết nhưng chưa nói thì trời đã sáng.
+ Nếu nói thì sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng, đến phạm hạnh.
ĐIỀU GIỚI 8: Tùy thuận theo người bị nêu tội, chư tăng can ngăn ba lần không bỏ
Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni khác bị chúng tăng cử tội đúng như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo-ni ấy không thuận theo, không sám hối, chúng tăng chưa cho làm phép ở chung mà cô tỳ-kheo-ni lại thuận theo. Các tỳ-kheo-ni khác can rằng: “Thưa đại tỷ, tỳ-kheo-ni đó bị chúng tăng cử tội đúng như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà cô không tuân theo, không sám hối, chúng tăng chưa cho làm phép ở chung, đại tỷ chớ thuận theo”. Khi can như vậy, tỳ-kheo-ni ấy quyết không bỏ, các tỳ-kheo-ni phải can hai lần, ba lần để bỏ việc ấy. Nếu can hai lần, ba lần bỏ thì tốt, không bỏ thì tỳ-kheo-ni ấy mắc tội tùy cử, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật ngự trong vườn Thi-la, nước Câu-thiểm-di-cù. Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội ăn riêng chúng, vào xóm làng không đúng giờ, tăng làm pháp yết ma cử tội đúng như pháp mà Xiển-đà không chịu sám hối. Tăng chưa làm yết ma cho vị ấy cộng trú. tỳ-kheo-ni Ủy-thứ qua lại giúp đỡ tỳ-kheo Xiển-đà, các tỳ-kheo-ni can ngăn Ủy-thứ không nghe theo lại trả lời rằng: “Tỳ-kheo Xiển-đà là anh tôi, lúc này tôi không cúng dường đợi đến lúc nào mới cúng dường?” Các tỳ-kheo-ni nghe việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Ủy-thứ, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ xong bảo các tỳ-kheo-ni cho phép tăng bạch tứ yết-ma quở trách Ủy-thứ. Ni chúng hãy làm phép yết-ma quở trách:
“Đại tỷ tăng chú ý nghe cho! Tỳ-kheo-ni Ủy-thứ biết tỳ-kheo Xiển-đà bị tăng cử tội đúng pháp, đúng luật, như lời Phật dạy mà không thuận theo, không sám hối, tăng chưa cho cộng trú, mà cô ấy cứ thuận theo tỳ-kheo Xiển-đà. Các tỳ-kheo-ni can gián: “Tỳ-kheo Xiển-đà bị tăng cử tội đúng pháp, đúng luật, như lời Phật dạy mà không thuận theo, không sám hối, tăng chưa cho cộng trú, chị chớ theo vị ấy” nhưng tỳ-kheo-ni ấy vẫn cố theo. Nếu tăng đến đúng lúc, xin chú ý nghe cho! Nay tăng làm yết-ma quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy. Tác bạch như vậy.
“Đại tỷ tăng chú ý nghe cho! … (như trên) khiến bỏ việc ấy. Ai bằng lòng tăng quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. (3 lần)
Tăng đã bằng lòng quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy. Tăng bằng lòng vì im lặng, việc này tôi xin ghi nhận như vậy.
Bạch tứ yết-ma xong, đến bạch tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Phật bảo các tỳ-kheo: “Nếu có tỳ-kheo-ni thuận theo tỳ-kheo-ni đã bị tăng cử tội, thì tăng cũng bạch tứ yết-ma quở trách như vậy. Giới này kết như thế.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ tám yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Tỳ-kheo-ni bị tăng cử tội chưa làm phép yết-ma cộng trú.
+ Biết rõ.
+ Thuận theo.
+ Được can ngăn.
+ Không nghe theo.
+ Can ngăn đúng pháp.
+ Ba lần yết-ma xong.
Thâu-lan-giá
+ Yết-ma lần hai xong chịu bỏ phạm ba thâu-lan-giá.
+ Yết-ma lần một xong chịu bỏ phạm hai thâu-lan-giá.
Đột-kiết-la
+ Tác bạch xong mà bỏ phạm đột-kiết-la.
+ Thuận theo lúc chưa tác bạch cả hai phạm đột-kiết-la.
+ Tỳ-kheo-ni cúng dường vật dụng phạm đột-kiết-la.
KHÔNG PHẠM
+ Mới can ngăn đã bỏ.
+ Trước khi thực hành quở trách.
II. TRỊ PHẠT NGƯỜI PHẠM BA-LA-DI
Tỳ-kheo-ni phạm vào một trong tám giới này, xét có ba trường hợp:
1. Trường hợp phạm mà che giấu
Tỳ-kheo-ni phạm tội sau đó được tăng phát hiện và tỳ-kheo-ni ấy xác nhận tội trạng (nếu che giấu thì tăng sẽ làm pháp yết-ma ức-niệm để vị ấy nhớ lại tội phạm của mình). Sau khi vị ấy xác nhận tội trạng rồi, tăng tập hợp tác pháp yết-ma đuổi hẳn ra khỏi chúng. Hiện đời người này không được xuất gia làm tỳ-kheo-ni trở lại và khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục chịu khổ thiêu đốt. Khi tác pháp xong, vị thiền chủ mời vị đó vào an ủi, khuyến khích vị đó tìm nơi thanh vắng nổ lực tụng kinh, trì chú, lễ sám hối để tội chướng sớm tiêu dần.
2. Trường hợp phạm mà phát lồ ngay
Tỳ-kheo-ni phạm một trong tám pháp ba-la-di, muốn ở lại trong Phật pháp, không muốn rời pháp phục, không có tâm che giấu, mà thực tâm phát lồ sám hối. Liền đến trước đại Tăng thanh tịnh ba phen khất cầu pháp yết-ma trừ tội. Sau khi được đại tăng yết-ma trao giới ba-la-di được gọi là “tỳ-kheo-ni học giới”. Đương sự trọn đời phải tuân theo lời chỉ giáo của chúng Tăng, mỗi việc phải tùy thuận và thực hành ba mươi lăm pháp.
Do sự thiết tha phát lồ sám hối nên có công năng ngăn cản khỏi sa vào địa ngục, tuy nhiên hiện đời vẫn phải chịu sanh tử luân hồi, không chứng được tứ thánh quả, cũng không chứng được những pháp vô lậu. Mặc dù người này cùng với chúng tăng sống chung một chỗ, nhưng vẫn cách xa muôn dặm. Chỉ được dự vào hai phép yết-ma của tăng là bố-tát và tự-tứ, nhưng đối với yết-ma bố-tát thì chỉ với tinh thần dự thính. Khi ngồi phải ngồi dưới tỳ-kheo-ni nhỏ nhất và phải cẩn mật giữ gìn tám pháp này trọn đời không cho trái phạm.
3. Trường hợp tái phạm Ba-la-di
Khi được trao học pháp ba-la-di mà phạm lại một trong tám giới trên, tăng sẽ tác pháp yết-ma đuổi hẳn ra khỏi chúng. Suốt đời không được xuất gia trở lại, sau khi chết sẽ chịu cảnh thiêu đốt khổ sở nơi địa ngục.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.16/11/2012 ).

No comments:

Post a Comment