Wednesday 14 March 2012

1. Đối với người muốn xuất gia cần phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc xuất gia, có đầy đủ căn lành, nguyện hy sinh trọn đời vì mục đích giải thoát giác ngộ. Đối với các tiêu chuẩn qui định theo luật Phật và Nội quy Tăng Sự phải được kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc bởi Ban Tăng sự các Tỉnh, Thành hội và Ban Tăng sự Trung ương. Nếu thấy không đủ tiêu chuẩn phải cương quyết ngăn chặn.

2. Đối với bản thân Thầy Tế độ: Cũng phải hiểu rõ về bổn phận, trách nhiệm của mình. Việc nuôi độ đệ tử là vì tương lai của Phật pháp, chứ không vì cá nhân mình thu nhận cho nhiều đồ chúng mà không biết cách giáo dục thì sẽ trở thành tội nhân của Phật Pháp. Vì vậy trong Nội qui Tăng sự cần quy định tiêu chuẩn của Thầy Tế độ phải có đủ hai điều kiện là Giáo pháp và điều kiện nuôi dưỡng cũng như Hạ lạp từ 10 hạ trở lên và mỗi năm không được thế phát thụ giới cho 2 đệ tử xuất gia.

3. Đối với Giáo hội: Việc quản lý giáo dục Tăng Ni xuất gia, thụ giới cần phải xem xét một cách nghiêm túc ngay từ ban đầu. Những trường hợp xuất gia không chân chính phải được loại bỏ, Thầy Tế độ không có khả năng nuôi độ đệ tử cũng phải được ngăn chặn. Người có khả năng, đủ tiêu chuẩn muốn nuôi độ đệ tử phải được Giáo hội xem xét và cho phép.

- Việc tổ chức Đàn giới cần phải đặt dưới sự kiểm soát của Trung ương Giáo hội, đặc biệt là Ban Tăng sự Trung ương. Các giới tử phải được khảo hạch trước khi thụ giới về ý tưởng xuất gia, Uy nghi, Giới luật cũng như thời gian tu học. Ban Tăng sự Trung ương cần phải cử nhân sự giám sát và hướng dẫn việc tổ chức đàn giới cho các Tỉnh, Thành hội và chỉ cấp chứng điệp thụ giới cho Tăng Ni xuất gia hợp pháp có đủ điều kiện theo quy định của Luật Phật, Nội quy Tăng sự và Pháp luật hiện hành. Trước và sau khi thụ giới, giới tử phải theo học và hoàn tất chương trình về giới luật theo quy định của từng cấp độ giới pháp đã thụ, sau đó mới được cấp chứng điệp thụ giới chính thức của Trung ương Giáo hội.

- Về Giới luật Phật chế: Gần đây có xu hướng đề nghị tu chỉnh sửa đổi cho phù hợp với thời đại. Việc này là không thể được, vì những điều Phật chế định không riêng cho một nhóm cộng đồng Tăng Ni nào mà chế định cho toàn cõi Sa bà, nên không thể bãi bỏ. Nên chăng Giáo hội quy định thêm những điều khoản có liên hệ đến xã hội ngày nay một cách cụ thể trong Nội quy Tăng sự, để có cơ sở pháp lý điều chỉnh hành vi của Tăng Ni cho phù hợp với đời sống xuất gia.

- Đối với Tăng Ni và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội nếu không tuân thủ nghiêm túc các quy định trong việc xuất gia nuôi độ đệ tử và tổ chức đàn giới cần phải có những chế tài cụ thể.

II. Về quản lý Tăng Ni tại các Tự viện:

Việc quản lý Tăng Ni tại các cơ sở tự viện hiện nay chưa tốt là điều đáng quan tâm. Một trong những nhiệm vụ của Ban Tăng sự Trung ương là “Y cứ giới luật giám sát, hộ trì việc tu học của Tăng Ni, tự viện”, nhưng hiện nay việc này hầu như bỏ ngỏ, Tăng Ni tại các tự viện sinh hoạt tu tập thế nào các cấp Giáo hội không quản lý, giám sát được.

Chùa được coi là tài sản riêng của Trụ Trì, nên dẫn đến việc thu nhận đồ chúng một cách tùy tiện, trong sinh hoạt, tu tập của Tăng Ni thì ngày càng xa rời quy củ truyền thống, chạy theo văn minh vật chất thế tục, việc sử dụng các vật dụng như điện thoại di động, thư điện tử, internet.... là không thể kiểm soát được.

Một số Tăng Ni khi không được tiếp nhận ở trụ xứ này thì lại được trụ xứ khác tiếp nhận, hoặc cư trú ở nhà dân, khách sạn, nhà trọ v.v... Những bổn phận như An cư, Bố Tát, Tụng Kinh, Hành thiền không được thực hiện, thậm chí có những Tăng Ni sống chung với nhau trong cùng một tự viện v.v...

Qua đó Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây xin kiến nghị:

- Hàng năm Trung ương Giáo hội cần lấy một bộ Kinh luật nào đó làm chủ đề nghiên cứu, sinh hoạt học tập cho tất cả Tăng Ni tại các cơ sở tự viện trong cả nước.

- Hàng năm các cơ sở tự viện cần phải đăng ký với các cấp Giáo hội về chương trình sinh hoạt, tu học, bao gồm cả nội quy sinh hoạt của các cơ sở tự viện đối với Tăng Ni. Trên cơ sở đó các cấp Giáo hội kiểm tra giám sát và hướng dẫn sinh hoạt tu học tại các cơ sở tự viện .

- Đối với Tăng Ni nếu không thực hiện các nghĩa vụ như An cư, Bố tát và các thời khóa tu tập cần phải có chế tài xử lý nghiêm túc .

- Việc bổ nhiệm Tăng Ni trụ trì tại các cơ sở tự viện của Giáo hội phải hội đủ tiêu chuẩn làm thầy như Tỷ khiêu phân từ 10 Hạ lạp ( Ni 12 Hạ Lạp) trở lên, có trình độ Phật học từ TCPH và thế học từ THPT trở lên, đã trải qua khóa huấn luyện về trụ trì mới được xem xét bổ nhiệm. Trong quá trình trụ trì nếu không làm tốt được cương vị trụ trì cần phải được xử lý, nếu nghiêm trọng thì phải phế truất.

- Các cấp Giáo hội cần phải có một tu viện nơi tu học cho Tăng Ni trước khi cho đi trụ trì và hoạt động Phật sự. Nếu Tăng Ni nào khi đi trụ trì hoặc hoạt động Phật sự có sai phạm cần phải được triệu hồi về tu viện để sám hối và tu học tiếp tục, khi có sự tiến bộ sẽ tái sử dụng.

- Các cơ sở tự viện cần phải được qui định trong Hiến chương là tài sản của Giáo hội, vấn đề tài chính của các cơ sở tự viện cũng cần phải được Giáo hội các cấp quan tâm quản lý và sử dụng đúng mục đích cho các sinh hoạt Phật sự, để tránh đi việc sử dụng lãng phí như tài sản cá nhân của Tăng Ni trụ trì.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).15/3/2012.

No comments:

Post a Comment