Thursday 15 December 2011

TỲ KHEO GIỚI BỔN SỚ NGHĨA
QUYỂN HẠ
Hải Tràng Từ Tổ, Sa-môn TRUYỀN NGHIÊM thuật và đúc kết



CHƯƠNG V
CHÍN MƯƠI BA DẬT ĐỀ

Ba-dật-đề dịch âm, nghĩa là Đọa. Phạm tội này đọa vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ hay ác đạo nhận lấy khổ thiêu đốt. Nếu không siêng năng cần cầu sám hối thì các thiện pháp sẽ bị cản trở không phát triển được.
Chín mươi Ba-dật-đề là:
Điều 1: Tỳ-kheo cố ý nói dối, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật trú trong vườn Ni-câu-loại nước Thích-sí-sậu Ca-duy-la-vệ. Có Tỳ-kheo dòng họ Thích tên là Tượng Lực, rất khôn khéo trong việc luận đàm. Mỗi khi cùng với ngoại đạo Phạm chí luận nghị, nếu bị đuối lý liền đặt ngược lại vấn đề đã bàn cãi một cách thông minh. Trong chúng Tăng khi đối thoại, Tượng Lực Tỳ-kheo cũng sử dụng ngón nghề nói ngược khôn khéo này. Chúng Tăng biết rõ sự thật mười mươi nhưng Tượng Lực vẫn cố ý ngụy biện chày cối. Phạm chí, cư sĩ… rất coi thường và hiềm hận. Nhân đó, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Sao gọi là vọng ngữ? Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không gặp nói gặp, không biết nói biết. Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, gặp nói không gặp, biết nói không biết, lời nói trái với lòng, đến cả, tưởng nói chẳng tưởng, nghi nói chẳng nghi đều gọi là vọng ngữ.
c) Phạm tướng:
Vọng ngữ một cách trắng trợn thì phạm tội Đọa, không rõ ràng phạm Ác tác. Nếu khi thuyết giới, cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ có tội mà không nói, phạm tội Ác tác.
Tỳ-kheo-Ni đồng phạm như Tỳ-kheo. Ba chúng còn lại phạm Ác tác.
Thiên này có 71 giới đồng, trong 71 giới này, văn có tỉnh lược. Mười chín giới còn lại, bốn chúng đều phạm, tội: Đột-kiết-la sẽ đề cập rõ trong các giới Điều sau đây.
Điều 2: Tỳ-kheo nào hủy nhục bằng các chủng loại, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở nơi vườn Cấp Cô Độc. Lục quần trong lúc giải quyết tranh chấp, mắng nhiếc Tỳ-kheo bằng các chủng loại, họ cảm thấy như bị uy hiếp, quên trước quên sau, không nói nên lời. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Chủng loại hạ nhục là: Hoặc dựa vào dòng họ thấp kém, hoặc việc làm thấp kém, hoặc nghề nghiệp thấp kém, hoặc do phạm tội kiết sử mà mạ nhục, hoặc lấy sự tật nguyền, tàn phế mà hạ nhục. Rằng: “Tôi chẳng phải hạng người như vậy”.
c) Phạm tướng:
Nói một cách trắng trợn phạm Ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm Ác tác. Sử dụng thiện pháp để lăng mạ như nói: Ngài là người A-lan-nhã, ngài khất thực, ngài mặc áo vá thậm chí đem cả việc ngồi thiền ra mà mạ lỵ.
Nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm Ác tác.
Nếu cùng vì lợi lạc mà nói, vì pháp, vì luật, vì giáo thọ, vì quen biết, hoặc nói giỡn chơi, nói lỡ lời, nói một mình, nói trong mộng đều không phạm.
Điều 3: Tỳ-kheo nói lời ly gián, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Phật ở tại trú xứ của giới trước. Lục quần khéo thông tin lời lẽ của đôi bên để ly gián, khiến cho trong chúng chưa tranh chấp sanh ra tranh chấp cãi vả, còn đã xảy ra việc đấu đá với nhau thì không chấm dứt được, cho nên đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Nói hai lưỡi là cách thông tin lời nói của bên này, bên kia tạo ra mâu thuẫn tranh chấp vì mục đích ly gián giữa hai bên với nhau. Thí dụ: Sử dụng một trong bảy chủng loại đã đề cập ở Điều hai, đến nói với một kẻ khác để ly gián. Chẳng hạn, ông ấy nói: Ông là hạng người chủ mưu giết người hay là hạng người câm ngọng…
c) Phạm tướng:
Ly gián một cách rõ ràng thì phạm tội Đọa, nói không rõ ràng phạm Ác tác.
Nếu vì phá ác tri thức, ác bạn đảng, phá ý đồ làm hủy hoại Tăng, phá kẻ Yết-ma phi pháp, phi luật. Phá ý đồ phá hoại tháp, phá hoại chùa và lời nói vô nghĩa, vô tích sự, nói huyên thuyên, lảm nhảm… không phạm.
Điều 4: Tỳ-kheo ngủ đêm chung nhà với người nữ, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Tôn giả A-na-luật, trên đường đi trong nước Câu-tát-la, nơi thôn nọ không có trú xứ Tỳ-kheo, Tôn giả vào ngủ nhờ nhà một dâm nữ. Chìm sâu trong đêm, người dâm nữ nhiều lần đến với Tôn giả tha thiết xin được làm vợ. Tôn giả im lặng, đôi mắt khép kín thản nhiên. Cô ta liều thoát y nắm lấy Tôn giả. Thân Tôn giả liền vọt lên không trung. Dâm nữ lấy làm xấu hổ liền hướng lên không trung ba lần xin sám hối. Tôn giả nói diệu pháp, cô ta đắc Nhãn tịnh pháp, cầu thọ giới Ưu-bà-di. Sau khi nhận bữa cơm do cô cúng dường, Tôn giả về Tăng già lam kể lại chuyện ấy. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Thế nào thì gọi là nhà? Hình thái có vách tường bốn bên, trên có lợp, hoặc không có vách, trước che kín, hoặc tuy che kín bốn bên nhưng có cửa ra vào.
c) Phạm tướng:
Không luận bên nào đến trước, bên nào đến sau, hay cùng đến một lần, vào nhà lưng cùng sát đất (chiếu), phạm Ba-dật-đề. Đến cả đã nằm và mỗi lần trở mình là mắc Bổn tội.
Nếu cùng phi nhân nữ, súc sanh nữ có thể biến hình, huỳnh môn, lưỡng căn, đồng ngủ đều mắc Đột-kiết-la.
Ban ngày, người nữ đứng, Tỳ-kheo nằm, phạm Đột-kiết-la.
Nếu phụ nữ đến trước hay đến sau mà Tỳ-kheo không biết. Nhà có che kín, hoặc che phân nửa, hoặc che một phần nào, không thành nhà, cùng trên khoảng đất trống thì không phạm.
Trong nhà, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc đầu bị xâm xoàn té xuống, do bệnh phải nằm hay bị cường lực bắt trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.
Điều 5: Tỳ-kheo ngủ đêm chung nhà với người chưa thọ Đại giới quá hai đêm, đêm thứ ba, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại thành Khoáng-dã. Lục quần cùng với trưởng giả ngủ chung tại nhà giảng. Có một vị trong lục quần loạn ý ngủ mê. Khi trở mình để lộ hình. Hình ảnh không đẹp này khiến trưởng giả sanh tâm bất kính. Đức Phật nhân đó kiết giới. Sau đó, vì La-hầu-la chưa thọ Đại giới nên các Tỳ-kheo đuổi ra ngoài nhà tắm ngủ. Đức Phật biết mà vẫn nói: “Các thầy không có lòng từ, mới đuổi con nít. Đã là con Phật mà không bảo vệ được ý của Như Lai chăng?”. Từ nay về sau, cho phép Tỳ-kheo cùng với người chưa thọ Đại giới ngủ hai đêm, đến đêm thứ ba, khi tướng mặt trời chưa xuất hiện, nên đứng dậy tránh đi. Nếu đến đêm thứ tư, hoặc tự mình đi, hoặc bảo người chưa thọ Đại giới đi. Do đó, Ngài kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
+ Người chưa thọ Đại giới tức số người ngoài Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-Ni.
c) Phạm tướng:
Giới này phạm nặng, nhẹ, mở, đóng y như giới trước mà luận. Điểm khác nhau: Đối tượng của giới trước là phụ nữ, đối tượng của giới này là người nam chưa thọ Đại giới.
Điều 6: Tỳ-kheo cùng tụng, đọc chung với người chưa thọ Đại giới, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như ở giới trước. Lục quần cùng với trưởng giả cùng đọc lời của Phật tại nhà giảng, chẳng khác gì Bà-la-môn đọc sách làm loạn tâm các vị ngồi thiền. Đức Phật nhân đó kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Sao gọi là cùng tụng? Tức là đồng cùng đọc tụng một câu, một chữ của Kinh Pháp.
+ Đồng câu: Hai người đồng tụng một câu, không ai trước, ai sau, hoặc một người tụng câu trước chưa xong, người thứ hai y như người trước mà tụng.
Đồng chữ cũng giống như vậy.
Kinh pháp tức là lời Phật dạy hoặc do Thanh-văn nói, Tiên nhân, Chư Thiên nói được Phật ấn chứng, được gọi là pháp.
c) Phạm tướng:
Cùng người chưa thọ Đại giới đồng tụng, hoặc trao bằng miệng, hay dạy qua sách vở một cách rõ ràng thì phạm tội Đọa, nói không rõ ràng mắc Ác tác. Cùng với trời, rồng, quỷ, thần, súc sanh có thể biến hóa, nói rõ ràng đều phạm Ác tác. Nếu bậc thầy không dạy rằng: “Tôi nói rồi, ông sẽ nói”, mắc Ác tác.
Trường hợp không phạm: Người này nói dứt câu rồi người kia nói lập lại, một người đọc người kia viết lại. Hai người đồng nghiệp cùng tụng, cho đến nhầm nói thì không phạm.
Điều 7: Tỳ-kheo biết vị khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ Đại giới, trừ Tăng-Yết-ma, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật. Có Tỳ-kheo thi hành Ba-lợi-bà-sa, Ma-na-đỏa phải ngồi vào chỗ thấp trong chúng. Lục quần nói với các bạch y vị ấy phạm tội thô ác. Tỳ-kheo này và các Tỳ-kheo khác nghe đều xấu hổ. Đức Phật quở trách Lục quần Tỳ-kheo rồi kiết giới. Khi ấy, có Tỳ-kheo không biết mắc tội thô ác, sau mới biết, tác pháp sám Ba-dật-đề. Phật dạy: “không biết thì không phạm”. Tôn giả Xá-lợi-phất được Tăng sai đến vua và trong nhân dân nói tội của Điều-đạt, nghe đức Phật kiết giới, Tôn giả tâm sanh sợ sệt. Phật dạy: “Tăng sai không phạm”. Do vậy, kiết giới lại, thêm câu: “Trừ Tăng-Yết-ma” vào chánh văn.
b) Thích nghĩa:
+ Tội thô ác là tội Ba-la-di và Tăng tàn.
c) Phạm tướng:
Nói một cách rõ ràng thì phạm tội Đọa, không rõ ràng phạm Ác tác. Trừ, đại chúng tác pháp chỉ định để công bố tội của vị nào đó thì không phạm.
Ngoài thô ác tội, nếu đem bao nhiêu tội khác nói với người chưa thọ Đại giới, phạm Đột-kiết-la. Tự mình phạm Thô tội đến nói với người chưa thọ Đại giới cũng mắc Ác tác. Trừ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, đem tội Thô ác của người khác nói với người chưa thọ Đại giới đều phạm Ác tác. Thô ác, tưởng là thô ác phạm tội Đọa. Nghi mắc Ác tác. Chẳng phạm Thô tội, tưởng là Thô tội và nghi ngờ đều phạm Ác tác.
Không phạm: Không biết, hoặc bạch y đã biết trước vị ấy phạm tội Thô ác này rồi.
Điều 8: Tỳ-kheo đối với người chưa thọ Cụ túc mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhân rằng: “Tôi biết điều này, tôi thấy điều này”. Nếu đây là sự thật, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật tại trú xứ bên sông Di-hầu. Ngài tập hợp các Tỳ-kheo trong vườn Bà-cầu để quở trách rồi kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Điểm khác biệt của giới này với giới vọng ngữ ở thiên đầu (Điều 4 Ba-la-di) là: Tự mình có thật chứng rồi đem điều này nói với người chưa thọ Cụ túc nên không xếp vào hư cuống đại vọng ngữ.
“Pháp quá nhân” là pháp vượt trên con người, đây gọi là pháp Thánh lợi, vượt lên trên tất cả kẻ phàm phu, không còn ai có thể hơn được, như nói: Đắc thân , thiện tư duy, có giới, có định, không phóng dật, có đạo, có tu hành, có trí tuệ, có thấy, có đắc, có quả.
c) Phạm tướng:
Vì nói quá năm, sáu lời, nói rõ ràng phạm Ba-dật-đề. Không nói rõ ràng phạm Ác tác. Đến phi nhân nữ nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm Ác tác.
Trong loài súc sanh, loại không thể biến hóa mà nói quá năm, sáu lời phạm Đột-kiết-la.
Nếu người nữ hỏi nghĩa lý không có tri nam tử, nên trả lời, nếu họ không hiểu được, được phép nói rộng.
Nói giỡn, nói nhầm tất cả không phạm.
Điều 9: Tỳ-kheo thuyết pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Ca-lưu-đà-di đến nhà trưởng giả khất thực. Ông nói pháp vừa đủ để tai một cô nàng dâu nghe được. Bà mẹ chồng trông thấy đâm nghi ngờ, bất kính. Vì thế Phật kiết giới trên.
Sau việc kiết giới, có một người nữ mời nói pháp, các Tỳ-kheo dè dặt sợ phạm từ chối. Phật dạy: “Cho phép nói năm, sáu lời”. Các Tỳ-kheo tâm vẫn ái ngại lo sợ dị nghị, bởi lẽ thiếu người nam hiểu biết tham dự nên từ chối nói pháp trước người nữ. Đức Phật dạy: “Trừ hữu tri nam tử”, cho phép nói quá năm, sáu lời, lại kiết giới thêm câu: “trừ có mặt người nam có trí”. Khi ấy có các nữ nhân thỉnh thọ Năm giới, Tám giới, thỉnh nói tám hiền Thánh đạo, giải Thích nghĩa lý, vì không có người nam hiểu biết tham dự nên các Tỳ-kheo cẩn thận từ chối lời thỉnh. Đức Phật dạy: “Không có tri nam tử đều cho phép vì người nữ trao giới…đến việc giải Thích nghĩa…” Vì thế đức Phật đã kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
+ Năm lời là gì? Năm đây chính là năm ấm tức nói sắc không có ngã đến thọ, tưởng, hành, thức cũng đều vô ngã.
+ Sáu lời là gì? Sáu đây chính là sáu căn tức nói nhã vô thường đến nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều vô thường.
+ Người nam có trí là người nhận thức được việc làm thô ác hay không thô ác.
c) Phạm tướng:
Vì nói quá năm, sáu lời, nói rõ ràng phạm Ba-dật-đề. Không rõ ràng phạm Ác tác. Đến phi nhân nữ nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm Ác tác.
Trong loài súc sanh, loại không thể biến hóa mà nói quá năm, sáu lời, phạm Đột-kiết-la.
Nếu người nữ hỏi nghĩa lý không có tri nam tử, nên trả lời, nếu họ không hiểu được, được phép nói rộng.
Nói giỡn, nói nhầm tất cả không phạm.
Điều 10: Tỳ-kheo tự tay đào đất hoặc bảo người đào, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại thành Khoáng-dã. Lục quần tu bổ nhà giảng đường của Phật, tự tay đào đất chung quanh. Trưởng giả không đồng tình chỉ trích rằng: Thích tử đoạn mạng căn của chúng sanh. Nhân đó đức Phật kiết giới. Vì tránh vi phạm, các người ấy lại nhờ người đào. Bảo: đào chỗ này, bỏ chỗ kia. Cư sĩ bất đồng tình với thái độ này. Đức Phật lại kiết giới.
b) Thích nghĩa và Phạm tướng:
Đào là dùng cuốc, xuổng để lấy đất hay dùng chày để đập hoặc dùng dao, liềm để cắt cho đến dùng móng tay để làm tổn thương đất, hoặc đóng cọc xuống đất hay đốt lửa trên đất, phạm Ba-dật-đề. Nếu không nói: “Xem đây, biết đây” mắc Ác tác.
+ Nếu kéo cây tre, hàng rào ngã đỡ lên, hoặc quét đốt, đắp đất tất cả không phạm.
Điều 11: Tỳ-kheo phá hoại mầm sống cây cỏ, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Có Tỳ-kheo tu bổ phòng xá, cố ý tự mình chặt cây, vì vậy đức Phật kiết giới này.
b) Thích nghĩa:
+ Sao gọi là phá hoại? Các hình thức: Chặt, đốn, đốt, nấu, bẻ, lôi kéo tổn thương được gọi là phá hoại.
+ Quỷ thần tức không phải loài người.
+ Thôn: Chỉ các cây cỏ, đó là nghĩa bóng.
+ Quỷ thần thôn chính là nơi tạo mầm sống của cây cỏ giống như xóm làng của người sinh sống và chỗ quỷ thần nương vào đó mà cư ngụ.
+ Thôn ở đây bao gồm năm mầm sống từ: Gốc, nhánh, lóng, tàn, hạt.
c) Phạm tướng:
Cây sống tưởng cho là cây sống, tự chặt, tự sao rang, tự nấu và dạy người làm đều mắc tội Đọa.
Nếu nghi là sống và tưởng chẳng phải sống, hoặc chẳng phải sống tưởng là sống, hay nghi đều mắc Ác tác.
Nếu đóng đinh vào cây, dùng lửa đốt cây cỏ sống và chặt quá phân nửa cây cỏ sống đều mắc tội Đọa.
Nếu chặt cây cỏ nửa khô, nửa tươi phạm Ác tác.
Nếu không nói: “Biết đây, xem đây” phạm Đột-kiết-la.
Nếu có việc chẳng phải cố ý thì không phạm.
Điều 12: Tỳ-kheo cố ý nói quanh và gây phiền vị khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Câu-diệm-di. Có Xiển-đà phạm tội, các Tỳ-kheo hỏi: “Thầy có biết phạm tội hay chăng?”. Xiển-đà nói quanh: “Thầy hỏi ai vậy? Nói sự việc gì? Luận bàn vấn đề gì? Vì tôi hay vì ai nói? Ai phạm tội? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy có tội”. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật bảo Tăng tác pháp dư ngữ bạch Yết-ma, văn bạch: “Đại đức Tăng. Xin lắng nghe, Xiển-đà Tỳ-kheo này phạm tội, các Tỳ-kheo hỏi…. (Hỏi, đáp như trên)… Tôi không thấy tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sẽ gọi Tỳ-kheo Xiển-đà là người tác dư ngữ. Đây là lời tác bạch”.
Bạch xong kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo nói quanh phạm Ba-dật-đề”. Tăng đã cấm chế không được nói quanh.
Sau đó, Xiển-đà lại xúc não chúng Tăng. Gọi đến không đến, gọi lại không đến, đáng đứng dậy thì ngồi, đáng ngồi thì lại đứng, nên nói không nói, không nên nói thì nói. Đức Phật dạy chúng Tăng tác pháp xúc não, bạch Yết-ma: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ-kheo Xiển-đà này xúc não chúng Tăng, gọi đến không đến… không nên nói thì nói. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, cấm chỉ Tỳ-kheo Xiển-đà nói xúc não. Đây là lời tác bạch”.
Kết hợp hai sự việc thành văn giới trên.
b) Giải thích và phạm tướng:
+ Tăng chưa tác bạch, bèn tác dư ngữ phạm Ác tác.
+ Tác bạch rồi, rồi tác dư ngữ (nói quanh) tất cả đều phạm Ba-dật-đề. Xúc não cũng phạm như nói quanh.
+ Nếu thượng tọa gọi đến không đến, phạm Đột-kiết-la.
+ Nếu trùng lập lời nói, hoặc không hiểu người ấy nói, thiếu chính xác, đặt trở lại câu hỏi, tưởng chừng như là dư ngữ, đều không phạm.
Nếu vì muốn phá Yết-ma phi pháp, Yết-ma phi Tỳ-Ni, vì Tăng chúng, vì chùa tháp, vì Hòa thượng, đồng Hòa thượng, vì A-xà-lê, đồng A-xà-lê, vì cựu thân trí thức, hoặc vì muốn vô hiệu hóa việc Yết-ma thiếu ích lợi. Mọi vấn đề vì như thế nên có gọi đến không đến và nếu cần biết thì dạy lại rằng: Đến, khi bị cản ngăn. Nói khi không được yêu cầu. Tất cả vì như thế không phạm.
Nếu đã nhất tọa thực mà không tác pháp dư thực, hoặc vì bệnh, gọi đứng lên không đứng, không phạm.
Nếu vì nhà hư sập, hoặc bị cháy, hoặc rắn độc vào trong nhà, hoặc giặc, hổ lang, sư tử, hoặc bị cường lực dẫn đi, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, dạy đừng đứng dậy bèn đứng dậy, không phạm.
Nếu hỏi với các tâm, hoặc hỏi pháp thượng nhân. Với chủ đích của ông ta như thế, không cần phải nói, không phạm.
Nếu nói nhỏ, hoặc nói nhanh, nói trong mộng, nói một mình, muốn nói việc này nhầm nói việc khác, đều không phạm.
Điều 13: Tỳ-kheo nào, chê bai và nói xấu (tri sự Tăng), Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ Đạp-bà-la-ma-tử được Tăng sai chia phần ngọa cụ và phân lập Tăng trên dưới đi thọ thực theo cung thỉnh. Từ-địa từ chỗ mắt thấy, tai không nghe cơ hiềm: Đạp-bà-tử có ái, sân, bố, si. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Ngài kiết giới.
Sau đó lại từ chỗ tai nghe, mắt không thấy, Từ-địa mắng rằng: Đạp-bà-tử là ái, sân, bố, si. Kết hợp hai việc đã xảy ra, đức Phật kiết thành giới này.
b) Thích nghĩa:
+ Sao gọi là hiềm? Hiềm là ghét, chê bai, ghét trước mặt hoặc sau lưng nói xấu. Nghĩa ở đây ghét trước mặt.
+ Sao gọi là mạ? Mạ là mắng nhiếc, nhục mạ. Nhục mạ trước mặt hoặc mắng nhiếc sau lưng. Nghĩa ở đây nhục mạ sau lưng.
c) Phạm tướng:
Nếu mạ nhục trước mặt hoặc mạ nhục sau lưng, nói rõ ràng là phạm Đọa, không rõ ràng phạm Ác tác.
Nếu kẻ trên dạy ông hiềm mạ và làm chứng lời dạy để hiềm mạ, mắc tội Ác tác.
Nếu người kia thật có ái, sân, bố, si, sau lo sợ ăn năn, hối hận bảo người ấy như pháp phát lồ: không phạm. Nói giỡn, nói nhầm không phạm.
Điều 14: Tỳ-kheo nào, mang giường nằm, ghế ngồi, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi của Tăng bày ra chỗ đất trống, hoặc khiến người bày, khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, có hai trưởng giả mời Tăng. Một nhóm 17 Tỳ-kheo lấy tọa cụ của Tăng trải nơi kinh hành. Các vị không dọn, bỏ đi, khiến các tọa cụ bám đầy đất bụi, trùng, chim cắn hư hay bị ô uế nhớp nhúa. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Ngài kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Giường dây có năm loại: Loại chân xoay, loại chân thẳng, loại chân cong, loại ráp mộng và loại không chân.
+ Giường cây cũng năm loại như vậy.
+ Trải là dàn trải ra.
+ Bỏ đi là rời khỏi trú xứ mà đi.
+ Không tự dọn cất tức không tự dọn dẹp xếp cất.
+ Không dạy người cất: Tức là không giao dặn người khác cất. nếu có duyên sự muốn đi phải giao phó lại cho vị Tỳ-kheo cựu trú hoặc người trông nom cai quản. Nói rằng: Tôi nay có duyên sự phải đi xin giao phó lại cho Đại đức giữ gìn và chăm sóc hộ. Nếu không có ai phải dẹp bỏ vào chỗ kín đáo rồi đi. Nếu không có chỗ kín đáo thì để vào nơi an toàn, ổn nhất, lấy vật thô sơ phủ lên trên rồi đi nhưng nhanh chóng quay về lại. Gặp lúc trời mưa, mưa lớn, mưa vừa hay mưa nhỏ sau mưa phải quay trở về ngay. Tóm lại, nên đi nhưng phải về ngay.
c) Phạm tướng:
Nếu không nhanh chóng quay về liền thì kể từ lúc ra khỏi cửa là phạm Ba-dật-đề.
Nếu một chân ngoài cửa một chân trong cửa, ý muốn đi mà không đi tự nhủ rồi quay trở vô, tất cả đều mắc Ác tác.
Nếu hai người cùng ngồi, người ít hạ lạp hơn, phải cất trước khi đi. Nếu người ít hạ lạp không làm như thế mà nghĩ bậc trên mình sẽ dọn dẹp thì người hạ lạp ít: phạm Ba-dật-đề lại thêm tội Ác tác, vì phạm vào oai nghi.
Người lớn (hạ lạp cao) nghĩ người dưới mình sẽ dọn dẹp song người này không dọn dẹp thì người lớn phạm Ba-dật-đề.
Nếu hai người không ai trước, không ai sau đều không dọn, cả hai phạm Ba-dật-đề.
Nếu các loại Giường không dây khác như giường gỗ, ghế ngồi, ghế tắm, ngọa cụ có bao bọc, hoặc trải ra đất, hoặc lấy dây, tơ, lông, gai bỏ ra nơi đất trống, không dọn dẹp lại vào phòng tư  đều mắc Ác tác. Ngoài ra, bốn chúng phạm tội giống như giới trước.
Nếu đã giao nhận rồi đi. Để nơi ổn định rồi đi đều không phạm.
Điều 15: Tỳ-kheo nào, ở trong Tăng phòng, tự mình hoặc bảo người, dọn trải ngọa cụ của Tăng để ngồi, hoặc nằm; khi đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Có vị khách Tỳ-kheo nói với vị cựu trú rằng: Tôi xin trải ngọa cụ bên phòng của Tăng để ngủ. Sáng hôm sau ra đi không một lời với chủ. Dẫn đến ngọa cụ ngã màu, hư hoại. Nhân đó Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Ngọa cụ là bao gồm: Giường dây, giường cây, chăn mền, tọa cụ, gối đầu kể cả ngọa cụ bằng dạ.
+ Khi đi nên tự dọn hoặc giao cho người dọn với lời rằng: hãy vì tôi mà thu cất tử tế giùm cho. Nếu không có người để giao nhận hoặc không sợ mất thì đem gối, mền, ngọa cụ để lên giường chân cao, dời cách vách và lấy một ngọa cụ khác phủ đậy lại rồi đi. Nếu sợ hư hoại thì đem ngọa cụ bằng dạ, mền, gối treo trên cái giá móc áo và dựng giường lên rồi đi.
c) Phạm tướng:
Không dọn dẹp như trên mà đi, khi ra khỏi cương giới phạm tội Đọa. Đến cả có hẹn đi mà không đi, dù một chân bước ra ngoài cương giới đều mắc Ác tác.
Nếu nghĩ đi rồi về liền song lại ở ngoài cương giới ngủ qua hai đêm, đến đêm thứ ba, tướng mặt trời chưa xuất hiện, không trở lại phòng cũng không nhờ người dọn dẹp phạm tội Đọa.
Nếu phòng xá bị hư sập, hỏa hoạn, rắn độc vào bên trong, giặc cướp, hổ lang, sư tử, bị người có thế lực bắt, hoặc bị trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, nạn trên đường đi, tất cả đều không phạm.
Điều 16: Tỳ-kheo nào đã biết đó là chỗ nghỉ của Tỳ-kheo khác, mình đến sau cố chen vào giữa trải tọa cụ để ngủ nghỉ với ý nghĩ rằng: “Vị ấy, nếu hiềm chật, sẽ tránh đi chỗ khác”. Hành động với nhân duyên ấy chứ không gì khác, không phải oai nghi khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại địa điểm như giới trước.
Trên đường hành hóa tại nước Câu-tát-la, Lục quần cùng với Thập thất quần đến một thôn nọ không có trú xứ của Tỳ-kheo. Thập thất quần nói với Lục quần: “Các ngài là bề trên của chúng tôi xin quý thầy tìm chổ để nghỉ trước”. Lục quần trả lời: “Các ông tự đi tìm chỗ cho mình chứ chúng tôi không tìm chỗ nghỉ làm gì”.
Khi Thập thất quần tìm được chỗ để nghỉ rồi, Lục quần đến sau, ngang nhiên trải tọa cụ vào chính giữa mà nằm gây bức bách. Đức Phật vì thế mà kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Chỗ nghỉ của Tỳ-kheo khác tức là chỗ nghỉ của vị Tỳ-kheo đến trước.
+ Mình đến sau nghĩa là Tỳ-kheo đến sau.
+ Hành vi ỷ thế lực cưỡng bức, tức là buông mình nằm càn lên ngọa cụ mà họ đã trải sẵn.
+ Thế nào là không gian? Đó là phía trên đầu, phía dưới chân hay chen vào chặn giữa để nằm.
+ Ngọa cụ là dùng cỏ hay lá trải làm chỗ nằm hoặc trải bằng ngọa cụ may để nghỉ.
+ Nghĩ rằng, đây chính là khởi ý nghĩ không tốt nhằm gây bực dọc để người khác bỏ đi.
+ Vị ấy nếu hiền trách tức vị ấy có điều bực dọc không vui, tự bỏ đi chỗ khác.
+ Hành động với nhân duyên ấy chứ không gì khác, tức là hành động cưỡng bức thiếu tự trọng như trên, nhằm làm cho người kia tránh đi chứ không ngoài mục đích nào khác.
+ Không phải oai nghi khác tức việc làm không đúng cách của Tỳ-kheo, chính vì vậy mà phạm tội.
c) Phạm tướng:
Tùy theo thế trở mình khác nhau gắn liền trên chiếu, phạm Ba-dật-đề.
Trường hợp không phạm: Trước không biết, hay nói rồi mới nằm, hoặc chỗ rộng rãi không gì trở ngại, hoặc có người quen thân mời nằm, hoặc bệnh hoặc bị trói cột…thì không tội.
Điều 17: Tỳ-kheo nào, giận hờn, không ưa Tỳ-kheo khác, rồi tự kéo ra khỏi Tăng phòng, hay khiến người khác lôi kéo ra, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Thập thất quần vào trong chùa trải ngọa cụ rồi ngồi. Lục quần đến sau lôi kéo họ ra khỏi phòng. Vì vậy, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa và phạm tướng:
+ Tự kéo, hay khiến người khác lôi kéo, tùy theo số người lôi kéo nhiều hay ít, tùy cửa ra của phòng nhiều hay ít, mọi hành vi ấy đều phạm Ba-dật-đề.
+ Đem đồ vật khác bỏ ra hoặc ném ra ngoài hay đóng cửa không cho người khác vào đều phạm Đột-kiết-la.
+ Nếu chẳng phải tâm sân hận, lần lượt theo nhau mà ra, hoặc cùng ngủ hai đêm, đến đêm thứ ba bảo người chưa thọ Đại giới ra, hoặc người ấy phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc vì người kia đã bị cử tội, tẫn xuất và cần phải tẫn xuất. Chính do nhân duyên như thế mà có thể gây ra mạng nạn, phạm hạnh nạn, những người nhhư thế đuổi hẳn ra, không phạm.
Điều 18: Tỳ-kheo nào, tại Tăng phòng, trên tầng gác, nằm hay ngồi trên giường, trên ghế bằng chân lắp, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại địa điểm như giới trước. Có Tỳ-kheo ở tầng gác trên, do ngồi không yên trên giường chân đã bị sổ, khiến chân giường sút ra rơi trúng vị Tỳ-kheo ngồi tầng dưới làm chảy máu. Phật quở trách rồi kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Tầng gác là khoảng cách quá đầu người đứng thẳng.
+ Giường chân lắp là giường lắp chân vào.
c) Phạm tướng:
Tỳ-kheo ở trên tầng gác ngồi giường chân bị sổ ra, hoặc ngồi hay nằm hông dính giường chân bị sổ, tùy theo trở mình đều phạm Ba-dật-đề.
Nếu giường chỉ để ngồi, hay một tấm ván, ghế ngồi tắm, tất cả mắc Ác tác.
Nếu ngồi giường chân xoay, chân thẳng, chân cong, không chân, giường dây hoặc giường lớn có chống, hoặc trên tầng gác có lót ván che chắn, hoặc dùng cây khắc hoa văn che chở, hoặc lật giường để ngồi, hay giường chân tháo ra, không phạm.
Điều 19: Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng mà tự mình hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Câu-diệm-di. Xiển-đà cất nhà lớn, dùng nước có trùng trộn hồ và bảo người trộn. Nhân sự việc này, đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa và phạm tướng:
+ Nếu Tỳ-kheo dùng nước có trùng trộn hồ hoặc bảo người trộn, phạm Ba-dật-đề.
+ Một vấn đề khác: Có vị Tỳ-kheo không biết nước có trùng, sau đó mới nhận ra nên tác pháp sám hối. Phật dạy: “không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại: “Nếu biết nước có trùng dùng tưới lên bùn, cỏ, mắc tội Ba-dật-đề.”
+ Nước có trùng hay tưởng là nước có trùng, phạm tội Đọa. Nghi là nước có trùng và không có trùng và tưởng mà nghi có trùng, phạm Ác tác.
Nếu không biết có trùng hay trùng lớn, dùng tay khua động cho nó đi, hoặc nước lọc tưới trên đất, hoặc bảo người tưới, đều không phạm.
Điều 20: Tỳ-kheo nào, làm phòng xá lớn, cách cửa, khung cửa sổ và các thứ trang sức khác, chỉ bảo người lợp tranh ngang bằng hai, ba lớp, nếu quá Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Xiển-đà cất phòng xá lớn. Tranh dư, ông cho lợp chồng lên đến quá ba lớp nhưng vẫn không chịu dừng. Quá nặng nhà bị sập. Cư sĩ bất bình, hiềm khích. Vì thế, đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Bằng hai, ba lớp tức là ngang bằng mức độ hai, ba lớp tranh.
+ Nếu quá nghĩa là vượt quá mức định ấy nên mắc tội.
c) Phạm tướng:
Nếu họ lợp xong hai lớp, hết số nhận chỉ định, đến lớp thứ ba chưa xong thì phải đến xem xét, kiểm tra toàn bộ, nếu không đi, đến lợp lớp thứ ba xong, phạm tội Đọa.
Nếu bỏ chỗ nghe, đến chỗ thấy; bỏ chỗ thấy, đến chỗ nghe, tất cả phạm Ác tác.
Trường hợp không phạm: Lợp lớp thứ ba chưa xong mà đi đến chỗ không thấy, nghe hay bị các nạn trở ngại không thể đi được, không phạm.
Điều 21: Tỳ-kheo nào, không được Tăng sai mà giáo thọ Tỳ-kheo-Ni, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Tỳ-kheo-Ni Đại Ái Đạo, cầu xin đức Phật cho phép các Tỳ-kheo giáo giới thuyết pháp cho Ni. Đức Phật dạy Tôn giả A-nan, nên vì Ni nói pháp và theo thứ tự mời vị Thượng tọa đến giáo giới.
Tôn giả A-nan theo thứ tự phân định, mời Tôn giả Bàn-đà đến dạy, dù rằng Tôn giả chỉ thuộc mỗi một bài kệ. Đến nơi, Tôn giả ba lần cũng chỉ nói đúng bài kệ ấy. Mỗi lần nói xong liền vào đệ tứ thiền. Các La-hán Ni rất lấy làm hoan hỷ. Ngược lại Lục quần Ni lên giọng trêu đùa, giỡn cợt, chê bai. Tôn giả tức khắc thang lên hư không hiện các thần thông biến hóa, nói pháp rồi đi. Lúc bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo tự tiện đến giáo giới, các ông không nói Chánh pháp mà nói những chuyện của thế gian. Lục quần Ni cực kỳ hoan hỷ.
Đại Ái Đạo đến bạch Phật, Ngài bảo các Tỳ-kheo từ nay về sau trong Tăng phải bạch nhị Yết-ma sai người giáo thọ Ni. Để không phạm lời dạy, Lục quần xé lẻ, ra ngoài giới cùng nhau sai đến giáo giới. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Phải thành tựu mười pháp, nhiên hậu mới được giáo thọ Tỳ-kheo-Ni.” Nhân ấy, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Được gọi là Tăng khi có cùng một thuyết giới, cùng một Yết-ma.
+ Không sai nghĩ là trong Tăng không có bạch nhị Yết-ma để sai đi.
+ Giáo giới là gì? Đó chính là lấy Tám pháp bất khả vượt mà dạy bảo. Tám pháp đó là:
1. Ni trăm tuổi thấy Tỳ-kheo mới thọ giới, phải đứng dậy đón rước chào hỏi, lễ bái, mới ngồi.
2. Không được hủy báng Tỳ-kheo.
3. Không được cử tội Tỳ-kheo, tác ức , tác tự ngôn, không được ngăn người khác mích tội, ngăn nói giới, Tự tứ và nói lỗi lầm của Tỳ-kheo.
4. Đến Tỳ-kheo Tăng để cầu thọ Đại giới.
5. Nếu phạm Tăng tàn, phải đến trước hai bộ chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-Ni hành Ma-na-đỏa nửa tháng.
6. Mỗi nửa tháng phải đến trong Tăng cầu người giáo thọ.
7. Không được Kiết hạ An cư nơi không có trú xứ Tỳ-kheo.
8. An cư xong phải đến trong Tăng cầu ba việc: Kiến, văn, nghi để Tự tứ.
Đối với Tám pháp này suốt đời Ni phải tôn trọng, phải cung kính, khen ngợi, không được làm trái.
c) Phạm tướng:
Nếu Tăng không sai, hoặc chẳng phải ngày giáo thọ mà đến nói pháp Bát kỉnh, mắc Ác tác tội. Nói ngoài đề tài thì phạm tội Đọa.
Nếu Tăng sai đến, nên định ngày giờ, Ni phải đúng giờ đã định đón rước, định giờ mà không đến mắc tội Ác tác. Đúng giờ, Ni không đón cũng mắc Ác tác.
Ni phải ra nửa do tuần để đón, cung cấp thức cần dùng, không vậy mắc Ác tác.
Không phạm: Như trên chúng sai đến, nếu bị các trở nạn không cho phép đến đúng giờ đã định, không tội.
Điều 22: Tỳ-kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ Tỳ-kheo-Ni cho đến mặt trời lặn, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ trước. Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà, được Tăng sai đến giáo thọ Ni chúng. Tôn giả thuyết pháp với một pháp âm rõ ràng, dễ hiểu, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe, khiến quên mất mặt trời đã lặn.
Ni chúng ra khỏi Kỳ Hoàn để vào thành nhưng cửa thành đã đóng, phải ngủ ngoài thành. Sáng đến cửa thành mở, Ni chúng kéo nhau vào thành trước mắt mọi người. Các trưởng giả thấy thế, lòng sanh cơ hiềm hủy báng, cho rằng: Ni chúng ngủ đêm với Tỳ-kheo. Nhân đó Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Vì Tăng sai nghĩa là trong Tăng bạch nhị Yết-ma sai.
+ Cho đến mặt trời lặn nghĩa là mặt trời khuất dạng đêm đã buông xuống, đây chẳng phải lúc để giáo giới. Nếu giáo giới lúc ấy là phi thời.
c) Phạm tướng:
Giáo giới đến chiều tối mắc tội Đọa. Trừ giáo thọ, nếu dạy kinh, tụng kinh, hoặc hỏi việc khác, cho đến chiều tối mắc Ác tác tội.
Trừ Tỳ-kheo-Ni, nếu vì các phụ nữ khác dạy kinh, cho đến các việc khác, đến chiều tối cũng mắc Ác tác.
Mặt trời lặn tưởng mặt trời lặn, phạm Đọa.
Nghi mặt trời lặn và tưởng mặt trời chưa lặn. Nếu mặt trời chưa lặn, tưởng mặt trời lặn và nghi mắc Ác tác tội.
Không phạm: Mặt trời chưa lặn, bèn thôi thuyết pháp. Nếu trên thuyền thuyết pháp cho Ni nghe, có khách buôn đi cùng, nói pháp ban đêm, hoặc đến chùa Ni nói pháp, hoặc thuyết giới. Ban ngày vào trong chúng thỉnh người giáo thọ, gặp lúc thuyết pháp liền nghe, tất cả đã nêu đều không phạm.
Điều 23: Tỳ-kheo nào, nói với các Tỳ-kheo như vầy: “Tỳ-kheo vì sự ăn uống mà giáo thọ Tỳ-kheo-Ni”, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ y như giới trước. Được biết thầy giáo thọ đến giáo giới, Tỳ-kheo-Ni ra nửa do tuần đón rước. Phòng xá, thầy giáo thọ ở tươm tất thoải mái, chỗ ngồi ăn và thức ăn tốt, nơi tắm rửa trang nhã. Lục quần không được Tăng sai, lòng sanh đố kỵ nói: “Các Tỳ-kheo không có chơn thật, làm giáo thọ Ni chúng chỉ vì ăn uống”. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật nhân đó kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Nói ra lời như vậy đó là nói hủy báng.
c) Phạm tướng:
Nếu nói: các Tỳ-kheo vì ăn uống nên giáo thọ Ni: Nói trắng ra mắc tội Đọa; nói úp, mở mắc Ác tác.
Tỳ-kheo-Ni nói như thế mắc Đột-kiết-la. Thức-xoa ma-Ni, Sa-di, Sa-di-Ni phạm tội Đột-kiết-la.
Không phạm: Sự thật là vậy, hoặc nói giỡn chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nhầm nói việc khác, không phạm.
Điều 24: Tỳ-kheo nào, cho y cho Tỳ-kheo-Ni không phải thân quyến, trừ trao đổi, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Trong thành có một Tỳ-kheo khất thực, rất mực oai nghi. Với nhận xét của mình, một cô Ni đã thường xin cúng thức ăn, vị Tỳ-kheo ấy từ chối. Một thời gian sau, vị Tỳ-kheo này nhận được phần y. Muốn đáp lại nhã ý trước đây, đem y cho cô Ni với ý nghĩ rằng: Cô ấy không nhận, song cô Ni lại nhận. Vị Tỳ-kheo này đi đến đâu cũng hiềm trách cô Ni. Đức Phật nhân đó mà kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo cho Tỳ-kheo-Ni y, phạm Ba-dật-đề”
Đối với giới cấm này các Tỳ-kheo sợ phạm, cẩn thận không dám cho Tỳ-kheo-Ni thân thích y. Đức Phật dạy: “Ni thân quyến được phép nhận y cho”, nên kiết giới lại thêm câu: “Chẳng phải người thân thích” vào chánh văn.
Lại một sự việc khác: Hai bộ chúng của Kỳ Hoàn chia y. Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-Ni nhận nhầm y của nhau. Ni đem đến xin đổi, Tăng sợ phạm sự đổi chác không phải bà con, nên từ chối không đổi. Đức Phật dạy: “Được phép trao đổi”.
b) Thích nghĩa:
+ Giới này kiết ba lần mới thành văn, phần duyên khởi đã rõ nghĩa.
c) Phạm tướng:
Bốn chúng phạm tội Ác tác.
Nếu vì Phật, vì pháp, vì Tăng thì không phạm.
Điều 25: Tỳ-kheo nào, may y cho Tỳ-kheo-Ni không phải thân quyến, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, có cô Ni muốn may đại y, mang vải đến chùa. Ca-lưu-đà-di nhận may, nhân đó ông thêu hình nam nữ hành dâm lên y. Lúc cô Ni nhận y, ông dặn cô ta: “Không được tự ý trải y ra xem, cũng không được đưa cho ai xem. Đợi đến khi nào mời đi thọ trai mới mặc y và đi sau chúng”. Cô Ni làm đúng như lời dạy. Cư sĩ nhìn thấy vỗ tay chê cười. Các Ni bạch Tỳ-kheo. Tỳ-kheo bạch Phật. Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo may y cho Tỳ-kheo-Ni, phạm Ba-dật-đề”.
Vì thế, các Tỳ-kheo sợ phạm cẩn thận không dám may y cho Tỳ-kheo-Ni thân quyến của mình. Đức Phật dạy: “Được phép may” nên kiết giới lại thâm câu: “Chẳng phải người thân thích” vào văn giới.
b) Thích nghĩa và phạm tướng:
+ Nếu Ni chẳng phải thân lý mà may thì tùy theo chỗ dao cắt rọc nhiều hay ít, một đường kim, một mũi chỉ, đều mắc tội Đọa.
+ Nếu mở ra xem hay mặc, vắt, kéo, ủi cho thẳng, vuốt ve, vò bóp, sửa cho ngay, gói lại, hoặc viền, vá, mạng, tất cả đều phạm Ác tác. Bốn chúng khác phạm Đột-kiết-la.
Nếu vì Tăng, vì Tháp, mượn mặc rồi giặt nhuộm xếp lại trả cho chủ không phạm.
Điều 26: Tỳ-kheo nào, ngồi một mình nói chuyện với Tỳ-kheo-Ni tại chỗ khuất kín, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ đồng như giới trước. Ca-lưu-đà-di đến với Thâu-lan-nan-đà Tỳ-kheo-Ni, bên ngoài cửa hai người cùng ngồi gần nhau. Cư sĩ cơ hiềm. Các Tỳ-kheo bạch Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Chỗ vắng, tức là chỗ không thấy hay không nghe.
+ Không thấy vì khuất bởi bụi, sương, khói, mây, bóng tối.
+ Không nghe tức không nghe được bởi lời nói chuyên bình thường.
+ Sao gọi ngăn che? Do cây, hàng rào, vải vóc hoặc các vật khác che chắn.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo một mình cùng ngồi với Tỳ-kheo-Ni ở chỗ vắng, phạm Ba-dật-đề.
Nếu đui mà không điếc, điếc mà không đui, phạm Ác tác.
Đứng chỗ bị che khuất phạm Ác tác. Bốn chúng kia phạm Ác tác.
Không phạm: Có bạn bè, có người trí, không đui không điếc, không điếc không đui. Hoặc đi qua bị xỉu té, hoặc do bệnh ngã nằm, hoặc vì thế lực kéo đi, hoặc bị nhốt trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.
Điều 27: Tỳ-kheo nào, hẹn và cùng đi chung đường với Tỳ-kheo-Ni, từ một xóm đến một xóm, trừ trường hợp đặc biệt. Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là: Cùng đi với khách buôn, hoặc khi có nghi ngờ, có sợ hãi. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.
a) Duyên khởi:
 Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Chuyện như sau: Lục quần Tỳ-kheo cùng với Lục quần Ni đi hành hóa trong nhân gian. Cư sĩ nghi ngờ, xấu miệng đồn bậy, vì thế Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo cùng với Tỳ-kheo-Ni, cùng đi từ một thôn tới một thôn, Ba-dật-đề”.
Do tình cờ có vị Tỳ-kheo trên đường đi gặp Ni. Sợ phạm, vị Tỳ-kheo cẩn thận không dám đi cùng. Đức Phật dạy: “không hẹn thì không phạm”. Nên Ngài lại kiết giới thêm hai chữ: “Cùng hẹn”.
Lúc bấy giờ, Tăng, Ni hai chúng, do không được cùng đi nên trên đường cùng về nước Tỳ-xá-ly, các Ni phải đi sau và bị giặc cướp. Đức Phật lại kiết giới thêm câu: “Trừ trường hợp đặc biệt” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
+ Đường là khoảng cách có giới hạn, dẫn lối người đi lại, giữa các xóm làng.
c) Phạm tướng:
Nếu cùng hẹn đi một đường, không luận ranh giới nào của thôn, chúng nhiều hay ít, cương giới ra sao, nhất cử, nhất động đều phạm Ba-dật-đề.
Nếu không phải thôn, đi nơi trống trải, đi được mười lý: phạm Ba-dật-đề.
Nếu dưới một thôn hay ít hơn mười lý phạm Đột-kiết-la.
Nếu đi nhiều thôn cùng một cương giới phạm Đột-kiết-la.
Vì phương tiện muốn đi có kỳ hẹn đàng hoàng, tất cả đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu bị thế lực bắt, bị trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn: không phạm.
Điều 28: Tỳ-kheo nào, hẹn và đi chung thuyền với Tỳ-kheo-Ni, dù đi ngược dòng hay xuôi dòng, trừ qua ngang, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ đồng như giới trước. Lục quần cùng Ni dạo chơi trên một thuyền, hết xuôi dòng, lại ngược dòng. Cư sĩ chê trách dèm pha, nên Phật chế giới: “Nếu Tỳ-kheo cùng với Tỳ-kheo-Ni đi trên một thuyền ngược dòng hay xuôi dòng, phạm Ba-dật-đề”.
Khi ấy, không hẹn mà lại gặp cảnh cùng thuyền, Tỳ-kheo sợ phạm cẩn thận không dám đi. Phật dạy: “không hẹn, không phạm”.
Phật kiết giới lại thêm hai chữ: “Cùng hẹn”.
Nhân khi có việc, chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-Ni đều phải qua sông Hằng. Do không được cùng đi một thuyền, Ni phải sang sau. Gặp trời mưa lớn, thuyền chưa trở lại bến thì trời đã tối. Các Ni đành ngủ bên bờ sông, bị giặc cướp đoạt. Đức Phật lại kiết giới thêm câu: “Trừ qua ngang”.
b) Thích nghĩa:
Phần duyên khởi đã làm rõ nghĩa chánh văn.
c) Phạm tướng:
Cùng hẹn đồng đi, nếu vào trong thuyền rồi, phạm Ba-dật-đề.
Nếu một chân ở trong thuyền, một chân ở trên đất, với phương tiện muốn vào thuyền mà chưa vào, hoặc nghiêm chỉnh trong kỳ hẹn nào đó, tất cả phạm Đột-kiết-la.
Bốn chúng phạm Đột-kiết-la.
Nếu đã ở trên thuyền mà tài công mất định hướng, nên thuyền phải xuôi hay ngược dòng mà vẫn đến được bờ an ổn; hoặc vì thế lực bắt, hoặc bị trói buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn, không phạm.
Điều 29: Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn được biết là do Tỳ-kheo-Ni khuyến hóa, từ đàn việt có chủ ý trước, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ trong thành có một cư sĩ thỉnh ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên ngọ trai. Ni cô Thâu-lan-nan-đà đến trước nhà cư sĩ ấy, nói rằng: “Hai Tôn giả là người hạ tiện và khen Điều-đạt là bậc rồng trong loài rồng”. Trong lúc buông lời như thế thì hai Tôn giả đến. Cô ta liền trở giọng khen: “Bậc rồng trong rồng đã đến”.
Sau khi ngọ trai, hai Tôn giả ra về và đem sự việc bạch Phật. Phật quở trách bè đảng của Đề-bà-đạt-đa đã sai Ni đi khuyến hóa để được ăn. Nhân đó, Phật kiết giới. Sau đó có Tỳ-kheo vì không biết trước đó đã có sự khuyến hóa của Ni nên thọ thực. Vị ấy đến Phật sám hối. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Phật kiết giới lại dùng chữ “biết” thay vào chữ “sai”.
Vào thời gian ấy, trong thành La-duyệt, có một trưởng giả là bạn thân của Tôn giả Lê-sư-đạt, nghĩ rằng: “Nếu Lê-sư-đạt đến, tôi sẽ vì Tôn giả cúng dường chúng Tăng từ đầu đến cuối”. Một cô Ni, biết việc đó, nên lúc thấy Tôn giả đến thành, cô ta liền báo cho Trưởng giả hay để kịp sắm lễ cúng dường. Tôn giả cho đó là phạm giới do khen được ăn, nên không thọ dụng. Phật dạy: “Nếu đàn việt trước đó đã phát tâm thì không phạm”. Phật bèn kiết giới lại và giới này kiết ba lần mới hoàn chỉnh.
b) Thích nghĩa:
+ Khen ngợi khuyến hóa đó là sự tán thán, khen ngợi quá lời về những phẩm chất tốt đẹp của người kia, như nói vị Tỳ-kheo ấy là tu 12 hạnh đầu đà, là đa văn, là pháp sư, là trì luật, tọa thiền. Cúng dường vị ấy được phước thù thắng. Do khen ngợi, khuyến hóa đàn việt như vậy nên sanh lòng tin cung kính mà hết lòng cúng dường.
+ Đặng thức ăn và ăn: Tức là nhận được cơm, bún, bánh trái, tô lạc, rau canh… của thí chủ cúng dường. Chữ ăn tiếp theo là động từ, chỉ cho nghĩa ăn, nuốt, nhai…
c) Phạm tướng:
Tỳ-kheo biết thức ăn do Ni giáo hóa mà có, cứ mỗi miếng là phạm một Ba-dật-đề.
Nhận được những áo lót, dầu thắp đèn từ sự khuyến hóa… đều mắc Ác tác.
Giáo hóa, tưởng là giáo hóa mắc tội Đọa. Nghi là giáo hóa và không giáo hóa lại tưởng là giáo hóa và nghi đều mắc Ác tác. Bốn chúng khác phạm Đột-kiết-la.
Nếu Ni tự đóng vai đàn việt, hoặc đàn việt nhờ Ni lo liệu, không phạm.
Điều 30: Tỳ-kheo nào, hẹn và đi chung đường với người nữ, dù chỉ trong quang xóm, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật trên đường đi. Có một phụ nữ vì cãi lộn với mẹ chồng bỏ về lại phía ngoại, tiện thể cùng đi với Tôn giả. Người chồng của cô ta rượt theo, thấy thế cho rằng Tôn giả dụ vợ mình đi trốn, bèn đánh Tôn giả gần chết. Tôn giả liền rời đường vào chỗ vắng, ngồi kiết già, nhập hỏa quang tam muội. Người đàn ông kia kịp nhận ra, sanh khởi thiện tâm, đợi Tôn giả xuất định, đảnh lễ sám hối. Tôn giả vì ông ta, nói diệu pháp giáo hóa rồi đi. Khi trở lại chùa, Tôn giả nói lại sự việc trên cho các Tỳ-kheo nghe, các Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Phần duyên khởi đã rõ nghĩa chánh văn.
c) Phạm tướng:
Tướng trạng của tội nhẹ, nặng giống như phạm tướng Điều 27 cùng đi với Ni. Chỗ khác ở đây là cùng đi với người bạch y. Bốn chúng khác phạm Đột-kiết-la.
Điều 31: Tỳ-kheo nào, tại trú xứ cúng một bữa, Tỳ-kheo không bệnh, chỉ nên ăn một bữa, nếu thọ nhận quá, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, ở nước Câu-tát-la nơi thôn nọ không có trú xứ của Tăng, có một cư sĩ thường cung cấp cho Tỳ-kheo một bữa ăn. Lục quần đến nơi thôn ấy vì khoái thức ăn ngon, ở lại đêm thứ hai. Do không chịu đi, cư sĩ bất kính, chê bai. Vì thế, Đức Phật kiết giới trên.
Nhân khi ngài Xá-lợi-phất đến nơi thôn này rồi ngã bệnh, sợ phạm giới này, dù bệnh ngài vẫn ra đi, do vậy bệnh càng nặng thêm. Chính vì thế, Đức Phật kiết giới lại, thêm chữ “vô bệnh” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
+ Một bữa tức bữa ăn chính do tín chủ cúng dường.
c) Phạm tướng:
Nếu không bệnh mà đến đó nhận quá một bữa ăn thì cứ mỗi miếng ăn là phạm một Ba-dật-đề. Lại nhận các thứ áo lót, dầu thắp đèn… mắc tội Ác tác.
Tỳ-kheo-Ni đồng phạm như Tỳ-kheo. Ba chúng còn lại, phạm Ác tác.
Nếu cư sĩ mời ở lại, nếu đàn việt thay nhau lần lượt mời cơm, ngày hôm nay nhận nơi người này, ngày mai nhận nơi người kia, hoặc vì bị các trở nạn, thọ nhận quá không phạm.
Điều 32: Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ các trường hợp khác, Ba-dật-đề. Trường hợp khác là: khi bệnh, khi thí y, đây gọi là trường hợp khác.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại thành La-duyệt. Trong chuyến ngài đi du hóa nhân gian, có Sa-nậu Bà-la-môn mang theo 500 xe thức ăn. Mùa đông qua rồi hạ đến, thí chủ theo sát Thế Tôn và không ngày nào ngớt sự cúng dường.
Sa-nậu đến nói với Tôn giả A-nan, hãy vì ông bạch Phật rằng: Xin đem số thức ăn kia trải nơi đất, cầu Phật và Tăng đi qua nhận cho sự thọ cúng này là đủ rồi. Đức Phật bèn cho phép nấu cháo, làm bánh để cúng dường cho Tăng và Tăng dùng chỗ cúng dường này, trước bữa ngọ trai.
Đây là nước Tần-đầu, dù mới phát lòng tin, vị đại thần của nước này đã sắm những thức ăn ngon để thỉnh cúng Tăng. Song trước đó, Tăng đã dùng cháo đặc, nên không thể thọ thực được nhiều thức ăn của đại thần cúng. Đại thần bất mãn nghĩ lệch vấn đề. Đức Phật chế không cho phép ăn cháo đặc. Cháo đặc là cháo lấy cọng cỏ vẽ qua mà mặt cháo không liền đường vẽ lại, nếu trái phạm sẽ như pháp trị.
Đức Thế Tôn trở lại thành La-duyệt. Có một nhạc sư với đức tin còn ít ỏi, ông đã sắm các thức ăn ngon thỉnh cúng Phật và Tăng. Song trước đó, Tăng đã dùng cơm, bún, bánh… không thể ăn được nhiều. Nhạc sư cảm thấy xúc phạm cơ hiềm. Phật nhân đó kiết giới, không cho phép lần lượt ăn.
Nhân lúc các Tỳ-kheo bệnh, đối với những nơi mời ăn, có những thức ăn và thuốc cho người bệnh nhưng các vị sợ phạm giới triển chuyển thực, cẩn thận không dám ăn. Đức Phật tùy khai cho Tỳ-kheo bệnh được phép triển chuyển thực. Lúc bấy giờ, có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng, lại có một cư sĩ khác mời dùng cơm và cúng y. Các Tỳ-kheo không dám nhận chỗ thỉnh sau, bạch Phật. Phật lại khai, cho phép khi thí y được triển chuyển thực, nên lại kiết giới thêm câu: “Trừ trường hợp đặc biệt” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
+ Triển chuyển thực cũng gọi là sát sát thực tức ăn nhiều lần liên tiếp, nghĩa là đã nhận một nhà mời ăn lại nhận một nhà nữa.
+ Thỉnh có hai loại: Một là Tăng theo thứ tự thỉnh. Hai là thỉnh riêng biệt.
+ Thức ăn đó là cơm, bún, bánh…
+ Trừ trường hợp đặc biệt là trừ thời gian Phật cho phép.
+ Khi bệnh là khi thân có bệnh, không thể ngồi ăn một lần no đủ được.
+ Khi thí y là sau Tự tứ một tháng, nếu không thọ y Ca-thi-na; sau Tự tứ năm tháng, nếu có thọ Ca-thi-na, hoặc là khi được sự cúng dường cơm và y vậy.
c) Phạm tướng:
Nếu ngày hôm nay được nhiều chỗ mời, nên chỉ nhận một chỗ, còn bao nhiêu chỗ khác nhường cúng lại cho các vị khác với lời sau: “Thưa trưởng lão, lẽ ra tôi nên đến đó nhưng xin cúng cho ngài”. Nếu không xả chỗ thỉnh trước, nhận chỗ thỉnh sau thì mỗi miếng ăn phạm một tội Đọa. Không xả chỗ thỉnh sau, nhận chỗ thỉnh trước, mỗi miếng ăn mắc một Ác tác. Bốn chúng khác phạm Đột-kiết-la.
Nếu thỉnh cúng chẳng phải thức ăn, hoặc ăn chưa no, hoặc không có người thỉnh, hoặc ăn rồi lại nhận được thức ăn, hoặc một nơi mà có bữa ăn trước, bữa ăn sau, không phạm.
Điều 33: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, Ba-dật-đề. Các trường hợp khác là: Khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi Sa-môn thí thực. Đây là trường hợp khác.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật. Các chuyện như sau: Đề-bà-đạt-đa bị tiếng xấu đồn khắp nên mọi nhu cầu cho sự sống bị cắt đứt. Nhóm Đề-bà gồm năn Tỳ-kheo đến từng nhà khất thực. Đức Phật kiết giới rằng: “Nếu Tỳ-kheo biệt chúng thực, Ba-dật-đề.”
- Điều dạy này khiến cho các Tỳ-kheo bệnh không dám biệt chúng thực. Phật dạy: “Cho phép Tỳ-kheo bệnh biệt chúng thực”.
- Lúc bấy giờ, Tự tứ xong, trong tháng Ca-đề, thời gian được may y, có Ưu-bà-tắc nhận thấy các Tỳ-kheo khá vất vả không ăn được, nên mời ăn. Các Tỳ-kheo nói: “Chỉ mời được ba vị ăn, còn chúng tôi không được biệt chúng thực”. Phật dạy: “Cho phép khi may y được thọ biệt chúng thực” nên kiết giới lại.
- Tiếp theo, một cư sĩ khác muốn cúng dường cơm và y. Các Tỳ-kheo nói: “Chỉ mời ba vị chứ chúng tôi không được phép biệt chúng thực”. Phật dạy: “Cho phép khi thí y, thọ biệt chúng thực” nên kiết giới lại.
- Lại nữa, có chúng Tỳ-kheo cùng các cư sĩ đến nước Câu-tát-la. Cư sĩ nói: “Đi cùng với chúng tôi, các vị khỏi phải khất thực, cơm nước chúng tôi lo cho. Lộ trình này khá nguy hiểm, nghi có sự khủng bố, chớ nên đi sau”. Các Tỳ-kheo nói: “Chỉ có ba vị, chứ chúng tôi không được ăn biệt chúng”. Các vị trụt lại phía sau để khất thực, vì vậy bị giặc cướp đoạt sạch. Phật dạy: “Đi trong đường nguy hiểm, cho phép ăn biệt chúng”, nên kiết giới lại.
- Lại có chúng Tỳ-kheo cùng với cư sĩ đi thuyền, các vị có ý muốn lên bờ khất thực, cư sĩ nói: “Cứ đi, tôi sẽ cung cấp thức ăn cho”. Tỳ-kheo nói: “Chỉ có ba vị, chứ chúng tôi không được ăn biệt chúng”. Các vị lên bờ khất thực, vì vậy bị giặc cướp đoạt sạch. Phật dạy: “Cho phép khi đi thuyền được ăn biệt chúng”. Nên kiết giới lại.
- Lại có chúng Tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la đến một thôn nhỏ. Cư sĩ nơi đây nghĩ rằng: “Chúng Tăng thì nhiều mà thôn xóm lại thiếu người, nên mời riêng thọ thực”. Các Tỳ-kheo nói: “Chỉ mời ba vị, chứ chúng tôi không được ăn biệt chúng”. Phật dạy: “Khi đại chúng tập hợp, cho phép ăn biệt chúng”, nên kiết giới lại.
- Lúc bấy giờ, em của vua Bình-sa tên là Ca-la, muốn xuất gia theo pháp Dị học ngoại đạo, vì vậy cúng dường thức ăn cho các Sa-môn. Ca-la đến già lam thỉnh thọ thực, Tỳ-kheo nói: “Chỉ mời ba vị, chứ chúng tôi không được phép ăn biệt chúng”. Phật dạy: “Cho phép khi Sa-môn thí thực, được ăn biệt chúng”, nên kiết giới lại. Tóm lại, giới này kiết tám lần mới hoàn chỉnh.
b) Thích nghĩa:
Phần duyên khởi đã giải thích rõ nơi chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo không có nhân duyên biệt chúng thực. Tỳ-kheo kia liền phải đứng dậy bạch: “Tôi ở đây không có nhân duyên biệt chúng thực, tôi xin đi ra”. Phật dạy: “Cho phép đi ra”.
Nếu người khác không có nhân duyên cũng mời họ đi ra. Nếu hai người, ba người tùy ý ăn; nếu bốn người hay hơn bốn người nên chia làm hai bộ rồi cùng nhau ăn. Nếu Tỳ-kheo có nhân duyên biệt chúng thực, muốn vào ăn, phải bạch rằng: “Tôi có nhân duyên biệt chúng thực, muốn vào ăn, xin Thượng tọa tùy thứ lớp cho phép được nhập chúng”. Nếu không có nhân duyên biệt chúng thực thì cứ mỗi miếng ăn, người ấy phạm Ba-dật-đề. Nếu có nhân duyên mà không thưa nói, mắc Ác tác. Nếu đúng như pháp dẫn thượng, không phạm.
Điều 34: Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y, được mời thọ dụng vật thực, hoặc bánh, hoặc bột; nếu cần dùng thọ hai, ba bát; trở về trong Tăng già lam, nên chia cho các Tỳ-kheo khác ăn. Nếu Tỳ-kheo không bệnh, thọ lãnh quá hai, ba bát, mang về trong Tăng già lam, không chia cho các Tỳ-kheo khác ăn, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, có vợ một cư sĩ về bên nhà cha mẹ. Chồng cô ta gọi trở về. Cô ta liền sắm sửa thức ăn và y phục đâu vào đó. Trong lúc ấy có các Tỳ-kheo đến nhà cô ta khất thực, cô ta đem số thức ăn đã mua sắm kia cúng dường và cúng hết sạch số thức ăn đã mua sắm cho các Tỳ-kheo. Người phụ nữ ấy phải mua sắm lại thức ăn, chậm trễ việc trở lại nhà chồng. Trong thời gian ấy, chồng cô ta lại cưới vợ khác.
Một việc khác: Có các Tỳ-kheo khất thực. Với tín tâm của mình, người khách buôn đem cúng dường cho các Tỳ-kheo chỗ lương thực đi đường. Ông ta phải vào thành mua sắm lại lương thực. Bạn đồng buôn đi trước khá xa, không theo kịp, ông ta bị cướp đoạt sạch.
Phật quở trách hai trường hợp trên rồi kiết giới.
Sở dĩ chánh văn có câu: “Tỳ-kheo không bệnh” là vì đã có Tỳ-kheo bị bệnh sợ phạm Điều giới, nên cẩn thận không dám thọ quá mức. Vì thế, Phật dạy: “Cho phép các Tỳ-kheo bệnh được thọ nhận nhiều hơn mức quy định”, nên kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
Nếu Tỳ-kheo đến nhà bạch y được cúng dường bánh, bột, thức ăn thì phải hỏi người tín chủ ấy: Đây có phải thức ăn của người phụ nữ về nhà chồng không? Hay là lương thực của lái buôn đi đường? Nếu là của hai hạng người ấy, nhận ăn rồi, phải trở lại già lam nói rõ với các Tỳ-kheo rằng nhà của tín chủ (mỗ, giáp) ấy, có thực phẩm của người phụ nữ về nhà chồng hay lương thực của lái buôn đi đường. Cần nhận thức ăn, nhận rồi nên đi. Nếu muốn mang thức ăn của người ấy về thì mang chừng mực hai, ba bát, phải tự giới hạng không được mang quá. Nếu mang một bát thức ăn về phải chia cho các Tỳ-kheo cùng nhau ăn. Điều cần phải nói với các Tỳ-kheo khác là: Nhà tín chủ (mỗ, giáp) ấy, có người phụ nữ hay lái buôn như thế như thế… nếu muốn mang thức ăn cúng dường ấy về thì nên mang hai bát, vì tôi đã mang một bát về rồi. Nếu mang hai bát về thì phải nói với các Tỳ-kheo khác rằng: “chỉ nên mang một bát thôi”. Nếu mang hết ba bát về thì phải nói với các Tỳ-kheo khác rằng: “Nếu đến nhà (mỗ, giáp) ấy khất thực thì chỉ ăn tại đó mà thôi”. Nếu họ cúng mang về thì khéo léo từ chối vì tôi đã mang ba bát về rồi.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo không bị bệnh nhận quá hai, ba bát mang về, ra khỏi cửa mắc tội Ba-dật-đề.
Nếu một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, do phương tiện, muốn đi nhưng rồi trở lại, mọi hành động không dứt khoát như vậy đều mắc tội Đột-kiết-la.
Nếu không hỏi rõ có phải thức ăn ấy là của người phụ nữ về nhà chồng hay của khách buôn thì mắc tội đột-kiết-la.
Nếu mang về trong Tăng già lam, không chia cho các Tỳ-kheo khác, một mình ăn thì mắc tội Đột-kiết-la. Không nói cho các Tỳ-kheo khác biết rõ sự việc mắc tội Đột-kiết-la. Nếu tín chủ tự mang đến Tăng già lam thì được phép nhận. Nếu lại đưa đến chùa Tỳ-kheo-Ni cũng được phép nhận. Nhận như thế không phạm.
Điều 35: Tỳ-kheo nào, đã ăn đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ăn nữa, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cùng các Tỳ-kheo nói pháp ăn một bữa. Từ đó, các Tỳ-kheo tùy vật có thể ăn được như ăn: gốc, lá, hoa, quả, cơm, bột, thậm chí uống nước trái tương và chỉ ăn một lần. Cơ thể gầy guộc, dáng sắc tiều tụy. Đức Phật cho phép một lần ngồi xuống ăn như cơm, bột, bánh… phải ăn cho no đủ. Tỳ-kheo bệnh, không thể nhất tọa thực như vậy nên được phép ăn nhiều lần. Lại cho phép người nuôi bệnh ăn xong rồi được ăn thức ăn của người bệnh ăn còn lại. Khi ấy, các Tỳ-kheo buổi sáng thọ thực, cất lấy chỗ dư rồi vào thôn khất thực, ăn xong trở về lấy thức ăn cất đó cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không dám ăn. Phật cho phép nhận để ăn nhưng phải tác pháp dư thực. Lại có Tỳ-kheo vào thôn, nhận được quá nhiều thức ăn uống và cùng nhau ăn rồi mang thức ăn dư trở về, tác pháp dư thực để mà ăn.
Tác pháp dư thực như sau:
“Thưa Đại đức, tôi đã ăn đủ xong rồi, xin được xem cho, biết cho. Đây là tác pháp dư thực”.
Vị Đại đức kia nên lấy một ít mà ăn, rồi nói: “tôi ăn rồi, thầy cất mà dùng, đây gọi là pháp dư thực”.
Khi ấy, có một Tỳ-kheo tham ăn, không biết lúc nào ăn đủ hay ăn không đủ, không biết chỗ dư thực hay không dư thực, nhận được là ăn tất. Đức Phật vì đó mà kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Thế nào là ăn đủ rồi? Tức là ăn thức ăn chính đã đầy đủ, với ý nghĩ thôi ăn, phát lời đình chỉ, rời khởi chỗ ngồi.
+ Có năm nhân duyên gọi là ăn đủ:
1. Biết rõ thức ăn đang ăn chính là cơm, bột, bánh…
2. Biết rõ thức ăn nhận được từ thí chủ mang đến trao cúng.
3. Biết rõ lúc ngăn nghĩa là tác tâm ăn xong, nói lời đủ rồi.
4. Biết rõ oai nghi nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi bốn oai nghi này đều được thọ thực.
5. Biết xả oai nghi, nghĩa là xóa oai nghi gốc như: Đi thì đứng, ngồi nằm là xả. Ngồi thì đi, đứng, nằm là xả và nằm thì đi, đứng, ngồi là xả.
+ Làm khác đi năm duyên này thì không gọi là ăn xong.
+ Hoặc khi thọ thỉnh có nghĩa là ăn đủ xong rồi lại ăn dư thực, hoặc nhận người khác mời ăn vậy.
+ Không làm phép dư thực mà ăn, nghĩa là không đem thức ăn đến nơi vị kia tác pháp mà ăn, liền mắc tội vậy.
c) Phạm tướng:
Ăn xong rồi xả oai nghi, không làm pháp dư thực mà ăn lại thức ăn chính và không chính. Cứ mỗi miếng phạm một Ba-dật-đề.
Nếu tự mình ăn đủ rồi, vì người khác làm pháp dư thực; hoặc biết người kia ăn xong rồi, đến trước vị ấy xin tác pháp; hoặc đem thức ăn để dưới đất tác pháp; hoặc bảo tịnh nhân cầm thức ăn tác pháp, hoặc đối trước tịnh nhân tác pháp; hoặc dậy thức ăn còn tốt hay không còn tốt rồi đem tác pháp; hoặc nhận pháp dư thực của người khác rồi đem hết đi. Tất cả như vậy, không thành pháp dư thực, đều mắc Ác tác.
Nếu ăn xong, tưởng là ăn xong, mắc tội Đọa. Nghi là ăn xong và không ăn xong mà tưởng là ăn xong, đều mắc Ác tác.
Bốn chúng khác phạm: Đột-kiết-la.
Trường hợp không phạm: Nếu bệnh, nếu ăn thức ăn của người bệnh còn dư.
Điều 36: Tỳ-kheo nào, biết Tỳ-kheo kia ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ân cần mời vị ấy ăn, nói rằng: “Trưởng lao hãy dùng món ăn này”. Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, phạm Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Vấn đề từ vị Tỳ-kheo tham ăn. Vị này bị các Tỳ-kheo khác quở trách, lòng ôm hận oán hờn. Sau một thời gian, với thái độ ân cần, vị này mời vị khác ăn, cốt muốn vị ấy phạm giới để đặt lại vấn đề hỏi tội vị kia. Các Tỳ-kheo bạch Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Thế nào là ân cần mời cho ăn? Nghĩa là đến ba lần lập lại lời mời thỉnh, ra sức nài ép, khuyến dụ bắt kẻ khác ăn cho được.
+ Muốn khiến cho người kia phạm tức là muốn vị Tỳ-kheo kia làm theo, nhân đó mà phạm tội để tâm vị kia sanh ăn năn, buồn bực vậy.
Ngoài ra, như trên đã giải thích.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo liền thọ thức ăn thì mỗi miếng ăn, cả hai bên đều phạm tội Đọa.
Nếu cho mà người kia không ăn thì người cho phạm Ác tác.
Tưởng và đối tượng tưởng và nghi, đều giống như giới trước.
Trường hợp không phạm: Trước đó không biết người kia đã ăn xong, hay là không có tâm muốn cho người kia phạm.
Điều 37: Tỳ-kheo nào ăn phi thời, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Lúc bấy giờ, hai Tôn giả Nan-đà và Bạt-nan-đà vào thành xem tiết hội nghệ thuật âm nhạc. Được dân chúng mời ăn uống. Ăn xong, hai vị tiếp tục xem cho đến xẩm tối mới trở về.
Lại một việc khác: Ca-lưu-đà-di khất thực vào lúc chạng vạng tối. Lúc trời tối sầm, có một ngời đàn bà mang thai bưng thức ăn ra ngõ, trong nhá nhem của sấm chớp, vừa trông thấy mặt Ca-lưu-đà-di ngỡ là quỷ, bà ta hãi hùng quá té nhào, thai bị đọa.
Trong lúc tức giận, bà ta mắng: “Sa-môn Thích tử, thà tự mổ bụng còn hơn là khất thực ban đêm.”
Đức Phật quở trách hai trường hợp trên rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Thời: Thời gian từ lúc bình minh tướng xuất hiện cho đến giữa ngày.
+ Phi thời: Thời gian từ sau giữa ngày đến lúc tướng mặt trời chưa xuất hiện.
+ Ăn có hai loại: Chánh thực và phi chánh thực. Chữ “thực” nằm sau “thọ thực” trong chánh văn nguyên bản là động từ nhằm chỉ động tác nhai, ăn, nuốt…
c) Phạm tướng:
Lúc phi thời nhận thức ăn và ăn, cứ mỗi miếng một tội Đọa.
Nếu thuốc phi thời, dùng quá thời hạn ấn định, thuốc bảy ngày dùng quá bảy ngày đều phạm tội Đọa.
Không có nhân duyên mà dùng thuốc tận hình thọ, mắc Ác tác.
Phi thời, tưởng là phi thời mắc tội Đọa.
Phi thời tưởng là thời, hoặc nghi, cho đến thời mà tưởng là phi thời, hoặc nghi đều phạm tội Ác tác.
Ni phạm tội giống như Tỳ-kheo. Ba chúng còn lại phạm Ác tác.
Trường hợp không phạm: ăn hắc thạch mật, có bị bệnh uống thuốc nôn mửa, cho phép nấu thóc không để vỏ bóc ra, lược lấy nước uống, hoặc thức ăn từ trong họng ụa ra, nuốt vô lại, không phạm tội.
Điều 38: Tỳ-kheo nào, cất chứa đồ ăn qua đêm mà ăn, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ca-duy thường ngồi thuyền, tư duy: Hành khất là việc làm nhàm chán, tốt hơn lưu giữ thức ăn lại để ăn. Phật dạy: “Ý ông tuy rằng muốn thiểu dục, tri túc song chúng sanh sau này làm theo thì không lợi”. Phật quở trách xong kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Thức ăn cách đêm là thức ăn nhận hôm nay rồi để ngày mai mới ăn, nên gọi đây là thức ăn cách đêm.
+ Đối với tất cả Sa-môn Thích tử thọ Đại giới rồi đều coi thức ăn này là không thanh tịnh.
+ Ăn có hai loại: Chánh thực và phi chánh thực.
+ Sao gọi là chánh thực và phi chánh thực? Đó là thức ăn như gốc, củ cho đến bột mịn.
c) Phạm tướng:
Phi thời, quá phi thời ăn, thọ dụng thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng phạm Ba-dật-đề.
Thuốc tận hình thọ, không có nhân duyên bệnh mà dùng, phạm Đột-kiết-la.
Cách đêm, tưởng cách đêm, phạm Ba-dật-đề.
Cách đêm mà tưởng chẳng phải cách đêm; chẳng phải cách đêm mà tưởng cách đêm và nghi, phạm đột-kiết-la.
Nếu trước đêm nhận thức ăn có dư, trao cho cha mẹ, người công quả nơi Tháp, người dọn dẹp phòng xá, tính theo công mà trao cho. Sau đó, đến họ xin lại thì được phép dùng. Nếu bát bồn có chỗ nứt, thức ăn nhét vào trong, cạy rửa sợ bể bát, nên đúng pháp rửa ba lần song vẫn không ra, tất cả đều không phạm.
Nếu cách đêm dùng tô, dầu, chất béo để rót vào lỗ mũi, nếu khi mũi đầy, tô dầu tràn chảy ra nên bỏ. Ngoài ra không phạm.
Điều 39: Tỳ-kheo nào, đưa vào miệng thức ăn hoặc thuốc không được trao nhận, trừ nước và tăm, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Có một Tỳ-kheo khất thực, mặc áo phấn tảo nhặt lấy những thức ăn, uống mà cư sĩ đã cúng tế cha mẹ, anh chị em đã qua đời, để ăn. Cư sĩ bất bình, chê trách nên Phật kiết giới.
Do không rõ Điều giới nên các Tỳ-kheo không dám tự ý lấy tăm xỉa răng và nước uống. Phật dạy: “không phạm” bèn kiết giới lại thêm câu: “Trừ nước và tăm xỉa răng” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
+ Thực gồm có: Khư-xà-Ni thực[1], ma thực (thuộc về loại cơm và bột), xà-da-Ni thực[2], phi thời, quá phi thời, thất nhật dược, quá thất nhật dược.
+ Không thọ tức là không được trao từ Tỳ-kheo-Ni, học pháp nữ, Sa-di, Sa-di-Ni, các nam nữ tại gia… mà nhận.
c) Phạm tướng:
Không trao nhận mà đưa vào miệng: Khư-xà-Ni thực, ma thực, Xà-da-Ni thực, phi thời, quá phi thời, thất nhật dược, quá thất nhật dược: phạm Ba-dật-đề.
Tận hình thọ dược, không có nhân duyên mà nhận ăn, phạm đột-kiết-la.
Không thọ tưởng là không thọ, phạm tội Đọa. Không thọ và nghi, thọ mà tưởng là không thọ và nghi đều mắc tội Ác tác.
Bốn chúng khác phạm, tội như giới trên.
Trường hợp không phạm: Ni nhận được trao cho Tỳ-kheo thọ thực. Tỳ-kheo nhận được trao cho Ni thọ thực. Hoặc khi khất thực chim tha rơi vào bình bát, hay gió thổi bay rơi vào, tất cả đều không phạm.
Điều 40: Các thứ ẩm thực mỹ diệu như sữa, lạc, cá và thịt, Tỳ-kheo nào không bệnh mà xin những thứ ẩm thực ấy cho mình, Ba-dật-đề [3].


a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, Bạt-nan-đà đến một thương chủ xin thức ăn, uống mỹ diệu. Thương chủ kích bát, không đồng tình, nên Phật kiết giới. Bởi vậy, dù có bệnh, Tỳ-kheo sợ phạm, cẩn thận không dám xin cũng không dám vì người bệnh mà xin và có nhận được rồi cũng không dám ăn. Đức Phật dạy: “không phạm”… Ngài kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Không bệnh mà xin thức ăn mỹ diệu cho chính mình, mỗi miếng ăn phạm một tội Đọa.
Bốn chúng khác phạm tội Đột-kiết-la.
Điều 41 : Tỳ-kheo nào, tự tay cho thức ăn đến nam ngoại đạo, nữ ngoại đạo, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Trên đường hành hóa từ nước Câu-tát-la đến nước Xá-vệ, đức Phật nhận được nhiều thực phẩm cúng dường. Phật bảo ông A-nan chia bánh cho chúng Tăng. Chia rồi còn dư, Phật bảo phân cho người đi xin. Trong số người ăn xin có một nữ ngoại đạo lõa hình, nhan sắc đoan chính. Ông A-nan phân bánh, do bánh dính hai cái làm một, người nữ đó nhận được cái bánh dính lại này từ ông A-nan. Cô ta hỏi người kề bên: “Một người một cái hay hai cái?”. Người ấy bảo: “Một người một cái”. Cô ta nói: “Tôi được hai cái”. Người ấy nói với cô ta rằng: “Vị sư chia bánh cùng với cô tư thông”. Các Tỳ-kheo nghe lời đó đều không vui.
Một Phạm chí có mặt trong hội này, do đó đã khinh thường Sa-môn. Trên đường đi gặp Bà-la-môn, ông ta gọi: “Cù-đàm Sa-môn là bọn trọc đầu.” và thuật lại sự việc kia. Đức Phật, do hai việc ấy nên chế: “không được phép cho ngoại đạo ăn”.
Lúc bấy giờ, các ngoại đạo oán rằng: “Không phải cái lỗi của chúng tôi”. Đức Phật bèn cho phép để dưới đất mà cho, sai người cho, không được tự tay cho, nên kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
+ Ngoại đạo đó là người lõa hình khác học thuyết. Ba-tư-ba-xà xuất gia theo đạo này.
c) Phạm tướng:
Cho mà nhận, phạm Ba-dật-đề. Cho mà họ không nhận, phạm Đột-kiết-la.
Vì phương tiện muốn cho mà không cho, xoay lại hối hận: phạm Ác tác.
Bốn chúng khác phạm: tội Ác tác.
Nếu cho cha mẹ, cho người chăm sóc Tháp, tính theo giá mà cho, không phạm.
Điều 42: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận người mời nhưng trước hay sau bữa ăn đi đến nhà khác mà không báo cho Tỳ-kheo khác biết, trừ trường hợp đặt biệt, Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y. Đây là những trường hợp đặc biệt.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành có một trưởng giả là bạn thân của Bạt-nan-đà, vì Bạt-nan-đà nên thiết lập trai soạn mời Tăng. Ông ta đợi Bạt-nan-đà đến rồi mới mời Tăng thọ trai. Tuy nhiên, Bạt-nan-đà sau khi tiểu thực lại đến nhà khác, gần giữa ngày mới trở lại. Do vậy, các Tỳ-kheo ăn uống vội không đủ no. Lại có một đại thần cũng vì Bạt-nan-đà đem cam tươi đến chùa, đợi Bạt-nan-đà về phân cho chúng Tăng, song Bạt-nan-đà ăn xong lại đến nhà khác, quá giữa ngày mới trở về, khiến cho chúng Tăng không dùng được số cam tươi đó. Đức Phật nhân đó kiết giới. Từ đó, các Tỳ-kheo sợ phạm, cẩn thận không dám vào thành thọ thỉnh. Đức Phật cho phép vào thành nhưng phải trao dặn cho nhau biết. Cũng chính vì thế, các Tỳ-kheo bệnh cẩn thận không dám vào thành sợ phạm Điều học: “Sau bữa ăn đến nhà khác”. Đức Phật cho phép Tỳ-kheo bệnh được vào thành, miễn phải trao gởi dặn dò.
Trong thời gian Ca-đề, các Tỳ-kheo tranh thủ may y cho xong để kịp thời thí y nên không tiện vào thành thọ thỉnh. Đức Phật, vì thế kiết gới lại, trừ trường hợp đặc biệt không chúc thọ, tức không phải báo cho nhau biết, không phạm.
b) Thích nghĩa:
+ Thỉnh là nhà thí chủ thỉnh.
+ Trước bữa ăn là thời gian từ tướng mặt trời xuất hiện cho đến bữa ăn. Sau bữa ăn là thời gian từ lúc ăn đến giữa trưa.
+ Đến là chỗ cần đến vậy.
+ Nhà khác tức là nhà trước không mời thọ trai.
+ Không chúc thọ cho Tỳ-kheo khác biết nghĩa là không báo cáo với Tỳ-kheo cùng ở trong một cương giới biết.
c) Phạm tướng:
Nếu đã báo dặn rõ ràng đến thôn nọ song đi nửa đường trở lại thì sự báo đó không thành, sau muốn đi cần phải báo lại.
Nếu không đến đúng địa điểm đã báo mà đến một nhà khác thì sự báo cáo trước đó bị mất; muốn đi lại chỗ đã báo trước kia, phải báo cáo lại. Nếu báo cáo đến nhà bạch y nhưng lại đến kho tàng, tụ lạc, nhà họ tộc, chùa Ni, sau đó liền trở về từ nhà bạch y thì mất sự báo cáo trước, nên phải báo cáo lại mà đi. Nếu không báo cáo vào nhà khác phạm tội Đọa.
Nếu một chân trong cửa một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà không đi, đều phạm Ác tác.
Ni chúng phạm tội đồng như thế. Ba chúng còn lại phạm tội Ác tác.
Không phạm: Không thể báo cáo kịp đến chỗ không có Tỳ-kheo như đến kho tàng, tụ lạc, chùa Ni. Nếu có nhiều nhà mời, hoặc bị thế lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn không phạm tội Đọa.
Điều 43: Tỳ-kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu, mà cố nán ngồi, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi;
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Ca-lưu-đà-di đến nhà Trai Ưu-bà-di khất thực. Được thức ăn rồi nhưng vì có tâm luyến ái nên không chịu đi, gây trở ngại cho người chồng lúc ham muốn làm tình với vợ lên cực điểm. Đức Phật quở trách Ca-lưu-đà-di rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Sao gọi là thực tức ăn? Đây muốn nói nam lấy nữ làm thức ăn. Nữ lấy nam làm thức ăn.
+ Báu chỉ cho bảy báu. Xét theo ý của văn luật thì đây muốn nói đến vấn đề ái dục.
+ Cưỡng là bắt buộc người khác làm theo ý muốn của mình dù họ không đồng tình.
c) Phạm tướng:
Cố ngồi, tay với không đụng cửa: Ba-dật-đề.
Không phạm: Nếu trong nhà có của báu, từ chỗ ngồi với tay đụng cửa hoặc có hai Tỳ-kheo làm bạn, hoặc có người khác hiểu biết, hoặc chỗ có khách đi qua lại, không đui không điếc, không điếc không đui, hoặc thình lình bị té do bệnh, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn, không phạm.
Điều 44: Tỳ-kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu mà ngồi chỗ khuất, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Do chỗ Phật cấm không được ngồi xa cửa quá duỗi tay, trong nhà có vật báu, thọ thực. Phải ngồi ở chỗ duỗi thẳng tay đụng cánh cửa. Vì thế, Ca-lưu-đà-di lại đến nhà Trai Ưu-bà-di cùng cô ta ngồi sau cánh cửa. Vì vậy, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Giới trước cùng với vợ chồng Trai ngồi nơi chỗ trống, giới này một mình cùng với người nữ ngồi nơi chỗ bị che khuất. Điểm khác nhau của hai giới là ở chỗ đó.
c) Phạm tướng:
Trì, phạm giống như giới trước.
Điều 45: Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với một người nữ tại một chỗ trống, Ba-dật-đề.
- Duyên khởi giống như giới trước.
- Nghĩa của chữ độc là một mình người nữ với một Tỳ-kheo và đây lại là ngồi chỗ trống.
Tất cả trì, phạm giống như trước.
Điều 46: Tỳ-kheo nào, nói với Tỳ-kheo khác như vầy: “Đại đức hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức thức ăn”. Tỳ-kheo ấy rốt lại không khiến cho thức ăn đến Tỳ-kheo kia, lại nói rằng: “Đại đức hãy đi chỗ khác, tôi không thích nói chuyện hay ngồi một chỗ với Đại đức. Tôi thích ngồi một mình, nói chuyện một mình” chỉ với mục đích ấy, chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Bạt-nan-đà cùng với Tỳ-kheo khác cãi lộn, phải cần cầu sám hối nên ôm hận vào lòng. Sau một thời gian, Bạt-nan-đà phỉnh gạt Tỳ-kheo kia rằng: Đi với tôi sẽ có ăn. Tỳ-kheo kia nghe theo, đi đến chỗ không có thức ăn. Dẫn quanh cùng khắp để thế nào ra khỏi Xá-vệ đến Kỳ Hoàn là quá ngọ, như thế là không thể ăn được. Khi ấy, Bạt-nan-đà tuôn ra lời xấu đuổi Tỳ-kheo kia đi. Riêng Bạt-nan-đà vào nhà người cho ăn, mà ăn. Đức Phật quở trách Bạt-nan-đà rồi kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Phương tiện đuổi đi có nghĩa là mượn cớ ngồi lại với nhau để nói lời chỉ trích không vui… đuổi đi.
c) Phạm tướng:
Tìm mọi cách thức để đuổi người khác đi, rời khỏi chỗ thấy nghe, hoặc tự bỏ chỗ thấy nghe, đều phạm tội Đọa.
Nếu người khác hay tự mình bỏ chỗ thấy đến chỗ nghe, bỏ chỗ nghe đến chỗ thấy đều mắc Ác tác.
Ni phạm, tội giống như vậy. Ba chúng còn lại mắc Ác tác.
Không phạm: Trao thức ăn rồi bảo đi, hoặc bệnh, hoặc không oai nghi, người mà mình không hoan hỷ muốn gặp. Hay nói: “Thầy về đi, tôi sẽ đưa thức ăn đến chùa”. Kẻ phá giới, phá kiến, phá oai nghi, nếu trong chúng đã bị cử tội hoặc bị tẫn xuất, hoặc cần phải tẫn xuất, hoặc thấy có mạng nạn, phạm hạnh nạn, bằng cách khéo léo bảo đi mà không hề có tâm hiềm hận, không tội.
Điều 47: Tỳ-kheo được thỉnh thọ nhận thuốc bốn tháng, Tỳ-kheo không bệnh có thể nhận; nếu quá hạn mà nhận, trừ có sự thỉnh thường xuyên, thỉnh tiếp tục, thỉnh chia phần, thỉnh suốt đời, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Ni-câu-luật. Lúc bấy giờ, có cư sĩ dòng họ Thích Ma-ha-nam, thường thỉnh chúng Tăng cung cấp thuốc. Lục quần cho rằng vì quá cung kính bậc Thượng tọa mà cư sĩ cúng thuốc tốt còn đối với chúng ta thì lại không có tâm cung kính, nên cúng cho thuốc xấu. Nếu có đến thẳng nhà ông ta xin lại gặp khó khăn, không hề có sự cung ứng kịp thời, lập tức Lục quần phán trách cư sĩ kia có ái, xảo ngôn không thật. Do vậy, cư sĩ Ma-ha-nam không còn cung cấp thuốc cho chư Tăng nữa. Đức Phật vì sự này mà kiết giới.
Về sau, do các duyên thỉnh khác lại khai cho thường thỉnh…
b) Thích nghĩa:
+ Bốn tháng là bốn tháng mùa Hạ. Đây là căn cứ vào duyên thỉnh đương thời mà kiết giới. Theo lý thì nên tùy theo thí chủ thỉnh: Hoặc Xuân hoặc Hạ hoặc Đông hoặc ba tháng, hoặc hai tháng, việc này không nhất định.
+ Chỉ quá hạn định là không được đòi hỏi.
+ Bệnh là người được thầy thuốc hướng dẫn cho uống thuốc.
+ Nên thọ có nghĩa là Phật cho phép nhận.
+ Thọ quá mức là đòi nhận quá mức hạn định.
+ Thường thỉnh là gì? Tức là người ấy biểu lộ như sau: “Tôi thường xin được cúng thuốc”.
+ Thỉnh tiếp tục là thế nào? Tức là sau một giai đoạn cúng rồi lại tiếp tục thỉnh cúng.
+ Thỉnh chia phần là gì? Tức là người thí chủ đem thuốc tới chùa cúng rồi phân chia cho chư Tăng.
+ Thỉnh suốt đời là sao? Tức là người thí chủ ấy nói: “Tôi nguyện sẽ cúng thuốc suốt đời”. Thỉnh có bốn loại:
1. Thời gian có giới hạn, thuốc không giới hạn.
2. Thời gian có hạn, thuốc có giới hạn, nên thuốc chỉ cung cấp cho bốn tháng Hạ.
3. Thời gian không hạn định, thuốc có hạn định.
4. Thời gian không hạn dịnh, thuốc không hạn định. Nên tùy theo lúc nào cúng thì nhận.
Sở dĩ gọi thời gian ở đây là đêm, bởi vì ngày bao gồm cả trong đêm. Nếu đêm chưa qua hết thì chưa vượt qua giới hạn của ngày hôm ấy.
c) Phạm tướng:
Nếu thọ dụng quá, cứ mỗi miếng thuốc phạm một tội Đọa.
Ni phạm, tội giống như trước. Ba chúng còn lại phạm Ác tác.
Không phạm: Nếu trong thời hạn đã định, hoặc bệnh, thọ quá không phạm.
Điều 48: Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, Ba-dật-đề, trừ có nhân duyên hợp thời.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, đích thân cầm lục quân chinh phạt bọn phản loạn. Lục quần đến xem, nhà vua không bằng lòng. Tuy vậy, vua vẫn gởi lời thăm hỏi kính lễ đức Thế Tôn và gởi theo một gói đường phèn để dâng cúng. Nhân việc này, đức Phật quở trách Lục quần và kiết giới trên. Sau đó, vua Ba-tư-nặc có hai người em tên là Lê-sư-đạt và Phú-la-na, lãnh sứ mạng chinh phạt. Trong quân trận khao khát muốn chiêm ngưỡng Tỳ-kheo nên sai người đi mời. Các Tỳ-kheo sợ phạm Điều cấm cẩn thận không dám đến. Đức Phật kiết giới lại thêm câu: “Trừ có nhân duyên hợp thời” không phạm.
b) Thích nghĩa:
Phần duyên khởi đã rõ.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo đến xem quân trận, đến mà trông thấy phạm Ba-dật-đề. Đến mà chưa thấy phạm Đột-kiết-la và với phương tiện rất mực trang trọng, muốn đến mà không đến đều phạm Đột-kiết-la. Nếu trên đường đi, quân đội đến sau, phải tránh qua bên lề đường, nếu không tránh phạm Đột-kiết-la.
Nếu có việc cần đến, hoặc người ta mời đến, hoặc bị thế lực dẫn đến, hoặc đường thủy, đường bộ bị đứt, nạn giặc, nạn thú, hoặc bị sức mạnh bắt trói đem đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.
Điều 49: Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm, nếu quá Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, Lục quần có nhân duyên đến trong quân trại và ngủ lại đó. Cư sĩ cơ hiềm. Đức Phật vì đó kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Có nhân duyên tức là được vua hay thần dân mời đến, hoặc vì việc Tam bảo cần đến thưa trình.
+ Quân trại là chỗ quân lính trú đóng để đánh giặc.
c) Phạm tướng:
Nếu ở đến đêm thứ ba, khi tướng mặt trời chưa xuất hiện nên rời chỗ thấy, nghe, không như vậy thì phạm.
Nếu rời chỗ thấy đến chỗ nghe, rời chỗ nghe đến chỗ thấy, phạm Đột-kiết-la.
Nếu gặp các trở ngại, không phạm.
Điều 50: Tỳ-kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm, hoặc khi xem quân đội diễn tập, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần dựa vào chỗ Thế Tôn chế giới cho phép có nhân duyên được ngủ hai, ba đêm tại quân trại, bèn đến xem dàn quân chiến đấu của bộ binh, của voi, của ngựa. Một Tỳ-kheo bị tên bắn gây thương tích phải chở về. Cư sĩ cơ hiềm, Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Trì, phạm, khai, giá theo giới trước làm chuẩn.
Điều 51: Tỳ-kheo nào uống rượu, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Chi-đà. Tôn giả Sa-già-đà, đêm đến ngủ lại trong phòng của Phạm chí bện tóc. Có một con độc long phun lửa. Tôn giả liền hiện các thần thông biến hóa hàng phục được nó.
Vua nước Câu-diệm-di biết rõ việc này, lòng rất kính phục. Tôn giả được mời thuyết pháp và đạt sự hoan hỷ trong mọi người. Nhà vua rất mực ân cần và ba lần thưa hỏi: “Ngài cần gì?”. Tôn giả lặng thinh. Lục quần nói: “Sáu vật Tỳ-kheo được nhận là đơn giản, còn vật khó có được, chỉ nhà vua mới cho được thôi”. Vua hỏi: “Vật gì gọi là khó được?”. Vâng, thưa ngài: “Hắc tửu” vậy!
Ngày hôm sau lớp lớp món ăn ngon, sang trọng cộng với hắc tửu được dọn ra thiết cúng. Một phen Tôn giả được ăn uống no đủ… Trên đường về, Tôn giả ói mửa, gục ngã.
Tôn giả A-nan bạch Phật sự việc. Phật dạy: “Con người ấy, hiện bây giờ thì một con rắn nhỏ cũng không hàng phục nổi huống chi là đại độc long.” Phàm đã uống rượu thì có mười tổn thất và tội lỗi:
1. Nhan sắc xấu xí.
2. Sức lực yếu dần.
3. Mắt mờ dần.
4. Tướng sân nhuế hiện rõ.
5. Phá hư sự nghiệp và tư cách sống.
6. Chuốc lấy bệnh hiểm nghèo.
7. Ưa gây sự, kiện tụng.
8. Bị xem thường, tiếng xấu đồn khắp.
9. Trí tuệ đần độn dần.
10. Thân tàn, mạng dứt đọa vào ba đường ác.
“Từ nay về sau, ai gọi Ta là thầy thì không được uống rượu, dù cho đó là một hạt rượu trên đầu cọng cỏ để thấm vào môi”. Thế Tôn lại kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Uống là động tác nuốt vào họng.
+ Nếu là tửu (chất say) mà sắc, hương, vị chẳng phải tửu đều không nên uống.
+ Chẳng phải tửu (chất say) mà sắc, hương, vị là tửu thì có thể uống.
c) Phạm tướng:
Nếu uống rượu ngọt, rượu lạc, ăn hèm và rượu cặn đều phạm Đột-kiết-la.
Rượu hay tưởng là rượu, nghi là rượu, rượu tưởng không phải rượu, đều phạm Ba-dật-đề.
Không phải rượu tưởng là rượu và nghi đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu có bệnh gì đó, thuốc trị không lành, phải cần đến rượu, hay dùng rượu thoa ghẻ đều không phạm.
Điều 52: Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, nhóm 17 người trẻ tắm nơi sông A-kỳ-la-bà-đề đùa giỡn trong nước. Vua Ba-tư-nặc cùng phu nhân trên lầu, trong tầm thấy từ xa, phu nhân biết nhóm tuổi nhỏ xuất gia ở trong Phật pháp chưa bao lâu. Phu nhân sai người đến thăm hỏi Thế Tôn, dâng cúng lên Ngài gói đường phèn và bạch lại vấn đề phu nhân đã trông thấy. Đức Phật quở trách Thập thất quần rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu là lạc tương, thanh lạc tương, rượu. Nước mạch đựng trong các vật dụng để mua vui, đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu cần lội qua sông, lặn xuống nước, hoặc muốn học bơi, rửa tay, vẽ trong nước, tạt nước, không phạm.
Điều 53: Tỳ-kheo nào, lấy ngón tay thọc lét người khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Một thầy trong Lục quần thọc lét một vị trong Thập thất quần: nhột, cười ngất, đứt hơi, chết. Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu dùng tay thọc lét, đều phạm tội Đọa.
Nếu cầm cây, gậy, chìa khóa, phất trần và tất cả các vật khác thọc lét, đều phạm Ác tác.
Nếu người ngủ cần xúc chạm để thức dậy, hoặc chạm nhầm, không phạm.
Điều 54: Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại Câu-diệm-di. Xiển-đà có thái độ phạm giới, các Tỳ-kheo can mà không nghe. Đức Phật, vì đó mà kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Không nhận lời can gián có nghĩa là người ấy thành thật dùng lời khuyên nhủ mà không chấp nhận.
c) Phạm tướng:
Nếu người khác ngăn rằng: “Đừng làm như vậy, không nên như vậy”. Song vẫn cố ý hoạt động, phạm căn bản bất tùng ngữ, Đột-kiết-la. Nếu tự biết hoạt động như thế là sai song vẫn bảo thủ, phạm căn bản bất tùng ngữ, Ba-dật-đề.
Nếu kẻ không có trí đến khuyên can, hoặc nói giỡn chơi và nhầm nói… không phạm.
Điều 55: Tỳ-kheo nào, dọa nạt Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Ba La Lê Tỳ. Lúc bấy giờ, Tôn giả Na-ca-ba-la thường hầu hai bên lúc Phật đi kinh hành.
Thường pháp của chư Phật, nếu đi kinh hành, người cúng dường đứng ở đầu đường đi kinh hành. Tại đây Thích Đế Hoàn nhân hóa làm kim kinh hành đường đứng hầu Phật.
Tôn giả Na-ca-ba-la bạch đức Thế Tôn: “Đầu đêm đã qua thỉnh ngài về lại phòng”. Thế Tôn im lặng. Đến giữa đêm, cuối đêm, Tôn giả cũng thưa như vậy…
Tôn giả Na-ca-ba-la phản ứng bèn mặc áo bằng lông, giả làm phi nhân đến nơi Phật, khủng bố Ngài. Sáng hôm sau, Thế Tôn họp Tăng, quở trách rồi vì thế kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu dùng lục trần để khủng bố làm cho sáu căn của người kia lãnh hội được, phạm Ba-dật-đề; không lãnh thọ được phạm Đột-kiết-la.
Khủng bố một cách trắng trợn phạm Ba-dật-đề, không rõ ràng phạm Đột-kiết-la.
Nếu không cố ý hành động khủng bố, không phạm.
Điều 56: Tỳ-kheo, nửa tháng tắm một lần, Tỳ-kheo không bệnh nên thọ, nếu quá, trừ trường hợp đặc biệt Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là: Thời gian nóng, khi bệnh, khi lao tác, khi gió và mưa, khi đi đường. Đó là trường hợp đặc biệt.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà. Vua Bình-sa cho phép các Tỳ-kheo vào trong ao của nhà vua tắm. Lục quần sau đêm, lúc tướng mặt trời chưa xuất hiện vào ao tắm. Sáng ra, vua và thể nữ đến muốn tắm không thể tắm được. Đại thần rất đỗi bất bình, hiềm trách. Đức Phật vì vậy mà kiết giới. Sau đó, do các nhân duyên như nóng, mưa, gió… nên tùy khai cho trường hợp đặc biệt.
b) Thích nghĩa:
Thời gian nóng là thời gian tháng đầu của mùa Hạ.
c) Phạm tướng:
Trừ trường hợp đặc biệt, Tỳ-kheo nửa tháng nên tắm rửa. Nếu không vậy, xối qua một lần khắp thân, phạm Ba-dật-đề.
+ Nếu chỉ xối nửa thân cũng phạm Ba-dật-đề.
+ Nếu có những Điều kiện để tắm mà không tắm đều mắc Ác-tác.
+ Không phạm: vì thế lực, cưỡng bức bảo tắm, không tội.
Điều 57: Tỳ-kheo không bệnh, để tự sưởi, nhóm lửa tại chỗ đất trống, hoặc bảo người nhóm, trừ có nhân duyên, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại thành Khoáng-dã, Lục quần nói với nhau: “ở trước Thượng tọa, chúng ta không thể làm theo ý mình được”. Thế là các thầy ra ngoài phòng, nơi chỗ đất trống, tập trung cỏ và củi, đốt lửa bên gốc cây đại thọ để sưởi. Trong bộng cây có một con rắn độc bị hơi nóng của lửa luồn vào bức quá, phóng vọt ra khỏi bộng chạy thoát thân. Các Tỳ-kheo hoảng kinh, chụp lấy những lẻ củi đang cháy quăng loạn xạ tứ tung, làm cháy giảng đường Phật. Phật nhân đó kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo tự sưởi ấm, nhóm lửa nơi chỗ đất trống, hoặc bảo người nhóm, Ba-dật-đề.”
Chính bởi thế, nên các Tỳ-kheo bệnh sợ phạm, cẩn thận không dám đốt lửa. Đức Phật cho phép Tỳ-kheo bệnh được nhóm lửa nơi đất trống, hoặc nhờ người nhóm, kiết giới lại thêm hai chữ: “Vô bệnh”. Lại một việc khác: Các Tỳ-kheo muốn vì người bệnh, nấu thức ăn, hoặc tại nhà sưởi ấm, nhà trú, nhà tắm, xông bát, nhuộm y, đốt đèn, đốt hương đều sợ phạm, cẩn thận không dám làm. Đức Phật dạy: “Những trường hợp như vậy, cho phép nhóm lửa”, kiết giới lại, thêm câu: “trừ khi có nhân duyên” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu không bệnh tự sưởi, hoặc đốt cỏ, cây, nhánh, lá, phân bò, lúa ép, trấu… đều phạm tội Đọa.
Nếu dùng lửa để trên cỏ, đến cả đặt lửa lên lúa lép, trấu cũng phạm tội Đọa.
Nếu dùng cây cháy phân nửa bỏ vào lửa và đốt than đều phạm Ác tác.
Nếu không nói với người: “Người xem đây, biết đây” phạm Ác tác.
Không phạm: Khi có nhân duyên.
Điều 58: Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, dù chỉ giỡn chơi, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, có cư sĩ thỉnh Tăng. Trong lúc chờ đến bữa cơm, Thập thất quần đem y, bát, tọa cụ… để vào một nơi rồi đi kinh hành. Lục quần rình lúc họ kinh hành quay lưng lại liền lấy y, bát của họ giấu hết. Đến giờ, tìm mãi không được. Lục quần cười đùa, trêu chọc trước họ. Đức Phật nhân vậy mà kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu cố ý làm phiền hà người khác, hoặc vì giỡn chơi mà giấu, đều mắc tội Đọa.
Nếu thông cảm nhau mà lấy cất, sợ gió mưa hay bị mất, hoặc có mạng nạn, phạm hạnh nạn mà lấy cất, tất cả đều không phạm.
Điều 59: Tỳ-kheo nào, đã cho y cho Tỳ-kheo-Ni, Thức-xoa ma-Ni, Sa-di, Sa-di-Ni; về sau không nói với chủ, lấy lại mà dùng, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trú xứ như giới trước. Lục quần chơn thật tịnh thí cho các Tỳ-kheo rồi, sau không hỏi sở hữu chủ tự lấy lại mặc. Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Tịnh thí y có hai cách:
1. Chơn thật tịnh thí.
2. Triển chuyển tịnh thí.
+ Chơn thật tịnh thí thì thưa như sau: “Đại đức một lòng nhớ nghĩ, tôi có cái y dư này, chưa tác tịnh. Nay vì tịnh, xả cho Đại đức”. Đây là chơn thật tịnh thí.
+ Triển chuyển tịnh thí nghĩa là đối với vị kia tác pháp, song vẫn cất để dùng. Điều cần phải làm là đem y đến trước một vị Tỳ-kheo nói: “Đại đức một lòng nghĩ, đây là y dư của tôi, chưa tác tịnh, nay vì tịnh thí cho Đại đức”. Thực hiện như vậy là triển chuyển tịnh thí.
Vị nhận tịnh kia nói rằng: “Trưởng lão nghe cho: Ngài có y dư như thế, chưa tác tịnh, vì tịnh cho tôi. Tôi nay xin nhận. Ngài muốn cho ai chăng?”
Vị kia đáp rằng: “tôi muốn cho thầy…”
Vị thọ tịnh nói: “Trưởng lão, ngài có y dư như vậy, chưa tác tịnh, vì tịnh thí cho tôi. Tôi nay xin nhận, cho Tỳ-kheo… này là sở hữu chủ của Tỳ-kheo… Ngài vì Tỳ-kheo… gìn giữ cẩn thận, tùy ý sử dụng”.
c) Phạm tướng:
Chơn thật tịnh thí rồi, sau muốn lấy lại mặc phải hỏi sở hữu chủ, không như vậy phạm Ba-dật-đề.
Triển chuyển tịnh thí, thì tuy ý sử dụng.
Điều 60: Tỳ-kheo nào, được y mới, tùy ý dùng một trong ba màu: hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc. Nếu không làm hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan mà mặc nguyên y mới, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần mặc y màu trắng, cư sĩ dèm pha chê trách. Đức Phật vì thế kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ y mới là y mới làm thành, hoặc vừa nhận được từ người khác, đều gọi là y mới.
c) Phạm tướng:
Nhận được mà không nhuộm bằng ba màu cho hoại sắc hay mặc bao nhiêu loại y mới khác đều phạm Ba-dật-đề.
Nếu có y dày, y mỏng và đãy đựng bát, đãy đựng guốc, đãy bát bằng tơ lụa, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, khăn… không tác tịnh mà cất chứa, tất cả đều phạm Ác tác.
Nếu đem y chưa nhuộm, gởi nơi nhà bạch y cũng phạm Ác tác.
Điều 61: Tỳ-kheo nào, cố ý giết chết mạng sống loài vật, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Ca-lưu-đà-di rất ghét loài quạ, dùng cung trúc bắn, quạ bị giết dồn lại rất nhiều. Cư sĩ bất mãn, khinh thường. Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo đoạn mạng súc sanh, phạm Ba-dật-đề.” Điều này đã khiến cho các Tỳ-kheo lo sợ vì trong khi ngồi, đứng, đi lại giết chết nhiều côn trùng nhỏ dù các vị cẩn thận đã làm pháp sám. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại thêm chữ “cố ý” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
Phần duyên khởi đã giải thích chánh văn,
c) Phạm tướng:
Nếu đích thân đoạn mạng, dạy người đoạn mạng, sai bảo người, viết thư, đào hầm đến việc dùng thuốc độc, dụng cụ để sát hại… nếu bị chết, Ba-dật-đề. Chuẩn bị phương tiện để giết mà không giết, mắc Ác tác.
Nếu không cố ý giết, mọi hình thái không có tâm sát hại, không phạm.
Điều 62: Tỳ-kheo nào, biết trước có trùng mà uống hoặc dùng, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ đồng như giới trước. Lục quần lấy nước có tạp trùng uống dùng, Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo uống, dùng nước có tạp trùng, Ba-dật-đề.”
Lại có một Tỳ-kheo không biết nước có trùng, sau mới biết bèn làm pháp sám hoặc sợ phạm lại quá cẩn thận. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại “…biết mà uống, dùng phạm Ba-dật-đề.”
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu trùng trong nước trái tương, rượu, trong nước thanh lạc tương, nước thanh mạch… uống, dùng, Ba-dật-đề.
Nếu có trùng tưởng là có trùng, Ba-dật-đề.
Nước có trùng hay nghi; nước không có trùng tưởng là có trùng; nước không có trùng hay nghi, đều phạm Đột-kiết-la.
Nước trước đó không biết có trùng, hoặc có loại trùng lớn, khua động nước đuổi nó đi, hoặc lọc nước uống, dùng không phạm.
Điều 63: Tỳ-kheo nào, có ý gieo nghi ngờ cho Tỳ-kheo khác, dù chỉ khiến cho họ không yên tâm trong chốc lát. Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ giống như giới trước. Thập thất quần hỏi Lục quần rằng: “nhập sơ thiền là sao? Cho đến nhập tứ thiền là sao? thế nào là nhập không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc tứ quả?”. Lục quần kết tội ngay: “Như vậy các ông đã nói đến chỗ chứng tức là tự xưng được pháp Thượng nhân, các ông đã phạm Ba-la-di, chẳng phải là Tỳ-kheo.”
Thập thất quần bèn thưa với bậc thượng tọa: “Chúng tôi hỏi như vậy là phạm tội gì?”. Thượng tọa bảo: “không phạm”. Tỳ-kheo bạch Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo gieo nghi ngờ cho người khác, Ba-dật-đề”.
Lúc bấy giờ, chúng Tỳ-kheo tập họp lại một chỗ, cùng thảo luận pháp luật. Có một Tỳ-kheo rút lui khỏi cuộc họp, bởi vì vị này nghi ngờ rằng: “Như vậy là các Tỳ-kheo đã cùng với mình tạo ra những nghi ngờ không hay”. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Chẳng phải cố ý thì không phạm”. Phật kiết giới lại thành chánh văn trên.
b) Thích nghĩa:
+ Nghi não là nói để sanh ra lo sợ trong tuổi trẻ hoặc nói vị ấy thọ giới không đúng như pháp, Yết-ma không thành, vị ấy phạm Bảy tụ.
c) Phạm tướng:
Gây nghi não người khác như vừa nêu, nếu nói một cách trắng trợn, phạm Ba-dật-đề; nói bóng gió không rõ ràng phạm Đột-kiết-la.
Nếu người thật không phải như vậy, khi còn trẻ tuổi, thật tuổi không đủ hai mươi, thật bạch không thành, Yết-ma không thành, thật phi pháp biệt chúng một cách vô cớ, thật nhận sự lợi dưỡng của người, thật nhận sự lễ kính của đại Tỳ-kheo, thật muốn nói rõ cho các vị ấy biết để như pháp sám hối, hoặc nói giỡn, nói nhầm lẫn… không phạm.
Điều 64: Tỳ-kheo nào, biết rõ Tỳ-kheo khác, phạm tội thô ác mà cố ý che giấu, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Một Tỳ-kheo do chỗ thân tình nên che giấu Thô tội của Bạt-nan-đà. Về sau, bất mãn nhau lại đem chỗ Thô tội kia nói với Tỳ-kheo khác. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo che giấu Thô tội của các Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề.”
Trong lúc ấy có Tỳ-kheo, trước đó không biết, sau mới biết liền tác pháp sám hoặc nghi, Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Đức Phật kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
+ Thô tội là tội Tứ khí và 13 Tăng tàn.
c) Phạm tướng:
Lúc tiểu thực biết, sau ngọ thực nói. Sau ngọ thực biết, đầu đêm nói. Đầu đêm biết, sau đêm nói, đều phạm Đột-kiết-la. Giữa đêm biết, sau đêm muốn nói mà chưa nói, tướng mặt trời xuất hiện, phạm Ba-dật-đề.
Che giấu tội khác nhau, tự che giấu Thô tội, che giấu Thô tội người khác, đều phạm Đột-kiết-la.
Thô tội, tưởng là Thô tội, Ba-dật-đề.
Nghi là Thô tội, chẳng phải Thô tội, tưởng là Thô tội, nghi chẳng phải là Thô tội, đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu không có người để nói, hoặc muốn nói mà có mạng nạn, phạm hạnh nạn, vì như vậy nên không nói, không phạm.
 Điều 65: Người đủ hai mươi tuổi nên cho thọ Đại giới, nếu Tỳ-kheo biết người chưa đủ tuổi hai mươi mà cho thọ Đại giới, Ba-dật-đề. Người ấy không đắc giới, các Tỳ-kheo đáng bị khiển trách vì là si.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại thành La-duyệt. Lúc bấy giờ, nhóm mười bảy thiếu Niên, lớn nhất là 17 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi là bạn chí thân với nhau. Trong chỗ tâm đắc cùng rủ nhau đến chùa cầu đạo xuất gia. Các Tỳ-kheo độ cho và truyền trao Đại giới cho họ. Vì không kham nổi ăn một bữa, nửa đêm đói kêu, rên như bộng. Đức Phật nói với A-nan: “Không nên trao Đại giới cho người chưa đủ tuổi hai mươi bởi họ không kham chịu lạnh, nóng, đói, khát và không chịu đựng được những lời nói ác, không thể giữ giới, không kham ăn một bữa”. Ngài kiết giới rằng: “Nếu Tỳ-kheo biết người đủ tuổi hai mươi, nên cho thọ Đại giới; chưa đủ tuổi hai mươi mà cho thọ Đại giới, người này không đắc giới, Tỳ-kheo kia đang bị quở trách vì si vậy, phạm Ba-dật-đề.”
Lại vấn đề khác: Có vị trước không biết chưa đủ tuổi hai mươi sau mới rõ nên lập tức tác pháp sám hoặc phân vân nghi ngờ. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại thêm chữ “biết” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Để xác định đủ hay không đủ tuổi hai mươi, trong chúng hỏi người thọ giới: “Ông đã đủ tuổi hai mươi chưa?”. Người thọ giới thưa: “Hoặc đủ hai mươi, hoặc không đủ hai mươi”, hoặc nghi, hoặc không biết năm tháng, hoặc nín thinh, hoặc chúng Tăng không hỏi, chỉ Hòa thượng biết và nghi đều phạm Ba-dật-đề.
Chúng Tăng biết và nghi đều phạm Đột-kiết-la.
Hòa thượng ba phen Yết-ma trao Đại giới cho người chưa đủ tuổi hai mươi, phạm Ba-dật-đề.
Nếu trước đó không biết, tin người thọ giới nói, hoặc người thân gần làm chứng, hoặc tin nơi cha mẹ họ, nếu thọ giới rồi nghi. Phật dạy: “Cho phép tính năm tháng trong thai, tính tháng nhuần, hoặc tính tất cả mỗi 14 ngày thuyết giới để làm số năm tuỏi thì không phạm”.
Điều 66: Tỳ-kheo nào, biết tránh sự đã được như pháp giải quyết rồi, sau đó lại khơi dậy, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Lục quần đấu tránh, như pháp đã giải quyết xong nhưng sau đó gây sự lại, gay gắt nói: “Ngài không thấy rõ vấn đề, không thành quan sát, không khéo giải quyết, không thành giải quyết, không khéo chấm dứt, không thành chấm dứt”. Vì thế, Tăng chưa tránh sự khởi lên tránh sự và đã có tránh sự thì không chấm dứt được. Tỳ-kheo biết, bạch Phật, Ngài quở trách rồi kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo đấu tránh, như pháp diệt rồi, sau phát khởi lên lại, phạm Ba-dật-đề.” Sau kiết gới: Có vị không hề biết tránh sự như pháp diệt rồi, sau đó lại biết nên liền tác pháp sám, hoặc có vị phân vân nghi. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Đức Phật kiết giới lại thêm chữ “biết” vào văn giới.
b) Thích nghĩa:
+ Như pháp là như Chánh pháp, như luật, như lời Phật dạy. Tránh có: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.
c) Phạm tướng:
Biết mà phát khởi lên lại: Gây nói trắng trợn, phạm Ba-dật-đề; không rõ ràng, Đột-kiết-la.
Nếu phát khởi các tránh sự mạ lỵ khác, tự mình gây sự, cùng với người chưa thọ Cụ túc tránh sự, tất cả mắc Ác tác. Không như pháp diệt, tưởng như pháp diệt và nghi, đều phạm Ác tác.
Nếu trước không biết như pháp diệt… đều không phạm.
Điều 67: Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp mà giao hẹn và cùng đi chung một đường, dù chỉ trong một xóm đến một xóm Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ đồng như giới trước. Lục quần đến kết bạn cùng khách buôn đi từ Xá-vệ đến Tỳ-xá-ly. Cả hai bị quan thuế bắt, áp giải đến vua Ba-tư-nặc. Vua không nỡ giết Sa-môn chỉ quở trách rồi phóng thích. Đức Phật vì vậy mà kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo cùng với giặc, làm bạn đồng đi cho đến một thôn, phạm Ba-dật-đề.”
Lúc bấy giờ, có vị Tỳ-kheo trước không biết họ là giặc, sau mới biết nên liền tác pháp sám hoặc nghi. Phật dạy: “Không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại thêm chữ “biết”.
Lúc ấy, có người chẳng kết bạn thân cùng đi, song cũng nghi là phạm. Phật dạy: “Không kết thân thì không phạm”. Ngài kiết giới lại, thêm hai chữ: “Giao hẹn”.
Giới này ba lần kiết mới thành chánh văn trên.
b) Thích nghĩa:
+ Giao hẹn nghĩa là hẹn ước bạn cùng đi đến chỗ nào đó.
+ Đi chung là cùng kết bạn, cùng tại một địa điểm để đi đến một nơi nào đó.
+ Mệnh đề: “Dù chỉ trong khoảng một xóm” phải hiểu dù đi trong một xóm, cũng phạm tội này.
c) Phạm tướng:
Không có thôn, nơi đồng trống, không cương giới cùng đi ít nhất là mười lý, phạm Ba-dật-đề. Dưới mười lý mắc Đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, cùng giao hẹn mà không đi, đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu bị thế lực bắt, nếu bị trói để đi, nếu mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm.
Điều 68: Tỳ-kheo nào, nói như vầy: “Tôi biết rằng, theo pháp mà Phật dạy, sự hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”. Các Tỳ-kheo kia nên can gián các Tỳ-kheo này rằng: “Đại đức chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Thế Tôn, xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng: Sự hành dâm dục là pháp chướng đạo”. Khi được các Tỳ-kheo can gián, Tỳ-kheo vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ trước. Tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến, tự nói: “Tôi biết Thế Tôn nói chánh pháp, việc phạm dâm dục, chẳng phải pháp chướng đạo”. Các Tỳ-kheo khuyên can không bỏ, bạch Phật, Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo cho phép chúng Tăng vì Tỳ-kheo A-lê-tra bạch tứ Yết-ma, tác pháp ha gián cho bỏ việc ấy, bèn kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Pháp tuần tự khuyên can quở trách, ha gián ở đây giống như pháp ha gián trong “Tăng tàn”. Hoặc vừa bạch liền bỏ, hoặc trong khi Yết-ma rồi bỏ. Ở thiên Tăng tàn thì mức giảm là Thô tội, giới này mức giảm là Ác tác. Không luận thọ Đại giới, ngăn can gián, ngăn thọ can gián đều mắc Ác tác.
Nếu khởi đầu nói liền bỏ, hoặc can gián biệt chúng, phi pháp hòa hiệp, phi Tỳ-Ni, không đúng với lời dạy của Phật, hoặc không có người can gián thì không phạm.
Điều 69: Tỳ-kheo nào biết nói lời như thế chưa được tác pháp (giải), tà kiến như thế chưa bỏ, lại cung cấp các nhu yếu, cùng Yết-ma, cùng ngủ nghỉ, cùng nói chuyện, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Duyên khởi đồng như giới trước. Tăng ha gián ác kiến của A-lê-tra song vẫn kiên trì không bỏ. Đức Phật khiến Tăng nêu lên tội không bỏ ác kiến, bạch tứ Yết-ma cử tội này. Lúc ấy, Lục quần lại cung cấp các nhu yếu, cùng cộng tác pháp sự, ngủ nghỉ, nói năng. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới.
Sau kiết giới, có Tỳ-kheo trước không hề biết có nói như vậy, sau mới biết liền tác pháp sám hối, hoặc phân vân nghi ngờ. Phật dạy: “không biết, không phạm”. Ngài kiết giới lại, thêm chữ “biết”.
b) Thích nghĩa:
+ Người nói lời như thế tức là Tỳ-kheo nói hành dâm dục chẳng phải chướng đạo.
+ Chưa được tác pháp tức là người bị cử tội, do cố chấp ác kiến không có tâm cải hối, chúng Tăng chưa tác pháp giải Yết-ma.
+ Cung cấp chủ yếu có hai loại:
1. Pháp tức dạy tu tập để giới thể càng thêm Tăng trưởng, tâm tuệ, học vấn, tụng kinh.
2. Tài tức là cho y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược.
+ Ngủ nghỉ nghĩa là cùng thất mà ngủ.
+ Thất là không gian có che chắn bốn phía và lợp bên trên hoặc nhiều, hoặc ít, như thế đều gọi là thất.
c) Phạm tướng:
Nếu cùng với người bị cử tội ngủ, không luận người ấy đến trước, đến sau, hay cùng đến, tùy theo lưng dính chiếu (đất) tất cả đều phạm Ba-dật-đề.
Nếu không biết, hoặc ở chỗ đất trống, bệnh chuyển mình, bị thế lực bắt, trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, không phạm.
Điều 70: Tỳ-kheo nào, biết Sa-di ấy nói như vầy: “Tôi nghe pháp từ đức Phật, nói rằng: Hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”. Các Tỳ-kheo nên can gián Sa-di ấy như vầy: “Ngươi chớ xuyên tạc Thế Tôn, xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Sa-di, Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo”. Khi được các Tỳ-kheo can gián như vậy, thế mà Sa-di vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ, các Tỳ-kheo nên nói với Sa-di ấy rằng: “Ngươi từ nay trở đi hãy đi khỏi nơi đây, không được nói rằng: “Đức Phật là Thế Tôn của tôi”, không được đi theo các Tỳ-kheo khác. Như các Sa-di khác được phép ngủ hai, ba đêm cùng với các Tỳ-kheo; nhưng ngươi nay không có sự kiện ấy. Ngươi hãy đi khỏi đây, hãy đi khuất chỗ này, không được sống ở đây nữa”. Nếu Tỳ-kheo biết Sa-di đã bị đuổi giữa chúng như vậy, mà dụ đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Bạt-nan-đà có hai đệ tử Sa-di, sanh ác kiến như đã biết. Đức Phật bảo Tăng đưa hai Sa-di này ra trước chúng Tăng, đứng ở vị trí mắt thấy, tai không nghe, bạch tứ Yết-ma, tác pháp ha gián nhưng hai Sa-di vẫn ngoan cố không bỏ. Ngài lại khiến Tăng, đưa hai Sa-di đứng chỗ như trước, tác pháp diệt tẫn. Khi bị Tăng diệt tẫn rồi, Lục quần biết nhưng vẫn dụ đem về nuôi, cùng phòng ngủ. Các Tỳ-kheo bạch Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Trong chánh văn, từ mệnh đề đầu đến câu: “Dâm dục là pháp chướng đạo” là lời quở trách can gián. Nếu ngoan có không bỏ thì ba phen Yết-ma can gián. Ba phen can gián không bỏ thì lại tác pháp diệt tẫn: “Ngươi từ nay trở đi đến câu: Không được sống nơi đây nữa”. Đây là văn Yết-ma tác pháp diệt tẫn.
+ Đoạn sau là văn kiết giới.
+ Sao nói diệt tẫn? Tức là cần phải loại bỏ, đuổi đi không được cùng ở trong trú xứ của Tỳ-kheo.
+ Dụ dỗ nghĩa là dùng pháp, tài khuyến khích dẫn dắt gọi đi vậy.
+ Chứa chấp, nuôi dưỡng: Hoặc tự mình nuôi chứa hay cho người nuôi chứa.
+ Chứa chấp là dung chứa cho họ nương tựa.
+ Dưỡng nghĩa là cung cấp y thực và dạy học kinh pháp.
+ Cùng ngủ chung tức cùng phòng thất mà ngủ.
c) Phạm tướng:
Hoặc mình dụ dỗ, hoặc dạy người khác dụ dỗ đều mắc Ba-dật-đề.
Ngoài ra, các vấn đề trì, phạm chuẩn theo giới trước mà luận.
Điều 71: Tỳ-kheo nào, khi được các Tỳ-kheo như pháp can gián lại nói rằng: “Thưa các Đại đức, tôi nay không học Điều giới này, trừ phi tôi hỏi rõ, Tỳ-kheo trì luật có trí khác”, Ba-dật-đề. Nếu muốn hiểu biết, học hỏi thì nên hỏi.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Xiển-đà Tỳ-kheo phạm học xứ này. Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ “Pháp”: Đó là như pháp, như luật, như Phật đã dạy.
+ “Can gián” là dùng lời lẽ thành thật, chính đáng dạy bảo khuyên can.
+ “Nói như vậy” đó là lời nói kháng cự.
+ Mệnh đề: “Tôi nay không học Điều giới này” nhằm nói không tu tập Ba-la-đề-mộc-xoa. Sự thật, chẳng phải là không tu mà dùng lời như vậy để chống cự lời can gián.
c) Phạm tướng:
Nếu có nói đúng như lời đã giải thích một cách rõ ràng, phạm Ba-dật-đề; mơ hồ không rõ phạm Ác tác.
Nếu kẻ can gián ngu si, không có kiến giải, Tỳ-kheo này nói: Ông trở về hỏi Hòa thượng của ông. Ông phải học hỏi tụng  lại kinh điển. Nếu sự thật là như vậy, hoặc nói giỡn cho đến nhầm lẫn nói… không phạm.
Điều 72: Tỳ-kheo nào, khi tụng giới, nói như vầy: “Đại đức nói những giới vụn vặt ấy có ích gì? Khi nói giới ấy chỉ làm người ta phiền muộn, xấu hổ, hoài nghi”. Vì khinh chê giới, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Chúng Tỳ-kheo cùng một trú xứ tụng Chánh pháp, tụng Tỳ-Ni. Lục quần sợ chúng Tăng thông suốt luật qua việc tụng này rồi cử tội mình, bèn nói với các Tỳ-kheo kia rằng: “Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt này làm gì? Nếu muốn tụng thì tụng bốn Ba-la-di và 13 Tăng tàn là được rồi, phần còn lại tụng làm chi để người ta hoài nghi sanh buồn phiền”. Các Tỳ-kheo biết ý muốn tiêu diệt đối với Chánh pháp của Lục quần nên bạch Phật. Phật quở trách rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu Tỳ-kheo khi thuyết giới, khi tụng giới mà các Tỳ-kheo khác buông lời như vậy để chê giới một cách trắng trợn, phạm Ba-dật-đề, nói mơ hồ không rõ phạm Ác tác.
Chê bai A-tỳ-đàm và các khế kinh: Đột-kiết-la.
Nếu chẳng phải muốn làm mất chánh pháp mà nói như vậy, hoặc nói giỡn chơi, nhầm lẫn nói đều không phạm.
Điều 73: Tỳ-kheo nào, khi nghe tụng giới, nói như vầy: “Nay tôi mới biết pháp này được ghi trong giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ giới kinh”. Các Tỳ-kheo khác biết Tỳ-kheo này, đã từng ngồi dự tụng giới, hoặc hai, hoặc ba lần, huống nữa là nhiều lần, Tỳ-kheo ấy không phải do vì không biết mà khỏi tội. Nếu có phạm tội, thì phải được xử trị như pháp, rồi lại chồng thêm tội vô tri, bảo rằng: “trưởng lão, thật không ích lợi gì cho ngài, không có sở đắc tốt đẹp gì cho ngài, vì trong khi tụng giới, ngài không dụng tâm., không nhất niệm lắng tai nghe pháp”. Vị Tỳ-kheo ấy vô tri. Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Có một Tỳ-kheo trong Lục quần, tự biết mình phạm tội, nên khi thuyết giới, sợ các Tỳ-kheo thanh tịnh cử tội, bèn trực diện Tỳ-kheo thanh tịnh nói: “Tôi nay mới biết pháp này ghi trong giới kinh, xuất xứ từ giới kinh, cứ mỗi nửa tháng tụng một lần”. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Tỳ-kheo ấy, nếu khi tự thuyết giới, hoặc khi vị khác thuyết giới, hoặc khi tụng giới, nói lời như vầy: “Tôi nay mới biết…(chánh văn)…” phải cử hai lần tội Ba-dật-đề. Bởi vì, họ đã phạm lại nói trớ rằng mới biết Điều học, cho nên mắc hai lần tội Đọa.
Nếu không cử tội họ, thì chúng Tăng phạm tội Đột-kiết-la.
Nếu chưa nghe nói giới, nay mới nghe, rộng ra, nếu chưa từng được nghe nay mới nghe, hoặc nói giỡn đến nhầm nói… đều không phạm.
Điều 74: Tỳ-kheo nào, sau khi đã cúng chúng Yết-ma, lại nói như vầy: “Các Tỳ-kheo tùy chỗ thân hậu mà cho vật của Tăng”, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại Kỳ-xà-quật. Đạp-bà-ma-la-tử được Tăng sai làm Điển Tăng, phân phối giường, ngọa cụ và ẩm thực cho Tăng. Tôn giả vì lo việc cho Tăng, cho Tháp nên không tham dự hội thiết trai cúng dường của đàn việt. Do vậy, y phục của Tôn giả bị hư rách…
Vào một thời điểm khác, có thí chủ cúng cho Tăng một chiếc y quý giá. Tăng bạch nhị Yết-ma, trao y cho Ma-la-tử trước sự hiện diện của Lục quần. Sau khi trao y rồi, Lục quần lại mỉa mai nói xấu: “Vì chỗ thân cận, Tăng tùy tiện đem y của chúng Tăng cho Đạp-bà-tử”.
Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật quở trách rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Thân hậu có nghĩa là đồng bậc Hòa thượng, A-xà-lê cùng vai vế ở gần gũi với nhau.
c) Phạm tướng:
Sau khi Yết-ma, nói trắng ra phạm Ba-dật-đề, nói mơ hồ bóng gió: phạm Ác tác.
Nếu là sự thật, vì nhân hậu đem của Chúng Tăng cho, hoặc nói giỡn, kể cả nhầm nói… không phạm.
Điều 75: Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, không dữ dục mà đứng dậy ra đi, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc. Có chúng Tỳ-kheo tập hợp tại một trú xứ để thảo luận pháp Tỳ-Ni. Lục quần nghi Tăng chơi khéo họ, tác Yết-ma, các ông liền rời chỗ ngồi ra đi. Tăng yêu cầu ngồi lại song họ từ chối. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Ngài kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo nào, trong lúc chúng Tăng đoán sự chưa xong, đứng dậy bỏ đi, phạm Ba-dật-đề.”Sau kiết giới, có Tỳ-kheo phân vân, nghi có nên đi ra vì lý do bận việc cho Tăng, cho Tháp hoặc chăm sóc Tỳ-kheo bệnh…? Phật dạy: “cho phép dữ dục” nên kiết giới lại.
b) Thích nghĩa:
+ Gọi là Tăng tức là đồng một thuyết giới, đồng một Yết-ma.
+ Sự là chỉ cho 18 việc phá Tăng.
c) Phạm tướng:
Việc chưa xong đứng dậy di: Chân di động ra khỏi cửa, phạm Ba-dật-đề. Một chân trong cửa một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc ước hẹn đi mà không đi, tất cả phạm Đột-kiết-la.
Nếu vì Tăng, vì Tháp và nuôi bệnh, dữ dục không phạm.
Nếu vì câm không nói dữ dục được, hoặc tác Yết-ma phi pháp, phi luật, hoặc muốn vì Tháp, Tăng, nhị sư, thân hữu, làm việc tổn giảm không lợi ích, không dữ dục mà đi, không phạm.
Điều 76: Tỳ-kheo nào đã dữ dục, sau đó tỏ sự bất bình, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Có người trong Lục quần phạm sự, sợ chúng Tăng đơn cử tội. Sáu người lúc nào cũng cấu kết với nhau, khiến cho các Tỳ-kheo không thể tác pháp Yết-ma được. Sau đó, nhân thời may y của Lục quần, các Tỳ-kheo cho người gọi Lục quần đến họp. Các ông trả lời: “Chúng tôi bận may y, không thể đến được”. Tăng nói: “Nếu không thể đến thì bảo một, hai vị có thể mang dục đến”. Các ông liền sai một Tỳ-kheo nhận dục đến họp.
Lúc bấy giờ, chúng Tăng nhanh chóng cùng với vị Tỳ-kheo nhận dục tác Yết-ma. Khi trở về, vị Tỳ-kheo này nói với Lục quần việc tác Yết-ma thành. Lục quần thua trí hận nói: “Tác Yết-ma đó chẳng phải là Yết-ma, Yết-ma không thành. Tôi dữ dục một việc khác, chứ không dữ dục việc này”. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Ngài kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Vị kia hối hận thốt lời phủ nhận trắng trợn, phạm Ba-dật-đề. Không rõ ràng mắc Đột-kiết-la.
Nếu là sự thật thì Yết-ma không thành, hoặc nói giỡn cho đến nhầm nói, không phạm.
Điều 77: Tỳ-kheo nào, sau khi các Tỳ-kheo tranh cãi nhau, nghe lời người này đem nói với người kia, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ giống như giới trước. Lục quần nghe lời lẽ tranh cãi của các Tỳ-kheo với nhau rồi “thêu” lời bên này, “dệt” lời bên kia khiến cho Tăng chưa có tránh sự sanh ra tránh sự, đã có tránh sự không chấm dứt được. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Tránh có bốn loại:
+ Ngôn tránh…sự tránh.
+ Nghe ở đây là nghe lén.
c) Phạm tướng:
Đến rình nghe, nếu nghe thì phạm Ba-dật-đề, không nghe thì mắc Đột-kiết-la.
Nếu phương tiện muốn đi nghe mà không đi, cùng hẹn đi nghe mà không đi, đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu hai người ở trong chỗ tối hay chỗ kín nói chuyện, đi đường nói, để cho họ cảnh giác, phải đằng hắng hay khảy móng tay, nếu không vậy thì phạm Đột-kiết-la.
Nếu muốn tác Yết-ma phi pháp, phi luật, hoặc vì Tháp, Tăng, nhị sư, thân hữu, làm suy giảm, tổn hại những việc không ích lợi, muốn được sự hiểu biết, đến nghe không tội.
Điều 78: Tỳ-kheo nào, giận hờn không hoan hỷ, đánh Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần đánh Tỳ-kheo trẻ. Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Chánh văn đã rõ.
c) Phạm tướng:
Đánh bằng cách dùng đá, cây, tay, đều mắc tội Đọa.
Nếu dùng cây gài cửa, phất trần, chông hương đánh: mắc Đột-kiết-la.
Nếu đụng nhầm, không phạm.
Điều 79: Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, khoa tay dọa đánh Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật vẫn ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần dùng tay dọa đánh nhóm 17 Tỳ-kheo. Phật kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Dọa là lấy tay toan muốn đánh người khác mà chưa đụng đến mình họ.
+ Do giới trước Thế Tôn cấm đánh, nên Lục quần lại dùng tay dọa đánh khiến cho họ sợ.
c) Phạm tướng:
Trong giới này tội nặng nhẹ đều giống phạm tướng giới trên.
Nếu người khác muốn đánh đưa tay ngăn lại, hoặc đụng nhầm, không tội.
Điều 80: Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống Tỳ-kheo khác bằng pháp Tăng-già Bà-thi-sa không căn cứ, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần vu khống nhóm 17 Tỳ-kheo nên Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Căn tức là ba căn: Kiến, văn, nghi.
c) Phạm tướng:
Vu khống vô căn cứ một cách trắng trợn: Phạm tội Đọa. Không rõ ràng mắc Ác tác.
Nếu có căn cứ, nói đúng sự thật, muốn cho họ cải hối, không phạm.
Điều 81: Tỳ-kheo nào, khi nhà vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi chưa ra, bảo vật chưa được thu cất, mà vào cung vua, bước qua khỏi ngạch cửa, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Mạt-lợi phu nhân nghe Phật thuyết pháp và chính nơi tòa ngồi, phu nhân đắc được con mắt nhìn thấy các pháp đều trong sạch. Trở về cung, hoàng hậu khuyên vua nên ui lòng tin Phật. Khi lòng tin đã có trong nhà vua, vua cho phép các Tỳ-kheo ra vào trong cung tự do.
Ca-lưu-đà-di khất thực, tiện thể ông đi vào vương cung. Trong lúc ấy, nhà vua cùng phu nhân đang nằm với nhau dù là ban ngày. Phu nhân nom thấy từ xa Ca-lưu-đà-di đến, liền đứng dậy khoác vội áo choàng. Do áo bị vướng vào ghế rơi xuống đất, lộ hình. Phu nhân xấu hổ, ngồi sụp xuống ngay…
Ca-lưu về chùa, nói với các Tỳ-kheo: Tôi đã thấy “đệ nhất bảo” của vua. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Nhà vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi còn gọi là vua Thủy nghiêu đầu được giải thích như sau:
- Sát-lợi là dịch âm, dịch nghĩa là “điền chủ”. Vì ở sơ kiếp là người có đức, được dân chúng lập làm chúng xứ để phân chia ruộng đất. Chính vì thế mà quý trọng, tôn vinh là Tự tại, cho nên tên gọi này thưa tiếp mãi mãi.
- Quán đảnh: Khi lên ngôi vua, các tiểu vương, các đại Bà-la-môn đều quy tụ lại, dùng nước bốn biển lớn rót lên đảnh nhà vua. Do thế trở thành vua Sát-đế-lợi giòng quán đảnh.
­­­­­­+ Việc thiết lập, dù không phải giòng trên, chẳng hạn giòng Bà-la-môn, giòng Tỳ-xá, Thủ-đà-la, nếu lấy nước rót lên đảnh như thế để lập ngôi vua thì cũng gọi là giòng vua quán đảnh Sát-lợi.
+ Thế nào gọi là chưa ra? Nghĩa là vua chưa ra khởi nơi nghỉ, thể nữ chưa trở lại chỗ cũ của họ.
+ Sao gọi là bảo vật chưa thu cất? Tứac là bảy báu cùng tất cả vật báu khác chưa thu cất vào nơi tàng giữ.
c) Phạm tướng:
Bước qua khỏi ngạch cửa của vương cung: phạm Ba-dật-đề.
Một chân trong, một chân ngoài ngạch cửa, khởi ý muốn đi, cùng hẹn muốn đi. Tất cả đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu vào nhà các tiểu vương, quan lại khác, nhà trưởng giả, nhà hào quý đều mắc tội Ác tác.
Nếu vua đã ra, các thể nữ đã vào chỗ cũ, các vật báu đã thu dọn, cần thưa trình việc gì, hoặc bị gọi vào, hoặc bị thế lực dẫn đến, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.
Điều 82: Tỳ-kheo nào, tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, trừ ở trong Tăng già lam hay chỗ ký túc, Ba-dật-đề. Nếu ở trong Tăng già lam hoặc chỗ ký túc mà tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vầy: “Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lấy”. Chỉ với nhân duyên ấy chứ không gì khác.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Trên đường đi từ nước Câu-tát-la, có cư sĩ, đệ tử của ngoại đạo dừng lại nghỉ, để quên một đãy đựng 1000 lượng vàng. Các Tỳ-kheo đi sau lượm được, đợi chủ quay lại tìm thì giao… Khi người kia, nhận lại được rồi, lại hô hoán thiếu, kiện đến vua Ba-tư-nặc. Vua thẩm xét biết người kia dối trá, liền tịch thu gia tài và tất cả vàng bỏ vào công khố. Đức Phật nhân đó kiết giới rằng: “Nếu Tỳ-kheo cầm nắm vật báu, hoặc đồ trang sức bằng vật báu, tự mình cầm, hay dạy người khác cầm, phạm Ba-dật-đề.”
Lúc bấy giờ, Tỳ-xá-khư mẫu, phục sức rất trang nghiêm đi tiết hội. Qua đến Kỳ Hoàn, bà tháo đồ trang sức bằng anh lạc để ngoài cổng tịnh xá rồi vào lễ Phật và nghe thuyết pháp…
Bà hoan hỷ lui ra rồi đi về, quên mất đồ trang sức trước đó. Các Tỳ-kheo sợ phạm giới cầm nắm bảo vật, không dám lấy cất. Đức Phật dạy: “Cho phép ở trong phạm vi Tăng già lam, thấy có vật để quên lại nên lấy cất để tránh mất mát”. Ngài kiết giới lại thêm: “Trừ trong Tăng già lam” vào chánh văn.
Lại một việc khác: Các Tỳ-kheo trên đường đi từ nước Câu-tát-la đến thôn nọ, không có trú xứ Tỳ-kheo, ngủ nhờ nơi phòng của một người thợ vàng. Người thợ vàng cứ để mặc các vàng, bạc ra đi… Các Tỳ-kheo không dám lấy cất và trở thành người canh giữ suốt đêm không ngủ. Phật dạy: “Cho phép Tỳ-kheo, khi dừng nghỉ qua đêm trong nhà người khác, trong phòng có vật gì nên lấy cất vì đề phòng mất mát”. Ngài kiết giới lại thêm: “Và ký túc xá” vào văn giới. Như vậy hợp cùng với câu “Tỳ-kheo ở trong Tăng già lam…”, giới này kiết ba lần mới hoàn chỉnh chánh văn trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã rõ chánh văn.
c) Duyên khởi:
Nếu Tỳ-kheo ở trong phạm vi Tăng già lam, trong ký túc xá, hoặc của báu hoặc trang sức bằng của báu, tự cầm nắm hoặc bảo người cầm, nên nhận biết cách thực dụng cụ đựng vật, cách thức đãy, gói, cách thức cột buộc. Nên mở ra xem bên trong, biết được bao nhiêu thứ cột chung, bao nhiêu thứ chưa cột lại, bao nhiêu hình vuông, bao nhiêu hình tròn, cái nào cũ, cái nào mới. Không làm như vậy, tất cả phạm Đột-kiết-la.
Nếu có người đến đòi, phải hỏi rõ. Họ trả lời đúng như vật đó thì giao trả lại. Không đúng vật đó thì nói: “Tôi không thấy vật như vậy”. Hai người đều đến đòi thì cũng áp dụng như vậy.
Nếu là dụng cụ cúng dường để trang nghiêm Tháp, chùa, lấy cất không tội.
Điều 83: Tỳ-kheo nào, phi thời vào tụ lạc mà không báo cho Tỳ-kheo khác biết, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Phi thời, Bạt-nan-đà vào thôn đánh cờ với cư sĩ. Cư sĩ bị thua, đổ thói xấu, mắng bừa: “Tu sĩ buổi mai vào thôn khất thực, phi thời vào thôn để làm gì?”. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật kiết giới: “Nếu Tỳ-kheo, phi thời vào tụ lạc, Ba-dật-đề.”
Sau kiết giới, có sự việc vì Tăng, vì Tháp, hoặc chăm sóc người bệnh các Tỳ-kheo không dám vào tụ lạc. Các Tỳ-kheo không biết phải báo lại người nào nên Phật lại dạy: “Nên quay trở lại dặn Tỳ-kheo. Nếu ở riêng một phòng thì báo cho Tỳ-kheo ở phòng cạnh bên”. Đức Phật lại kiết giới thêm vào chánh văn chữ “không báo”.
b) Thích nghĩa:
+ Phi thời là từ quá trưa đến tướng mặt trời chưa xuất hiện.
c) Phạm tướng:
Nếu phi thời không báo cho Tỳ-kheo khác thì vừa bước chân vào trong cửa ngõ của thôn, phạm Ba-dật-đề.
Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa. Phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc cùng hẹn mà không đi, tất cả phạm Đột-kiết-la.
Nếu con đường phải dẫn qua thôn, hoặc có việc cần trình bày, hoặc bị gọi, hoặc được mời, hoặc bị thế lực bắt, bị trói dẫn vào thôn, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không phạm.
Điều 84: Tỳ-kheo làm giường dây hay giường gỗ, chân cao bằng tám ngón tay của Như Lai, đã trừ phần lỗ mộng để ráp vào thành giường trở lên, nếu quá Ba-dật-đề, phải hớt bỏ.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lúc bấy giờ, Ca-lưu-đà-di đoán biết đức Phật sẽ đi qua nơi con đường đó, nên bày giường đẹp, lại rất cao để nằm ngồi. Phật thấy thế, nói với các Tỳ-kheo rằng: “Đây là người dại dột, bày giường cao rộng, bệ vệ, nhằm chỉ vì tự kỷ mà thôi”. Đức Phật quở trách rồi kiết giới.
b) Thích nghĩa:
+ Làm nghĩa là tự mình làm hoặc khiến người làm.
+ Trừ phần lỗ mộng nghĩa là trừ khúc trên của chân giường ráp vào lỗ mộng, đoạn chân phía dưới cao tám ngón tay.
+ Hớt bớt tức quá tám ngón tay phải hớt bỏ rồi mới sám hối (một lóng tay Phật bằng hai tấc).
c) Phạm tướng:
Nếu quá tức là cao quá tám ngón tay, phạm Ba-dật-đề.
Tự mình làm, dạy người làm: thành thì phạm tội Đọa; không thành phạm Ác tác.
Vì người khác làm: Thành hay không thành đều phạm Ác tác.
Nếu ngang bằng tám ngón tay hoặc dưới tám ngón tay, hoặc người khác cho vật đã thành, cắt hớt bỏ rồi dùng, hoặc tháo chân, không phạm.
 Điều 85: Tỳ-kheo nào, dùng bông Đâu-la dồn làm đệm lớn, đệm nhỏ lót giường dây, giường gỗ, đã độn thành, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Lục quần lấy loại “đâu-la-miên” đã tích trữ làm đệm, cư sĩ chê các ông thiếu từ tâm, vì đoạn mạng chúng sanh chẳng khác nào như vua hay đại thần. Đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
+ Đâu-la bao gồm hoa bạch dương, hoa dương liễu, hoa bố đài.
+ Đệm lớn là để nằm, ngồi.
+ Đệm nhỏ là để ngồi.
c) Phạm tướng:
Nếu tự làm: Thành phạm Ba-dật-đề; không thành, phạm Đột-kiết-la.
Dạy người làm (thành và không thành) tội cũng giống như vậy.
Vì người khác làm: Thành hay không thành đều phạm Ác tác.
Nếu là cỏ cưu-la-da, cỏ văn nhược, cỏ ta-bà, nếu dùng lông kíp bối, vật xấu xí, hoặc làm vật phủ nơi vai, làm gối để gối, không phạm.
Điều 86: Tỳ-kheo nào dùng răng, xương, sừng, làm ống đựng kim, moi khoét và làm thành, Ba-dật-đề.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Khi ấy có người thợ với lòng tin và mến mộ, đã vì Tỳ-kheo làm ống đựng kim bằng răng, xương, sừng, khiến gia sự thiếu thốn cái ăn, cái mặc, nghèo xơ xác. Thế nhân chê bai: Làm phước mà mắc đọa. Đức Phật nhân đó kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Nếu dùng răng, xương, sừng tự khoét làm thành: Ba-dật-đề. Không thành phạm Ác tác. Dạy người làm cũng giống như vậy.
Vì người khác làm: Thành hay không thành đều phạm Đột-kiết-la.
Bốn chúng làm đều phạm Đột-kiết-la.
Nếu dùng thiếc, đồng, chì, trúc, bạch lạp, cây vi, cỏ xá la, làm thì không phạm.
Điều 87: Tỳ-kheo làm Ni-sư-đàm, cần phải làm đúng lượng. Trong đây lượng là dài hai gang tay và rộng một gang rưỡi tay Phật; rồi thêm dài và rộng nửa gang nữa làm lề, nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Nhân một hôm Đức Như Lai không đi thọ thỉnh, Ngài đi khắp các phòng xá, nhận thấy có một số ngọa cụ của Tăng gỉ ố, bất tịnh. Do thế, Ngài cho phép các Tỳ-kheo làm Ni-sư-đàn để che thân, che y. Lục quần lại làm Ni-sư-đàn vừa rộng, vừa dài. Đức Phật kiết giới trên. Sau kiết giới, do vì Ca-lưu-đà-di thân cao lớn, không đủ để ngồi, lúc ngồi phải dùng tay kéo Ni-sư-đàn mới đủ. Đức Phật thấy thế, nên cho phép thêm chiều dài và chiều rộng, mỗi bên nửa gang tay nữa.
b) Thích nghĩa:
+ Ni-sư-đà là dụng cụ trải lót để ngồi.
c) Phạm tướng:
Nếu dài hoặc rộng quá lượng, hoặc rộng, dài đều quá lượng, tự làm thành: Ba-dật-đề; không thành phạm Đột-kiết-la.
Dạy người làm cũng phạm như vậy.
Vì người khác làm thành, không thành đều phạm Đột-kiết-la.
Bốn chúng phạm đều mắc tội Ác tác.
Nếu làm đúng lượng hay giảm mức lượng, hoặc từ người khác cho mình vật đã thành, cắt bỏ cho đúng lượng, điệp thành hai lớp, không phạm.
Điều 88: Tỳ-kheo nào làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài bốn gang tay và rộng hai gang tay Phật; nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ giống như giới trước. Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo bị sanh nhiều thứ ghẻ, máu mủ vấy nhớp cả người, làm ố gỉ y và ngọa cụ. Thế nên, đức Phật cho phép may y che ghẻ. Các vị may y bằng vải thô nhiều lông để mặc, khi gỡ ra bị dính lông đau nhức. Phật lại cho phép dùng vải nhuyễn láng làm y che ghẻ rồi sau mặc quần che y. Nếu đến nhà bạch y mời ngồi nên khéo nói tôi có “bệnh”. Nếu người chủ cứ nài ngồi cho được thì nên vén quần lên lấy y che ghẻ lại rồi ngồi. Lúc bấy giờ, Lục quần bèn làm y che ghẻ quá dài, quá rộng. Đức Phật nhân đó kiết giới.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Chuẩn theo giới trước là luận phạm tội nặng, nhẹ.
Điều 89: Tỳ-kheo làm y tắm mưa, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang và rộng hai gang rưỡi tay Phật; nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại trú xứ như giới trước. Tỳ-xá-khư mẫu đem y tắm đến Tăng già để cúng cho Tăng, Tăng phân chia. Phật dạy: “Y này không nên chia, nên tùy Thượng tọa mà trao. Nếu không đủ thì chờ kỳ sau phân tiếp cho đều”.
Trong đợt kế tiếp, có một y tắm quý giá, tiếp tục theo thứ lớp phân chia. Phật dạy: “Không nên làm như vậy, nên đổi cho Thượng tọa. Nếu Thượng tọa đã nhận được rồi thì tiếp đến chuyển cho Hạ tọa. Nếu không chia đủ thì phải lấy y vật có thể chia của Tăng để chia cho đủ”.
Lục quần nhân cơ hội đó may nhiều y tắm mưa vừa dài, vừa rộng. Đức Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã giải thích rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Chuẩn theo giới trước mà luận trì, phạm.
Điều 90: Tỳ-kheo nào, may y bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng ấy, Ba-dật-đề. Trong đây, lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đây là lượng y của Như Lai.
a) Duyên khởi:
Đức Phật ở tại vườn Ni-câu-loại nước Thích-sí-sậu. Tôn giả Nan-đà chỉ thấp kém Phật bốn ngón tay. Tỳ-kheo từ xa, mỗi khi trông thấy tưởng là Phật, đứng lên nghinh tiếp. Cả hai, Nan-đà và Tỳ-kheo, đều ngượng ngập thẹn cả người. Do vậy, đức Phật khiến Nan-đà mặc y màu đen để dễ phân biệt. Lục quần nhân đó may y bằng hay quá lượng y của Như Lai. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật kiết giới trên.
b) Thích nghĩa:
Duyên khởi đã làm rõ chánh văn.
c) Phạm tướng:
Chuẩn theo giới trước.
Kết vấn:
- Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong chín mươi Ba-dật-đề. Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (ba lần)
- Các Đại đức trong đây thanh tịnh. Vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.



VĂN TÁC BẠCH SÁM HỐI

Tội Đọa của 90 Ba-dật-đề, phần lớn đều giống với 30 Xả đọa, chỉ khác ở chỗ là không có tài vật để xả, nên khai cho phép biệt chúng để sám. Nếu muốn sám trừ Bổn tội, trước hết vị ấy phải thỉnh vị sám chủ, sám tội che giấu nhiều hay ít số phẩm Điều đã phạm.
Văn sám như sau:
“Đại đức một lòng nghĩ, tôi Tỳ-kheo (mỗ, giáp), cố vọng ngữ phạm tội Ba-dật-đề, nay đến Đại đức xin sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì an vui, không sám hối thì xót xa buồn, tôi biết rõ nên không che giấu, hoài niệm nhớ ra các Điều phạm mà phát lồ sám hối. Nguyện xin Đại đức ghi nhớ cho sự sám hối này để giới thân tôi được thanh tịnh. Thanh tịnh được tròn đầy để mà Bố-tát” (nói ba lần)
Vị sám chủ đáp:
“Thầy phải tự trách lòng mình, phải ý thức được tội lỗi để xa lìa nó”.
“Xin vâng” (vị sám hối đáp lời ghi nhận).

k



--------------------------------------------------------------------------------
[1] Khư-xà-ni: Tức là thức ăn không chánh, cũng gọi là thức ăn phải nhai: Gốc củ, nhánh, hoa, quả. Luật Thiên Kiến nói: Tất cả hoa, quả là Khư-xà-ni.
[2] Xà-da-ni thực: Là tô, dầu, sanh tô, mật, thạch mật. Không chính thức phiên dịch chỉ lấy hàm nghĩa tiêu hóa mà biết.
[3] Đức Phật dạy: “Ta khiến các Tỳ-kheo ăn ngũ tịnh nhục. Đây là thứ thịt đều do thần lực của Ta hóa ra, vốn không có mạng căn. Vùng đất của người Bà-la-môn này, ẩm thấp nhiều sỏi đá và cát, rau cỏ không sống nổi. Ta dùng sức đại bi mà yểm trợ. Nhân lòng đại bi mà giả gọi là thịt, các ông nhận được thức ăn này”.
Tại sao sau khi đức Như Lai diệt độ, ăn thịt chúng sanh mà gọi là Thích tử? Các ông nên biết: Người ăn thịt của chúng sanh, dầu được tâm mở ra, nhập tam ma địa cũng đều là đại La sát, khi quả báo hết, chắc chắn đọa vào biển khổ sanh tử, chẳng phải đệ tử của Phật. Nên biết: Đức Thế Tôn rõ ràng không chấp nhận cho các Tỳ-kheo ăn thịt. Nay bọn người ăn thịt đều dùng ngũ tịnh nhục làm sự sống, không biết hổ thẹn đã đánh mất lòng từ vậy!.

No comments:

Post a Comment