Tuesday 26 November 2013

Qua những đường dẫn (links) này, tôi đã “gặp” Hòa thượng Tuyên Hóa: tuy không phải là đối diện bằng xương bằng thịt, nhưng rất giống như một người sống động qua những lời giáo huấn của Ngài chứa đựng trong những trang dạng PDF, đặc biệt là những lời dạy Ngài trong những thập niên 60 và 70. Đây là cách tôi bắt đầu đọc chú giải của Ngài về quyển Kinh Lăng Nghiêm. Tôi dành thời gian rảnh rỗi của mình từ từ tạo cho mình một phương thức đi suốt từ đầu đến cuối văn bản mãnh liệt đó trong khi đám bạn học tôi đang chơi trò chơi máy tính hay đá banh. Tôi đã đọc rất nhiều, nhưng Hòa Thượng Tuyên Hóa có điều gì đó khác biệt: một người dường như thật sự nói ra từ sự hiểu biết thâm sâu và kinh nghiệm tu hành. Và cho dù có rất nhiều khái niệm cùng câu chuyện rất kỳ lạ và ngoài sự tưởng tượng ở phần đầu, tôi cũng vẫn cuốn hút vào việc đọc những lời chú giải. Xen kẽ trong việc đó, tôi nghiên cứu những chú giải khác như về Kinh Kim Cang, tôi đã mất gần một năm để hoàn thành xong tám cuốn chú giải về Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
 
Trong khi những bài giảng về Kinh Thủ Lăng Nghiêm được Hòa Thượng giáo huấn đầu tiên cho người Tây phương tại nước Mỹ, Ngài cũng đã thuyết giảng về Kinh Hoa Nghiêm trong một thời gian dài nhất và có lẽ là thời kỳ tạo nền tảng nhất trong việc đào tạo những vị đệ tử đầu tiên. Nhờ được cho đường dẫn đến trang web www.dharmaradio.org thông qua kết nối mạng kỹ thuật số - với tất cả kết cấu kỳ diệu của thời gian và không gian bao hàm trong đó – Tôi có thể nghe được giọng nói của Thầy Hằng Thật đang giảng giải Kinh Hoa Nghiêm. Điều kỳ diệu không phải ở chỗ làm thế nào mà tôi có thể truy cập được vào đó – Tôi thuộc về thế hệ đầu tiên hầu như lớn lên cùng với mạng quốc tế (Internet) – mà ở cái điều mà tôi truy cập vào; ở đây những lời giáo huấn thâm sâu của Chư Phật và của Hòa Thượng Tuyên Hóa trở thành sống động qua những việc giảng giải chi tiết rõ ràng và dễ hiểu, cùng với việc kể những câu chuyện bằng giọng Anh bản xứ. Hơn thế nữa, giọng nói Phương Tây ấy là từ một người cũng đã thật sự tự mình trải qua tu hành tích cực. Giờ đây, Đạo Phật không chỉ là một cái gì đó cổ xưa và Á Châu; mà những người Tây phương hiện đại còn có thể đưa Đạo Phật vào trong cuộc đời của họ, thậm chí đến mức họ có thể dạy lại người Châu Á.
 
“Có thể tôi cũng sẽ làm như vậy, thực hành những lời giáo huấn của chư Phật, thiền định và thấu hiểu tâm trí mình, trưởng dưỡng từ tâm, trở thành một người tốt hơn và giúp đỡ những người khác?” Tôi tự hỏi mình như vậy. Vào lúc đó, tôi đã thực sự thực hiện một ít thiền và các cách thực hành khác, như là đọc các bài cầu nguyện ngắn của Phật giáo và mỗi buổi sáng và tối. Những câu chuyện và bài dạy của Hòa thượng Tuyên Hóa cùng của Thầy Hằng Thật đầy khích lệ và rất phong phú trong những phương diện này. Tuy nhiên, sự phong phú của những bài giáo huấn còn nhiều hơn nữa: Tôi đã nghe chuyện về Hòa thượng đã lạy cha mẹ mình và ngồi thủ hiếu bên cạnh mộ mẹ ngài cũng như những bài giáo huấn khác về đạo hiếu; Tôi nghe nói tu Đạo là cần có nền tảng và giáo dục làm người tốt. Theo đó, tôi nhận thấy bản thân mình không chỉ tập trung vào việc tu hành, ví dụ như học cách tụng Chú Thủ Lăng Nghiêm và Chú Đại Bi, ngồi thiền và niệm danh hiệu của Chư Phật và Chư Bồ Tát, mà tôi còn dành thời gian để tìm hiểu thế giới. Tôi thực hiện việc đọc rộng rãi, cố gắng tìm hiểu Khổng Giáo, Cơ Đốc Giáo, và đạo đức Tây phương nói chung. Tôi tự giáo dục mình một chút về văn hóa: thăm viếng các viện bảo tàng và quan tâm đến nhạc cổ điển (bên cạnh những bản nhạc hiện đại hơn tôi thường nghe và tự viết). Tôi cũng làm theo Hòa thượng trong việc lạy cha mẹ mình. Mặc dù một điều chắc chắn là cha mẹ tôi đã và đang ưu phiền về những lựa chọn của tôi, thường liên hệ với Phật giáo, tôi chắc rằng họ sẽ đồng ý là chúng tôi đã thật sự gần gũi nhau hơn qua thời gian và khi tôi chuẩn bị đi đến Vạn Phật Thánh Thành, tôi nghĩ cha mẹ tôi thực sự thấu hiểu được khá nhiều về những gì mà tôi đang cố gắng thực hiện. Cá nhân tôi cảm thấy rằng việc thực hành tôn kính cội rễ của mình này là việc rất quan trọng khi nghe rất nhiều chuyện về những thanh thiếu niên, những người đang trưởng thành, có thể do trở thành lý tưởng hoá hay đơn giản là sống theo ước mơ của mình, họ đã quay lưng lại với cha mẹ mình. Những đau lòng do sự việc này tạo ra sẽ không ích lợi cho việc cởi mở và tự tin cần thiết cho việc dụng công ở mức độ tâm trí. Lời dạy về quan hệ gia đình và kính trọng người lớn tuổi có lẽ là phần khó khăn nhất đối với những người lớn lên trong thế giới phương Tây hiện đại trong việc học hỏi Phật Pháp. Tuy nhiên, trong đó lại chứa đựng trí tuệ bao la và tôi nghĩ rằng bằng cách nhấn mạnh lời dạy đó, Hòa thượng đã thực sự đặt một nền tảng rất vững chắc cho sự tăng trưởng đều đặn của Phật Giáo ở Phương Tây.
 
Những lời thuyết Pháp đã trở thành những ngọn hải đăng cho cuộc đời tôi lại có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa, điều này có nghĩa là toàn bộ việc gặp gỡ Phật Pháp của tôi là qua việc phiên dịch. Tất cả các tài liệu Phật giáo mà tôi đã đọc là tiếng Anh hoặc, đôi khi là tiếng Hoà Lan. Những bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa đã được thuyết giảng bằng tiếng Trung Hoa và cần phải dịch. Những bài giảng của Thầy Hằng Thật bằng tiếng Anh, nhưng thầy liên hệ trở lại với Hoa ngữ và kể về quá trình phiên dịch trong buổi giảng của thầy. Có thể không khó để thấy những bài giảng của thầy Hằng Thật như là một phòng thí nghiệm, trong đó các bản dịch được thử nghiệm và lãnh hội thấu đáo, thực tế rất giống như những bài giảng của chính Hòa thượng Tuyên Hóa mà phần lớn là nhằm mục đích giúp cho những người dịch giả bằng cách đưa những lời chú thích bằng tiếng Trung Hoa hiện đại. Ở Hoà Lan chúng tôi có được nền giáo dục ngôn ngữ rộng rãi - bên cạnh tiếng Hoà Lan và tiếng Anh còn có cả tiếng Pháp và tiếng Đức - và tại trường Trung học, chúng tôi cũng đã học tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp. Do khá ham thích các ngôn ngữ, nên tôi nảy ý tưởng tự học tiếng Trung Hoa. Bằng cách này, không những tôi có thể hiểu được các kinh sách Phật Giáo và những bài giảng của Hòa thượng Tuyên Hóa mà không cần phải dựa quá nhiều vào những bài dịch, mà tôi cũng còn có thể giúp dịch vào một lúc nào đó! Với những suy nghĩ đó trong tâm mình, tôi không chỉ thực sự bắt đầu học tiếng Trung Hoa mà còn bắt đầu công việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hoà Lan.
 
Việc phiên dịch trở thành là một cách rất tốt để thâm nhập vào Phật Pháp, một Pháp môn rất hay. Một điều là, tôi phải xem một số bài nói chuyện của Hòa thượng Tuyên Hóa với một tốc độ chậm và đều đặn khi tôi cố gắng để hiểu đúng ý nghĩa và tìm những chữ chính xác bằng tiếng Hoà Lan. Nhưng ngoài ra, tôi đã liên lạc với những người ở Viện Phiên Dịch Kinh Điển thông qua mạng và qua đó tôi đã biết một số người có thể hướng dẫn và với một số cựu sinh viên học sinh từ những trường học ở Vạn Phật Thánh Thành - thậm chí một số người từ Hoà Lan! Bây giờ, tôi không chỉ đọc và nghe Phật Pháp, mà tôi còn hỏi những lời khuyên từ những bạn đạo trẻ tuổi qua điện thư hoặc thỉnh thoảng nói chuyện trực tiếp trực tuyến. Quả là vô cùng quý giá!
 
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đã thực hiện một hành trình mà tôi đã mong ước từ lâu. Tôi đã có bốn tuần sống ở Vạn Phật Thánh Thành, công việc đầu tiênlà làm việc trong nông trại hữu cơ, ở đó tôi đã nói chuyện rất nhiều với một người là cựu học sinh trường trung học, sự cởi mở của anh ấy đã khiến tôi thực sự cảm thấy mình được chào đón. Ba tuần trong chương trình Khóa Học và Thực Hành Mùa Hè, ở đó chúng tôi đã học Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Một năm sau, tôi trở về ở hai tháng để xem Thánh Thành như là nhà. Trong khi đó, trở lại Hoà Lan tôi bắt đầu học chương trình cử nhân về nghiên cứu tôn giáo, tập trung vào Phật Giáo và học tiếng Trung Hoa, tiếng Phạn tại trường đại học Leiden. Mặc dù yếu tố thực hành rất thiết yếu trong Đạo Phật thì lại thiếu trong chương trình đại học, nhưng nó cũng cho tôi có học thức hơn, mở rộng tầm hiểu biết của mình và học một vài ngôn ngữ hữu ích. Giáo dục và phát triển đạo đức; sự hỗ trợ của những người bạn lành mạnh và sự gương mẫu của những chân hành giả - những người sống theo Đạo và có thể nói thẳng vào tâm; công việc phiên dịch và việc tu hành. Tất nhiên, tôi cũng đã có rất nhiều bước đi sai lầm - vọng kiến, bám chấp, thiếu tôn trọng với các thầy cô, nghi ngờ - nhưng những bước nêu trên là những bước đã đến trong tâm trí tôi khi tôi suy nghĩ về điều khiến tôi tới Vạn Phật Thánh Thành vào lúc tôi chuẩn bị hoàn thành chương trình cử nhân của mình.
 
Những bước này rất đa dạng. Tất cả những bước này theo tôi nghĩ phần lớn là về những hoạt động của Hòa Thượng khi Ngài còn ở trên thế gian: chú trọng giáo dục và phiên dịch, hiện thân tu hành, giáo hóa người Tây phương và thuyết Pháp. Hòa thượng hiểu biết về nghệ thuật và làm thơ; Ngài có một nền tảng vững chắc về đạo hiếu. Ngài đã làm cho Phật Pháp hồi sinh, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thuyết Pháp và phiên dịch. Ngài đã in lại dấu chân sâu đậm như thế của mình trên mảnh đất phương Tây. Tuy nhiên, sự nghiệp của Ngài vẫn còn chưa hoàn thành; trên thực tế, mỗi chúng ta có thể thực hiện theo cách riêng của mình. Đối với tôi, khi tôi rời đi, để lại thành phố Leiden đằng sau thì tôi cũng đã để lại sau lưng nhóm thiền mà tôi đã lập lên. Tôi rất vui mừng có một vài thành viên sẽ thay thế đảm nhận việc tổ chức. Khi tôi thành lập nhóm, bản thân tôi phải làm nhiều công việc khác nhau, một chút giống như con bạch tuộc với những cái vòi khác nhau: tổ chức các buổi tu học, lo phần kinh văn sẽ đọc, làm một số việc thông báo. Khi những người khác sẽ đảm nhiệm các công việc khác nhau phù hợp với những khả năng của họ, thì tôi hy vọng rằng nhóm sẽ phát triển. Tôi không dám cho rằng làm theo bất kỳ một trong những việc của Hoà Thượng Tuyên Hoá là dễ, huống chi là tất cả cùng một lúc, tôi nghĩ rằng khi thời điểm đã chín muồi, mọi người sẽ bắt đầu tham gia và chú trọng vào những di sản khác nhau mà Hòa thượng đã để lại, mỗi người sẽ theo cách riêng lần theo dấu chân của Ngài, tầm nhìn bao la của Hòa thượng sẽ tiếp tục sống và để lại dấu ấn trên thế gian này và khiến vô vàn trái tim hoan hỷ. Đó là một số dấu chân mà tôi hy vọng sẽ lần theo. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/11/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.  
 

No comments:

Post a Comment