Tuesday 8 October 2013

Nhớ lại cách đây 25 thế kỷ, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài đã cùng hàng đệ tử đi chu du khắp mọi miền Ấn Độ để hoằng dương Chánh Pháp, cứu độ chúng sinh. Giáo pháp của Ngài đã đem lại niềm hỷ lạc và giải thoát cho cả Tăng tín đồ phật giáo, Đức Phật thường dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy đi truyền bá Chánh pháp khắp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nỗ lực truyền bá Chánh pháp không biết mỏi, làm cho Chánh pháp của Như Lai ăn sâu vào tâm thức của mọi loài chúng sanh”. Lời dạy ấy trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động và cũng là sứ mạng của Tăng ni, hàng Phật tử cận trụ, những người luôn mang trong mình trọng trách thiêng liêng là tu tập để hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát và an lạc trong Chánh pháp đồng thời giáo hoá chúng sanh. Chư Phật, chư Tổ thường khuyến tấn : “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa. Thiền môn hưng thịnh bởi Đàn việt phát tâm.” Vậy mối tương quan về trách nhiệm, vai trò hoằng pháp của hàng xuất gia và Phật tử tại gia được thể hiện, gắn kết như thế nào qua lời Phật dạy trên?

I.                  Trước hết, xin được tóm lược khái niệm về “Hoằng pháp”
Ánh sáng giác ngộ của Đạo Phật đã soi sáng và sưởi ấm tâm linh của vô lượng chúng sinh trong đêm dài vô minh gần 25 thế kỷ qua. Chánh pháp sở dĩ được cữu trụ Ta bà, là nhờ vào tinh thần hoằng pháp của đệ tử Phật luôn được kế thừa qua bao thế hệ. Tinh thần bảo vệ, trách nhiệm và vai trò hoằng pháp của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã được nêu rõ qua Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
“Ta không tiếc thân mạng
Chỉ tiếc Đạo vô thượng”
Như thế ấy chúng đệ tử của Ngài đã phát nguyện : “Truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai” hay nói khác đi là con xin nguyện“Nơi nào chúng sinh cần thì con đến. Giáo hội cữ thì con đi. Chẳng quản gian lao, không từ khó nhọc
Vậy thì với ý nghĩa cao cả, thiêng liêng về trách nhiệm Hoằng pháp, Tăng Ni giảng sư và những hoằng pháp viên hôm nay nghĩ gì về lời dạy của Đức Thế Tôn: “Này các Tỳ kheo, các ông nên khởi lòng thương xót, tâm từ bi. Nếu có người thích nghe, hoan hỷ chấp nhận Chánh Pháp do các ông nói, hãy nên vì họ nói bốn niềm tin vững chắc, khiến họ tiếp nhận, an trú trong đó. Những gì là bốn? Đó là niềm tin vững chắc đối với Phật, niềm tin vững chắc đối với Pháp, niềm tin vững chắc đối với Tăng, và thành tựu Thánh giới” (Kinh Tạp A Hàm, quyển 2, trang 214)
 Có thể nói,Tinh thần Hoằng pháp đã được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và hàng đệ tử từ xuất gia đến tại gia trong mối tương quan mật thiết, làm cho Phật pháp ngày càng thăng hoa và phát triển trong đời sống tu tập cũng như giúp xã hội có được tiêu chí để phát triển và ngày càng phồn thịnh, định hướng được tương lai cho chính bản thân.
II     . Mối quan hệ giữa Đức Phật và tín đồ:
Qua lược sử cuộc đời của Đức Thế Tôn, chúng ta thấy Ngài là một con người như bao con người khác, song không ngừng tu tập, tịnh hóa thân tâm, khai phát tuệ giác mà thành tựu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên đức Phật không bao giờ tự nhận mình là thượng đế toàn năng hay bất cứ vị thần linh uy quyền nào. Đức Phật vĩ đại, đáng tôn kính ở chỗ trí tuệ và lòng từ bi, sự giác ngộ, giải thoát, nhân cách cao thượng, mà không phải ở nơi quyền năng hay phép lạ. Đây là một bài học cao quý, thể hiện qua thân, khẩu ý giáo của nhà Hoằng pháp vĩ đại Thích Ca Mâu Ni mà hàng giảng sư hậu học hay những vị hoằng pháp viên nên lưu tâm. Cho nên, trong Tăng Chi Bộ Kinh 2, Đức Phật đã trả lời câu hỏi của một Bà La môn về mình là ai như sau:
“Như hoa sen tươi đẹp
Bất nhiễm giữa bùn nhơ
Ta là người giác ngộ
Vì thanh tịnh giữa đời”
Một trong mười đức hiệu của Phật là “Thiên nhơn chi đạo sư” (Thầy của trời người), cho thấy mối quan hệ giữa Đức Phật với chúng ta là quan hệ Thầy trò, người Thầy chỉ có thể dạy bảo, hướng dẫn, song thành tựu hay không còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của đệ tử. Như Kinh Pháp cú, câu 276 ghi:
“ Các ngươi phải nỗ lực
Như Lai chỉ dạy bày
Ai biết hành Thiền quán
Thoát khỏi lưới ma vậy’
Lại nữa, mối quan hệ giữa Phật với chúng sanh như thầy thuốc và bệnh nhân. Trong Kinh Tạp A Hàm , số 389, Đức Phật bảo một vị đại y vương phải có đầy đủ bốn đức:
1.     Khéo biết bệnh. (Khổ đế)
2.     Khéo biết nguyên nhân bệnh. (Tập đế)
3.     Khéo biết trị liệu. (Đạo đế)
4.     Khéo biết bệnh đã hết, không còn tái phát nữa (Diệt đế)
Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: Phật như bậc y vương, có thể trị tất cả căn bệnh phiền não, có thể cứu tất cả khổ lớn sinh tử”. Ta thấy tinh thần hoằng pháp tuyệt vời ở đây chính là thông qua mối quan hệ giữa Phật và chúng sanh thì Ngài như vị Thầy đưa đường. Cho nên sách Đại Nghĩa Thích nói: “Đức Thế Tôn là bậc Đạo sư đưa đoàn lữ hành về nhà. Như một người đưa đoàn lữ hành vượt qua hoang mạc, một hoang mạc nhiều giặc cướp rình rập, một hoang mạc nhiều thú dữ chực chờ, một hoang mạc không thức ăn, không nước uống. Vị ấy đưa họ đi qua một cách thuận lợi, trọn vẹn và thích hợp để đến vùng đất an ổn. Cũng vậy, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư đưa đoàn lữ hành vượt qua hoang mạc về nhà, đó là hoang mạc sinh tử”. Thế nên, hành giả tu học và hành trì theo những điều giáo huấn của Phật không nên có thái độ như tín đồ ngoan đạo chỉ biết cúi đầu trước Thượng đế, thần linh hay trước một vị giáo chủ quyền uy nào đó, để cầu xin ban phước, trừ họa, hay mong được cứu rỗi. Người Phật tử đến với đạo Phật phải biết tư duy, thực hành và nghiệm chứng những gì mình nghe nhận, như lời Thế Tôn đinh ninh dặn dò trước lúc Niết Bàn: Ta như vị lương y biết bệnh kê đơn thuốc, còn uống hay không không phải là lỗi của lương y; lại như người dẫn đường giỏi khéo hướng dẫn con đường tốt đẹp, song nếu nghe mà không đi, không phải là lỗi của người dẫn đường
II.               Liên hệ giữa hàng xuất gia và Phật tử tại gia:
Dân gian có  câu:
“Đời không đạo, đời vô liêm sĩ,
Đạo không đời, Đạo dạy cho ai”
Người tu sĩ và hàng Phật tử tại gia đều cùng lúc có hai bổn phận chính yếu: Một bổn phận đi vào giải thoát và một bổn phận xây dựng hạnh phúc cho đời. Trong Kinh Thiện Sanh, qua 6 mối quan hệ, Thế Tôn đã chỉ rõ mối tương quan giữa hàng Tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia. Đây là liên hệ thiêng liêng, là liên hệ Phạm thiên, đáng tôn kính.
 1. Hàng xuất gia: Trong trách nhiệm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, với tự thân, luôn nỗ lực trau dồi đời sống phạm hạnh, để thăng hoa về mặt tâm linh, được an lạc, giải thoát và làm nơi quy hướng cho tín đồ. Không ngừng nâng cao học tập, nghiên cứu, phát triển nội ngoại điển, làm tư lương cho hành trình tu tập, đạt được tuệ giác qua việc hành trì Văn, Tư, Tu. Hành giả xuất gia cần xác định Bồ đề tâm và phát nguyện phụng sự chúng sanh, suốt đời tu học Phật pháp, làm lợi ích chúng hữu tình. Trách nhiệm và vai trò hoằng pháp của hàng tu sĩ ở đây chính là trao cho Phật tử tấm lòng từ mẫn, lân mẫn, hiểu biết về các pháp và giới thiệu với cư sĩ con đường chân chính đoạn khổ, xây dựng hạnh phúc ở đời. Tương hệ nầy đầy tình đạo và tình người.
Vị tu sĩ chỉ trao truyền kiến thức và kinh nghiệm tu tập cho hàng Phật tử, cung cấp các kiến thức, trao truyền 5 giới, 10 giới, bát quan trai giới và khích lệ các Phật tử giác tỉnh vô thường mà phát khởi tinh tấn tu tập. Điều nầy một lần nữa khẳng định Phật giáo đã thực sự đáp lại khát vọng hạnh phúc của con người với nền tảng đạo đức dựa trên những lời dạy của Đức Thế Tôn bằng sự nổ lực hoằng pháp và hộ trì Chánh pháp của cả hai giới: xuất gia và tại gia. Thế nên, để kế thừa sự nghiệp mà Chư Phật, chư Tổ đã dày công tạo lập, Tăng ni ngày nay cần xác định rõ mục đích của đạo Phật vào đời để cứu khổ ban vui với phương châm: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”. Mỗi chúng ta chính là một thành viên vững chắc góp phần xây dựng tòa nhà Chánh pháp của Đức Như Lai. Thế nên, trong vai trò và trách nhiệm hoằng pháp, đòi hỏi Tăng Ni phải là những người chân tu, thực học, có tâm huyết dấn thân hành đạo và có khả năng làm cho Phật pháp được trường tồn.  
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện nay, Ban Hoằng Pháp đã nhìn thấy và sáng suốt đưa ra phương hướng không chỉ riêng hàng xuất gia mang nặng trách nhiệm hoằng pháp, mà làm thế nào đào tạo những “Hoằng pháp viên” là Phật tử thuần thành, có kiến thức, có đạo hạnh và có tâm huyết hộ trì đối với sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật. Để những nơi nào thiếu vắng Tăng ni, hoặc những nơi vùng sâu, vùng xa, Giảng sư chưa đến kịp hoặc có những Phật sự đột xuất, những Hoằng pháp viên đó là một trong những vị gương mẫu, có thể chỉ dẫn đạo tràng tu tập, theo đúng đường hướng mà Ban Hoằng Pháp từ cấp Trung ương cho đến cấp tỉnh thành đồng thực hiện. Nói đến phương thức hoằng pháp trong thời hiện đại là nói đến việc cải cách, vận dụng, sáng tạo, bằng mọi phương tiện đưa giáo lý Phật Đà vào đời sống thưc tiễn, tạo nên một xã hội tràn đầy tình yêu thương và sự hiểu biết. Bảo tồn nền đạo đức truyền thống, bản sắc văn hóa bốn ngàn năm của Dân tộc. Công tác hoằng pháp nên kế thừa và bám chặt nguyên tắc hoằng pháp của Đức Phật và Chư Tổ, đó là: “Khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ”. Thiết nghĩ, Giảng sư cũng như những hoằng pháp viên nên y cứ trên cơ sở nầy sẽ là cốt lõi của sự thành công, trên con đường tu thân hành đạo, giáo hóa chúng sanh, hoàn thành trách nhiệm và vai trò của việc hoằng truyền Chánh pháp.
Chư vị giảng sư và những vị “Hoằng pháp viên” là những người mang tâm huyết hoằng truyền giáo pháp của Đức Thế Tôn càng phái nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm làm cho Phật pháp xương minh, giúp mọi người thâm hiểu giáo lý của Đức Phật để đạt được sự an lạc, giải thoát và hoàn thiện đạo đức cá nhân nhằm xây dựng một Tịnh độ nhân gian, khẳng định giá trị Chân Thiện Mỹ của người đệ tử Phật trong việc đem đạo vào đời, biết học hỏi, biết tư duy, biết áp dụng công nghệ thông tin nhằm mục đích làm cho Phật pháp ngày càng phát triển rộng rãi, xây dựng con người có tình thương, có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, theo theo phương châm: Đạo Pháp gắn liền với Dân tộc.
Thực tế, nếu Ban Giáo dục Tăng ni lo đào tạo đội ngũ kế thừa, Ban Kinh tế tài chánh lo kinh phí để bộ máy Phật giáo vận hành được ổn định thì Ban Hoằng Pháp có trách nhiệm truyền thừa kiến thức, đạo đức và hướng dẫn Phật tử phân biệt rõ đường lối, pháp môn tu tập, đem đạo Phật phổ cập vào cuộc sống, làm lợi lạc chúng sanh. Làm thế nào để Tăng Ni và Phật tử thấy rõ mối tương quan và tầm quan trọng, cần thiết để Phật hóa thế gian và người Phật tử tại gia cần phải làm gì? Và vị “Hoằng pháp viên”, cần phải tu tập, hành trì, ứng xử như thế nào trong trách nhiệm hoằng pháp?
.2 Phật tử tại gia:  Thì phát tâm ủng hộ hàng xuất gia các nhu cầu vật chất tối thiểu (y áo, thuốc men, giường chiếu và thực phẩm) và biểu lộ chân thành kính trọng, phát tâm hộ trì Tam Bảo, ủng hộ các Phật sự chung của Giáo hội, của Tự viện. Kinh Tạp A Hàm, q2, tr 132 ghi: “Nếu nói một cách đúng đắn ý nghĩa Phật tử, đó là người được sinh ra từ miệng Phật, được hóa sinh từ Pháp Phật, và được kế thừa phần pháp của Phật”, Như vậy, theo định nghĩa nầy, không luận là đệ tử xuất gia hay tại gia hành trì pháp Phật, đều gọi là Phật tử. Song theo thói quen lâu nay, khi nói Phật tử, chúng ta thường chỉ cho hàng cư sĩ tại gia. Như vậy, là người Phật tử, dù :
“Biết đời là đáng chán
Đâu dễ chán được đời
Dẫu đường xa gánh nặng
Vẫn đi cho tới nơi”   (GS Nguyễn Khuê)
Chúng ta vẫn biết đời là khổ, là chán, là vô thường, giả tạm; đường dẫu xa gánh nặng nhưng có mấy ai tỉnh ngộ. Mọi người cứ mãi dong ruỗi không tìm ra, định một hướng đi rõ ràng cho mình. Vì thế, là người Phật tử tại gia, theo kinh Tăng Chi 2, phẩm 4 pháp, với hạnh phúc hiện tại, có chánh nghiệp, biết thực hiện bốn điều sau:
a.      Tháo vát, biết làm ra của cải
b.     Quân bình chi thu ( lợi tức làm ra cần được sử dụng ¼ cho việc chi tiêu hàng ngày, ¼ cho bất thường chi, 2/4 dùng vào vốn để đầu tư)
c.     Biết quân bình sức khỏe và tâm lý. cần làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi có tiết độ. Không nên buồn nản, cũng không nên quá vui, quá bận rộn.
d.     Giao du với bạn có tín, thí, giới và tuệ.
 Đối với hạnh phúc tương lai, bản thân vị hoằng pháp viên phải nỗ lực tu học dưới sự hướng dẫn của Tăng chúng, sống hài hòa với các pháp lữ, biết ứng dụng Tứ nhiếp pháp để hỗ trợ công tác hoằng pháp được thành tựu viên mãn, và điều quan trọng hàng đầu là phải gương mẫu, luôn trau dồi giáo lý và phẩm hạnh, điều nầy rất cần thiết cho hàng cư sĩ tại gia trong quá trình đưa đến quả xuất thế. Chính tác phong, đạo đức của hàng Phật tử, nhất là vị hoằng pháp viên cũng thật sự là nền tảng cho một gia đình, xã hội tốt đẹp, là tấm gương cho các thân hữu hoặc những người chưa hiểu đạo, hay mới đến với đạo Phật có cái nhìn thâm tín với Tam Bảo và họ phát tâm tu tập theo Đạo Phật .

v          Đến với Đạo Phật, người cư sĩ tại gia cần thực hiện các bước sau:
a. Đi chùa: Đây là bước đầu tiên để người Phật tử tạo nhân duyên với Phật pháp, học hỏi giáo lý Chân thường, đó là chúng ta đang đề cập đến những người có túc duyên tốt (Thiện duyên). Nhưng cũng có một số người đến chùa do óc tò mò hoặc một số - do phải làm việc căng thẳng muốn tâm hồn được thảnh thơi hơn, giảm stress sau một ngày làm việc căng thẳng khi được nghe tiếng chuông chùa. Nhưng cũng có một số người đến chùa khi gia đình có hữu sự.
b. Tìm hiểu Tam bảo, có niềm tin chánh tín: Đến với Phật pháp, đầu tiên Phật tử nên tìm hiểu về Tam Bảo và vai trò cao quý mà Phật Pháp Tăng đã đem đến cho chúng sanh, từ đó khởi lòng Chánh tín nơi Tam Bảo và biết quay về nương tựa Ba ngôi báu.
c. Quy y Tam Bảo : Quay về nương tựa Phật Pháp Tăng (cả sự và lý)
d. Thọ trì ngũ giới: Đây là hàng rào giúp tịnh hóa ba nghiệp, là điều kiện cần thiết để đạt sự an lạc, giải thoát qua việc giữ giới, tu định và phát triển tuệ.
h. Học Kinh – nghe pháp, hành trì các nghi thức tụng niệm: Thường nghiên cứu kinh điển, học hỏi với các bậc Thiện tri thức để mở thông trí tuệ, thực hành đúng Chánh Pháp, xa dần những thói quen, tập tục mê tín từ lâu đời đã ăn sâu vào sinh hoạt của cộng đồng.
h. Phát tâm thọ bát quan trai, hành thập thiện nghiệp, thọ Bồ tát giới: Tạo duyên lành xuất thế cho bản thân và những thân hữu, huân tập nếp sống đạo đức, đời sống phạm hạnh, trợ duyên cho vai trò của một hoằng pháp viên.
f. Hành trì pháp bố thí, cúng dường: Giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, biết phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường Tam Bảo, phát tâm ủng hộ các Phật sự của Chư Tăng trên tinh thần tốt đạo, đẹp đời.
k. Ngày Rằm, các ngày lễ vía: về chùa lễ Phật, sám hối.
Đối với những Đạo tràng thiếu vắng Tăng ni hướng dẫn, những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vị hoằng pháp viên sẽ là người gương mẫu và tiêu biểu, phát tâm làm cho Đạo tràng của mình, các pháp lữ bạn đạo đồng tu của mình thực thi đúng lời Phật dạy, làm cho đời sống ngày càng thăng hoa, hạnh phúc.


    VÔ LƯỢNG QUANG, VÔ LƯỢNG THỌ, VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM”
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.  HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.8/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment