Friday 24 May 2013

Người Xuất Gia
Viết bởi Thích Như Điển
Trước khi Đức Phật ra đời tại Ấn Độ cách đây 2.555 năm, Ấn Độ Giáo đã có mặt tại đó và hình ảnh người tu khổ hạnh, sống không có gia đình đã được người Ấn Độ thực hành cả mấy ngàn năm về trước nữa.

Khi Đức Phật thành lập Giáo Đoàn, kể từ khi chuyển pháp luân lần thứ nhất tại vườn Lộc Uyển thì Tăng Đoàn của Đức Phật sau đó đã lên đến 1.250 vị Khất Sĩ. Xuất gia thuở ấy là một danh dự. Vì Thái Tử đã bỏ ngôi báu đi tu và nhiều Hoàng Tử trong dòng họ Thích Ca cũng đã thể hiện điều đó như Ngài A Nan, Nan Đà v.v… Như vậy xuất gia không phải là trốn tránh thế gian, mà cốt tìm ra một chân lý thoát khổ để dẫn dắt chúng sanh ra khỏi cảnh khổ của luân hồi sanh tử.
Người xuất gia thuở bấy giờ được định nghĩa là: „độc cư nhàn cảnh“. Nghĩa là ở riêng một mình nơi chốn vắng vẻ và trụ trong thiên nhiên tĩnh lặng ấy. Sau nầy khi thọ giới Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni; người xuất gia được gọi là người Khất Sĩ, kẻ bố ma và phá ác.
Điều ấy có nghĩa là người xuất gia lấy không gian trời đất làm nhà ở, lấy chúng sanh làm chỗ nương nhờ về thức ăn, đồ mặc. Còn giáo pháp giải thoát mới là con đường chân chính, mà người xuất gia cần phải tỉnh thức và dụng công thực hiện. Ngoài ra phải hàng phục những con ma bên trong lẫn những ma chướng bên ngoài và diệt trừ những niệm ác để tăng trưởng đạo tâm.

Đến khi Đạo Phật được truyền vào Trung Quốc ở thế kỷ thứ nhất, thì đời sống của Tăng Viện đã bắt đầu phát triển khá mạnh và tinh thần Đại Thừa Phật Giáo đã triển khai; cho nên chữ khất sĩ hay đi khất thực như tại Ấn Độ đã bắt đầu biến đổi, qua tư tưởng Đại Thừa. Nghĩa là có chấp tác, có làm việc, có tu học mới ăn cơm để sống; chứ không còn phải đi khất thực như tại Ấn Độ và các xứ Nam phương Phật Giáo khác.

Khi Phật Giáo đến Trung Quốc, ý nghĩa của chữ xuất gia được định nghĩa và thực hiện rộng lớn hơn để khế hợp với tinh thần của giáo lý Đại Thừa. Đó là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não và ra khỏi nhà của 3 cõi. Nhà thế tục là nhà có gia đình vợ con, ông bà, cha mẹ. Nơi ngôi nhà đó, con người vẫn mãi trầm luân với sanh tử và luân hồi đau khổ; cho nên người xuất gia phải cắt ái ly thân. Đây là điều kiện tiên quyết mà đa phần các quốc gia theo Phật Giáo tại Á Châu vẫn còn gìn giữ.
Đó là đời sống độc thân, không bị ràng buộc bởi gia đình. Có gia đình không phải là việc xấu ác; nhưng nơi ấy phiền não, tục lụy, khổ đau và người xuất gia khó thể hiện tánh thoát tục được; cho nên cần phải ra khỏi. Điều quan trọng cuối cùng mà người xuất gia phải vượt khỏi 3 cõi. Đó là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Nếu còn sanh tử luân hồi; tức là còn quẩn quanh nơi 3 cõi và 6 đường nầy. Người xuất gia, ngoại trừ còn hạnh nguyện độ sanh, sau khi chết mới trở lại cõi nầy. Nếu không, đa phần họ an hưởng nơi cảnh giới giải thoát Niết Bàn hoặc cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.

Xuất gia là một công đức. Do vậy mà nhiều ông Vua của Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Hàn, Tây Tạng đã bỏ ngôi báu để đi xuất gia học đạo. Nếu ngai vàng là một chốn quyền uy và danh vọng tột đỉnh và nơi đó không có khổ đau, tục lụy thì những ông Vua, bà Hoàng Hậu, Công Chúa đã không từ bỏ đời sống vinh hoa phú quý ấy để đi xuất gia. Cho nên trong kinh Kim Cang cũng như nhiều kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa nêu cao tính cách tối thượng của công đức qua việc xuất gia nầy.

Vào thế kỷ thứ 13, qua chủ trương của Ngài Shinran thuộc Tịnh Độ Chơn Tông Nhật Bản, với tư tưởng „tức thân thành Phật“; bất luận là cư sĩ hay xuất gia, ai ai cũng có khả năng thành Phật trong đời nầy. Nên đời sống xuất gia của Tông Phái nầy không còn giữ tính cách độc thân nữa. Đến cuộc cách mạng của Vua Meji năm 1868 hầu như 90% Tăng Sĩ của Nhật Bản đã không còn giữ lại nếp sống độc thân; trong khi đó các nước Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam vẫn còn giữ lại truyền thống nầy cho đến ngày hôm nay.

Một phần tại Tây Tạng; một phần nhỏ của Đại Hàn và phái Cổ Sơn Môn của Việt Nam vẫn có phái lập gia đình; nhưng xem ra người cư sĩ không nể vì lắm. Vì họ nghĩ rằng: xuất gia là phải thanh tịnh và không sống đời ràng buộc với ái tình. Vì đó là cái nhân của sinh tử.

Đạo Phật đến Đức thật đa dạng và qua nhiều truyền thống khác nhau. Có nhiều người Đức đã đến các nước Á Châu để xuất gia và thành tựu nhiều sự nghiệp như Ngài  Nanapolika (?) người Đức tại Tích Lan, hay nhiều người Mỹ như Ngài Bodhi, người Úc A. Janta v.v… Tuy nhiên Phật Giáo tại Đức phải nên thể hiện là Phật Giáo của người Đức; chứ không nên rập theo hoàn toàn khuôn mẫu của các xứ Á Châu và làm giống như văn hóa tại xứ đó. Ngày xưa các vị Thầy Ấn Độ đến Trung Hoa và Tây Tạng hay Việt Nam v.v… họ mang tư tưởng của Đạo Phật đến đó và thổi vào các quốc gia nầy những tư tưởng giải thoát, lợi tha của Đức Phật và rồi một ngày nào đó họ cũng phải ra đi; nhưng cái còn lại ở những quê hương đó, là tinh hoa của Đạo Phật.

Tôi mong rằng tại Đức có được những người xuất gia có sắc thái của Đức rõ ràng qua nhân cách, giáo lý, hình ảnh chùa chiền và ngay cả những tượng Phật cũng nên tạc theo dạng của người Đức, thì đó mới chính là tinh thần hòa tan vào văn hóa nơi đây một ách thực tế.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment