Sunday 18 November 2012

Điều kiện tiên quyết của người xuất gia.

image
Một người xuất gia chân chính, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ sự quan trọng của một cuộc sống có kỷ cương, phép tắc, giới luật. Nếu không có kỷ luật trong đời sống tu hành, chúng ta khó khắc phục được dục vọng phiền não. Bởi vì, vọng tưởng ý dục như con trâu điên, có thể dụ dỗ, lôi kéo ta vào đường ma lối quỷ.
Nhiều người muốn thực hiện sự chuyển hóa bản thân, nhưng tập khí nhiều đời cứ đưa đẩy họ vào con đường luân lạc, vì không khéo tổ chức một cuộc sống khuôn khổ, nề nếp.Vì thế, lúc sắp nhập niết bàn, Đức Phật đã dạy các đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy. Trong tranh chăn trâu của nhà Thiền, giới luật được tượng trưng bằng sợi dây buộc mũi.
Một số người hiểu Thiền một cách sai lạc, cho rằng lời dạy “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”, hoặc “đói ăn mệt ngủ”của các thiền sư có nghĩa là Thiền chủ trương tự do thoải mái, không cần theo phép tắc lễ nghi. Thật ra, tự do không phải là buông lung phóng dật, muốn làm gì thì làm. Tự do không thể tách rời kỷ cương, đạo lý dù trong đời sống thường nhật hay trong nhà đạo. Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nếu không giữ gìn giới luật, dù đạt được thiền định, cũng rơi vào lưới ma”.Đối với các vị thiền sư, do đã nhận ra và hằng sống với Phật tánh của chính mình, nên cái hồn nhiên, tùy duyên ấy phát xuất từ tự tánh và biểu hiện ra hành động. Các ngài sống một cách tự do tự tại, ngược xuôi, thuận nghịch gì cũng đều hợp đạo lý. Còn chúng ta, khi chưa hoàn toàn sống được với bản tâm thanh tịnh thì không bao giờ quên những giới luật phải gìn giữ, không bao giờ được đồng hóa sự phóng khoáng tự tại của những bậc đã chứng ngộ với sự phóng túng tự do của kẻ phàm phu tục tử.
Đạo Phật là một tôn giáo không nặng về thần quyền, mà trả lại cho con người những giá trị vốn có; con người là chủ nhân vũ trụ và của chính mình. Vì vậy, đạo Phật là đạo tự lực, đặt nền tảng trên đạo lý nhân quả và có tinh thần nhân bản rất cao. Thông thường, gặp chuyện đau khổ hay bất như ý, chúng ta hay đổ lỗi cho người khác mà quên nhìn lại xem mình có lỗi hay không. Phật dạy, từ vô lượng kiếp, do thân miệng ý của chúng ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp thiện ác, rồi theo nghiệp thọ sanh, lẩn quẩn mãi trong vòng sanh tử. Những điều này gọi là may mắn hay rủi ro, những người gọi là ân hay oán đến với mình, đều chiêu cảm từ nhân mình đã gieo từ thuở trước. Có nhân, cộng thêm những duyên hỗ trợ, nhất định phải có quả. Lý nhân quả là một chân lý muôn đời, nên người hiểu đạo luôn có tinh thần trách nhiệm và tự lực, không hướng ngoại tìm cầu, cũng không bao giờ đổ lỗi cho ai.
Lúc Đức Phật gần nhập niết bàn, ngài A-nan hỏi Phật bốn vấn đề như sau:
1. Nương vào pháp nào để trụ?
- Nương vào Tứ Niệm Xứ.
2. Sau khi Phật diệt độ, lấy ai làm Thầy?
- Lấy giới luật làm Thầy.
3. Khởi đầu mỗi kinh ghi chữ gì?
- Như thị ngã văn.
4. Tỳ kheo ác tánh trị bằng cách nào?
- Trị bằng cách mặc tẩn.
Ở đây chúng ta chỉ bàn vấn đề giới luật. Quả thực giới luật là bậc Thầy cao cả của hàng tứ chúng con Phật. Dù chúng ta đang tu theo pháp môn nào, cũng phải theo lộ trình Tam vô lậu học là giới - định - tuệ. Giữ giới là dừng mọi việc ác, làm mọi hạnh lành, tạo dựng cho mình một đời sống căn bản đạo đức. Người xuất gia muốn xây dựng lầu cao trí tuệ, phải xây đắp nền móng giới luật vững vàng.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, chư Tăng phải thực hiện chế độ an cư, nghĩa là yên ở nơi một trú xứ thu nhiếp các căn, nỗ lực tu tập giới - định - tuệ. Nguyên nhân đầu tiên Đức Phật đặt ra chế độ này, là vì trong ba tháng hạ, ở Ấn Độ mưa nhiều, nước ngập cả lối đi, sau đó côn trùng sinh sôi nảy nở, nên trở ngại cho việc đi hoằng pháp và vô tình giẫm chết côn trùng. Sau ba tháng cấm túc, Phật nhận thấy nhiều vị tỳ kheo đắc Thánh quả, nhờ ít đi lại, tránh bớt các duyên và quyết liệt tu hành. Do kết quả đó nên sau này, chế độ cấm túc an cư trong ba tháng hạ được duy trì mãi trong Tăng chúng.
An cư phải đi đôi với kiết giới. Sinh hoạt của chư Tăng trong thời gian này khác với ngày thường. Những ngày bình thường, do duyên sự bề bộn, các vị có thể du phương làm phật sự, kỷ luật trong Tăng đoàn có khi lơi lỏng. Nhưng trong ba tháng hạ, mọi việc đều thu xếp gọn lại, chư Tăng chỉ đi lại giới hạn trong khuôn viên của tự viện; chỉ có những vị có duyên sự đặc biệt, phải xin phóng giới mới được ra ngoài. Mới nhìn, chư Tăng có vẻ rãnh rỗi, không bận tâm về sinh kế vì nhờ phật tử hỗ trợ cúng dường; nhưng thật ra nội tâm của các vị quả là một trường chiến đấu! Một mặt phải khép mình vào một kỷ luật hết sức nghiêm khắc, mặt khác phải chiến đấu không ngơi nghỉ với bao tập khí phiền não. Nhờ vậy, sau thời gian kiết hạ, nếu vị nào giữ giới tinh nghiêm, nỗ lực tu học, có sự tỉnh lực thì sẽ có tiến bộ đáng kể. Nơi nào tổ chức tu hành nghiêm túc sẽ có thể sản sinh những người xuất cách, còn nếu tổ chức lơi lỏng sẽ khó đào tạo được Tăng tài. Như vậy, người xuất gia nào nếu sắp xếp được công việc, tránh bớt các duyên, hàng năm có thể tổ chức cho mình một thời gian nhất định nào đó để tĩnh tu.
Như đã nêu ở trên, việc tu hành không có nghĩa chỉ chú trọng trong ba tháng hạ, bởi vì đó là một tiến trình liên tục và trường viễn. Tuy nhiên, vào những ngày bình thường, do làm nhiều phật sự phải tiếp duyên xúc cảnh, nên sự thúc liễm thân tâm không mạnh mẽ bằng thời gian ở yên trong một môi trường thanh tịnh, cùng đại chúng tập trung. Đặc biệt với các vị tăng ni trẻ, trường hạ còn là nơi thuận lợi để được gần gũi, học hỏi về giới hạnh và sở tu của các vị tôn túc giáo phẩm, những bậc đạo cao đức trọng đã có quá trình tu chứng.
Trở lại vấn đề giới luật, ngoài việc áp dụng cho từng cá nhân người tu, còn có những nguyên tắc sống chung trong tập thể Tăng đoàn. Tinh thần lục hòa cộng trụ là động lực thúc đẩy Tăng đoàn phát triển và hoàn thiện, trong đó có sự bình đẳng là trọng tâm: bình đẳng về vật chất (thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân), bình đẳng trong luật chế (giới hòa đồng tu), hòa hợp trong tư tưởng và lời nói (kiến hòa đồng giải, ý hòa đồng duyệt, khẩu hòa vô tránh). Nhờ sống theo tinh thần này nên đại chúng có sự hòa hợp từ hình thức đến nội dung, như lời Phật dạy: “Để Tăng già được ổn thuận, để kềm giữ các tỳ kheo khó kềm giữ, để các thiện tỳ kheo được ổn cố tự thân”. Thanh tịnh thân tâm từng cá thể và hòa hợp trong đời sống tập thể là ý nghĩa sâu xa và cao quý của hai chữ Tăng già (Sangha).
Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của Niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sinh tử”. Giới luật nhà Phật không phải là những giáo điều, những quy định pháp lý cứng nhắc, mà là những nguyên tắc sinh hoạt tu hành có tính tự nguyện. Mỗi người có quyền giữ gìn tôn trọng hay không, và tự mình được hưởng kết quả tốt hay gánh chịu hậu quả xấu tùy hành động của mình. Tịnh hóa đời sống tu hành bằng con đường giới luật không những có tầm quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng tăng lữ và cá nhân từng tu sĩ xuất gia, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường xung quanh và toàn thể xã hội. Bởi vì mỗi người đều có quan hệ hữu cơ với mọi người mọi vật, nên người tu sĩ với ba nghiệp thanh tịnh sẽ có sức cảm hóa lớn đối với cộng đồng, không những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo. Do vậy, Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh sẽ giúp tịnh hóa nhân sinh, từ đó góp phần an định xã hội.
Tích cực gìn giữ cấm giới là nội dung đầu tiên và căn bản, luôn được đề cao và nhắc nhở trong suốt cuộc đời hành đạo của người xuất gia. Từ bước căn bản đầu tiên ấy, người xuất gia mới xứng đáng là Trưởng tử Như Lai, là bậc pháp khí trong hàng Tăng bảo, đem Phật pháp xây dựng thế gian, làm cho Phật pháp xương minh, tất cả chúng sanh đều nhuần ơn pháp vũ./. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.18/11/2012 ).

Friday 16 November 2012

Phân tích giới tướng Tỳ-kheo ni.  
       
 
Chỉ mục bài viết
Phân tích giới tướng Tỳ-kheo ni
Phần 2- Tăng tàn
Tất cả các trang
PHÂN TÍCH GIỚI TƯỚNG TỲ KHEO NI.
Chương 1
BA-LA-DI (PÀRÀJIKÀ)
Ba-la-di: Pali là Pàràjikà Trung Hoa dịch là ba-la-thị-ca, có 8 nghĩa:
1. Khí: Tỳ-kheo-ni phạm giới này rồi bỏ ngoài biển Phật pháp, đuổi ra khỏi hàng tăng thanh tịnh, không cho chung thuyết giới, yết-ma, mất hết tư cách của tỳ-kheo-ni.
2. Tha-thắng: Bị ma quân phiền não thắng.
3. Vô-dư: Không còn phương pháp nào để cứu vãn được.
4. Cực-ác: Không còn ác nào hơn đây.
5. Đọan-đầu: Như người bị chặt đầu.
6. Đọa-phụ-xứ: Rơi vào chỗ không vừa ý, tức tam đồ.
7. Bất-cộng-trụ: Không được sống chung với tăng thanh tịnh.
8. Thối-một: Mất hết phần đạo quả của niết-bàn, như lá vàng rời cành rơi xuống đất.
Pháp này thuộc tánh tội, lại nữa ba-la-di với nhiều ý nghĩa như trên nên tỳ-kheo-ni phạm ba-la-di không có pháp sám hối. Tỳ-kheo-ni phạm phải những điều giới này thật tâm ăn năn, phải sám hối suốt đời nhưng không thể phục hồi phẩm chất tỳ-kheo-ni như cũ, không thể đạt được thánh quả trong đời này, nhưng có thể chuyển được khổ báo nơi địa ngục thành quả báo nhẹ trong hiện tại. Nếu như không sám hối sẽ chịu cảnh đọa nơi địa ngục Diễm-nhiệt, gồm tám điều giới.
I. PHÂN TÍCH ĐIỀU GIỚI
ĐIỀU GIỚI 1: Dâm dục
Nếu tỳ-kheo-ni làm việc dâm dục, phạm hạnh bất tịnh cho đến cùng với loài súc sanh, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Vào năm thứ mười hai sau khi đức Phật thành đạo, sau ba tháng an cư tại thôn Tỳ-lan-nhã, đức Thế Tôn cùng với các tỳ-kheo du hóa đến thôn Ca-lan-đà. Đây chính là quê hương của tỳ-kheo Tu-đề-na, ngài là con của trưởng thôn Ca-lan-đà vì lòng tín kính Tam bảo nên xuất gia làm tỳ-kheo. Nhân lúc mất mùa, việc khất thực của các tỳ-kheo gặp khó khăn nên Tu-đề-na nghĩ mình nên hướng dẫn các tỳ-kheo về quê hương để các tỳ-kheo được đầy đủ vật thực mà tịnh tu phạm hạnh và nhân dịp này để dòng họ mình cúng dường tạo phước. Nghĩ thế rồi Tu-đề-na hướng dẫn các tỳ-kheo về thôn mình khất thực.
Biết được con mình về làng, mẹ của Tu-đề-na liền đến khuyên bảo đủ điều, khuyến dụ hoàn tục, nhưng Tu-đề-na một lòng từ chối. Bà trở về nói với nàng dâu khi nào đến thời kỳ kinh nguyệt con hãy cho mẹ biết. Đến ngày nguyệt kỳ vợ Tu-đề-na đến báo cho mẹ chồng, bà dặn cô dâu trang điểm những gì trước đây chồng con thích nhất rồi dẫn đến chỗ Tu-đề-na. Đến nơi bà bảo Tu-đề-na: “Nay đã đến lúc con nên bỏ đạo về đời, vợ con như vầy không thể để sống cô đơn và cha con đã chết rồi gia sản sẽ bị thu vào cửa quan vì không có người thừa kế”. Tu-đề-na một mực từ chối. Sau ba lần khuyên dụ không được bà bảo: “Hôm nay hoa thuỷ của vợ con đã xuất, nếu con không trở về thì nên lưu lại đứa con để nối dõi dòng họ tổ tông”. Tu-đề-na thưa: “Nếu như vậy thì con làm được”. Thế rồi Tu-đề-na cùng với người vợ dẫn vào chỗ khuất ba lần làm việc bất tịnh.
Từ khi làm việc bất tịnh rồi, Tu-đề-na thường ưu sầu, lo nghĩ, bất an. Các tỳ-kheo đồng phạm hạnh thăm hỏi, Tu-đề-na trình bày sự việc. Các tỳ-kheo phạm hạnh chê trách và bạch lên Phật. Đức Phật cho mời tất cả các tỳ-kheo lại và hỏi Tu-đề-na có làm việc bất tịnh như thế hay không? Tu-đề-na trình bày sự việc, đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách Tu-đề-na và chế ra điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Sau đó có tỳ-kheo Bạt-xà-tử ưu sầu chán đời sống phạm hạnh, một hôm trở về nhà cùng với người vợ cũ làm việc bất tịnh. Sau đó lo lắng không biết việc đó có phạm giới hay không nên đến thưa cùng các tỳ-kheo phạm hạnh. Chư tỳ-kheo trình việc này lên đức Phật. Đức Phật bổ túc thêm: “Chưa xả giới, giới sút kém nhưng không phát lồ”.
Có một tỳ-kheo sống trong rừng, thường ngày khất thực về thọ trai xong, còn thức ăn thừa tỳ-kheo cho con vượn cái ăn, dần dần tỳ-kheo hành dâm với con vượn cái đó. Chư tỳ-kheo biết được việc này bạch lên Phật, nhân đây Phật bổ túc thêm: “Cho đến cùng với súc sanh”.
Nếu tìm hiểu chi tiết, thì ngoài 3 nhân duyên trên, còn có mười bốn duyên khác Phật chế giới:
1- Na-Đề bị thiên ma phá, hành dâm với tử thi ngựa cái.
2- Tỳ-kheo khất thực vì yêu cầu của nữ nhơn để vào phi đạo.
3- Tỳ-kheo khất thực hành dâm cùng một nam tử.
4- Tỳ-kheo cùng một hoàng môn.
5- Tỳ-kheo khỏa hình, nữ nhơn lộ hình.
6- Tỳ-kheo lộ hình, nữ nhơn khỏa hình.
7- Tỳ-kheo trường căn tự để nam căn vào đại tiện.
8- Tỳ-kheo nhược yêu, tự đưa nam căn vào miệng.
9- Tỳ-kheo cùng dâm nữ hành dâm lưu xuất vật bất tịnh ra bên ngoài.
10-Tỳ-kheo hành dâm với một nữ căn bị vua cắt vất bỏ bên đường.
11-Đồng tử Ưu-đà-di con vua A-xà-thế nơi dương vật sanh trùng ngứa dùng miệng ngậm.
12-Tỳ-kheo với một nữ nhơn tà dâm bị vua chặt tay chân vất bỏ nơi gò mã.
13-Tỳ-kheo với một nữ nhơn điên cuồng trong rừng Khai-nhãn.
14-Tỳ-kheo với thây chết của vợ một cư sĩ bỏ trong rừng đêm mưa.
Ngoài ra, còn các trường hợp liên quan đến giới dâm nhưng đức Phật không kết tội:
- Tỳ-kheo ngủ không đóng cửa, nam căn khởi lên, bị dâm nữ cưỡng bức.
- Tỳ-kheo bệnh ghẻ, nam căn khởi lên, bị người chăn bò cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Liên-hoa-sắc ngủ ban ngày không đóng cửa, bị một nam tử cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Nan-đà ngủ dưới gốc cây bị một nam tử cưỡng bức.
- Tỳ-kheo-ni Kim-sắc-nữ chứng quả A-la-hán bị vương tử cưỡng bức.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ 5 dữ kiện:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Cố ý, nghĩa là có ý hành dâm.
+ Đối tượng là người, phi nhân hoặc súc sanh.
+ Vào một trong ba đường là đại tiện, tiểu tiện và miệng.
+ Xúc cảm, thọ lạc một trong ba giai đoạn là nhập, trụ và xuất.
Thâu-lan-giá, không hội đủ yếu tố ba-la-di
+ Sử dụng các dụng cụ khác để làm việc dâm.
+ Dạy người khác làm, họ làm theo.
Đột-kiết-la
Bảo người khác làm mà họ không làm theo.
KHÔNG PHẠM
+ Trước khi Phật chế giới.
+ Bị cưỡng bức nhưng tâm không thọ lạc.
+ Người cuồng si, mất trí, ngủ say.
ĐIỀU GIỚI 2: Trộm cướp
Nếu tỳ-kheo-ni ở chỗ đông đảo, hoặc chỗ vắng vẻ, của người không cho mà cố lòng trộm lấy, theo pháp luật định, hoặc là vua, quan bắt được hoặc giết, hoặc giam, hoặc đuổi ra khỏi nước, hay mắng là trộm cướp, là ngu si không biết chi, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật du hoá tại thành La-duyệt, thời gian này tỳ-kheo Đàn-ni-ca dối gạt người giữ cây của vua Bình-sa, lấy gỗ cất thất. đại thần tấu trình sự việc lên vua, vua vì tôn kính các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni nên không nỡ giết, bèn quở trách rồi thả về. Các tỳ-kheo bạch lên Phật, Phật hỏi tỳ-kheo Ca-lâu phép nhà vua trộm bao nhiêu tiền thì bị xử tử. Tỳ-kheo Ca-lâu thưa: “Lấy năm tiền hoặc trị giá vật đủ năm tiền thì bị xử tử”. Đức Phật liền y theo pháp vua mà chế giới cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni. Trộm đủ năm tiền phạm tội ba-la-di.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có tâm trộm cắp.
+ Vật có chủ.
+ Vật trị giá năm tiền trở lên.
+ Tự mình lấy hoặc sai bảo người lấy về mình
+ Vật dời khỏi chỗ cũ.
Thâu-lan-giá
Chưa hội đủ sáu điều kiện của ba-la-di
Đột-kiết-la
+ Muốn trộm vật năm tiền, nhưng chưa chạm đến.
+ Muốn trộm vật dưới năm tiền, tay đã sờ nhưng chưa dời chỗ.
KHÔNG PHẠM
+ Tưởng vật người cho.
+ Tưởng là của mình.
+ Tưởng là vật người vất bỏ.
+ Với ý định lấy tạm dùng.
+ Với ý tưởng là của người thân.
+ Lấy vật trước khi Phật chế giới.
+ Người điên cuồng tâm loạn.
ĐIỀU GIỚI 3: Giới giết người
Nếu tỳ-kheo-ni tự tay mình cố giết mạng người, hoặc cầm dao trao cho người, khen ngợi chết, khuyên nhủ chết, mà nói rằng: “Này em xấu hổ như vậy, sống làm chi, thà chết còn hơn”. Khởi tâm nghĩ nhiều chước khéo, khen ngợi chết, khuyên nhủ chết như vậy, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn du hoá trong nước Tỳ-xá-ly, tại giảng đường bên sông Di-hầu, Ngài nói pháp bất tịnh cho chúng tỳ-kheo. Sau đó, các tỳ-kheo tu tập theo pháp quán bất tịnh và thấy rõ thân xác đáng ghê tởm, lòng ưu sầu bi quan, cầm dao tự sát, khen ngợi cổ vũ sự chết. Trong khi ấy có tỳ-kheo Vật-lực-già-nan-đề tay cầm dao bén vào trong vườn Bà-cầu. Một tỳ-kheo nói với Vật-lực rằng: “Đây y bát tôi cho ông, ông hãy cắt đứt mạng sống của tôi đi”. Nan-đề giết vị đó. Giết xong ông ta đến bờ sông rửa dao lòng đầy hối hận. Bấy giờ thiên ma xuất hiện khen ngợi sự giết của Nan-đề: “Tốt lắm, ông đã độ được cho người không thể tự độ”. Với lời ca tụng của thiên ma, Nan-đề vào lại trong vườn tiếp tục giết. A-nan đem việc này bạch Phật, nhân đây Phật chế điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có tâm sát.
+ Đối tượng là người và thai người.
+ Giết đúng đối tượng không nhầm lẫn.
+ Tiến hành giết bằng phương tiện, thân và khẩu.
+ Khiến cho đoạn mạng.
Thâu-lan-giá, không hội đủ các đều kiện ba-la-di.
+ Đối tượng không phải người, loài biến hóa người.
+ Thật loài người, nhưng tưởng không phải là người.
+ Giết không đúng đối tượng muốn giết.
+ Gây thương tích trên đối tượng mà không chết.
Đột-kết-la
+ Giết tám bộ quỷ thần, súc sanh biến hóa nhưng không chết.
+ Tự chặt một ngón tay.
KHÔNG PHẠM
+ Trước Phật chế giới.
+ Ngọ sát, không có tâm sát hại.
+ Cuồng si tâm loạn.
ĐIỀU GIỚI 4: Nói dối nghiêm trọng
Nếu tỳ-kheo-ni thiệt không biết chi mà xưng rằng: “Tôi đặng phép hơn người, tôi đã chứng nhập pháp cao của bậc thánh trí, tôi biết việc ấy, tôi thấy việc ấy”. Vị này đến khi khác hoặc có người hỏi, hoặc không ai hỏi, vì muốn cho mình thanh tịnh nên nói như vầy: “Tôi thật sự không biết, không thấy mà nói là biết, nói thấy”. Đó là lời dối gạt, không thiệt như thế tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung. Trừ bậc tăng thượng mạn.
DUYÊN KHỞI
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đi hoá độ chúng sanh ở nước Tỳ-xá-ly, nơi giảng đường bên bờ sông Di-hầu. Gặp lúc mất mùa việc khất thực khó được, các tỳ-kheo bên bờ sông Bà-cầu đến nhà cư sĩ cùng tán thán nhau rằng: “Các tỳ-kheo đều chứng đắc pháp thượng nhân”. Hàng cư sĩ đem vật thực cúng dường đầy đủ lên các tỳ-kheo. Phật biết được liền quở trách và chế điều giới này cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Lại có một tỳ-kheo tu tập chỉ quán, hàng phục được các phiền não rồi nói với mọi người rằng: “Tôi đắc đạo”. Sau đó du hành trong nhân gian, không chế ngự được các căn, phiền não khởi lên tự biết xấu hổ mà tinh tấn tu tập chứng đắc quả a-la-hán. Nghĩ lại lời nói trước, sợ phạm giới nên bạch Phật. Phật nói không phạm và chế thêm trừ “tăng thượng mạn”.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ bảy yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là loài người.
+ Nội dung là nói pháp thượng nhân.
+ Biết rõ đó là pháp thượng nhân.
+ Cố ý nói dối với tâm tham cầu lợi dưỡng.
+ Đã nói thành lời, đối tượng hiểu được nội dung.
Thâu-lan-giá, các yếu tố ba-la-di không trọn vẹn
+ Đối tượng là tám bộ quỷ thần, súc sanh biến hình, chúng có nghe và hiểu được lời nói.
+ Đối tượng là người tưởng chẳng phải người.
+ Chỗ có người tưởng là không người.
+ Người khác nghe nhưng chẳng hiểu lời nói.
+ Nói tôi không còn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
+ Vì lợi dưỡng, trước mọi người giả trang thiền tướng chứng tỏ mình chứng ngộ.
Đột-kiết-la
+ Đối tượng không phải là người, có nghe nhưng chẳng hiểu.
+ Đối tượng nghi ngờ là người, có nghe nhưng chẳng hiểu.
+ Tỳ-kheo-ni được pháp thượng nhân mà nói với tỳ-kheo-ni không đồng chí hướng.
KHÔNG PHẠM
Bậc tăng thượng mạn, nói giỡn chơi, cuồng si, mất trí, nói chỗ khuất, nói một mình, nói trong chiêm bao, Phật chưa chế giới.
ĐIỀU GIỚI 5: Xúc chạm
Nếu tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cùng với người nam có tâm nhiễm ô, kề cọ trên từ nách xuống, dưới từ đầu gối trở lên hoặc nhận, hoặc rờ, hoặc lôi, hoặc kéo, hoặc rờ trên, rờ dưới, hoặc nâng lên, để xuống, hoặc nắm, hoặc bóp chặt, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Khi Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, có vị trưởng giả tên Đại-thiện Lộc-lạc dáng vẻ đẹp người và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nhan sắc mỹ lệ, hai bên có tình cảm luyến ái với nhau. Một hôm, trưởng giả sắm sửa thực phẩm thết đãi ni chúng, người thức suốt đêm sắm sửa các thức ăn uống, sáng sớm đến chùa mời chư ni về nhà thọ trai. Thâu-la-nan-đà biết trưởng giả vì mình mà cúng dường nên giả bệnh ở lại chùa. Trưởng giả biết Thâu-la-nan-đà không đến bèn vội sang chùa, từ xa trông thấy, Thâu-la-nan-đà liền lên giường nằm. Trưởng giả đến thăm hỏi rồi lên giường ôm ấp, vuốt ve…
Bấy giờ, có sa-di-ni nhỏ ở chùa trông thấy việc ấy nên chư ni thọ trai về sa-di-ni kể lại sự việc. Các tỳ-kheo-ni biết được việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà. Sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ bảy yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là người nam.
+ Tưởng là người nam.
+ Cả hai bên đều có tâm nhớp bẩn.
+ Từ nách trở xuống, từ đầu gối trở lên.
+ Hai thân ôm ấp, tiếp xúc nhau.
+ Cảm nhận sự vui sướng
Thâu-lan-giá
+ Nhiễm tâm xúc chạm thân người nữ, huỳnh môn, hoặc người nam tưởng là nữ, loài quỷ nam, súc sanh đực.
+ Bị người xúc chạm, khởi tâm nhiễm ô.
+ Xúc chạm vào thân cha, con, anh em có tâm cảm thọ khoái lạc.
Đột-kiết-la
+ Xúc chạm thân người nam, không có nhiễm tâm.
+ Xúc chạm thân người nam đã chết có nhiễm tâm.
+ Với nhiễm tâm xúc chạm vào y bát, y phục người nam đang mặc.
KHÔNG PHẠM
+ Khi nhận hoặc trao đồ vật mà chạm nhau.
+ Cứu vớt, giúp đỡ người khi cần thiết mà không có nhiễm tâm.
+ Khi đi xe, hoặc nơi công cộng xúc chạm nhau mà không có nhiễm tâm.
ĐIỀU GIỚI 6: Đủ tám việc phạm tội nặng
Nếu tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, chịu cho phép nắm tay, nắm áo, vào chỗ vắng, cùng đi, đứng, nói chuyện, hoặc dựa kề, hoặc hẹn hò, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Khi Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, có vị trưởng giả tên Sa-lâu Lộc-lạc dáng vẻ đẹp trai và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nhan sắc tuyệt mỹ hai bên có tình cảm luyến ái với nhau. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có tâm dục để cho trưởng giả nắm tay, nắm y, cùng nhau vào chỗ khuất đứng chung nói chuyện, cùng đi chung, hai thân dựa kề, cùng nhau hẹn hò. Các tỳ-kheo-ni biết được việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Đối tượng là người nam.
+ Tưởng là người nam.
+ Cả hai bên đều có tâm nhớp bẩn.
+ Đã làm bảy việc chưa sám hối.
+ Làm đến việc thứ tám liền phạm.
Thâu-lan-giá
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nắm tay.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nắm y.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô cùng vào chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô đứng chung ở chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô nói chuyện với nhau ở chỗ khuất.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô đi chung ở chỗ khuất lấy đó làm vui.
+ Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm ô cho người nam có tâm nhiễm ô hai thân dựa kề với nhau.
Đột-kiết-la
+ Đối với trời, rồng, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sanh, loài biến hình mà làm bảy việc như trên thì mỗi việc phạm một đột-kiết-la.
+ Đối với súc sanh không biến hình được mà làm việc thứ tám thì phạm đột-kiết-la.
+ Đối với người nữ có tâm nhớp bẩn mà làm việc thứ tám thì phạm đột-kiết-la.
KHÔNG PHẠM
+ Khi nhận hoặc trao đồ vật mà chạm nhau.
+ Cứu vớt, giúp đỡ người khi cần thiết mà không có nhiễm tâm.
+ Khi bị người đánh, hoặc khi lễ bái, sám hối, thọ pháp.
+ Hẹn gặp ở những nơi không thể làm việc bậy được thì không phạm.
ĐIỀU GIỚI 7: Che dấu tội nặng của tỳ-kheo-ni khác
Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni kia phạm tội ba-la-di mà không tự phát lồ không nói với ai, không bạch với đại chúng. Thời gian khác, tỳ-kheo-ni kia hoặc chết, hoặc trong chúng cử tội, hoặc thôi tu, hoặc theo ngoại đạo lại nói rằng: “Trước tôi biết cô đó có tội như vậy”. Vì che giấu tội nặng cho bạn, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc. Lúc bấy giờ tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có người em gái xuất gia làm tỳ-kheo-ni Để-xá-nan-đà phạm pháp ba-la-di. Sau thời gian sống đời phạm hạnh Để-xá-nan-đà hoàn tục, các tỳ-kheo-ni hỏi Thâu-la-nan-đà có biết việc đó hay không? Thâu-la-nan-đà nói: “Em tôi làm việc đó cũng phải, vì trước đây nó phạm pháp ba-la-di như thế”. Các tỳ-kheo-ni nói nếu biết sao không nói cho các tỳ-kheo-ni biết. Thâu-la-nan-đà nói: “Tôi cũng định nói cho mọi người biết, nhưng nó là em tôi phạm pháp ba-la-di, tôi sợ mình cũng bị mang tiếng xấu theo nên không nói”. Các tỳ-kheo-ni nghe việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Thâu-la-nan-đà, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo-ni, các tỳ-kheo-ni bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách Thâu-la-nan-đà rồi kết giới này cho các tỳ-kheo-ni.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ sáu yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Có người phạm trọng tội.
+ Biết người kia phạm trọng tội.
+ Có tâm che dấu.
+ Không phát lồ.
+ Để qua đêm.
Thâu-lan-giá
Can ngăn không cho các tỳ-kheo-ni nói tội ba-la-di lên đại chúng.
Đột-kiết-la
+ Che dấu tội tăng-tàn, hoặc ba-đạt-đề.
KHÔNG PHẠM
+ Trường hợp không biết.
+ Biết mà không có người để nói.
+ Biết nhưng chưa nói thì trời đã sáng.
+ Nếu nói thì sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng, đến phạm hạnh.
ĐIỀU GIỚI 8: Tùy thuận theo người bị nêu tội, chư tăng can ngăn ba lần không bỏ
Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni khác bị chúng tăng cử tội đúng như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo-ni ấy không thuận theo, không sám hối, chúng tăng chưa cho làm phép ở chung mà cô tỳ-kheo-ni lại thuận theo. Các tỳ-kheo-ni khác can rằng: “Thưa đại tỷ, tỳ-kheo-ni đó bị chúng tăng cử tội đúng như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà cô không tuân theo, không sám hối, chúng tăng chưa cho làm phép ở chung, đại tỷ chớ thuận theo”. Khi can như vậy, tỳ-kheo-ni ấy quyết không bỏ, các tỳ-kheo-ni phải can hai lần, ba lần để bỏ việc ấy. Nếu can hai lần, ba lần bỏ thì tốt, không bỏ thì tỳ-kheo-ni ấy mắc tội tùy cử, tỳ-kheo-ni ấy phạm tội ba-la-di không được ở chung.
DUYÊN KHỞI
Đức Phật ngự trong vườn Thi-la, nước Câu-thiểm-di-cù. Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội ăn riêng chúng, vào xóm làng không đúng giờ, tăng làm pháp yết ma cử tội đúng như pháp mà Xiển-đà không chịu sám hối. Tăng chưa làm yết ma cho vị ấy cộng trú. tỳ-kheo-ni Ủy-thứ qua lại giúp đỡ tỳ-kheo Xiển-đà, các tỳ-kheo-ni can ngăn Ủy-thứ không nghe theo lại trả lời rằng: “Tỳ-kheo Xiển-đà là anh tôi, lúc này tôi không cúng dường đợi đến lúc nào mới cúng dường?” Các tỳ-kheo-ni nghe việc ấy, trong đó có những vị biết hổ thẹn chê trách Ủy-thứ, sau đó bạch việc này lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch sự việc lên đức Phật. Đức Phật nhóm họp hai bộ tăng, rồi dùng vô số cách thức, lời lẽ quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ xong bảo các tỳ-kheo-ni cho phép tăng bạch tứ yết-ma quở trách Ủy-thứ. Ni chúng hãy làm phép yết-ma quở trách:
“Đại tỷ tăng chú ý nghe cho! Tỳ-kheo-ni Ủy-thứ biết tỳ-kheo Xiển-đà bị tăng cử tội đúng pháp, đúng luật, như lời Phật dạy mà không thuận theo, không sám hối, tăng chưa cho cộng trú, mà cô ấy cứ thuận theo tỳ-kheo Xiển-đà. Các tỳ-kheo-ni can gián: “Tỳ-kheo Xiển-đà bị tăng cử tội đúng pháp, đúng luật, như lời Phật dạy mà không thuận theo, không sám hối, tăng chưa cho cộng trú, chị chớ theo vị ấy” nhưng tỳ-kheo-ni ấy vẫn cố theo. Nếu tăng đến đúng lúc, xin chú ý nghe cho! Nay tăng làm yết-ma quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy. Tác bạch như vậy.
“Đại tỷ tăng chú ý nghe cho! … (như trên) khiến bỏ việc ấy. Ai bằng lòng tăng quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. (3 lần)
Tăng đã bằng lòng quở trách tỳ-kheo-ni Ủy-thứ khiến bỏ việc ấy. Tăng bằng lòng vì im lặng, việc này tôi xin ghi nhận như vậy.
Bạch tứ yết-ma xong, đến bạch tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Phật bảo các tỳ-kheo: “Nếu có tỳ-kheo-ni thuận theo tỳ-kheo-ni đã bị tăng cử tội, thì tăng cũng bạch tứ yết-ma quở trách như vậy. Giới này kết như thế.
PHẠM TƯỚNG
Ba-la-di, hội đủ tám yếu tố:
+ Tỳ-kheo-ni như pháp.
+ Tỳ-kheo-ni bị tăng cử tội chưa làm phép yết-ma cộng trú.
+ Biết rõ.
+ Thuận theo.
+ Được can ngăn.
+ Không nghe theo.
+ Can ngăn đúng pháp.
+ Ba lần yết-ma xong.
Thâu-lan-giá
+ Yết-ma lần hai xong chịu bỏ phạm ba thâu-lan-giá.
+ Yết-ma lần một xong chịu bỏ phạm hai thâu-lan-giá.
Đột-kiết-la
+ Tác bạch xong mà bỏ phạm đột-kiết-la.
+ Thuận theo lúc chưa tác bạch cả hai phạm đột-kiết-la.
+ Tỳ-kheo-ni cúng dường vật dụng phạm đột-kiết-la.
KHÔNG PHẠM
+ Mới can ngăn đã bỏ.
+ Trước khi thực hành quở trách.
II. TRỊ PHẠT NGƯỜI PHẠM BA-LA-DI
Tỳ-kheo-ni phạm vào một trong tám giới này, xét có ba trường hợp:
1. Trường hợp phạm mà che giấu
Tỳ-kheo-ni phạm tội sau đó được tăng phát hiện và tỳ-kheo-ni ấy xác nhận tội trạng (nếu che giấu thì tăng sẽ làm pháp yết-ma ức-niệm để vị ấy nhớ lại tội phạm của mình). Sau khi vị ấy xác nhận tội trạng rồi, tăng tập hợp tác pháp yết-ma đuổi hẳn ra khỏi chúng. Hiện đời người này không được xuất gia làm tỳ-kheo-ni trở lại và khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục chịu khổ thiêu đốt. Khi tác pháp xong, vị thiền chủ mời vị đó vào an ủi, khuyến khích vị đó tìm nơi thanh vắng nổ lực tụng kinh, trì chú, lễ sám hối để tội chướng sớm tiêu dần.
2. Trường hợp phạm mà phát lồ ngay
Tỳ-kheo-ni phạm một trong tám pháp ba-la-di, muốn ở lại trong Phật pháp, không muốn rời pháp phục, không có tâm che giấu, mà thực tâm phát lồ sám hối. Liền đến trước đại Tăng thanh tịnh ba phen khất cầu pháp yết-ma trừ tội. Sau khi được đại tăng yết-ma trao giới ba-la-di được gọi là “tỳ-kheo-ni học giới”. Đương sự trọn đời phải tuân theo lời chỉ giáo của chúng Tăng, mỗi việc phải tùy thuận và thực hành ba mươi lăm pháp.
Do sự thiết tha phát lồ sám hối nên có công năng ngăn cản khỏi sa vào địa ngục, tuy nhiên hiện đời vẫn phải chịu sanh tử luân hồi, không chứng được tứ thánh quả, cũng không chứng được những pháp vô lậu. Mặc dù người này cùng với chúng tăng sống chung một chỗ, nhưng vẫn cách xa muôn dặm. Chỉ được dự vào hai phép yết-ma của tăng là bố-tát và tự-tứ, nhưng đối với yết-ma bố-tát thì chỉ với tinh thần dự thính. Khi ngồi phải ngồi dưới tỳ-kheo-ni nhỏ nhất và phải cẩn mật giữ gìn tám pháp này trọn đời không cho trái phạm.
3. Trường hợp tái phạm Ba-la-di
Khi được trao học pháp ba-la-di mà phạm lại một trong tám giới trên, tăng sẽ tác pháp yết-ma đuổi hẳn ra khỏi chúng. Suốt đời không được xuất gia trở lại, sau khi chết sẽ chịu cảnh thiêu đốt khổ sở nơi địa ngục.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.16/11/2012 ).

Sa Di Giới Và Sa Di Ni Giới .
 
-o0o-

Phần Kính Phụng Di Giáo
Ý Nghĩa Của Nội Dung
Nay nên nói tổng quát về ý nghĩa nội dung của sách này, tức của 9 tiểu phẩm.
Một, kinh Di giáo nói Phật diệt độ rồi thì Giới là Thầy; Giới ấy là pháp thân còn mãi của Phật; và hành trì thì phải "bất phóng dật": đó là giáo huấn tối hậu của Phật. Hai, kinh Bát đại nhân giác thì luận Phân biệt công đức nói "bát đại nhân niệm" (Chính 25/51); tôi chắc 8 điều giác ngộ kinh này nói, vốn được tuyển tập như trường hợp kinh Pháp cú: sự quan trọng của 8 điều ấy là ở đó. Ba, văn Khuyến phát bồ đề tâm nói về chí nguyện của người xuất gia, mà quan trọng nhất là chí nguyện làm cho Phật pháp tồn tại. Bốn, Phát bồ đề tâm, giảng giải thật rõ, theo luận học, về sự phát bồ đề tâm. Năm, văn Cảnh sách thì nổi bật nhất khi nói "người xuất
gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục"; "trong lòng tự kỳ hẹn cho mình phải làm trụ cột cho Phật pháp, làm gương mẫu cho tương lai"; "cưỡng lại mà tự làm chủ tể, đừng thí thân theo tánh tình con người của mình". Sáu, Tỳ ni thì nguyện "nghịch lưu", chính nơi đời sống này mà diệu hóa nó ra, và căn bản là phải biết 5 đức tính "một là phát tâm xuất gia, vì cảm bội Phật pháp; hai là hủy bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y; ba là cát ái từ thân, vì không còn thân sơ; bốn là không kể thân mạng, vì tôn sùng Phật pháp; năm là chí cầu đại thừa, vì hóa độ mọi người. Trên đây là ý nghĩa nội dung của 6 tiểu phẩm thuộc loại "phù trì của Sa di giới và Sa di ni giới".
Bảy, Sa di luật nghi thì nói về 10 giới luật và 24 uy nghi cho Sa di. Tám, Sa di ni luật nghi thì nói về 10 giới luật và 22 uy nghi cho Sa di ni. Chín, Sa di luật nghi lục yếu cũng nói về giới luật và uy nghi cho Sa di và Sa di ni. Nhân tiểu phẩm
này, cũng nên biết danh từ Sa di mà xưa nay dùng, tôi cũng dùng, hầu hết vốn chỉ cho cấp bậc Sa di, tức gồm cả Sa di và Sa di ni. Và trên đây là nội dung ý nghĩa của 3 tiểu phẩm thuộc loại "chủ yếu của Sa di giới và Sa di ni giới".
Mục Đích Nội Dung Ấy
Mục đích chính yếu, và có thể nói là duy nhất của Sa di giới và Sa di ni giới là để trở thành Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni. Giới pháp cấp bậc Sa di đòi hỏi cấp bậc này về làm thì làm đúng phần Sa di, mà còn làm theo Tỷ kheo trong một số việc cần tập trước; về biết cũng vậy, phải biết đúng phần Sa di mà còn phải biết một số điều cần biết trước về Tỷ kheo. Sa di đối với Tỷ kheo như vậy, thì Sa di ni đối với Tỷ kheo ni, dầu còn cách cấp bậc Thức xoa, cũng vẫn phải như vậy. Vì phải là Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni mới là Tăng số, là Tăng bảo trong Tam bảo, và người xuất gia, cuối cùng, phải đứng vào Tăng số ấy.
Nhưng trách nhiệm của ai quan trọng nhất trong mục đích nói trên? Ai là người có trách nhiệm làm cho cấp bậc Sa di trở thành cấp bậc Tỷ kheo? Người đó chính là vị Thầy. Giới luật không cho ai chưa thọ đại giới mà được coi đến đại giới. Như vậy làm sao cho cấp bậc Sa di có đủ tư cách thọ đại giới, làm sao bảo đảm họ có tư cách ấy, thì đó là nhiệm vụ của vị Thầy. Khi chung thẩm về tư cách này thì chính vị thầy làm với sự cộng tác bởi 10 vị Tỷ kheo là ít nhất. Việc tự bảo đảm có tư cách thọ đại giới hay chưa, hay không, thì bản thân cấp bậc Sa di không thể tự làm mà được tín nhiệm và chấp thuận. Vị thầy quan trọng như vậy nên Ngủ phần luật nói, "Thầy thương trò như con, trò trọng thầy như cha, siêng năng dạy bảo thì có thể làm cho Phật pháp rộng ra và còn mãi" (Chính 22/110).
Tài Liệu Và Mục Lục
Tài liệu được sử dụng trong sách này khá nhiều, và được ghi rõ nơi mấy trang đầu tiên của các bản dịch giải mỗi tiểu phẩm. Nên ở đây không cần kê lại. Ở đây chỉ kê 3 tài liệu sử dụng nhiều nhất và 1 tài liệu sử dụng ít thôi, nhưng có ký hiệu cần biết trước, đó là.
Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu. Ký hiệu là Chính, thí dụ Chính 1/100, là Đại tạng ấy, tập 1, trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, nhưng sách này không ghi rõ khoảng ấy và dòngchữ.
Tục tạng kinh bản chữ Vạn. Ký hiệu là Vạn, thí dụ Vạn 1/100 là Tục tạng ấy, tập 1 tờ 100. Mỗi tờ có 2 mặt a và b, mỗi mặt có 2 khoảng trên dưới, nhưng sách này cũng không ghi rõ những chi tiết ấy.
Phật học đại từ điển của Đinh Phước Bảo. Ký hiệu là Bảo, thí dụ Bảo 100, là đại từ điển ấy, trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, và dĩ nhiên có từ. Nhưng sách này cũng không ghi những chi tiết ấy.
Phật học nghiên cứu thập bát thiên, của Lương Khải Siêu. Sách có 18 bài. Ký hiệu là Siêu 1/10, tức sách ấy, bài 1 trang 10. Nay nói đến mục lục. Đáng lẽ mục lục phải làm đủ chi tiết. Nhưng mục lục đầu 2 tập của sách này chỉ ghi tên 9 tiểu phẩm. Còn mục chi tiết thì ghi thành trang đầu tiên khi dịch giải mỗi tiểu phẩm.
Thần Chú Để Giữ Giới
Muốn giữ giới, bất cứ giới phẩm nào, Luật tạng dạy phải "thiểu dục tri túc", ít ham muốn, biết vừa đủ ; lại dạy thêm 1 hạnh nữa là "tàm quí", tự hổ thẹn, hổ thẹn người. Nay tôi xin trích 4 câu sau đây, và gọi đó là "thần chú giữ giới" - trích trong Chính 24/951:"đi như Phật đi, đứng như Phật đứng, nhìn như Phật nhìn, nói như Phật nói".
Trí Quang
Phần Kính Phụng Di Giáo
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích ca mâu ni phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới.
Kính lạy đức Thế tôn,
biển công đức vô thượng,
thương xót độ chúng sinh,
nên con xin qui mạng.
Pháp tạng sâu và sạch,
tăng tiến cho hành giả
bằng pháp thế xuất thế,
con xin lạy tất cả.
Nay con nguyện thọ trì
Pháp tạng ấy của Phật,
để biết đạo phương tiện
của Bồ tát tu tập.
Biết đạo phương tiện ấy
thì Phật pháp trường tồn,
diệt trừ lỗi phàm thánh,
thành tựu lợi tự tha.
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật.
Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn (cũng gọi là kinh Giáo huấn để lại củaPhật)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hóa độ tôn giả Kiều trần như, thuyết pháp lần cuối cùng hóa độ tôn giả Tu bạt đàla. Những người có thể hóa độ, Ngài đã hóa độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây song thọ, Ngài sắp niết bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đãvì các đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp.
Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.
Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm. Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che giấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ.
Đó là Như lai nói tóm tắt về sự giữ giới. Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như lai mệnh danh Ba la đề mộc xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ.
Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức.
Các thầy Tỷ kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp: tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.
Các thầy Tỷ kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.
Các thầy Tỷ kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực.
Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não ngủ trong tâm, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn.- Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú.
Các thầy Tỷ kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Đức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí. Tại sao, vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để tự khống chế, thế nên giận dữ thì còn có thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì thật bất đáng ; không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp.
Các thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?
Các thầy Tỷ kheo, tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy. Vì thế mà các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản.
Các thầy Tỷ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó. Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thải, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có niết bàn. Đó là hạnh ít ham muốn.
Các thầy Tỷ kheo, muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ. Chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa đủ.
Các thầy Tỷ kheo, muốn cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Đế thích và chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng, dùng "tư duy tu" mà cắt đứt gốc rễ đau khổ. Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy. Thế gian ràng buộc mà chìm ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi già mà sa xuống bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát.
Các thầy Tỷ kheo, nỗ lực tinh tiến thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tiến. Nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá. Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó mà có được. Đó là hạnh tinh tiến.
Các thầy Tỷ kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ, đều không bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí. Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm.
Các thầy Tỷ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định.
Các thầy Tỷ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Không như thế thì đã không phải xuất gia, lại không phải thế tục, không còn biết gọi là gì. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bịnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bịnh tật, là búa sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ.
Các thầy Tỷ kheo, nếu hý luận đủ thứ thì tâm trí rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí. Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận. Đó là hạnh không hý luận.
Các thầy Tỷ kheo, đối với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù. Thể hiện lòng đại bi, Như lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành. Hoặc trong rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các thầy hãy ở một cách thư thái, trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất. Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình sẽ chết đi một cách vô ích, vàsau này sẽ phải lo sợ hối hận. Như lai như vị lương y, biết bịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt,chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường.
Các thầy Tỷ kheo, đối với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng không ai chất vấn. Vì lẽ chư Tăng không có ai còn hoài nghi gì nữa. Bấy giờ tôn giả A nâu lâu đà quán sát tâm trí chư Tăng, rồi thưa với Ngài, bạch đức Thế tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật là khổ, không thể làm cho vui lên; tập là nguyên nhân của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt ; đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch đức Thế tôn, đối với bốn chân lý,các vị Tỷ kheo đây đã quyết định, không còn hoài nghi gì nữa.
Chư Tăng lúc ấy, những người tu học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt độ hãy còn bi cảm. Những người mới vào chánh pháp, nghe Phật nói liền được hóa độ, như trong đêm tối mà điện chớp sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu học đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng, đức Thế tôn diệt độ sao mà mau chóng như vậy.
Do đó, tôn giả A nâu lâu đà tuy đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt bốn chân lý, nhưng đức Thế tôn muốn làm cho tất cả đều được kiên định, nên vẫn đem tâm đại bi mà huấn dụ thêm nữa. Các thầy Tỷ kheo, không nên buồn rầu ; nếu Như lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được. Chánh pháp tự lợi lợi tha đã có đầy đủ. Như lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Ai có khả năng tiếp nhận hóa độ, thì ở trên chư thiên hay ở trong nhân loại, Như lai đã hóa độ tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận hóa độ, thì Như lai cũng đã tạo yếu tố hóa độ cho họ. Từ nay về sau, đệ tử của Như lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như lai thường trú bất diệt.
Thế nên, các thầy Tỷ kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Ngược lại, cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không một thứ chi bền bỉ. Như lai được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bịnh khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ,giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có trí tuệai lại không hoan hỷ khi trừ bỏđược thân này như trừ bỏ kẻ thù?
Các thầy Tỷ kheo, hãy thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của Như lai.
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Đệ tử chúng con
kính tụng di giáo
của đức Thế tôn
lúc sắp niết bàn.
Kinh Di giáo này
là pháp tối thượng
trong những khả năng
duy trì Phật pháp.
Đệ tử chúng con
nhờ phước quá khứ
mới được xuất gia
và tụng kinh này.
Nguyện cầu chúng con
giới hạnh an toàn,
lại cầu chư Tăng
giới pháp thanh tịnh.
Làm cho Phật pháp
tồn tại lâu dài,
tự lợi lợi tha,
chứng pháp tối thượng.
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích ca mâu ni phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.16/11/2012.

Thursday 15 November 2012

Tám pháp cung kính của vị Tỳ Kheo Ni.

 
 Khi Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajàpàtì Gotami) trở thành vị Ni đầu tiên và bà đã chấp nhận Bát Kính Pháp như là  điều kiện tiên quyết để được xuất gia.:
1. Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ cũng phải đảnh lễ một vị Tăng vừa mới thọ giới một ngày.
2. Tỳ-kheo-ni không được an cư ở một trú xứ không có chư Tăng. 
3. Chư Tỳ-kheo-ni nên cầu xin ngày nào là ngày Bố-tát và cầu  giáo giới từ chư Tăng trong mỗi  nửa tháng. 
4. Sau mùa an cư chư Tỳ-kheo-ni phải đến cầu xin tự tứ (trình 3 việc: thấy, nghe, nghi) với nhị bộ Tăng Ni. 
5. Vị Ni phạm trọng tội phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin hành pháp Ma-na-đoả trong nửa tháng. 
6. Thức-xoa-ma-na tuân giữ 6 giới trong 2 năm, muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin. 
7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.  
8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni. 
Khi Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajàpàtì Gotami) trở thành vị Ni đầu tiên và bà đã chấp nhận Bát Kính Pháp như là  điều kiện tiên quyết để được xuất gia.
Hiện nay, một vấn đề đang gây tranh luận là nội dung Bát Kính Pháp[1] được ghi lại trong Tam Tạng có giống với nội dung Bát Kính Pháp mà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã thọ nhận hay không. Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta có thể xem Bát Kính Pháp như là một cách bảo vệ trực tiếp cho chư Tỳ-kheo-ni, và là sự bảo hộ gián tiếp cho Tăng đoàn trong giai đoạn phôi thai. Chúng ta hãy nghiên cứu lại mỗi điều luật trong Bát Kính Pháp và cố gắng hiểu Bát Kính Pháp được chế định trong bối cảnh lịch sử xã hội như thế nào.
1. Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ cũng phải đảnh lễ một vị Tăng vừa mới thọ giới một ngày.
 Điều luật này nói lên Phật giáo là một hệ thống gia trưởng với bản chất miệt thị phụ nữ. Nhưng trên thực tế, điều luật này đem đến sự lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni, giúp họ làm nhỏ bé dần bản chất chấp ngã (atta) của họ. Lại nữa, Ni đoàn được thành lập sau Tăng đoàn, và đức Phật trông cậy vào chư Tỳ-kheo thông thái để giúp Ngài dạy dỗ các vị Tỳ-kheo-ni mới thọ giới. Theo luật, các vị Tỳ-kheo-ni phải cung kính Tỳ-kheo là điều hết sức hợp lý. Đức Phật không muốn chế định những điều luật mới và Ngài cũng không muốn đi ngược lại với dòng chảy của xã hội khi điều luật này cũng không có gì trái  với tinh thần căn bản của Phật giáo.
Lại nữa, đức Phật không phải là một pháp gia, Ngài luôn mở ra những biệt lệ cho các đệ tử (khai). Có một nhóm Tỳ-kheo ứng xử thiếu tư cách đối với Tỳ-kheo-ni, Ngài cho phép chư Tỳ-kheo-ni không cung kính các vị Tăng này[2].
2. Tỳ-kheo-ni không được an cư ở một trú xứ không có chư Tăng.
Trong xã hội Ấn Độ, nữ giới luôn luôn được nam giới trong gia đình bảo vệ. Cũng vậy trong Tăng đoàn, chư Tỳ-kheo như những người anh  phải bảo vệ cho Tỳ-kheo-ni như những đứa em gái của họ. Điều luật này được chế định là vì lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni.
Tuy nhiên, ở Đài Loan do hoàn cảnh xã hội khác biệt, chư Tỳ-kheo-ni đã sống tách biệt với Tăng đoàn. Chư Tỳ-kheo-ni không có nhu cầu bảo vệ của chư Tỳ-kheo.
Thật ra, Ni đoàn ở Đài Loan được thành lập vững mạnh trước đó rồi chư Tăng từ đại lục Trung Hoa mới đến Đài Loan, sau khi Trung Hoa chuyển sang chế độ Cộng Sản.
3. Chư Tỳ-kheo-ni nên cầu xin ngày nào là ngày Bố-tát và cầu  giáo giới từ chư Tăng trong mỗi  nửa tháng.
Thông thường các nghi thức Phật giáo được tổ chức theo ngày âm lịch. Tăng đoàn thường hội họp  để làm lễ yết-ma (Sanghakamma) vào mỗi nửa tháng. Để hợp lệ cho nhị bộ Tăng yết-ma trong cùng một ngày, chư Tỳ-kheo-ni phải luôn luôn thưa hỏi để biết chắc ngày cử hành lễ cho nhất quán.
Về giáo thọ sư, chỉ có một số vị Tăng nào đó được chọn làm giáo thọ để  đi đến Ni đoàn giáo giới. Chư Ni phải đi đến cầu xin giáo thọ là một việc hợp lý cần phải thực hiện.
4. Sau mùa an cư chư Tỳ-kheo-ni phải đến cầu xin tự tứ (trình 3 việc: thấy, nghe, nghi) với nhị bộ Tăng Ni.
Tự tứ là một phương cách dân chủ trong Tăng đoàn. Chư Tăng và chư Ni có thể nhắc lại những hành vi sai lầm để người làm sai có thể sửa đổi, tiến bộ và để giữ cho Tăng đoàn cộng trú trong sự hoà hợp và  thịnh đạt cho Tăng đoàn. Điều này vô cùng lợi ích cho chư Ni. Một số vấn đề chư Ni đòi hỏi phải đối trước nhị bộ Tăng Ni sám hối hoặc cầu xin thọ giới, trong khi đó chư Tăng thì không đòi hỏi vấn đề này. Điều này cũng có giá trị xuất phát từ bối cảnh xã hội và lịch sử vì chư Tăng phải bảo vệ, khuyến tấn và dạy dỗ chư Ni.  Điều này cũng không thích hợp cho chư Ni tham dự vào việc cử tội chư Tăng trong đó có một số vị thầy giáo thọ của họ.
5. Vị Ni phạm trọng tội phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin hành pháp Ma-na-đoả trong nửa tháng.
Điều luật này đề cập đến cách sám hối để phục hồi sự thanh tịnh của một người phạm tội, cho phép vị ấy trở lại Tăng đoàn. Điều này rất quan trọng, vì các vị giáo thọ trong Tăng đoàn có thể hướng dẫn và truyền trao kiến thức cho Ni đoàn.
6. Thức-xoa-ma-na tuân giữ 6 giới trong 2 năm, muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin.
Giai đoạn 2 năm tu tập là một phương tiện để cho một người nữ chuẩn bị thọ giới ở cấp độ cao hơn, đó là Tỳ-kheo-ni giới. Điều này trở thành điều kiện tiên quyết và cũng là điều chướng ngại cho những người muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni mà trong nhiều nước theo truyền thống Theravāda hiện nay không có Ni đoàn.
Nguyên nhân đầu tiên của giới này được chế định là để biết chắc rằng người nữ được thọ giới Tỳ-kheo-ni là người có đủ tiêu chuẩn được thọ giới. Một trường hợp được ghi lại trong Luật Tạng là một  phụ nữ gia nhập Tăng đoàn mà cô không biết là cô đang bị có thai. Do trường hợp đặc biệt của cô, cô được phép vẫn giữ nếp sống  của một Tỳ-kheo-ni để sinh con. Nhưng thật sự sinh hoạt của một người mẹ rất trở ngại cho cuộc sống của một nữ khất sĩ. Trong trường hợp đặc biệt trên, sau này đứa bé được cho người khác dưỡng nuôi. Do đó, người nữ, chứ không phải là người nam, cần phải tuân giữ một giai đoạn tu tập gọi là Thức-xoa-ma-na.
7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.
Điều này có lợi ích cho đời sống cộng trú hoà hợp giữa nhị bộ Tăng Ni, đặc biệt khi Tăng đoàn thành lập trước Ni đoàn và Ni đoàn phải nhờ chư Tỳ-kheo dạy dỗ.
8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni.
Điều luật này được phát sinh từ điều luật thứ nhất nhấn mạnh đến giá trị xã hội trong một giai đoạn thể hiện sự tôn kính Tăng đoàn là điều cần thiết và đem lại lợi ích cá nhân cho chư Ni.
Bây giờ chúng ta hãy bước vào một số vấn đề gây tranh luận trong Bát Kính Pháp. Người ta tin rằng đức Phật đã chế định Bát Kính Pháp cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề như là những điều luật đặc biệt. Thông thường những điều luật này cũng được Ni đoàn tuân giữ. Nhưng nếu nghiên cứu một cách tỉ mỉ chúng ta thấy rằng Bát Kính Pháp chỉ áp dụng cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề. Vì sau này 500 thể nữ thuộc dòng họ Thích-ca được các vị Tăng trưởng thượng truyền giới còn Di mẫu thì không có thọ giới từ các vị Trưởng Lão này. Chính Di mẫu đặt ra vấn đề, những điều luật Di mẫu thọ nhận có giống với những gì các thể nữ dòng họ Thích-ca hay đã thọ hay không. Di mẫu được trả lời là bà đã được truyền giới rồi qua sự tuân giữ Bát Kính Pháp[3].
Một vấn đề khác, nếu Bát Kính Pháp thật sự được chế định vào lúc đầu tiên Ni đoàn vừa mới thành lập, vì sau này Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề thưa đức Phật rằng  chư Tăng Ni có thể lễ bái tôn kính nhau theo tuổi đạo được hay không, đức Phật không chấp nhận. Sự việc này chắc hẳn xảy ra rất lâu sau khi Bát Kính Pháp đã được chế định. Nhưng Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tuân giữ Bát Kính Pháp trước đó rồi thì yêu sách chư Tăng Ni phải lễ bái và tôn kính theo tuổi đạo không còn là vấn đề nữa (Điều 1 trong Bát Kính Pháp). Sự kiện này có thể chứng minh rằng Bát Kính Pháp được hình thành rất lâu trong một tiến trình lịch sử.
Nghiên cứu nội dung của điều luật 2 trong Bát Kính Pháp, chúng ta thấy điều luật này giống với giới thứ 56 trong tụ Ba-dật-đề nói về trú xứ (Arama Vagga) trong Giới Bổn Ni. Nếu thật sự chư Ni đã tuân giữ Bát Kính Pháp rồi thì tại sao đức Phật lại chế ra một giới trong tụ Ba-dật-đề giống như nội dung của điều luật này trong Bát Kính Pháp. Tại sao điều luật này lại được lập lại như vậy?
Trong một ngữ cảnh khác, việc xuất gia của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề có thể so sánh với việc xuất gia của tôn giả  Đại Ca-diếp (Maha Kassapa). Tôn giả Đại Ca-diếp phát nguyện giữ 3 lời nguyện (Ovada), trong khi đó Di mẫu chấp nhận tuân giữ Bát Kính Pháp. Nhưng người ta có thể đưa ra một vấn đề khác sau khi khảo sát ba điều luật mà tôn giả Đại Ca-diếp tuân thủ, các điều luật này chỉ là nguyên tắc đặc biệt áp dụng dành riêng cho cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp. Ba lời nguyện của Ngài  Đại Ca-diếp được tóm tắt như sau:
1. Tôi nguyện sẽ tôn kính chư Tỳ-kheo dù tuổi đạo lớn hay nhỏ.
2. Tôi nguyện sẽ chú tâm lắng nghe thiện pháp.
3. Tôi nguyện sẽ  không màng đến thân thể.
Ba lời nguyện này được cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp thực hành khi xuất gia và tu tập suốt đời của tôn giả, nhưng Bát Kính Pháp lại được áp dụng cho toàn thể Ni đoàn.  Bát Kính Pháp tự thân nó không có một bằng chứng về quá trình hiện hữu, điều đó cho chúng ta một ý khác có thể có một Bát Kính Pháp khác mà tám điều luật này là những nguyên tắc hướng dẫn cho cách tu tập của Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề.
Điều luật thứ 6 của Bát Kính Pháp thật sự tạo ra một vấn đề liên hệ đến tiến trình lịch sử. Thượng Toạ Khantipalo (cựu trụ trì của Wat Buddharama ở Úc) là người đầu tiên chỉ ra sự khác biệt này. Theo Thượng Toạ, lần đầu tiên người nữ xin xuất gia tất cả họ được thọ giới Tỳ-kheo-ni liền. Không thể nào nói rằng đức Phật lại đặt điều kiện  phải thọ Thức-xoa-ma-na trong khi Ni đoàn chưa được thành lập.
Cấp độ thọ giới Thức-xoa-ma-na được chế định sau này khi có sự kiện một người nữ bị có thai như đã được trình bày ở trên. Đức Phật không phải là một nhà lập pháp, Ngài  chưa từng chế định một giới nào mà không có sự kiện xảy ra, mỗi giới được chế định ra là do các sự cố trong   Tăng đoàn.
Vào giai đoạn mới thành lập Tăng đoàn, tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Phật nên chế định giới luật cho chư Tăng tuân theo. Đức Phật đã từ chối vì trong thời gian ấy chưa cần thiết phải chế định ra bất cứ một giới nào và vì hầu hết chư Tăng đều là các bậc giác ngộ. Một giới được ra đời là khi có chư Tăng phạm, do đó đức Phật mới chế định để giúp chư Tăng tránh những lỗi như vậy.
Lại nữa, mỗi điều luật tự thân của nó không bao giờ hoàn hảo, nó luôn được sửa đổi và điều chỉnh nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của con người. Giới luật phải được hiểu theo tinh thần của nó để chúng ta có thể sống đúng với Luật như đức Phật muốn nhắn nhủ.

[1] Cullavagga (Tiểu Phẩm), chương X;Sacred Book of East, XX, p. 354.
[2] Sự kiện này chúng tôi chưa tìm được trong Luật Tạng hoặc trong Kinh Tạng. Nếu các độc giả tìm được dẫn chứng này trong Kinh, xin chỉ giúp (chú thích của người dịch).
[3] Sự kiện lịch sử này được ghi lại trong chương X của Cullavagga (Tiểu Phẩm)khác hẳn. Theo  sử liệu này, bà cùng năm trăm thể nữ cùng  quyết chí xuất gia đã đi bộ từ Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly  cầu xin đức Phật chấp nhận cho được xuất gia. Đức Phật đã đưa điều kiện là phải tuân thủ Bát Kính Pháp, Bà đại diện cho 500 thể nữ chấp nhận điều kiện của Phật đưa ra, lập tức  Bà và 500 thể nữ được xuất gia (chú thích của người dịch).
(Trích bản dịch của SC.TN Hiếu Liên).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.15/11/2012 ).
Tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn
Vinaya Pitaka -
Suttavibhanga
Phân Tích Giới Tỳ-khưu Ni(Bhikkhunivibhanga)
Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên
 

 



Mục Lục


Giới thiệu
[3.1] I. CHƯƠNG PĀRĀJIKA (Pārājikakaṇḍaṃ): 1. Pārājika thứ nhất: Tội xúc chạm với người nam
[1] Câu chuyện về Sāḷha cháu trai của Migāra và tỳ-khưu ni Sundarīnandā. Sự quy định
[2] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[11] Các trường hợp không phạm tội
2. Pārājika thứ nhì: Che giấu tội pārājika của vị ni khác
[12] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Sundarīnandā và tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[13] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[17] Các trường hợp không phạm tội
3. Pārājika thứ ba: Xu hướng theo tỳ-khưu tà kiến
[18] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[19] Giải nghĩa từ ngữ.
[21] Tuyên ngôn nhắc nhở. Phân tích điều học
[25] Các trường hợp không phạm tội
4. Pārājika thứ tư: Tình tứ hẹn hò với người nam
[26] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
[27] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[29] Các trường hợp không phạm tội
[30] Tổng kết chương pārājika.
[3.2] II. CHƯƠNG MƯỜI BẢY PHÁP (Sattarasakaṇḍaṃ): 1. Điều Saṅghādisesa (Tăng tàng) thứ nhất: Thưa kiện người tại gia
[31] Câu chuyện về việc tranh chấp giữa tỳ-khưu ni Thullanandā và người gia chủ. Sự quy định
[32] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[34] Các trường hợp không phạm tội
2. Điều Saṅghādisesa thứ nhì: Cho người nữ phạm tội xuất gia
[35] Câu chuyện về người vợ dòng Licchavi. Sự quy định
[36] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[39] Các trường hợp không phạm tội
3. Điều Saṅghādisesa thứ ba: tỳ-khưu ni đi một mình
[40] Câu chuyện về tỳ-khưu ni học trò của Bhaddā Kāpilānī. Sự quy định
[41] Câu chuyện về hai tỳ-khưu ni sang sông. Sự quy định thêm lần thứ nhất
[42] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định thêm lần thứ nhì
[43] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni đi phía sau. Sự quy định thêm lần thứ ba
[44] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[46] Các trường hợp không phạm tội
4. Điều Saṅghādisesa thứ tư: Làm hành sự không xin phép hội chúng
[47] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Canḍakālī. Sự quy định
[48] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[51] Các trường hợp không phạm tội
5. Điều Saṅghādisesa thứ năm: Nhận vật thực từ tay của người nam nhiễm dục vọng
[52] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Sundarīnandā. Sự quy định
[53] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[56] Các trường hợp không phạm tội
6. Điều Saṅghādisesa thứ sáu: Xúi giục vị tỳ-khưu ni khác nhận vật thực từ tay của người nam nhiễm dục vọng
[57] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Sundarīnandā. Sự quy định
[58] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[60] Các trường hợp không phạm tội
7. Điều Saṅghādisesa thứ bảy: Nói hờn dỗi về việc hoàn tục
[61] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định
[62] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[64] Tuyên ngôn nhắc nhở. Phân tích điều học
[68] Các trường hợp không phạm tội
8. Điều Saṅghādisesa thứ tám: Nói hội chúng là thiên vị
[69] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định
[70] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[72] Tuyên ngôn nhắc nhở. Phân tích điều học
[76] Các trường hợp không phạm tội
9. Điều Saṅghādisesa thứ chín: Sống thân cận với thế tục, có sở hành xấu xa
[77] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni học trò của tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[78] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[80] Tuyên ngôn nhắc nhở. Phân tích điều học
[84] Các trường hợp không phạm tội
10. Điều Saṅghādisesa thứ mười: Xúi giục các tỳ-khưu ni sống thân cận với thế tục
[85] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[86] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học
[87] Tuyên ngôn nhắc nhở. Phân tích điều học
[91] Các trường hợp không phạm tội
[92] Tổng kết chương Mười Bảy Pháp
[3.3] III. CHƯƠNG ƯNG XẢ (Nissaggiyakaṇḍaṃ): PHẦN BÌNH BÁT:
1. Điều học thứ nhất (Tích trữ nhiều bình bát):
[93] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
[94] Giải nghĩa từ ngữ. Cách thức xả bỏ bình bát phạm tội. Phân tích điều học.
[100] Các trường hợp không phạm tội
2. Điều học thứ nhì (Không chia y đến các vị tỳ-khưu ni khách):
[102] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[103] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
3. Điều học thứ ba: (Xé rách y)
[106] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[107] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
4. Điều học thứ tư (Yêu cầu vật này rồi đổi ý):
[110] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[111] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
5. Điều học thứ năm (Bảo mua vật này rồi đổi ý):
[114] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[115] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
6. Điều học thứ sáu (Bảo mua vật dụng bằng tài vật của hội chúng):
[118] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[119] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
7. Điều học thứ bảy (Yêu cầu mua vật dụng bằng tài vật của hội chúng):
[122] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
[123] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
8. Điều học thứ tám (Bảo mua vật dụng bằng tài vật của nhóm):
[126] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
[127] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
9. Điều học thứ chín (Yêu cầu mua vật dụng bằng tài vật của nhóm):
[130] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
[131] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
10. Điều học thứ mười (Bảo mua vật dụng bằng tài vật của cá nhân):
[134] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[135] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
PHẦN Y:
11. Điều học thứ nhất (Sắm tấm choàng loại dày):
[138] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[139] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
12. Điều học thứ nhì (Sắm tấm choàng loại nhẹ):
[142] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
[143] Giải nghĩa từ ngữ. Phân tích điều học. Các trường hợp không phạm tội
[146] Tổng kết chương Ưng Xả
[3.4a] IV. CHƯƠNG ƯNG ĐỐI TRỊ (Pācittiyakaṇḍaṃ): PHẦN TỎI: 1. Điều học thứ nhất (Nhai tỏi):
[147] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā.
[148] Chuyện tiền thân của tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định
2. Điều học thứ nhì (Cạo lông ở chỗ kín):
[154] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 3. Điều học thứ ba: (Việc cọ xát bằng lòng bàn tay)
[157] Câu chuyện về hai tỳ-khưu ni. Sự quy định 4. Điều học thứ tư (Áp dụng gậy ngắn bằng nhựa cây):
[160] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni nọ. Sự quy định 5. Điều học thứ năm (Việc làm sạch sẽ bằng nước):
[163] Câu chuyện về bà Mahāpajāpati Gotamī. Sự quy định 6. Điều học thứ sáu (Đứng gần phục vụ vị tỳ-khưu đang ăn):
[168] Câu chuyện về vị tỳ-khưu bị tỳ-khưu ni đánh. Sự quy định 7. Điều học thứ bảy (Lúa còn nguyên hạt):
[172] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 8. Điều học thứ tám ( Đổ bỏ vật dơ bên kia bức tường, bên ngoài hàng rào):
[175] Câu chuyện về người Bà-la-môn. Sự quy định 9. Điều học thứ chín (Đổ bỏ vật dơ lên cỏ cây xanh):
[178] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 10. Điều học thứ mười (Đi để xem vũ ca tấu nhạc):
[182] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định PHẦN BÓNG TỐI:
11. Điều học thứ nhất (Đứng chuyện trò với người nam trong bóng tối):
[185] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni và người nam. Sự quy định 12. Điều học thứ nhì (Đứng chuyện trò với người nam ở chỗ được che khuất):
[188] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni và người nam. Sự quy định 13. Điều học thứ ba: (Đứng chuyện trò với người nam ở khoảng trống)
[191] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni và người nam. Sự quy định 14. Điều học thứ tư (Đứng chuyện trò với người nam ở đường xá):
[194] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 15. Điều học thứ năm (Rời khỏi nhà gia chủ không thông báo):
[197] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni nọ. Sự quy định 16. Điều học thứ sáu (Nằm ngồi ở trong nhà không hỏi ý gia chủ):
[201] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 17. Điều học thứ bảy (Trải ra chỗ nằm ở trong nhà không hỏi ý gia chủ):
[205] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 18. Điều học thứ tám (Than phiền với vị khác):
[209] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni học trò của Bhaddāya Kāpilānī. Sự quy định 19. Điều học thứ chín (Nguyền rủa bản thân và người khác):
[213] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định 20. Điều học thứ mười (Tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc):
[217] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định
[3.4b] PHẦN LÕA THỂ: 21. Điều học thứ nhất (Lõa thể tắm):
[220] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni tắm sông. Sự quy định 22. Điều học thứ nhì (Kích thước y choàng tắm):
[223] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 23. Điều học thứ ba: (Tháo rời y của tỳ-khưu ni rồi không may lại)
[227] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 24. Điều học thứ tư (Xa y quá năm ngày):
[231] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 25. Điều học thứ năm (Mặc y căn bản của vị khác không hỏi ý):
[235] Câu chuyện về hai vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 26. Điều học thứ sáu (Ngăn cản lợi lộc về y của nhóm):
[239] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 27. Điều học thứ bảy (Ngăn cản sự phân chia y đúng Pháp):
[242] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 28. Điều học thứ tám (Cho y của sa-môn đến người tại gia và ngoại đạo):
[246] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 29. Điều học thứ chín (Để cho vượt quá thời hạn về y):
[249] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 30. Điều học thứ mười (Ngăn cản sự thâu hồi Kaṭhina đúng Pháp):
[253] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Tuyên ngôn thâu hồi Kaṭhina.
[254] Sự quy định
PHẦN DÙNG CHUNG:
31. Điều học thứ nhất (Hai tỳ-khưu ni nằm chung trên một chiếc giường ):
[258] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 32. Điều học thứ nhì (Hai tỳ-khưu ni nằm chung tấm trải tấm đắp):
[261] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 33. Điều học thứ ba: (Cố ý quấy rầy vị tỳ-khưu ni)
[265] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 34. Điều học thứ tư (Không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau):
[269] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 35. Điều học thứ năm (Lôi kéo vị tỳ-khưu ni ra khỏi nơi trú ngụ):
[272] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 36. Điều học thứ sáu (Sống thân cận với nam gia chủ với con trai gia chủ):
[276] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định
[277] Giải nghĩa từ ngữ. Tuyên ngôn nhắc nhở.
37. Điều học thứ bảy (Đi du hành trong quốc độ có sự nguy hiểm và kinh hoàng):
[283] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 38. Điều học thứ tám (Đi du hành ngoài quốc độ (ở nơi) có sự nguy hiểm và kinh hoàng):
[286] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 39. Điều học thứ chín (Đi du hành trong mùa (an cư) mưa):
[289] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 40. Điều học thứ mười (Sau mùa an cư không ra đi du hành):
[292] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni ở thành Rājagaha. Sự quy định
[3.4c] PHẦN NHÀ TRIỂN LÃM TRANH: 41. Điều học thứ nhất (Đi để xem nhà triển lãm tranh):
[295] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 42. Điều học thứ nhì (Sử dụng ghế cao và ghế nệm lông thú):
[298] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 43. Điều học thứ ba: (Xe chỉ sợi)
[301] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 44. Điều học thứ tư (Phục vụ người tại gia):
[304] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 45. Điều học thứ năm (Không giải quyết sự tranh tụng):
[306] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 46. Điều học thứ sáu (Cho vật thực đến người tại gia):
[311] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 47. Điều học thứ bảy (Sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ):
[314] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 48. Điều học thứ tám (Ra đi du hành khi chưa xả bỏ chỗ trú ngụ):
[318] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 49. Điều học thứ chín (Học tập kiến thức nhảm nhí):
[322] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 50. Điều học thứ mười (Dạy kiến thức nhảm nhí):
[325] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định PHẦN TU VIỆN:
51. Điều học thứ nhất (Đi vào tu viện không báo trước):
[328] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định lần thứ nhất.
[329] Sự quy định thêm lần thứ nhất. Sự quy định thêm lần thứ nhì.
52. Điều học thứ nhì (Mắng nhiếc hoặc nguyền rủa tỳ-khưu):
[334] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 53. Điều học thứ ba: (Bị kích động rồi chửi rủa nhóm)
[338] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định 54. Điều học thứ tư (Thọ thực xong lại thọ thực ở nơi khác):
[342] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 55. Điều học thứ năm (Bỏn xẻn về gia đình):
[346] Câu chuyện về vị tỳ-khưu nọ. Sự quy định 56. Điều học thứ sáu (Mùa (an cư) mưa tại trú xứ không có tỳ-khưu):
[349] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 57. Điều học thứ bảy (Không thực hiện lễ Pavāraṇā ở cả hai hội chúng):
[352] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 58. Điều học thứ tám (Không đi giáo giới):
[355] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 59. Điều học thứ chín (Không hỏi về lễ Uposatha và không thỉnh cầu sự giáo giới):
[358] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 60. Điều học thứ mười (Cùng người nam nặn mụt nhọt ở phần dưới thân):
[361] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni nọ. Sự quy định
[3.4d] PHẦN SẢN PHỤ: 61. Điều học thứ nhất (Tiếp độ người nữ mang thai):
[364] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 62. Điều học thứ nhì (Tiếp độ người nữ còn cho con bú):
[368] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 63. Điều học thứ ba: (Tiếp độ cô ni tu tập sự chưa thực hành sáu pháp)
[372] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 64. Điều học thứ tư (Tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được hội chúng chấp thuận):
[376] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 65. Điều học thứ năm (Tiếp độ người nữ đã kết hôn khi chưa đủ mười hai tuổi):
[380] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 66. Điều học thứ sáu (Tiếp độ người nữ đã kết hôn khi tròn đủ mười hai tuổi chưa thực hành điều học thuộc về sáu pháp trong hai năm):
[384] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 67. Điều học thứ bảy (Tiếp độ người nữ đã kết hôn khi tròn đủ mười hai tuổi đã thực hành điều học thuộc về sáu pháp trong hai năm chưa được hội chúng chấp thuận):
[388] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 68. Điều học thứ tám (Sau khi tiếp độ người nữ đệ tử không dạy dỗ):
[392] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 69. Điều học thứ chín (Không hầu cận thầy tế độ trong hai năm):
[395] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 70. Điều học thứ mười (Sau khi tiếp độ người nữ đệ tử lại không cách ly khiến chồng bắt lại):
[398] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định PHẦN THIẾU NỮ:
71. Điều học thứ nhất (Tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi):
[401] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 72. Điều học thứ nhì (Tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành điều học thuộc về sáu pháp trong hai năm):
[405] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 73. Điều học thứ ba: (Tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành điều học thuộc về sáu pháp trong hai năm chưa được hội chúng chấp thuận)
[409] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 74. Điều học thứ tư (Tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm thâm niên):
[413] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 75. Điều học thứ năm (Tiếp độ khi tròn đủ mười hai năm thâm niên nhưng chưa được hội chúng đồng ý ):
[416] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 76. Điều học thứ sáu (Tiến hành việc phê phán hội chúng tỳ-khưu ni):
[420] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Caṇḍakālī. Sự quy định 77. Điều học thứ bảy (Bảo dâng y rồi hứa hẹn tiếp độ nhưng không tiếp độ):
[423] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 78. Điều học thứ tám (Bảo hầu cận rồi hứa hẹn tiếp độ nhưng không tiếp độ):
[426] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 79. Điều học thứ chín (Tiếp độ cô ni tu tập sự nhẫn tâm gây sầu khổ người khác):
[429] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 80. Điều học thứ mười (Tiếp độ cô ni tu tập sự không được cha mẹ và người chồng cho phép):
[432] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 81. Điều học thứ mười một (Tiếp độ cô ni tu tập sự với sự chấp thuận của các tỳ-khưu phạm tội):
[435] Câu chuyện về tỳ-khưu ni Thullanandā. Sự quy định 82. Điều học thứ mười hai (Tiếp độ hàng năm):
[438] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 83. Điều học thứ mười ba (Tiếp độ hai người trong một năm):
[441] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
[3.4e] PHẦN THIẾU NỮ: 84. Điều học thứ nhất (Sử dụng dù dép):
[444] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[445] Sự quy định thêm
85. Điều học thứ nhì (Đi xe):
[449] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[450] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
86. Điều học thứ ba (Mang váy):
[454] Câu chuyện về tỳ-khưu nọ. Sự quy định 87. Điều học thứ tư (Mang đồ trang sức của phụ nữ):
[457] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 88. Điều học thứ năm (Tắm bằng vật thơm và có màu sắc):
[460] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 89. Điều học thứ sáu (Tắm bằng bã dầu mè có tẩm hương):
[463] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 90. Điều học thứ bảy (Bảo tỳ-khưu ni xoa bóp và chà xát cơ thể):
[466] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 91, 92, 93. Điều học thứ tám, chín, mười (Bảo cô ni tu tập sự, sa-di ni, người nữ tại gia xoa bóp và chà xát (cơ thể):
[469] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định 94. Điều học thứ mười một (Ngồi xuống ở phía trước tỳ-khưu không hỏi ý):
[472] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 95. Điều học thứ mười hai (Hỏi câu hỏi ở vị tỳ-khưu chưa được thỉnh ý trước):
[476] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định 96. Điều học thứ mười ba (Không mặc áo lót đi vào làng):
[480] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni nọ. Sự quy định
[483] Tổng kết chương Ưng Đối Trị. Bài kệ tóm lược.

V. CHƯƠNG ƯNG PHÁT LỘ (Pāṭidesanīyakaṇḍaṃ): 1. Điều học thứ nhất (Yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng):
[484] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[485] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
2-8. Điều học thứ nhì ... Điều học thứ tám (Yêu cầu mật ong ... đường mía ... cá ... thịt ... sữa tươi ... sữa đông rồi thọ dụng):
[489] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[490] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
[494] Tổng kết chương Ưng Phát Lộ.

VI. CHƯƠNG ƯNG HỌC PHÁP (Sekhiyakaṇḍaṃ):
[495] Điều học về mặc y nội tròn đều: Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định (Có sự thu gọn)
[498] Điều học về đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước: Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[499] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
[502] Tổng kết chương Ưng Học Pháp.

VII. CHƯƠNG CÁC PHÁP DÀN XẾP TRANH TỤNG (Adhikaraṇasamathā dhammā):
[503] Giới thiệu bảy pháp dàn xếp bốn loại tranh tụng.
[504] Tổng kết Bộ Phân Tích Giới Tỳ-khưu Ni.

-ooOoo-

PHẦN GIỚI THIỆU


*****



Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga) là phần thứ hai của bộ Phân Tích Giới Bổn (Suttavibhaṅga) thuộc về Tạng Luật (Vinayapiṭaka), phần thứ nhất là Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhaṅga) được trình bày với tên gọi là Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga).

Tổng cộng điều học của các tỳ khưu ni gồm có 311 điều được phân chia như sau:

1/- 8 Pārājika (bất cộng trụ)
2/- 17 Saṅghādisesa (tăng tàng)
3/- 30 Nissaggiya Pācittiya (ưng xả đối trị)
4/- 166 Pācittiya (ưng đối trị)
5/- 8 Pāṭidesanīya (ưng phát lộ)
6/- 75 Sekhiya (ưng học)
7/- 7 Adhikaraṇasamathā Dhammā (các pháp dàn xếp tranh tụng).

Tuy nhiên chỉ có những điều học quy định riêng (asādhāraṇapaññatti) được trình bày trong tập này, còn những điều quy định chung cho tỳ khưu và tỳ khưu ni (sādhāraṇapaññatti) cần phải xem ở Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhaṅga). Ngài Buddhaghosa trong Chú Giải Tạng Luật Samantapāsādikā đã giúp chúng ta xác định những điều học chung này, tuy nhiên thứ tự các điều học trong giới bổn đầy đủ của các tỳ khưu ni được trình bày như thế nào không thấy ngài đề cập đến.

Sau khi hoàn tất phần nghiên cứu tài liệu này, chúng tôi có lưu ý một số vấn đề như sau:

1/- Tỳ khưu ni không có phần giới aniyata (bất định). Tỳ khưu và tỳ khưu ni đều có 30 điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), tuy có số lượng giống nhau nhưng một số điều học lại khác nhau, 75 điều sekhiya (ưng học) và 7 pháp dàn xếp tranh tụng hoàn toàn giống nhau.

2/- Đức Phật quy định các điều học cho các tỳ khưu ni thông qua các tỳ khưu. Mỗi khi có sự việc sanh khởi, các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc cho các tỳ khưu rồi các tỳ khưu mới trình lên đức Phật. Khi đức Phật quy định điều học, ngài cũng quy định gián tiếp qua các tỳ khưu: "... Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này ..." Cũng nên lưu ý về thể của động từ sử dụng trong lời nói của đức Phật: Động từ "uddissantu" trong trường hợp của các tỳ khưu ni thuộc mệnh lện cách hàm ý sự chỉ thị, sự ra lệnh, nên được dịch là "hãy," còn "uddisseyyātha" áp dụng cho các tỳ khưu thuộc giả định cách có ý nghĩa khuyên bảo nhẹ nhàng được dịch là "nên;" chúng tôi chưa tìm ra được lý giải về văn phạm cho điểm này, cũng có thể việc nói gián tiếp hay trực tiếp là lý do của sự khác biệt này. Và trong các câu chuyện ở Tạng Luật, dường như chỉ có bà Mahāpajāpati Gotamī là chủ động thưa chuyện cùng đức Phật, còn các tỳ khưu ni chỉ lắng nghe và trả lời mỗi khi đức Phật hỏi đến.

3/- Các tỳ khưu ni khi đến với đức Phật đều đứng cho dù nghe Pháp. Điều này được ghi nhận ở các đoạn văn "... rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên..." Và khi từ giã đức Phật, chỉ có phần mô tả việc các tỳ khưu ni đảnh lễ đức Phật, hướng vai phải nhiễu quanh và ra đi, không có đoạn "... từ chỗ ngồi đứng dậy..." Riêng đối với các tỳ khưu, vị tỳ khưu ni cần phải xin phép khi ngồi xuống ở phía trước (pācittiya điều 94).

4/- Tội quy định cho tỳ khưu thường được giảm nhẹ so với các tỳ khưu ni trong khi cả hai đều thực hiện hành động phạm tội giống nhau. Ví dụ như việc che giấu tội pārājika của vị khác, tỳ khưu phạm pācittiya (ưng đối trị) điều 64 tỳ khưu ni lại phạm pārājika (bất cộng trụ) điều 2, hoặc vị xu hướng theo tà kiến và vẫn không dứt bỏ sau khi được nhắc nhở, tỳ khưu phạm pācittiya (ưng đối trị) điều 68 còn tỳ khưu ni phạm pārājika (bất cộng trụ) điều 3, v.v...

5/- Tuy nhiên, tỳ khưu ni cũng được 2 điều giảm nhẹ là chỉ hầu cận ni sư tế độ 2 năm trong khi tỳ khưu tối thiểu phải 5 năm hoặc hơn và tỳ khưu ni không phải hành parivāsa khi phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng), bù lại phải thực hành mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng (trong khi đó tỳ khưu phải hành parivāsa tùy theo số ngày che giấu và chỉ 6 đêm mānatta). Phải chăng điều này chứng tỏ bản chất người nữ không biết giấu diếm tội của bản thân nên hành phạt parivāsa không cần thiết?

6/- Vấn đề xuất gia cho người nữ có phần phức tạp hơn, ví dụ như ni sư tế độ phải 12 năm thâm niên (so với tỳ khưu chỉ 10 năm), mỗi năm chỉ có thể cho tu lên bậc trên 1 nữ đệ tử (không thấy quy định cho tỳ khưu). Sau khi cho tu lên bậc trên xong, cần phải di chuyển vị tân tỳ khưu ni đi xa để tránh trường hợp người chồng bắt lại (pācittiya điều 70).

7/- Về phần giới tử ni muốn tu lên bậc trên phải có sự cho phép của cha mẹ và người chồng (đã xuất giá vẫn còn lệ thuộc vào cha mẹ), phải tròn đủ hai mươi tuổi, đã thực hành sáu pháp trong hai năm, và sự truyền pháp tu lên bậc trên cần được tiến hành lần lượt ở cả hai hội chúng. Giới tử ni được chia làm hai hạng: Kumārībhūtā có thể hiểu là hạng người nữ chưa có sự tiếp xúc thể xác với người nam và hạng thứ nhì là Gihigatā (nghĩa là người nữ đã đi đến nhà) được dịch là người nữ đã kết hôn; ở phần giải nghĩa từ ngữ ghi là "người nữ đã đi đến ở giữa (những) người nam" (lối nói bóng bẩy của sự tiếp xúc thể xác với người nam). Nếu vị tỳ khưu ni cho tu lên bậc trên hạng người nữ gihigatā chưa đủ 12 năm (ūnadvādasavassā) thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) điều 65. Nên hiểu như thế nào về việc chưa đủ 12 năm? Học giả I. B. Horner lý luận lòng vòng về vấn đề này: Là kém 12 tuổi? Hay kết hôn chưa đủ 12 năm? Lời giải thích của ngài Buddhaghosa cũng không soi sáng được vấn đề. Chúng tôi đã suy nghĩ về lời giải thích của đức Phật về lý do không thể cho tu lên bậc trên hạng người nữ này khi chưa đủ 12 năm "không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, ..." và hiểu theo nghĩa đơn giản của lời giải nghĩa từ ngữ ở trên: người nữ "có sự tiếp xúc thể xác với người nam" khi bản thân chưa đủ 12 tuổi. Do thể chất và tâm lý của người nữ vào lứa tuổi ấy chưa được chuẩn bị đầy đủ nên việc người nam xâm phạm tiết hạnh sẽ gây ra những tác hại về tâm sinh lý khiến khả năng chịu đựng của hạng người nữ ấy bị kém đi (Dịch giả I.B. Horner cho biết rằng ở Ấn Độ có những địa phương vẫn duy trì tập tục cưới gả các cô gái lúc còn 8 tuổi).

8/- Xã hội Ấn Độ thời đó có vẻ rất nguy hiểm đối với nữ giới qua những sự việc bất trắc xảy ra cho các tỳ khưu ni đi riêng lẻ hay nhóm.

9/- Vấn đề thâu hồi Kaṭhina lại được tìm thấy ở bộ Luật này (pācittiya điều 30, [253]) thay vì được kết tập ở chương Kaṭhina (Đại Phẩm – Mahāvagga, chương VII).

Chúng tôi chỉ liệt kê một số vấn đề nổi bật đã được đánh dấu trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn có các thắc mắc như sau:

1/- Phải chăng bộ Luật chúng ta đang nghiên cứu ở đây đã được rút gọn lại? Hay nói cách khác, phải chăng có một bộ Luật được kết tập đầy đủ cho tỳ khưu ni để tiện việc học tập? Theo Đại Phẩm - Mahāvagga, vào ngày lễ Uposatha các tỳ khưu không được đọc tụng giới bổn Pātimokkha khi có sự hiện diện của vị tỳ khưu ni (chương II, [201]). Như thế, các tỳ khưu ni đã đọc tụng riêng theo như ở lời mở đầu và kết thúc của mỗi loại điều học, hoặc ở lời kết thúc giới bổn đã xác định rõ. Ngoài ra, cần phải có sự chuyển đổi về văn tự ở các điều học đã được quy định chung, ví dụ ở điều pārājika thứ nhất phải đọc "yā pana bhikkhunī" thay vì đọc "yo pana bhikkhu," "antamaso tiracchānagatena" thay vì "antamaso tiracchānagatāya" v.v... cho thấy việc lưu truyền một bộ giới bổn đầy đủ của các tỳ khưu ni là hợp lý. Nếu chấp nhận giả thiết như vậy, phải chăng bộ Luật của tỳ khưu ni đã được rút gọn lại sau khi sự tồn tại của các tỳ khưu ni không còn nữa? Vào thời gian nào?

2/- Ngoại trừ một số sinh hoạt của các tỳ khưu ni qua các câu chuyện, chúng tôi vẫn không nghiệm ra được các hành sự của các tỳ khưu ni đã được tiến hành như thế nào? Ví dụ như các tỳ khưu ni tụng đọc giới bổn vào lúc nào trong ngày lễ Uposatha? Trước hay sau khi đi nghe giáo giới? Ni viện có xác định ranh giới (sīmā) riêng hay không? Nếu có, các tỳ khưu ni sẽ tự thực hiện lấy hay cần phải có sự giúp đỡ của các tỳ khưu? Trong lúc tra cứu cách giải quyết cho một số vấn đề, chúng tôi đã không tìm được lời giải thích của ngài Buddhaghosa hoặc lời giải thích không rõ ràng. Chúng tôi tự hỏi rằng: Phải chăng ngài đã không có sự tham khảo với các tỳ khưu ni thời đó? Hay nói theo sự suy diễn là không còn sự sinh hoạt của tỳ khưu ni vào thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên ở đảo Laṅkā?

Nếu xem xét kỹ lưỡng hai bộ Luật của tỳ khưu và tỳ khưu ni, chúng ta có thể tìm ra những sự khác biệt về tâm lý giữa hai giới tính đã được đức Phật nghiệm ra bằng sự tu chứng và giác ngộ của bản thân, trong khi hiện nay môn Tâm Lý Học phải tốn nhiều công sức với các sự nghiên cứu để tìm ra nguyên lý và áp dụng vào thực tế. Chúng tôi nghĩ rằng còn nhiều vấn đề lý thú khác mà bản thân chúng tôi đã bỏ sót hay không đủ khả năng để phát hiện.

*

Bản dịch Phân Tích Giới BổnSuttavibhaṅga của chúng tôi được thực hiện và trình bày theo văn bản Pali La tinh từ Compact Disk BUDSIR IV của trường đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Phần mục lục chúng tôi thực hiện theo các chữ số đánh dấu ở đầu mỗi vấn đề; trình bày theo cách này sẽ giúp quý vị tiết kiệm được thời gian trong việc xác định vấn đề cần tham khảo. Tuy đã nỗ lực tối đa nhưng chúng tôi biết rằng bản dịch này vẫn còn nhiều sai sót, rất mong nhận được những sự chỉ dạy và ý kiến đóng góp của quý vị. Xin email về: dinda@u.washington.edu

Xin chân thành ghi nhận công đức của Thượng Tọa Tiến Sĩ Bửu Chánh về CD Tam Tạng BUDSIR IV. Chúng tôi cũng xin tán dương công đức của Đại Đức Giác Hạnh về CD Tam Tạng Chattha Saṅgāyana, đồng thời đã cho mượn dài hạn các bản dịch tiếng Anh của Cô I. B. Horner. CD Buddhasāsanā quà biếu của Dr. Bình Anson đã đóng góp phần công đức không nhỏ với hai bản dịch từ Hán tạng: Luật Tỳ-khưu ni bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang và Luật Ma-ha Tăng-kỳ của Pháp sư Phật-đà Bạt-đà-la (Thích Phước Sơn dịch).

Chúng tôi cũng xin ghi nhận sự ủng hộ nhiệt tình của Đại Đức Hộ Phạm đã hy sinh nhiều thời gian cùng chúng tôi suy nghĩ để tìm ra phương thức giải quyết cho những điểm khó về văn phạm cũng như từ ngữ. Cũng cần nhắc đến các sự ủng hộ và lời động viên thăm hỏi của các vị: Ven. Chánh Minh, Ven. Cittānanda, Ven. Khánh Hỷ, Ven. Chánh Kiến, Dr. Bình Anson, bà Diệu Đài, anh Phạm Trọng Độ, đạo hữu Lương Xuân Lộc, chú Nguyễn Hữu Danh, gia đình Nguyễn Ngọc Vivian, gia đình Lê Thị Tích, cô Trần Liêng. Không có sự khích lệ của quý vị, bản dịch này không thể hoàn thành. Mong sao các ước nguyện của quý vị sẽ được thành tựu như ý và nhanh chóng y như việc chúng tôi đã hoàn tất bản dịch này.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư tỳ khưu chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc học tập và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.15/11/2012 ).